Tuesday, February 22, 2011

NHỮNG MÙA HOA PHƯỢNG VĨ.

Ghi trên huyết phượng, trời xanh thẳm,
Một mối tơ lòng, một vấn vương!

Viết tặng các bạn học cũ,
P H Ư Ơ N G - D U Y  TDC

1-

Duy xuống xe đạp, dắt xe đi ngang qua nhà thờ Nhà Nước. Trời đã sang thu, những cơn gió từ phía sông Hương thổi lên mát lạnh. Một vài cánh hoa phượng-vĩ còn sót lại của mùa hè vừa qua, lả tả rơi theo gió.
"Hết rồi! Hết thật rồi! Không còn gì nữa!"
Duy buột miệng thốt lên sau tiếng thở dài...<!--Read more-->  2-

Sau Hiệp-Định Genève, Duy theo học lớp Đệ-Tam ban văn-chương trường Khải-Định khi trường còn tạm trú tại phòng lớp mượn của trường Đồng-Khánh. Hiệu trưởng là Giáo sư Nguyễn Hữu Thứ.
Hai trường Đồng-Khánh và Khải-Định tọa-lạc cách nhau một con đường hẹp ngăn giữa, nên những học-sinh thích đùa nghịch như Duy thường đến trường sớm, trèo lên tường để "nghễ" mấy o nữ-sinh bên trường nữ Trung-học Đồng-Khánh.
Một số học-sinh khác thì thích chơi trò hỏi đáp. Trai Khải-Định hỏi: Đ.K? Gái Đồng-Khánh đáp lại : K.Đ! giống như "mật khẩu" trong quân-đội; hai bên đều hiểu,nhưng người ngoài (nếu không phải dân K.Đ hoặc Đ.K) thì chẳng biết “mô tê” gì!
Khi quân-đội Pháp chuẩn-bị hồi-hương theo tinh-thần Hiệp-Định Genève, đã trả ngôi trường Khải Định cho chính phủ Quốc Gia Việt-Nam. Các lớp trung học đệ nhị cấp được dời về lại ngôi trường cũ, đổi tên mới Trường Quốc-Học Ngô-Đình - Diệm rồi trở thành Trường Quốc-Học, tên gọi cũ thời xa xưa. Hiệu trưởng là giáo sư Nguyễn văn Hai.
Chính tại ngôi trường mới này, Duy mới bắt đầu làm quen với cô bạn gái học cùng lớp, ngồi trước chàng hai dãy ghế. Cô mới từ miền Bắc di-cư vào Huế đang còn xa lạ với giọng nói nhanh và đặc-biệt của Huế với “Hỉ, Răng, Mô, Chừ, Chộ, Nghễ...”. Nhiều lúc Duy phải giữ vai trò "thông-ngôn" cho Nguyễn, mặc dù những người bạn chuyện trò với Nguyễn cũng cùng giòng giống "con Rồng cháu Tiên" một trăm phần trăm!
Năm Đệ-Nhị văn-chương sinh-ngữ C, học-sinh rất thích giờ học văn-chương lãng-mạn Pháp thế-kỷ thứ 19 do giáo-sư Ngô-Đốc-Khánh phụ-trách. Học văn-chương lãng-mạn Pháp thế kỷ thứ 19, mà gặp Cụ Khánh say sưa giảng bài thì học-sinh "không lãng-mạn" cũng thành "siêu-lãng-mạn" ngay. Hơn nữa, Duy lại học ban C văn-chương, ngày ngày nghe giảng Lamartine, nàng Elvire, Victor Hugo, Chateaubriand...thì chất lãng-mạn lại càng sinh sôi nẩy nở, bội phần phong-phú.
Rồi thầy Lê-hữu-Mục cho đọc thêm văn-chương Tự-Lực Văn-Đoàn; lại thêm cô bạn xinh xinh cùng lớp, về cùng ngõ như một kích-thích-tố, thì chất lãng-mạn dĩ nhiên phải thấm vào đến tủy!
Để chuẩn bị ngày lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Quốc-Học, Duy và Nguyễn cùng tập dượt kịch và hợp xướng nhiều bài hát.
Rồi với sự khuyến khích của Nguyễn, Duy đã đóng góp hai posters vẽ thật lớn và đẹp : bức "LES ÉTOILES" (vì Nguyễn đã là một étoile xinh đẹp trong màn múa này) và bức "SÉRÉNATA" (do Ngọc-Ấn solo vĩ-cầm để hai nữ sinh cùng lớp trình bày vũ-điệu nhịp ba tư rất chậm này).
 
Duy nhớ rõ, sau đêm bế-mạc, các bạn cùng lớp Đệ-Nhất Triết và Sinh-ngữ của chàng đã cắt hai tấm posters này ra thành từng mảnh nhỏ để giữ mỗi người một chút kỷ-niệm. Riêng Nguyễn chiếm một mảnh to hơn cả vì nàng bảo với các bạn là nàng có công thúc đẩy và "ra đề tài" để Duy vẽ.Trước lúc ra về Nguyên nói riêng với Duy “ sẽ có một bữa ăn để vinh danh  họa sĩ”.
Để khuyến khích tài của Duy, Nguyễn mời những bạn của nàng ba ngày sau đến nhà nàng thưởng thức món bún thang do nàng nấu. Đa số bạn gốc Huế nên trước đây chỉ biết món bún bò Huế, ít có bạn biết món món bún thang nấu theo lối Bắc này.
Ai ăn cũng khen  lạ và ngon. Bữa ăn tuy đơn sơ nhưng mọi người vừa chuyện trò thân mật vui vẻ lại biết thêm một món bún Bắc. Riêng Duy lại có thêm một kỷ niệm nữa với Nguyễn. Bắt đầu từ đó món Bún Thang theo  Duy suốt cả cuộc đời như một loại thức ăn quen thuộc và “đam mê”. Giống như một văn sĩ đã viết  “con đường nào đi ngang qua nhà của người yêu của mình là con đường đẹp nhất!” còn  Duy thì “món ăn nào của người yêu mình nấu nướng là món ăn nhớ đời vậy. (Ngon hay dở không thành vấn đề!) Nhưng cũng món ăn đó khi người yêu đã nên duyên vợ chồng  lâu rồi thì đôi khi “ cũng có vấn đề!”.
Những tháng hè, Duy thường rủ các bạn học cùng lớp về quê chàng ở Hội-An để tránh những cơn nóng bức do gió Lào thổi qua miền Bình Trị Thiên và học thêm sinh ngữ  Pháp do thầy Tam Ích , một nhà văn  nổi tiếng sống ở Saigon bị chính quyền “ chỉ định cư trú tại Hội-An” mở dạy tư.
Nguyễn năm nào cũng tham dự. Họ rủ nhau đi cắm trại khu rừng dương dọc theo bờ biển Cửa Đại.
Trời nóng nực, được ngâm mình  dưới nước biển mát thật là thú vị. Tắm biển xong, lên bờ vào các quán bán thức ăn để thưởng thức những món ăn địa-phương như mực khô nướng nhậu với la-de, nghêu nướng, cua luộc, hoành-thánh tôm chiên, cơm gà, hoặc cà-ry nị bánh mì... rồi chuyện trò, ca hát thoải mái.
Những ngày vui chóng tàn nhưng những kỷ-niệm sẽ còn mãi mãi...

3-

Ai đã từng sống ở Huế, không thể nào quên được hình ảnh những hàng phượng-vĩ nở rộ đỏ hai bên bờ sông Hương khi mùa hè sang. Tiếng ve sầu trỗi lên như gọi mùa hè. Những tà áo dài trắng của các nữ-sinh vờn trong gió như những cánh bướm lượn lờ trong nắng hè trên cầu Trường-Tiền. Những tà áo như vẫy gọi thi-nhân, như vũ-khúc vào hè đầy gợi cảm.
Những cánh phượng rơi ngày này sang ngày khác như một tấm thảm đỏ tuyệt đẹp trải dài từ Nhà Ga Huế đến tận Đập-Đá, từ Cầu Gia-Hội cho đến Cầu Bạch-Hổ...
Duy nhớ lại mùa hè năm trước khi cùng đạp xe song song với Nguyễn từ con đường Hàng Me nổi tiếng có nhiều giai nhân  mang mỹ danh “My” sang đường Lê Lợi để lên ga Huế ăn những ly chè nấu đặc biệt và thơm ngon, cô bạn gái chính gốc Hà-Nội tên Nguyễn nhìn ngắm những cánh hoa phượng rực đỏ như xác pháo rơi theo gió mát từ sông Hương  thổi lên khi ngang qua khu Tòa Khâm cũ,  nàng rất xúc động khi hồi tưởng lại những mùa hoa phượng ở miền Bắc trước khi nàng di cư vào Nam. Nhất là thành phố cảng Hải Phòng được gọi “ Thành Phố Hoa Phượng Đỏ”.
 Nguyễn chợt thốt lên :
“Ôi đẹp tuyệt! Tại sao các nhạc-sĩ Việt-Nam ít ghi lại ý nhạc về những cánh hoa rực rỡ này.
Chỉ có một vài nhạc phẩm không đủ thỏa mãn cho số đông học sinh mê những cánh hoa “học trò” này.”
Nàng biết Duy đã theo học lớp sáng tác ca khúc nên Nguyễn nói với Duy:
“Hay là Duy thử sáng-tác một vài nhạc-phẩm theo đề-tài này đi.”
Duy cười với Nguyễn nhưng không nói gì.
Thật ra, Duy nhận ra vẻ đẹp của hoa phượng qua hình dáng diễm-kiều của Nguyễn lúc đó. Và trong đầu chàng không những một nhạc-phẩm mà là rất nhiều ý nhạc cho loài hoa "học trò" này đã được gieo mầm trong trí Duy.
Tối hôm ấy về nhà trọ, một tay trên phím đàn dương-cầm, một tay ghi lại ý nhạc, Duy đã viết ba khúc hát chia tay ngày hè : Mùa Hoa Phượng-Vĩ, Men Nhạc Chiều và Ép Hoa Giữ Làm Tin.

   4-

Ngày Duy trao tặng Nguyễn ba bản nhạc vừa mới được nhà xuất-bản in xong, chưa ráo mực cũng là ngày Nguyễn đến thăm Duy để báo tin cho Duy biết gia-đình nàng sắp dời vào Nam.
Đó là năm cuối trung-học, Duy và Nguyễn còn học chung với nhau tại Huế. Nguyễn không còn ở gần nơi Duy trọ nữa, nhưng chính nhờ cách xa như vậy bắt buộc Nguyễn và Duy phải nhờ những lá thư làm nhịp cầu tri-âm. Trong thư dễ "nói" những gì mà khi gặp mặt đã không nói được. Tình yêu đơn-phương của Duy được biến-thể song-phương lúc nào không rõ. Hai bên cha mẹ cũng đã rõ mối tình thơ mộng đó và chờ ngày “hai đứa” ra trường đại-học...
 Mỗi khi nhạc-phẩm của Duy đã tặng Nguyễn được trình bầy trên làn sóng điện đài phát-thanh Sàigòn hay đài Quân-đội đều được Nguyễn theo dõi và thông báo cho Duy biết để cùng thưởng-thức.Qua nhiều lá thư của Nguyễn, Duy được biết bản "Mùa Hoa Phượng-Vĩ" đã do ca-sĩ Ngọc-Giao trình bày lần đầu tiên trên đài phát-thanh Sàigòn với ban nhạc Hoa-Đăng. Bản nhạc này cũng được Thanh-Song và Thùy-Minh hát nhiều lần trên đài phát-thanh Huế. Bản "Men Nhạc Chiều" do Ban Hợp-xướng Vũ-Văn-Tuynh trình bày hợp-âm nhiều bè cùng dàn nhạc hòa-tấu. Bản "Ép Hoa Giữ Làm Tin" đã được ca-sĩ Tâm-Vấn trình bày trên các làn sóng điện đài phát-thanh Sàigòn..(Duy biết những tin này sau Nguyễn cả tuần-lễ vì mỗi lần một tác-giả có bản nhạc được chọn trình bày lần đầu trên đài phát-thanh được đài gửi tặng tám trăm đồng như là thù-lao tác-quyền).
Qua văn-chương và nghệ-thuật cùng những cánh thư "màu xanh", càng ngày hai tâm-hồn Duy, Nguyễn càng gần nhau hơn.
Thế rồi một mùa hoa phượng-vĩ nữa trôi qua. Duy dã xong năm Dự-Bị Văn-Khoa ở trường Đại-học văn-khoa Huế thì Nguyễn cũng xong Đại-Học Sư-phạm năm thứ nhất ở Đại-học Sàigòn.
Những cánh thư cứ tiếp tục nối liền giữa hai tâm hồn đồng điệu.
Lại thêm một mùa phượng-vĩ trôi qua, Duy nhận được thư Nguyễn báo tin cho biết nàng vừa được học bổng sang Canada tiếp-tục chương-trình đại-học, nàng hẹn ngày hai đứa tốt-nghiệp...
Để khỏi phải nhớ Nguyễn đang ở xa, Duy vùi đầu vào sách vở để học nốt những chứng-chỉ văn-khoa còn lại.
Rồi Duy ra trường và dạy học tại một trường trung-học ở một tỉnh nhỏ miền Trung. Những cánh thư của Nguyễn vượt đạiđương đều đều đến với Duy là nguồn an ủi lớn lao đối với Duy trong những ngày xa cách. Nguyễn luôn mơ ước một ngày trùng-phùng cùng Duy trên quê-hương. Nguyễn cũng báo cho Duy biết thời-gian xa vắng có thể kéo dài thêm vì Nguyễn học xuất-sắc nên được học bổng tiếp tục học thêm nên chưa có thể về được, khuyên Duy vững tâm chờ đợi...
Dạy học được bốn niên-khóa, theo lệnh gọi nhập ngũ của  nha Động viên, Duy rời nhiệm-sở vào thụ-huấn khóa 16  sĩ quan trừ bị tại Liên-trường Võ-Khoa Thủ Đức.
Ra trường sĩ-quan, Duy được phân bổ phục vụ  tại một đơn vị chiến-đấu tại Quân khu I.
Mười hai mùa hoa phượng-vĩ yêu đương trong đó trải qua chín mùa chờ đợi người yêu xa vắng.
Duy xấp-xỉ ba mươi tuổi, Cha mẹ Duy thấy Duy cũng đã lớn và lại đang tại ngũ, nay đây mai đó, chiến-đấu ở những nơi nguy hiểm có ý khuyên Duy nên lập gia-đình.
Duy cố thoái thác chờ đợi Nguyễn về...
Lại một mùa hè nữa hững-hờ trôi qua...
                                                                                              
5-                                  

Thế rồi một ngày đông lạnh lẽo trong dịp nghỉ lễ Giáng-Sinh, một cô gái Bắc tóc dài, giọng nói Hà-Nội đã đến sưởi ấm quả tim cô-đơn lạnh lẽo của Duy. Duy đã yêu nàng. Kinh-nghiệm những năm tháng đợi chờ cũ, chàng đã xin cưới nàng làm vợ sau khi đơn xin Bộ Quốc-Phòng cho phép sĩ-quan kết-hôn được chấp-thuận.
Cuộc sống lứa đôi của vợ chồng Duy vô cùng hạnh-phúc.
Sáu tháng sau ngày thành-hôn. Phải, một trăm tám mươi ngày, khi Duy ở vùng hành-quân về phép, vợ Duy trao cho Duy một lá thư của một cô gái tự giới-thiệu là bạn học cũ ngày xưa của Duy nhờ vợ Duy trao lại cho Duy.
Nhìn những nét chữ thân quen, Duy đã biết là ai nhưng không tiện mở ra xem nội  dung bên trong.
Duy ân-cần hỏi vợ :
“Cô ấy đến nhà lúc nào và có nói chuyện gì không em? Còn lá thư đã viết sẵn hay sau khi gặp em cô ấy mới viết?”
“Em đang đứng trông hàng với má thì có một cô gái lớn tuổi hơn em (em đoán thế) bước vào cửa hàng.
Tưởng khách mua hàng, em đon-đả chào:
“Chào cô, cô muốn mua gì ạ?”
Cô cười, chào em rồi buột miệng hỏi:
“Xin lỗi chị...chị là gì của anh Duy... mà sao chị lại nói tiếng Bắc sõi như thế?”
Em trả lời:
“Thưa, em là em của anh Duy ạ!”
Cô gái thốt lên:
“Ồ! anh Duy có người em gái xinh như thế này mà lâu nay anh ấy có khi nào nói cho bạn bè biết đâu.”
“ Xin lỗi, chị là bạn  của anh Duy em à?”
* Vâng, bạn từ lâu lắm rồi, nhưng tôi mới đi du học nước ngoài về. Nhân dịp ra thăm lại những thắng-cảnh miền Trung nên ghé thăm anh Duy, nhưng rất tiếc là anh ấy đang đi hành-quân nên không gặp được... Tôi muốn viết vài chữ để nhờ chị vui lòng trao lại cho anh ấy vì chiều nay tôi còn phải ra Huế thăm mấy người bạn nữa. Sau đó đáp máy bay về lại Sàigòn.”

“Chị ấy nhìn em, cám ơn em và không quên nhắc lại:
“Chị thật là xinh đẹp. Chị thật là... hạnh-phúc hơn người!”
“Chị ấy chào em rồi vội vã đi ra.
Trông chị ấy lúc vào thì vui tươi, nhưng lúc ra về thì gương mặt phảng-phất nét buồn không nói thành lời. Em không biết vì sao?”
Nghe vợ kể lại xong. Duy buồn bã, vào phòng mở thư ra đọc:

"Anh Duy,
Hứa với Anh là học xong, Em về ngay để gặp Anh. Thấy chị xinh quá, anh thật là có mắt tinh đời (mặc dù anh cận-thị nặng!). Chúc Anh Chị hạnh-phúc mãi mãi. Hàng ngày anh nghe giọng Hà-Nội bên cạnh sẽ nhớ... "nhà thờ Nhà Nước!". Còn em, sẽ không bao giờ quên được bãi biển Cửa Đại ngày nào...
Thân ái,
NGUYỄN "


PHƯƠNG DUY - TDC

©PHƯƠNG-DUY TDC

1 comment:

  1. Lời hứa liệu có bền được mãi không , khi chúng ta xa cách rời chúng ta phải chia sẻ chứ
    ............................
    thép hòa phát | thép hộp mạ kẽm

    ReplyDelete