Wednesday, August 15, 2012

XÔN XAO KỶ NIỆM - Tuỳ bút Nguyễn Thị Duy



Tháng năm về xôn xao trong nắng hạ.  Ở đây không có những cánh phượng đỏ khoe màu rung rinh trong gió hay tiếng ve kêu râm rang nhắc nhở hè về. Những kỷ niệm thuở học trò dường như cũng đã nhạt nhòa theo năm tháng. Thế  mà hôm nay bỗng dưng tất cả lại tìm về làm rộn ràng trong tim từng người thuộc nhóm cựu học sinh Trần Cao Vân chúng tôi ở thành phố Charlotte nầy. Từ khi nghe ông trưởng làng của chúng tôi – Cựu nam sinh TCV Nguyễn Duy Anh – thông báo: “Trong tháng năm nầy cô giáo cũ Ngô Thị Ấn sẽ ghé về đây để gặp mặt nhóm cựu học sinh chúng tôi”.  Nhóm cựu học sinh TCV của chúng tôi ai cũng nôn nao, háo hức muốn gặp lại Cô . Thời gian trôi qua nhanh quá , dễ chừng đã hơn năm mươi năm rồi . Trãi qua bao dâu bể, vật đổi sao dời, những đứa học trò nhỏ bé của Cô ngày nào bây giờ đứa nào cũng trên sáu bó, có người có cháu nội  cháu ngoại đùm đề, có người tóc đã bạc phơ còn lưa thưa vài sợi. Không biết Cô trò có còn nhận ra nhau không

<!-- Read more -->….Cái ngày mong chờ rồi cũng đến . Chiều ngày 19 tháng 5 chúng tôi tề tựu về nhà chị cựu học sinh Lê Thị Hồng để gặp mặt Cô.  Chấp hành chỉ thị của ông trưởng làng,  mọi người về họp mặt phải đem  theo một món ăn mang đậm màu sắc quê huơng . Bởi vậy đi làm về tôi lo vào bếp làm vội vã món hến xào  để xúc với bánh tráng . Cựu học sinh TCV nhà  tôi ( T K Khôi ) lăn xăn phụ giúp cắt thật nhiều ớt để rải trên mặt hến trông rất hấp dẫn .Tay xách nách mang chúng tôi hối hả đi gặp Cô. Đến nơi tôi lo chạy vào trước. Thấy tôi vào Cô đứng dậy chào ( cung cách của Cô cũng rất Huế ) . Thầy trò gặp nhau, cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp Cô là Cô vẫn còn trẻ, khỏe so với độ tuổi của Cô, dáng  dấp Cô vẫn thanh thoát như ngày nào. Cô chưa kịp hỏi tôi đã lo tự giới thiệu: “ Thưa Cô ! em là NgT Duy, học trò cũ của Cô đây. Em học với Cô môn Pháp Văn lớp đệ Thất năm học 62 - 63 đó Cô. Cô còn nhớ em không ?. Cô còn đang ngỡ ngàng vì học trò của Cô nhiều quá Cô còn nhớ đứa nào ra đứa nào đâu …Tôi lại nói tiếp: “Thưa Cô! mấy anh chị ai cũng nói là học trò của Cô. Em không biết thật hay giả, nhưng riêng em là học trò của Cô thứ thiệt đó cô. Tôi hí hửng mở xách lấy trình ra cho Cô xem quyển học bạ cũ có chữ ký của Cô bằng mực màu xanh lá cây. Quyển học bạ cũ vàng ố theo thời gian đã đem lại sự bất ngờ cho Cô. Cô ôm lấy tôi và nói: “ Em làm Cô cảm động quá! Trải qua bao biến động của cuộc đời mà em vẫn còn giữ được quyển học bạ nầy!” Từ đó Cô cứ gọi tôi là “ cô học trò có học bạ”.
   
 Các anh chị trong nhóm cũng lần lượt đến, mỗi người mang theo một món. Chị Hồng chủ nhà lăn xăn với món “cơm gà Bà Ký Tam Kỳ” thơm phức và thật hấp dẫn. Cựu nữ sinh Nguyễn Thị Thu Thủy cùng với ông rể TCV Nguyễn Văn Tưởng mời Cô món mít trộn tôm thịt. Gỏi thật ngon, thấm đậm gia vị chính nhờ vào mấy cộng mít non đã được bàn tay khéo léo của ông rể NVT xắt nhỏ rức. Cô cựu nữ sinh Thu Thủy còn có tên là Bình. Nhóm chúng tôi thường hay gọi  cô là “Bình Thủy”  hay là “Bình lùn” vì cô có dáng người nhỏ nhắn   thật dễ thương. Cô Ấn cứ xuýt xoa khen cô nữ sinh nầy  sao xinh xắn quá. Rồi cô cũng tò mò hỏi hai anh chị: “ Cơ duyên nào mà hai em gặp nhau để nên vợ nên chồng?”  Chị “Bình Thủy” bẻn lẻn kể lại chuyện cũ của mình cho Cô nghe.  Anh chị trưởng làng lại kể tiếp: “ Cô ơi! Cái ngày đám cưới của hai anh chị nầy tụi em có dự. Vui lắm Cô. Có một người bạn lên hát góp vui cho bữa tiệc cưới hôm đó nghe thật dí dỏm “ Không phải tại anh cũng không phải tại em. Tại trời xui khiến cho hai đứa lùn gặp nhau…” Cả đám được dịp cười rộ lên.  Chị Nguyễn Thị Nguyện cùng với ông rể TCV Nguyễn Thiệu (Ông rể nầy sơ ý quá! Bỏ sót một chữ “Văn”  mà mất cơ hội làm tổng thống!  Tiếc thật!). Chị Nguyện đã chịu khó ngồi tỉ mỉ gói bánh bột lọc thật ngon, ai ăn cũng thích.  Ông trưởng làng của chúng tôi đã có mặt ở đây từ buổi trưa, anh có vẻ trông chờ cô dâu TCV Nguyễn Thị Cẩm. Chị Cẩm cũng thật tinh tế hơn chúng tôi tưởng, chị đến gặp cô với bó hoa hồng thật đẹp. chắc Cô cũng rất hạnh phúc khi nhận bó hoa  hồng từ tay nàng dâu TCV nầy tặng. Đặc biệt nhất  trong bưổi chiều nầy  là có mặt của anh Võ Nha là bạn đồng nghiệp với Cô của những ngày tháng TCV cũ. 

Từ thành phố Durham cách xa Charlotte trên hai tiếng lái xe, chị Huỳnh Thị Lan cựu nữ sinh TCV  và thầy Vũ Huấn cũng là ông rể  của TCV cũng về họp mặt với nhóm chúng tôi để đón tiếp  Cô Ấn. Thầy Huấn cũng là bạn đồng nghiệp với Cô và là người thầy cũ dạy tôi môn Sử Địa. Chị Lan cũng nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của ông trưởng làng chúng tôi. Chị về họp mặt với một món ăn dân giả, dậm nét quê hương.  Chị “can đảm” không sợ “đục mặt”  nên trình làng món bánh đúc nhân tôm chấy  chấm mắm nêm. Cả nhóm cũng “can đảm” ăn, và ai cũng tấm tắc khen bánh  đúc, khen mắm nêm ngon quá! Chắc chị Lan và Thầy Huấn vui lắm. Người đến sau cùng là cựu nam sinh TCV Tôn Thạnh Ùi và cựu nữ sinh Nguyễn Thị Hoa. Chắc anh chị nầy lu bu lo khai trương lớp dạy nhảy đầm  nên đến trể và không  chấp hành đúng chỉ thị của ông trưởng làng (về họp mặt với món gà chiên của Mỹ) nhưng may mắn vì sự có mặt của Cô Ấn nên nên ông trưởng làng du di không phạt. Anh chị là trưởng ban “hát, múa” của nhóm chúng tôi. Các bạn ở xa nếu có dịp ghé về đây xin mời thưởng thức giọng hát ngọt ngào, truyền cảm của anh Ùi và cùng ngắm các bước chân uyển chuyển, điêu luyện của anh chị ấy. Thật tuyệt vời, không ai sánh bằng.
   Charlotte, thành phố nhỏ ở miền Đông (hơi xế về phía Nam) nước Mỹ và nhóm cựu học sinh TCV của chúng tôi cũng không nhiều như ở Cali hay những tiểu bang khác nhưng cũng thật ấm áp tình thầy trò. Buổi chiều hôm ấy cả nhóm chúng tôi ai cũng như trẻ ra, cứ quấn quít bên Cô nhắc  lại những ngày tháng cũ.  Hình ảnh mái trường xưa yếu dấu và những kỷ niệm khó quên với các Thầy Cô được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Cô cũng tâm tình với cả nhóm “Ngày cô mới ra trường nhận nhiệm sở về trường TCV dạy các em cô mới 21 tuổi. Còn trẻ quá nên nhiều khi trong giảng dạy cô có điều chi làm buồn lòng các em cũng mong các em bỏ qua cho nghe. 

 Thành phố Tam Kỳ và ngôi trường Trần Cao Vân đã gắn bó thật nhiều trong cuộc đời nhà giáo của cô. Hôm nay cô rất vui và hạnh phúc nhiều khi gặp lại các em…”  Trong không khí thân mật, ấm áp tình thầy trò, Thầy Vũ Huấn cũng không nén được cảm xúc và thầy cũng tâm tình cùng chúng tôi: “Ngày thầy mới ra trường có rất nhiều nhiệm sở để thầy chọn như trường trung học Kiến Phong, TH Phong Dinh, TH Định Tường… Nhưng khi đọc thấy cái tên trung hoc Trần Cao Vân thấy có cái gì đó hay hay, lạ lạ nên thầy chọn về trường TH Trần Cao Vân ở tam Kỳ để dạy.  Thật ra từ Sài Gòn ra đến Tam Kỳ xa thật nhưng thầy thấy bằng lòng”.  Mà đúng vậy, từ khi về dạy ở trường TCV Thầy đã bị “tiếng sét ái tình” để rồi từ đó thầy cùng với chị Huỳnh Lan  xây dựng  “lâu đài tình ái” tại thị xã Tam Kỳ và bây giờ Thầy cũng là chàng rể  của TCV. Không khí buổi họp mặt trở nên sôi nổi hơn, rôm rả hơn.  Ai cũnh thi nhau kể về kỹ niệm  với các Thầy, Cô giáo cũ.  Những câu chuyện nghịch ngợm, ngây ngô của tuổi học trò tưởng đâu ‘suốt đời dấu kín” hôm nay tự nhiên bộc lộ “tự thú trước bình minh”. Hình ảnh các Thầy Cô như hiện ra trước mắt. Mỗi Thầy Cô có một đặc điểm riêng, một phương pháp riêng trong giảng dạy để học trò chúng tôi nhớ mãi về sau nầy. Thầy Tôn Thất Hàn dạy toán thường nghiêm khắc giáo dục học trò tính cẩn thận, (tờ giấy làm bài tập nộp cho Thầy phải cẩn thận gở ra từ vở học, nếu cẩu thả nắm giựt ra có dấu mấy lỗ đinh thì bài làm có đúng cũng phải ăn “trứng vịt lộn”!). Thầy Kha với đôi kính cận thật dày nên bọn học trò lợi dụng đôi kính của Thầy nhiều tên nhảy qua cửa sổ ra ngoài đi dạo phố (cái chuyện nầy ông trưởng làng của chúng tôi đã tự thú trước mặt Cô). Thầy Quân dạy môn Pháp văn đã bắt buộc học trò khi trả lời một câu lúc ào cũng phải có “Je suis…” đứng ở đầu câu trả lời, nếu không làm đúng lời thầy dặn thì dù câu trả lời có đúng cũng không có điểm.  Cô Hội lúc nào sau những câu giảng bài cho học sinh  Cô cũng kèm theo một câu hỏi thật ngọt ngào “các em có hiểu khô.. ô.. ông..?” . Thầy Lê Vàng dạy môn Văn, Thầy giảng thao thao bất tuyệt. Lúc có trống báo đổi giờ Thầy gom sách vở bỏ vào cặp nhưng miệng vẫn còn giảng, rồi Thầy vừa giảng vừa xách cặp ra cửa lớp. Thầy Nhàn dạy môn Vạn Vật, Thầy vào lớp giảng bài lúc nào cũng đi với 2 tay không, không có sách cũng chẳng có vở. Bài giảng đã có đâu sẳn trong đầu Thầy . Học trò ai cũng kính phục cái tài nầy của Thầy. Thầy Tôn Thất Quỳnh Mai lâu lâu lại thử tài học sinh với những bài làm theo yêu cầu số lượng chữ mà Thầy đã qui định. Nếu trả lời dư hay thiếu đều không được điểm mà còn bị phạt nữa.Thầy Đàn cũng dạy môn Pháp Văn, học trò nếu kha khá môn Pháp Văn mà học với Thầy thì thật là thích thú. Khi giảng một từ Thầy đã cung cấp cho học trò một mớ kiến thức như từ trái nghĩa, đồng nghĩa, cùng “gia đình” (mot de la même famille), đồng âm khác nghĩa… đăc biệt là Thầy đọc tiếng Pháp giống như Tây. Bọn học trò đàn em như tôi đầu năm học mới đều được các anh chị lớp trên truyền đạt lại cho những đặc điểm của từng Thầy Cô cũng như những “bí quyết” để đối phó… Cả nhóm cũng không quên nhắc đến các Thầy Cô khác  như Thầy Hàm, Thầy Trình, Thầy Lục, Thầy Nam, Thầy Kỳ, Thầy Tích, Thầy Tài, Thầy Ngạt, Thầy Dật… còn các Cô, chúng tôi cũng không quên nhắc nhở đến cô Mận, cô Kiều Nữ, cô Hồng Thủy, cô Kỳ…


( Riêng bản thân tôi cô học trò nhà quê thi đậu được vào trường trung học TCV ở thị xã, nhưng học được 2 năm Thất, Lục ở đây thì trường Nữ Trung học thành lập xong. Cả đám nữ chúng tôi từ lớp đệ Thất lên đến lớp đệ Ngũ đều được chuyển về Nữ TH Quảng Tín. Hai năm học ở TCV vẫn chưa đủ thời gian để bọn nữ chúng tôi làm quen với Thầy Cô, trường lớp. Nay lại giả từ TCV trong sự nhớ thương. Bỏ lại hàng phượng trong sân trường chỉ mới cao hơn đầu bọn học trò nữ chúng tôi và chưa kịp có hoa. Bỏ lại bóng mát của cây đa già ở góc trường., nơi mà bọn nữ chúng tôi thường tụm ba tụm bốn  nói chuỵên trong giờ ra chơi. .. Từ nay chúng tôi sẽ hòa nhập vào cái thế giới của bọn đàn bà con gái. Được tung hoành ngang dọc không phai e lệ, rụt rè như trước đây. Bọn tôi đứa nào cũng thực hiện đúng như lời ông bà mình hồi xưa đã nói : “ nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”. Chúng tôi được học tập dưới sự chỉ huy của cô Hiệu Trưởng Nguyễn Thị Phong Ty. Trường mới thành lập nên cũng không đủ Thầy Cô giảng dạy nên chúng tôi lại được học tập với các Thầy Cô từ trường TCV về dạy. Hai trường vẫn có sự liên kết với nhau trong giảng dạy. Cuối năm học, lễ phát phần thưởng thường được tổ chức chung… Học hết năm đệ Tứ tôi cùng với bạn bè lại khăn gói trở về lại TCV vì trường Nữ chưa có đệ nhị cấp. Trở về lại  TCV lòng tôi lại luyến tiếc 2 năm học làm mưa làm gió ở trường Nữ, chia tay đám đàn em đang cần sự chỉ giáo, bảo bọc của bậc đàn chị.  Bọn nữ chúng tôi có vài đứa cũng thật đáo để, chỉ 2 năm Thất, Lục ở TCV mà tụi nó cũng có dây mơ rể má tùm lum. Những buổi tan trường lại thấy bóng dáng mấy chàng trai TCV lòng vòng trước cổng trường Nữ trung học để được làm cái đuôi của các cô nữ sinh nầy. Đúng như mấy câu hát mà bọn học trò nhỏ sau nầy hay trêu ghẹo nhau “ Chiều hôm nay vừa tan buổi học. Em lơ ngơ ra trước cổng trường. Dường như anh đáng đứng đó bao giờ, đợi chờ em đã lâu”. Rộn ràng nhất là cái đám Thanh Vân (chè Vĩnh Phú) và Cúc (ba Xướng). Nhưng ông tơ bà nguyệt không xe duyên nên chuyện không thành. ThVân nắm tay Minh (Khoái) nên duyên vợ chồng, còn Cúc nhập ngũ và tử trận trong một lần cộng quân tấn cống vào thị xã… Và còn nhiều, còn nhiều…chuỵên tình học trò đã nở rộ khi bọn nữ chúng tôi trở về lại TCV . Chính vì sự chuyển trường nầy mà tôi lại có thêm một số Thầy Cô giáo cũ như thầy Mính, thầy Hóa, thầy Lang, thầy  Trọng, thầy Vĩnh Phúc ( thầy có cai cằm hơi dài nên bọn tôi hay nói ví von là cái cằm Parabol) thầy Luyện, cô Bạch Hồng, cô Kim Hà, cô Vinh (vợ của thầy TT Hàn) … Vậy đó, tên của các Thầy Cô đã lần lượt được kể ra trong sự yêu thương và kính trọng.  Chúng tôi cũng nghe nói bây giờ nơi quê nhà các Thầy Cô cũng già yếu, có Thầy Cô cũng đang gặp khó khăn. Bởi vậy khi nghe Cô Ấn đề nghị cả nhóm nên có chút gì đó góp phần vào việc đền đáp công ơn các Thầy Cô giáo cũ mọi người chúng tôi ai cũng hưởng ứng. Nhờ công ơn giáo dục của các Thầy Cô để chúng ta có được một chút vốn liếng kiến thức về chữ nghĩa cũng như một chút vốn liếng kiến thức về đạo làm người. Cuối tuần nhóm chúng tôi đưa Cô Ấn  về thăm thành phố Atlanta, cách Charlotte hơn 3 tiếng lái xe. Ở đây có anh cựu học sinh TCV Võ Công Minh đón tiếp.  Anh Minh và chị Phương (nàng dau TCV) thật nhiệt tình và híếu khách. Anh chị đưa Cô và chúng tôi thăm viếng nhiều nơi: Thăm chùa Ấn Độ có kiến trúc hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng với những hình chạm trổ thật tỉ mỉ và công phu… Anh chị cũng đưa Cô và chúng tôi đi cáp treo lên đến tận đỉnh núi đá vôi cao vòi vọi. Từ trên đỉnh núi cao nhìn xuống chúng tôi có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Atlanta thật đẹp và rộng lớn. Atlanta là thành phố mà năm 1996 được vinh dự tổ chức Olimpic mùa hè. Đứng trên núi cao, gió trời lồng lộng thổi làm mát lạnh cả người và ai cũng tưởng mình đang lạc vào cõi tiên…

Mọi người chụp hình thật nhiều. Ai cũng muốn được chụp hình chung với Cô,   Trông Cô thật vui và thật hạnh phúc. Sau một ngày cùng dạo chơi với Cô , các anh chị trong nhóm ai cũng than mỏi mệt, riêng Cô thì tỉnh queo!  Dáng đi vẫn thoăng thoắt, nói cưới vui vẻ… Tôi hiểu ra được là lúc nhỏ tôi học được những kiến thức văn hóa do Cô truyền đạt cho. Bây giờ già lại tôi học tập được ở Cô cách sống điều độ và ý chí kiên trì luyện tập (Cô tập thể dục đều đặn mỗi ngày, ăn ngủ đúng giờ…vì vậy  tuy Cô đã trên 70 tuổi nhưng Cô rất khỏe). Chẳng khác chi với các học trò của Cô, Cô cũng phải trãi qua những tháng ngày khốn khổ. Cũng thăm nuôi, bới xách cho chồng. Đón nhận những đau thương mất mát, một mình chèo chống nuôi con. Thế rồi Cô cũng vượt qua tất cả để có được cuộc sống như ngày hôm nay. Cùng ngày tại Atlanta Cô lại có thêm một cựu nữ sinh nữa đón chào Cô. Đó là chị Liên, chị là cựu học sinh Trần Quí Cáp ở thị xã Hội An. Chị Liên chạy ra đón Cô tư ngoài cửa. Cô trò ôm nhau mà nước mắt rưng rưng. Ăn theo Cô, nhóm chúng tôi đã được gia đình chị Liên tiếp đón nồng hậu và được gia đình chị Liên chiêu đãi món bánh bèo Huế cùng với món mì Quảng Hội An. Ngon tuyệt, ai cũng nhắc hoài…
   Những ngày Cô ghé thăm Charlotte là những ngày đầy ắp tình cảm thầy trò. Chúng tôi có được những ngày vui bên Cô. Không nhưng chỉ có chúng tôi vui mà Cô cũng rất vui. Niềm vui của Cô tôi có thể hiểu được. Đó là niềm vui của người Thầy Cô giáo. Từ đây tôi lại nhớ lại chuỵên đời nhà giáo của mình…. Theo truyền thống gia đình và hình ảnh các thầy cô giáo của một thời áo trắng đã cho tôi một ước mơ. Bởi vậy khi từ giả tuổi học trò tôi cũng chọn cho mình cái nghề “gõ đầu trẻ”. Hết dạy trường xa lại dạy trường gần. Tôi  không được may mắn như Cô. Học trò của tôi là một lũ nhóc chưa biết chùi sạch mũi. Nói còn ngọng đơ ngọng điếc. Hôm nào đến lớp cũng nước mắt rưng rưng, cứ nhìn theo dáng mẹ ngoài cửa lớp.  Thế mà lúc xa cách lòng tôi cũng thấy nhớ thương. Các em như đàn chim non bé bỏng  đang cần sự chăm sóc, dìu dắt của người Thầy Cô giáo. Vui với trẻ, say sưa với nghề được vài năm thì ngày 30 tháng 4 ập đến.
 Một ngày tháng Tư khốc liệt ! Mọi chuyện thay đổi từ đây. Tôi bị mất dạy chỉ vì cái lý lịch đen thui. Vợ của một sĩ quan “ngụy quân cải tạo”. Chỉ vì “tư tưởng không thông” nên tôi không đủ tư cách đứng trên bục giảng. Tôi từ giả lũ học trò nhỏ ở nhà ôm con ăn bám theo mẹ. Sau nầy nghe lời mẹ tôi khuyên “ phải giữ cái hộ khẩu ở thị xã và kiếm chút gạo nấu cháo cho con”. Tôi đã vát đơn đi chầu chực ở ty giáo dục nhiều lần, nhờ vã nhiều người giúp đỡ, cọng thêm với uy tín của các anh chị đồng nghiệp cũ (giáo viên lưu dung) . Tôi cũng được trở lại với nghề để cùng chia xẻ với bè bạn những khó khăn trong thời kỳ bao cấp. Cái thời điểm mà bọn tôi hay nói dí dỏm với nhau “Thầy giáo tháo giày đi dép lốp . Nhà trường nhường trà uống nước trong”. Mỗi tháng mỗi người được mua 13 ký gạo mà đã hết một phần khoai sắn lát . Hôm nào có chút mì sợi thay cho sắn lát thì phải đi sắp hàng mua từ lúc 2 hay 3 giờ sáng mới tới phiên mình . Lương tháng ba cọc ba đồng mà đôi khi hai tháng mới có để nhận. Những nhu yếu phẩm khác được phân phối theo tem phiếu. Muốn mua được cũng phải xếp hàng chờ đợi, có bữa phải về không vì hết hàng. Lăn lộn trong khó khăn của cuộc sống nên mọi người ai cũng tự tạo cho mình một nghề phụ để nuôi sống bản thân và gia đình. Sau buổi dạy có người về quê trong thêm khoai, sắn. Có người ngồi vá áo mưa, sửa xe đạp, đứng chờ trước cửa hàng mua đi bán lại cá mặt hàng được phân phối cho công nhân viên. Có kẻ đạp xe thồ, bán bánh mì, bán chè, bán cháo…Và tôi cũng chẳng khác mọi người. Tôi cũng bương chải thêm nhiều nghề phụ như về quê trồng thêm khoai, lúa. Nhận đan ao len bằng tay. Bán thuốc lá trước “sân bãi văn hóa” những đêm có các đoàn ca kịch, cải lương về thị xã biểu diễn. Cũng từ cái nghề bán thuốc lẻ nầy mà tôi có được câu chuyện về tình thầy trò cười ra nước mắt…Cũng như mọi lần, tôi vẫn hay chọn chỗ ngồi bán bên cạnh cây trụ đèn điện trước “sân bãi”. Dưới ánh đèn điện tôi vừa đan áo len, vừa chào mời khách đi xem ca kịch để bán thuốc lẻ. Hôm đó có có một cậu thanh niên ăn mặc áo quần bộ đội lại bên chỗ tôi bán thuốc. Người thanh niên chào tôi “Chào cô! Cô bán thuốc ở đây hả? Cô có còn nhớ em không? Em là thằng T. đây, em học với cô năm lớp bốn ở trường Tam Kỳ đó cô”. Tôi nhìn người thanh niên và nhận ra T. Tôi cũng rất vui và cảm động trong lòng vì trong hoan cảnh đổi thay nầy mà vẫn còn được đứa học trò nhỏ ngày xưa nhớ tới mình.   Rồi cô trò nói chuyện với nhau.  T cũng  hỏi thăm về cuộc sống của tôi và tôi cũng kể cho em biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên phải làm thêm để sinh sống. Qua câu chuyện trao đổi với T tôi biết em cũng đã trưởng thành, em đi bô đội và làm việc ở cơ quan nào đó ở gần trong thị xã. Cũng từ bữa đó em thường hay ghé lại chỗ tôi bán thuốc mua giúp cho tôi khi thì thuốc lẻ, khi thì mua cả gói, trả tiền cho tôi đàng hoàng. Tôi cũng mừng thầm vì có được mối để mua may bán đắc. Một lần khác em đến chỗ tôi mua nguyên một gói thuốc ngoại 3 số 5. Thuốc ngoại bán rất kén khách vì ít người mua nổi nguyên gói. Bán được như vậy tôi rất mừng. Lần nầy T. mua nhưng hẹn hôm sau đến mua thêm và trả tiền luôn. Tôi tin tưởng ở tình cảm thầy trò T. dành cho Cô giáo và sự đàng hoàng của em trong những lần trước nên bán cho em không đắn đo hay lo lắng. Từ cái lần nầy T. đi luôn không thấy trở lại mua giùm thuốc cho tôi  nữa ( hay là em có đến nhưng không ghé chỗ tôi ngồi bán!?). Thế là lần bán đó tôi mất cả vốn lẫn lời! Cái buồn, cái giận xen lẫn trong lòng tôi. Rồi tôi cũng tự an ủi mình “có lẻ vì T. chuyển công tác đi gấp nên thất hứa với tôi chứ học trò của tôi không phải là người như vậy. Rồi tôi lại cũng băng khoăng có lẽ do các bài học đức dục ngày xưa tôi truyền đạt cho các em chưa kỷ, hay chính cái môi trường sống đã tạo ra “anh hùng” như lời cựu nam sinh TCV nhà tôi đã nói khi nghe tôi kể lại chuyện nầy. Vậy đó, những kỷ niệm cũ bỗng dưng tìm về làm xao xuyến lòng tôi…
    
 Những ngày vui rồi cũng qua nhanh. Cô lưu luyến chia tay nhóm cựu học sinh TCV chúng tôi để trở về Fallchurch. Những ngày có Cô ở đây nhóm chúng tôi có được những ngày vui. Cô có được cơ hội ngồi lại bên nhau để hàn huyên tâm sự bởi cuộc sống nơi đây vốn đã luôn bận rộn. Cám ơn Cô đã tìm về nơi đây để gặp mặt chúng em. Xin cám ơn các Thầy Cô giáo cũ đã bỏ công dạy dỗ chúng em nên người. Dầu trãi qua bao đổi thay, biến động của cuộc đời nhưng trong sâu thẳm tâm tư của từng người, chúng em vẫn luôn luôn nhớ đến công ơn của các Thầy Cô. Chúng em cũng mong các Thầy Cô bao dung tha thứ cho chúng em những lỗi lầm, nghịch ngợm mà chúng em đã dại dột gây ra làm buồn lòng Thầy Cô trong những ngày tháng cũ xa lơ xa lắc ấy… Chúng em luôn hãnh diện được là học trò cũ của các Thầy Cô. Chúng em cũng luôn tự hứa với lòng trong những tháng này còn lại chúng em luôn sống sao cho xứng đáng là những người học trò xuất thân từ mái trường TRẦN CAO VÂN yêu dấu. Charlotte và Fallchurch không xa lắm nên hy vọng sẽ có dịp chúng tôi được đón tiếp Cô ghé về thăm trong những lần tới. Cô trò lại có dịp xúm xít bên nhau để nhắc lại những kỷ niệm thời học trò hay nhớ về mái trường xưa. Tuy vậy mỗi lần nhớ về mái trường xưa lòng tôi lại thấy xót xa! Qua biến đổi của cuộc đời ngôi trường cũ cũng phải đổi tên nhưng khung cảnh ngôi trường vẫn còn đó. Khi có dịp ghé về thăm trường bọn học trò cũ chúng tôi  vẫn có thể tìm lại những kỷ niệm ngày xưa đã gắn bó với trường. Nhưng bây giờ thì hình ảnh ngôi trường TRẦN CAO VÂN cũ không còn nữa. Ngôi trường được xây dựng lại hoàn toàn mới lạ. Bóng cây đa già đã bị che khuất bởi mấy phòng học xây 2 tầng trông rất khang trang, nhưng đối với tôi có một chút  gì đó hụt hẩn, mất mát… Đứng giữa sân trường tôi cảm thấy mình lạc lõng, bơ vơ…
      Nghe như đâu đây có tiếng hát của bạn bè “…Chiều nay bơ vơ bên mái trường. Về đây tìm lại phút mến thương… Ôi trường xưa ơi! Lòng tôi vấn vương muôn đời. Bao ngày vui đâu mờ xóa trong tâm hồn…
                                                       Charlotte, một ngày tháng Năm
                                                                Nguyễn Thị Duy

No comments:

Post a Comment