|
Nhưng, nói về làng chài vào mùa Thu ở một khúc sông vắng, trên dải đất vắt ngang dòng Thu Bồn, câu chuyện đã xoay sang hướng khác, đầy thân phận và nỗi niềm. |
Ðức hiếu sanh
Dường như đời sống của người dân làng chài, mọi thứ đều rất khác biệt với người dân trên bờ cách họ chưa đầy trăm mét. Khái niệm thời gian ở đây cũng đông cứng, đóng băng, một ngày dài được định nghĩa bằng một chuyến chèo ghe ra sông và quay ghe trở về, một năm dài được nhắc nhớ bởi bốn mùa từ Xuân sang Ðông, trong đó có hai mùa ngồi bó gối.
Ông Nhạc, dân chài lâu năm ở đây cho biết: “Dân nghề ở đây ít có ai ăn học tới nơi tới chốn, cao nhất chừng hết cấp trung học, có nhiều đứa học lớp ba, lớp bốn là nghỉ, có vợ, có chồng, sinh con đẻ cái, rồi lại vác lưới ra sông.”
“Mùa thì ở đây mùa nào cũng là mùa làm ăn cả. Nhưng có vẻ như mùa Xuân là đói nhất, vì mùa này con nước trong veo, khó mà bủa lưới, còn mùa Ðông thì lạnh căm, nhưng là mùa kiếm cơm. Mùa Hè và mùa Thu thì ngồi bó gối.”
“Thật ra, hai mùa này vẫn kiếm được cá như các mùa kia, nhưng theo lệ của tổ tiên làng nghề ở đây thì mùa Hè là mùa giao phối, mùa Thu là mùa cá bắt đầu đẻ trứng, làng nghề kiêng đánh cá hai mùa này, ăn của trời thì phải biết giữ của trời, không thể hốt trọi cả bốn mùa.”
Anh Tuấn, thanh niên của làng chài cho biết thêm: “Ở đây nghèo lắm, vì quanh năm bám ghe, bám sông, ngày nào trúng mẻ cá lớn thì cả gia đình kiếm được ngót nghét một trăm ngàn đồng, thường thì vài ba chục ngàn đồng, ruộng không có, đất không có, nên chỉ sống với ngần ấy tiền, khó lắm, ăn còn không đủ, lấy chi mà học hành!”
“Một phần vì yêu nghề, một phần vì không có bằng cấp, nên chẳng có cơ hội chuyển sang nghề khác, hết đời cha đến đời con cứ bám ghe, bám sông mà đắp đổi qua ngày. Thường, trẻ nít ở đây rất thích mùa Thu, vì mùa này cha mẹ hay ở nhà chơi với tụi nó, dán đầu lân, làm ông địa cho tụi nó...”
“Bánh Trung Thu là một thứ gì đó rất xa lạ đối với trẻ nít ở đây, vì cha mẹ, ông bà của tụi nó cho đến giờ còn chưa biết, nhiều khi cũng muốn mua cho con cháu mình ăn để biết, nhưng một cái bánh Trung Thu có khi bằng ba bốn ngày làm, thôi thì nhịn vậy!”
Chị Thuận, người phụ nữ bám nghề từ tấm bé của làng chài, kể: “Nhiều bữa, bơi ghe đi dạo, thấy cá nhiều lắm, nhưng nghiệt nỗi đang là mùa chúng đẻ trứng, nên không nỡ buông lưới, vậy là bơi ghe dòm cho đỡ thèm rồi quay về!”
“Từ nhỏ, cha tôi đã dạy, mình là người không may mắn, ít ăn học, nhưng mình phải giữ đạo làm người, phải có đức hiếu sanh, mình làm nghề chài lưới là sát sanh, vì sinh nhai nên đành chịu. Nhưng dù gì thì phải biết mùa của vạn vật yêu nhau và mùa sinh sôi của chúng, phải tôn trọng mùa này.”
|
Những con thuyền tạm nghỉ trong mùa cá sinh nở. |
“Chính vì vậy mà dân chài xóm mình không ai nói ai, dường như từ trong máu huyết đã có đức hiếu sanh do cha mẹ truyền dạy, không ai sát ngư vào mùa Hè và mùa Thu. Mà cũng chính vì vậy mà mình khó khăn, nhưng đành chịu!”
“Làng nghề” bất hợp lý
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam nhắc nhiều về chuyện các làng nghề, phục dựng làng nghề... Nhưng nếu nhìn kỹ một chút, dường như mọi hoạt động “phục dựng” làng nghề đều mang tính hình thức, qua loa và bất hợp lý.
Thường thì cứ làng nghề nào được tổ chức rình rang, có bàn tay của cơ quan văn hóa địa phương nhúng vào, liền sau đó là đóng cửa, không tiêu thụ được mặt hàng hoặc có những tranh chấp nội bộ về ăn chia không đồng đều, hoặc có sự toa rập của đầu nậu với cán bộ ngân hàng, người cần vốn thì không được vay, người không làm nghề lại vay vốn để thao túng làng nghề...
Dường như có hàng trăm thứ bất ổn trong vấn đề tổ chức phục dựng làng nghề của các cơ quan văn hóa nhà nước. Làng chài Gò Nổi - Thu Bồn cũng không tránh khỏi tình trạng này.
Ông Tuấn, một ngư dân lâu năm của làng chài, cho biết: “Cũng có nghe nói nhà nước tổ chức phục dựng làng nghề, anh em ở đây cũng thử liên hệ để coi thử có được chi không. Nhưng rồi thất vọng.”
“Những điều kiện họ đưa ra như là không đánh bắt bằng chất nổ, không dùng lưới có kích cỡ nhỏ để đánh bắt nhằm giữ những con cá nhỏ sống sót, không được dùng bình điện... Thì mấy cái đó mình đã đáp ứng từ rất lâu, không cần họ nhắc mình cũng đã làm thế. Nhưng mà thủ tục rắc rối quá, mình ít học, nghe họ nói một hồi, mình thấy mệt, thôi nghỉ luôn.”
“Thật ra, cái chính để tạo ra làng nghề là phải làm sao cho làng nghề đó ổn định hơn, văn minh hơn và sống có văn hóa hơn, ví dụ như họ ưu tiên cho con em mình đi học miễn phí, cho mình vay vốn lãi suất thấp để mua dụng cụ tốt hơn chẳng hạn. Nhưng họ chẳng giúp mình được chuyện này.”
“Nếu tổ chức một làng nghề để lâu lâu họ về quay phim, rồi cúng bái lung tung cũng để quay phim, làm du lịch gì gì đó, e rằng không hợp với làng chài ở đây. Vì chúng tôi không thích thế, chúng tôi muốn được bình yên, cuộc sống tốt hơn, con cái có cơ hội đổi đời...”
Lời bộc bạch của ông Tuấn trong lúc ông đang cặm cụi đan lưới vô hình trung ám gợi chúng tôi hình ảnh nào đó rất xa xưa về những con người sống gần gũi thiên nhiên, bỏ mặc mọi thị phi cuộc đời, hòa nhập với đất trời, sông nước.
|
Những mắt lưới buộc chặt cuộc đời với sông nước mênh mông. |
Nhưng, cũng chính cái quan niệm đời sống giản dị của ông và những người dân chài hàng xóm của ông lại chạm đến những trắc ẩn khác về thân phận con người trong xã hội mà ở đó, họ có khoảng cách rất gần với đời sống hiện đại nhưng lại cam chịu, chấp nhận một kiểu sinh hoạt rất ư lạc hậu, thiếu thốn và thiệt thòi trăm bề. Lỗi này do ai?
Mùa Thu đang về, cách xóm chài không xa, những cửa hàng bánh Trung Thu đỏ vàng, xanh, rực ngũ sắc, những đứa bé xóm chài vẫn cùng với một Trung Thu vài con đom đóm bỏ vào vỏ trứng, vài chén chè của cha mẹ nấu cúng Rằm... Một tuổi thơ thiệt thòi bởi nghèo khó!
(Phương Ngạn - NV)
No comments:
Post a Comment