Friday, October 5, 2012

Những ngày tháng làm thầy dạy công dân…- Trần Hoài Thư



Gởi các em học sinh cũ của tôi tại trường trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ
                                                                                                                               
(THT)
Tôi đã nhìn các em từ trên bục. Tôi đã nhìn các em từ dưới lớp. Tôi đã nhìn các em mỗi sáng mỗi chiều. Lớp học yên lặng, có chăng là xào xạc những trang sách vở, nhưng chắc gì trong lòng tôi và các em có bình an. Những người học trò ngồi đấy, nhưng một hôm, có em không còn nữa. Dạy cho các em, có nghĩa là mở mang kiến thức cho các em để từ trong lớp nhìn ra ô cửa mà đặt những câu hỏi đầu đời… Có những em trở thành nhà thơ rất sớm, và rất quen tên, như Tinh Huyền, hay Trần Yên Hoà, Trần Thế Phong… Một người thơ nữa mà tôi không được dạy, là Nguyễn Nho Sa Mạc, tôi nghe nói cũng học trường Trần Cao Vân
<!-- Read more -->

Tôi về dạy trường Trần Cao Vân khi tôi mới 23 tuổi. Cái tuổi quá trẻ cho một ông thầy, nhất là thầy dạy Đệ Nhị Cấp. Tôi dạy Toán các lớp Đệ Tam, và sau đó dạy thêm Công Dân Đệ Tam, Sử Địa Đệ Ngũ, Vẽ và Âm Nhạc Đệ Thất. Ông Hiệu trưởng Tôn Thất Dương Kỵ ( hay Kỳ ?) đã bắt tôi làm những chuyện mà tôi không thể tưởng tượng trong đời mình. Toán là môn sở trường bởi vì tôi tốt nghiệp chứng chỉ Toán Lý Hoá (MPC). Nhưng còn Công Dân, Sử Địa, Vẽ, Âm Nhạc là những môn tôi quá mù tịt, ông lại nhờ tôi giúp. Ông bảo giáo sư quá thiếu. Hơn nữa, tôi là giáo sư tư nhân dạy giờ, càng dạy nhiều giờ càng tốt. Ông muốn ban cho tôi ân huệ.
Tôi liều mạng. Và để đổi lại cái liều này, tôi đã thức bao đêm để đọc sách, soạn bài, nghiền ngẫm từng chương Công Dân, Sử Địa. Chương trình Công Dân Đệ Tam bao gồm những đề tài liên quan đến chính trị, thể chế, kinh tế, xã hội. Đó là những đề tài quá bao quát, và quá lớn… Nhất là đề tài về tư bản, cộng sản, dân chủ, tự do mà đất nước đang ở trong quỹ đạo, bị xô đẩy bởi những thế lực… Tôi đã đến lớp, ngồi ở bàn trên, dạy về những nỗi buồn của thế hệ mình trong đó có tôi và các học trò của tôi. Những tràng đạn trọng pháo vẫn tiếp tục câu đi từ một căn cứ pháo binh gần đấy, dội về như cung đàn ảm đạm, để báo rằng chiến cuộc càng lúc càng cận kề… Và lịch sử thì tiếp diễn trong những tin bi quan… Một biến cố lớn mà tôi nhớ mãi. Tin nhà văn Nhất Linh tự tử với những dòng chúc thư: Đời tôi chỉ để lịch sử xử… Buổi ấy, tôi đã tự tiện cho các em nghỉ học. Tôi không thể làm ngơ trước lịch sử.
Tôi là một giáo sư trẻ nhất của trường. Thời ấy có thầy Ngạc, thầy Duật, thầy Tài, thầy Hàm, cô Nữ, cô Hợi, cô Ấn, thầy Mãn, thầy Phép, thầy Ba… Và nhiều thầy cô khác mà tôi đã quên tên.
Trường nam và nữ học chung. Văn phòng giáo sư nằm ở giữa một dãy lớp dài nhìn ra đường lộ chính. Phía sau là một khoảng trống mông mênh, và từ những ô cửa sổ của lớp, tôi có thể nhìn được những áng mây, xanh trắng hay âm u… Đôi khi tôi cũng bắt gặp những người học trò đang thả hồn ra ngoài ô cửa sổ. Tôi đã viết những câu thơ, sau này, về khung trời ấy:
Ngôi trường cũ có bao nhiêu ô cửa
Cho tôi về đếm những áng mây
Tôi sẽ gọi một bầy chim sẻ nhỏ
Những con chim từ xa vắng lạc bầy…
 Tôi đã nhìn các em từ trên bục. Tôi đã nhìn các em từ dưới lớp. Tôi đã nhìn các em mỗi sáng mỗi chiều. Lớp học yên lặng, có chăng là xào xạc những trang sách vở, nhưng chắc gì trong lòng tôi và các em có bình an. Những người học trò ngồi đấy, nhưng một hôm, có em không còn nữa. Dạy cho các em, có nghĩa là mở mang kiến thức cho các em để từ trong lớp nhìn ra ô cửa mà đặt những câu hỏi đầu đời… Có những em trở thành nhà thơ rất sớm, và rất quen tên, như Tinh Huyền, hay Trần Yên Hoà, Trần Thế Phong… Một người thơ nữa mà tôi không được dạy, là Nguyễn Nho Sa Mạc, tôi nghe nói cũng học trường Trần Cao Vân, mà những câu thơ  của anh tôi vẫn còn nhớ mãi:
Chiều cuối năm ngồi trên tầng phố cũ
Trời mưa bay nhìn thành phố sa mù
Hai mươi tuổi nửa đời nuôi mộng ảo
Đã xanh rồi cây trái mọc suy tư…

Phải, tôi cũng đã ngồi trên tầng phố cũ, cũng đã nhìn Tam Kỳ trong những năm tháng vào đời, với con đường bụi mù, với những chuyến xe thồ đỗ xuống từ mạn ngược, hay những chuyến xe đò từ Đà Nẵng vào, và Sài Gòn ra. Thị trấn quá nhỏ để mỗi lần ra ngoài, tôi đều gặp phải những người học trò của tôi… Các em chào tôi với tất cả lòng mến trọng. Tôi nghĩ đến bây giờ, tôi vẫn tự hào trong tư cách hành xử của một người thầy trẻ. Dù không giấu giếm cõi lòng, tôi cũng có đôi lần rung động trước ánh mắt của một người học trò nữ nào. Tôi đã mang theo đôi mắt và nụ cười ấy đến bây giờ, trong câm nín, chưa một lần hé môi, gọi là một bông hoa yêu dấu ngà ngọc…
Sau đó tôi bị động viên. Tôi bắt đầu lao vào cuộc chiến tàn khốc. Đi thám kích. Một đơn vị mà nhiệm vụ là trinh sát và đột kích các mật khu của phe bên kia. Tôi đã bỏ những trang kinh điển, những từ chương, những con chim sẻ, những tiếng trống trường và những đàn sáo rừng buổi chiều gọi nhau rộn ràng trên cây đa cổ thụ gần bên cổng trường… Tôi đã bỏ, vất cái vỏ đạo mạo của một người thầy dạy Công Dân dạo nào để ngất ngư, điên cuồng, trong những giây phút sinh tử. Tôi vừa đánh giặc vừa viết văn làm thơ. Chất liệu nhỏ từ giọt máu, nước mắt và màn mưa, và tiếng nổ. Tôi biết uống rượu rồi đập ly. Tôi biết chửi thề. Rồi tôi bị thương. Không thể ngờ là tôi gặp lại một người học trò cũ của tôi trong quân y viện. Em bị cưa chân. Em nằm bên tôi. Không thân nhân. Không người yêu. Không gì hết. Tôi săn sóc cho em. Giờ cơm tôi mang cho em khay cơm. Em đi tiểu, hay đại tiện, tôi giúp kéo quần, có khi lau vệ sinh cho em nữa.
Em đã khóc. Em đã rú trong đêm cùng những cơn ác mộng. Em đã ngồi yên lặng hằng giờ trong cõi xanh xao bệnh hoạn. Em đã giấu những viên thuốc ngủ dưới đầu giường. Cho một quyết định cuồng dại nào chăng. Em làm tôi rưng rưng nước mắt. Vâng. Tôi đã dạy em. Nhưng tôi đã bất lực trong việc nuôi niềm hy vọng cho em. Cho các người học trò mà tôi yêu mến.
Bây giờ tôi ở Mỹ. Tôi qua vào năm 1980. Trở lại trường trong một thể xác mệt mỏi và một tâm não căng thẳng, chai sạn của trường đời. Tôi càng hiểu hơn về giá trị của tình thầy trò. Ở đây, cái tình kia dường như không có ở nơi này. Suốt bốn năm của chương trình undergraduate và hai năm graduate, với biết bao vị thầy đã đến trong đời, nhưng làm sao tôi tìm được một tình nghĩa keo sơn như tôi đã tìm ở Tam Kỳ. Tôi cũng đã đi dự mấy lần ngày hội ngộ của lớp, nhưng tôi đã nhận ra nỗi xa cách buồn bã ấy, giữa bạn học và thầy trò. Thì ra, chỉ có một nơi, là quê hương mình, tình thầy trò mới được dành một chỗ đứng trân trọng nhất trong con tim của mỗi người.
Qua Internet, tôi được biết thêm vài học sinh cũ. Cảm thấy lòng ấm lại khi được tin họ thành đạt nhiều thành quả ở xứ người. Qua thơ từ tôi cũng được biết thêm một vài người học trò cũ nữa. Họ mới sang, theo chương trình HO. Họ đã bước vào tuổi trung niên, thậm chí có người sắp có cháu nội, ngoại. Tuy nhiên họ vẫn dành cho tôi những tình cảm thân thiết nhất mà tôi không bao giờ quên. Như Trần Thế Phong nhắc lại một ngày tôi về nhà em và mẹ em đã nấu cho thầy nồi canh bông lý. Như Trần Yên Hoà với những kỷ niệm trong một lớp học Công Dân… Và đôi khi, cũng tình cờ trong buổi gặp gỡ giữa đường. Như trong đêm ra mắt sách Ban Mê Thuột Ngày Đầu Và Ngày Cuối của tôi vào tháng mười năm ngoái tại Louisiana, tôi ngồi bên cạnh một anh, nguyên là Đại Úy Biệt Động Quân. Rượu vào, và tâm sự. Cuối cùng mới biết anh là học trò của trường Trần Cao Vân. Năm tôi dạy Đệ Tam, thì anh học Đệ Nhị. Và chao ơi, chúng tôi tha hồ nhắc về ngôi trường cũ. Đêm đó anh kéo tôi về nhà, rồi uống tiếp. Anh chỉ cho tôi những vết thương của anh. Tôi chỉ cho anh những vết thương của tôi. Và chúng tôi cũng nâng chai lên, cười ha hả…

TRẦN HOÀI THƯ
(trong tạp chí VĂN HOÁ VIỆT NAM, tr 143 – 147,
số Ba, Mùa Đông 1998, xuất bản tại Houston, Texas USA)

No comments:

Post a Comment