Người Quảng sống ở Sài Gòn dường như ai cũng quen thuộc với ngôi chợ Bà Hoa nằm giữa làng dệt Bảy Hiền (quận Tân Bình). Mỗi lần đến nơi này, những người con của miền Trung xa xôi lại được sống trong bầu không khí quê nhà quen thuộc với những tiếng “mô, chi, hỉ” đặc sệt và những món hàng đậm đà chất Quảng.
Con đường Nam tiến
Khoảng những năm sáu mươi của thế kỷ trước, một số người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi bắt đầu di cư vào Sài Gòn sinh cơ lập nghiệp bằng nghề dệt truyền thống của quê hương. Họ sống quây quần bên nhau quanh khu vực Bảy Hiền và chẳng bao lâu, những người dân đất Quảng đã xây dựng nơi đây thành làng dệt nổi tiếng với hàng chục cỗ máy rầm rập xe sợi suốt đêm ngày.
Nghề dệt ăn nên làm ra đã kéo theo một lực lượng đông đảo những người bán tơ sợi và may gia công cũng từ Quảng vào khiến cho khu vực Bảy Hiền dần dần trở thành một “xứ Quảng thu nhỏ”. Ở đó, bên cạnh việc giao lưu với người bản xứ, cộng đồng người Quảng “tranh thủ” phát huy những giá trị văn hóa của quê hương. Chợ Quảng ra đời như một nhu cầu thiết thực, đó không chỉ là nơi buôn bán mà còn là nơi gặp gỡ, hun đúc tình cảm quê nhà của những người con xa xứ.
Người buôn bán ở chợ kể rằng: ngôi chợ này do một người phụ nữ tên Hoa (không rõ họ) dựng nên vào năm 1967 chủ yếu để bán những món đặc sản của Quảng Nam. Do vậy, bà Hoa thường xuyên lặn lội về xứ để mua cho được những món Quảng chính gốc mang vào. Từ đó đến nay, mọi người vẫn quen gọi chợ bằng tên Bà Hoa mặc dù bảng hiệu đã được thay bằng “chợ phường 11”. Hiện bà Hoa đã định cư sinh sống ở nước ngoài nhưng thỉnh thoảng về Việt Nam, bà vẫn đến ngôi chợ một thời gắn bó với mình và chuyện trò thăm hỏi bà con đồng hương.
Hồn quê giữa chốn thị thành
Đến với ngôi chợ nhỏ này, người Quảng sẽ cảm thấy ấm lòng như đang đứng trên mảnh đất quê hương, còn người dân xứ khác sẽ tìm thấy nơi đây nhiều điều thú vị. Nét đặc trưng nhất của ngôi chợ là bất cứ chỗ nào cũng thấy hàng quán treo những bảng hiệu giới thiệu các đặc sản xứ Quảng. Đó có thể là những lọ ớt khô cay nồng, những mẹt hành tỏi nhỏ mà thơm của miền Trung hay những phong bánh nổ, bánh đậu xanh, bánh tổ, bánh in, bánh thuẫn, bánh tráng đặc biệt thơm ngon; những bịch kẹo gương, những lon mạch nha ngọt đậm đà.
Những món quà quê hấp dẫn người Sài thành.
Dạo chợ Bà Hoa, ta sẽ khám phá thêm những nét đặc trưng trong nếp ăn, nết ở của cộng đồng người Việt ở miền Trung. Dường như dân ta đặc biệt khoái khẩu với những món mắm. Người miền Bắc có mắm tôm nổi tiếng, người miền Nam có món mắm cá lóc không chê vào đâu được và người miền Trung có món mắm cái rất dân dã nhưng không kém phần đậm đà.
Để làm nên hũ mắm cái chất lượng, người ta phải chọn những con cá cơm hay cá nục nhỏ tươi ngon, sau đó trộn đều với muối theo một tỷ lệ nhất định. Chừng mười ngày sau, khi cá vừa chín tới nhưng vẫn còn nguyên con là có thể múc mắm ra trộn với cà, đu đủ làm thành mắm dưa hoặc pha thêm ớt, tỏi, chanh, đường để chấm các món luộc như rau lang, rau muống, thịt heo, cá lóc…
Nhiều người gốc Quảng nhờ nhẫn nại bán từng muỗng mắm cái giá năm trăm đồng đã xây dựng cho gia đình mình một cuộc sống tương đối khấm khá trên đất Sài Gòn. Ngoài món mắm cái, người Quảng còn có món cá chuồn thính làm từ những con cá chuồn tươi ướp với muối và bắp rang xay nhuyễn, cũng không kém phần hấp dẫn.
Những ngày mùa đông tháng giá, các cô, các chị thường không quên ghé chợ Bà Hoa mua những con chuồn thính giá 1.000 đồng/con về chiên vàng hay chưng với thịt ba rọi đãi cả nhà.
Dạo chợ Bà Hoa, khách có thể thưởng thức tại chỗ những món quà vặt đậm chất Quảng do người chính gốc chế biến. Đó là những chén bánh bèo dày cộm với nước xốt tôm thịt đổ trên mặt rất hấp dẫn. Đó là món bánh tráng đập với miếng bánh khô giòn kẹp giữa hai miếng bánh ướt dẻo mềm chấm với mắm cái cá cơm pha thật cay. Đó là món ruột già xào nghệ tươi xúc bánh tráng vừa ngon miệng vừa trị được bệnh đau bao tử rất hữu hiệu.
Và dĩ nhiên, nhắc đến món Quảng, chúng ta không thể bỏ qua những tô mì - một trong những món ngon không chỉ đối với dân Quảng mà nhiều người Sài Gòn cũng thấy hợp khẩu vị. Khác với những món ăn khác, nước lèo của mì Quảng sanh sánh vàng được nấu sôi từ xương rồi vặn nhỏ lửa cho rút bớt nước.
Một tô mì Quảng chính hiệu chỉ xâm xấp nước với tôm, cua, thịt heo cắt lát, đậu phộng rang giòn, bánh tráng nướng, cọng mì vàng thơm mùi gạo và ít cọng rau húng lũi thơm lừng. Người đến chợ Bà Hoa vẫn thường rỉ tai nhau về sạp mì Quảng nổi tiếng hơn hai mươi năm của chị Nguyễn Thị Quang.
Khi được hỏi thăm về tài nghệ chế biến món ngon này, chị Quang đúc kết kinh nghiệm “Cách thức nấu mì Quảng cũng không khác gì những món dùng nước lèo khác. Có điều, tô mì Quảng đặc biệt nhờ củ nén và dầu phộng. Củ nén có mùi vị gần giống như củ tỏi nhưng thơm nồng hơn và chỉ trồng duy nhất ở miền Trung, còn dầu phộng thì phải là thứ ép thủ công chứ xài dầu ăn đóng chai công nghiệp sẽ không ngon bằng”.
Chợ Quảng Bà Hoa với những món dân dã trở thành nơi lưu giữ hồn quê “không lẫn vào đâu được” của một cộng đồng người miền Trung giữa đất Sài Gòn đa hương đa sắc, đồng thời góp thêm một nét văn hóa truyền thống độc đáo cho xứ Sài thành.
|
Saturday, November 30, 2013
Chợ Quảng giữa Saì Gòn
Chút tình sau cơn bão - Tạp bút của CẨM AN SƠN
1-
- Chú Lành hả ?
- Em đây anh,
- Khoẻ không, trận bão ngày hôm kia nhà cửa
có hề gì không, bà con trong làng trong xóm mình có ai bị thiệt hại nhiều không
?
- May mắn không hề gì anh à, vùng mình có gió
mạnh nhưng không đáng kể, nghe nói tâm bão chính ở Ðà Nẳng, ngoài đó bị thiệt hại
nặng lắm, có đến mấy chục người chết, nhà cửa sụp đổ tan hoang, vùng Ðại Lộc chỗ
dì Trí nước lụt tràn ngập quá chừng chừng.
- Tui hỏi chú là để biết rõ thêm tình hình ở
Tam Kỳ thôi, chớ còn ở Ðà Nẳng thì tôi có thấy hình trên internet và tường thuật
trên các đài TV ở Mỹ rồi,
- Ủa, lẹ rứa hả anh, ở Mỹ mà anh biết chuyện
Ðà Nẳng mau hơn ở đây, ở đây em chỉ nghe nói đi nói lại thế thôi, đài điện chỉ
mới nói lờ mờ là bão lụt ngoài đó lớn lắm chớ chẳng có gì cụ thể.
- Thời buổi bây giờ mà, văn minh điện toán giờ
lẹ như chớp, trên thế giới chỗ nào có biến cố gì lớn là mọi người biết liền
hà…, à mà hôm nay còn mưa không, chú có rảnh cho tôi nhờ công chuyện này một
chút.
- Cũng còn mưa lắc rắc thôi, chuyện gì vậy
anh ?
- Nhờ chú thu xếp đi Ðà Nẳng một bữa, chú có
thể rủ thêm một người nào đó nữa cùng đi với chú cho vui, có thể rủ thằng Lý
cùng đi với được không, thằng này nó lanh lẹ, chịu khó.
- Nó đang đi làm đâu dưới Tam Kỳ, chiều tối
nó mới về, để tối nay em lên rủ nó thử coi, mà có chuyện gì quan trọng không mà
phải đi hai người ?
- Số là hôm qua sau khi xem tin tức thấy cảnh
bão lụt tàn phá ở quê hương mình,
nhất là thấy những cảnh tàn phá xóm nghèo ở Ðà Nẳng với nhiều người chết
và bị thương trông thật tội nghiệp, nên thằng Nhã nói trong bữa cơm chiều cùng
cả nhà rằng, giờ này chắc có hàng trăm đồng bào mình đang lâm vào cảnh không có
nơi nương tựa, không cơm ăn áo mặc, mình phải làm gì để cứu giúp họ với chứ ? Mẹ
nó bảo, thì mình tiết kiệm góp ít trăm cho các hội đoàn, chắc mai mốt đây họ
cũng tổ chức quyên góp gởi về như mấy trận lụt trước, nhưng Nhã lại nói cứu đói
thì phải làm gấp liền, chứ chờ cho quyên góp rồi gởi về thì quá chậm, mà còn có
thể bị ăn xén, ăn bớt còn lại được bao nhiêu. Tôi gợi ý rằng :” thôi thì mình gọi
điện thoại về cho chú Lành, nhờ chú mượn đỡ đâu đó năm ba trìệu rồi trực tiếp
ra tận nơi xem người nào quá khốn khó thì tặng cho họ ít tiền để mua gạo mua mắm
sống đỡ, chờ đến khi cứu trợ chắc cũng còn lâu. Thế là Nhã bằng lòng và nói :
con sẽ cho một ngàn đồng, ba me cứ gọi về nhờ chú Lành đi thăm và phân phát liền,
nhà nào có người chết thì cho 5 trăm ngàn, những nhà đổ nát không có gì ăn, thì
biếu vài ba trăm ngàn sống đỡ. Vì thế tôi liền gọi chú đây, liệu xem có làm được
không ?
- Dạ được chớ anh, Anh chị và cháu có lòng tốt
như vậy thì quý quá, em sẽ cố gắng lo liền, chắc không gì trở ngại đâu.
- Cám ơn chú, chịu khó một chút nha, đi càng
sớm càng tốt, ngày mốt tôi sẽ gọi lại, Thăm Dì Út cùng mấy cháu, Bye.
2-
- Hello dì Út, khoẻ không ? Chú Lành có đi Ðà
Nẳng không vậy ?
- Có, Ảnh đi với thằng Lý mới về hồi hôm gần
mười giờ đêm mới tới nhà, có cả bé Chinh nữa, mấy cha con về trễ làm em lo quá trời. Ðể em gọi anh Lành nói
chuyện với anh,…
- Có em đây anh
- Cám ơn chú nhiều nha, chuyến đi hôm qua có
mệt lắm không, kết qua ra sao ?
- Kể ra thì cũng mệt thiệt, vì mới lần đầu
tiên chúng em làm công việc này nên cũng hơi lúng túng, chiều hôm qua xém chút
nữa là bọn em bị đám đông làm dữ rồi chứ.
- Sao vậy ?
- Tiền thì có hạn, mà người bị nạn thì quá
đông, nên họ thấy mình cho chỗ này mà không chỗ kia thì la ó lung tung, nhà nào
cũng muốn kéo mình tới xem cho rõ để xin cấp tiền, làm em và Lý phải phân trần,
giải thích một lúc lâu bà con mới chịu cho đi khỏi đó.
- Họ có hỏi tiền ở đâu gởi cho không ?
- Có, em nói anh em tui ở trong Tam Kỳ may mắn
nhà cửa không bị gì, nghe nói ngoài này bị nặng lắm, nên nhân dịp ra thăm ông
chú cũng bị sụp nhà, thuận đường còn
chút ít tiền ghé đến ủng hộ cho bà con gọi là chia xẻ nỗi khổ sau cơn bão, thế
thôi.
- À, nói vậy là hợp lý đó
- Có nghe nói chính quyền địa phương đã giúp
gì chưa ?
- Nghe đâu hôm trước đó có tập trung đồng bào
tại xã chầu chực cả ngày mà mỗi gia đình chỉ được cấp hai kí gạo với năm gói
mì..
- Sáng hôm qua vì còn phải đi lấy tiền, mặc
dù bọn em đã hỏi trước rồi, nhưng tiền không có sẵn chờ đến 9 giờ bà Tám mới nhận
được có 5 triệu, vì thế ra đến Ðại Lộc đã hơn 11 giờ, trời còn mưa lai rai
nhưng chưa lạnh. Kể từ hôm bão đến nay không biết tin tức nhà dì Trí như thế
nào, nên Chinh bảo nhân dịp này ghé lên Dì xem thử có bị thiệt hại gì không. Bọn
em đến nơi thì nhà Dì Trí đang ăn cơm trưa, thấy chúng em vào dì Trí định nấu
cơm thêm, nhưng Hà và Chinh rủ nhau chạy đi mua bánh tráng, rau sống, rồi cả
nhà lại cùng quây quần ăn qua loa xong bữa. Nhà Dì chỉ bị bay tôn chái bếp,
nhưng hai nhà hàng xóm thì sụp tường và tốc mái, chúng em ghé qua thăm và biếu
mỗi nhà hai trăm ngàn, xong lại tiếp tục lên đường, không ra chợ Quảng Huế mà
đi đường tắt qua ngả Hòa Cầm, Tuý Loan. Dọc đường nhìn thấy nhà cửa và cây ngã
đổ ngổn ngang, hầu như không có nhà nào còn nguyên vẹn, có nhiều nhà chỉ còn là
đống gạch vụn, vì xóm nhà cách đường lộ mấy khoảnh ruộng nên chúng em chạy
luôn. Gần đến ngả ba Hoà Cầm thấy một chị trung niên quần áo lấm lem bồng đứa
con nhỏ ngồi trên đống tôn tre bừa bộn, Chinh dừng xe lại hỏi thăm thì mới biết
chị tên Nguyễn thị Thúy nhà sụp đã năm ngày rồi mà chẳng nhờ cậy ai được – vì
ai nấy đều bận lo cho gia đình mình – đành phải lót nghiêng hai tấm tôn, để hai
mẹ con buổi tối chui vào đấy ngủ với manh chiếu cũ, Chinh đưa tặng chị hai trăm
ngàn, chị cầm tiền tần ngần, mắt ngấn lệ. Chúng tôi chào chị để đi tiếp, chị đứng
trông theo thật lâu chắc chị đang nghĩ không hiểu chúng em là ai, từ đâu đến mà
cho thị tiền như thế ? Mươi phút sau chúng em lại nhìn thấy một bà cụ già ngồi
trên chiếc giường tre trong căn chòi trống hoác, nơi đây thuộc thôn Phú Sơn Tây
xã Hoà Khương. Bà cụ cho biết tên là Lê thị Ðiền, bảy mươi ba tuổi, sống một
mình trông nhờ từng miếng cơm của xóm giềng. Chúng em biếu cụ năm trăm ngàn, cụ
cầm mấy tờ giấy bạc, lật qua lật lại, có thể lòng Cụ không tin đây là tiền thật,
chúng em nói rõ cho cụ biết mệnh giá từng tờ bạc, cụ cầm tay Chinh đưa lên mũi
hôn hít rồi khóc ròng…
- Tội nghiệp thật !
- Trời đã xế chiều nên hai cha con em cùng cậu
Lý dong xe chạy về phía Ðà Nẳng, hai bên đường cây cối gảy ngổn ngang, nhà cửa
sụp đổ, lổng chổng mớ gạch cùng gỗ, tôn nằm trên những chiếc giường, bàn ghế
cùng bao nhiêu thứ lộn xộn chưa được dọn dẹp. Bầu trời còn nhiều mây, chút nắng
hanh cuối thu như soi xuống lạnh lẽo cùng cảnh hoang tàn làm chúng em cảm thấy
bùi ngùi. Trong những đống đổ nát đó có nơi thấp thoáng bóng người, nơi thì yên
vắng có thể chủ nhân đã tạm lánh đến một nơi nào đó. Chạy về đến Liên Chiểu, dừng
xe bên này đường sắt một lát, nhìn quanh rồi lại quành xuống phía nam cầu Nam
Ô, về ngả tay phải hướng từ Ðà Nẳng đi Huế, nhìn ngút mắt những đống đổ nát hoang tàn, chúng em để Lý ở lại
giữ xe, cha con em lội vào trong những lối đi nhỏ, quan sát và đem tiền tặng
cho 8 gia đình mỗi người ba trăm ngàn. Nghe tin, bà con các nơi xúm nhau lại nắm
tay, kéo áo cha con em, bảo ghé xem nhà tôi chỗ này, nhà tôi chỗ kia.., làm cha
con em bấn lên, sợ sự ồn ào làm vang động đến nhiều nơi khác, nên vừa giải
thích vừa lo rút lui ra khỏi xóm. Mặc dù em đã phân trần cho biết « chúng em
nhân dịp đi thăm ông chú ở gần đây, thấy bà con hư ha.i nhiều nên còn chút ít
tiền gởi tặng gọi là chia xẻ cùng nhau trước cơn hoạn nạn, nhưng sự thiệt hại
thì quá lớn, bà con ta quá đông trong khi tiền bạc của chúng tôi chẳng có là
bao nhiêu. nên không thể giúp cho đồng đều nổi, xin bà con thông cảm.
Mặc dù đã nói thế song vẫn phải vừa
giằng co vừa chạy lui. Nhìn trời cũng đã sắp tối, nên chúng em đành phải bỏ
Thanh Bình và Thanh Khê mà trực chỉ về phía quận Sơn Trà, bên kia sông Hàn, nơi
đây có lẽ là điểm đầu tiên cơn bão từ biển ập vào nên hầu hết nhà cửa bị bay mất
mái, tường đổ sập ngổn ngang, đồng bào ở đó kể lại : sau cơn bão quang cảnh giống
như trải qua một trận mưa bom ác liệt. Bên vệ đường một ông cụ đang cắt nhỏ mớ
rau muống biển cho mấy con thỏ ăn trong chiếc giỏ lưới bằng sắt. Ngước đôi mắt
đục mờ nhìn chúng em, ông cụ bảo : suốt cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy một trận
bão nào lớn đến như vậy, gió hất tấm tôn bay lên cao rồi cuốn tròn lại bay xuôi
bay ngược trên trời, tôn bay đầy như máy bay rải truyền đơn hồi xưa.
3-
-
Hello chú Lành
- Em đây anh
- Sao cắt phone bứt ngang vậy ?
-
Phone em tự nhiên mất tiếng, không nghe được,
- Thì bây giờ kể tiếp đi,
- Bây giờ thì em mất hứng rồi anh à, không
dông dài được nữa, giá như hôm qua mà có anh đi, anh mới nhìn thấy tận mắt những
cái thê thảm của dân nghèo miền Trung mình, không có năm nào không bão, không lụt,
trận bão năm này là khủng khiếp nhất, tuy nó không có diện rộng, nhưng tập
trung lại một khu vực Ðà Nẳng nên sức mạnh lại tăng lên gấp bội, không làm suy
suyển khu nhà giàu, mà chỉ khiến cho nhà nghèo càng nghèo thêm. Ðại để hôm qua
chúng em mới cho hết số tiền ba triệu rưởi, em định ngày mai lại đi tiếp, giúp
sớm cho bà con được ngày nào quý ngày đó, rất nhiều nhà không có gì để ăn trong
lúc này vì mất sạch. Bà Quý, bà Tám cũng mới nhắn em đến lấy tiền, lần này em định
liên hệ với chính quyền để dễ dàng trong việc cho chác,
- Ðừng đừng, chớ dại đó Dính với chính quyền thì mệt lắm, họ sẽ hỏi
chú là tiền này ở đâu, do ai cho, sao không giao cho chính quyền phát ?..mà chắc
chú cũng dư biết khi tiền vào tay các ông ấy thì đến lúc người dân nhận chẳng
còn được bao nhiêu, dính chỗ này, chỗ kia, sứt mẻ hao mòn…
- Ờ, em cũng có nghĩ đến điều này, nhưng
không nhờ chính quyền thì thế nào cũng bị chụp giựt, tranh giành, mình lấy đâu
chia cho đủ,
- Tôi đề nghị chú làm theo cách này nè, chú đừng
xuống vùng gần thành phố, mà nên thăm vùng xa ngõ trên quê như Bà Nà.., mấy
thôn xã vùng cao của Hoà Vang, nơi đó ít ai tới, chính quyền hay những người hảo
tâm cũng chỉ thường đi gần gần thành phố để thăm hỏi, cứu trợ, mình ráng vô sâu
một chút, ba người vừa dắt xe đi bộ, giả vờ hỏi thăm, tìm kiếm người bà con của
mình, để dạo lòng vòng quan sát, ghi nhận chỗ nào đáng giúp nhất, rồi sau đó ra
ngoài, hai người ở lại coi xe, còn một mình chú lặng lẽ quay lại đưa tiền lúc
không có đông ngưòi, thế là yên.
- Dạ, anh nói có lý đó, mai em sẽ áp dụng
theo cách này mới được. À mà thôi, anh đừng gọi điện thoại chi cho tốn tiền, tối
mai về em sẽ ghi lại mọi việc rồi sẽ nói Chinh gửi email cho anh liền,
- Cảm ơn chú, cho tôi gửi lời cám ơn Lý và
Chinh đã cùng chú vất vả trong ngày qua, có thể phải đi đến vài ba trăm cây số
phải không ? Chú bồi dưỡng cho Lý một trăm ngàn đi nghe, còn phải nhớ ghi chi phí xăng dầu ăn uống dọc đường trong mấy
ngày đó, chúng tôi sẽ bồi hoàn lại đầy đủ nhé. Bye chú.
4-
Tối qua chú Hát ghé nhà, chú là con bà
Hoài, chị dâu anh Ðấu. - Chắc anh còn nhớ
anh Ðấu, hồi xưa cũng là học sinh Trần Cao Vân, tốt nghiệp đại học y khoa Huế,
sau về làm việc tại các bệnh viện Ðà Nẳng – chú Hát lấy vợ đâu ngoài Hoà Vang,
thỉnh thoảng về thăm quê thường ghé lại thăm Má và chúng em, từ ngày Má mất ít
thấy chú ghé lại. Lần này thấy chú có vẽ già đi nhiều, có lẽ vì công việc làm
ăn không được thoải mái cho lắm. Vừa vào đến cửa, chú Hát cười chào :
- May mắn quá, trong xóm mình không hề chi cả,
tui mới về hồi trưa, ngoài Ðà Nẳng bão
lớn lắm, nhà cửa chỗ làng tui ở coi như sụp đổ hết chín mươi phần trăm, nhà nào
không sụp thì bay tốc mái, ngói tôn chi cũng không chịu nổi.
- Chú ở khoảng nào mà bị nặng vậy ?
- Thì hồi đó tui lấy vợ quê thôn An Sơn xã
Hòa Ninh, Hoà Vang đó, chỗ này là xã thuộc miền núi, dọc theo chân đường lên
núi Bà Nà, cách Ðà Nẳng hơn hai chục cây số.
- Hôm qua cha con tôi có đi Ðà Nẳng thấy dưới
này bị bão nặng, nghe nói tâm bão ở dưới này mà ?
- Ðúng là bão vô Ðà Nẳng gặp núi Sơn Chà cản
lại, nên nó né lên phía bắc, dồn hết sức mạnh thổi theo một luồng, xéo nát những
làng xã từ bãi biển Thanh Bình, Thanh Khê dọc theo chân núi, bọc dưới chân đèo
Hải Vân lên ngả Bà Nà, nên xã tui cũng bị nặng không thua gì dưới Sơn Chà, Thanh
Khê.
- À , vậy thì bao giờ chú mới trở về lại
ngoài đó ?
- Mai tui về lo dọn bớt cây cối gảy đổ rồi mới
tính dọn đến căn nhà tui, mấy bữa nay lo giúp chôn cất bà già vợ chết vào bữa bị
bão, nên chưa lo gì cho nhà mình, mới che năm sáu tấm tôn cho vợ con chui đỡ, về
trong này kiếm ít gạo để ăn, chớ sắp đói đến nơi rồi.
- Ủa, bác gái bị sao vậy ?
- Thì ngay bữa đó gió bay tốc mất mái nhà,
ông già thì nằm một chỗ, ổng bị mù cả hai mắt, cụt chân nên có xoay trở gì được
đâu, thằng em bà vợ tui ba mấy tuổi nhưng bị tâm thần, mát mát khùng khùng cũng
ở chung đó, mà có làm được việc gì đâu, bà già thấy gió bay mái nhà, nên tính
chạy qua nhà anh Hai ở phía trước, coi thử có chỗ để bồng ông già qua trú đỡ,
không ngờ vừa ra cửa thì bức tường trưóc sụp xuống, đè lên bà, thằng con lăn ra
cứu mẹ cũng bị đá đè gảy luôn cánh tay…
- Ôi chào, tội nghiệp quá.
- Anh Hai ở phía trước nhà cũng bị sụp nhưng
thấy nhà cha mẹ sụp, vội chạy qua thấy bà già bị tường đè ngất ngư, lôi thằng
em ra, rồi bới đông ắc lô kéo mẹ ra, bà đã mê man rồi, chị Hai chạy lên báo vợ
chồng tui xuống – vì cũng gần, xóm trên xóm dưới – tui đến thì thấy bà mở mắt
ra trăn trối : “Chắc mẹ không sống nổi đâu, các con gắng lo cho cha …”chúng tôi
nói an ủi là sẽ đưa mẹ đì bệnh viện cứu
chửa, nhưng thật ra chẳng biết làm sao hơn, vì cùng lúc này ngòai đường gió bão ầm ầm cây cối gảy đổ ngổn
ngang, đâu còn đường sá để đưa bà đi bệnh viện, mà chắc giờ này trạm y tế xã
cũng bay mất tiêu rồi, thế là đành nhìn bà rên rỉ nhỏ dần rồi tắt thở.
- Vậy còn bác trai bị tai nạn gì mà đến nổi cụt
chân, mù mắt như thế ?
- Thì hồi xưa ổng đi lính địa phương quân, bị
mìn ở phía trên Thanh Quýt đó mà.
Nghe chú Hát kể đến đây, em nhìn thấy
Toàn cũng như bé Chinh đều rưng rưng nước mắt. Em nghĩ thầm trong bụng, không
biết mấy năm nay ông già thương binh ấy có được ai giúp đỡ gì không ? Không muốn
khơi sâu thêm nỗi buồn lo của chú Hát, em nói với chú :
- Ngày mai bọn em cũng định đi Ðà Nẳng đây,
anh chị Tịnh và cháu nó có gởi chút
ít tiền về gíup cho bà con bị nạn, chú chịu khó hướng dẫn bọn em đến thôn An
Sơn để tặng ít tiền cho bà con mua gạo mắm sống đỡ, chắc được chớ ?
- Vậy thì còn chi bằng, nhưng mà tiền đâu có
cho cho đủ ?
- Bởi thế, may gặp chú đây chúng em nhờ chú
giúp coi thử trong thôn ấp những bà con mình ai là những người nghèo khó nhứt cần
giúp liền, đúng ra thì ở thôn quê bà con mình ai cũng nghèo, cũng đáng giúp cả
nhưng tiền bạc anh chị cùng cháu gửi về chỉ có giới hạn, nên chỉ là một số an ủi
tượng trưng mà thôi.
- Ðể tối nay tui về nhắm thử coi, tui lựa lọc
rồi mai sẽ cho anh biết, à mà ước chừng anh có thể giúp được bao nhiêu gia đình
?
- Thưa chú chọn giúp cho chừng vài chục gia
đình thiệt nghèo để mình tặng quà, may ra có dư thì mình cho thêm vài ba chỗ
khác nữa.
- Sáng mai mấy giờ anh đi ?
- Dạ chắc đi sớm về sớm cho khoẻ, chú lại đây
rồi đi luôn cho tiện, tôi sẽ nói Lý chở chú bằng xen Honda của nó.
- Không được đâu, tôi sẽ lại anh sớm, rồi tui
về đón xe đò Tiên Phước xuống đi thẳng về ngả ba Huế, từ sáng đến giờ tui đi
xin được gần hai bao gạo, đem về ăn, còn chia bớt cho mấy nhà đang thiếu gạo ở
gần nhà tui.Mai mấy anh em cứ đi, tôi sẽ
về sau, chắc trễ nhưng tui ghi tên mấy nhà đáng cho, anh ra đó có vợ tui nó biết
hết mà, nó sẽ dẩn đi .
Thế là tình cờ mà chúng em không cần phải
áp dụng cách “đi tìm người nhà” nữa, mà có sẵn người biết rõ tình hình thiệt hại
của trận bão tại một thôn xóm chân núi nghèo nàn, để có thể đến nơi tặng chút
quà an ủi.
Lý xuống thật sớm. Bà xã nhà em biết chừng,
nên đã lo nấu nồi cơm nóng hổi với tô
dưa cải kho thịt ba chỉ, để sẵn trên bàn cùng dĩa mắm thơm thật cay. Ba bà con
em vội ăn rồi lên đường, Theo lời chỉ dẩn của chú Hát, chúng em phải gần mười
giờ sáng mới tới được thôn An Sơn. Năm sáu ngày sau cơn bão mà khung cảnh làng
xóm nhìn tang thương, xơ xác như mới đâu hôm qua. Cây cối đổ vẫn còn ngổn
ngang, người ta chỉ lo dọn dẹp theo các lối đi, những mái lều tạm che trên những
đống xà bần đổ nát, nơi cao nơi thấp, thấp thoáng bóng người chui ra chui vào,
trông vừa lặng lẽ, vừa buồn thảm. Hỏi thăm tìm đến nhà chú Hát, thím ngạc nhiên
nhìn chúng em và khi nghe biết, thím tỏ vẽ mừng rỡ vội vàng đi lấy gạo nấu cơm,
nhưng chúng em từ chối bữa ăn, nhờ thím dẩn đến nhà người cha của thím. Thím
rưng rưng nước mắt :
- Ông già còn sống đó mà nói thiệt cũng tội,
như người chết rồi, chẳng nói chẳng năng gì.
Bước vào túp lều nhỏ, nhìn thấy hai cái
bàn thờ lạnh lẽo khói nhang, bọn chúng em cũng muốn khóc. Bà nội mới chết chưa
mãn tang, thì tiếp theo bà mẹ già cũng ra đi trong cơn bão, bỏ lại người cha tật
nguyền cụt hai chân, mù mắt và thằng con trai vừa câm vừa bị tâm thần, với cánh
tay đang bó bột, ú ớ chào những người khách lạ. Vợ chồng ông con trai cả, nhà ở
gần đó thấy chúng em ghé lại cũng vội vàng chạy đến. Em lấy ra một triệu đồng,
đặt lên bàn thờ rồi thắp một nén nhang khấn nguyện, cầu cho hương linh hai cụ
đã khuất sớm vãng sinh về chốn vĩnh hằng. Ông con trai cả nhìn thấy vậy, liền đến
đỡ ông già ngồi dậy trên chiếc giường tre đã gảy cả bốn chân. Ông cụ lắc lắc
cái đầu, như muốn nói điều gì đó nhưng rồi cúi đầu im lặng, có lẽ vì bị điếc cả
hai tai nên ông ta cũng chẳng nghe chúng em nói gì, theo bác Cả cho biết thì hồi
xưa ông cụ là lính Ðịa phương quân, trong một chuyến hành quân vùng Thanh Quýt
cuối năm 1974, ông bị mìn cụt hai chân, mù cả hai mắt, tai vẫn còn nghe được,
cho đến khoảng mười năm trở lại đây ông cụ bị điếc dần và hiện tại thì điếc hẵn,
không nghe được chút tiếng động nào.
Nấn ná trong căn lều này cũng khá lâu, sợ
không kịp thì giờ, nên chúng em vội từ giả theo chân thím Hát đi vòng trong
xóm. Nói là xóm chứ thật ra từ nơi chúng em bước chân ra khỏi lều của ông cụ
thương binh Nguyễn Tiến, nhìn mút xa là những đám cây đổ, che lên những căn nhà
đổ nát, những tấm tôn tựa vào mấy cây cột tre, hoặc những bức tường đã sụp hết
một phần, đó là nơi tạm trú của hầu hết những bà con ta sau cơn bão.Thím Hát
cho biết trước đây nhìn đâu có thấy xóm trên, mà bây giờ cảnh quan giống như
khoảng đồi trọc, đứng một chỗ cũng có thể đếm được có bao nhiêu căn nhà.
Dựa theo danh sách của chú Hát đưa cho hồi
sáng sớm, em giả vờ như không biết dò hỏi mấy tên người, chị Hát chắt lưởi nói
:
- Sao anh biết mấy người đó, họ thuộc loại
nghèo nhứt xóm đó, tội nghiệp lắm.
- Thì tôi có hỏi thăm trước rồi mà.
Vậy là có thể tin tưởng được, em bảo Chinh
lấy ra ba trăm ngàn tặng cho thím Hát, rồi mới nói nhờ thím dẫn đi tặng cho những
bà con nghèo khác. Từ nhà bà Ðặng, ông Châu, bà Lan, bà Thịnh, ông Liễu, ông
Hoan, ông Kỳ ở xóm dưới xong lên nhà ông Bích, ông Tòng, bà Lê thị Thành, bà
Bùi thị Chu, Ðặng thị Hương, Lê thị Khanh, ông Trần Bích;…tổng cộng 28 nhà với
số tiền là ba triệu sáu, đồng đều mỗi người hai trăm ngàn.
Vừa xong căn nhà cuối trong danh sách, bước
ra em gặp ngay một bà cụ đón đường em lại hỏi ;
- Sao mấy anh biết bọn tui thiếu đói mà đem
cho tiền ?
- Dạ chúng cháu cũng có bà con ở trên này.
- Hèn gì, xưa nay có giúp đỡ cứu trợ chi, họ
cũng chỉ giúp gần gần dưới phố. quay phim chụp hình chi cũng dưới đó, chớ có ai
thèm đi thăm thú giúp đỡ đến vùng xa này mô !
Khoảng hơn ba giờ chiều chúng em quay về
Ðà Nẳng, vừa khát nước vừa đói nên ghé vào quán bên đường, ăn mỗi đứa một dĩa
cơm bình dân với giá bốn ngàn đồng, vài lát thịt heo kho bỏ chung trên cơm với
mươi cộng rau muống xào, đang đói nên ăn cũng ngon lắm. Dọc đường qua Hoà Ninh,
Sơn Phước ghé hai căn nhà sụp đổ nặng, tặng mỗi nhà ba trăm ngàn. Ðịnh ghé vào
xóm này cho thêm, nhưng thấy gần đó có người đang nhìn ngó chúng em, rồi rút điện
thoại di động ra gọi ai đó, sợ có gì rắc rối nên chúng em cũng bỏ dở dự tính,
dong xe chạy luôn về Hoà Khánh.
Trời cũng khá chiều rồi, ghé vào xóm nhà
phía sau tượng Phật, tình cờ gặp chú Tài quê Tiên Phước lấy vợ về ở ngoài này,
nhà chú cũng cùng chung số phận sụp đổ trăm phần trăm, chúng em biếu ba trăm
ngàn đồng, rồi theo chân chú ghé thăm thêm được mười ba gia đình nữa, người ba
trăm, kẻ hai trăm tổng cộng hơn ba triệu, riêng ông già Tính trên sáu mươi tuổi,
phải nuôi hai cháu mồ côi, chúng em tặng cho ông nửa triệu đồng. Lay hoay mãi,
trời tối lúc nào không rõ. Kiểm lại thấy túi đã vơi, chúng em ra về mà lòng cứ
bâng khuâng như còn muốn đi tiếp.
Nhìn đâu cũng thấy tang thương, đổ nát, mùa đông sắp về, rồi đây gió, mưa sẽ đổ xuống, những cơn gió cắt ruột sẽ gào thét trên những đống vữa vụn hoang tàn kia, những con người nghèo nàn đau khổ này sẽ biết chui rúc vào đâu ? Bóng tối trước mặt đang phủ xuống, mười lăm triệu đồng mà cháu Nhã đã gửi cho, chúng em đã lặn lội mang đến tặng cho từng nhà trong cơn khốn khổ, cũng là niềm an ủi nhỏ, mang đậm chút tình, tuy không đủ thấm vào đâu trong hàng vạn gia đình đang ngắc ngoải saun cơn bão, song giống như hạt cát trong đại dương, cộng thêm với nhiều hạt cát từ khắp các nơi mang cả những tấm lòng, những xẻ chia nhân ái, trôi về trong thấm đẫm tình người, tìm đến nhau trong cơn hoạn nạn, sẽ là những lời ru khe khẻ, dịu dàng xua bớt những khổ đau trên những cuộc đời bất hạnh.
Xin cám ơn những trái tim nhân hậu, tuy ở
những nơi rất xa xôi, nhưng vẫn như nhìn thấy được những mảnh đời khổ lụy,
trong cảnh trầm luân bởi thiên tai cùng nhân hoạ, mà sớm hướng lòng về với quê
hương miền Trung thương yêu, giúp nhau chén cơm, hạt gạo trong cảnh ngặt nghèo.
Cẩm An Sơn
Sunday, November 24, 2013
Đi giữa đôi bờ - Thơ Tường Linh
Tôi về, thuyền ngược nước sông Thu
Thăm thẳm nguồn xa, núi mịt mù
Mưa vẫn còn mưa, chiều vẫn lạnh
Đôi bờ hiu hắt, bãi hoang vu
Đứng lặng trong mưa Vĩnh Điện buồn
Chân cầu trắng xóa nước sông tuôn
Thuyền lên mắt nuối bờ sông khuất
Cổ tháp Bằng An lạnh lẽo hồn
Qua nhánh sông này, mưa, vẫn mưa
Có gì khơi lại nỗi niềm xưa
Tình ơi, Giao Thủy hai nguồn nước
Gặp gỡ nhau sao chẳng đợi chờ?
Bến mộng Gia Hòa xanh ngát dâu
Áo tơ vàng cũ biết tìm đâu
Con đường dương liễu reo ngày trước
Dương liễu chiều nay vọng nhạc sầu
Núi điệp trùng vây, quê ta ơi!
Về đây người lại nhớ nhung người
Chợ chiều Trung Phước mờ sương khói
Dâu biển bao nhiêu lắm đổi dời!
Mai sớm tôi đi, thuyền xuôi dòng
Đôi bờ, xin gửi chút thương mong
Quê hương chớ gọi tôi là khách
Bài độc hành ca viết chửa xong.
Quê nhà, 9-9-1964
Tường Linh
Thăm thẳm nguồn xa, núi mịt mù
Mưa vẫn còn mưa, chiều vẫn lạnh
Đôi bờ hiu hắt, bãi hoang vu
Đứng lặng trong mưa Vĩnh Điện buồn
Chân cầu trắng xóa nước sông tuôn
Thuyền lên mắt nuối bờ sông khuất
Cổ tháp Bằng An lạnh lẽo hồn
Qua nhánh sông này, mưa, vẫn mưa
Có gì khơi lại nỗi niềm xưa
Tình ơi, Giao Thủy hai nguồn nước
Gặp gỡ nhau sao chẳng đợi chờ?
Bến mộng Gia Hòa xanh ngát dâu
Áo tơ vàng cũ biết tìm đâu
Con đường dương liễu reo ngày trước
Dương liễu chiều nay vọng nhạc sầu
Núi điệp trùng vây, quê ta ơi!
Về đây người lại nhớ nhung người
Chợ chiều Trung Phước mờ sương khói
Dâu biển bao nhiêu lắm đổi dời!
Mai sớm tôi đi, thuyền xuôi dòng
Đôi bờ, xin gửi chút thương mong
Quê hương chớ gọi tôi là khách
Bài độc hành ca viết chửa xong.
Quê nhà, 9-9-1964
Tường Linh
Sunday, November 17, 2013
Nghe nhạc - Thư Quê Hương - MPĐ
May 31st, 2010
@10pm
- Trình bày: Tuấn Thịnh
- Nhạc: Vũ Đình Trường
- Hòa âm: NGUYỄN LONG KHÁNH
- Lời: Mạc Phương Đình
0.68
(5 likes)
Chùm thơ Á Nghi
THƯƠNG NÉT QUÊ MÙA.
-Anh ơi cá đã đầy ghe,
Thơm, me đầy thúng rồi nè! Về thôi!
-Tay em đầy vết xước rồi
Mình về nấu đủ một nồi canh chua
Chắc gì phủ chúa, cung vua
Món ngon thịt, cá, tôm, cua bằng mình.
Á Nghi và Chàng, 14-11-2013.
EM CÓ THƯƠNG ANH THẬT LÒNG?
Anh xin ở bạn, chèo ghe
Cột kê táng, vách đóng be, nhà nghèo
Dầm mưa, nhổ mạ eo sèo
Lúa? Bông trổ ít, em theo thì về.
Á Nghi.
Los Angeles, 1-11-2013.
CÔ DÂU MỚI.
-Làm lơ, lờ lợ làm... quen
“Bàn ngày mắc cở”*, tắt đèn: rạng hoa!
Thẹn thùng sao lại “quên dìa”*?
Người dưng khác họ Ai Kia rõ ràng!
-Quen, thân, rồi lại . . . thành thân
Thanh tân ngôn ngữ, duyên phần mon men
Nghĩa gần xa, nghĩa bóng đen
Nghĩa nào cũng được mừng duyên đôi mình.
Á Nghi và Chàng, 14-11-2013.
*Ca dao
KHÔNG THỂ THƯƠNG.
Bắt em hốt sạch lá rừng
Hỏi Anh Khó Tính có từng đuổi ve?
Lừng khừng chê những bụi tre
Chê sông -Nước đục! Chê ghe: -Tròng trành!
Nhà quê ai thèm thương anh?
Á Nghi, 14-11-2013.
HÃY DỊU DÀNG!
Em đừng hà tiện nụ cười
Kẻo không duyên dáng theo người, bỏ anh.
Miệng cười âu yếm ngọt tình
Mở lời vòi vĩnh ai đành nói không?
Á Nghi, 14-11-2013.
Subscribe to:
Posts (Atom)