Thứ Hai, 23/01/2012 (TuDai)
Ngày Tết thì phải kiêng, không được cãi nhưng trong không khí se lạnh, bên chén trà Xuân bốc khói mà nói chuyện cãi đôi khi là điều lý thú!
Vì rẻo đất chiến lược, với đèo Hải Vân là tuyến phòng ngự rất khó vượt qua, hai bên Việt – Chiêm hẳn phải cãi qua, cãi lại, giằng co nhau quyết liệt nhiều năm trời. Ảnh: Vũ Công Điền
<!-- Read more -->Ngày Tết thì phải kiêng, không được cãi nhưng trong không khí se lạnh, bên chén trà Xuân bốc khói mà nói chuyện cãi đôi khi là điều lý thú!
Vì rẻo đất chiến lược, với đèo Hải Vân là tuyến phòng ngự rất khó vượt qua, hai bên Việt – Chiêm hẳn phải cãi qua, cãi lại, giằng co nhau quyết liệt nhiều năm trời. Ảnh: Vũ Công Điền
Quảng Nam là vùng đất cãi, “Quảng Nam hay cãi” đã trở thành thành ngữ. Mỗi khi nói về cá tính của người Quảng, không bao giờ người ta quên nhắc đến chuyện cãi.
Thật vậy, Quảng Nam đã từng sản sinh ra những vị cãi trứ danh trong lịch sử như Phạm Phú Thứ, Lê Vĩnh Khanh, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi... Không chỉ đàn ông, phụ nữ cũng cãi. Phạm Lam Anh là trường hợp tiêu biểu. Tập thơ của bà cùng chồng sáng tác được đời sau nhắc đến cũng mang tựa đề liên quan đến cãi - Chiến cổ đường thi (ngôi nhà thơ chống lại cái xưa).
Nhà văn, nhà Quảng học Nguyễn Văn Xuân trong Phong trào Duy Tân có giới thiệu một nhân vật được xem là “thủy tổ” của “sự cãi” Quảng Nam - Nguyễn Văn Lang: “Ông người Nghệ An, huyện Nghi Xuân, xã Tiên Bào, làm quan đến Thừa tướng Thượng tể, chị làm cung phi đời vua Tương Dực (Hồng Thuận) nhà Lê. Ông biết Mạc Đăng Dung sắp cướp ngôi vua, nhân vua mời vào triều, ông không đi, lại dâng điều trần bình trị gồm 14 điểm, trong đó có những điểm triều thần cho là muốn dạy vua nên khuyên vua đừng nghe... Lẽ tất nhiên, ông biết mình không nên sống ở Bắc, phải xin vua cho di dân vào Nam khai thác biên thùy. Ông lập xã Hượng Ly ở Quảng Nam rồi ở luôn tại đó”. Nguyễn Văn Xuân kết luận: “Với những vị (thủy tổ) có thành tích cãi vua cỡ đó thì có lẽ trong bản chất người Quảng đã có máu cãi”.
Người Quảng cãi theo đủ kiểu. Cãi bằng lời không được thì họ cãi bằng hành động. Hành động của Nguyễn Duy Hiệu, Ông Ích Đường... cũng là biểu hiện cao độ của cái sự cãi. Các nhà yêu nước như Lê Cơ, Mai Dị, Phan Thành Tài, Đỗ Tự... cãi bằng lời, bằng hành động bất bạo động trong Phong trào Duy Tân không xong, họ quay sang cãi bằng bạo động trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916 đấy thôi.
Người Quảng hay cãi vì nhiều nguyên nhân. Ngoài những nguyên nhân mà người ta hay nói đến, như: hoàn cảnh khắc nghiệt của buổi đầu mở cõi, việc tiếp nhận sớm các nền văn hóa văn minh, việc hợp huyết với người Chăm vốn hiếu chiến..., Nguyễn Văn Xuân còn cho rằng: “Đầu tiên, có lẽ chính những người hay cãi, hay chống đối là bị đày vào chốn biên thùy xa xôi hẻo lánh ấy đã”.
Sau này, nhà văn Nguyên Ngọc bổ sung: “Cùng ra đi theo Nguyễn Hoàng vào Nam là những người quyết rời một xã hội đối với họ không còn có thể sống được nữa... Họ đi tìm một lối thoát, một lối mở cho một xã hội đã phân rã. Đó chính là thành phần quan trọng nhất trong những tiên dân xứ Quảng. Đấy là những con người đã quyết “cãi lại” một xã hội cũ, một cách sống cũ, đi tìm một xã hội mới, một cuộc sống mới, một cách làm người Việt kiểu khác, mới. “Quảng Nam hay cãi” chính là sinh ra từ đây chăng? Quảng Nam đã “cãi lại” từ đầu!” (Tìm hiểu con người Xứ Quảng, NXB Đà Nẵng 2005).
Trong khi đó, nhà văn Hồ Trung Tú lý giải: “Người Việt đến cùng quần cư trong những làng Việt mới mở. Có thể làng này cách làng kia chỉ một con đường làng nhỏ... Có thể họ lườm nhau, nguýt nhau, cãi nhau suốt 300 năm như thế. Biết làm sao được, đó là cuộc va chạm giữa hai nền văn minh khổng lồ của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa. Và phải chăng cú va chạm nảy lửa ấy vẫn còn để lại dấu vết đâu đó trong tâm hồn người Quảng? Họ như luôn phải khẳng định một điều gì đó, trung thành với một niềm tin nào đó. Không thế họ không sống được, họ như cảm thấy thất bại và không tồn tại. Phải chăng họ hay “cãi” cũng vì thế? Biết làm thế nào được, họ có cả lịch sử 300 năm để “tranh cãi” (Có 500 năm như thế, NXB Thời Đại 2011).
Như vậy, truyền thống cãi của Quảng Nam vốn xuất phát từ những con người ưu tú của đất Bắc, sau này hấp thụ thêm các yếu tố khác tại chỗ để phát triển. Tuy nhiên, có lẽ có một chi tiết cần được bổ sung để giải thích cho nguyên nhân hay cãi được nhiều người đồng tình: Lịch sử hình thành vùng đất này khiến cãi đối với người Quảng đã trở thành “định mệnh”. Vì Quảng Nam, ở cả hai phía Việt - Chiêm, người ta đã cãi nhau kịch liệt, cãi khắp nơi.
Trước hết, để có được vùng đất Quảng Nam, giữa cha con Trần Nhân Tông - Trần Anh Tông đã phải cãi nhau, chí ít thì Trần Anh Tông từng không chịu vâng lời Thượng hoàng. Năm 1301, Trần Nhân Tông với tinh thần của một Phật hoàng vân du Chiêm Thành và lưu lại đây 9 tháng. Nhà vua đã “ấn tượng” trước nền văn minh của người Chăm, hứa gả Huyền Trân Công chúa cho Chế Mân mà không kèm theo điều kiện nào cả. Song, sau khi hồi triều, Trần Anh Tông mới chính là người quyết định, biến cuộc hôn nhân vô tư trong sáng trở thành những toan tính sâu xa. Trong triều đình nhà Trần lúc đó, việc gả Huyền Trân cũng gây ra những cuộc tranh biện dữ dội.
Về phía triều đình Chiêm, việc dâng đất để cưới vợ của Chế Mân chắc chắn gặp không ít sự chống đối, nhiều người không muốn mất mảnh đất thiêng này hẳn đã phải trải qua những trận cãi nhau kịch liệt. Chứng cớ là khi người Việt đến tiếp quản vùng đất này thì “bị người các thôn La Thủy, Tác Hồng và Đà Bồng không chịu phục”, đến nỗi “vua Anh Tông phải sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến tuyên bố đức ý của triều đình, chọn người trong dân chúng làm quan, cấp cho ruộng đất và miễn tô thuế 3 năm để vỗ về” (Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Khai Trí 1967).
Đó là những cuộc cãi nhau trong nội bộ từng nước. Cao hơn là cuộc cãi nhau quyết liệt giữa hai bên Việt - Chiêm. Năm 1301, Trần Nhân Tông hứa gả nhưng mãi đến tháng 7-1306, cuộc hôn nhân mới ngã ngũ, Huyền Trân mới gạt nước mắt giã từ hoàng tộc và người yêu lên đường sang Chiêm quốc. Theo nhiều người, 5 năm đó là thời gian để cãi về cái ranh giới của châu Rý (Lý).
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Theo lô-gích thông thường, Hải Vân, ngọn đèo cao nhất trên đường từ Bắc vào Nam, một ranh giới tự nhiên hết sức rõ rệt, một tuyến phòng ngự rất khó vượt qua, phải là ranh giới chia đất... Các nhà thương thuyết của triều Trần đã quyết ép và cuối cùng đã đòi được bỏ hẳn ngọn đèo ấy, đi tiếp luôn một mạch hơn 30 cây số nữa về phía Nam cho đến tận bờ bắc sông Thu Bồn” (Từ Đông sang Tây, Nhiều tác giả, NXB Đà Nẵng 2005). Vì rẻo đất chiến lược ấy, hai bên chắc phải cãi qua, cãi lại, giằng co nhau quyết liệt suốt 5 năm trời...
No comments:
Post a Comment