Nghề độc đáo: “Ẵm” heo lấy… “Lộc”
(LĐO) HÀ KIỀU  - 7:0 AM, 01/02/2014
  •  
  •  
Heo ở chợ Bà Rén được nhiều tiểu thương đánh giá là cho giống tốt với những đặc điểm: cao giàn, tai to, mõm dài, vai rộng…
Bất cứ ai về với Quảng Nam đặt chân quá bước đến chợ heo Bà Rén án ngữ ngay trên Quốc lộ 1A, qua xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam vào buổi sáng sớm sẽ dễ dàng lắng nghe và dần cảm nhận được không khí nhộn nhịp, khí thế cùng với những câu hát vui mãi không quên do những chị em nơi đây hay truyền tai nhau về cái nghề một và chỉ có một ở Việt Nam... nghề “ẵm” heo thuê lấy “hên”.
Từ 6 giờ sáng, những chuyến xe máy, xe bò chở đầy những rọ heo con, heo sữa từ mọi ngả đường đổ xô về ngôi chợ ngày một đông. Xe “cập bến”, một đội ngũ “ẵm” heo thuê có cả chục người, đa phần là phụ nữ, tuổi hoa râm, từ 40 đến 50 đã có mặt để “ứng chiến” kịp thời. Khi những chuyến xe chở heo từ các chuồng tập kết về chợ, theo mối có sẵn, đội ngũ làm nghề phải bồng heo từ giỏ sắt ra giỏ tre để đựng heo bán. 
Công việc đòi hỏi ở những người phụ nữ phải biết chịu đựng dơ bẩn và có đôi tay khỏe để ôm và giữ heo cho chắc. Hình ảnh làm chúng tôi ấn tượng nhất là khung cảnh từng tốp chị em xông xáo, “hí hố” chạy nhau ra khiêng từng rọ heo to “ự nự” đặt xuống đất. 
Sau đó, họ cần mẫn đưa hai tay xỏ vào rọ heo rồi lồng xuống bụng để “ẵm” vào người di chuyển sang những rọ heo to hơn để chờ giờ xuất “bến”. Cứ như thế, họ lúi cúi chạy tới, chạy lui để sẵn sàng “ẵm” những chú heo từ rọ này sang rọ khác.
 Chợ heo Bà Rén lúc nào cũng đông đúc.
Nhiều chị em lái buôn hay nói mua vui là: “Được ôm ông “Thiên Bồng Nguyên Soái” trong phim “Tề Thiên Đại Thánh” là sướng nhất còn gì bằng.” Nói xong, một chị lái buôn quay sang kề vào tai nói nhỏ với chúng tôi: “Nói cho vui thôi chứ làm cái nghề khuân vác rồi ẵm heo này cũng vất vả mà chẳng kiếm được là bao. Công nhận chị em khỏe thiệt đó. Nói ra chứ chị em tui bán ở đây không nhờ tay “ẵm bồng” của các chị chắc cũng khó bán. Các chị như đem lại vận hên cho gia chủ mua heo về nuôi, nhất là heo sữa, heo móng cái.”
Có nhiều rọ heo nặng đến 150 kg, chỉ cần 2 chị em khiêng xuống đất, thậm chí di chuyển một khoảng cách khá xa nhưng không “nhằm nhò gì!” (theo lời một chị). Chị Thu (35 tuổi) mặt mày ướt nhuễ nhãi mồ hôi cho biết thêm: “Chừng ấy có nghĩa lí chi. Mọi khi, 2 chị em tụi chị còn khiêng cái rọ nặng hơn nhiều. Làm miết nên quen thôi. Cũng chẳng có gì cực cả.”
Chị Phụng Boa đang “nài” một người khách cho bồng heo. 
Chợ heo Bà Rén ra đời nhiêu năm thì cái nghề ôm “ẵm” ngài “Thiên Bồng Nguyên Soái” cũng bấy nhiêu tuổi. Ban đầu, chỉ để những gia chủ muốn mua những chú heo móng cái to, khỏe và chóng lớn thì nhờ bàn tay của các chị xem giúp. Sau khi xem xong thì nhờ thả vào chuồng coi như lấy “tay” người nuôi. 
Nhưng rồi dần dần, nghề bồng heo xuất hiện như thể một nghề mưu sinh nặng nhọc và trở thành một “đội quân” làm ăn khá “chuyên nghiệp”. Những rọ heo to lớn lên xe tải hay bồng từng chú heo con ra cho khách hàng ngắm nghía đều nhờ đến các chị. Ban đầu, nghề ôm heo lấy hên chỉ có 2-3 người nhưng nay đã có hẳn một tổ, nhóm chuyên khiêng, bồng heo.
Đại đa số chị em phụ nữ đều đạt tuổi hoa râm, từ 35-50 tuổi. Theo nhiều người làm nghề này cho biết, những chị em chưa đạt độ tuổi này sẽ không có độ chính chắn, vốn sống và kinh nghiệm để làm “sứ mệnh” đem may mắn đến cho gia chủ. Bên cạnh đó, các cô các mẹ từ 50 tuổi trở lên lại ngại sức khỏe không đảm bảo khi khuân vác, ẵm bồng. Làm nghề này cần sức khỏe dẻo dai và bền.”
Về nguyên nhân xuất hiện cái nghề kỳ lạ này, chị Nga (47 tuổi, một lái heo với hơn 20 năm trong nghề) thủ thỉ: “Do việc mang heo đi cân hay mang heo nhốt vô sọt cho khách là việc không đơn giản vì có thể khiến heo bị xây xát, mà bán xong rồi khiêng heo cho khách cũng mệt và mất thời gian. Mấy bà sống quanh đây thấy vậy nên chủ động ra xin bồng heo cho vô sọt và bồng lên cân kiếm thêm ít tiền. Ban đầu có 1, 2 người làm chứ mấy, rồi sau họ đua nhau đi làm. Nghề này xuất hiện cũng chỉ mới hơn chục năm nay thôi”.
Giây phút giải lao hiếm hoi, các chị bồng heo tranh thủ ăn mấy củ sắn lấy sức giữa cái nóng oi bức cùng sự bẩn thỉu và mùi hôi thối của phân heo.
Gần 3 tiếng đồng hồ đứng cùng tiếp cận với chị em khuân vác những rọ heo con xuống xe rồi lên xe, chúng tôi có thời gian quan sát kĩ lưỡng từng cử chỉ, thậm chí những hành động, việc làm khá nhịp nhàng và chỉnh chu của các chị. Không cần người kêu hay gọi đến bưng bế từng con heo vào sọt, rọ. Chỉ cần xe lái buôn cập chợ là các chị lại tự giác đến xóm xắn tay áo để cộng sức phụ nhau khiêng đến nơi tập kết. 
Sau đó là lũ lượt “ẵm” từng con heo cho vào sọt, rọ khác rồi đưa lên xe tải. Dường như giá cả đã định sắn, không cần mặc cả. Heo con thì “ẵm” mỗi con từ 500 đ - 1.000 đ, còn heo lớn thì gia chủ hay lái buôn thưởng thêm ít. So với các nghề khác, nghề “ẵm” heo giá khá rẻ mạt, thậm chí nhiều chị em nói vui là quá “bèo”, không đủ hút một điếu thuốc thư giãn.
Lá sắn là thứ để những người bồng heo “vệ sinh” tay tạm thời. 
Một công việc không đơn giản nhưng chỉ được trả công 500 đồng/lần, nếu một giỏ heo có 4-5 con thì cũng chỉ được trả 1.000 đồng/giỏ cho những mối quen. Trừ những lúc phải ẵm heo đi xa đến vài trăm mét để giao tận xe người mua tiền công mới được trả từ 1.000 - 2.000 đồng/con. 
Theo lời những người trong đội ẵm heo thì trung bình một ngày các chị cũng kiếm được 20.000 – 50.000 đồng từ tiền bồng heo và cho thuê giỏ. Những người đàn ông ngại làm cái nghề đòi hỏi sức khỏe này vì nó là một nghề phải nhặt nhạnh, chắt chiu từng 500 đồng.
Nghề bồng heo là nghề phải “nhặt” từng tờ 500 đồng 
Một chị có tuổi trong nghề được chị em hay quen gọi là chị 4 Mập vừa ôm vừa thở dốc vừa nói: “Lắm lúc nghĩ cũng rẻ thiệt. Thù lao bồng một con chỉ đủ mua 1 cây kẹo ngậm the cổ họng. Người bán đi bán một cái vé số cũng lời đến 1.000 đ rồi, còn bồng một con heo cũng chỉ có chừng nớ (500 đ)”. Nghe chị nói, chúng tôi thực sự khá ngạc nhiên về giá cả nhỏ nhoi này. 
Thấy chúng tôi có vẻ không tin, chị 4 giải thích thêm: “Ít rứa chứ cũng tạm được. Làm 3 tiếng đồng hồ giỏi lắm cũng kiếm được 50 chục ngàn đồng là cùng chứ ở nhà làm chi ai cho 5 chục mô. Và nghề ni đã gắn bó với chị em chúng tôi cả mấy chục năm rồi giờ bỏ cũng thấy nhớ thôi thì làm vừa kiếm thêm vừa lấy niềm vui trong cuộc sống”. 
Heo được vận chuyển bằng xe máy đến các tỉnh lân cận. 
Chị 4 Mập nói xong cũng đúng lúc đang hoàn thành nhiệm vụ bồng heo cho lái buôn và đang thở phì phèo ngửa 2 tay nhận tiền. Nhìn chị 4 cầm trên tay số tiền chỉ 5.000 đ với 10 lượt “ẵm” heo tổng thể chúng tôi mới tin đó là sự thật. Với chúng tôi đó là số tiền rất nhỏ, không đủ 1 tách cà phê hay một bữa sáng ra trò nhưng với các chị đó là đồng tiền “xương máu”. Càng trân trọng hơn khi nhìn thấy nụ cười luôn hé trên môi của các chị khi đón nhận những đồng tiền ấy.