Sunday, February 20, 2011

NGUỒN TRÔI

Truyện ngắn của Phan Thái Yên

Mùa lũ năm nay về sớm quá. Cơn bão biển đầu mùa vươn cánh tay cuồng phong quẩy động núi rừng ngái ngủ cuối Thu khiến nước nguồn phăng phăng kéo về đồng bằng hung hãn cuồng lưu. Mưa dầm ủ dột vùng Phố Cổ đã hơn tuần lễ mà trời vẫn chưa qua được tháng Chín tai ương từ những ngày đầu. <!-- Read more -->
Sáng hôm qua Nữ theo tàu chợ từ cửa biển vào phố. Con tàu ì ạch chống chòi dòng nước ngược gần suốt buổi sáng mới lết hết quảng đường sông ngày thường chỉ chạy hơn tiếng đồng hồ. Nữ nhìn bãi bắp khô bên cồn lúc đó còn ngấp ngoi trên mặt nước giúp mường tượng ra chút lằn ranh giữa làng xóm Kim Bồng, An Hội và dòng sông Thu Bồn cuồn cuộn chảy. Thế mà chiều nay dãi cồn bắp đã khuất chìm trong nước bạc. Đứng trên bến đò nước ngập bắp chân, bầy trò nhỏ lớp Anh Văn của Nữ lo lắng xuýt xoa nhìn về phía chiếc cầu bắc qua xóm Cẩm Nam, thành cầu bấp bênh thấp xỉn trên lằn nước . Thằng bé hàng xóm của Nữ được cha mẹ cho theo cô giáo, vụng về an ủi bạn bị cô bé bên xóm Kim Bồng nguýt dài cự nự.
-          Mi ở tuốt ngoài đồi cát Xuyên Thọ thì biết chi mà nói. Chổ tao ở năm nào nước cũng vô nhà phải đi trốn lụt. Ở đó mà không can chi.
Nữ xúc động nhìn cô bé học trò mười hai tuổi, thân thể gầy nhom, nước mắt đoanh tròng rưng nhìn vào vùng nước ngập tràn đe dọa. Nàng ôm vai con bé khuyên lơn.
-          Bạn em nói thật lòng đó. Cha mẹ gởi em cho cô để rảnh tay chống lụt. Không chi mô, họ đã sống qua trận lụt năm tư, sáu tư thì lụt năm ni chắc chắn sẽ không sao.
Nữ dẫn bầy học trò bốn đứa về lại hợp tác xã. Vài xã viên vừa xong việc chuẩn bị lụt vội vã chào Nữ lúc hấp tấp lấy xe đạp về nhà. Dì Chức vẫy tay chào họ, mắt vẫn chăm chú nhìn dãy gác lửng chất đầy đèn lồng và vật liệu.
-          Biết cháu quyết định ở lại hợp tác xã với học trò nên anh chị xã viên đã để trống phần gác gần cầu thang.
Người đàn bà ân cần chỉ vào cái xuồng nhỏ bằng nhôm nằm lỏng chỏng trên sàn nhà, sợi dây dừa cột lửng vào chân gác.
-          Tiệp vừa mang cái xuồng này tới cho cháu đó. Để khi cần thì có.
-          Ủa!? Anh Tiệp trên Kontum về khi mô vậy bác?
-          Cái thằng số khổ. Nghe lời bạn bè bỏ Hội An lên trên đó làm gạch gổ gì đó. Mới được sáu tháng, vừa cực vừa buồn, bò về lại nhà ngày hôm qua. Tưởng yên, ai ngờ lại hứng trận lụt này.
-          Tại anh Tiệp nhớ Hội An muốn về lội nước lụt, ăn bánh xèo đó dì ơi.
Dì  Chức khoác áo mưa đon đả bước ra cửa.
-          Thằng đó mà nhớ ai. Cái thây nó, nó còn chưa nhớ tới nữa là… Thôi dì về. Còn phải lo đốc thúc dọn đồ đạc bếp núc lên lầu trước khi nước lên, chớ không thì chết đói cả nhà… Các cháu nhớ thay phiên nhau thức canh nước. Lăn cả ra đó mà ngủ, nước lên không hay chết trôi cả lũ thì chớ trách ai.
Nữ chỉ tay về phía cái lò om mới và bao than ở góc bếp dặn dò ba cậu học trò.
-          Xuyến theo cô đi chợ còn các em thì lo mang hết đồ đạc của mình lên gác. Nhớ  cẩn thận lúc khiêng lò và than lên cầu thang.  Bể lò là hỏng ăn đó nghe chưa ba cậu!
Con Xuyến thất vọng nhìn mấy cửa hàng mậu dịch quốc doanh trống rỗng và khu chợ chiều thời bao cấp vắng hoe.  Cô bé ngạc nhiên nhìn Nữ vẫn thản nhiên bước vội qua dãy sạp hàng vắng đi về phía những gian phố cửa đóng cuối chợ. Bên trong không im lìm như Xuyến nghĩ.  Nhìn cô giáo mau mắn mua hai giỏ đầy gạo, thịt heo, mỡ, tôm cá tươi, rau đậu, và cả một bịch bột… những món ăn sang trọng Xuyến chưa hề được nếm tới trong nhiều năm. Nước mắt con bé chợt trào ra. Xuyến nghĩ tới hai ngày trước, lúc cha mẹ ghé qua hợp tác xã xin cho con được ở lại với cô giáo mấy ngày lụt lội. Xuyến thương mẹ run run cầm lại bịch bo bo từ tay cô Nữ lúc cô không nhận bảo cứ mang về. Xuyến nuốt nước miếng thì thào hỏi cô giáo.
-          Thưa cô, có phải tụi em được cô cho ăn cơm trắng với thịt heo phải không cô!?
Nữ  thương cảm nhìn học trò mình.
-          Em biết nấu cao lầu không? Cô tính chiều nay nấu Cao lầu, mì Quảng. Ngày mai lụt tới mình đổ bánh xèo bằng lò om trên gác.
-          Em có nhìn thấy mẹ nấu mì Quảng một lần, nhưng mà lâu lắm rồi.
-          Không sao, em nhớ tới đâu thì nấu tới đó, cô sẽ giúp em. Với lại ba ông tướng đó thì có ăn đá cũng khen ngon.
Xuyến xăng xái bước về hợp tác xã với hai giỏ thực phẩm đầy trên tay. Cô giáo Nữ nhìn theo, lòng vui tưởng quên cơn lụt đang tới.
Cô giáo, học trò lăng xăng nấu nướng trò chuyện không ai hay buổi chiều đã xuống tự lúc nào. Những mảng mây màu chì sà xuống không trôi nặng oằn lên mái phố rêu phong ngã chìm dần vào bóng tối. Con Xuyến có lẽ đã quen giúp mẹ ở nhà lại sáng dạ nên chỉ cần chỉ qua là cô bé đã thoăn thoắt làm đúng như ý của Nữ. Cậu bé Xuyên Thọ bị con Xuyến mắng ban sáng có lẽ muốn làm lành nên cứ quanh quẩn để được sai vặt, chăm lửa, lặt rau. Hai anh chàng xóm Cẩm Nam chỉ một loáng đã chẻ xong mấy bó củi, ngồi đâu lưng bên bếp hít hà mùi thịt hầm thơm ngậy. Lửa bếp lắt lay ánh hồng lên khuôn mặt con Xuyến lấm tấm mồ hôi. Nữ xúc động nhìn bàn tay nhỏ nhắn cô bé trân quí sửa soạn từng miếng thịt cọng rau trên những tô mì Quảng, Cao lầu trong lúc cả ba cậu bạn học ngồi hau háu quanh mâm. Nữ lằng lặng bước lùi ra xa mà mắt không rời hình ảnh bốn mái đầu xanh đang chụm vào nhau trong vầng sáng hừng lên nồng nàn bếp lửa. Nước mắt Nữ rớt ra từ niềm vui không ngờ  ập tới cùng lúc với nỗi cô đơn vừa thức giấc từ sâu kín lòng nàng.
Dưới ánh bạch lạp tỏa ra từ mấy ngọn đèn lồng treo, bầy học trò tụm quanh Nữ bên bửa ăn chiều như một gia đình đầm ấm. Con Xuyến trịnh trọng so đủa mời cô giáo trong lúc đám con trai đã ồn ào miệng mời tay bưng. Dáng vẽ quán xuyến và khuôn mặt hồng lên vì lửa hay lời khen của bạn học khiến cô bé trông thật dể thương.
-      Trò Xuyến nấu Cao lầu còn ngon hơn quán ông Cảnh nhiều.
-      Trò Xuyến nấu mì Quảng bỏ nhiều thịt heo gấp mấy lần quán Năm Cơ.
-      Trò Xuyến không nấu bằng nước giếng Bá Lễ mà vẫn ngon tuyệt.
Cô giáo Nữ nhìn khuôn mặt trò Xuyến đỏ au, bật cười vì mấy lời khen tặng ba hoa ra vẽ sành điệu của ba cậu học trò mới tí tuổi đời.
-      Ba em khen như vậy là đủ rồi. Cách cảm ơn hay nhất là sau bửa ăn các em rửa chén để trò Xuyến được nghỉ. 
Xuyến nguýt dài đám bạn học, lên giọng tra trén.
-      Thôi để em rửa cho rồi. Mấy trò ni rờ vô còn dơ thêm.
-      Vậy thì trong lúc Xuyến rửa chén, một trò nấu cơm nướng cá khô để chuẩn bị làm cơm nắm. Khô nục ở Xuyên Thọ ngon nổi tiếng đó nghe!...
Nữ nhìn quanh tìm ra cuộn dây dừa lớn trong góc nhà trao cho hai cậu học trò Cẩm Nam.
-      Còn hai ông tướng ni thì lo quét dọn trong nhà thật sạch rồi cột ràng ghế bàn lại với nhau vào cột nhà cho chắc.  Các em ráng làm việc, cô ra ngoài thăm chừng mực nước.

Nữ  khoác áo mưa đạp xe chầm chậm qua phố vắng. Mới đầu hôm mà nhà nào cũng cửa đóng im ỉm lo lắng chờ lụt tới. Ánh đèn đường mờ soi lòng phố lất phất mưa. Nữ định bụng đạp xe về phía bờ sông nhưng khi vừa qua khỏi đường Nguyễn Thái Học thì nước đã ngập bánh xe. Nữ dắt xe lên bờ đường đứng lắng nghe tiếng sông Hoài trở mình cuồn cuộn chảy như truông phá cuồng lưu. Quay về hướng đường Cường Để, bóng Chùa Cầu mờ trong mưa giăng. Tiếng nước như thác chảy dưới chân cầu khiến Nữ chần chừ nhưng rồi một thôi thúc bất chợt đã khiến nàng tiếp tục đạp qua cầu. Nàng mỉm cười nhớ ra lúc vòng xe quay lại để được lắng nghe lần nữa tiếng bánh xe đạp nhảy lọc cọc trên những đà gổ cũ. Tiếng kỉ niệm. Tiếng cười như nắc nẻ của anh Niên những buổi trưa trốn ngủ chở em gái đạp xe qua cầu. Những thanh gổ cũ xưa như phố trăm năm còn đó mà anh thì đã thiên thu.
Bầy học trò reo mừng thấy cô giáo về lại hợp tác xã với bao bắp nướng treo tòn teng trên ghi-đông xe.
-      Còn gần chục trái cô mua hết để hai mẹ con họ về nhà cho sớm, mưa ướt tội em bé quá. Thôi mình vừa ăn vừa làm cơm nắm.
Con Xuyến lo lắng hỏi.
-      Nước dâng cao lắm rồi phải không cô?
-      Chưa mô. Đường Nguyễn Thái Học mới lắp xắp nước.  Chắc là phải qua đêm nay nếu trời mưa lớn hơn.
-      Mọi năm thì cha dọn đồ đạc lên hai cái giường kê cao rồi cả nhà xúm nhau ở đó nhai khoai khô chờ nước rút. Em nhớ có một năm nước lớn, cha mẹ bỏ em lên ghe chèo lên gò. Cả xóm đem nhau vào tránh lụt trong bãi mộ cổ. Cha lấy mấy tấm tranh, miếng vải nhựa che gió cái nhà mồ cho em và mẹ giử ấm qua đêm. Em sợ ma quá không ngủ được cứ ôm quấn lấy mẹ. Năm ni chắc mẹ cha lại phải lên gò trốn lụt nữa rồi.
Chừng nửa đêm trời trở mưa lớn. Tiếng mưa nặng hột rào rào trên mái ngói. Trằn trọc  nghe mưa không ngủ lại được, Nữ nằm nhớ miên man những ngày mưa cũ.  Mùa mưa dầm nước nguồn Trà Linh kéo xuống dâng cao mực nước sông Hoài. Con đường trước mặt nhà trở thành dòng sông nhỏ. Những chiếc xuồng con chèo chống giữa lòng phố vẻ vời thêm cho trí tưởng tượng trẻ thơ. Gian bếp gia đình ấm áp. Trả cá đồng chị Nhi kho khô cho cha ăn cơm gạo ruộng. Cái lò om đổ bánh xèo rực than hồng, anh em Niên ngồi chờ từng chiếc bánh xèo mẹ vừa đổ còn nóng hổi. Tất cả đã thành kỉ niệm khó quên.
Trời vẫn mưa tầm mưa tã theo giấc ngủ say của đám trẻ ăn chưa no lo chưa tới. Sáng ra lúc được Nữ đánh thức dậy, bầy học trò còn ngáp dài ngáp ngắn ngồi dọc theo thành gác lửng rồi chợt tỉnh như sáo khi nhìn thấy nước lụt bắt đầu bò vào nhà qua ngạch cửa. Chỉ trong chớp mắt nước loang ra khắp nhà, lừng lững dâng lên ngập chân gác. Chiếc xuồng nhôm bắt đầu động đậy gỏ lanh canh vào cột nhà. Nước dâng mỗi lúc một cao, gần trưa thì  đã ngập lút mặt ghế. Ba cậu học trò xin cô làm Robinson bỏ “hoang đảo” men theo thang gác bước xuống xuồng tháo dây chèo quanh nhà.
Mưa vẫn bời bời rớt nặng giọt trời. Từ cửa tò vò sát nóc nhà chỉ thấy toàn một màu u xám. Nữ và cô bé học trò bắt đầu đổ than vào lò om nhen lửa chuẩn bị đổ bánh xèo. Mùi thơm của nhân tôm thịt xào nấu trên lò than làm ba tên cướp biển cảm thấy đói bỏ cuộc chơi bò lên gác xúm xít hít hà. Cô giáo Nữ sai một cậu học trò xuống chèo xuồng ra lu nước lớn góc nhà còn nằm trồi khỏi mực nước lụt lấy nước mưa trộn bột.
-      Lẽ ra muốn cho bánh xèo thiệt ngon phải ngâm gạo trước để xay bột bằng cối đá. Bột hòa nước chảy ra từ cối đá được hứng vào chậu để đổ bánh ngay khi đó.  Cô giáo nhìn học trò, cười đùa... Mình bửa ni chỉ có nước mưa trộn bột đổ bánh xèo, mấy em ráng ăn đở cô cảm ơn hỉ !
Bầy học trò con trai nhao nhao.
-      Ở nhà em vẫn còn cối xay nhưng ít khi có gạo trắng để mẹ xay bột đổ bánh xèo.
Con Xuyến buồn buồn.
-      Nhà tui cái cối xay cũng không có nói chi là gạo trắng.
Tuổi nhỏ vô tư , chỉ vài phút sau con Xuyến đã theo bạn chống xuồng đi lặt rửa giá hành, rau sống rồi náo nức vui theo bạn ngồi chờ giành nhau từng chiếc bánh xèo còn nóng hổi trên chảo. Lúc con Xuyến đổi tay đổ bánh xèo cho cô giáo ăn, ba cậu học trò vẫn còn ngồi quanh thòm thèm.
-      Bao tử mấy trò ni bị lủng rồi cô ơi!
Nữ nhường ăn cho học trò.
-      Thôi cô no rồi. Ba em cứ thay phiên đổ bánh, ăn cho tới khi nào thật no mới thôi. Phải tới mùa lụt sang năm mới được ăn lại đó!
Ngày chậm qua. Trời tạnh mưa hé lộ chút nắng xế chiếu len lách giữa những tảng mây đen sa sầm hơi nước.  Mực nước lúc này đã dâng cao gần tới một nửa chiều cao cánh cửa ra vào. Nữ bắt đầu nao núng nhưng không muốn chia sẻ nỗi lo với học trò.  Nàng lấy ra tập hình màu gia đình chị Nương, chị Nhi anh Dõng  và các cháu ở Mỹ cho bầy học trò xem. Thế mà chính nàng lại bị cuốn hút thật  nhanh chóng vào điều nàng chưa hề nhận ra trước đó. Thời gian trôi và những giấc mơ ở lại. Những đứa cháu của nàng lớn nhanh đến không ngờ. Nhất là cháu Huy. Còn mãi trong trí nhớ hơi ấm cháu Huy ngái ngủ trên vai nàng chỉ hơn hai năm trước trên buổi sáng đồi sương. Tại sao đất nước của người ta giàu quá vậy cô ? Ở Mỹ có lụt không cô ? Có người nào phải vô chòm mả ở để trốn lụt không cô? Buổi chiều hôm đó, cô giáo học trò quây quần bên nhau nói về những giấc mơ của mình.
Đêm trôi. Nữ chập chờn giấc ngủ, hình như trên một đảo hoang, thủy triều êm. Và những đứa trẻ cũng ngủ rất ngoan với giấc mơ của mình.

-      Cô Nữ ơi! Nước đứng rồi cô. Vẫn ngang mức giữa cửa từ tối hôm qua tới chừ.
Cô giáo, học trò lục đục nấu cháo ăn sáng vừa xong thì có tiếng anh Tiệp chèo xuồng tới trước cửa.
-      Đoàn cứu trợ nạn nhân bão lụt đây. Ai muốn được cứu thì mở cửa!
Ngạc nhiên vì sự vui vẽ không giống như anh Tiệp thường ngày lầm lì xa cách Nữ nhờ cậu học trò chống xuồng ra kéo then cài rồi lên tiếng đùa.
-      Ta chính là cánh cửa, nếu ai bởi ta mà vào thì sẽ được cứu rỗi.
Anh Tiệp đứng trên xuồng trước khung cửa mở. Sau lưng anh con phố chìm sâu trong nước tràn lan. Cậu học trò mừng rỡ nhận bịch xôi lớn lúc anh Tiệp bước qua xuồng tay ôm chiếc bình thủy nhỏ.
-      Còn ta có chìa mà không dám mở cửa, nhưng nếu ai để ta vào thì sẽ được uống cà phê, ăn xôi đậu.
-      Anh Tiệp hôm nay vui quá. Tưởng anh từ Kontum về có đem theo nàng sơn nữ Tây Nguyên trình diện dì, ai ngờ chỉ có cà phê.
Anh Tiệp bước lên thang gác.
-      Rứa thôi, chỉ có cái mạng tày ni và mấy kí cà phê chưa rang… Anh nhìn quanh. Ai nấy đều bình an cả chớ!?  Mấy cô cậu ni coi bộ đang đói. Ăn xôi đi mấy em. Của đồng chí mẹ, phó chủ nhiệm hợp tác xã gia công đèn lồng đích thân nấu đó.
Anh Tiệp rót cà phê ra hai li nhỏ lấy từ túi áo lính cũ. Nữ đón cà phê từ tay anh. Mùi cà phê thơm ngát.
-      May quá. Ai cũng lo bị  lụt lớn như năm sáu tư.  Nước đứng từ nửa đêm qua. Hi vọng nếu trời không mưa nữa, bắt đầu khuya nay nước sẽ rút từ từ.
-      Lạy trời được như anh nói. Hai đêm rồi em lo quá.
-      Cô giáo muốn dẫn học trò chèo ghe đi coi lụt không ?  Bầy học trò nhao lên mừng rỡ lúc anh Tiệp quay qua hỏi Nữ. Em có còn nhớ lần sau cùng ngồi ghe coi nước lụt là năm nào không?
-      Em nhớ mang mánng là lụt sáu tư cha chèo xuồng chở anh Niên và em đi quanh mấy đường phố gần nhà. Năm đó em mới bốn tuổi.
-      Còn anh học Đệ Lục. Chị Nhi với anh Mẫn năm đó cùng học Đệ Tứ. Anh Mẫn bồ chị Nha ngoài Vĩnh Điện, hai người chèo một ghe nên anh được ngồi một xuồng với chị Nhi. Mấy năm sau chị Nha chết vì xe bị mìn lật trên đường ra nhập học năm thứ hai Đại Học Huế. Anh Mẫn buồn bỏ vô Sài Gòn gia nhập Hải Quân sông nước hải hồ rồi đi biệt từ đó.  Hai mươi năm.  Biết bao thay đổi thăng trầm. Chỉ còn lại những mùa nước lũ vẫn theo nhịp trời mà kéo tai ương từ rừng rú về hành hạ con người, đất nước.
Anh Tiệp lên giọng ngâm nga lúc mọi người lần lượt bước xuống gác lửng. Em về ở lại đây thôi! Nghe mùa nước lũ nguồn trôi phăng đồng.  (Bùi Giáng)
Con Xuyến chần chừ rồi bước qua đò ngồi chung với bạn.
-      Xuồng ni lớn hơn, em ngồi với mấy bạn cho vui.
Cậu học trò Xuyên Thọ hí hửng.
-      Trò Xuyến muốn nhường chổ cho thầy cô đó.
Một học trò Cẩm Nam khác nâng cao bịch xôi lên quá đầu.
-      Tụi em ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây…si cô ơi!
Bọn học trò cười ầm lên lúc Nữ tảng lờ mắng mỏ.
-      Tổ choa mấy đứa bây! Nhớ là phải chèo theo cô, không được bỏ đi xa.
Anh Tiệp chống xuồng ra lòng phố, mắt đồng lõa nhìn lui bầy học trò quỉ quái.
-      Mấy thằng Bờm ni không có quạt mo làm vốn lại có xôi ăn còn dám chọc quê… thầy. Nhưng mà biết uống nước nhớ nguồn như rứa mai sau có cơ lớn nổi thành người.  Còn mấy phú ông tóc đỏ bờm xờm kia thì hết thuốc chửa, thành ngợm cả rồi.
Bầy học trò ngưng cười ngơ ngác nhìn chau. Xuồng nối đuôi nhau chèo xuôi giữa hai bờ phố lửng chìm trong nước. Mái phố úp mặt xuống nước như dãy bát sành cũ kỉ màu rêu.
-      Anh đi tù cải tạo về gần hai năm, bửa ni mới được “hầu chuyện” với anh. Dể sợ! người chi mà khó quá rứa thê.
-      Chưa được hầu làm sao biết khó nói chuyện?
Nghe Nữ kể lại lần đầu tiên tình cờ gặp anh tại nhà hôm nàng và dì Chức đi lãnh quà ở Mỹ gởi về, anh Tiệp cười phá lên phân bua.
-      Trời đất! Oan em quá cán bộ ơi. Vừa ở tù cải tạo về mặt mày khờ câm, dòm quanh thấy ai cũng tưởng là cán bộ quản giáo thì cười sao nổi?
-      Em không hiểu tại răng thiếu úy như anh lại phải đi cải tạo tới sáu bảy năm?
-      Tại anh là thiếu úy “Chạy Trốn Chiến Tranh”… Anh tốt nghiệp trường Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt nên được chụp thêm cái mủ tình báo phản động tối đa. Đã vậy, sau sáu năm tù nhỏ Tiên Lãnh còn bị ra tù lớn quản chế thêm một năm nữa. Tuần nào cũng phải trình diện công an phường. Hàng ngày thì kéo xe ba-gác lăng xăng lao động đong cho đủ vinh quang với người ta.
Anh Tiệp quơ một vòng mái dầm làm nước văng tung tóe.
-      Vừa mãn quản chế xin đi Kontum mấy tháng, trước là lao động sản xuất ván sàn xuất khẩu trả nợ Liên Xô, sau là tìm nơi không ai biết để nghỉ mát. Rứa mà…Anh lắc đầu nhìn Nữ làm ra vẽ thất vọng. Ai ngờ vừa về lại Hội An thì dính ngay trận lụt, hiện giờ lại còn bị cô em trong nhà tra tấn một cách dã man.
Nhìn điệu bộ anh Tiệp, Nữ nín cười nghiêm mặt đóng kịch với anh.
-      Nghỉ mát ? Anh lên núi tìm sơn nữ Phà Ca hay em Pleiku má đỏ môi hường thì mau mau thành thật khai báo, cách mạng sẽ khoan hồng cho tội chết.
-      Báo cáo cán bộ, nói cho ngay tui có rình mấy cô sơn nữ trần trụi tắm sông Dak-Bla. Dòm họ tắm xong tui tưởng tuồng hát sắp vãn tính chun ra khỏi bụi không ngờ tới khi đó mấy cổ mới lè phè đứng trên bờ đá thoa xà phòng thơm quốc doanh lên người rồi mới mặc xịnh khoác gùi lên vai sắp hàng dọc kéo nhau về buôn làng.
Nữ chưa chịu buông tha.
-      Còn em Kontum thì răng?  Anh không được giả lơ. Dì Chức bật mí sơ sơ cho em biết rồi.
-      Cô bé này thiệt là…Thì ngày xưa ở lính lên trấn thủ phố núi gặp người ta.  Bây giờ người ta đã lấy chồng.  Anh chồng ngoài Bắc vào là giám đốc bệnh viện nơi cô y tá vẫn làm việc  từ ngày đó. Gặp nhau, một bên ngó lơ, một bên làm thinh. Chấm hết.
-      Chấm còn! Người ta tên chi rứa?
-      Cao Nguyên. Hoàng thị Cao Nguyên.
Tiệp bàng hoàng giữa âm vọng chơi vơi, ngờ ngợ phải chăng mình vừa gọi tên người con gái vùng phố núi hoa vàng năm xưa. Âm thanh quá khứ trở về nở ra lung linh như những đóa thục quì bên dốc đường lên chủng viện. Xa dài cuối con dốc, khu bệnh xá thiện nguyện của một dòng nử tu ẩn mình trong khu dinh điền cà phê xanh lá bạt ngàn. Dòng sông Dak-Bla cạn lòng lô nhô đá ôm vòng thị trấn loáng thoáng nắng rơi.
Anh gặp Cao Nguyên lần đầu tiên vào một chiều tiểu đoàn anh từ mặt trận Dakto về Kontum dưởng quân. Nhóm sĩ quan trẻ quàng xiên quán xá cho bưa rồi chất nhau lên chiếc jeep mượn của hậu cứ tiểu đoàn đi loanh quanh phố nhỏ. Con đường Lê Thánh Tôn quá ngắn nên chẳng mấy chốc họ đã phân vân đứng trước cổng tòa chủng viện tọa lạc trên vùng đất lớn ở đầu con dốc cao nhất thị xã. Chiếc xe jeep từ từ chạy xuống con đường dốc gập ghềnh đá lỡ. Những trận cười thích thú theo bước chân bầy con gái Ba-Na nhấp nhô khuôn ngực trần căng dáng núi. Xuống lưng chừng dốc Tiệp phải dừng lại vì một chiếc xe chết máy nằm ngay giữa đường. Trước đầu xe ba dì phước lớn tuổi người Âu và một cô gái Việt đang đứng thất vọng nhìn nhau. Nhóm dì phước nghiêm trang trong chiếc áo dòng tu dài kín màu xanh nước biển, đầu vấn khăn cùng màu thả dài quá vai. Cô gái mảnh mai duyên dáng trong quần Tây ka-ki và chiếc áo len cổ cao màu hoa pháo. Cô gái cao nguyên má hồng, môi mọng như màu áo và đôi bàn tay trắng xanh ngón thon dài.  Nhìn nét mặt ngơ ngác của nhóm dì phước sau câu hỏi chào bằng tiếng Anh của mình, Tiệp thất vọng cố gắng moi móc mớ tiếng Pháp nghèo nàn còn sót lại từ mấy năm trung học mà chẳng mấy thành công. Sau cùng các dì phước cũng hiểu được ý của Tiệp qua thông dịch của cô gái. Anh tìm ngay ra lí do sau khi cố gắng nổ máy xe vài lần. Họ phá lên cười sau tràng tiếng Pháp vui như chim hót của cô gái. Họ vừa đi khám bệnh phát thuốc trong buôn làng ở Sa Thầy về tới đây thì xe hết xăng. Can xăng dự trử từ  chiếc jeep đã mau chóng giúp chiếc xe bệnh xá nổ dòn chạy tiếp quảng đường ngắn về lại bệnh xá. Mắt dáng thuyền ngoái nhìn rớt lại ấm áp nắng vàng cho lòng ai xao xuyến trông vời.
Họ gặp nhau như thế từ một tình cờ rồi yêu nhau không hẹn vội vàng.  Tiệp lao mình sống qua chiến tranh. Giữa những lần chiến trường tạm im tiếng súng là anh nao nức theo xe đò hay quá giang quân xa, xe be chở cây vội vã bỏ trận địa về thị xã để được qua một chiều một tối hẹn hò với người yêu. Con dốc vàng hoa dã quỳ trong chiều cao nguyên cuối năm gây gây lạnh êm đềm tiếng chuông giáo đường từ bốn hướng vọng ngân nga. Đường làng Phương Nghĩa im lìm hàng mai già chờ đơm nụ Tết, thân cành khúc khuỷu nét họa xưa  đứng dưới cơn mưa nhỏ thì thào. Họ ngồi bên nhau hàng giờ dưới hiên nhà nàng, im lặng mà đôi lòng dâng ngập niềm vui.
Qua Tết. Mùa Xuân cuối cùng. Chiến trường càng trở nên bi thảm. Đơn vị anh chiến đấu trong thế cô, sức cùng lực kiệt. Lệnh di tản từ Pleiku đến bức bách lúc đơn vị vừa manh giáp tả tơi rút về Kontum. Anh hấp tấp đi tìm Cao Nguyên. Bệnh xá trống trơn. Vài nhân viên người Thượng còn nấn ná ở lại cho hay các dì phước đã xuống Pleiku từ hai ngày trước để bay vào Sài Gòn.  Các soeurs có tận lời khuyên nhưng Cao Nguyên từ khước không theo cùng và đã về nhà từ sáng qua. Ngôi nhà vắng, cửa đóng then cài. Tiệp âu sầu ngồi xuống chiếc ghế xích-đu dưới hiên nhà, lòng anh rối bời.
Cuộc di tản lính dân hổn độn kinh hoàng, dài dặc mối đau thương qua đường 14 qua tử lộ 7 dài hơn hai trăm cây số đường núi vượt suối băng ngàn. Trời cao nguyên cuối mùa Xuân thật  lạnh vào buổi sáng rồi nắng lên khô khốc bụi đỏ tung mù theo từng vòng sắt nghiến, bánh xe lăn, từng bước chân người tuyệt vọng, âu lo. Đoàn dân tội nghiệp lếch thếch dắt dìu nhau theo chân những người lính. Tiệp không ngớt kiếm tìm, thăm hỏi nhưng chẳng ai hay biết về gia đình Cao Nguyên. 
Đoàn di tản qua được Phú Túc không bao lâu thì bị vây quẩn. Súng nổ bốn bề. Biệt Động Quân đánh mở đường phía trước.  Bộ đội sư đoàn Điện Biên Bắc Việt từ phía Tây Phú Bổn truy đuổi phía sau.  Rồi tiếng phản lực, tiếng đại pháo thét gầm… pháo binh cọng hòa, sơn pháo cọng sản hòa vào nhau thành luồng âm động kinh thiên rung chuyển núi rừng. Xác lính, xác dân, xác người già trẻ em tan tác tung lên theo đất đá vở toang. Những tia mắt lạc thần vì đói khát và đau thương đã vắt cạn khô dòng lệ ngơ ngác nhìn cảnh địa ngục trần gian trước mặt.
Đêm núi rừng xuống nhanh.  Tiệp dẫn toán quân còn sót lại của đại đội tạt vào rừng tiếp tục luồn lách tìm về hướng đồng bằng. Sau mỗi lần bị truy kích lại có thêm người bị bắn hạ hoặc thất lạc. Qua ngày thứ tư hay thứ năm anh không còn nhớ nữa, chỉ còn Tiệp và hơn nửa tiểu đội sống sót thất lạc trong rừng trùng điệp bạt ngàn.  Mấy mạng người cạn kiệt vì đói khát quị xuống thiếp đi trong đêm. Những cây súng không còn đạn nằm lăn lóc trên mặt đất như gổ mục vô ích.
 Tiệp giật mình thức dậy lúc rừng vừa rợn sáng. Giấc ngủ thiếp giúp anh lấy lại một phần sinh lực. Anh nằm nghe ngóng động tỉnh. Giữa tiếng côn trùng hình như có tiếng nước quẩy lóc lách xa xa. Anh đứng nép bên một thân cây mừng rỡ nhìn sông Ba thấp thoáng sau màn sương khẻ động lá rừng. Từng tổ hai người bơi nương theo dòng nước cuộn qua sông. Lúc còn lại Tiệp và ba người lính cuối cùng đang chuẩn bị thì có tiếng bộ đội rùng rùng chạy đến. Một tiếng quát giọng miền ngoài nặng nề vang lên. “Sư Hai Hai Ngụy giơ tay nên. Hàng sống chống chết!”.
Anh cùng hàng trăm người lính thiếu may mắn khác bị dẫn ngược về Phú Bổn. Trên đường đám dân tội nghiệp lúc này thiểu não dắt díu nhau về lại nhà. Vài người quen mặt ở Kontum nhận ra anh, lén chào ái ngại. Thời gian bị tập trung ở Phú Bổn, lợi dụng sự hổn độn thiếu tổ chức lúc tiếp quản, Tiệp khai láo chỉ là lính quèn được cấp giấy trở về quê quán ở Hội An.  Chỉ để rồi phải lây lất nhiều năm sống còn qua ải trần gian của kiếp cải tạo tội đồ.
Đóa thục quỳ quá khứ nở vàng bay theo kỉ niệm phố núi trở về rồi tan biến vào se sắt chiều mưa Phố Cổ. Tiệp cảm thấy mắt mình cay, phôi pha trời cao nguyên sương khói. Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh. Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao. Lạnh hàng cây, tửu quán, lạnh gần nhau. Lạnh thiên cổ, lạnh vào tim máu cạn. Tôi vận rủi làm một người lãng đãng. Ngó mông hoài khuất bóng của người em (Nguyễn Đức Sơn)
Tiệp trầm ngâm chống xuồng dừng bên cột đèn đoạn đường xuống gần tới Chùa Cầu. Nước chảy xiết hơn. Dòng nước vỡ tung bọt trắng lúc va vào vách cầu rồi luồn lách chảy tràn lên sàn cầu lai láng nước.  Bầy học trò trai gái vẫn vô tư nô đùa với nước lụt, xuồng chúng níu nhau thành bầy uốn khúc như rắn lượn trên dòng sông dâng nửa vời lòng phố. Tiếng hò ca dao vang theo tiếng cười học trò trong trắng thơ ngây.
Ai đi phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu (Ca dao)
Ngoài kia những đám mây mùa lũ trên sông Hoài trôi là đà như muốn sa chìm vào dòng nước cuộn.

Phan Thái Yên
10/2010

No comments:

Post a Comment