Friday, March 30, 2012

GIÃ TỪ VŨ KHÍ - Bút ký của HUY VĂN


(Chân thành cảm ơn:
-Trung Tá Hoàng Phổ, Liên Đoàn Phó Liên Đoàn 12 Biệt Động Quân,
- Đại úy Nguyễn Trung Tín, Y Sĩ Trưởng Liên Đoàn12 Biệt Động Quân
- Đại úy Trần Văn Quy, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 37/Liên Đoàn 12 Biệt Động Quân
đã bổ sung chi tiết liên quan đến thời gian, vị trí, những lần giao tranh, hành trình chuyển quân và sinh hoạt của Liên Đoàn 12 Biệt Động Quân trong tuần lễ từ 23- 03 đến 29- 03- 1975)
Kính dâng hương linh Trung Tá Nguyễn Văn An, Quyền Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 12 BĐQ, người đã hai lần vượt ngục, bị bắt, và bị cộng sản hành quyết tại trại tù Thanh Hóa .
Kính dâng anh linh tử sĩ của Chiến Hữu các cấp thuộc Liên Đoàn 12 BĐQ
<!-- Read more -->
 
 
Thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín, ngày Chúa Nhựt 23- 03- 1975
Sáng. Theo Trưởng Ban 4 vào Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 2 BB. Cuộc tiếp xúc thật nhanh, gọn vì không có kết quả như mong đợi. Con ai người nấy lo. Yêu cầu tiếp liệu cho đơn vị tăng phái lúc nào cũng phải nhường ưu tiên cho cơ hữu của sư đoàn, nhứt là Trung Đoàn 5. Họ đang đụng nặng không kém.
 
Trưa. Theo đoàn xe tải đạn vào vị trí của pháo đội mà lòng buồn vô hạn. Những lời an ủi và giải thích, dù được người Pháo Đội Trưởng vui vẻ đón nhận, cũng chỉ để che dấu một thực trạng đau lòng : Quân đội không đủ đạn cho chiến trường!  Bữa ăn thanh đạm với Đại Úy Phương bị ngắt khoảng liên tiếp vì anh phải lên máy theo dõi tác xạ của 4 khẩu 105 ly. Tiếng pháo kích của địch, tiếng phản pháo của ta, tiếng rè rè của máy PRC-25, tiếng nói như hét khi liên lạc, tạo thành một thứ âm thanh hỗn tạp nhưng đặc thù của đời lính trận.
 
- Cánh 37 đang đụng nặng. Anh Phương buông máy, nói vội. Mình vừa ra lịnh ưu tiên cho Đại Đội 3. Ông Vương coi bộ mệt dữ. Thôi. Ăn tiếp đi Huy.
 
Cổ họng tôi đắng nghét. Cảm giác không khác gì đang nằm với trung đội ngoài kia. Vương Vũ đúng là cô đơn quá. Mấy thằng em bây giờ chẳng còn ai bên cạnh. Lê Văn Hữu để lại nửa cái đầu ở Gò Nổi. Nguyễn Thanh Vân đang nằm liệt vì sốt rét rừng. Còn tôi đang thấp thỏm từ vòng đai tiểu khu. Bất lực. Các trung đội trưởng bây giờ là ai, người mới bổ xung hay những cọp già dạn dày trận mạc của đại đội ? 
 
Con đường nhựa đổi thành màu đất, chạy thẳng về hướng Tây. Chiến trường chỉ cách Quốc Lộ 1 non 3 cây số. Trên dãy đồi tung tóe khói, có đồng đội cũ đang cầm cự với địch. Định nhờ máy của pháo đội để gọi thăm người đại đội trưởng cũ nhưng lại thôi. Chỉ thầm mong an lành đến với mọi người.
 
Chiều. Nắng nhạt. Tam Kỳ hầu như chỉ còn một nửa dân số. Bưu điện đã ngưng mọi dịch vụ chuyển ngân từ hôm qua. Thị xã vắng lặng. Nhà cửa như bị bỏ hoang. Trường Trung Học Trần Cao Vân trong tỉnh lỵ trở thành Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 2 Bộ Binh ngay từ khi mất Tiên Phước hôm 11-03 vừa qua. Tam Kỳ còn được chút sinh khí là nhờ những quán xá, khách sạn vẫn còn mở cửa...
 
Quán cà phê là khoảng sân của ngôi biệt thự khá bề thế, kiểu nhà mát của các villa Pháp, nằm ngay cạnh hậu trạm của Liên Đoàn. Xế trưa, quán vắng nên vị chủ nhân kiêm phục vụ viên vui vẻ ngồi lại trò chuyện. Khi được hỏi vì sao còn ở lại thì người trung niên có dáng dấp rất nghệ sĩ cho biết ông là một doanh nhân, ở lại một mình còn vợ con đã ra Đà Nẵng từ mấy hôm trước.
 
- Tôi không có gì để lo sợ cả. Ông nói. Nếu không thì đã vọt mất rồi. Quán cà phê là để bà vợ tôi có việc gì đó làm cho vui. Thu nhập không thành vấn đề mặc dù công sức và tiền bạc bỏ ra cho ngôi vườn này cũng khá nhiều.
 
Tôi im lặng đảo mắt nhìn quanh. Đúng như lời ông nói. Quán đẹp là nhờ sự sắp xếp và bày biện cây kiểng. Sạch sẽ và ngăn nắp. Quầy thâu ngân là một mái tranh thấp treo đèn và những giỏ hoa. Giàn máy Akai nằm ngay trên quầy, cạnh tủ kiếng nhỏ bày bán thuốc lá. Quán có phong thái “Thạch Thảo “ đúng như tên gọi.
 
Thấy tôi trầm ngâm, người chủ nhân đứng dậy đi vào nhà. Tiếng nhạc Paul Mauriat dìu dặt vọng lại từ hai chiếc loa đặt trên tam cấp dẫn lên cửa chính. Không khí im lắng trong màu nắng nhạt làm tôi chợt nhận ra: cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt ngoài kia bỗng nhiên ngưng hẵn tiếng súng từ lúc nào không biết. Phút an bình tạm thời của một ngày Chúa Nhựt, hay là sự im lặng ngộp thở của cơn bão đang dần đến?
 
- Đang tìm hứng để làm thơ phải không?
 
Tôi quay lại, mừng rỡ nhận ra Đỗ Văn Tuấn, bạn học kiêm đồng đội quân trường. Tuấn ngồi xuống ghế đối diện, không chờ hỏi đã lên tiếng trước.
 
- Tao hỏi cầu may một đại úy. Ổng cho biết mày đang làm xếp hậu trạm. Rồi lính của mày chỉ tao qua đây. Thật là bất ngờ!
 
Câu chuyện hàn huyên đưa chúng tôi trở lại thời lạng xe cua đào hồi còn ở trung học rồi những buồn, vui quân trường, sau cùng là thực tại không có gì sáng sủa vì…
 
- Tụi tao như rắn không đầu. Hiện giờ đang lo bảo vệ Bộ Tư Lịnh Tiền Phương của sư đoàn. Đại Đội Trinh Sát coi như xóa sổ. Trung Đoàn 5 bây giờ cũng đang kẹt cứng. Nghe nói cánh Biệt Động Quân của mày cũng đụng nặng suốt hơn hai tuần nay.
 
Tôi gật đầu kể cho bạn nghe về những gì mình biết được. Tinh thần thì vẫn còn nhưng phương tiện thì nghèo đến mức cùng cực. Địch đang ở thế mạnh. Chiếm đâu, giữ đó. Còn mình thì chỉ thụ động phòng thủ. Đạn dược nhỏ giọt. Dân chơi mà chỉ có tiền lẻ để xài. Thật là trớ trêu.
 
Tôi nhìn Tuấn, rồi chạnh nghĩ đến những bạn bè cùng lớp, những đồng đội cùng khóa ở Đồng Đế. Mới đó mà đã gần ba năm. Kẻ còn, người mất. Và giờ này chỉ có hai đứa ngồi bên ly cà phê nhắc chuyện xưa để buồn cho thực tại. Khi từ giả nhau, sau cái bắt tay chỉ là lời chúc lành cho những ngày vô định sắp tới.
 
Đêm. Dài vô tận. Thị xã im lìm trong cảnh nhá nhem của phố phường thiếu điện. Nặng nề và căng thẳng, không có chút sinh khí ngoại trừ tiếng quân xa qua lại đó đây và tiếng pháo rời rạc, có vẻ như thăm dò của đôi bên. Sinh hoạt hậu trạm vẫn chỉ là những công việc thường lệ của bố trí, gác đêm trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến lẫn tác chiến. Im lắng lạ thường. Cảm giác như nghẹt thở.
 

Thứ Hai 24- 03- 1975.
Đêm về sáng.
"Bê Ta" !!  Đúng là tiếng bộc phá của đặc công. Mọi người tỉnh giấc ngay sau tiếng nổ đầu tiên. Dàn tuyến phòng thủ. Nghe ngóng. Nhận định. Lên máy liên lạc với liên đoàn. Địch đang đột nhập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 2, chỉ vài trăm thước, vài khu phố, năm ba cái ngã tư. Địch có thể xâm nhập qua đây bất cứ lúc nào. Tất cả đều sẵn sàng. Tiếng lựu đạn, tiếng súng nổ giòn trong đêm. Một đêm mất ngủ. Đêm thật dài... và thật căng thẳng.
 
6h:00. Đã có chút ánh sáng bình minh. Vẫn còn đụng độ quanh khu vực trường trung học. Đạn pháo bắt đầu rơi bên hướng tiểu khu và cả bệnh viện gần đó. Lệnh từ liên đoàn: nằm tại chỗ. Hậu trạm của các tiểu đoàn cho tin có đụng độ ở khu vực của 37 và 21. Tiểu Đoàn 39 phía Tây- Bắc không có báo cáo chạm địch. Nhưng Tam Kỳ đang bắt đầu hoảng loạn.
 
7h:30. Không còn liên lạc được với Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn qua điện thoại lẫn truyền tin. Không rõ vì sao. Chiếc xe Jeep duy nhất của hậu trạm đã theo Đại Úy Thông về Đà Nẵng chiều hôm qua nên Trung Sĩ Năm phải lấy chiếc Dodge 6x6 chạy qua Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn nhận lịnh trực tiếp. Khi trở về thì báo cáo của người hạ sĩ quan Ban 4 không có chút lạc quan.
"Liên đoàn trưởng và Ban 3 bận máy liên miên. Truyền tin và nhóm Tác Chiến Điện Tử đóng ở đâu không biết ? Ban 2 của Thiếu Tá Vũ cũng không thấy ai. Chắc theo liên đoàn phó qua tiểu khu họp khẩn cấp. Trinh sát thì cũng chỉ biết lo bảo vệ khu ga xe lửa và phía Tây của bộ chỉ huy. Chỗ này là tùy thiếu úy định đoạt. Bên đó cũng lộn xộn lắm vì không ai nắm rõ tình hình gì cả".
 
Tôi thở dài nhìn quanh. Mỗi hậu trạm chỉ có vài người, lại phải lo quân nhu, tiếp liệu lỉnh kỉnh. Xe mười chiếc, người thì trên dưới một trung đội, kể cả tài xế và quân nhân chờ trở lại đơn vị. “ Tùy thiếu úy “.. cũng có nghĩa là không còn trông chờ lệnh lạc gì của ai. Và ngoài kia, phía Quốc Lộ 1, đã vang rần rần tiếng xe và dòng người rút về hướng Bắc. Tiếng súng và tiếng pháo kích đã thật gần. Thêm một cố gắng để liên lạc với liên đoàn mà không được, nên tôi cho lệnh thu dọn lều trại.
 
Còn đang loay hoay nhổ lều, cuốn bạt, thì Trung Tá Nguyễn Văn An, Quyền Liên Đoàn Trưởng LĐ 12 BĐQ từ đâu phóng xe tới. Bằng bộ dạng hầm hầm, Trung Tá An nhìn quanh, rồi gào lên: 
 
- "Mấy anh đang làm gì vậy. Định chạy làng phải không? Ai chỉ huy ở đây" ?
 
Tôi lật đật đến chào kính... Chưa dứt câu thì bản đồ trên tay ông đã vỗ lên nón sắt của tôi :
 
- "ĐM! Ngoài kia đang đánh đấm. Trong này tính vọt hả"... ?!
 
Ông trừng mắt nhìn tôi. Cả hậu trạm hết hồn đứng lặng người. Tôi cũng không nhận ra vị trung tá mới ba ngày trước đó đã gọi tôi trình diện và vui vẻ cho biết sẽ trả tôi về làm Chỉ Huy Hậu Cứ của Tiểu Đoàn 37. Hôm đó ông thân mật hỏi han chuyện Sài Gòn, và cả chuyện học hành của tôi trên Đà Lạt lúc chưa bị "Tổng Động Viên". Hôm nay thì khác. Ông như chỉ muốn trút sự bực bội hay phẫn nộ gì đó và tôi không may đã thành nạn nhân. Có lẽ là nạn nhân đầu tiên trong ngày.
 
Tôi cảm thấy nhục nhã vì bị đơn vị trưởng hành hung ngay trước mặt thuộc cấp của mình, nhưng vẫn giữ thế nghiêm và im lặng nhìn ông, không phân bua, không giải thích, và sau đó tôi lại thấy thông cảm cho ông. Xét cho cùng, quả là tôi cũng muốn bỏ cuộc. Tôi chỉ là tép riu, còn liên đoàn trưởng của một đơn vị nổi tiếng mà bỏ chạy thì khó có thể chấp nhận được.
 
Không nhận được lời nào của tôi, Trung Tá An quay sang quát tháo mọi người cho đã nư rồi lên xe phóng đi sau câu chưởi thề như lúc mới tới. Mọi người còn im lặng đứng nhìn tôi, hoang mang. Nhưng tôi đã nhìn ra được nỗi tuyệt vọng và sự đau khổ tột cùng qua thái độ của Trung Tá An nên cho lệnh thu dọn thật nhanh.
 
Khi đoàn xe chuyển bánh thì tôi biết là cũng đã đến lúc phải bỏ Tam Kỳ. Quốc Lộ Một đông nghẹt mọi thứ xe cộ và người, dân cũng như quân. Khó khăn lắm mấy chiếc GMC của hậu trạm 21 và 39 mới quẹo ra được quốc lộ để nhập vào dòng di tản. Đến phiên hậu trạm liên đoàn thì chỉ lọt mấy chiếc GMC chở xăng, dầu, đạn dược. Xe Dodge vì kéo  "rờ moọt “ lương khô nên kẹt ngay giữa ngả tư. Loay hoay tới lui hoài không sau quẹo trái được. Toán hậu trạm của Tiểu Đoàn 37/BĐQ đi sau cùng chờ lâu sốt ruột, nên quay đầu tìm đường khác mà đi lúc nào không hay.
 
9h:30. Phía trước chỉ còn lác đác vài nhóm thường dân và sau lưng vắng hoe. Lo tìm cách quay xe quẹo vào trục lộ mà quên luôn cả những giao tranh đâu đó thật gần. Trên chiếc Dodge bây giờ chỉ còn tôi và hai binh sĩ thặng dư nhứt định “ theo thiếu úy tới cùng “. Tài xế thì vừa chửi thề vừa cố gắng nhích tới, nhích lui mà không có kết quả. Không thể bỏ xe, mà cũng không tháo đựơc “ rờ moọt “ để thoát thân.
 
Đang lo lắng cùng cực thì từ đâu xuất hiện một gia đình năm người, hai vợ chồng, hai con nhỏ và một lão niên. Người chồng có lẽ là một nghĩa quân, súng đeo vai, tay xách bị. Thấy xe, họ mừng rỡ đứng lại, nhưng rồi thất vọng khi thấy đang kẹt tại giữa đường.
 
- "Phải chạy nhanh lên, thiếu úy ơi ! Nghe nói xe tăng của tụi nó đã qua cầu phía bên kia phố rồi" ! 
 
Nghe anh lính nói, tài xế hoảng hốt nhấn ga. Chiếc xe kẹt lề, nhồi lên nhích xuống. Vô phương. Tôi tuyệt vọng lắc đầu. Chưa biết phải làm sao thì từ đâu xuất hiện thêm vài người lính Sư Đoàn 2BB.
 
Tôi hỏi thăm họ về Đỗ Văn Tuấn và tình hình bên Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn.
 
- "Đặc công đánh vô trường học từ sáng sớm. Một ngừơi lính kể lại. Tụi nó chỉ có mấy thằng nhưng liều mạng. Sau đó có thêm một toán nữa, có lẽ là du kích. Tới sáng thì mình bể tuyến, mạnh ai nấy rút. Tụi em kẹt lại sau cùng, chạy vòng phía sau rồi mới nhắm hướng bọc ra đây. Không còn ai nữa đâu. Tụi nó chiếm trường học rồi" ! 
 
 Không suy nghĩ, tôi gọi họ cùng với mọi người khác phụ đẩy chiếc xe. Bảy, tám người góp chung sức lúc đang tuyệt vọng nên kết quả là chiếc Dodge gầm rú tới, lui vài lần rồi vọt ngay lên lề đường. “ Rờ moọt “ phía sau ngả qua, lắc lại tưởng chừng như muốn gãy cả trục bánh.
 
Tài xế cho xe yên vị trên đường. Mọi người hối hả leo lên. Hai cháu bé và cụ già ngồi trong "ca bin", hai người lính hậu trạm đeo hai bên hông, những người còn lại đứng phía sau, kể cả tôi. Lúc xe chuyển bánh mới hay khu vực trong tầm mắt, trước, sau, đều vắng lặng. Mới hơn 10 giờ sáng mà Tam Kỳ đã bỏ ngõ từ lâu. Tiếng súng lớn, nhỏ vẫn còn, nhưng ngoài tiếng xe Dodge đang rồ ga vì kéo nặng, tôi không nghe được tiếng xích sắt của T 54 mặc dù Trường Trung Học Trần Cao Vân và chiếc cầu phía Nam thị xã chỉ cách chúng tôi vài trăm thước.
 
Đến gần khu hành chánh và tiểu khu thì chúng tôi bắt kịp đoàn người di tản. Pháo binh của địch đang làm tình làm tội những nơi trọng yếu, kể cả bệnh viện. Con đường huyết mạch trở thành “ quốc lộ kinh hoàng “. Đáng buồn nhứt là những người dân không có phương tiện. Họ lết bết đi hai bên lề, đưa những ánh mắt thèm thuồng lẫn van xin nhìn theo đoàn xe đủ loại đang ngược Bắc.
 

Vừa ra khỏi Tam Kỳ thì cảnh tượng càng tang thương hơn. Quốc lộ bình thường khá rộng, bây giờ trở nên chật hẹp với mọi thứ trên đời vung vãi trên đường, từ quần áo, vật dụng linh tinh kể cả xăng dầu của xe cộ bị hư hỏng và những nhầy nhụa khác không thể phân biệt là thứ gì. Măc kệ. Xe vẫn cứ chạy. Người vẫn cứ đi. Không phải không khí chiến tranh mà là hình ảnh của một bi kịch thoát hiểm.
 
Tiếng hò hét. Chửi bới. Tiếng súng bắn mở đường hay xua đuổi những ai chắn lối, hoặc hù dọa những người muốn nhào lên xe để được khoẻ thân, hòa lẫn với tiếng kèn xe chói tai và kéo dài liên tiếp đã tạo thành một thứ âm thanh hỗn tạp, rối bời nhưng khẩn thiết..
 
Xe đò, xe nhà, xe hàng, xe gắn máy, quân xa, cơ giới đủ loại, lớn, nhỏ, hai bánh, ba bánh, bốn bánh v/v... Mọi thứ đều cố bò, cố nhích về phía trước. Bò, nhích là phải, vì lòng đường chật ních các lọai xe và người. Xe hư là khốn nạn cuộc đời, vì chắc chắn phải bị bỏ lại. Sang, hèn như nhau. Dân, quân cũng không khác. Mọi thứ phương tiện, có động cơ hay không, đều được tận dụng tối đa để chở người, chở của. Mạng người cũng rẻ rúng như bèo. Súng tha hồ bắn. Xe mặc sức cố lách, chạy, càng xa Tam Kỳ ở phiá Nam càng tốt. Giờ phút này ai nấy đều muốn đến nơi an toàn, và Đà Nẵng là mục tiêu tối hậu. Quốc Lộ 1 như con rắn khổng lồ. Đuôi còn lòng thòng nơi nào đó tận trong phố Tam Kỳ không chừng, còn đầu thì không biết đã tới đâu.
 
Trưa. Con đường từ Tam Kỳ về Thăng Bình, quận cực Bắc của Quảng Tín, bình thường chỉ mất mười lăm phút xe chạy là tới nơi. Hôm nay thì khác. Đôi khi chỉ có người ( và vật ) còn có thể di chuyển. Xe cộ thì nằm cứng một chỗ mỗi lần có chiếc nào đó hết xăng hay hư máy nửa chừng. Khổ sở lắm mới đẩy được qua một bên để lấy lối cho xe chạy tiếp. Giữa dòng thác người và xe đang chậm chạp tiến về phía Bắc là một sĩ quan không rõ cấp bậc, đứng chận những quân nhân có lẽ là thuộc cấp của ông, đẩy họ vào lề, nơi đã có một số quân nhân khác đang xớ rớ đứng, ngồi. Chung quanh họ là vợ con là người thân lớn, bé. Mọi người đều lộ vẻ hoang mang, lo lắng. Chỉ có đám trẻ con còn được vài nụ cười thật ngây thơ và hồn nhiên khi tụm năm, tụm ba với nhau.
 
Chiều. Nhìn lại xe Dodge mới hay gia đình người lính tiểu khu và nhóm quân nhân Sư Đoàn 2 cũng đã bỏ đi hồi nào không biết. Đoàn xe hậu trạm tìm được nhau nên cùng dừng lại để kiểm lại quân số và tiếp liệu phẩm, rồi lên máy liên lạc với Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn. Nửa ngày trời dang nắng làm con người khô khốc, nhưng lại không thấy khát, không thấy đói. Chỉ hút thuốc, hút liên miên đến khô cứng cả môi, rát nóng cả cổ để tạm trấn áp nỗi lo lắng, buồn bực.
 
Tôi ‎buột miệng chửi thề khi có người đề nghị chạy luôn về hậu cứ, liền ra lệnh nằm tại chỗ chờ tin tức của liên đoàn. Đành là giữa lúc hỗn quan, hỗn quân thì mình có toàn quyền quyết định. Nhưng cả buổi chỉ thấy vài nhóm đồ bông lẻ tẻ, đa số đeo theo xe hậu trạm mà đi. Các tiểu đoàn chắc chắn còn phía sau.
 
Tôi đã có quyết định không sai. Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn đang ở phía trước không bao xa, ngay trong Căn Cứ Hương An cùng với Tiểu Đoàn 39 của Thiếu Tá Hồ Văn Hạc Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Úy Đỗ Văn Chới, Tiểu Đoàn Phó. Vì mãi lo điều  động cả đơn vị nên bây giờ  "xếp" mới nhớ tới chúng tôi. Mất liên lạc suốt nửa ngày đồng nghĩa với đoán già đoán non, hay đồn nhảm những tin tức không có ích lợi gì cho tinh thần chiến đấu của đơn vị trong lúc này.
 
16h00. Dang nắng cả ngày ngoài trời, tinh thần căng thẳng cực độ. Sau cùng, hậu trạm được lệnh vào Hương An nằm chung với BCH/ Liên Đoàn. Lại kiểm điểm nhân sự và tiếp liệu, phân chia vị trí cho từng hậu trạm tiểu đoàn, trực máy để liên lạc thẳng với liên đoàn trưởng. Công việc thường lệ, quen thuộc, nên đâu vào đó rất nhanh, gọn. Thì giờ còn lại là nghe ngóng tình hình. Nhất là tin tức về các tiểu đoàn.
 
Giờ này liên đoàn phó còn đang dẫn hai Tiểu Đoàn 21 và 37 đi cặp theo quốc lộ tiến về hướng Bắc. Họ là những người sau cùng rời khỏi Quảng Tín. Kỳ An ơi Kỳ An! Đất lành của hiền nhân Phan Châu Trinh đành bỏ lại cho địch. Ba cây số để ra tới quốc lộ phải trả bằng máu xương giữa nắng trưa hừng hực lửa. Không có dấu hiệu truy kích của đại quân địch khi đã ra khỏi Tam Kỳ. Chỉ là những hoạt động quấy rối của du kích dọc đường di tản. Liên Đoàn Phó, Trung Tá Hoàng Phổ cho biết đơn vị di chuyển có trật tự, vẫn giữ vững đội hình. Cứ vậy mà dắt dìu nhau đi, cho đến khi về tới Thăng Bình lúc trời sập tối.
 
20H00. Trinh sát và Ban 4 làm công việc của Kiểm Soát BĐQ, đồng thời tìm xem còn đồng đội nào rơi rớt hay lạc lỏng ở phía sau hay không.. Hai chiếc GMC chầm chậm lăn bánh. Gíó tháng 3 bắt đầu trở lạnh. Dân chúng đã tản mác đâu hết. Quốc lộ vắng lặng. Nhà cửa hai bên đường không có dấu hiệu còn người sinh sống. Có lẽ họ đã bỏ đi hay không muốn lên đèn, mở điện.
 
Lác đác có vài bóng người đi dọc theo con lộ. Họ chỉ quay đầu nhìn theo xe, rồi lầm lũi bước tiếp. Xe chạy qua ngã tư thị trấn Thăng Bình chừng một cây số, cũng là cuối tuyến dàn quân của chi khu thì vòng trở lại. Không có một quân nhân nào của Biệt Động Quân đi lẻ tẻ trên đường. Họ né tránh chúng tôi, hay kỷ luật nhà binh đã giữ chân họ với đơn vị sau những giờ phút giao động ban sáng? Dù sao đi nữa thì quận Thăng Bình hoàn toàn yên tĩnh. Một dấu hiệu đáng mừng, hay đáng lo?!.
 
Đêm. Dài lê thê. Đêm trong căn cứ thật yên lắng, đủ để nghe tiếng truyền tin rè rè đâu đó. Lại cà phê, lại thấp thỏm. Vài nhóm nhỏ chụm đầu bàn tán, trao đổi tin tức, hỏi han tình hình. Lại một đêm hút thuốc đến vàng tay. Một ngày trời gần như quên lững miếng ăn mà vẫn không thấy đói. Thêm một đêm chong mắt chờ sáng trong dằn vặt, âu lo.  (Còn tiếp..,)

Huy Văn 

No comments:

Post a Comment