Saturday, November 16, 2013

MỘT THOÁNG HỘI-AN - Hoa Hoàng Lan






Đối với tôi, Hội-An là một trời thương nhớ, một rừng kỷ niệm và một biển ký ức. Tôi không ngờ tôi lại ở với Hội-An một thời gian dài đến như thế, có thể dài gần bẳng nửa cuộc đời. Và tôi cũng không ngờ rằng tôi lại yêu Hội-An đến như thế. Yêu hơn cả chính nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Viết như thế, vì tôi vốn sinh ra ở Hà-Nội, chốn cố đô ngàn năm văn vật, nhưng tôi lại trưởng thành ở Hội-An, một thị trấn nhỏ bé nằm phơi mình bên Cửa Đại của Thái-Bình-Dương mênh mông. Dù phơi mình theo tư thế “nằm” thoải mái nhất, nhưng Hội-An lại không chiếm được nhiều đất đai trên cơ thể chữ S của  Mẹ Việt-Nam. Với địa thế khiêm nhường đó, nhiều lúc tôi đã không tìm thấy Hội-An trên bản đồ nước Việt-Nam. Thế nhưng vì đất chật, người đông, người Hội-An quay đi thấy nhau, quay lại cũng gặp nhau, do đó tình lân lý gắn bó nhau như một nhà. Sau biến cố đổi đời 1975, phải xa rời Hội-An, tôi mới thấy tôi yêu Hội-An như thế nào. Vâng, phải xa Hội-An, tôi mới có cơ-hội “thấy” và “cảm”  được tình yêu Hội-An. Nhưng oái oăm thay! Khi tôi thấy được rằng tôi yêu Hội-An vô cùng, thì cũng chính là lúc tôi đã xa Hội-An muôn trùng rồi đó. Ở một nơi chốn khác, dù là thủ đô Saigon hoa lệ, tôi vẫn nhớ quay quắt về Hội-An. Nghe một giọng nói có âm hưởng xứ Quảng, tôi đã vội quay lại nhìn xem chủ nhân của giọng nói đó là ai, tôi có quen biết không. Nghe nhắc đến hai chư  “Hội-An”, tai tôi lại vểnh lên nghe ngóng. Họ nói gì về Hội-An đấy nhỉ? Đề tài Hội-An hấp dẫn quá, và bỗng dưng tôi rất muốn được góp chuyện với người đó để được nhắc nhớ về Hội-An. Những năm tháng xuôi ngược trên vỉa hè Saigon để kiếm sống, một bóng dáng Hội-An nào đó đã làm tôi phải chậm bước, dừng chân, để quay lại lục tìm trong ký ức một nhân dáng quen thuộc nào đó. Nhưng khi tôi dừng chân, ngoái cổ để nhìn, thì cũng thấy người đó đang ngoái cổ, dừng chân để nhìn lại tôi. Ôi, Hội-An là thế đó! Thân thương biết bao và cũng trìu mến biết bao!
Nhưng với tôi, Hội-An còn là một miền đất định cư  của một quê hương thứ hai. Quê hương thứ nhất -  Hà-Nội – là nơi tôi đã sống vỏn vẹn có chín năm thời thơ ấu, bây giờ chỉ còn là một đám bụi mờ trong dĩ vãng. Dù rằng với tuổi lên chín, đôi chân sáo của tôi đã tung tăng trên nhiều vỉa hè Hà-Nội. Phố Huế, Chợ Hôm với những chuyến tầu điện leng keng. Bờ hồ Hoàn-Kiếm với Tháp Rùa, đôi tay bé nhỏ chìa ra để đón những viên lạc rang “phá-xa vừa ra nóng giòn” của ông già người Tầu rao bán. Với những buổi chợ phiên ngày Tết. Với ngôi trường Lam-Sơn thuở nhỏ. Với thầy Mão khuôn mặt thật dài và thật gầy. Với ngôi trường mù của những người kém may mắn không thấy được ánh sáng của cuộc đời. Với hồ Thuyền-Quang mặt nước trong xanh. Khi khôn lớn, với tôi, Hà-Nội còn tất cả những nét đẹp mà tuổi lên chín đã cảm nhận được, cộng thêm những nét yêu kiều trong các tác phẩm của Tự-Lực Văn-Đoàn đã lùi dần, để nhường chỗ cho một Hội-An mộc mạc, đã lưu luyến lòng người bằng những nét đẹp hồn nhiên, xưa cũ. Như là rời bỏ Hà-Nội, tôi đã không mang theo quê hương được, thì tôi đã có Hội-An để lấp đầy chỗ trống đó. Tôi nghĩ rằng tôi quả thật may mắn đã tìm thấy cho mình một quê hương Hội-An.
Tôi yêu Hội-An với những buổi sáng, sau một giấc ngủ dài, mọi người nhịp nhàng với những sinh hoạt thường lệ. Học sinh cắp sách đến trường, công tư chức, quân nhân đi làm việc, tiếng động cơ xe cộ ồn ào đường phố. Tiếng rao quà lảnh lót, chen với tiếng nói cười của đám học trò, cùng với tiếng chuông xe đạp, xe xích-lô và tiếng xoèn xoẹt của chổi quét trên hè đường, đã tạo thành một bản hòa tấu buổi sáng mà tôi tin rằng không một nhạc công tài ba nào có thể kết hợp cho đúng được.  Những buổi sáng được nghỉ học,  không phải dậy sớm, nên tôi thường nằm nướng trên giường để thưởng thức cho hết bản giao hưởng của phố phường ấy. Tôi cho đó là một lạc thú ở đời và chỉ thực sự thức dậy khi có người gọi tên tôi, lúc đó tôi mới vén màn, rời khỏi giường, để bắt đầu một ngày. Bữa ăn sáng xong, tôi đạp xe đi đây đó, lo công việc do mẹ tôi sai bảo. Hội-An rất dễ đi xe, vì đường phố ít xe cộ,  đường nào cũng ngắn, và lòng đường hẹp. Tôi đạp xe mà hồn bay bổng nơi đâu. Có những lúc bị ngã, sau khi lồm cồm bò dậy, tôi mới biết mình đã đụng xe vào ai, một bà già quang gánh qua đường vội, hoặc một em bé vừa đi vừa ăn cà-rem cây.
Thói quen ngủ một giấc ngủ ngắn sau bữa ăn trưa là một thói quen rất... Tây của thời kỳ nước nhà còn bị Pháp đô hộ. Buổi trưa ở Hội-An mới êm ả làm sao! Vạn vật như im lìm, đồng lõa với sự lười biếng của thiên nhiên, tạo nên vẻ im ắng khác thường trong ngày. Xe cộ ít qua lại. Người người ngơi nghỉ. Vào mùa hè, tiếng ve sầu rền rĩ gọi hè, cùng những chùm Phượng-Vỹ đỏ rực một góc trời. Tôi còn nhớ sân trường Trần-Qúy-Cáp trồng toàn một thứ hoa học-trò này: Phượng-Vỹ đỏ tươi như máu, với những chú sâu đo leo lên trèo xuống với một sợi tơ, đã làm cho đám nữ sinh tôi sợ xanh mặt. Mấy chị em tôi, nếu không bị cha mẹ bắt ngủ trưa, thì cũng lang thang đâu đó bên gốc  cây, dưới bóng mát,  để rong chơi cho hết buổi trưa hè, nếu không muốn đạp xe đi trong nắng, để thưởng thức hết hương vị của khoảng thời gian giữa sáng và chiều.
            Nắng Hội-An đẹp vô ngần! Nắng vàng, một mầu vàng rất trong và rất ngọt. Mầu trong của pha lê và vị ngọt của đường phèn! Nhưng, có một thứ nắng Lào. Eo ơi! Nghe nói đã thổi từ bên Lào sang, qua dẫy núi Trường-Sơn, nên gió đã mang theo một chảo... lửa Trường-Sơn hắt vào ta, làm ngoài cảm giác rát quá và nóng quá, thì không còn cảm giác nào nữa. Những ngày Hội-An có gió Lào, thì mọi vật như khựng lại, mọi sinh hoạt như chậm  hẳn và những con chó thè lưỡi đỏ ra để thở. Tất cả người và vật đều ở trong nhà, trong bóng mát, để trốn cái nóng nung người.Và không gian tĩnh mịch vô cùng!
            Nhưng rồi mùa mưa tới. Mưa phũ phàng! Nước để dành ở đâu, từ bao lâu nay, trút xuống như thác đổ. Phố Cổ Hội-An chìm trong màn nước mưa. Nước khắp nơi, trên trời rơi xuống, xối xả trên mọi nóc nhà, mọi cây cối và phủ trùm vạn vật. Những lằn chớp xé không trung, ngoằn ngoèo sáng như những chiếc roi điện, lóe lên rồi tắt ở một phía trời. Sấm nổ vang rền từ chỗ nọ chạy qua chỗ kia, làm những người yếu bóng vía phải sợ hãi. Trong không gian đẫm nước đó, tâm hồn tôi lại khô ráo, mát mẻ lạ thường. Thứ khô ráo, mát mẻ của một người vừa tắm gội xong, đang đứng trước gương soi để ngắm lại dung nhan mình. Từ cửa sổ phòng, tôi  chống  cằm, ngồi hàng giờ để say sưa theo dòng nước chẩy xối xả trên các mái ngói âm dương của mái nhà bên cạnh. Nước đua nhau chen chúc, đua nhau chẩy vào ống máng, rồi đi đâu? Nào  ai biết được dòng xuôi của nước?
            Còn nước lụt ở Hội-An. Nước nhiều ơi là nhiều! Nước dâng cao ở mọi nơi. Một vài con  đường trong phố Cổ ngập nước, đường phố có thể chèo ghe, bơi xuồng được. Những chiếc xe đạp “that nghiệp” trong thời gian đường phố bị lụt. Những đôi chân, những ống quần được làm việc hăng say để thay thế. Mọi người tha hồ lội tới lội lui trên một quãng đường ngập một thứ nước mầu vàng đục, mà người ta gọi là nước nguồn. Ghe xuồng đi lại trên đường phố. Mọi người xắn cao hai ống quần để lội. Hội-An trong những ngày lụt tháng Mười âm lịch hằng năm, vui ơi là vui! Đi lội nước lụt trở thành một kỷ niệm không thể nào quên của ngưởi dân phố Cổ.
            Có lẽ tôi đã chủ quan khi nghĩ rằng con gái Hội-An tóc đen nhánh, nhờ gió và nắng vàng Hội-An. Da trắng như trứng gà bóc vỏ,  nhờ tắm mưa phố cổ Hội-An. Răng chắc và lóng lánh như ngọc trai, nhờ uống nước giếng Bá Lễ, một giếng nước trong và ngọt ở Hội-An. Vâng, tôi cho rằng ý kiến trên là đúng, vì tôi quá yêu Hội-An và cho rằng thiên nhiên đã tác động lên con người Hội-An.
            Hội-An còn có những buổi tối đặc biệt, vô cùng yên tĩnh. Một không khí thanh bình kéo dài từ năm này sang năm khác. Nếu không có những đoàn hát từ trong Nam ra khuấy động phố phường bằng tiếng nói cười huyên náo trong giờ tan xuất, từ đầu đường đến cuối phố, tiếng guốc dép kéo lê trên mặt đường,  tiếng gọi, tiếng chạy, tiếng xô đẩy nhau trên hè đường, thì tưởng Hội-An đã có thói quen đi ngủ sớm! Tôi rất thích những buổi tối yên tĩnh, trầm mặc của phố Cổ Hội-An.
            Nói tóm lại, tôi vốn mê Hội-An với những buổi sáng kim cương, buổi trưa vàng ròng, buổi chiều cẩm thạch, và buổi tối ngọc trai, trân châu, mã não. Phải bỏ Hội-An mà đi, tôi nghĩ tôi lại mất quê hương thêm một lần nữa. Lần thứ nhất, rời bỏ Hà-Nội, hành trang của tôi trong trí nhớ thơ dại có một tháp rùa Hoàn-Kiếm, một cầu Thê-Húc, một đền Ngọc-Sơn, một hồ Thuyền-Quang, một hồ Trúc-Bạch,  một con đường Cổ-Ngư, một Cửa Ô.  Rời bỏ Hội-An, trong mớ hành lý thập cẩm của tôi, tôi đã không quên mang theo một chút Chùa Cầu cổ xưa, một con sông Thu-Bồn xanh ngắt, một cù lao Phố tĩnh lặng, một  Cửa Đại dậy sóng, một chút nắng vàng Hội-An, vài giọt mưa phố Cổ và rất nhiều, rất nhiều thương nhớ Hội-An. Ôi Hội-An! Bao giờ gặp lại? Nắng có còn vàng? Mưa có còn trong? Sóng biển Cửa Đại có còn tung bọt trắng xóa? Nước dừa ở Gành có còn ngọt ngào, thơm tho? Và dòng sông Thu-Bồn có còn xanh mầu thương nhớ?
            Và một ngày nào đó, tôi sẽ trở về thăm lại Hội-An, thăm tất cả phố Cổ. Tôi sẽ vào thăm ngôi trường trung học Trần-Qúy-Cáp, để tìm lại bàn học ngày xưa, tôi đã làm loang lổ những giọt mực xanh trong cây bút máy bị hư. Tôi sẽ ôm những gốc Phượng-Vỹ già, chắc bây giờ to lớn lắm. Tôi sẽ thăm và không còn sợ những dòng họ sâu đo trèo lên, leo xuống trên những sợi tơ đong đưa ở những cành Phượng-Vỹ. Và tôi sẽ đem mực đỏ để nhuộm lại những hoa Phượng-Vỹ đã hết đỏ, đã héo úa dưới gốc cây. Tôi sẽ hồi sinh chúng, như tôi đã hồi sinh cho chính tôi với lòng yêu mến Hội-An vô bờ và bất biến.
.
            Hoa-Hoàng-Lan

No comments:

Post a Comment