Friday, May 23, 2014

Chiến sĩ VÕ ĐẠI TÔN tại Đức Quốc


„CÙNG HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG“ 
với chiến sĩ Võ Đại Tôn


Nhân chuyến công tác Âu Châu, chiến sĩ lão thành Võ Đại Tôn ở Úc Đại Lợi đã ghé đến München để tâm tình, hàn huyên cùng người Việt hiện cư ngụ tại đây. Đây cũng là dịp bà con đồng hương tại München và vùng phụ cận có dịp gặp gỡ chuyện trò, trao đổi với một chiến sĩ thuộc Chí Nguyện Đoàn Hải Ngoại, tổ chức đã phát động đầu tiên chiến dịch trở về quang phục quê hương vào những năm của đầu thập niên 1980.  Tuy rất bận rộn với việc tổ chức biểu tình trước toà Lãnh sự quán Trung cộng München ngày hôm trước để phản kháng hành vi xâm phạm ngang ngược dựng giàn khoan dầu trong lãnh hải Việt Nam, nhưng Ban Tổ Chức đã rất vui lòng và cố gắng để tạo cơ hội cho đồng hương người Việt trao đổi với chiến sĩ Võ Đại Tôn, cùng nói lên tiếng nói chung trước sự kiện thời sự và tình hình nước nhà đang trong cơn hiểm nguy với họa ngoại xâm bằng võ lực đến từ phương Bắc. Cũng chính vì thế mà có nhiều người không quản ngại xa xôi như Stuttgart, Nürnberg, Wien… hoặc sự mệt mỏi của việc đi biểu tình xuống đường ngày hôm trước đã có mặt đông đảo trước giờ khai mạc buổi hội thảo.
Sau nghi thức khai mạc trang nghiêm với phần chào Quốc Kỳ, phút mặc niệm anh linh tử sĩ và đôi lời chào mừng quan khách của Ban Tổ Chức, là phần trình bày ngắn gọn của bà Hoàng thị Doãn về tiểu sử của chiến sĩ Võ Đại Tôn.  Tiếp đến là phần trình chiếu đoạn phim video về buổi họp báo tại Việt Nam vào năm 1981, lúc ông đã tương kế tựu kế lợi dụng cơ hội để công bố cho dư luận báo chí truyền thông quốc tế biết đến cuộc kháng chiến của những người Việt quốc gia quyết tâm tìm cách đấu tranh giành lại quê hương đang bị nhuộm đỏ dưới ách cộng sản sau biến cố Tháng Tư năm 1975.


Dù tuổi tác đã cao, trên dưới tám mươi, giọng nói của ông vẫn hùng hồn sang sảng, nghiêm trang đứng trước cử tọa. Chậm rãi và mạch lạc, ông nhắc lại một ít giai đoạn của quá trình chiến đấu và một số kinh nghiệm đấu tranh trong quá khứ và hiện tại: Không phải chỉ có lòng quyết chí tìm phương thức đấu tranh với kẻ thù chung của dân tộc là cộng sản hay cố gắng dùng trí óc đấu trí với các nhà chính trị, quân sự của các quốc gia tự do trên thế giới mà ông có dịp tiếp xúc để vận động sự yểm trợ; Mà còn phải ôn hoà, nhẫn nhục trong ứng xử với những tình huống khó khăn, chán chường vì mầm mống chia rẽ, phân hóa, sự nghi ngờ, chê bai, chỉ trích hiện hữu trong  tập thể người Việt quốc gia chúng ta ở hải ngoại. Tâm trạng cô đơn là một trong những kẻ thù đã theo ông trong suốt cuộc hành trình đấu tranh mấy mươi năm nay, theo lời ông tâm sự.


Ông cũng đã nói rất nhiều về thế hệ trẻ ở hải ngoại: „Thế hệ người Việt trẻ cần được chăm sóc nhiều hơn, hãy giáo dục và hướng dẫn trẻ về một nếp sống biết hướng về tổ quốc, quê hương có đầy tình tự dân tộc, biết buồn vui theo từng đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước.Có hiểu biết, có kiến thức, có ngôn ngữ mới có sự quan tâm và góp sức cho tổ quốc và dân tộc.“  
Với những câu hỏi mọi người đặt ra, ông đã trả lời rất đầy đủ, súc tích. Câu hỏi của một bạn trẻ về những khó khăn của sự đoàn kết ở hải ngoại. Đoàn kết rất quan trọng, có đoàn kết chúng ta mới có làm việc chung với nhau được. Sự đoàn kết ở hải ngoại rạn nứt vì chia rẽ, mỗi người một ý. Lấy thí dụ việc có nhiều người gửi tiền hoặc đi về VN vì nhiều lý do khác nhau cũng là một trong những nguyên do chính của sự chia rẽ, kẻ phản đối thì chê trách, người trong cuộc thì im lặng và cảm thấy bị hiểu sai. Đó là một trong những mầm mống của chia rẽ. Nhưng có một điều chắc chắn ai cũng biết là ngày nào nhà cầm quyền cs VN còn nhận được tiền (rất nhiều) do người Việt hải ngoại cung cấp, ngày đó chế độ cs vẫn còn sống sót. Điều chúng ta cần phải làm là hãy đến gần nhau, cảm thông, tha thứ cho nhau, cùng hướng về một hướng chung, đó là Tổ Quốc của chúng ta!“
Về câu hỏi phân biệt cờ đỏ cờ vàng mà đặc biệt có ở CHLB Đức , nơi có nhiều người xuất thân từ chế độ cs đến sinh sống và làm thế nào lá cờ vàng quốc gia  có thể đi ngược lại VN, nơi có gần 90 triệu dân đang phải sống dưới lá cờ đỏ. Có cần thiết phải dung hòa hay không….? Đấu tranh là phải có chiến tuyến phân biệt rõ ràng, không thể nhập nhằng,đi hàng hai. Cờ vàng ba sọc đỏ hiện giờ là biểu tượng của Tự Do, Độc Lập, chúng ta chống lá cờ máu của bọn thiểu số cầm quyền độc tài, bán nước tại VN chứ không chống 90 triệu dân Việt.“
„Chúng ta không chống cộng sản mà là chống độc tài, bán nước, hại dân. Nếu Việt Nam sau này có một thể chế khác không phải là cộng sản mà độc tài thì chúng ta cũng sẽ lại chống nó, chống đến cùng!“
„Biểu tượng cờ vàng trong đấu tranh chống độc tài cs tại Việt Nam hiện nay là cần thiết, đó là ánh sáng, là ngọn đuốc biểu tượng. Không thể mù lòa chống gậy mà đi tìm tự do trong tăm tối được!  Sau khi chế độ độc tài cs VN bị lật đổ, một Quốc Hội Lập Hiến sẽ quyết định lá cờ tương lai cho toàn dân Việt Nam.“     
Với câu hỏi theo hiện tình bây giờ chúng ta nên theo ưu tiên nào, chống việt cộng hay chống Trung cộng  trước: „Nhà cầm quyền cs Việt Nam sẽ không bao giờ chống Trung cộng, trái lại chúng sẽ luôn cố gắng giữ mối giao hảo để mãi mãi được nắm quyền, cha truyền con nối. Bổn phận chúng ta là phải đánh tận gốc, đánh thẳng vào đảng cộng sản cầm quyền. Muốn được như vậy, hải ngoại phải yểm trợ trong nước để người dân có thể thoát khỏi sự sợ hãi bấy lâu nay và dám mạnh dạn đứng lên đương đầu với công an, bạo lực, dẹp tan chế độ cộng sản. Chính sự sợ hãi của người dân đang là chướng ngại lớn lao nhất cần phải vượt qua…“
Từng lời nói thấm vào lòng cử tọa đang lặng yên để lắng tai nghe, có những giọt nước mắt cảm động, không biết vì diễn giả nói hay, hay vì tấm lòng thổn thức thương cho quê hương, cho dân tộc Việt sao quá đọa đày.
Cuộc hội thảo được sắp xếp xen kẽ với những tiết mục văn nghệ kèm theo, hát nhạc phổ từ thơ và ngâm thơ của ông tức thi sĩ Hoàng Phong Linh do các nghệ sĩ ngâm thơ,  các ca sĩ và nhạc sĩ quen thuộc của München đóng góp.
Chương trình buổi hội thảo tâm tình đã kéo thật dài, ban tổ chức dự định là đến 18 giờ 30 thì chấm dứt để dùng bữa cơm thân mật đại gia đình, nhưng rồi mãi đến hơn 20 giờ mới thật sự chấm dứt. Cử tọa thương ông già tuy sức khỏe yếu kém nhưng đã cố gắng đứng vững cả buổi chiều nên quyết định thôi không đặt câu hỏi nữa. Tuy vậy ông vẫn chưa thể đi nghỉ ngay được, người người đến bắt tay, xin được chụp hình chung, ôm ông để bày tỏ lòng kính phục. Những ấn phẩm của ông Tắm Máu Đen – Tổ Quốc, Hành Trình 30 Năm Đấu Tranh – Hồi Ký Tuổi Thơ & Chiến Tranh 1945-1950 đã được mọi người chiếu cố nồng nhiệt.
Buổi hội thảo đã kết thúc sau một bữa ăn mang tính chất đại gia đình hội họp quây quần thân mật bên nhau do các bà các chị trong ban ẩm thực của Cộng Đồng Người Việt Tự Do München Bayern và Hội Người Việt Cao Niên München khoản đãi.
Sự thành công của buổi hội thảo này đã do công lao đóng góp của tất cả các thành viên Cộng Đồng, Hội Cao Niên, của diễn giả cũng như sự thao thức quan tâm của các bà con đồng hương đã đến từ khắp mọi nơi.
Người Munich (21.05.2014)
Một số hình ảnh buổi hội thảo: (Hình ảnh: Tkim, LQThành, NVLê)

No comments:

Post a Comment