Thursday, August 23, 2012

HƯƠNG THỦY - Truyện ngắn Phương Duy Trương Duy Cường



1-
Vũ bước những bước chân đều đều bên cạnh Thủy đi dọc theo bờ sông Hương từ phía Hàng Me, Đập Đá đến cầu Trường Tiền..
Mùa hè vừa trở lại với thành phố cổ kính thơ mộng này.
Hai bên bờ sông, tả ngạn và hữu ngạn, hàng cây phượng vỹ già cỗi đã khoe màu đỏ của loại hoa học trò.
 Tiếng ve sầu cất giọng  nỉ non như chào đón hai người Việt từ ngoại quốc về thăm lại cố đô sau nhiều năm sống lưu vong tại Mỹ.

Vũ đã sinh ra tại nơi này.
<!-- Read more -->

Còn Thủy, một cô gái gốc Bắc nhưng sinh trưởng trong miền nam sau khi bố mẹ nàng di cư năm 1954.
Từ khi còn đang học trung học, Thủy vẫn ước ao một lần ra thăm cố đô Huế.
Nàng đã say mê đọc những đoạn văn trích dẫn trong các sách giảng văn mà giáo sư dạy môn Việt văn đã bảo học sinh nên đọc thêm trong mục luyện văn.
Thủy rất thích Huế nên nàng chép lại và học thuộc lòng những câu gì liên quan đến xứ Thần Kinh này.
Một văn sĩ Pháp Pujarniscle có viết một câu nhận xét rất dễ thương về Huế:

 Ville où le deuil sourit, où la joie soupire”
(Thành phố mỉm cười khi thương đau, thở than khi vui vẻ)
Rồi một nhà thơ nữ của xứ Huế viết hai câu thơ:

“Một hàng tôn nữ cười trong nắng,
Sông mở lòng ra đón bóng yêu.”

Rồi “Huế Đẹp và Thơ” với thi sĩ Nam Trân:

“Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo
Hoặc

“Huế phượng như giọt huyết,
Rỏ xuống phủ lề đường,
Mặt trời gay gay đỏ
Nhuộm đỏ góc sông Hương.

 Không những trong văn chương, thi ca, Huế thơ mộng, quý phái…
 mà còn trong âm nhạc với ca khúc “Hẹn Một Ngày Về” của nhạc sĩ Lê hữu Mục sáng tác khi ông dạy học ở Huế:

“Về đây trong hoa, lá hởi cánh chim giang hồ !
Viens parmi ces fleurs, cher oiseau migrateur!’
Về đây trong hương sắc thắm tươi say mơ.
Viens ici fêter couleurs et senteurs.
Huế lơ lửng dòng Hương, năm tháng còn vương, lời ai mong chờ
Hué et son cours d’eau nommé Parfum vivent d’attendre.
Huế trong tiếng dịu êm cô lái bên sông còn vang lời thơ.
Hué vibre toujours de poésie et d’amour tendre)

Với “Gợi Giấc Mơ Xưa” của Lê Hoàng Long”:

“Ngày mai lênh đênh trên sông Hương,
Theo gió mơ hồ, hồn về đâu?
Sóng sầu dâng theo bao năm tháng,
Ngóng về đường lối cũ tìm em…”

…và trong một vài tác phẩm của nhiều thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ nữa.

2-
Từ nhiều năm rồi, Thủy quen với Vũ.
Đôi bạn cùng có chung thú vui nghiện cà phê ngon. Hàng tuần thay phiên rủ nhau đi “đối ẩm” hết Starbucks đến Peet’s coffee.
Các quán cà phê mang hai nhản hiệu này tại downtown San Jose, tại The Alemeda street, tại bệnh viện Bascom cũng không lọt khỏi danh sách ghé thăm của đôi bạn.
Gọi hai ly cà phê xong…đôi bạn ngồi chuyện trò rất tâm đắc về triết lý hiện sinh qua thơ văn, âm nhạc, tình người, thời sự…’ để thì giờ rỗi rãi từ từ trôi qua.
Thủy xem Vũ như người anh lớn tuổi có kiến thức rộng mà nàng cần học hỏi thêm.
Vũ xếp Thủy như cô bạn đối ẩm, không hơn không kém.
Vũ di tản sang định cư tại Mỹ từ thập niên 80.
Hai mươi năm sau vợ chàng qua đời. Không có con cái nên chàng trở thành người “độc thân không vui tính”’.  Vũ sống cô đơn âm thầm…
Hàng ngày sau những giờ đi làm, Vũ thường ngồi nhâm nhi cà phê ở những quán cà phê Mỹ vì chàng không chịu được mùi thuốc lá ở các quán cà phê đồng hương mặc dù chàng biết hương vị cà phê những nơi này ngon thơm đậm đà hơn “cà phê Mỹ có vị chua chua”.
Nhiều lần ngồi ở quán, chàng bắt gặp một phụ nữ Việt còn trẻ cũng “cô đơn” ngồi nhâm nhi ly cà phê Mỹ như chàng.
Trước lạ, sau quen vì thấy “đồng hương”(mà là phái nữ) lại “đồng điệu” nữa.
Vũ có dịp nghe Thủy tâm sự cho biết bốn năm qua, chồng nàng là một kỹ sư điện tử nhiều lần được công ty nơi chàng làm phái sang Saigon tìm thị trường giao dịch thương mại.
Một thời gian sau đó, chàng mất dần liên lạc với nàng khi công ty mở chi nhánh tại Việt Nam và chồng nàng được cử làm giám đốc chi nhánh.
Chàng đã sống với bạn gái mới trẻ và xinh hơn vợ cũ.
Thủy đành chấp thuận hai người ly dị khi chồng nàng nhận phần lỗi. Nàng được hưởng một phần tài sản chung của vợ chồng.
 Thủy buồn nên thường ra quán cà phê gần nhà để nhìn phố xá sau giờ ở sở làm về nhà tiếp tục gặm nhấm nỗi cô đơn.
Thế rồi…
Một hôm, Thủy nhìn diện mạo của mình qua gương soi trong phòng tắm.
 Nàng bỗng thay đổi lối sống…
 Thủy gọi điện thoại cho Vũ.
“A lô! Thủy gọi anh? Có việc gì “đặc biệt”? Em quên ngày “hẹn cuối tuần như thường lệ”?
“Em làm sao mà quên được”
Vũ ngạc nhiên..khi nghe Thủy nói tiếp:
 “ Mà hôm nay, anh có thì giờ nào giành đặc biệt cho Thủy không?”
“Sure, phải có chứ! Sao lại không được với cô bạn đáng yêu và cưng như em được, em muốn gì, xin nói đi, đừng để anh phải chờ “nghe lệnh” lâu quá, sốt cả ruột…”
“Chúng mình đi đến ngay quán cà phê…đã hẹn cuối tuần rồi nhé. Chào anh.”
Chỉ một lát sau, đôi bạn đã ngồi đối diện nhau trong quán cà phê quen thuộc.
Vũ bắt đầu nhấm nháp những ngụm cà phê nóng và thơm lừng khi nhìn Thủy đưa tay lên sửa lại mái tóc xỏa xuống bờ vai.
Hôm nay, Vũ nhận thấy Thủy hơi khác. Trông nàng xinh hơn. Nàng chịu khó sửa soạn quần áo, sằc diện như nàng sắp đi dự  dạ tiệc…
 Thủy vào đề ngay:
“Tư nhiên, hôm nay em bỗng nghĩ đến xứ Huế, có sông Hương, núi Ngự của anh.”
“Rồi sao nữa?” Vũ hỏi ngay sau câu nói của Thủy.
“Anh Vũ, Thủy muốn đi thăm Huế một lần cho biết. Ước mơ này em đã ấp ủ từ khi mới lớn lúc còn ở quê nhà..
Vũ trả lời:
“Tưởng chuyện gì…chứ chuyện này chẳng có gì khó.
Từ lâu, em chưa biết Huế và từ ngày anh xa Huế đến nay cũng trên hai mươi lăm năm, anh cũng muốn về thăm lại chốn cố đô. Nếu có em tháp tùng thì chuyến “về quê của anh” lần này sẽ có nhiều kỷ niệm và vui hơn.”

3-

Vũ đưa Thủy về thăm ngôi nhà của gia tộc chàng ở làng Giạ Lê.
 Có hai làng Giạ Lê tại đây: Giạ Lê Thượng và Giạ Lê Gót. Chàng sinh ra tại Giạ Lê Gót.
Thủy rất vui khi cùng Vũ đi thăm cảnh thôn quê miền Trung nơi đất cày lên sỏi đá.
Nàng nhận xét khác với ruộng đồng thôn quê trong miền Nam mà nàng đã sinh ra và lờn lên.
Những ngày tay trong tay thăm cố đô, Vũ đã đưa Thủy đi viếng các lăng tẩm của các vị vua dòng Nguyễn Phúc: lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định.
Thủy thích nhất khi đi viếng lăng Minh Mạng.
Phong cảnh hùng vỹ và đẹp.
Cảnh đi thuyền  trên sông nước nên thơ, lãng mạn.
Kế đến là lăng Tự Đức cũng ghi trong trí Thủy nhiều tình cảm khi nàng ngồi bên Vũ ngắm nhà Thủy Tạ.
Ngôi tháp chùa Thiên Mụ, Kỳ đài thành nội, hoàng thành với cung điện, đền đài, miếu vũ… làm Thủy vô cùng ngạc nhiên khi đứng trước những công trình kiến trúc cổ xưa.
Vũ cũng dưa cô bạn ghé thăm hai ngôi trường nổi tiếng của Huế : Trường nữ trung học Đồng Khánh và trường Quốc Học.
Những quán ăn nào có món ăn đặc sản Huế, Thủy cũng được Vũ mời nàng “ăn cho biết”.
Một tuần lễ thăm cố đô trôi qua rất nhanh. Ngày trở về Mỹ gần kề. Vũ hỏi Thủy cỏn thích gì “ở Huế” nữa không?
Thủy e lệ thủ thỉ :
Xem phong cánh Huế như vậy là quá đủ nhưng ngày xưa em có đọc một truyện… nói về “thú ngủ đò” nay còn không?
Vũ hơi ngạc nhiên khi nghe Thủy đặt câu hỏi “:hơi lạ”!
Chàng âu yếm nhìn Thủy một lúc rồi nói: nếu em thật sự muốn tìm hiểu “khách sạn nổi” có một không hai này, thì chiều nay chúng ta sẽ thưởng thức trước khi từ giã cố đô.

4-

Khi máy bay đã lên cao độ bình phi, khi các dây an toàn đã nới  lỏng, Thủy tựa đầu lên vai Vũ nói nhỏ như rót vào tai “chàng” (không còn là là người “Anh lớn tuổi” như khi mới đặt chân xuống đất Huế):
“ Anh Vũ, nhiều năm rồi em đã nằm trên giường tre, nằm trên phản gõ, nằm trên divan gỗ, nằm trên sofa, nằm trên nệm mút dày mấy tấc, nằm trên giường lò xo, nằm trên giường nệm nước … nhưng em thấy chưa có thể nào so sành với “nằm trên con đò bổng bềnh trên dòng Hương Giang, nêu giưa giòng nước lững lờ trôi, một phía bờ sông là Thiên Mụ, phía bờ kia là Long Thọ, Thọ Xương dưới ành trăng mờ mờ bị mây che khuất  như đêm qua với anh. Thú ngủ đò đã tổng hợp nhiều ưu điểm… và thật lãng mạn vô cùng!”
Vũ nòi:

“Ngày mai lênh đênh trên sông Hương,
Theo gió mơ hồ, hồn về đâu?”
với Lê Hoàng Long một thuở nào.
Hay
“Mùa hương hẹn đến khi về,
Lòng xanh còn in trời Huế!

Je t’ai promis le jour.
De mon prochain retour.

Thủy ôm hôn Vũ một nụ hôn dài như cả hai cùng nhập một câu hẹn ước:

“C’est promis, je reviendrai un jour…”
 như lời giáo sư Võ Long Tê khi sống ở Paris đã từng thầm hẹn với xứ Huế yêu quý của thầy.


PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG
May 2012

No comments:

Post a Comment