Năm 1967, tôi đang học Đai Học Luật tại Sài Gòn, cha tôi từ ngoài quê Tam Kỳ gởi thư vào báo tin, ‘ địch đã đánh xuống tận quê mình rồi, cha mẹ phải tản cư xuống quận lỵ ở, bỏ ruộng bỏ vườn, bỏ đất bỏ đai, con ráng tự túc mà theo học’. Tôi buồn bã và lo lắm. Hàng ngày, tôi tìm trong các nhật báo Chính Luận, Công Luận, ở trang Cần Người, tôi đi dạy kèm, đi giặt và phơi áo quần cho một hãng thầu Mỹ. Cũng chẳng được bao nhiêu tiền mà thời gian làm việc choáng hết thời gian học. Tôi bèn nộp đơn lên Bộ Giáo Dục xin đi dạy giờ. Mấy tháng sau tôi được bổ về dạy tại trường Trung Học Mộ Đức, Quảng Ngãi.
<!-- Read more --> Trường Trung Học Mộ Đức là trường mới mở, chỉ có từ lớp đệ thất đến lớp đệ ngũ. Giáo sư có đâu được 4, 5 người. Thầy Quả, hiệu trưởng, thầy Trung dạy toán, tôi dạy Việt văn và Lý hóa. Còn mấy thầy nữa tôi quên tên dạy Pháp Văn, Vạn Vật. Tôi dạy ở đó cũng hơn một năm.
Ở đây tôi gặp một thầy giáo tiểu học tên Lê Văn Thí. Thí là giáo viên tốt nghiệp trường sư phạm Quy Nhơn, dạy trường tiểu học quận lỵ. Thí có giọng hát hay, làm thơ cũng hay nữa, tôi khoái Thí, kết bạn, rồi thuê nhà ở chung, ăn cơm tháng chung.
Hồi nầy nhạc Trịnh Công Sơn đang dấy lên như là một phong trào, từ Tình Khúc Trịnh Công Sơn đến Ca Khúc Da Vàng. Lê Văn Thí hay hát nhạc Trịnh Công Sơn cho tôi nghe và đưa tôi đọc những bài thơ anh mới viết. Thơ anh có hồn, tôi đọc thích lắm. Tôi cũng đã từng làm thơ, thơ đã được đăng báo ở Sài Gòn, nhưng là báo lá cải, như Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tuần San Thứ Tư. Lúc đó, dĩ nhiên tôi cũng biết phân biệt tờ báo nào có giá trị, nhất là các tạp chí văn học như Văn, Văn Học, Bách Khoa… Tôi biết, nhưng chưa dám gởi bài tới những tạp chí nầy.
Bây giờ thì tôi ăn cơm tháng với Thí, ngủ chung một phòng với Thí và chúng tôi cùng thích một người con gái. Ở trường tiểu học quận lỵ Mộ Đức có hai chị em cùng giáo viên. Hai chị em là cô Tín và cô Tưởng. Cô Tưởng đẹp hơn cô Tín nên hai đứa chúng tôi cùng khoái cô. Lê Văn Thí có lợi thế hơn tôi là dạy cùng trường với cô Tưởng ( và cả cô Tín nữa), Thí biết tôi cũng thích cô Tưởng nên ‘bỏ nhỏ’ với tôi và khuyến khích tôi hãy ‘ vô’ cô Tín, nhường cô Tưởng cho anh, nhưng tôi cũng như Thí (chỉ thích cô Tưởng). Nếu không ‘vô’ cô Tưởng thì không ‘vô’ ai hết. Vì thế, tôi tự nguyện đứng ra ngoài vòng chiến, để cho Thí tự do ‘khoái’ cô Tưởng. Tôi không biết mối tình sau nầy đã đi đến đâu?
Những lúc riêng tư, Lê Văn Thí thường ‘nổ’ với tôi, là chàng đã làm thơ đăng trên nhiều tờ báo văn học có tầm cở ở Sài Gòn, đã cộng tác với tờ Trước Mặt ở Quảng Ngãi, tờ Cùng Khổ ơ Đà Nẵng. Tôi ‘lé’ mắt. Rồi Thí còn hứa hẹn, một ngày đẹp trời nào đó, khi về thị xã Quảng Ngãi, sẽ dẫn tôi đến gặp một số ‘bạn văn nghệ’ của Thí, những tên tuổi nầy tôi đã nghe và đã phục, như Hà Nguyên Thạch, Phan Nhự Thức, Đinh Hoàng Sa, Luân Hoán, Khắc Minh, Vương Thanh... tôi cũng vui trong bụng vì mình làm thơ, mà được gặp những bậc ‘đàn anh trong thi ca’ nầy thì sẽ vui biết mấy.
Rồi ngày đẹp trời hứa hẹn của Thí cũng đến. Một ngày cuối tuần, tôi chở Thí về Thị Xã trên chiếc xe Suzuki cà khổ của tôi. Tôi nhớ tụi tôi có đi uống rượu ở đâu đó, rồi lái xe đến Khách Sạn Việt Nam, nơi tụ họp của anh em văn nghệ Quảng Ngãi. Tôi hồi hộp đến ngộp thở, dù trước đó, để lấy can đảm, tôi đã ‘nạp’ ba, bốn lon bia Ham Mỹ vào bao tử, đầu óc tôi quay cuồng, nhưng cái rung động vẫn tồn tại, vì tôi sẽ gặp những anh em văn nghệ Quảng Ngãi, những tên tuổi tôi đã đọc một số bài thơ ở đâu đó, trong Văn, Văn Học hay Bách Khoa cũng nên, các tên tuổi quen thuộc.
Hôm đó là ngày gần cuối năm, nên các anh em văn nghệ nầy định ra một tờ Đặc San Tết. Nghiêu Đề lấy tên ‘Người Ngồi Đội Mũ’. Tôi không hiểu tại sao lại lấy tên đó, tôi không dám hỏi vì tôi là cắc ké. Hôm đó tôi đã ‘thấy’ Họa sĩ Nghiêu Đề, nhà thơ Phan Nhự Thức, Hà Nguyên Thạch, nhà văn Vương Thanh và chàng đại úy Thiết Giáp tên Nghĩa, (sau anh Nghĩa đã tử thương ở trận Hạ Lào).
Bạn tôi, Lê Văn Thí, bút hiệu Xuân Thao, mù khuất giữa đám đông tên tuổi Quảng Ngãi ồn ào hôm đó.
Tôi vẫn không thấy Luân Hoán xuất hiện, dù nhiều người đã nhắc đến tên anh. Tôi rất mong gặp anh, thơ anh tôi đã đọc một số bài. Tên anh thì tôi rất nhớ, cái tên rất quen với tuổi học trò tiểu học. Hồi học tiểu học, trong lớp, tụi tôi học có một quyển sổ gọi là sổ luân hoán, sổ được chuyền luân phiên cho mỗi học trò chép bài vào sỗ ấy mỗi ngày. Học trò tiểu học đứa nào cũng biết tên cái sổ ấy, nên tôi nhớ cái tên Luân Hoán là vậy.
Từ đó và sau đó, tôi quen với một số bạn văn nghệ (trong đám bạn văn nghệ thuở ấy) như Nghiêu Đề, Phan Như Thức, Hà Nguyên Thạch và đọc thơ Luân Hoán thật nhiều, kể cả ngày Luân Hoán bị thương đứt một bàn chân trái ở Quảng Ngãi tôi cũng biết, anh sau nầy có tập thơ ‘Nén Hương cho bàn chân trái’ , nhưng tôi vẫn chưa gặp mặt anh một lần.
Sau nầy, nghe tin anh giải ngũ, về làm đâu ở Hội Thương Phế Binh Đà Nẵng và thành lập nhà xuất bản Da Vàng (1)cho đến mãi đến ngày tan hàng ‘cố gắng’.
Bẵng đi sáu bảy năm đi ở tù trở về, tôi rạc rày và tôi biết anh em văn nghệ ai cũng rạc rày thấy rõ. Tôi gặp Phan Như Thức bán bún bò, bán cơm, bán cà phê ở những con hẻm Sài Gòn, gặp Hà Nguyên Thạch đi lang thang, gặp Huy Tưởng bán cà phê ở đường bà Lê Chân, gặp một số anh em làm thơ ( mới mà cũ ) như Trần Dzạ Lữ, giữ xe đạp và bán rau muống ở chợ Trần Hữu Trang, Đinh Trầm Ca làm công nhân hãng kem đánh răng, Hà Nguyên Dũng làm công nhân trong hãng dệt tư nhân, tôi có hỏi về Luân Hoán thì được biết, Luân Hoán đã vượt biên ra nước ngoài , Canada(2). Tôi rất mừng cho anh.
Có một lần, tôi nghe trộm đài BBC, trong mục tạp chí Văn Học thì phải, có giới thiệu Luân Hoán với một bài thơ của anh, bài thơ anh viết về ngày đi trình diện ( hay bị bắt ) tập trung cải tạo ở Đà Nẵng, một bài thơ tự do ( tôi nhớ mang máng vậy ), đọc lên nghe u uất nhưng đầy hào khí. Hồi đó, ở trong nước nhìn ra nước ngoài, nghe đọc thơ Luân Hoán trên đài BBC, tôi phục Luân Hoán lắm.
Năm 1995, tôi đi Mỹ theo diện HO. Năm 1997, tôi cùng anh Thành Tôn chung làm một tờ Đặc San, viết về một ngôi trường học cũ, trường Trung học Trần Cao Vân. Tôi tìm tòi địa chỉ Luân Hoán và xin thơ anh. Anh gởi cho tôi một bài thơ viết về ngôi trường anh theo học chỉ 48 tiếng đồng hồ. Bài thơ hay, tôi rất thích, nay tôi xin viết lại ra đây để hầu bạn đọc:
LẴNG HOA GỞI MỘT TRƯỜNG XƯA
Nhớ đến Tam Kỳ là nhớ trường trần Cao Vân
Một miếng đời tôi đã có lần
Bốn tám giờ hơn ngồi trong cửa lớp
Tay ngủ trên bàn, mắt chạy ngoài sân
Nhớ Trần Cao Vân nghĩa là đang nhớ
Cái trống, trụ cờ, tiếng guốc trong hiên
Con chim sẻ nâu lạc vào cửa sổ
Nhánh tóc nhung run che mặt làm duyên
Nhớ Trần Cao Vân nghĩa là đang nhớ
Một cậu Đà thành được chuyển trường xa
Mới nức mắt ra đã toan mê gái
Để bị cách ly, phạt phải xa nhà.
Nhớ Trần Cao Vân nghĩa là đang nhớ
Chí quyết đòi về, lãng học làm reo
Những mắt bồ câu quay nhìn ái ngại
Lòng chợt chao nghiêng giữa ở hay về
Bốn tám giờ hơn trong đầu niên khóa
Có được trở thành một cựu học sinh
Xin phép cho tôi gởi về đầu cổng
Một lẵng thơ, quỳ, tạ lỗi, tạ ơn.
Tôi viết thư xin thơ, mấy tuần sau Luân Hoán gởi tôi bài thơ trên, tôi cảm thấy như Luân Hoán làm thơ dễ lắm, làm thơ như nói, hay là xuất khẩu thành thơ vậy. Lần đó, hình như tôi có điện thoại cho Luân Hoán, anh nói chuyện với tôi qua ống nghe, giọng anh nhẹ nhàng, hiền lành, còn đặc âm Quảng Nam Đà Nẵng. Anh có cái nhu hòa, không có cái phách lối của kẻ làm thơ ngồi ghế trên. Tôi cảm tưởng như vậy.
Khi đọc qua tiểu sử anh ở một số tập thơ anh, tôi biết anh đã in 17 tập thơ, tôi cúi đầu bái phục. Lúc đó, năm 1997, tôi chỉ có một tập thơ hồi còn học ở Đà Lạt, mà tập thơ in chung với bạn bè, tôi biết in một tập thơ đâu phải là dễ dàng gì, cả về hai mặt, phẩm và lượng. Thế mà Luân Hoán đã in 17 tập thơ , mà tập thơ nào cũng hay và đẹp. Thật là dễ nễ.
Sau nầy, tôi đứng ra làm tờ Đặc San Quảng Nam cho Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng, nam California, tôi xin địa chỉ Web site của anh. Tôi đọc ở Web site Luân Hoán, thật là một công trình đồ sộ. Trên Web, ngoài chuyện cá nhân, gia đình, tình yêu, vợ con, Luân Hoán còn có một số trang viết về Quê Hương Quảng Nam Đà Nẵng và một danh sách gần đầy đủ tiểu sử của tất cả văn nghệ sĩ Việt Nam, nhất là Văn Thi Sĩ rất đầy đủ. Trong Đặc San Quảng Nam, tôi ‘cóp’ các Tác Giả Quảng Nam ở đây. Tôi ‘cóp’ trước rồi xin phép sau, anh cười hiền lành qua ống nghe, tôi nghĩ là anh đang gật đầu.
Sau nầy, mỗi năm tôi làm một số Đặc San Quảng Nam, tôi đều lục tìm thơ anh, khi thì trong tập Cỏ Hoa Gối Đầu, khi thì trong tập Ngơ Ngác Cõi Người, tìm xem có bài nào tôi khoái, thấy thích hợp với tình yêu, với quê hương xứ Quảng, là tôi trích ra đăng. Nghĩa là có thơ Luân Hoán, thơ Hoàng Lộc, thơ Thành Tôn trong Đặc San, tự nhiên tập Đặc San Quảng Nam có giá trị thêm lên một chút, tôi nghĩ thế mà chắc là đúng thế.
Trong đầu óc tôi và tình cảm tôi, vẫn nghĩ đến một Luân Hoán đa tình trong thơ, yêu người. yêu đời rất mực. Với Thơ, anh tha thiết hơn bao giờ hết, suốt đời anh tận tụy với thơ, cặm cụi với thơ ( không tận tụy, cặm cụi sao đươc với 17 tập thơ đã trình làng, bây giờ con số có thể đã hơn ). Có thể nói thơ là đời sống, là hơi thở của anh được không, hở anh Luân Hoán?
Trong lần tiếp xúc với anh gần đây, qua e.mail rồi qua điện thoại, tôi vẫn nghe giọng nói anh thật là hiền. Thơ anh hay và anh nổi tiếng, ai cũng biết vậy, nhưng trong cách nói chuyện của anh, anh có sự khiêm nhường cùng sự khiêm tốn đáng yêu và đáng kính. Với tôi, tôi chỉ là một kẻ đi sau, là đàn em trong văn nghệ, tôi kính trọng anh, cả về thơ và con người khi đọc anh, qua tiếp xúc, tôi càng có cảm tình với anh nhiều hơn. Giọng nói anh thật hiền, nhỏ nhẹ. Và kể cả phong cách nói, cũng nhẹ nhàng, hiền lành như vậy.
Khi nói chuyện xong, tôi nghĩ là Luân Hoán rất quen thân với tôi, mấy mươi năm rồi, từ ngày ở Quảng Ngãi 66-67, từ ngày ở Đà Nẵng 71, 75. Rồi qua Mỹ, tôi vẫn thấy Luân Hoán gần gụi tôi quá.
Thơ anh đăng rất nhiều trên các tạp chí văn học và cả những tờ báo chợ khắp thế giới. Anh lúc nào cũng hiện diện quen thân như vậy, và như là chúng tôi đã thân thiết nhau lâu đời lắm vậy.
Nhưng đến bây giờ, tôi vẫn chưa gặp Luân Hoán một lần. Đi ra đường, nếu bất thần Luân Hoán qua Cali, tôi gặp Luân Hoán ở Phước Lộc Thọ hay ở Phố Bolsa, hay ở đâu đó, chạm mặt nhau, tôi vẫn không biết Luân Hoán là ai, không biết đó là Luân Hoán.
No comments:
Post a Comment