Bút Ký , Tùy Bút
Giữa rừng và biển, tôi thích
biển và có kỷ niệm đẹp với biển nhiều hơn là rừng núi. Những kỷ niệm của rừng
núi chỉ là một khoảng thời gian 4 năm, ngày ngày làm gã tiều phu, đốn cây về
cho mấy tên cai tù bán lấy tiền riêng. Không thích làm những việc lặt vặt trong
trại, tôi tình nguyện lãnh công tác đi rừng, mặc dù rừng đối với tôi có vẻ âm
u, bí hiểm và nhiều thách đố, nhưng dù sao tôi cũng được một khoảng thời gian
dài trong ngày ra khỏi cái trại giam đầy nhục nhằn.
Đi rừng mệt về thể xác, nhưng
thoải mái về tinh thần. Bốn năm đi rừng tạo cho tôi thành một tay tiều phu
chuyên nghiệp. Tôi tự hào có thể đốn bất cứ một cây nào cho ngã về hướng mình
chọn, có thể nhìn qua một cái là biết cây này gỗ chắc hay bỘng, có thể bất bất
cứ một loại rắn độc nào lành nghề như một thầy pha-kia Ấn Độ. .. Nhưng nếu phải
chịu nhận những vết lưu lại trong ký ức của một người, thì đương nhiên ai cũng
chọn dấu môi son ngọt ngào hơn là những vết hằn của đòn thù, vì vậy tôi chỉ giữ
những kỷ niệm với biển.
Đối với tôi biển như người đàn
bà đẹp và lãng mạn lúc bình thường nhưng thật tàn nhẫn khi nổi cơn cuồng nộ.
Tuy vậy, biển không làm cho tôi sợ và e dè như khi đối diện với rừng núi. Và
trong đời, tôi đã có dịp đặt chân lên rất nhiều bãi biển, mà theo tôi, chưa có
một bãi biển nào đẹp bằng biển Cửa Đại của phố cổ Hội An. Cổ thể đây là một nhận
xét bị ảnh hưởng nhiều bởi những tình cảm riêng tư, nhưng đó là chuyện thường
tình của con người. Bàn tay ai cầm bút mà không bị chi phối nửa phần bởi khối
óc, nửa phần bởi con tim?
Quê nội tôi Ở Huế, thuộc Phủ
Tùng Thiện Vương. Quê ngoại tôi ở làng Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, con cháu của
Tướng Hoàng Kế Viêm. Tôi sinh ra tại Đồng Hới, thị xã của tỉnh Quảng Bình, thời
gian đó ba me tôi đang làm việc tại đây, vì vậy bãi biển đầu tiên mà tôi biết
và còn giữ lại được một vài hình ảnh đã quá nhạt nhòa là bãi biển Đồng Hới, lúc
đổ tôi mới 4 tuổi.
Năm 1952, gia đình tôi đổi vào
Đà Năng. Thành phố này có một hải cảng và rất nhiều bãi biển chung quanh, đủ
cho tôi vui chơi, tận hưởng trong những năm làm học trò của trường Nam Tiểu Học
Đà Năng, từ lúc mà trường này còn học ké với trường Nữ Tiểu Học bên cạnh nhà
Đèn. Vài năm sau, khi Bệnh Viện Đà Nẵng dời về đường Hùng Vương, trường Nam mới
dời về chỗ bệnh viện cũ, đối diện với trường Trung Học Phan Chu Trinh sau này.
Tuổi thơ của tôi là những ngày
tháng màu hồng với những gốc phượng trong sân trường Nam Tiểu Học, với những gốc
me trên mả Tây, nghĩa trang nam ngay góc đường Lê Lợi và Thống Nhất, sau được
san bằng để xây trường Nữ Trung Học Đà Năng, với những trận đá banh bầm chân,
sưng gối trên sân cát trường Phan Chu Trinh trong những ngày hè vắng lớp, với
những buổi chiều lén đi tắm biển Thanh Bình, lúc mà bãi biển còn nguyên một rừng
thông, cát trắng, chưa có bóng dáng những mái nhà tôn lấn dần, lấn dần ra tận
ngoài cồn cát bồi, và rừng thông thì trơ trụi…
Lên đến lớp Nhì, lớp Nhất, tôi
được đi xa hơn, qua tận biển Mỹ Khê, một bãi biển nổi tiếng đối với những người
lính Mỹ đã từng sang Việt Nam tham chiến từ đầu thập niên 60, có biệt danh
China Beach. Gần đó là bãi biển Trên Sa, khung cảnh thiên nhiên và thơ mộng. Về
phía Bắc của Đà Năng, bãi biển Nam Ô cát trắng ngần và nước mắm Nam Ô ở miền
Trung cũng nổi tiếng như nước mắm Phú Quốc ở miền Nam. Qua khỏi đèo Hải Vân là
Lăng Cô, tuy nằm trong phần đất của Thừa Thiên nhưng lại gần Đà Nẵng hơn. Bãi
biển Lăng Cô phong cảnh trữ tình, và sò huyết là một đặc sản của vùng này.
Năm tôi lên lớp Đệ Lục, ba me
tôi đổi vào làm việc ở Hội An. Lúc ở tiểu học, học Sử Địa, tôi còn thuộc lòng Hội
An là một thành phố cổ từ thế kỷ 17, đã một thời rất phồn thịnh trong việc buôn
bán với ngoại quốc. Nhưng những bài học lúc đó chỉ vẽ trong trí tôi một vài chấm
phá về thành phố này, cho đến hôm nay, khi đặt chân đến Hội An, đứng trên đường
Cường Để, một trong những đường chính giữa lòng thành phố, nhìn con đường nhỏ đến
độ tôi nghĩ nếu có hai chiếc xe jeep ngược chiều, khi gặp nhau không biết có
qua lọt hay không. Sát đường là vách nhà dựng đứng, có đoạn không có một khoảng
trống để làm vỉa hè, khiến cho con đường càng thấy hẹp và dài hun hút. Những
căn nhà phố này mới thật là độc đáo, có nhà cửa trước ở mặt đường Cường
Để, cửa sau ở mặt đường Nguyễn
Thái Học, nghĩa là dài nguyên một block phố. Căn nhà có một khoảng lộ thiên ở
giữa để cho ánh mặt trời chiếu vào, cho không khí luân lưu tận các phòng ngủ
hai đầu, những căn phòng lúc nào cũng trong tình trạng ánh sáng mờ mờ nếu không
có đèn. Khoảng lộ thiên còn dùng để hứng nước mưa, đặt hòn non bộ và chúng cây
kiểng hay nuôi chim.
Những buổi chiều hè, hai nhà đối
diện nhau, chỉ cần bắt ghế ngồi trước cửa nhà mình, nói vói qua đường, chuyện
trò thoải mái với nhà bên kia. Câu chuyện thỉnh thoảng bị ngắt quảng chút xíu
vì một chiếc xe hơi chạy qua. Những ngày lụt lội mới thấy cái tiện nghi trong
thành phố này, những dãy nhà nằm gần bờ sông Hội An, nền nhà cao hơn mặt đường
chừng nửa thước, mùa mưa, khi nước sông dâng lên, nửa phần thành phố nằm gần
sông thật giống như Venice, chỉ thiếu những chiếc thuyền chở du khách len lỏi từ
đường này qua đường khác. Nhà nào làm biếng không muốn bơi ra chợ, có thể đứng
trước cửa nhà mình, cầm cây sào đầu có móc một cái lon sữa bò hướng qua nhà đối
diện, mượn tạm trái ớt hay vài muỗng nước mắm. Thật ra, khi trời mưa lụt, chợ Hội
An di tản trước tiên vì nằm sát bờ sông.
Đi một vòng quan sát phố phường
rồi lên xem Chùa Cầu, có người gọi là Cầu Chùa, vì đây là một cây cầu gỗ ngắn,
trên lại có mái, đứng xa trông như một ngôi chùa nhỏ. Hai đầu cầu có hai con khỉ
và hai con chó bằng đá ngồi đối diện nhau, bốn tượng đá không biết tượng trưng cho
cái gì và
linh thiêng như thế nào, nhưng
những ngày rằm và mồng một, vẫn có người đến thấp hương, thỉnh thoảng cũng được
cúng dĩa xôi, nải chuối. Chùa Cầu dài chừng 15 mét, mặt cầu là những thanh gỗ gắn
ngang qua mấy cây đà lớn nối hai bờ của một con lạch nhỏ chảy thông ra sông Hội
An, một đoạn của sông Thu Bồn. Sau này có dịp đi bộ qua Chùa Cầu, dừng lại ngắm
nhìn, tôi thấy hai chú khỉ đá mặt mũi cũng sáng sủa, hai tay chắp trước ngực
trông rất nghiêm chỉnh. Nhưng đối với người Hội An, ba chữ “khỉ Chùa Cầu” đã
thành biểu tượng để xỉ vả hoặc rủa nhau: “Cái mặt như khỉ Chùa Cầu mà làm bộ
làm tịch!”
Chùa Câu là một di tích nổi tiếng
của phố Hội, một trong những ngỏ vào thành phố, mỗi lần có chiếc xe hơi chạy
qua, những thanh gỗ bất ngang đã lỏng lẻo, từng thanh lần lượt bị ấn xuống, rồi
bật lên theo bánh xe lăn , tựa như những phím đàn dương cầm, phát ra những âm
thanh rộn ràng, một nhạc khúc nào đó, như Comeback To Soriento, trong lòng những
chàng, những nàng xứ Quảng, từ Quốc Học, Đồng Khánh, Đại Học Sư Phạm, Luật
Khoa, Văn Khoa Huế… vào cuối năm, chiều 23, 24 Âm Lịch trở về quê ăn Tết.
Mùa hè đầu tiên ở Hội An, tôi
khám phá ra Cửa Đại và kết với bãi biển này liên tiếp những mùa hè sau đó. Tuy
có tên là Cửa Đại, nhưng không phải là một bãi biển lớn lại ít người biết vì Hội
An chỉ là một thành phố nhỏ, cổ kính và nằm xa Quốc Lộ I. Những năm đầu của nền
Đệ Nhất Cộng Hòa, chính quyền đẩy mạnh phong trào văn nghệ, thể thao cho toàn
dân miền Nam, để tạo nên một sắc thái thanh bình, thịnh trị. Cái thời mà giới
bình dân còn mê mẩn giọng hát ngọt ngào của đôi song ca Ngọc Cẩm- Nguyễn Hữu
Thiết lưu diễn khắp nơi với “Gạo Trắng Trăng Thanh”: …vì đâu trăng ham vui nên
trăng rụng xuống cầu… Những đêm hội chợ náo nhiệt với những trận võ đài đẹp mất
bởi đường bái tổ của các võ sư Huỳnh Tiền, Minh Cảnh… Những vị trí du lịch,
trong đó cổ Cửa Đại, được tu bổ để tạo thành một nơi nghỉ mát và vui chơi cuối
tuần cho dân chúng hai thành phố Đà Nẵng, Hội An. Con đường từ phố Hội về Cửa Đại
được tráng nhựa, hai hàng dương liễu trồng hai bên. Con đường có đoạn chạy sát
theo bờ con sông nhỏ, nước xanh biếc, bờ bên kia rũ bóng một hàng dừa chĩu
trái, khiến cho phong cảnh thêm phần thơ mộng và giúp cho những kẻ mới quen
nhau bước nhanh vào cuộc tình.
Tôi mê Cửa Đại vì bãi biển này
vừa được khai phá, bãi cát còn trắng ngần. nước biển còn trong xanh và rừng
thông chỉ mới chừng 3, 4 tuổi. Bãi biển Cửa Đại không lớn, không rộn ràng quanh
năm như biển Mỹ Khê, Nha Trang, Vũng Tàu… Cửa Đại là của mọi người trong hai
ngày cuối tuần và suốt ba tháng hè, nhưng Cửa Đại có thể của riêng bạn, của
riêng tôi hay người nào đó đặt chân đến một ngày trong mùa thu hay mùa đông. Cửa
Dại vào những ngày mùa đông có khung cảnh thật đặc biệt, hấp dẫn tôi một cách kỳ
lạ. Cho mãi đến những năm sau khi trở ra Huế học, mỗi dịp về nhà ăn Tết, tôi xuống
thăm Cửa Đại như ghé thăm một người tình cũ. Bãi biển trong mùa đông bị nước
dâng lên thâu ngắn lại. Mặt cát trang phau, liền lặn, không một dấu chân người.
Những vỏ ốc lớn, những con sao biển bị sóng đùa lên không ai nhặt. Gió thổi qua
rừng thông không ngừng tạo nên những âm điệu vi vu hòa với tiếng sóng vỗ ầm ì
vào bờ. Một dãy hàng quán và nhà nghỉ mát công cộng đóng cửa im ỉm. Những bông
cỏ, không biết từ đâu, bị gió thổi lăn dài trên bãi cát như những quả bóng, thỉnh
thoảng đụng nhau, nhập thành một quả bóng lớn, tiếp tục lăn đi tận chân trời.
Những ngày mùa đông, Cửa Đại rộng mênh mông như tên đã có, và tôi đứng đó,
thích thú với sự nhỏ bé, cô đơn của mình trong một cảnh trí hoàn toàn hiu quạnh.
Thích thú nhặt một cái vỏ ốc, ép sát vào tai, lắng nghe âm điệu tình ca của biển.
Thích thú nhìn lại những dấu chân vừa in trên cát, chỉ có mình ta với biển. Cửa
Đại những ngày mùa đông tinh khiết như chưa bao giờ có dấu vết của loài người.
Tôi học ở trung học Trần Quý
Cáp hội An hai lớp Đệ Lục và Đệ Ngũ. Những năm sau đó chỉ về trong dịp Tết và
ba tháng hè. Sống xa nhà quanh năm cơm hàng, cháo chợ, qua một mùa đông, da dẻ
xanh xám như mây mùa thu ở Huế. Mẹ tôi lắc đầu vì mỗi lần tôi về, bà lại thấy sợi
dây chuyền vàng trên cổ tôi mỗi nhỏ lại. Ngày xa nhà ra Huế học, bà cẩn thận
đánh cho tôi một sợi dây chuyền vàng để tôi đeo trên cổ phòng thân. Thằng con
đãng tử thỉnh thoảng lại mang sợi dây chuyền đi cầm lấy tiền tiêu vặt. Tết về
thăm nhà, không có tiền chuộc, đành đổi sợi nhỏ hơn. Đến mùa hè thứ hai, vác mạng
về nhà thì trên cổ không còn một ly vàng nào cả. Mẹ tôi và Cửa Đại đã làm cho
màu da của tôi trở lại hồng hào. Tôi tận hưởng những ngày hè trên Cửa Đại với
nước biển trong xanh ấm áp, với bãi cát trắng và sạch, với tôm cá vừa lưới lên
tươi rói, với những trái dừa xanh ngọt lịm, với khung cảnh đầm ấm của vài gian
hàng dựng lên toàn bằng lá dừa khô trông rất thơ mộng, cùng với một vài khuôn mặt
quen thuộc của Hội An vẫn thường lui tới Cửa Đại, trong đó có bác Huỳnh Sỏ, chủ
nhân tiệm ảnh Huỳnh Sỏ và tôi. Bác Huỳnh Sỏ sức khỏe yếu nên cần giá biển.
Ban ngày vui chơi trên phố Hội,
ban đêm ôm mền gối xuống Cửa Đại ngủ. Mấy quán ăn thắp đèn măng sông sáng như
đèn điện, mở cửa tới mười một giờ đêm. Thường thường tôi ngồi nói chuyện với
bác Huỳnh Sỏ hay đánh cờ với bác cho đến khi nhà hàng đóng cửa mới ra bãi tìm
chỗ ngủ. Buổi sáng thức giấc, nằm trên bãi cát, nhìn mặt trời lớn như cái mâm,
đỏ tươi một màu, dưới lòng biển từ từ nhô lên, nhìn những người dân chài kéo mẻ
lưới đầu tiên trong ngày. Khi thấy mấy con cá nục tròn vo, nẩy tưng tưng trong
những chiếc rổ tre lớn, thì chạy xuống mua vài con với giá rẻ mạt gần như cho,
mang lên quán nhờ luộc đùm để điểm tâm sau một hồi bơi lội vẫy vùng thỏa thích
trong làn nước biển ấm áp và không khí trong lành của ban mai.
Cửa Đại gắn liền với thời niên
thiếu của tôi, quãng đời mà lý trí và tình cảm vừa mới nở như đóa hoa đầu tiên
mở cánh trong vườn xuân. Từ một thành phố xa lạ, cổ kính, dần dần Hội An trở
nên thân thiết như căn nhà nhỏ của mình, tôi có nhiều bạn bè tâm giao và những
mối tình thật lãng mạn trong cái thành phố buồn thiu này. Tuổi thanh xuân của
tôi trôi êm đềm trên ba thành phố Huế-Đà Nẵng-Hội An, mỗi nơi mỗi quãng đời và
nơi nào cũng đầy ắp những kỷ niệm, lai láng, cuồn cuộn theo dòng đời trôi nổi,
như mặt nước sông Hương, sông Hàn và sông Thu Bồn trong mùa nước lũ.
Xa Hội An, nhưng Hội An vãn ở
trong tôi. Hội An trong tôi không phải chỉ có Khổng Miếu, Chùa Cầu, trường Trần
Quý Cáp Cửa Đại… Hội An trong tôi còn là những đêm đội mưa đi xem ciné ở rạp
Hoà Bình, rạp hát nằm sát bờ sông, vãn hát ra về thì nước sông đã dâng lên quá
bờ, ngập gần đến đầu gối. Hội An trong tôi còn là những tô cao lầu mộc mạc, những
viên hoành thánh Hai Huế lừng danh cả miền Trung, những cái bánh ú tro mồng năm
xinh xắn và những chiếc bánh ổ để càng mốc meo càng ngon, khi chiên lên, đường
mía và bột nếp tạo thành một hương vị độc đáo. Hội An trong tôi là những chiều
cuối năm, cùng bạn bè từ Huế về quê ăn Tết trên những chuyến xe An Lợi, Phi
Long, chen lấn gọi nhau. Tôi nhìn thấy nét mặt họ bồn chồn, tâm tư họ rộn ràng,
tôi hiểu rằng dù cho dĩa bánh bèo Ngự Bình, tô bún bò Gia Hội có ngon, cô nữ
sinh Đồng Khánh có đẹp, nhưng không gần gũi, thân yêu như tô mì Quảng màu vàng
nghệ, cái bánh tráng khoai ngọt ngào mềm mại, cuốn tròn mà cắn không cần nướng
và những người con gái không đài các kiêu sa, nhưng cũng đa tình lãng mạn trong
cái thành phố cổ xưa này…
Ngày vượt biên, thuyền tấp vào
một bãi biển của Mã Lai, sau này mới biết thuộc làng Trenganu, ngồi trên bãi cát
nhìn vọng ra biển khơi, cùng một khối nước trong xanh trước mặt, bên kia bờ đại
dương là những bãi biển yêu dấu của quê hương, nay đã ngàn trùng cách biệt, bên
đó có biển Đồng Hới, nơi tôi sinh ra đời, có biển Thanh Bình, Nam Ô, Mỹ Khê của
tuổi ấu thơ, có Cửa Đại, nơi tôi đã thở những hơi gió biển mặn nồng như tình cảm
của một gã con trai mới lớn. Rồi Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu, Rạch Giá, Phú
Quốc… của những ngày chinh chiến, và cuối cùng, từ cửa Hàm Luông, giả biệt quê
hương. Đêm đầu tiên ở phương trời tự do, nằm ngủ trên bãi biển hoang vu xa lạ,
tôi cứ ngỡ như năm nào trên Cửa Đại, một đêm hè.
Gần 30 năm rồi, tôi chưa một lần
trở lại thăm Hội An . Người ta hiểu rõ tâm trạng của vị vua vẫn muốn đập cổ
kính ra tìm lây bóng, nhưng ít ai hiểu rằng đập cổ kính cũng là điều can đảm đối
với một người đa tình, đa cảm. Tôi không làm được như ông cha của tôi, không biết
vì tâm tư yếu đuối hay mình là kẻ bạc tình, lòng chỉ muốn phủ gương xưa để khỏi
nhìn thấy bóng.
Nhưng tôi đã tự hứa, một ngày
nào đó sẽ về thăm Hội An.
Nguyễn Phúc Vĩnh Tung
No comments:
Post a Comment