Sunday, November 10, 2013

HỌC TRÒ TRONG QUẢNG RA THI - TS Trần Gia Phụng

 
(Trình bày tại Đại hội Quảng Nam-Đà Nẵng ngày 9-11-2013 tại Toronto)
Trần Gia Phụng

Quảng Nam do vua Lê Thánh Tông thành lập năm 1471.  Từ đó, Quảng Nam
trải qua giặc giã liên miên cho đến đầu thế kỷ 19.  Năm 1802, vua Gia
Long thống nhất đất nước, tổ chức lại nền cai trị và tổ chức lại nền
giáo dục.

Nền giáo dục triều Nguyễn dựa trên Nho giáo vì Nho giáo là một triết
thuyết chính trị hậu thuẫn cho chế độ quân chủ.  Nền giáo dục Nho giáo
triều Nguyễn dùng chữ Tàu làm chuyển ngữ.  Chương trình học gồm Tứ
thư, Ngũ kinh trong Nho giáo, cùng sử Việt và sử Trung Hoa, không có
các môn khoa học.  Tổ chức thi cử gồm các khoa thi Hương, thi Hội và
thi Đình.  Thi Hương 3 năm 1 lần.  Thi Hội 1 năm sau thi Hương.  Thi
Đình tiếp theo ngay sau kỳ thi Hội.

TẠI SAO HỌC TRÒ TRONG QUẢNG RA THI?

Thi Hương là thi tại địa phương, nhưng không phải tỉnh nào cũng có
trung tâm thi.  Dưới thời nhà Nguyễn, có khoảng 30 tỉnh, và có từ 5
đến 6 trung tâm thi Hương trên toàn cõi Việt Nam.  Học trò từ 3 hay 4
hoặc 5 tỉnh tập trung lại cùng dự thi chung một trung tâm.

Riêng tại miền Trung, trung tâm Thừa Thiên (Huế), lúc đầu cho học trò
5 tỉnh dự thi là Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình
Định.  Sau đó chỉ có 3 tỉnh từ Quảng Trị vào Quảng Nam.  Như vậy, muốn
thi Hương thì học trò xứ Quảng phải ra Huế dự thi.

Khoa thi Hương có 4 kỳ thi gọi là 4 trường.  Đậu cả 4 trường được cấp
bằng cử nhân.  Đậu 3 trường, rớt trường tư gọi là tú tài.  (Tú tài chỉ
là danh xưng an ủi cho những người đạt điểm cao nhưng chưa đủ điểm
đậu.)  Cử nhân có nghĩa là cử người ra làm quan với triều đình, tức
đậu cử nhân mới được triều đình chính thức tuyển chọn ra giữ chức vụ
hành chánh.

Những người đậu cử nhân, học thêm một năm nữa, thì hội nhau lại tại
kinh đô để thi, gọi là thi Hội.  Thi Hội luôn luôn được tổ chức tại
kinh đô Huế.  Vì vậy những cử nhân Quảng Nam đều phải tiếp tục ra Huế
dự thi.

Thi Hội có kết quả, tức có người đậu, kẻ rớt, nhưng không có sắp hạng.
Những người trúng tuyển kỳ thi Hội vào thi Đình ngay sau đó để phân
thứ hạng cao thấp.  “Đình” là cái sân.  Thi Đình là thi tại sân cung
điện nhà vua, thường là sân điện Cần Chánh.  Thi Đình không có người
rớt, chỉ phân thành hai hạng: đậu cao thì gọi là tiến sĩ, đậu thấp thì
gọi là phó bảng.

KẾT QUẢ THI CỬ CỦA HỌC TRÒ TRONG QUẢNG

Sau một thời gian cầm quyền, vua Gia Long mở khoa thi Hương đầu tiên
năm 1807, nhưng chỉ từ Nghệ An trở ra bắc, vùng đất cũ, mới có thí
sinh thi Hương khoa nầy, còn từ Thừa Thiên vào nam thì chưa có thi
Hương vì mới xây dựng nền giáo dục, chưa có sĩ tử.  Khoa thi Hương năm
1813 mới có thêm học trò ở Thừa Thiên và các tỉnh phía nam.

Từ năm 1813 đến năm 1918, trước sau có 42 khóa thi Hương tại Thừa
Thiên, tổng số 1263 thí sinh trúng tuyển cử nhân, trong đó có 251
người Quảng Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 20%.

Cũng trong thời gian nầy, có 39 khoa thi Hội và thi Đình trên toàn
quốc.  Trong 39 khoa thi nầy, số tiến sĩ trúng tuyển là 281 người,
Quảng Nam được 15 người tức khoảng hơn 5%; và số phó bảng trúng tuyển
là 264 người, Quảng Nam được 24 người, tỷ lệ khoảng 9%.

Chẳng những số lượng cử nhân, phó bảng và tiến sĩ Quảng Nam vào hạng
khá cao so với hơn 30 tỉnh trên toàn quốc dưới thời nhà Nguyễn, mà
tỉnh Quảng Nam còn có hai khoa thi nổi tiếng, vẫn còn được nhắc nhở
cho đến ngày nay trong lịch sử khoa cử Nho học.

Thứ nhứt, vào khoa thi Đình năm 1898 (mậu tuất), Quảng Nam có ba người
đậu tiến sĩ (Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn) và hai người đậu phó
bảng (Ngô Truân, Dương Hiển Tiến), tạo thành huyền thoại Ngũ phụ tề
phi. (Năm chim phụng cùng bay) mà người Quảng Nam rất hãnh diện.

Thứ hai, trong khoa thi Hương trường thi Thừa Thiên năm 1900 (canh
tý), có 14 thí sinh Quảng Nam trúng tuyển trong tổng số 42 người thi
đậu, đạt tỷ lệ 30%, và 4 thí sinh Quảng Nam đậu đầu, từ thứ nhứt đến
thứ tư. (Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Lê Bá
Trinh.)

Tóm lại, để tham dự các khoa thi Nho học dưới thời nhà Nguyễn, từ thi
Hương đến thi Hội hoặc thi Đình, học trò Quảng Nam đều phải ra kinh đô
Huế dự thi.  Đi đường bộ thì qua đèo Hải Vân.  Đi đường biển thì dùng
ghe men theo bờ biển ra Thừa Thiên.

Kết quả thi cử của học trò xứ Quảng trong các khoa thi nầy khá khả
quan, cho thấy người Quảng Nam, dầu khó khăn, ngheo khổ, vẫn luôn luôn
cố gắng học hành để tiến thân, tạo thành truyền thống ham học của
người Quảng Nam.  Truyền thống nầy tồn tại mãi cho đến ngày nay.

Trước khi kết thúc, xin lưu ý là câu “Học trò trong Quảng ra thi”,
thường đi đôi với câu thứ hai là “Thấy cô gái Huế chân đi không đành”.
Có hai cách giải thích xuất xứ hai câu nầy.  Thông thường, nhiều
người nghĩ rằng đây là hai câu ca dao.  Tuy nhiên, có tài liệu cho
rằng đây là hai câu thơ của thi sĩ Xuân Tâm (tên thật là Phan Hạp),
người làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mà không cho biết
nguyên văn bài thơ.  Giai thoại kể rằng Xuân Tâm ghi hai câu nầy trên
một quyển sách tặng vợ.  Viết trên sách tặng, thì không biết là thơ
Xuân Tâm hay là đây là hai câu ca dao có trước, rồi Xuân Tâm viết tặng
vợ, và người ta tưởng là của Xuân Tâm?

Dầu hai câu thơ nầy là của ai, thực tế cho thấy khi đến viếng cố đô,
đúng là khá nhiều du khách “thấy cô gái Huế chân đi không đành”.  Gần
đây, Phan Xuân Sinh, một nhà thơ Quảng Nam khác, đã thốt lên “Ta chết
điếng một thời em Thượng Tứ,/ Bởi nụ cười môi mọng gái thâm cung.”
(Chút tình cho Huế).

Các bạn thanh niên Quảng Nam ngày nay nghĩ sao?

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 9-11-2013)

No comments:

Post a Comment