Thursday, January 24, 2013

GIỚI THIỆU THƠ của THI-SĨ TẠ KÝ - Phương Duy TDC




Cuộc sống của nhà thơ TẠ KÝ đã phải trải qua nhiều nổi buồn phiền liên tiếp.
 Khi sinh ra ở tận đầu nguồn sông Thu Bồn, một bên núi thật cao, một bên sông rất rộng nên con người của anh tự cảm thấy nhỏ nhoi và cô đơn buồn bã.
 Lớn lên chàng trai phải sớm rời gia đình đi trọ nhà thầy giáo để học tại tỉnh Quảng Ngãi xa xôi, rồi sau đó chạy tản cư vào xứ Bình Định, trở về Quảng Nam chưa được bao lâu lại phải vượt đèo Hải Vân ra Huế tiếp tục đèn sách thui thủi một mình, sau đó vào Saigon dạy học, rồi đi tù cải tạo, ra tù lại cho vợ và hai con vượt biên tìm tự do….thi sĩ lại tiếp tục cô đơn nên chàng phải dùng rượu để giải sầu. Chàng thường  uống mỗi lần từng két rượu bia mới đã và quên cơn sầu.
<!-- Read more -->

Khi rượu vào, những vần thơ được sinh ra và làm cho người đọc thưởng thức sự tuyệt vời của thi ca.
Đời sống của thi sĩ tuy ngắn ngủi nhưng nhà thơ cũng để lại vài  tập thơ cho đời, mà là  “thơ đáng gọi là thơ”:
- năm 1970 ông xuất bản tập thơ SẦU Ở LẠI (đã đoạt giải thơ của Tổng Thống VNCH)                               -năm 1973 tập thơ thứ hai  ra đời CÔ ĐƠN CÒN MÃI, có nhiều người mê thơ ông chưa kịp đọc thì tập thơ bị chế độ mới xóa sổ khi thi sĩ TẠ KÝ vào tù cải tạo năm 1975 và  khi vừa ra khỏi “nhà tù nhỏ”năm 1977 để rồi vào “nhà tù lớn”cùng với toàn dân sinh sống trước 1975 ở miền nam tự do của  nước Việt, ông qua đời vào cuối năm 1979 trong cô độc, không vợ con,bạn bè bên cạnh tại An Giang, một vùng đất xa xôi tận miền namnước Việt.
Ông sinh ra tại Quảng Nam, một thời gian sống  ở Huế, Saigon rồi chết ở An Giang và mãi 22 năm sau mới được cải táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức nằm bên cạnh mộ phần của người bạn cùng xóm, cùng quê làng Trung Phước,bên dòng sông Thu Bồn quận Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam là Thi sĩ BÙI-GIÁNG tức “Trung niên thi sĩ”.


***

CHUYỆN BUỒN

Rồi những chuyện thần tiên bên xó bếp
Chẳng làm mê lứa tuổi đã ba mươi
Thầm ước ao thay đổi một chân trời,
Không thắp nến để tưởng rằng ánh sáng.
Quỳ mỏi gối nguyện cầu về dĩ vãng,
Thuở xa nào em gái nụ mười lăm
Giấc tiền thân sánh phượng một đêm rằm,
Xếp tình sử, gấp tay ngà làm gối.
Tuy thân thiết, nhưng không hề tội lỗi,
Yêu say mê, chẳng tính chuyện vuông tròn,
Bởi vì yêu nên trốn bớt cô đơn,
Mà trói buộc làm phiền nhau biết mấy!
Chàng trai trẻ mơ phượng hoàng sẽ gáy,
Thời hoàng kim cửa mở suốt năm canh,
Có vì vua từ trong đám dân lành
Trốn không được đành lên ngôi cửu ngũ,
Luật pháp bỏ, dẹp luôn oai cuồng vũ,
Giếng đào đi, ruộng cày lấy mà ăn.
Nhưng buồn thay là những việc trên trần,
Thế Chiến Quốc sao bày ra lắm thế?
Có kẻ yêu nhau vội vàng quá nhẽ
Trao tờ thư, để ngỏ cửa khuê phòng,
Mà ái tình bốn vó ngựa truy phong!
Lứa tuổi ba mươi đời chưa vui mấy,
Buồn thương dạt dào cười mà lệ chảy:
Chuyện tài hoa người lớn chẳng thèm nghe,
Chuyện thần tiên con trẻ chẳng say mê
Nên chuyện buồn nước mắt ngập tràn mi.

***

THÊM BUỒN


(tặng Lê Khắc Lý)

Tôi sẽ chết dễ dàng hơn đã sống,
Mắt không buồn vì nhắm đến muôn thu
Con chim nào xanh, giấc mộng nào hư,
Lời bay bướm lặng dần vào dĩ vãng,
Ba mươi đến khỏi lo tiền cơm tháng!
Cô mỉm cười, cô có biết gì đâu!
Tôi từng nghe chó sủa suốt đêm thâu,
Và chim hót suốt mùa đông lạnh lẽo.
Ôi con chim hồng từng bay lạc nẻo,
Đường về trái tim hun hút thời gian.
Thuở xưa kia người ấy đẹp tuyệt trần,
Cao nguyên ngực, Thái Bình Dương mắt biếc,
Anh đào môi, tóc trường giang quán riết
Tháp da ngà chưa một bong du lang.
Tôi tới bên ai lời nói ngập ngừng…
Ốc đảo chập chờn giữa trưa sa mạc,
Gót ngoc quay đi, một người chết khát!
Thuở xưa kia thời mười tám hai mươi,
Có chàng trai cười vẫn nở trên môi
Tin tưởng lắm chuyện trên trời dưới đất
Nhân Ái, Công Bình, Yêu Đương, Bất Khuất
Viết chữ hoa trong óc trẻ mười lăm!
Khi ba mươi biết chuyện xưa lầm
Thì đau khổ đã hằn trên trán nhỏ,
Thì uất hận vạch trời nhưng chẳng tỏ
Rồi cô đơn như một kẻ chăn cừu
Trên đồi cao nhìn tinh tú luân lưu.
Tôi hốt hoảng như một người phạm tội,
Tôi muốn chạy mà đường nghẽn lối.
Chúa thời xa, Phật cao vút từng không,
Phật tại tâm nhưng tâm đã bềnh bồng,
Tiếng chuông Chúa không  ru hồn kẻ khổ
(Một chiếc linh hồn  mang mang thiên cổ)
Tôi tới bên em quỳ xuống nguyện cầu,
Em đẹp vô vàn như hạt trân châu,
Ai yêu mến mà không hề nói quá!
Nhưng than ôi em không là tượng đá
Đội thời gian nhìn nhung74 thế nhân qua.
Tôi làm thơ để mang tiếng tài hoa,
Mà vần điệu chỉ là châu ngọc hão!
Thương vớ vẩn tự mình gây gió bão,
Trách vu vơ mà chẳng trách mình ngu,
Thời loạn ly khởi sự tư bao giờ!
Tôi sẽ chết vô duyên như đã sống,
Đất nghĩa trang có chắc chi còn rộng,
Đâu biết nằm đầu sẽ hướng phương nào?
Nghĩ thêm buồn cho câu chuyện mai sau.


***

ĐIỆU BUỒN XỨ NÚI

(Tặng Thanh Trúc)


Cao nguyên buồn rũ sương chiều,
Gió e ấp gió, cây đìu hiu cây.
Người lên đày xứ xa này
Ngoảnh đi đô thị còn say dặm về.
Càng lên càng lạnh bốn bề,
Nào đâu luân vũ đêm hè năm xưa?
Giữa trời sao nắng chẳng về,
Càng say khói thuốc, càng tê môi sầu.
Ga bên vẳng tiếng còi tàu,
Phải đây sa mạc pha màu thiên thanh?
Không ai tiễn buổi lâm hành,
Ba mươi mấy tuổi trơ vành mắt sâu!


***


(Tặng Tôn Thất Trung Nghĩa) 

Buồn như ly rượu cạn,
Không còn rượu cho say
Buồn như ly rượu đầy,
Không còn một người bạn.

Buồn như đêm khuya vắng,
Qua cửa sổ trông trăng.
Buồn như em nói rằng:
Nhớ anh từng đêm trăng.

Buồn như yêu không được,
Dù người yêu có thừa.
Buồn như mối tình xưa,
Chỉ còn dòng lưu bút.

Buồn như buồn như thế,
Buồn như một kiếp người.
Đây cõi lòng quạnh quẽ
Buồn như đóa hoa rơi!


Bài thơ này đã được nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc thành nhạc phẩm Buồn !.
( do Tuấn Ngọc trình bày)

***

Trong âm nhạc chúng ta đã từng thưởng thức bản TRISTESSE (Nhạc sầu) bất hủ của nhạc sĩ Pháp/Ba lan Fédéric CHOPIN (1810-1849), trong văn chương đã đọc xong BONJOUR TRISTESSE (Buồn ơi! Chào mi!) của nữ văn sĩ Pháp FRANCOISE SAGAN (1935-2004) thì trong thi ca Việt Nam chúng ta cũng gặp đã  trong “Sầu ở lại”, “Cô đơn còn mãi” của TẠ KÝ, “ Điêu Tàn” của CHẾ LAN VIÊN, “Thơ Thơ” của XUÂN DIỆU, “Lửa Thiêng” của HUY CẬN với những vần thơ sầu bất hủ và vô tận!.
Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, những chuyện VUI sẽ qua mau, chỉ có SẦU mới tồn tại trong bộ nhớ lâu nhất.
Vì thế nhà thơ nổi danh tiền chiến HUY-CẬN đã viết: “Tình đi mau,sầu ở lại lâu dài.”

©PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG
December 3-2012

No comments:

Post a Comment