Saturday, February 23, 2013

Ý nghĩa một ‘Ra Ði’ - Nguyễn Thùy





                                    (Lý do Thái tử Tất Đạt Đa đi tìm Ðạo)
                                                                         (trích trong ‘Lẽ Đạo và Tiến Hóa’)
                                                                                       nguyễn thùy         
         
          ‘Ðời là bể khổ’, lời Phật từ nghìn xưa, không ai không công nhận. Khổ đủ mọi cách, đủ mọi phương diện, đủ mọi nơi, mọi lúc, mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, khổ do từ mình, khổ do từ người, do từ cuộc sống, cuộc đời, khác nhau chăng về tính chất, mức độ, kỳ gian, cảnh ngộ.
<!-- Read more -->

          Cái ‘khổ’ không buông tha con người dù có kẻ đã trải qua đôi thời kỳ huy hoàng, tráng lệ được gọi là hạnh phúc. Khổ từ ngoài vào, khổ từ mình gây ra . Không riêng con người, tất cả mọi thứ trong vũ trụ hiện tượng nầy đều khổ. Con ong, cái kiến, bông hoa, cây cỏ, cho đến dòng sông, ngọn suối, mặt trời, tinh tú, cả quả tim, sợi tóc, con đường, chiếc bàn, ngôi nhà,…tất cả đều phải khổ. Những động đất, núi lửa, bão lụt, sóng thần, những thiên thạch từ cao rơi xuống,.. không là những cái khổ của trái đất sao ? Hạn hán, mưa lũ, …không là những cái khổ cho cây cối, cho sinh vật sao ? Và con người, sinh vật có lý trí, có tình cảm,…lại càng tạo ra bao nhiêu thứ khổ cho chính mình và cho nhau. ‘Khổ đế’, diệu đế thứ nhất là một trong căn bản giáo lý nhà Phật, nói lên ‘sống là khổ’ và nêu ra mọi cái khổ trong cuộc sống để từ đó mưu tìm giải thoát cho chúng sinh thoát vòng của khổ.
          Tại sao ‘sống là khổ’, ‘cuộc đời là bể khổ’ ? Ðấy là nguồn cơn bứt rứt đã khiến Thái tử Tất-Ðat-Ða rời bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con thơ, quyền uy, danh vọng, lặn lội vào rừng sâu núi thẳm, dìm mình vào khổ hạnh để cuối cùng suốt 49 ngày trầm tư, thiền định, thoắt nhiên ngộ được Lẽ Ðạo chi phối vũ trụ, nhân sinh ; cái Lẽ Ðạo trớ trêu đã tạo nên ‘đời bể khổ’. Lòng yêu đời, yêu người của Thái tử từ ngày đó đã không như chúng ta chỉ nhìn thấy riêng mình, mà trải rộng đến thập loại chúng sinh trong cõi sa bà nầy.

          Người thanh niên chưa tròn ba mươi tuổi ấy đã yêu đời không như chúng ta yêu, đã thương người không như chúng ta thương. Lứa tuồi thanh xuân, trong ‘hạnh phúc’ tròn đầy, Người đã không ‘nhìn’ đời bằng cặp mắt màu hồng, không hăm hở tung mình vào tương lai sự nghiệp như bao người trần thế xưa nay. Người không sống cái mùa Xuân tuổi trẻ như lẽ thường nhân thế. Người yêu đời vì đời bi lụy ; Người yêu người vì người khổ đau. Nào Người có uống chén rượu nào đâu để mắt hoa mới thấy địa cầu quay tít ?! Người gắn bó với người, với đời qua những khổ đau bi lụy đó.

          Cái lẽ ‘Sinh, Lão, Bệnh, Tử’  thường hằng diễn ra trước mắt mọi người từ nghìn xưa đến tận nghìn sau, sao chẳng một ai ‘nhìn thấy’, chiêm nghiệm, tra vấn vì sao. Chỉ có riêng Người, chàng thanh niên chưa lắm tuổi đời lại dẫy đầy nhung lụa, tột đỉnh cao sang, mới ray rứt, trầm tư, suy nghĩ. Vâng, chỉ riêng Người mới băn khoăn về căn cơ nào đã đưa đẩy dòng đời triền miên trong thảm họa.
          Người đau cái đau chung, khổ cái khổ chung của con người, của chung chủng loại người và của chung mọi loại chúng sinh hữu tình cùng vô tình. Ngày ra các cửa thành phía Ðông, phía Tây, phía Nam, phía Bắc, Người đã thấy kẻ đau, người già, kẻ chết và người đi tu. Người không đau cái đau riêng của ông già ; không xót riêng cái bạc phước của kẻ chết ; không khổ cái khổ riêng của người bệnh hoạn ; cũng không vui cái vui riêng của kẻ tu hành. Nếu chỉ vì xúc động thoáng qua về những đối tượng đó, Người sẽ dễ dàng quên đi vì bao ưu đãi của cuộc sống Người (lòng thương của Phụ hoàng và Mẫu hậu, tình yêu của vợ con, yến tiệc, lạc thú với bao mỹ nữ, vui chơi với bao thú giải trí của bậc quyền thề, giàu sang, trách nhiệm nay mai thay thế Phụ hoàng,…) sẽ giúp Người không còn thắc mắc, ưu tư. Và, nếu quả Người thấy vị tu hành kia thật sự sung sướng, rồi muốn hạnh phúc riêng cho mình thì có thể Người đã quy y ngay sau đó. Hơn nữa, nếu chỉ vì xót thương cho những người kia (kẻ bịnh, cụ già, người chết) thì vị Thái Tử của chúng ta sẽ nghĩ ra kế sách để nay mai, lên ngôi kế nghiệp Phụ hoàng, sẽ làm cho dân giàu, nước thịnh, người vui.
         
          Không. Người hoàn toàn không đau, không xót, không khổ, không vui cho từng cảnh tình riêng lẻ. Người đã chuyển từng cảnh tình riêng lẻ đó vào cái chung. Người đau cái đau chung, khổ cái khổ chung, xót cái xót chung, vui cái vui chung. Cái ‘Biệt nghiệp’ nơi Ngài đã tan hóa vào trong cái ‘Cộng nghiệp’ của con người, của cuộc đời, của chung chủng loại mà ngày đó Người chưa ý thức được. Người đã nghĩ ngợi, đã suy tư qua bao tháng rộng, ngày dài mà vẫn không tìm ra được căn cơ, cội nguồn đau khổ ; đã bao xót xa, thê thiết, dằn vật với mình, trước khi đi đến cái quyết định tối hậu phải sử dụng những tháng năm còn lại của đời mình.

          Cái nguồn cơn bứt rứt không nguôi thường hằng giăng mắc trong tâm trí đã khiến người đành cam chịu tiếng ‘bất hiếu’ (bỏ cha mẹ), ‘bất nghĩa’ (bỏ vợ con), ‘bất trung’ (bỏ dân nước) để ra đi, lặn lội vào rừng sâu, dìm mình vào khổ hạnh. Cái nguồn cơn bứt rứt đó, không ai nhận ra. Người cũng chẳng thể nói với ai. Ngay cả sau nầy, đã đắc đạo, trở lại với thế gian, rao giảng đạo màu, thuyết pháp cho đệ tử và chúng sinh, Người cũng chẳng thể nói ra một cách tỏ tường, minh thị, mà lập ngôn một cách ẩn tàng, một thứ ‘biện chứng nghịch hành’, một thứ ‘biện chứng bát nhã’ (xin mượn thuật ngữ của Sư Nhất Hạnh).
          Từ ngày chứng kiến cảnh người bịnh, người già, người chết, cảnh người  vui của bậc tu hành, Người thấy toàn là đau khổ vây quanh, buộc chặt cuộc sống, cuộc đời. Ngay cả Phụ hoàng, Mẫu hậu, vợ con Người và chính ngay cả Người, đầy đủ quyền uy, danh vọng, giàu sang, nhan sắc, mọi thứ ‘hạnh phúc’ của thế nhân, cũng bị dìm trong bể khổ. Dù Phụ hoàng, Mẫu hậu và ngay cả Người, có giàu lòng nhân ái lo cho nước thịnh, người vui thì rồi cũng khổ, cũng không thể thoát khỏi vòng ‘Sinh, Lão, Bệnh, Tử’ và cái ‘Vui’ của người tu sĩ kia cũng chỉ cho riêng người đó nhưng rồi có thể nào thoát khỏi vòng ràng buộc của bốn thứ khổ căn bản kia chăng ?
           Cái nguồn cơn bứt rứt nầy của Người thường được diễn giảng là do cái Ðức Từ Bi có sẵn nơi Người. ‘Từ’ và ‘Bi’ là hai ‘vô lượng tâm’ trong ‘Bốn vô lượng tâm’. ‘Từ’ là ‘ban vui, đem vui’ đến cho chúng sanh, ‘Bi’ là lòng cứu khổ chúng sanh, hiểu theo các luận giảng lâu nay. Giả thiết có hai ‘vô lượng tâm’ đó thì con người và cuộc đời vẫn không thể nào thoát được bốn thứ khổ trên. Nếu chỉ ‘Từ’ tức đem vui, ‘Bi’ là cứu khổ thì , như vừa nói, Người sẽ ở lại triều chánh, nay mai lên ngôi, sẽ thiết lập chủ trương, chính sách ‘định nước, an dân’ cho toàn dân, cho thiên hạ không còn phân biệt giai cấp, giàu nghèo, tuổi tác, nữ nam, tất cả đề huề trong ‘trong yên, trong đủ, trong vui’, trong thanh bình, hạnh phúc. Người biết rõ điều đó nhưng Người biết ‘không thể hay chưa thể làm’, không thể hay chưa thể tạo được , bây giờ cũng như trong tương lai gần cho dù với thiện chí, thành tâm, với tri thức sâu dày đến mấy. Vì thế, ngay cả sau khi đắc đạo, trở về lại thế gian, Người cũng không trở lại với gia đình, với triều chính để sẽ lên ngôi vua, đem đạo pháp của mình để trị nước, an dân. Chỉ vì, Người sớm nhận ra rằng diễn tiến nhân sinh chưa đến giai đoạn mà đạo pháp của Người có thể thực hiện được.

          Người sớm nhận ra rằng ‘Cuộc đời’ (Cộng nghiệp) vốn khổ nên ‘Cuộc sống mỗi người’ (Biệt nghiệp)  bị bắt buộc phải khổ theo và ngược lại, mỗi người đấu tranh để cuộc sống mình (biệt nghiệp) bớt khổ thì lại tạo khổ cho mình và gây ra những dạng khổ mới cho cuộc đời (cộng nghiệp). Chính cái tròng tréo qua lại giữa cuộc ÐỜi, cuộc SỐNG, giữa ‘Cộng nghiệp, Biệt nghiệp’ trở thành nguồn cơn âm ỉ đêm ngày, quặn thắt tâm tư vị Thái tử, ru Người miên man trong những ‘ưu tư’ (soucis) không lối thoát. Vì rằng : ‘’cái ‘người ta khổ’, cái ‘người ta già’, cái ‘người ta bịnh’, ‘cái người ta chết’’’ là những sự việc tự nhiên, tất yếu, những qui luật muôn đời cho tất cả mọi chúng sinh hữu tình, vô tình, không thừa trừ bất cứ ai, bất cứ gì. Nhưng ‘’cái ‘tôi khổ’, cái ‘tôi già’, cái ‘tôi bịnh’, cái ‘tôi chết’ ‘’ lại là những cái của riêng tôi, những cái mà những qui luật tất yếu kia ứng dụng vào cho tôi, cho riêng tôi, không một ai khác nhận chịu ngoài tôi ra cho dù có vì ‘từ, bi, hỷ, xả’ mà cảm thông, chia xẻ. Những điều mà người đời cho là hạnh phúc để khỏi phải khổ như sức khoẻ, của cải, giàu sang, quyền uy, danh lợi,…rốt cuộc cũng chỉ là những thứ gây nên khổ cho mình và cho mọi kẻ khác thôi vì những thứ đó không trường tồn mà nay còn mai mất vì bao biến thiên của cuộc sống, cuộc đời và cũng chẳng thể giúp con người thoát khỏi vòng  : Sinh, Lão, Bệnh, Tử.  Cặp phạm trù ‘Cuộc sống - Cuộc đời’, ‘Cá thể - Chủng loại’ (individu – espèce) tức ‘Biệt nghiệp - Cộng nghiệp’ đã nẩy sinh nơi tâm trí Người dù lúc bấy giờ Người chưa ý thức rõ ràng.

          Làm sao để dù phải tuân theo những qui luật muôn đời đó mà từng chúng sanh vẫn tạo lập được cuộc sống yên vui, an bình tự tại ? Ðã là qui luật, tại sao con người, mỗi người lại không chấp nhận mà lại tìm cách thoát ra bằng cách lo tìm hạnh phúc bằng tạo lập của cải, tiền tài, danh lợi, quyền uy, chức vị, tiếng tăm. Và rồi những thứ đó cũng chẳng đem lại hạnh phúc mà còn tạo thêm đau khổ, tạo thêm ‘tham,sân, si’ để bị cuốn hút vào vô minh, rốt cuộc cũng chẳng thể nào thoát được ‘sinh, lão, bệnh, tử’. Người tư lự về điều đó, chẳng thể giải đáp được mà cũng chẳng thể tìm lời giải đáp nơi đâu vì chẳng một ai tư lự, băn khoăn. Người phải ‘ra đi’ để tìm lời giải đáp, tìm cho ra căn cơ, ngọn nguồn đã làm phát sinh đau khổ, đã luôn luôn chi phối vạn hữu cùng quẩn quanh bám sát cuộc đời và thân phận từng hiện thể chúng sinh. Cái nguồn cơn bứt rứt không nguôi đó đã đày đọa tâm trí Người suốt bao năm dài cho đến ngày đắc đạo. Và, những chủ đề ‘’thành trụ hoại diệt, trùng trùng duyên khởi, chân không-diệu hữu, sắc tức thị không, không tức thị sắc, tận, vô tận giải thoát, vô vô minh, diệc vô vô vô minh tận, vô lão tử diệc vô lão tử tận, vạn pháp giai không, kiến tánh thành Phật, ứng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm,…’’ , qua phút giờ ‘đốn ngộ’ đó, đã kết tập thành hệ thống tri thức và đức lý nhiệm màu hướng dẫn con người và chủng loại tìm về cái thế giới chân thực, cái thế giới chân không, vô sở trụ trên diễn trình tiến hóa và trong cuộc sống hằng ngày, nơi thế giới hiện tượng nầy, mỗi người biết sống theo cái Tâm bất nhị, cái Tâm không sai biệt, đoạn diệt cả vật chướng và lý chướng, để cả cuộc sống, cuộc đời không còn gây khổ cho mình cũng không gây khổ cho nhau, dù vẫn không thể nào thoát khỏi những qui luật muôn đời trên. Muốn thoát khỏi những qui luật muôn đời đó, con người và chủng loại người cũng như vạn hữu phải đạt đến một trạng thái sống khác, một thế giới khác, thế giới Chân như, không còn bị ràng buộc bỡi những qui luật tự nhiên, không còn bị chi phối bỡi duyên sinh, bỡi Không gian, Thời gian, không còn phải ‘sinh, lão, bệnh, tử’ nữa, cái thế giới ‘phi hiện tượng’. Vì thế mà suốt sáu năm ‘tầm sư học đạo’, với cách ép xác, khổ hạnh, Người vẫn không tìm thấy được cách thế giải thoát hữu hiệu theo Bà-La-Môn giáo. (Do sự việc nầy, ta có thể bảo Phật giáo thoát thai từ Bà La Môn giáo sau khi đã canh cải rất nhiều cũng như Ki-Tô giáo thoát thai từ Do Thái giáo. Theo đó, ta có thể bảo theo lối loại suy : Bà La Môn giáo có thể xem là Cựu Ước, Phật giáo có thể là Tân Ước khi đem so sánh với trường hợp Thánh Kinh Ki-Tô giáo - người viết nghĩ thê, không rõ có nên chăng ?).         

          Các luận giảng về Phật giáo lâu nay bảo rằng khi tu chứng đạt được cái Trí huệ Bát nhã, nhìn ra được cái Tự thể, Tự tánh nơi mình và nơi mọi sự vật, đạt được cái ‘Vô thượng Chánh đẵng, Chánh giác’ nghĩa là thành Phật thì sẽ thoát được vòng ‘sinh tử luân hồi’. Quan điểm nầy, theo người viết, không mấy đúng. Giả thiết có một người nào đó, như chính đức Thích Ca đã đạt được cái Tâm Bồ Ðề, đạt được trạng thái Phật, nếu Ngài không đi vào Niết Bàn, một cảnh giới khác hẳn với cảnh giới thế gian, thì lúc Ngài trở lại với thế gian, dù mang sẵn cái Tâm Bát Nhã đó, Ngài vẫn phải ‘chết’ dù cái chết của Ngài có an bình, tự tại ra sao (Đức Thích Ca đã qua đời lúc 80 tuổi sau một cơn bệnh). Vì rằng, trong vòng hiện tượng, sự Sống của bất kỳ thứ gì, nhất là các loại sinh vật, rõ ràng nhất nơi con người, luôn được thể hiện qua ba cái sống : cái sống thể chất hay thân xác (vie corporelle), cái sống tri thức hay trí tuệ (vie intellectuelle) và cái sống tâm linh (vie spirituelle, vie inconsciente, vie psychique).  Ðấy là nói về trường hợp cá thể, còn với cả chủng loại người thì sao ? Giải thoát, theo đúng lời Phật, chính là thoát khỏi những qui luật muôn đời trên, nghĩa là thoát vòng ‘nhân duyên sinh’, thoát vòng ‘sinh tử luân hồi’ nghĩa là không còn sinh, không còn bịnh, không còn già, không còn chết, tóm lại không bị khống chế bỡi cái vòng lẩn quẩn ‘thành, trụ, hoại, diệt’ nữa. Ðiều nầy không thể đạt được nơi cõi sống tại thế vì không thoát được vòng nhân duyên sanh. Muốn thoát được ‘nhân duyên sanh’, phải ở một cảnh giới khác, cảnh giới ‘Chân như thể’, cảnh giới Vô vi..           
         
          Giáo lý của Người –sau khi đã đạt được quả Phật- nhằm vào ‘giải thoát đau khổ’. Giải thoát không có nghĩa đoạn tuyệt, làm cho tiêu trừ, chấm dứt được đau khổ trong dòng hiện hữu sắc tướng nầy mà là ‘không để phải bị chi phối’, phải nhận chịu những qui luật muôn đời đó mà không phải bị đày đọa vì khổ đau, không phải buông mình vào tội lỗi, không gây nên phạm tội cũng như ngăn ngừa việc gây nên tội nơi mọi kẻ. Muốn thế, phải tu chứng theo Bát Chánh Ðạo, phải Hỷ và Xả, phải phát huy cái ‘Tính Không’ nơi mình. Ðấy là cách ‘hóa giải’ cái khổ, hóa giải sức chi phối của những qui luật muôn đời trên vào từng chúng sinh rồi từ đó tiến đến ‘hóa giải’ đau khổ cho cả cuộc sống và cuộc đời dù phải tuân theo những qui luật muôn đời đó. Nhưng không chỉ dừng ở đó…Vì chỉ như thế thôi thì ‘giải thoát’ chỉ có nơi từng cá thể, khó lòng ứng dụng cho toàn thể chúng sinh. Muốn toàn thể chúng sinh được giải thoát khỏi đau khổ, ngay vào lúc ‘đốn ngộ’ dưới cội Bồ Ðề, Người đã nhìn ra cái thế giới mà cả chủng loại người sẽ đạt được qua dọc dài sinh hóa của mình. Ðấy là cái thế giới ‘Chân như’, trong đó mỗi người và cả chủng loại không còn bị trói buộc trong lẽ vô thường, trong cái qui luật ‘nhân duyên sinh’, nghĩa là không còn bị buộc ràng bỡi cái phần vật chất và cái phần ý thức nơi mình, có nghĩa là phải đoạn diệt Vật  chướng và Lý chướng nghĩa là đoạn diệt hai cái Sống Thân Xác và Tri Thức. Ðấy là cảnh giới ‘Bờ Bên Kia’ mà cả chủng loại hướng về. Cái thế giới đó không là một hoang tưởng, một ảo giác, không do từ đâu  bỗng nhiên đến mà khởi đi từ con người, từ chúng sinh, từ cái thế giới hiện tượng nầy. Trong cái thế giới chân như đó, mọi qui luật tự nhiên kia không còn câu thúc con người, con người và chủng loại hoàn toàn được giải thoát, con người và chủng loại đều là một, cá thể và tổng thể không còn là hai phạm trù cách biệt mà là  ‘một trong tất cả, tất cả trong một’. Hành trình từ thế giới hiện tượng đến thế giới Chân như đó, Phật không nói ra minh thị mà chỉ bóng gió nói qua nhựng nhóm từ ‘Không - Sắc’, ‘Chân Không - Diệu hữu’, ‘Hồi đầu thị ngạn, Đáo bỉ ngạn’, Niết Bàn Vô Dư, Niết Bàn Hữu Dư’,.. Phật không nói rõ ràng vì chưa thể nói, phần vì diễn tiến nhân sinh chưa tiến đến cái ‘Công nghiệp’ của chủng loại, phần nữa nói ra sẽ gặp bao chống đối của người đời, nhất là giới tăng lữ Bà La Môn giáo đang nắm mọi đặc quyền đặc lợi, nói ra sẽ chẳng một ai tin ; thêm nữa, mọi người sẽ vứt bỏ hoặc sẽ buông theo  cái sống thế gian nầy, như thế sẽ khiến xã hội hoặc sẽ tê liệt hoặc sẽ loạn ly, nhầy nhụa tột cùng.

          Do đó, suốt 45 năm thuyết pháp, theo người viết, đức Thích Ca chỉ nói bốn điều thiết cốt :
         
          1) Cái ‘Vô thường’ hư huyễn của thế giới hiện tượng do từ ‘nhân duyên sanh, do từ lòng dục tham ái chỉ cốt lo cho cái tự ngã sắc tướng từ đó phát sinh cái khổ, qua các chủ đề ‘Tứ Diệu Đế, Nhân Duyên hòa hợp’,
          2) Cái Tâm Bồ Tát của các bậc Thiện trí thức nhằm cứu độ chúng sinh, hướng dẫn chúng sanh nhìn ra và hướng về cái cảnh giới Chân Như, cái ‘Bờ Bên Kia’ không còn bị chi phối bỡi ‘Nhân Duyên sanh’ qua các chủ đề ‘Thể - Tướng - Dụng’, ‘Tứ Vô Lượng Tâm’.
          3) Cái Tính Không của vạn pháp và cái Tâm Bất Nhị nơi mỗi con người để vừa tạo bằng an cho mình đồng thời không gây khổ cho người, để thoát khỏi vòng ‘sinh tử luân hồi’ do Nghiệp lực  chi phối hành động con người qua các chủ đề ‘Thể-Tướng-Dụng’, ‘Biệt nghiệp - Cộng nghiệp’
          4) Cái Thế giới Chân Như, cái thế giới ‘phi hiện tượng’ sẽ đến cho toàn thể chủng loại sau dọc dài sinh hóa trong vòng hiện tượng, sẽ hồi phục cái Tự Tánh, cái Chân tính nơi mình và trong thế giới đó, con người và cả chủng loại người không còn phải khổ vì không còn cái tri thức phân biệt, không còn bị chi phối bỡi Nhân Duyên sanh, bỡi ‘sự chướng’ và ‘lý chướng’ nữa.
         
          Toàn thể bài ‘Kinh Bát Nhã’ vừa là lời giải thích cái ‘Tính thể’ hay ‘Ðạo thể’ (l’essence, l’Être)  cùng cái ‘diễn tiến hiện hữu’(l’existence) của vũ trụ và nhân sinh vừa là cách thế ‘tu chứng’ để giải thoát mình bớt sự chi phối của những qui luật muôn đời nơi dòng hiện hữu. Các qui luật tất yếu muôn đời đó vừa là ‘nọa lực’ (inertie)  kiềm hãm mọi chúng sinh, tạo nên đau khổ cho cuộc sống, cuộc đời, đồng thời cũng là động lực, là ‘sức đun đẩy’ (force motrice) cho lịch sử vạn hữu và con người luôn luôn tiến tới, thăng hoa theo lời Phật : ‘Phiền não là Bồ Đề, Đau khổ là Giải Thoát’. Xin hiểu lời Kinh Bát Nhã cũng như toàn bộ các chủ đề Phật giáo trong mối quan hệ tròng tréo giữa ‘Công nghiệp - Biệt nghiệp’ (giữa cái Biết Làm và cái Biết Sống – Le Savoir faire, le Savoir être), giữa cặp phạm trù cặp ba ‘Thể-Tướng-Dụng’ hầu nhìn ra cái ‘nhất thống’ trong lời Phật về diễn tiến Tiến hóa của vũ trụ và nhân sinh từ ‘Không vào Có’ để trở về ‘Có trong Không’ hay ‘Không trong Có’ tức từ ‘Chân Không vào Diệu Hữu’ để đưa về ‘Diệu Hữu trong Chân Không’ (xem thêm những phần sau). Diễn trình tiến hóa của vạn hữu và nhân sinh là như thế. Chính nhìn ra diễn trình Tiến hóa như thế nên lúc đắc đạo, Người đã không trở lại với triều chính và dùng ‘Biện chứng Bát Nhã’ để thuyết pháp chỉ dẫn con người nhìn ra cái ‘thế giới chân như’ mai nầy. Hơn năm trăm năm sau ngày đức Thích Ca nhập diệt, chúa Jésus cũng làm công việc đó như Ngài. Chúa Jésus rao giảng Tin Lành, báo biểu giờ cảnh Thiên Ðàng, cảnh giới nước Ðức Chúa Trời tức cảnh giới Chân Như, Vô Sở Trụ sẽ đến với loài người và những ai sớm biết từ bỏ của cải thế gian (giấu của cải trên trời, của cải ngươi ở đâu, lòng ngươi cũng ở đó,..), sống theo đức Bác ái và Công bình, sống theo Thánh Linh nơi mình, thuận theo chương trình của Thượng Đế đã vạch cho cõi thề gian,  sẽ được vào, sẽ đạt được cảnh giới Vô sở trụ đó.

          Giáo lý của Phật Thích Ca (và Jésus) không chỉ là tôn giáo, không chỉ là triết thuyết hay một nghệ thuật sống mà là một nền Ðạo học cao thâm, sâu dày vừa Ðạo lý vừa Ðạo tâm. Ðạo Giải thoát hay ‘Ðạo Sống’ nơi giáo lý Người không chỉ ứng dụng riêng cho từng người mà cho chung cuộc đời, cho chung cuộc sống của chủng loại người, cho tất cả mọi loại chúng sinh. Và như thế, Ðạo của Người không chỉ riêng là Ðức lý cá nhân hay xã hội trong cuộc sống thường nhật mà còn là con đường dẫn đến một trạng thái hiện hữu nào cao xa, tốt đẹp, một cảnh giới sống thoát vòng hiện tượng, vươn đến Tính thể. Ðạo của Người (và của Chúa Jésus) là hành trình của cuộc Cách Mạng Tính thể (révolution ontologique), đưa cả chủng loại người đạt được thế giới Chân như, thoát vòng nhân quả, đạt được cảnh sống đời đời, không còn bị ràng buộc trong những qui luật muôn đời của cõi sống tại thế nơi vòng hiện tượng, có nghĩa đưa cuộc sống, cuộc đời từ tục đế vào chân đế. (Chính do điều nầy, người viết quan niệm đức Thích Ca cũng như Chúa Jésus là hai nhà Tư Tưởng lớn của nhân loại trước khi là Phật, là Con của Đức Chúa Trời)  Vì không để ý đến ‘diễn tiến tiến hóa’ đó nên trước nay, giới Phật tử thường chú trọng việc ‘ăn hiền ở lành’, chú trọng sao giữ được cái ‘tâm an’ nơi mình , tốt thôi nhưng như thế thường ‘thụ động’ trước mọi biến thiên của xã hội, của vũ trụ, không nói đến tiến hóa, đến lịch sử. Từ đó, giáo lý Ðức Phật và Phật giáo nói chung được hiểu và ứng dụng về mặt Ðức lý chứ chưa được hiểu là ‘’con đường giải thoát cảnh thế phù du, hướng đến cảnh giới Chân như hằng cửu cho cả chủng loại người’, nghĩa là con đường tiến hóa của vạn hữu và nhân sinh’’. Ðức Phật từ ngày tuổi đời chưa bao nhiêu (29 tuổi), đã nhìn ra, đã tư lự về ý nghĩa và cứu cánh của cuộc sống, cuộc đời. Và chính đấy là động cơ và ý nghĩa việc Ngài ra đi tầm Ðạo tức cái ‘Chân Lý Cứu Cánh’ (xin nói rõ trong những phần sau). đã hướng dẫn cuộc Tiến Hóa của nhân sinh và vạn hữu thoát vòng ‘nhân duyên sanh’ để được hưởng sự sống đời đời.  Lòng yêu người, yêu đời của Ngài rộng lớn, vô biên.
                                       
                                                          - Anh còn viết mãi cho em
                                                     Hình xưa bóng cũ ngày đêm không nhoà 
                                                              Ngựa trèo bốn vó non xa
                                                     Sầu cô tịch gọi rừng già đăm chiêu !
                                                                                   N.T. (Gắn bó) 

__________

Chú thích đoạn thơ :
    1) Anh : Ðức Phật ; Em : cuộc đời
    2) Còn viết mãi : còn trao đổi, gắn bó
    3) Hình xưa bóng cũ : những hình ảnh ‘Sinh, Lão, Bệnh, Tử’ luôn luôn không phai nhoà trong tâm trí.
    4) Sầu cô tịch : Ngài cô đơn trong nỗi sầu buồn, tư lự của mình.
    5) Rừng già : chỉ thiên nhiên, vạn vật.
    6) Câu cuối : Ôm nỗi sầu cô đơn, Ngài gọi cả thiên nhiên, vạn vật cùng Ngài trầm tư, tra vấn về căn cơ ẩn mật nào đã tạo nên ‘đời bể khổ’.
         

No comments:

Post a Comment