Thursday, September 13, 2012

Bánh xèo, ốc hút và mùa Thu

QUẢNG NAM - Có lẽ do còn nghèo ? Hoặc cái nghèo đã ăn thành nếp trong tâm thức người Việt cũng như cái khổ và sự than thở đã trở thành “bản sắc” của người dân thời xã hội chủ nghĩa? Hoặc chỉ đơn giản, chưa có âm thanh và hình ảnh nào vượt qua được tiếng sôi của chảo dầu, tiếng hút ốc và mùi thơm của nó?

Bà Năm nói: “Bây giờ bánh xèo không còn hồn vía như ngày xưa vì tui chụm bằng lò sô, bếp dầu...” (Hình: Phi Khanh) <!-- Read more -->

Nói cách gì cũng đúng mà cũng không đúng.
Cứ đến mùa tựu trường, học trò hẹn nhau ra quán hút ốc, ăn bánh xèo, ngắm mưa đầu mùa rơi và đôi khi suy nghĩ vẩn vơ một cách rất người lớn trong... quán bánh xèo, ốc hút.
Nói về bánh xèo miền Trung khi Thu về, có lẽ từ Khánh Hòa ra đến Quảng Bình, dọc hai bên đường quốc lộ 1A, đâu cũng thấy lác đác vài quán bánh xèo che tạm bợ, mái tranh, mái lá, có khi tấm vải bạt che mưa, che nắng qua mùa. Nhìn vừa rất gần gũi lại vừa mơ hồ, phiêu linh...
Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Nam, đi từ Vĩnh Ðiện, vào Duy Xuyên, lên bến đò Kiểm Lâm, băng đò sang Ðại Lộc, đếm mỏi tay cũng không hết quán bánh xèo, ốc hút. Nhiều gấp vài chục lần tiệm bánh Trung Thu.
Bà Thúy, chủ quán bánh xèo ngay chân cầu Ái Nghĩa, cho biết: “Ðây cũng là làng bánh xèo, ốc hút và thịt nướng của thị trấn Ái Nghĩa, Ðại Lộc, nó có từ lâu lắm rồi, trước 1975, thời đó nghèo, đèn dầu tù mù, khói bụi và ấm áp, có hồn hơn bây giờ!”
“Chúng tôi thường bắt đầu mở hàng vào đầu tháng 7, và kết thúc mùa bánh xèo ốc hút vào cuối tháng 10, năm nào cũng vậy. Ngày xưa, làm một mùa có thể sống đủ một năm, nhưng bây giờ, làm mùa nào đủ sống cho mùa đó, mùa còn lại mình làm việc khác để sống.”
“Nhiều khi mệt quá, muốn bỏ nghề, nhưng cứ nghe hơi lạnh kéo về, nghe con cháu nói sắp tới mùa tựu trường, nghe sấm đất rền rền là cái chân muốn nhổm dậy đi mua tôm thịt, giá, rau sống, xay bột gạo, đốt lò...”
Ông Trung, chủ quán bánh xèo ốc hút có cái tên khá lạ là “Nỗi Niềm.” Quán che mấy tấm bạt bên đường, đặt hai chiếc bếp, một than, một củi bằng mấy hòn gạch. Ðến mùa, Nỗi Niềm lại nổi lửa.
Ông cho biết: “Mùa Thu là mùa buồn, nó buồn vì thiên nhiên buồn, mà con người cũng buồn vì lúc này đồng trơ gốc rạ, nhìn ra đã thấy mênh mông nước và se sắt lạnh... Mùa này cũng rảnh rỗi, chẳng còn nghề nào hơn là sáng đi bắt ốc, ngâm bột, mua nguyên liệu, chiều về nấu một nồi ốc, nhúm lò bán bánh xèo.”
Ông giải thích về tên quán: “Ban đầu quán không có tên, vì mình bán vỉa hè, tên tuổi mần chi, nhưng dần dần, thấy khách của mình ai cũng nghèo, cũng nỗi niềm, có nhiều người đến quán vài lần rồi tìm chủ quán mà trút nỗi niềm nghèo, mình đặt tên quán là ‘Nỗi Niềm’ luôn.”

Khách hàng của bánh xèo, ốc hút, thường là học sinh phố huyện, học sinh nghèo... (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

“Người làm nông thì thỉnh thoảng mang vài lon gạo ra đổi mấy cái bánh xèo về cho con cái cùng ăn, nếu đông con quá thì tự đi xay bột, mua nhưn rồi cả nhà quay quần đúc bánh xèo. Nhưng phần lớn người ta vẫn mua về ăn, đỡ tốn công, không tạo cảm giác ngấy...”
“Nói chung, miền Trung mùa nắng thì nắng gió, nóng nực, mùa mưa thì mưa não ruột, nên dễ có món đặc trưng, mà tui thấy, không cho chi thú vị hơn là mùa Thu, trời lạnh se se, người lớn thì nhâm nhi vài chén rượu, hút vài con ốc, ăn cái bánh xèo lót bụng, người trẻ thì rủ nhau ăn bánh xèo....”
Cô Thương, chủ quán bánh xèo ở ngã ba Vĩnh Ðiện, Ðiện Bàn, Quảng Nam, cho biết: “Bánh xèo có nhiều loại, ốc hút cũng thế, riêng bánh xèo, có đến 18 loại, trong đó, đứng đầu là bánh xèo chảo, phong cách ăn của giới nhà giàu Bình Ðịnh, có cái lên đến vài trăm ngàn đồng, còn lại, mười bảy loại kia được đặt tên theo nhưn, vì dụ như bánh xèo vịt, bánh xèo cá lóc, bánh xèo chay...”
“Giới nhà giàu có những quán bánh xèo riêng, nhưng tui đi nhiều, thấy không đâu đúc bánh xèo thanh, mảnh và đẹp như Huế, không có chỗ nào có nhiều ốc hút đồng ngon như Ðiện Thắng, Quảng Nam, không chỗ nào có nhiều ốc đá, ốc núi như Duy Xuyên. Nói chung mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng vùng đất càng nghèo thì thấy bánh xèo càng ngon!”
Chiều đến, mấy đứa trẻ trong xóm mang chiếc trống ếch ra ngõ tập lân, trời cũng bắt đầu heo may, tự dưng, thấy nhớ cảm giác lang thang trên đường, dừng lại bấm máy, rồi ghé quán cóc, hít thở không khí, mùi bánh xèo, ốc hút, cay cay, bùi bùi... Chúng tôi lại ghé quán Nỗi Niềm.
Ông chủ quán chào khách, dáng bộ đã hom hem, nhưng cái nét cười quen thuộc của một con người sống quen với đời cần lao, hồn hậu và đáng yêu của ông vẫn như cũ. Tấm bảng thì không còn, mới bị công an tịch thu, quán ông cũng vừa bán vừa chạy.

Quán bánh xèo này tồn tại gần 40 năm nay ở Quảng Nam. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)

Chúng tôi chào hỏi mấy câu, gọi một dĩa bánh, ông lại bưng dĩa rau sống với cải con, bắp chuối xắt, rau thơm, ngò, quế, khế và chuối chát xắt lát... Cũng một câu cũ: “Ðợi một chút nghe, tui đúc hơi chậm!”
Tự dưng, thấy cay cay khi nghĩ đến người đàn ông bán bánh xèo, tiếp xúc hằng ngày với những người không lắm tiền nhiều bạc, sống dung dị, giữa một đất nước mà cách ông không xa, sự sa đọa và tội ác nảy sinh hằng ngày khắp ngõ ngách.
Mùa Thu, thương ốc hút, bánh xèo, những người lao động nghèo, và thương cả quán Nỗi Niềm!

Phi Khanh

No comments:

Post a Comment