Wednesday, April 17, 2013

VĨNH BIỆT Nhạc-sĩ LÊ- MỘNG-BẢO (1923 - 2007)

Tập tin:Lê Mộng Bảo.jpg

Bài của PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG-DUY-CƯỜNG
 
Ngày thứ sáu 5 October 2007, tôi gọi điện thoại để mời nhạc sĩ LÊ-MỘNG-BẢO  dự buổi trình diễn “ 22 Tình Ca nổi tiếng  của  nhạc sĩ Ngô Thụy Miên”  do Nhạc-viện  Thái Bình “PMA Pacific Music Academy” sẽ tổ chức tại hý viện Le Petit Trianon, San José  vào trưa ngày thứ bảy,  cùng  đi  dự  với  gia đình nhạc sĩ Vũ-Đức-Nghiêm và gia đình tôi như những lần trước khi có một buổi trình diễn âm nhạc tại địa phương, thì được Bà Lê-Mộng-Bảo  cho biết nhạc sĩ đã nhập viện tại BV Alexian Brothers, SJ. Tôi cũng nghĩ “ anh Bảo của tôi” cũng đã cao tuổi, nên cũng thường nhập viện, xuất viện... và anh sẽ  bình thường như trước.<!-- Read more -->
Không ngờ, chuyến nằm viện này, nhạc sĩ  LÊ-MỘNG-BẢO đã từ giã âm nhạc, từ giã gia đình và bạn bè để đi vào cõi Vĩnh Hằng lúc 7 giờ tối ngày 8 October 2007. Hưởng thọ 84 tuổi.
Tin anh qua đời đã làm xúc động mạnh trong giới nhạc sĩ và ca sĩ tại hải ngoại.
Gần như phần lớn nhạc sĩ, ca sĩ và những người hiểu biết âm nhạc sống ở miền Nam Việt Nam, ai cũng một lần nghe danh tính của nhạc sĩ LÊ-MỘNG-BẢO vì anh là nhạc sĩ chơi vĩ cầm trong các ban nhạc của đài phát thanh Huế, Saigon, sáng tác hơn 50 ca khúc, viết nhiều bài về nhạc sử âm nhạc Việt Nam (ngành tân nhạc hay nhạc mới) từ lúc mới bắt đầu cho đến sau này, và nhất là đích thân anh chọn nhạc phẩm, chép những notes nhạc rất mỹ thuật (thời này chưa cĩ chép nhạc bằng computer như hiện nay) để in ấn xuất bản và tổng phát hành các bản nhạc của nhiều nhạc sĩ ba miền Bắc, Trung, Nam từ 1950 cho đến tháng Tư năm 1975. Nhờ vậy các ca khúc được phổ biến rộng rãi từ Saigon ra các tỉnh thành.
 
 
                                                                     ***
Khi nhạc sĩ  LMB còn sinh tiền, tôi có viết một bài nói về “Anh”. “Anh “ đã đọc và đồng  ý cho phổ biến trên net, trên đài phát thanh và trên báo. Nay nhạc sĩ LÊ-MỘNG-BẢO vừa qua đời, tôi muốn quý độc giả đọc lại lần nữa  bài viết đã đăng trên  VIỆT-NAM nhật báo ngày  20 tháng  5 năm 2006  để quý vị độc giả có thể nhớ lại một nhạc sĩ chơi violin  xuất sắc của ban nhạc Đài Phát Thanh Huế thập niên 50, một phụ tá Giám-đốc nhà xuất bản nhạc TINH-HOA (HUẾ) cho cụ Tăng-Duyệt ( bị VC thảm sát trong Tết Mậu Thân 1968 tại Huế),  và một Giám Đốc nhà xuất bản âm nhạc TINH-HOA MIỀN NAM (Saigon) cho đến tháng 4 măm 1975.
 
Nhạc sĩ Lê Mộng-Bảo từ khi định cư tại HOA-KỲ ù năm 1993, anh trở lại sinh hoạt với cộng đồng tỵ nạn tại địa phương không với tính cách một  giám đốc một nhà xuất bản hay một nhạc-sĩ  chuyên xử dung vĩ cầm mà là” nhà cố vấn âm nhạc.”.
” Một Nhà Văn-Hóa Người Mỹ Gốc Việt” như lời Tuyên dương của vị Thị trưởng thành phố nơi anh cư ngụ MILPITAS, CALIFORNIA.
Ai có thắc mắc gì về những sinh hoạt âm nhac ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, hỏi anh, anh trả lời ngay ít khi phải suy nghĩ lâu.
Anh ở gần nơi tôi cư ngụ, nên tôi thường đến anh để  “tâm sự”, nhất là để hỏi anh những diều mà tôi không biết rõ về sinh hoạt âm nhạc tại Huế, tại miền Nam trước kia.
Đến chơi với anh , nói chuyện với anh là một điều hạnh phúc đối với tôi  cũng như đối với bạn bè của  anh khi ở tuổi “ Thất  Thập cổ lai hy” này.
Mỗi lần đề cập đến một nhạc sĩ nào  ở miền Nam hay miền Bắc trước  1954, anh đều dở cuốn album ảnh gần đầy đủ ảnh  các nhạc sĩ  đã gửi tặng nhà xuất bản Tinh-Hoa hoặc một số ảnh mà anh  đã sưu tập thêm , sắp  xếp theo thứ tự ABC như tập tự điển hình ảnh, nhìn vào ảnh, rồi anh nói thao thao bất tuyệt  những hiểu biết, hoài niệm...của anh với nhân vật đó.Người nghe có cảm tưởng như đang ở nơi nhà một vị ‘ Giáo-sư Chiêm-tinh-gia đang bói bài mà nói quá khứ, vị lai của người xem quẻ” vậy.
Anh thường mở đầu với hai tiếng thân thương bằng giọng Huế nhẹ : “Anh Bảo...” tuy rất lớn tuổi, mà mỗi lần nói chuyện với ai, dù nhỏ thua anh  cả một hai thập niên, anh vẫn xưng hô như  vậy. Anh không cho phép ai gọi anh là “ Cụ Bảo”, “Ông Bảo”, “Bác Bảo” mặc dù anh đã trên  tuổi Tám Mươi. Anh thường nói: “Ngày xưa anh đã sinh hoạt  trong đoàn thể Hướng-Đạo, Phật-Tử nên quen gọi nhau bằng Anh, Em, rất thân mật lâu rồi! nay đổi lại nghe kỳ...kỳ!”
Nhac sĩ LÊ-MỘNG-BẢO sinh tại Huế năm 192 3 ( đi học chữ Hán trước, sau đi học chữ Việt, Pháp phải khai 1925, mới đủ tuổi vào lớp) . Anh là người Minh-Hương, bố là người Hoa ( gốc Phúc-Kiến, Trung -Quốc), mẹ người Việt.
 Năm 1941 anh ra Hà-Nội dễ học. Anh được nhà văn Phạm-Cao-Cũng và phu-nhân là Bà Trường-Nga(vợ lớn ) cho ở trọ và giúp đỡ trong việc học hành. Anh được nhà văn PCC giới thiệu vào học trường dạy nghề  (L’ École pratique)  tại Hà-Nội mà ông PCC là một trong những người điều khiển trường. Song song với việc học văn hóa và học nghề, anh Lê-Mộng Bảo  mê thích âm nhạc nên  được giới thiệu và quen biết với một số các nhạc sĩ tại Hà-Nội   rồi được  nhạc-sĩ Đặng-Thế-Phong  dạy nhạc-lý và vĩ cầm.  Thời gian sau anh được nhạc-sĩ  Nguyễn-Văn-Thương , một người bà con  bên vợ ở Saigon hướng dẫn thêm nhạc lý và sáng-tác ca khúc.
Năm 1944 anh trở về Huế, làm việc ở Sở Bưu-điện Huế.
Năm 1948 anh được ông Tăng-Duyệt, giám đốc nhà sách và xuất bản nhạc TINH-HOA (HUẾ) mời cộng tác, giao cho phần điều hành chọn nhạc-phẩm để xuất bản. Nhờ anh quen biết trước kia với các nhạc-sĩ đang ở ngoài Bắc nên các nhạc-sĩ  này đã gửi nhạc phẩm họ sáng tác nhờ anh “ lancer”.
Nhà xuất bản TINH HOA (HUẾ)  đã cho in ấn  các tác phẩm của Nguyễn Xuân-Khoát, Bùi-Công-Kỳ, Đoàn-Chuẩn, Nguyễn-Văn-Thương, Thẩm-Oánh, Dương-Thiệu-Tước, Huùng-Lân
Thời bấy giờ, nhà xuất bản TINH-HOA (HUẾ) là một nhà xuất bản nhạc rất có uy-tín. Nhạc-sĩ nào được TINH-HOA in nhạc hoặc nhận phát-hành là hy vọng sáng tác được phổ biến rộng rãi đến  ba miền Nam Trung Bắc (miền Bắc trước 1954 là vùng đất  thuộc chính phủ “Quốc-Gia  Việt-Nam “ kiểm soát.)
Năm 1952 , ông Tăng-Duyệt cho mở thêm chi nhánh TINH HOA MIỀN NAM tại Saigon vì ông nghĩ tại Thủ-Đô có nhiều nhạc-sĩ sáng-tác và trình-diễn, sự thu hút về thương mại sẽ dễ phát triễn rộng rãi và quy mô hơn. Lúc đầu, anh Lê-Mộng-Bảo là người Đại-diện có thẩm quyền ,sau ông Tăng-Duyệt bận  nhiều công việc  tại Huế, nên  từ nậm 1956  nhac-sĩ Lê-Mộng-Bảo trở thành Giám-Đốc nhà sách, nhà xuất bản TINH-HOA MIỀN NAM ( Xuất-bản và Phát-hành nhạc Việt) .
 Từ đó, anh em văn-sĩ, nhạc sĩ  liên lạc giao dịch trực tiếp với anh Lê-Mộng-Bảo. Trong thời kỳ này, anh em chúng tôi đồng ý với nhà văn MAI-THẢO  tặng cho nhạc-sĩ Giám-đốc Lê-Mộng-Bảo biệt danh  “Ông Anh Ch i Tiền!”. Sở dĩ anh LMB có cái “tên gọi thân thương” đó vì anh em chúng tôi mỗi khi cần tiền, đến  yêu cầu anh “ứng trước” một số tiền “ bản quyền”, trong khi cuốn sách hay nhạc phẩm chưa viết xong. nghĩa là chưa có “bản quyền” mà đã đòi “tiền bản quyên”! hoặc nhạc-phẩm nhờ anh phát hành mà chưa bán xong, đã đòi anh trả tiền!
Anh LMB lúc nào cũng vui vẻ  “chi tiền “ vì  anh rất thông cảm giới viết văn, viết nhạc thời Việt-Nam Cộng-Hòa cũng sống không dư dả gì!
Nhạc-sĩ Lê-Mộng-Bảo đã sáng tác trên   50  nhạc phẩm.
Nhạc phẩm đầu tay là bản  “Không Làm Nô-Lệ”(1945 ) .
Tiếp theo là những  nhạc phẩm của Lê-Mộng-Bảo mà nhiều người bạn  của anh  còn nhớ như:
Dư Hương , Ngày về Chiến Thắng, Đàn  Bướm Trắng, Tình Đàn, Chiều Viễn Xứ, Cô Gái Miền Nam, Sầu Ly Hương, Ảo Ảnh Tình Yêu, Bước vào Thế kỷ,  Nhớ Thương Hàn-Mặc-Tử, Nửa Đêm Thức Giấc, Sao Không Về Thăm Em, Nguyện Cầu Cho Tuổi Hai Mươi, Con Mẹ Đã Về,, Tìm Lại Quê Hương, Tình Chỉ Đaep Khi Mùa Xuân Đến, Để Kỷ Niệm, Về Thăm Em, Giọng Hát
 Tìm Em, Đổi Thay, Thân Phận, Từ Chối, Bọt Bèo, Mùa Ve Sầu, Lời Yêu Thành Phố, Xa Anh Rồi, Phận Nghèo, Sao Lừa Dối Em, Không Hiểu Tại Sao, Thân Phận Tôi Nghèo, Tìm Được Người Yêu, Bông Hồng Của Anh, Lời Mẹ Dạy,Đập Vỡ Cây Đàn, Nếu Yêu Tôi,Hãnh Diện, Thông Cảm, Còn Gì Cho Em, Đi Tìm Anh,Chỉ Còn Cây Đàn Này thôi, Nghe Lời Chim Hót, Tình Đẹp Thiên Thu, Những Đợt Sáng Mang Tên Hòa Bình, Dâng Hoa, .. ngoài ra anh LMB còn viết lời ca cho các nhạc phẩm của bạn bè như: Bến Nước Tình Quê (của Mạnh-Phát),Tàn Một Đêm Vui ( của Văn-Phụng), ...
Những nhạc phẩm trên ký tên thật Lê-Mộng-Bảo. Và những nhạc phẩm sau ký tên Hoa Linh Bảo:Thương Về Quán Trọ, Tiếc Thương,Về Kỷ Niệm  K.C.M.X.N.,Đổi Thay,...
Ngoài những sáng tác về tân nhạc, anh còn viết nhiều bài ca cải-lương Nam bộ nữa.
 Anh đã viết nhạc ngoài tên thật Lê-Mộng-Bảo, và  bút hiệu HOA LINH BẢO tôi vừa
giới thiệu,  anh còn viết nhạc dưới bút hiệu khác như ANH BẢO, TUYẾT SƠN với nhiều “air” nhạc khác nhau. Nếu không thân quen với anh, không ai biết  những bản nhạc này là “ con đẻ của LMB”.
 Tôi  đã có lần hỏi anh LMB : “Tại sao anh phải dùng nhiều bút hiệu khi viết nhạc?”
Anh ngay thẳng trả lời: “ ... đó là loai nhạc anh viết theo ‘  thị hiếu, theo nhu cầu thương mại, theo đơn đặt hàng..., đừng để ý làm chi!”Mình là người làm thương mại, nên phải đặt ra nhiều bút hiệu để nhạc mình  đưa nhiều ca-sĩ hát. Mà nhạc có ca-sĩ hát để lancer...thì thính giả mới mua. Lúc bấy giờ ỏ Việt-Nam chỉ có một phương tiện quảng bá là đài phát-thanh mà thôi. Theo quy định của đài phát thanh mỗi lần  mỗi nhạc-sĩ chỉ được giới thiệu một nhạc phẩm  trong một buổi phát-thanh. mà mình có nhiều nhạc-phẩm ấn hành cùng một lúc, nên phải ghi nhiều bút hiệu khác nhau để được phát thanh trên đài mà không bị sai quy-định của đài!. Kinh-tế mà, thông cảm anh Bảo chưa?”
Tôi lại hỏi anh: “ Bản nhạc nào anh thích nhất?”, thuộc loại Tình Ca của anh.
Anh cười cười trả lời: “Không có bản nào cả!“, rồi anh lim dim đôi mắt, nhìn lên trần nhà như để sống lại với kỷ niệm cũ.
Anh viết nhiều bản nhạc Tình, vậy anh có nhiều “ mối tình” không ?
 Anh nói: “..chỉ hai mối tình “ cụ thể” thôi!...”.
 Tôi hỏi anh : “ Thế nào là “Tình Cụ Thể”?.   
Anh nói: Tình... có “ con nối dõi!”.
Rồi anh nói tiếp: “ kể từ Năm 1948  có “ 7 tác-phẩm nối dõi” và năm 1985  khi đi “cải tạo theo diện văn nghệ sĩ phản động” về,    thêm  1  tác-phẩm nữa với  một cô gái Bắc  đã tốt nghiệp  trường quốc gia âm nhạc Saigon ,  ngành dương cầm, kém anh ba thập niên.  Cô ta sinh nằm năm Canh Dần , cao số. Sắp kết hôn với một thanh niên cô yêu thương nhất, thì người yêu bị tai nạn qua đời!. Cô khấn nguyện “ đi tu”.
Năm 1979, Nhà nước Việt-Nam  ra lệnh giải tán các tu-viện, cô phải ra ngoài đời. Quen với nhạc-sĩ LMB một thời gian, trước khi được người anh ruột (bạn cùng trại cải-tạo với anh LMB) bảo lãnh sang định cư tại Pháp.     muốn anh LMB cho cô xin“ chút gene âm nhạc mà cô ước muốn, chứ không phải tình yêu thông thường.” Cô không muốn kết hôn sau này, vì cô tin vào duyên số “ tuổi Canh Dần”và nghĩ đến  mối  tình đầu tiên dở  dang, cô chỉ ước mong
có một  đứa con bên cạnh khi tuổi già thôi. Thế là  Anh được thêm “ một tác phẩm để đời. ”
mang tên Bảo-Hương.
Nay hai mẹ con đang ở Paris (Pháp). Cô dạy sư phạm âm nhạc và người con gái đang là sinh viên năm thứ ba đại-học. Vài ba năm,  hai mẹ con qua Hoa-Kỳ thăm anh LMB một lần.
Trong một postcard gửi anh LMB vài chữ nhưng chứa đựng bao la tình cảm và triết lý sống:
“Anh Bảo thương,
Trời Paris đường trắng tuyết
Không có Anh.
Em và con chừ biết ôm nhau ngồi khóc!
Mỗi lần nhớ đến Anh
Lòng em thấy ấm cúng lạ lùng!
Nhớ những ngày chúng mình nằm bên nhau
Nay chỉ còn là kỷ niệm.
YÊU THƯƠNG CON BẰNG YÊU THƯƠNG ANH!
Thu, PARIS 1990
KIM-HƯƠNG”
Chính chút kỷ-niệm thân thương này đã giúp “ông anh LMB thân thương của tôi” lúc nào cũng
 có nụ cười trên môi. Anh quên tuổi tác trên Bát Tuần của Anh, không một buổi ra mắt sách, trình diễn ca nhạc, ngâm thơ, sinh hoạt cộng đồng tại địa-phương... mà thiếu anh với chiếc máy ảnh trên tay. Tuy nhìn Anh bước những bước chậm chạp, nhưng tinh thần và sự hiểu biết của anh về sự hình thành và diễn tiến nền âm-nhac Việt-Nam thì khó có ai qua mặt Anh được.
Tôi muốn ghi thêm ở đây lời tri ân của tôi cũng như nhiều người sáng tác nhạc tại miền Nam Việt-Nam trước 1975: “ viết ra một nhạc khúc, không khó. Nhưng nếu không có nhà xuất bản và phát hành nhạc TINH-HOA và TINH-HOA MIỀN NAM, thì liệu một số lớn sáng tác âm nhạc “để đời”của Dương -Thiệu-Tước, Võ-Đức-Thu,Thẩm-Oánh, Phạm-Duy , Trịnh-Công-Sơn, Lê-Trọng-Nguyễn, Cung-Tiến, La-Hối, Lê-Dinh, Minh-Kỳ,Hoàng-Thi-Thơ, Lam-Phương, Lê-Hữu-Mục, Nguyễn-Văn-Thương, Nguyễn-Văn-Tý, Đoàn-Chuẩn, Nguyễn-Mỹ-Ca
vân vân... sẽ như thế nào từ thập kỷ 1950!
Thấy nhạc sĩ LÊ MỘNG BẢO đã cao tuổi và muốn cĩ một mốc đánh giá cuối đời, cũng như một lưu niệm âm nhạc  nên chiều Chủ Nhật 6 tháng 8 năm 2000, một số thân hữu tại Bắc Cali đã tổ chức CHIỀU CA NHẠC CHỦ ĐỀ : “50 NĂM ÂM NHẠC LÊ-MỘNG-BẢO” tại Hý-viện LE PETIT TRIANON, SAN JOSÉ”  để vinh danh anh và cũng để giới thiệu những hoạt động văn nghệ khác và sự đóng góp lớn lao của nhạc sĩ LÊ-MỘNG-BẢO cho nền TÂN NHẠC VIỆT-NAM.
 Cám ơn Cụ Tăng-Duyệt và Cụ Lê-Mộng-Bảo của nhà xuất-bản và phát-hành nhạc TINH-HOA và TINH-HOA MIỀN NAM. Các Cụ cũng là một Tinh Hoa vậy!
 
PHƯƠNG-DUY  TRƯƠNG-DUY-CƯỜNG San Jose

No comments:

Post a Comment