Friday, August 31, 2012

MỘT THỜI PHAN CHÂU TRINH - Nguyễn Quý Đại

Mặt trời lên cao ngang các ngọn thông già, nắng ban mai mát dịu, những áng mây như dải lụa trắng lơ lững trên bầu trời trong xanh, các vòi nước tự động thỉnh thoảng phun lên những vẹt nước trắng rơi đều trên cỏ xanh, mịn như tấm thảm, hoa hồng, hoa cẩm chướng lung lay qua từng cơn gió nhẹ, đàn chim đen mỏ vàng nho nhỏ hót liếu lo trên cành phượng nhiều hoa. Lâu lắm thấy lại phượng vĩ nở đỏ, che kín khoảng sân nhỏ của Hotel ở Mallorca ngoài khơi Tây Ban Nha, tôi nhặt vài cánh phượng, đưa cho các con, kể lại thời học trò về mùa hè nhiều kỷ niệm. Các nữ sinh Việt Nam hay ép hoa phượng vào lưu bút, trao tay nhau viết tạm biệt trong 3 tháng hè để về quê Nội hay Ngoại yên tĩnh, vui chơi với cảnh thiên nhiên hoa lá.
<!-- Read more -->


Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã đến

Ðàn trai non hớn hở rủ nhau về

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê

Ôi tất cả mùa xuân trong muà hạ

Xuân Tâm

Có thể khí hậu miền nhiệt đới, mùa hạ nóng nên học sinh nghỉ hè 3 tháng, nhưng các quốc gia Âu Châu nghỉ 6 tuần lễ, ở Ðức khí hậu lạnh, nắng ấm rất ít nên hè về mọi người thường đi tắm biển các vùng biển Ðịa Trung Hải. Mùa hè ở miền Trung trời nóng như lửa đổ, cỏ bị cháy vàng, đồng lúa khô nức nẻ, giòng sông cạn nước, để lộ những nông cát trắng phau, hàng phượng vĩ nở đỏ, trưa hè ở Ðà Nẵng im lặng trên đường Thống Nhất đến Cầu Vồng nhiều cây cao bóng mát, tiếng ve sầu kêu suốt ngày đêm, thỉnh thoảng vài ba con chim đi kiếm ăn làm ngưng tiếng ve hát. Tuổi học trò mộng mơ, nhạc phẩm bất hủ „nỗi buồn hoa phượng“ làm rung động lòng người, nỗi buồn man mác lúc chia tay mỗi người một phương trời ….

„Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chang tình thương, ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gủi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi! tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng, biết ai còn nhớ đến ân tình sâu trường xưa in bóng hai đứa nay đâu ?…Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn, cảm thông được nỗi vắng xa người thương, Màu hoa phượng thắm như máu con tim, Mỗi lần hè thêm kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm…! ( cố NS. Thanh Sơn)

Thời chúng ta đi học, Nam sinh mặc đồng phục quần xanh áo trắng, tóc phải hớt gọn gàn. Nữ sinh áo dài trắng. Thời gian trôi qua hơn 40 năm kỷ niệm của tôi và các bạn xuất thân từ ngôi trường thân yêu PCT chỉ còn lại trong ký ức, trường đào tạo nhiều thế hệ tài năng giúp đời. Các nhà văn, nhà thơ nổi danh, nhiều thiên tài khác phục vụ trên các lãnh vực khoa học và kỹ thuật khắp năm châu bốn bể.


Tôi giả từ xứ Quảng mang theo thương nhớ ngậm ngùi, mỗi người ra đi trong những hoàn cảnh khác nhau. Sau 29.3.75 phần nhiều các Thầy cô không còn tiếp tục dạy, nhưng cựu học sinh Phan Châu Trinh „thế hệ mới“ trở thành thầy, cô giáo dạy tại trường PCT và các trường ở Đà Nẵng. Thành phố thân yêu đổi thay từ tên đường, ngôi trường xưa đổi mới dời sang trường Nam tiểu học, nhưng những dấu chân kỷ niệm vẫn in đậm trong ký ức chúng ta. Các con đường quen thuộc Lê Lợi, Thống Nhất (đã đổi tên), Quang Trung, Hoàng Diệu vv…trôi qua dòng đời với những ngày mưa nắng, sông Hàn nước vẫn xuôi giòng về biển cả, những trưa hè nắng gắt bụi bay, hay chiều mưa lạnh đi qua cầu De Lattre trong gió heo mây. Học sinh Phan Châu Trinh „hào hoa học giỏi“, qua các kỳ thi tú tài (40 năm trước) thường có kết qủa cao nhất, so với các trường tại Ðà Nẵng. Nhớ lại những giờ nghỉ học chúng tôi đứng ở tiệm sách Việt ngã tư Lê Lợi Thống Nhất trêu nữ sinh các trường: Phan Thanh Giản, Nguyễn Công Trứ (Bán Công) Bồ Ðề, Tây Hồ… họ mặc áo dài trắng hay màu xanh da trời làm dễ chịu trong những ngày nóng gắt, đi qua trường Phan Châu Trinh nón lá che nghiêng e lệ, thẹn thùng bị đám đông nam sinh đứng làm “hàng chào“ và trêu như thi sĩ Thu Nhất Phương với những dòng thơ ngọt ngào, hấp dẫn:

Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón

Chiều mùa thu mây che có nắng đâu

Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh màu

Sẽ làm khô làn môi en dịu ướt

Còn ta mắt anh…

Có sao đâu mà em phải cúi đầu từ khước

Nếu nghiêng nón có nghĩa là từ khước

Thì mười ngón tay em sao bỗng quấn quít đan nhau

Nửa vầng má em bỗng thắm sắc hồng đào

Ðôi chân bước…anh nghe chừng sai nhịp.

Tuổi học trò thật đẹp mộng mơ và thích vui chơi hơn làm chính trị, bãi trường có dịp đi chơi Ngũ Hành Sơn, tắm biển Mỹ Khê, đi Túy Loan ăn mì Quảng, đi Hội An ăn Cao lầu… Các giai đoạn biến động miền Trung, học sinh ý thức chính trị hời hợt đôi khi bị xách động xuống đường… Có lần bị ăn lựu đạn cay, vì thiểu số học sinh qúa khích ném đá tấn công CSDC đến an ninh các đường quanh trường. Biến động chính trị đi qua, mái trường thân yêu được trả lại cho tương lai tuổi học trò. Những sáng đi học trên đường Hoàng Diệu, anh em tôi thường gặp thầy Nguyễn Văn Xuân (nhà văn) Hội trưởng Hội Khuyến Học, mùa đông luôn mặc áo khoát dài, đội mũ két. Thầy Phạm Thế Mỹ (nhạc sĩ) đi dạy chở theo ái nữ là (Diễm), thầy Trịnh Thể hiệu trưởng trường Bán Công cũng chở theo ái nữ đẹp dễ thương. Chúng tôi rất nghịch chạy Honda chầm chậm theo sau… bẻ các cành phượng hay hoa giấy màu tím để trên cặp các nàng.

Mái trường xưa ấp ủ tuổi học trò, nhiều giáo sư thường trùng tên nhưng khác họ. Các Thầy: Tôn Thất Dương Kỳ dạy Pháp văn, Nguyễn Ngọc Kỳ dạy Anh Văn, Bùi Tấn dạy tóan, Trần Tấn dạy Pháp Văn. Thầy Trần Tấn đeo kính cận nặng độ, các thầy: Hiệu trưởng Thái Doãn Ngà, Giám học Huỳnh Mai Trác, Giám thị: Lê Long Viên, Mạc Ngọc Phương kiểm soát tóc dài bị rầy, năm Ðệ nhất đã trưởng thành „ba gay“ để tóc dài theo phong trào Hippy, đôi khi Thầy Giám thị lấy kéo hớt tóc ngang tai, phạt không phát giấy hoãn dịch. Kỷ luật của trường nghiêm minh sáng thứ hai, chào cờ phải mặc đồng phục trắng..


Thầy Trần Tấn dạy Pháp Văn, tình yêu của thầy đối với học trò như con, Thầy Nguyễn Lương Hiền cao ốm, mùa đông mặc áo len dày tới cổ, đeo kính đen cả ngày lẫn đêm, Thầy ít khi nào ngồi trên bàn Giáo sư, thường đứng hay ngồi trên đầu bàn học sinh, giảng bài các giờ triết về Ðạo Ðức Học, Tâm Lý, Luận lý có nhiều đề tài học sinh được góp ý tranh cải về „thuyết Tiến Hóa“ của triết gia Darwin Charles (1809-1882), chúng tôi hăng say tranh luận đến hết giờ chuông reo mới tạm kết thúc. Có lúc Thầy bị cảm khan tiếng nhưng cố gắng giảng kịp chương trình học cho mùa thi .

Thầy Trần Công Kiểm dạy Công dân, tôi còn nhớ mãi thầy nói „Nguyễn Trường Tộ nhà chính trị kinh bang tế thế…“ về luật cung và cầu trong kinh tế học thao thao bất tuyệt, thầy đã qua đời trong lao động nghề xây dựng. Thầy Trần Ngọc Quế dạy Việt văn mất trong những năm cải tạo miền Bắc, Trần Thông, Trần đình Quân, Trần Tấn, thầy Huỳnh Ấn… cùng những bạn thân của tôi đã qua đời trong cuộc chiến, xin đốt nén nhang lòng hướng về quê hương tưởng nhớ đến các Thầy cô và bạn hữu.

Thầy Đỗ Viết Lê (Sử địa) Nguyễn Thanh Trầm, Kim Cương (Vạn vật) Tạ Quốc Bảo, thầy Trần Trọng Huấn, Nguyễn Ngọc Kỳ, dạy Anh văn mỗi thầy có phương pháp riêng, thầy Huấn muốn học thuộc ngữ vựng ngày học 5 chữ nhiều năm sẽ thuộc cả cuốn tự điển; thầy Bảo cần học thuộc các mẫu câu, thành ngữ, văn phạm, thầy Kỳ muốn hằng ngày viết nhật ký bằng tiếng Anh…nhưng rất tiếc thiếu chương trình luyện giọng nghe và hiểu. Tôi học Pháp văn sinh ngữ 2 với thầy Trần Tấn, thầy Huỳnh Ấn, cô giáo khả ái Ðặng thị Vân (là phu nhân của BS Mẫn?)

Các Thầy dạy ban toán, vật lý: thầy Nguyễn Nguyên, thầy Trương Ðình Ðức, Trần Đại Tăng (là nhà thơ Trần Hoan Trinh), thầy Ngô Hào… muốn giỏi toán phải học thuộc công thức, làm hết bài tập ứng dụng trong nhiều sách, ngoài ra còn nhiều cô tôi còn nhớ tên Mộng Hoàng, Kim Cương, Kim Anh, cô Liệu… Vạn vật là môn học tôi không thích, nhưng thầy Nguyễn Thanh Trầm làm cho môn học vui nhộn hấp dẫn, về cơ thể con người thầy nói „cái lưỡi nguy hiểm nhất tất cả sự việc xảy ra đều do cái lưỡi… Ðàn bà là sinh vật nguy hiểm nhất, nhưng quả đất nầy không có Ðàn bà sẽ khô cằn hơn… Ðôi mắt của Tây Thi nguy hiểm „nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc„!


Thầy Trần Thông nhắc lại kỷ niệm Tết Mậu Thân 1968 ở Huế cả nhà đang ngủ trên nhà, Thầy mơ thấy ông già râu tóc bạc phơ, bảo hãy xuống hầm, giật mình cả nhà xuống hầm sau đó một trái đạn từ đâu rơi xuống nổ sụp hiên nhà … đó là thuộc về sư linh thiêng không thể chứng minh. Môn Việt văn Thầy dẫn chứng tình yêu trong thi ca bình dân, tình yêu phát xuất từ rung động bẩm sinh của con người, tình yêu tạo dựng hạnh phúc trong mái ấm gia đình và xã hội „Ðói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương“. Ở Việt Nam có thể tìm trái sim, nhưng ở Đức làm sao có sim mà tìm?. Thời đó thầy Thông tôn thờ „chủ nghĩa độc thân„ đi xe Velo solex cũ, Thầy sống hơi lập dị, trong khi học sinh đi xe Honda để chật phía sau trường, giai phẩm „Như Giọt Mưa Xuân“ do Thầy làm cố vấn qui tụ nhiều cây bút học trò, sau nầy góp mặt vào làng văn trong nước và hải ngoại. Thầy Nguyễn Ðình Trọng (nhà thơ Ðông Trình) nhà thơ phản chiến, thơ của Thầy gây xúc động tuổi trẻ, trong giai đoạn chiến tranh đêm đêm nghe tiếng đại bác với ánh hỏa châu rực sáng. Sau cuộc chiến không biết Thầy còn làm thơ nửa không? Thầy Trần Ðình Quân cũng là nhạc sĩ với nhạc phẩm bất hủ „ Anh cho em mùa xuân/ khúc tình ca xứ Huế“, ngoài giờ dạy, Thầy sinh hoạt trong đoàn Du ca đồng phục là bộ bà ba màu nâu hát cho người, hát cho quê hương! nhiều nam nữ học sinh Phan Châu Trinh và Nữ trung học Hồng Đức theo đoàn du ca đó. Cuộc chiến chấm dứt vết thương chưa khép kín, trại tập trung cải tạo rộng mở, tiếng hát của Thầy chìm vào lãng quên, Thầy Quân đến Hoa kỳ và bị bệnh teo não mất trí nhớ, khoa học không thể chửa trị và đã qua đời. Thầy Trần Ðại Tăng dạy toán cũng là một thi sĩ bút hiệu Trần Hoan Trinh làm thơ rất hay và được xuất bản, hiện nay thầy đã lớn tuổi nhưng làm thơ vẫn hay và lãng mạn, thơ cuả thầy được Nguyễn Văn Hoàng ở Ý phổ thành nhạc „ Tóc trắng sân trường/ Cảm ơn“. Tôi trích một đoạn thơ Thầy gởi cho trang www.khoahocnet.com của chúng tôi . cũng như các Website Một bthời Phan Châu Trinh www.phanchautrinhdanang.com và www. phanchautrinhdanang.org.

Đưa tiễn người đi 10 năm rồi

Ta về ôm mãi bóng hình thôi

Người đi biền biệt 10 năm ấy

Ta ngỡ chừng như đã một đời!

Trần Hoan Trinh

Thế hệ chúng ta có bạn vào tuổi lục tuần lên chức ông bà nội ngoại, lớp của tôi loại „dốt toán“ thời ấy, nhiều người thành đạt và cũng có người đời sống nghèo vì kém may mắn, có người đã hy sinh trong cuộc chiến. Tôi gặp bạn Huỳnh Công Chánh ở San Diego năm 2007, chúng tôi có thì giờ ôn lại kỷ niệm xưa, lớp tôi chia hai ban: Anh văn và Pháp văn, ban Pháp văn có chú Chương tu sĩ Phật giáo, Chùa nuôi ăn học được hoãn dịch lý do tu sĩ… lúc thành tài cởi áo tu trả lại cho Chùa về đời sống „thế gian“, các bạn: Hổ, Thiện, Cúc, Hoàng, Hội, Luận, Thông, Cư, Sanh (sức môi) và Bùi văn Tiến người có quyền lực hiện nay ở Đà Nẵng, tôi mong Tiến có quyền đừng bỏ quên những người dân nghèo „thấp cổ bé miệng“, ban Pháp văn có một thiểu số từ trường Lyceé Blaise Pascal chuyển sang, thuộc loại Tây con nửa mùa, mất gốc nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, Khoa (bị tật bẩm sinh, con của đại tá Nguyễn Ngọc Khôi thị trưởng ĐN). Tình cờ tôi gặp một vài bạn ở Paris thời đi học tự hào là người Pháp (họ là người Việt quốc tịch Pháp từ thời thuộc điạ), trái lại người Việt định cư sau nầy thành đạt hơn, có quốc tịch Pháp nhưng họ luôn tự hào là người Việt Nam chân chính, không vọng ngoại mất gốc. Ban Anh văn có các bạn: Đoàn Quang, Trần Quốc Công, Huỳnh Công Chánh, Lương Thành Long, Nguyễn Hữu Thụy (thi sĩ) và Thụy „cao khởi“, Ngô Văn Năm, Trần Kỳ Sanh, Võ Ngọc Phúc, Đào Văn Tý, Quỳnh, Vinh, Liêm, Huỳnh Văn Tám, Lê Công Hinh, Miễn, Vinh (thi sĩ luôn đội bêrê đen đi xe Yamaha)…chú Cáp Đức Thành ra Huế học Văn khoa, trả áo lại cho Chùa. Nguyễn Văn Hoàng tốt nghiệp đại học sự phạm Huế ban Pháp văn, nhà ở Trưng Nữ Vương thân phụ là chủ tiệm phở Hoàng. Hoàng là bạn thân chia xẻ với tôi nhiều vui buồn … Cuộc đời trôi nổi theo thời gian mỗi người một phương trời, lớp chúng tôi có nhiều bạn đến Hoa Kỳ sau nầy theo diện HO. (Humanitaran Operation) tuổi đời không còn trẻ để học tiếp, nhưng các con của họ không bị kỳ thị lý lịch, nhờ học giỏi nhận học bỗng theo học các đại học danh tiếng, thành đạt trong các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế, y khoa, chính trị… là một sự hãnh diện trong cộng đồng người Việt định cư Mỹ, (theo thống kê của chính phủ hơn 1,5 triệu người Việt hội nhập tốt đẹp và thành công).

Hàng năm vào hè thường có ngày Hội Ngộ Liên Trường Quảng-Đà, là ngày hội ngộ lý tưởng, không phải dành riêng cho đồng hương Quảng Nam gặp nhau mà là ngày vui mừng tiếp đón những con dâu, con rể, những người sinh trưởng các nơi khác nhận xứ Quảng là quê hương với nhiều kỷ niệm một thời. Sinh hoạt của Hội Ái Hữu Liên Trường Quảng Nam tại Hoa Kỳ gồm những cựu học sinh sau bao nhiêu năm gặp lại cảm thấy ngập niềm vui trong tràn đầy tình bạn. Hội Ngộ để thấy lại quê hương, thấy lại một thời để nhớ, thấy lại tình cũ đầu đời, thấy lại những gì trân qúy tưởng đã mất từ lâu…, gặp lại nhau trong rưng rưng, xúc động, bồi hồi. Xuân về tổ chức Tết cổ truyền của người Việt Nam phát hành các Đặc San như: Hội Ái Hữu Quảng Nam-Đà Nẵng Houston có ĐS. “Đất Ngũ Phụng”, Hội Đồng Hương QN-ĐN Tây Bắc Washington có ĐS. ”Đất Quảng”, Hội Đồng Hương QN-ĐN nam California phát hành ĐS. nhiều chủ đề “Kỷ Niệm 100 Năm Kháng Thuế; Đà Nẵng Quê Tôi”… Hội Quảng Đà Dallas-Fort Worth có ĐS “Quảng Nam-Đà Nẵng”. Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh làm giỗ cụ Phan hàng năm, phát hành ĐS “Kỷ Niệm Trường Xưa; 50 Năm Thành Lập Trường” và năm 2012 tổ chức Đại hội toàn thế giới lần thứ hai, ngày 01.7.2012 tại Garden Grove, California 92840, kỷ niệm 60 năm thành lập trường Phan Châu Trinh (1952-2012) phát hành ĐS và CD nhạc chủ đề: “Tinh Thần Phan Châu Trinh, Tình Thầy Nghiã Bạn“. Hồi tưởng lại tháng 9 năm 2007, trong số 30 giáo sư cao niên được vinh danh, có 5 Thầy từ Việt Nam được mời sang tham dự: Lê Long Viên, Vĩnh Vinh, Nguyễn Tòng và Trần Ðại Cuộc và cựu giáo sư nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn tác giả của nhạc phẩm Phan Châu Trinh Hành Khúc.

Không riêng Trường Phan Châu Trinh sinh hoạt đoàn kết, phát triển và bảo tồn văn hóa, các trường khác như: Trần Quý Cáp Hội An, Đại Hội ngày 24.6.2012 với ĐS “Trường Tôi”, Trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng từng phát hành“Hoài Niệm Một Thời Áo Trắng, Đại Hội Kỳ thứ VII sẽ tổ chức vào đầu tháng Bảy năm 2012 tại Little Saigon, ngoài chương trình họp mặt, văn nghệ còn thực hiện Đặc San lưu niệm „Kỷ Niệm Hội Ngộ Kỳ Thứ 7“. Những lần Đại Hội, tổ chức Tết họp mặt người đồng hương có dịp ôn lại kỷ niệm một thời học trò thơ mộng. Những Đặc San hình thức đẹp, nội dung hay là nơi quy tụ những nhà văn, nhà thơ của xứ Quảng giữ văn phong từ ngữ trước 1975, rất phong phú và đa diện như một vườn hoa luôn nở rộ những cánh hoa muôn sắc màu rực rỡ .

Tôi nhận mail của anh Phạm Tình là bạn thân với Nguyễn Hữu Thụy ở Sài Gòn (Thụy là cháu nhà thơ Thành Tôn) từ Đà Nẵng anh Tình kêu gọi tôi và các bạn góp bài cho Kỷ Yếu cựu HSPCT trong nước, ôn lại tình bạn kỷ niệm 60 năm của trường. Tôi góp bài để chia xẻ kỷ niệm một thời Phan Châu Trinh, nhưng tôi e ngại về suy nghĩ, quan niệm sống cũng như cách dùng chữ trong văn chương “đổi mới”, tôi chưa học như (phần cứng, phần mềm; học, ăn, xây dựng đều gọi là chất lượng…là “Nỗi buổn tiếng Việt”) dù giá trị văn học nghệ thuật không thay đổi, nhưng mỗi thời đại, mỗi lớp người có thái độ tiếp nhận khác nhau. Mong các bạn có những cảm thông vì tôi giữ ảnh hưởng văn hóa trước 1975 giúp chúng tôi trưởng thành. Hơn ba thập niên ở miền đất phiá Tây Đức[1], nhưng tình yêu quê hương không bao giờ lãng quên,”Quê hương là chùm khế ngọt” nhưng có người chẳng may về gặp phải khế chua! để rồi cảm thấy một ngăn cách vô hình nào đó hay cánh cửa tình người vẫn còn khép kín? Đời sống Việt Nam phát triển, tôi mơ ước ngày về gặp lại người xưa, ôn lại những ngày đưa đón trên những con đường ngập lá vàng bay và thấy như có đàn cá Hồi trên sông Hàn đang bơi ngược giòng trở về chốn cũ….Viết về kỷ niệm thời học trò 40 năm về trước không tránh được thiếu sót, kính mong quý Thầy cô, bạn hữu cảm thông cùng sống lại những ngày trong quá khứ, một thời vàng son, đáng yêu và đáng nhớ.

Nguyễn Quý Đại

1 comment: