Tặng Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy, Trịnh Kim Tiến
Một khẩu hiệu bằng chữ nổi gắn phía trên trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Dưới đường là ba phụ nữ đang đứng chờ công bằng, dân chủ, văn minh.
Thật mỉa mai thay! Tôi không nghĩ ba người cố tình chọn chỗ đứng để chứng minh một hoàn cảnh tương phản của xã hội ViệtNam. Nhưng, như người ta thường nói, một tấm ảnh giá trị bằng ngàn chữ, một lần nữa họ nhắc nhở một sự thật chua chát giữa khẩu hiệu gian dối lọc lừa và thực tế đau lòng của đất nước.
<!-- Read more -->
<!-- Read more -->
Hơn bảy tháng qua, ba người phụ nữ vẫn âm thầm ôm nỗi chờ mong công lý như thế trong cô đơn, thầm lặng. Họ gồm chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền và mẹ chồng từ Bình Dương ra tận Hà Nội đòi công lý cho anh Nguyễn Công Nhựt bị công an Bến Cát đánh chết ngày 25 tháng 4 năm 2011. Và người con gái đầu còn chít khăn tang là Trịnh Kim Tiến đi tìm công lý cho cha, ông Trịnh Xuân Tùng, bị công an đánh gãy cỗ hôm 28 tháng 2/2011 và chết sau đó vào ngày 8 tháng 3/2011.
Bức hình ba người phụ nữ Việt Nam đứng trước tòa án đang gây xúc động nhiều người nhưng có thể còn lâu họ mới tìm ra công lý trên đất nước, nơi đó, công bằng, dân chủ, văn minh chỉ là khẩu hiệu.
Khẩu hiệu tuyên truyền có tại nhiều quốc gia trước cách mạng Cộng Sản Nga nhưng Lenin là người đã đưa khẩu hiệu tuyên truyền qua các hình thức văn, thơ, họa thành một bộ phận chính của nền giáo dục Cộng Sản. Chỉ trong vòng 3 năm sau cách mạng 1917, 3.600 kiểu bích chương tuyên truyền được ban hành, trung bình mỗi tuần có 20 kiểu khác nhau. Do đó, không lạ gì ViệtNam, Cu Ba và Bắc Hàn đang thừa hưởng gia tài phong phú của Lenin để lại.
Trịnh Kim Tiến, tên em gắn liền với những biến cố vui buồn của đất nước trong gần một năm qua. Dòng nước mắt em khóc cha, ông Trịnh Xuân Tùng, bị công an đánh chết, làm bao nhiêu người Việt Nam trong và ngoài nước khóc theo. Nhìn tấm hình em khóc, tôi cảm thấy thương em vô cùng vì trong giọt nước mắt của em có bóng của đời mình.
Khi em khóc cha bị Công An đánh chết
Đồng bào khóc cùng em
Thanh niên, sinh viên, học sinh khóc cùng em
Sài Gòn khóc cùng em
Hà Nội khóc cùng em
Trong nước khóc cùng em
Ngoài nước khóc cùng em
Những giọt nước mắt chảy vào sông
Sông mỗi ngày thêm rộng
Những giọt nước mắt hòa trong biển
Biển mỗi ngày mặn hơn
Những giọt nước mắt nhỏ trên cánh đồng khô
Đất mỗi ngày thêm màu mỡ.
Có dân tộc nào trên trái đất này
Lịch sử được đong bằng nước mắt
Nguyễn Trải khóc cha bên ải Nam Quan
Đặng Dung khóc cha trước khi trầm mình xuống biển
Người con gái của anh Ngụy Văn Thà khóc cha ngã xuống ở Hoàng Sa
Người con gái của anh Trần Đức Thông khóc cha ngã xuống ở Trường Sa
Những người mang trên lưng nhiều quá khứ
Nhưng hy sinh vì một tương lai.
(Bài thơ cho người con gái xuống đường, thơ Trần Trung Đạo)
Vài tuần sau, nhìn Kim Tiến mỉm cười cùng các bạn hiên ngang đi giữa lòng chế độc tài, lòng tôi chợt dâng lên niềm hãnh diện:
Khi em xuống đường vì Hoàng Sa,Trường Sa
Đồng bào bước cùng em
Thanh niên, sinh viên, học sinh bước cùng em
Sài Gòn bước cùng em
Hà Nội bước cùng em
Trong nước bước cùng em
Ngoài nước bước cùng em
Có dân tộc nào trên thế giới này
Lịch sử được đo bằng những đôi chân bước
Từ chiếc khố che thân với hai bàn chân rỉ máu
Cuộc hành trình gian nan về phương nam của tổ tiên hơn bốn ngàn năm.
(Bài thơ cho người con gái xuống đường, thơ Trần Trung Đạo)
Ba con én của mùa xuân Dân tộc (từ trái qua): Minh Hạnh, Thục Vy và Kim Tiến.
Tuổi trẻ Việt Nam thế hệ của những người như Trịnh Kim Tiến, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh ThụcVy là thế hệ không may mắn. Các em sinh ra đời, giống như những khán giả vừa bước vào nhà hát khi vở thảm kịch quê hương đã diễn ra từ lâu lắm. Các em loay hoay, quờ quạng, cố đi tìm một chỗ đứng cho mình trong bóng đêm dày đặc. Trong ý thức các em là những câu hỏi nhưng rất ít câu trả lời. Nhìn quanh, đoàn người ngày ngày vẫn nối đuôi nhau đi theo số phận mịt mờ. Đám mây đen Cộng Sản đã che khuất đi những buổi trưa nắng vàng rực rỡ của tuổi thơ, tuổi học đường, tuổi được hấp thụ và nuôi dưỡng trong dòng sữa văn hóa dân tộc trong sáng, thuần khiết, bằng những câu ca dao, bằng những chuyện cổ tích, bằng những bài sử ca hào hùng của giòng giống Lạc Long.
Nhưng bất cứ thời đại nào, dù khó khăn đến đâu, dòng văn hóa dân tộc, khi mãnh liệt, lúc âm thầm, vẫn tiếp tục truyền đi từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Trần Bình Trọng dòng dõi vương hầu, Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt bên đường, Trần Khánh Dư bị cách chức phải bán than kiếm sống. Họ đến với cuộc đời từ nhiều ngả khác nhau nhưng cùng ôm ấp một tình yêu giống nhau dành cho đất nước và khi chuyến tàu lịch sử đến ga, họ không hẹn đã bước lên đi làm lịch sử và cùng nhau viết nên chương kháng Nguyên lần thứ hai lừng lẫy. Trần Bình Trọng, danh tướng nhà Trần đã để lại đời sau câu nói hiễn hách “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Chúng ta thường nghĩ đến Bảo Nghĩa Vương như một bậc võ tướng tài ba nhưng thường không để ý một điều, trước hết Trần Bình Trọng là một thanh niên rất trẻ. Vị Anh hùng dân tộc, người tử thủ vị trí yết hầu Đa Mạc chiến lược, đã bị bắt và bị giết khi chỉ mới 26 tuổi, bằng tuổi của Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh ThụcVy bây giờ.
Giống như bao nhiêu thế hệ trước, tuổi trẻ hôm nay cũng là sức sống của dân tộc, tuổi của tìm tòi và khai phá. Những ưu tư về đất nước, những hổ thẹn xót xa khi nhìn sang thế giới hiện đại bên ngoài so sánh với một ViệtNamnghèo nàn lạc hậu đã buộc các em chọn cho mình một thái độ, một hướng đi đích thực và cụ thể để gánh vác trách nhiệm lịch sử.
Đỗ Thị Minh Hạnh đã chọn lựa đứng lên để đi cùng dân tộc, sống với nỗi đau của dân tộc và dâng hiến đời mình để làm cánh én cho mùa xuân dân tộc.
Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về.
(Bài thơ cho Đỗ Thị Minh Hạnh, thơ Trần Trung Đạo)
Sức bật, sức mạnh, sức phản kháng từ các em, không chỉ xuất phát từ nhận thức chính trị hay hiểu biết về tự do dân chủ mà thôi nhưng phát xuất từ cội nguồn sâu xa của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Tôi tin rằng cuộc chiến cuối cùng giữa dân tộc tự do và Cộng Sản độc tài cũng sẽ diễn ra trên mặt trận văn hóa.
Lịch sử mang tính kế tục nhưng đồng thời cũng mang tính thời đại. Mỗi thế hệ có trách nhiệm để hoàn thành những gì lịch sử giao phó cho thời đại của họ nhưng dù không hoàn thành, ngọn đuốc lịch sử vẫn phải được chuyển sang bàn tay thế hệ khác. Nhìn lại quá khứ không phải để rồi trách cứ cha mẹ ông bà, để đổ thừa cho tổ tiên nhưng là để chiêm nghiệm một cách trân trọng những bước chân của người đi trước. Học từ quá khứ không phải để rồi khư khư ôm lấy quá khứ, sống trong quá khứ, nhưng để biết dung hợp một cách hài hòa giữa văn hóa Việt Nam dân tộc nhân bản và văn minh thế giới hiện đại, phù hợp với nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài, không phải chỉ cho chúng ta, cho con cháu chúng ta, mà còn cho nhiều thế hệ xa hơn tương lai.
Trong lúc khoa học kỹ thuật còn có thể học được ở người khác, học được từ nước khác, ngay cả có thể thuê mướn người khác làm thay cho mình, phục hồi tinh hoa dân tộc là trách nhiệm vô cùng cấp bách và khẩn thiết của chính người Việt Nam. Chính thế hệ trẻ hôm nay phải là người gánh vác trách nhiệm đó chứ không thể cầu cạnh ai, nhờ vả hay thuê mướn ai. Mọi sự cầu cạnh, dù vật chất hay tinh thần đều dẫn đến mất quyền tự chủ. Mất quyền tự chủ sẽ dẫn đến mất nước. Lịch sử đã chứng minh điều đó nhiều lần.
Đã qua rồi thời đại của anh hùng cá nhân, minh quân, minh chủ. Ngày nay, mỗi cá nhân là một tập hợp thu hẹp chứa đựng các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp và phụ thuộc vào nhau của cộng đồng xã hội, dân tộc và nhân loại. Chính các em, chứ không ai khác sẽ là những lãnh đạo, những minh quân của thời đại mình.
Đất nước mình không có hôm nay
Nếu hai ngàn năm trước không có bà Trưng, bà Triệu
Và sẽ tiếp tục sống trong độc tài nô lệ
Nếu không có những người con gái như em
Dòng sông dài và phiến đá chông chênh
Nhưng nếu tất cả đều co ro, sợ hãi
Nếu tất cả đều đứng nhìn, e ngại
Dân tộc này rồi sẽ ra sao?
(Bài thơ cho Đỗ Thị Minh Hạnh, thơ Trần Trung Đạo)
Hôm 8 tháng 11 vừa qua, gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, gồm chính anh, con gái Huỳnh Thục Vy và con trai Huỳnh Trọng Hiếu, đã bị hàng trăm công an Quảng Nam đến lục soát và tịch thu tất cả computers, máy in và các dụng cụ internet. Buổi chiều cùng ngày công an cũng đã giữ anh Tuấn và con trai anh, cháu Huỳnh Trọng Hiếu, nhiều giờ. Hiện nay gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn đang sống bất an trong căn nhà chật hẹp ở Tam Kỳ.
Năm 1992, anh Huỳnh Ngọc Tuấn bị tù 10 năm và 3 năm quản chế chỉ vì viết những truyện ngắn phản ảnh những bất công trong xã hội Việt Nam. Con trai anh, cháu Huỳnh Trọng Hiếu, sinh năm 1988, là tác giả của những bài viết có tính thời sự được phổ biến rộng rãi trên các mạng internet. Tuy nhiên, con gái anh, cháu Huỳnh Thục Vy là cây bút lý luận xuất sắc nhất.
Thục Vy sinh năm 1985 tại Tam Kỳ. Tình yêu quê hương và nỗi đau mười năm tuổi thơ là những ngày đi thăm cha trong tù, đã hun đúc tâm hồn của cô bé xinh đẹp, hồn nhiên lớn lên bên giòng sông Bàn Thạch, Quảng Nam thành một nhà lý luận chính trị vững vàng. Kiến thức Thục Vy dẫn chứng trong các bài viết vượt trội hơn tuổi tác và điều kiện trưởng thành thiếu thông tin bên ngoài mà em đã phải trải qua.
Sinh ra và lớn lên trong một chế độ độc tài, một nền giáo dục ngu dân lạc hậu, cây bút Huỳnh Thục Vy nổi bật như một bông hoa hiếm hoi mọc lên giữa rừng gai nhọn. Có thể nhiều khi em cũng cảm thấy cô đơn, nhưng từ trong nỗi cô đơn đó đã sáng lên niềm kiêu hãnh.
Trong hai năm qua, những bài viết lý luận sâu sắc của Thục Vy về hiến pháp, nhân quyền, dân chủ, cách mạng v.v.. thu hút nhiều ngàn độc giả trong cũng như ngoài nước. Nhà cầm quyền Cộng Sản đã dùng nhiều biện pháp, đe dọa có và thuyết phục cũng có, để em ngưng viết. Tuy nhiên, ngòi bút của Thục Vy không mềm đi vì những lời đường mật ngọt ngào hay cong đi trước các hành động trấn áp bất nhân.
Với bản chất của chế độ này, thật không thể biết những gì sẽ đến với gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn và hai con của anh. Nhưng có một điều chúng ta biết chắc, cho dù công an tịch thu tất cả trang thiết bị trong gia đình Thục Vy hay thậm chí tù đày, họ sẽ không bao giờ chiếm đoạt được lòng yêu nước hay khuất phục được ngòi bút của em. Như Phùng Quán có lần đã viết “Bút giấy tôi ai cướp giật đi. Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá”, Thục Vy có thể sẽ làm như thế. Huỳnh Thục Vy không chỉ là niềm vui của tuổi trẻ ViệtNam mà còn cho tất cả những ai đang nặng lòng với đất nước.
Hành động trấn áp ngày 8 tháng 11 mới đây đối với gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn là biện pháp quen thuộc của một chế độ chuyên dùng bạo lực để đàn áp những tiếng nói trung thực và khát vọng tự do dân chủ của người dân. Nhưng lịch sử nhân loại, từ Julius Caesar hơn 200 năm trước Tây Lịch cho đến Moammar Kadafi chưa đầy một tháng, đã cho thấy rằng, một chế độ chỉ tồn tại bằng bạo lực, sớm hay muộn sẽ sụp đổ trước sức mạnh của nhân dân.
Tết dân tộc sắp trở về . Nơi tôi ở trời đang vào đông. Mùa xuân ở đây không có mai và cũng chẳng có én, nhưng trong lòng vẫn nghe rộn ràng một niềm vui vì biết ở một nơi xa, trên quê hương cách trở, những cánh én Đỗ Thị Minh Hạnh, Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vy đang báo hiệu một mùa xuân của tình người và tình dân tộc như Huỳnh Thục Vy đã viết:
“Mùa xuân là mùa của tình yêu thương và tuổi trẻ, của nhiêt huyết và hi vọng. Tôi thương dân tộc tôi-dân tộc anh hùng có bốn ngàn năm Văn hiến đã và đang phải gò lưng nuôi cả một chế độ độc tài bất công, không những thế lại bị tước hết các quyền tự do được sống như những con người chân chính và có ý chí. Trong tình yêu thương ấy, với nhiệt huyết trào dâng trong lòng một cô gái trẻ, tôi đang mơ một ngày cả nước Việt Nam từ Hà Nội, Đà Nẵng , Sài Gòn, tất cả chúng ta-những người Việt Nam không phân biệt già trẻ, nam nữ, Phật giáo đồ hay con Chúa… cùng xuống đường trong những khẩu hiệu chống độc tài, tham những, đòi quyền tự do dân chủ. Và rồi sẽ cùng nhau kiến tạo một Việt Nam với diện mạo mới”.
Và giờ này trong một nhà tù ở Hàm Tân, Bình Thuận, một cô gái Việt khác, Đỗ Thị Minh Hạnh, cũng đang thầm nói “tôi thương dân tộc tôi” và đang mơ về một Việt Nam mới, nơi đó sẽ không có những nông dân bị mất đất, không có những người thợ bị rẻ khinh, không còn những mái đầu bị cướp đi tuổi thơ ngà ngọc.
Em bước vào tù khi tuổi mới hai mươi
Tuổi đẹp nhất của thời con gái
Bên ngoài trại giam, mùa xuân đang qua và không trở lại
Nhưng trong trái tim em, xuân mãi mãi không tàn
Hạnh phúc của em là hạnh phúc của dân oan
Của những con người không có quyền được nói
Niềm vui của em là niềm vui của đàn em thơ mới lớn
Của những mái đầu bị xóa mất màu xanh.
(Bài thơ cho Đỗ Thị Minh Hạnh, thơ Trần Trung Đạo)
Sức sống của một dân tộc hôm nay như một dòng sông chảy ngầm trong lòng đất, chảy trong kiên nhẫn, chịu đựng, gian nan, tức tưởi. Nhưng vẫn chảy. Trịnh Kim Tiến, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy đến từ các miền khác nhau, không hẹn hò và có thể chưa biết nhau trước đó, nhưng khi chuyến tàu lịch sử dừng lại bên sân ga thế hệ, các em đã chọn bước lên như hai ngàn năm trước hai người phụ nữ đất Mê Linh chọn lựa. Và các em, bè bạn các em, thế hệ các em chứ không ai khác sẽ là những người tìm ra công lý, dân chủ, văn minh đích thực cho dân tộc Việt Nam.■
© Trần Trung Đạo
No comments:
Post a Comment