Truyện Ma của nhạc sĩ
Nhật Ngân
LTS: Đây là chuyện thật! Đó là lời cả quyết của vị nhạc sĩ nổi tiếng khi viết tặng chúng tôi chuyện này. Xin chân thành cảm ơn tác giả. (Thời Đại*)
<!-- Read more -->
Chương 1
Hắn cũng chẳng hiểu duyên cớ nào mà hắn tự nhiên lại gia nhập vào các đoàn cải lương chuyên đi lưu diễn xa và cũng chẳng nhớ là gã đã gia nhập từ bao giờ. Thế nhưng lẩm rẩm tính sơ sơ thời gian hắn đã sống lây lất lang thang theo các đoàn hát thì cũng khoảng trên mười năm chứ không ít.
Hồi đó hắn còn nhỏ lắm, khoảng 13 hay 14 gì đó, gia đình hắn không có, cha hắn là lính Địa phương quân đóng đồn, trong một lần đụng độ đã tử trận, má hắn bỏ hắn ở lại đồn và lặng lẽ ra đi. Suốt thời gian tuổi nhỏ của hắn, hắn chẳng biết trường học là gì, tối ngày lo ẵm em cho người ta, lo nấu cơm, lo lượm củi và làm công việc lặt vặt trong nhà người. Hắn còn nhớ hồi hắn ở đợ nhà hạ sĩ Hóa ở quận Tiểu Cấn tỉnh Vĩnh Bình, vì là lính tráng nên hạ sĩ Hóa ở trại gia binh. Trong trại gia binh nhà hạ sĩ Hóa ở gần nhà của ông thượng sĩ Bảy. Ông này là thượng sĩ thường vụ nên quyền hành lắm và cũng có vẻ giàu có nhất khu gia binh này. Thường ngày vào những buổi tối thượng sĩ Bảy hay mở máy ra-dô vặn cải lương thật lớn cho cả xóm nghe, máy của thượng sĩ Bảy mở oang oang, con nít người lớn xúm lại nghe say mê, tạo cho không khí về đêm khu gia binh vui vẻ khác thường. Các giọng hát Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thành Được, Minh Chí, Việt Hùng... và giòng nhạc cải lương, đã đi vào máu của hắn sâu đậm hồi nào không hay, máy thu thanh chỉ cất lên một hai câu là hắn đã biết ai hát và hát bài gì. Thường thường khi máy mở lên là hắn lẩm bẩm hát theo, hát thật say mê, hát như nỗi niềm tâm sự của hắn vậy. Hôm nào thựợng sĩ Bảy đi hành quân hoặc sỉn không mở máy là hắn buồn vô cùng, buồn như người thất tình vậy.
Một hôm hắn ẵm em ra chợ tìm vợ Hạ sĩ Tân để lấy gạo về nấu cơm thì nghe người ta bàn tán rộn ràng thệt nhiều về một đoàn cải lương thật bảnh sắp về hát ở Miễu Bà đầu quận, nghe đâu đoàn này cô đào Út Bạch Lan và kép Thành Được hay Tấn Tài gì đó. Mới nghe bàn tán thôi mà hắn đã thấy máu trong mình như muốn chảy mạnh, đã thấy lâng lâng như mình đang được xem trình diễn vậy. Thế là suốt cả tuần đó hắn cứ ngóng hoài, ngày nào cũng kiếm chuyện để đi ngang qua Miếu Bà xem đoàn về chưa.
Đúng một tuần sau thì đoàn hát về thật, xe đoàn hát vừa thấp thoáng đầu quận là cả quận đã rộn hết lên rồi. Người ta túa ra đường xem đoàn hát đến, con nít, người lớn nhìn những phông màn, mũ mãng, đao kiếm, trống đờn của đoàn hát mà say mê, riêng hắn thì không còn biết gì nữa, tối ngày cứ quanh quanh chỗ đoàn hát để nhìn ngắm và tìm cách làm quen với mọi người trong đoàn. Từ anh kéo màn cho tới anh gác cửa, chị bán vé, đối với hắn lúc đó ai cũng đều có một sức thu hút lạ thường.
Tối hôm trình diễn đầu tiên của đoàn, khi sân đã mở màn, khán giả đã vào gần hết hẳn, hắn được anh gác cửa nháy mắt mở cửa cho vào. Trước khi cho vào anh còn dặn: “Vào coi đừng có chạy tới chạy lui nghe mậy, lộn xộn mai tao không cho coi nữa đó nghe...” Hắn đã nghe lời dặn của anh như một chỉ thị, bèn tìm một cây cột đình dựa lưng vào và xem suốt buổi. Hôm đó đoàn diễn vở tuồng “Đời Cô Lựu” , Út Bạch Lan đã thủ vai cô Lựu thật xuất thần làm bà con khóc muốn hết nước mắt, riêng hắn, hắn đã nhiều lúc tức giận bà mẹ chồng, và hình như có đôi lúc hắn đã thét lên chửi rủa bả um sùm.
Sau hôm đó, đoàn ở lại quận diễn thêm năm đêm nữa, hôm thì tuồng “Khi hoa anh đào nở”, hôm thì “Lỡ bước sang ngang”, hôm thì “Thuyền ra cửa bể”... đêm nào cũng vậy hắn đều được anh gác cửa cho vào xem chùa. Bọn con nít thấy hắn đêm nào cũng được xem hát cả, chúng phục quá chừng, nhiều đứa sáng ra bắt hắn kể lại tuồng đêm qua cho chúng nghe... Những ngày có đoàn hát ở quận có thể nói là những ngày thần tiên nhất của hắn, các đào kép, ông bầu bà bầu ai cũng biết mặt hắn cả, họ thường nhờ hắn chuyện này chuyện kia, sai hắn chạy ra chợ, đi vào xóm mua này nọ, có nhiều anh trong đoàn còn bắt hắn đi đem thơ cho đào nữa... Nói tóm lại, khoảng thời gian đó hắn rất được sự tin tưởng của mọi người trong đoàn hát.
Ngày đoàn hát dọn gánh đi qua địa điểm khác, anh gác cửa đã gọi lại nói nhỏ: “Thằng Ba mày có muốn đi theo đoàn hát không? Tao thấy mày coi bộ được đó... “
Và từ đó hắn đã lên đường theo đoàn hát ra đi, đi một cách say mê như người ta lên đường đi theo tiếng gọi của non sông vậy.
Con đường dài gập ghềnh khoảng gần cả trăm cây số từ quận Tiểu Cần Vĩnh Bình đi qua Bãi Sào Sóc Trăng, ngồi trên xe tải chở phông màn hắn đã mải mê say ngắm cảnh vật hai bên đường, cái gì đối với hắn cũng lạ cả, cũng thích cả. Lúc qua phà Cần Thơ, hắn đã xuống xe theo anh Năm gác cửa vào quán, anh Năm cho hắn ngồi chung bàn với mọi người rồi cho hắn uống nước dừa và ăn cơm. Đây có thể nói là bữa cơm ngon nhất trong đời nó, có canh chua, có cá kho tộ, có thịt quay. Mấy người trong đoàn ăn chung bàn đã nhìn hắn ăn uống cật lực mà cười thích thú. Anh Chín đèn (chuyên viên ánh sáng của đoàn) đã nói với nó: “Thằng Đại, mày muốn làm đệ tử tao không? Tối nay mày theo tao làm đèn sân c, mày chịu không?” Hắn dạ lia lịa và từ đó hắn là đệ tử Chín đèn.
Trong câu chuyện tại bàn cơm, hắn nghe mấy người này bàn tính thật nhiều về rạp sắp tới trình diễn. Anh Năm gác cửa nói: “Thằng cha quản lý Bình của mình thật kỳ, bộ hết rạp hay sao mà nhè đem đoàn về hát rạp Hòa Khánh. Mẹ, rạp gì mà ma không à, hồi tui đi đoàn Hương Mùa Thu... hát ở đó 2 đêm là sợ quá phải dọn gánh liền...” Anh Chín đèn nói: “Rạp Hòa Khánh ma thiệt nhưng đông khán giả, tại cha bầu của HMT không biết cúng kiếng đàng hoàng mới bị phá, chớ còn mình, mình phải nói ông bà bầu lo đàng hoàng thì đâu có sao”. Anh Ba bán vé nói: “Về đó là anh Năm gác cửa phải lo cho tụi nó mua hoa trái cúng cô Chín đàng hoàng và nhất là đừng cho mấy thằng công nhân trong đoàn đem gái vô sân khấu ngủ nghe anh Năm.”
Bàn tán chuyện vãn một hồi là cả đám lên xe trực chỉ Bãi Sào Sóc Trăng. Ruộng lúa vùng Hậu Giang đang trong mùa trổ đòng đòng nên có một màu xanh mướt...
Rạp Hòa Khánh, Bãi Sào - Sóc Trăng
Ròng rã gần nửa ngày thì đoàn xe bắt đầu đến thị xã Sóc Trăng, khi xe chạy qua thị xã vì đường phố quá chật hẹp, và người qua lại đông đảo nên đã phải chạy thật chậm. Qua khỏi chiếc cầu sắt, xe từ từ chạy qua khỏi rạp Hòa An, bà con ở hai bên đường nhất là trẻ con bu lại đoàn xe hỏi ríu rít: “Ủa sao xe chạy đi đâu vậy?! Bộ không hát ở đây sao?” Mấy chị bán xe nước mía, bán mía ghim trước rạp nói với theo: “Trời đất ơi! Rạp Hòa An mà chê à! Đi đâu tuốt ở trong đó vậy? Đừng nghe mấy cha, rạp Hòa Khánh ma không đó...”
Đoàn xe tiến dần ra khỏi thị xã, qua một cánh đồng ruộng, từ đó nhìn xa xa đã thấy những hàng dừa, hàng cau xanh mướt của Bãi Sào. Đường nhựa loang lổ gập ghềnh làm chiếc xe chở phông màn già nua kẽo kẹt đong đưa khiến thằng Ba và những anh công nhân của đoàn ngồi trên đó cá cảm tưởng mình đang ngồi trên võng vậy.
Qua khỏi đoạn đường gập ghềnh, đoàn xe tiến vào thị trấn Bãi Sào. Bà con ở hai bên phố vẫy tay, chào đón, mừng rỡ trước sự xuất hiện của đoàn hát, đám con nít chạy lăng xăng níu theo xe cười nói hỏi han um xùm.
Xe đi về phía bờ sông rồi ngừng lại trước cửa rạp Hòa Khánh. Đây là một rạp hát được xây cất thật khang trang, rộng rãi với hai tầng lầu và được trang bị bằng những hàng ghế gỗ nhìn rất đẹp mắt, không thua gì những rạp hát ở các thành phố lớn.
Quản lý Bình đã đến đây từ chiều hôm qua, hắn từ trong rạp ôm cặp táp giấy tờ vội vã chạy ra đón đoàn. Mắt hắn dáo dác nhìn về phía xe chở nghệ sĩ và hỏi” Bà bầu đâu rồi? Tất cả anh chị em trong đoàn khoan vô rạp đã nghe. Anh chị em cứ ngồi yên trên xe đợi bà bầu với tui vô cúng cô Út cái đã, rồi mới được vào rạp đó nghe.” Nói xong, hắn dắt bà bầu đi thẳng vào rạp.
Sau chừng 15 phút, hắn trở ra và ra lệnh cho mọi người vào. Trong khi mọi người đang lo chuyển phông màn, hắn còn dặn dò: “Nhớ nghe mấy cha! Ngủ đâu thì ngủ, chớ đừng ngủ trên sân khấu nơi có bàn thờ cô Chín nghen mấy cha. Cha nào có vợ thì làm ơn ngủ ngoài xe hoặc xuống hàng ghế khán giả mà ngủ...”
Thằng Ba theo sát anh Chín đèn, hắn đã khiêng vác cật lực những rương đèn đóm, những cuồn giây điện và những dụng cụ lỉnh kỉnh của ban ánh sáng. Khi theo anh Chín bước vào hậu trường, mắt hắn chú ý ngay tới một bàn thờ nghi ngút hương khói ở góc sân khấu, ở giữa trang thờ là một khung ảnh khá lớn được phủ bằng một tấm vải đỏ. Anh Chín đèn căn dặn nó: “Mày không được ngủ hay giỡn chơi trước bàn thờ cô Út nghen mậy, đi lại thắp nhang bàn thờ cô đi.” Hắn riu ríu nghe theo lời anh Chín, đi lại phía bàn thờ để thắp nhang. Khi hắn đưa cây nhang lên khỏi đầu miệng lâm râm khấn vái, mắt hắn nhìn lên tấm vải đỏ che bức hình mà xương sống hắn thấy lành lạnh. Vội vã cặm xong cây nhang, hắn liền lủi nhanh ra khỏi hậu trường.
Buổi chiều hôm đó, sau khi đã phụ với anh Chín đèn thiết bị xong giàn ánh sáng cho sân khấu, hắn được anh Chín phát cho 5 đồng và nói hắn đi ra chợ kiếm ăn rồi về sửa soạn lo cho đoàn trình diễn.
Hắn cầm tiền đi ra thẳng ra chợ kiếm một sạp bán cơm kéo ghế ngồi. Bà bán cơm thấy hắn là người lạ bèn hỏi: “Bộ mày ở đoàn hát hả? Tối nay đoàn diễn chưa? Diễn tuồng gì vậy?” Hắn làm ra bộ ngon lành trả lời: “Dạ! Tối nay đoàn diễn, chút xíu nữa xe đoàn sẽ đi rao tuồng, bây giờ còn sớm mà bà lo gì.”
Bà bán cơm thấy hắn nho nhỏ dễ thương nên đã bới cho hắn một đĩa cơm thật vun với cá thịt đầy đủ. Trong khi ăn cơm hắn bắt chuyện với bà bán hàng và hỏi thật nhiều chuyện mà hắn đang thắc mắc về hậu trường sân khấu rạp Hòa Khánh. Sau khi đã tạo được sự quen biết có vẻ hơi thân mật với bà bán hàng, hắn đã hỏi thẳng bà : “Không biết cô Út là người ở đâu? Chết hồi nào? Mà sao người ta thờ và có vẻ sợ quá vậy bà Tư?” Bà Tư vừa cầm quạt phe phẩy đuổi ruồi vừa nói với nó: “Bộ mày không biết sao mậy, cô Út linh lắm, đã biết bao nhiêu đoàn hát đến rạp Hòa Khánh mà đào, kép, bầu bí đú đỡn không đàng hoàng, cô đã làm cho te tua, khiếp vía, chạy có cờ, dọn gánh đi không kịp...”
Thằng Ba nghe bà Tư hàng cơm kể mà nổi gai ốc từng chập. Hắn nghĩ trong bụng: “Thôi đêm nay mình ngủ ở hàng ghế khán giả chứ không dám ngủ trong hậu trường sân khấu đâu”.
Sau khi no nê, hắn móc túi lấy 5 đồng ra đưa cho bà bán cơm và chào bà để về rạp. Bà hàng cơm đã xua tay không nhận tiền của hắn, bà nói: “Thôi, tao cho mày đó, tối nay tao đi coi hát mày ráng kiếm chỗ nào tốt tốt cho tao ngồi.” Hắn đã cám ơn bà hàng cơm và về rạp.
Đêm hôm đó đoàn diễn tuồng “Thuyền Ra Cửa Biển”, khán giả đã mua không còn một vé, dưới lầu, trên lầu đặc cứng người là người. Trong hậu trường sân khấu, nơi để giàn đèn nhìn xéo qua là bàn thờ của cô Út, từ chỗ ngồi ở giàn đèn hắn đã nhìn thấy tất cả những đào kép trong đoàn trước khi bước chân ra sân khấu đều thắp nhang khấn vái trước bàn thờ của Cô thật kính cẩn.
Sau khi vãn hát, mọi người trong đoàn đều ra trước cửa rạp ngồi vây kín những gánh chè, gánh cháo và những sạp bán đồ nhậu ăn uống tưng bừng. Thằng Ba được anh Chín dẫn ra cho ăn cháo, trong khi thầy trò đang xì sụp với tô cháo nóng từ trong rạp một anh công nhân hớt hải chạy ra la lớn: “Ông quản lý Bình ơi! Có một người xỉu trong sân khấu". Thằng Ba và anh Chín đèn buông tô cháo chạy theo quản lý Bình vào hậu trường...
Khi vào đến sân khấu thì thấy một người đàn bà nằm dài sóng sượt gần chỗ bàn thờ của cô Út, hai bên mép đầy bọt nước miếng. Quản lý Bình vội vã chạy lại đỡ chị này ngồi dậy và quay ra hỏi những người chung quanh: “Sao vậy? Sao vậy? Sao cô Tâm bán vé bị xỉu vậy?” Một người trong đám đông trả lời: “Không biết sao nữa? Hồi nãy thấy cô Tâm đi qua đi lại trước ban thờ đâu một hai lần gì đó, rồi bỗng nhiên thấy cô ta lăn ra giãy đành đạch như vậy đó.”
Về sau chuyện vỡ lẽ ra thì mới biết... Cô Tâm bán vé này có lẹo tẹo gì đó với một anh kép của đoàn, buổi chiều hôm khi đoàn mới đến rạp hát Hòa Khánh thì vợ của anh kép nọ từ Sàigòn xuống bắt ghen. Cô Tâm và anh kép một mực chối là không có chuyện gì xảy ra, đôi bên lời qua tiếng lại, um sùm trong rạp. Muốn để cho bà vợ anh kép tin, cô Tâm đã liều mạng thề ẩu: “...Nếu mà tui có gì với ảnh thì tối nay cô Chín bẻ cổ tui!” và sự việc đã xảy ra như vậy.
Sau khi ăn uống no nê, anh Chín đèn nói với thằng Ba: “Ba, mày vào rạp lấy ghế bố của tao trong thùng đèn đặt ở góc gần chỗ giàn đèn rồi giăng mùng cho tao.”
Hắn nghe anh Chín biểu vô sân khấu mà lòng ớn quá, ớn nữa là rương đèn lại nằm gần bàn thờ cô Út mới lạnh chứ... Hắn vừa đi vào sân khấu vừa lo lắng suy nghĩ lung tung, hắn định quay lại nói với anh Chín là hắn sợ, nhưng rồi suy nghĩ hắn ngại anh Chín khi dễ hắn nên cứ liều đi đại...
Đèn trong hậu trường mờ mờ, nhang vẫn cháy đỏ trên bàn thờ cô Út, hậu trường vắng tanh không một bóng người qua lại...
Chương 2
Cô gái bán mía ghim
Để tự trấn an hắn cố gắng nắm chặt hai tay lại, mạnh dạn bước tới, vừa đi hắn vừa ngước nhìn lên bàn thờ cô Út và có lẽ vì run quá nên hắn hắn thấy tấm màn đỏ phủ lên hình cô như muốn lay động. Mồ hồi hắn bỗng toát ra như tắm, lật đật mở vội rương đèn, rinh chiếc ghế bố ra, đặt vào góc sân khấu xong là hắn bèn vụt chạy ra ngoài ngay…
Thấy hắn chạy ào từ trong sân ra mặt mày tái mét vừa chạy vừa thở, quản lý Bình chận nó lại:
- Cái gì vậy mậy ! Thằng này làm gì thấy ghê quá đi…
Vừa thở nó vừa nói:
- Không có gì đâu ông thầy, em ớn em chạy thôi mà…
Ra tới chổ Chín Đèn ngồi nhậu hắn bèn làm mặt tỉnh:
- Rồi đó nghe anh Chín.
Chín Đèn ừ ừ rối lại tiếp tục nhậu.
Ngồi một hồi cảm thấy mệt và buồn ngủ, hắn đứng dậy đi vào rạp, kiếm khu hàng ghế khán giả chỗ gần ban nhạc, trải chiếu rối lăn ra nằm.
Trong lúc lơ mơ gần ngủ, hắn nghe tiếng lao xao cười nói của một cặp trai gái từ ngoài đi vào.
Hé mắt nhìn, hắn thấy Tám gác cửa đang dẫn một cô gái đi về phía hắn. Khi gã và cô gái còn cách chỗ hắn nằm chừng vài thước hắn bèn nhắm mắt lại giả bộ ngủ say.
Tám gác cửa trải chiếu vào một góc tối nhất trong rạp, cách chỗ thằng Ba nằm chừng 5, 6 thước. Sửa soạn xong chỗ nằm, hắn bèn kéo cô gái ngồi xuống, cô gái lựng khựng tỏ dấu e ngại một chút rồi bẽn lẽn ngồi xuống theo Tám.
Trong bóng tối lờ mờ ở goc rạp, hắn nghe tiếng cô gái thì thào:
- Đừng mà anh, thôi em về… má em đi kiếm đó…
- Chút thôi mà… rồi anh đưa em về liền…
Rồi chừng 5, 10 phút sau hắn nghe tiếng thở… tiếng xô đẩy… tiếng rên rỉ của hai người… Thằng Ba nóng rực cả người, mồ hôi đổ ra ướt cả lưng, lần này hắn đổ mồ hôi vì nóng chứ không phải vì sợ như hồi nãy.
Bỗng dưng mắt nhìn vế phiá bóng tối ở góc rạp, mắt hắn chỉ nhìn thấy được một đống mền bự lùng nhùng nhô lên xẹp xuống… Một hồi lâu, hắn thấy cô gái đứng dậy trước, Tám gác cửa lồm cồm đứng dậy sau, hai người kéo nhau đi ra.
Khi đi ngang qua chỗ hắn nằm, phản ứng tò mò tự nhiên, hắn mở hí mắt nhìn xem cô gái là ai, đẹp xấu thế nào. Thoáng nhìn thấy cô gái hắn như muốn la lên. Trời ơi ! Con Tư bán mía ghim. Hắn chép miệng tiếc và nói thầm trong bụng “Cha Tám này lẹ thiệt, mới đó mà đã ẵm ngon lành con nhỏ đẹp quá chừng”.
Hắn tỉnh cả ngủ, rồi nghĩ miên man. Hắn nhớ hồi chiều khi đoàn đang sửa soạn diễn, anh Chín sai nó chạy ra ngoài mua thuốc lá, hắn đã bị con bán mía ghim này chặn lại và có ý như muốn làm quen. Trong câu chuyện qua lại, con Tư ngỏ ý muốn hắn nói với Tám gác cửa cho nó vào rạp bán mía và xem hát luôn. Hắn thấy con nhỏ dễ thương, nước da trắng, nụ cười thật có duyên, đôi má lại có lúm đồng tiền nữa nên đã lại năn nỉ anh Tám và Tám đã cho con nhỏ vào. Khi đoàn diễn, hắn lo mở đèn, tắt đèn, lo phụ với Chín đèn nên không xuống sân khấu để nói chuyện với con Tư được. Suốt cả buổi đoàn diễn, nó đã bồn chồn thật nhiều như ngồi trên lửa. Khi vãn hát hắn tìm hoài chẳng thấy con Tư đâu. Ai dè Tám gác cửa này ẵm mất rồi, đúng là điên cái đầu.
Cứ suy nghĩ lan man như vậy một hồi rồi hắn ngủ một lúc nào không hay.
Sáng hôm sau, khoảng 7 giờ sáng hắn đã thức dậy rồi. Nhìn ra ngoài rạp hắn thấy quản lý Bình đang cùng anh Mười rao bảng của đoàn đang đứng nói chuyện với nhau bên cạnh chiếc xe lam có gắn hệ thống phóng thanh.
Xếp chiếc chiếu để vào góc gần ban nhạc, hắn lững thững bước ra chỗ xe lam đang đậu. Quản lý Bình thấy nó bước ra bèn sai ngay:
- Thằng Ba, mày lên xe đi theo ban quảng cáo để dán giấy chương trình cho đoàn.
Hắn liền lên xe lam ngồi cạnh anh Mười ra bảng.
Tiếng máy quảng cáo bắt đầu oang oang, xe lam từ từ lăn bánh. Khi xe rao bảng chạy ngang qua khu chợ, hắn thoáng thây con Tư đang bưng rổ mía rao bán ngoài cửa chợ. Con Tư thấy hắn bèn nhoẻn miệng cười và đưa tay vẫy vẫy. Hắn nhìn dáng dấp và nụ cười thật duyên của con Tư, rồi liên tưởng hình ảnh tội lỗi của nó đêm qua… tự nhiên môi hắn ngưng nụ cười và lòng buồn thật buồn… Xe quảng cáo chạy loăng quăng một hồi rồi kiếm một bóng mát bên hông chợ, anh Mười cho xe đậu lại chĩa loa vào chợ mà quảng cáo.
Đang khi hắn lo cột lại giây loa trên xe lam thì từ xa con Tư bán mía ghim, mang dĩa mía đi lại gần nó. Hắn vội tụt vào trong xe và nhắm mắt lại làm bộ ngủ. Con Tư lại gần mạnh dạn lay vai nó rồi vừa cười vừa nói:
- Bộ sợ tui lắm sao ? Đang không thấy tui tới là lủi vô xe giả bộ ngủ vậy ?
Thằng Ba ú ớ, má đỏ lên chống chế:
- Không có đâu, tui buồn ngủ vì tối qua tui thức khuya đó mà…
- Hôm qua ngủ ở đâu mà sao khi vãn hát tui đi kiếm anh không có
- Thì ngủ ở gần chỗ ban nhạc trong rạp đó.
- Phải không ? Sao tui không thấy… í…í…
Biết mình lỡ lời, con Tư chống chế:
- Tối qua vãn hát tui còn mía bán không hết, tui kiếm cho anh ăn mà không gặp.
Nói xong câu đó, con Tư như mắc cở nên có vẻ lúng túng nhìn thấy thương. Để chữa cho khỏi lúng túng, con bé cắm một xâu mía ghim đưa cho thằng Ba:
- Ăn đi, rao hoài vậy chắc khát nước lắm phải không?
- Tui đâu có rao đâu, tui chỉ đi theo để phụ cho anh Mười thôi mà…
Mặc thằng Ba nói gì thì nói, con Tư vừa cầm xâu mía dúi vào tay thằng Ba. Ba cầm xâu mía mà mắc cở quá chừng. Hắn nói:
- Bán mà cho như vậy thì làm sao mà lời… thôi tui trả tiền này.
Con Tư xua tay không lấy, quay lưng đi vế phía chợ. Trước khi quay đi nó nhìn thằng Ba thật tinh rồi nói:
- Tối nay vãn hát đừng đi đâu nghe, chờ tui, tui nói chuyện này cho mà nghe
Thằng Ba nghe vậy, lòng như mở cờ… hắn nhìn theo con Tư mãi tới khi con Tư khuất vào đám đông của chợ mới thôi.
Tối hôm đó đoàn diễn vở “Con Gái Chị Hằng”, bởi tuồng này là tuồng xã hội hay và nổi tiếng nên khán giả đi xem đông quá chừng. Khán giả từ các thôn xã quanh quanh cách Bãi Sào chừng 5, 10 cây số cũng đổ về thật đông. Ghế đã bán hết trơn không còn một chỗ, giờ chót đoàn đã bán vé đứng cả trăm người.
Trong khi đoàn diễn, thằng Ba ngồi phụ giàn đèn với anh Chín, mắt cứ liếc qua khe màn hoài, thỉnh thoảng qua lỗ khe vải hắn thoáng thấy con Tư đang đứng dựa lưng vào tường rạp mà xem với tất cả sự say mê.
Vãn hát hắn vội vàng xếp giây đèn cho anh Chín xong là chuồn ra ngoài ngay.
Con Tư đã đứng chỗ nó từ hồi nào, miệng cười thật tươi hỏi nó:
- Đói không… mình đi ăn cháo nghe… tui bao.
Thằng Ba theo con Tư đi lại gánh cháo gà ở gần cửa rạp, hai đứa kéo ghế ngồi xuống.
Vừa ngồi chưa được năm phút thì Tám gác cửa từ xa đi lại mặt có vẻ giận, hắn nói với con Tư:
- Vãn hát rồi đi đâu mất tiêu… làm kiếm muốn chết à…
Con Tư nhìn thằng Ba rồi nói:
- Đi đâu, đâu… Tối nay tui phải về sớm, ăn cháo rồi là về liền à…
Tám gác cửa lừng chừng như muốn nói thêm gì nữa nhưng cuối cùng hắn thôi và quay lưng đi có vẻ bực tức. Trước khi đi, hắn không quên ném cho thằng Ba một cái nhìn với đầy vẻ hăm dọa…
Chương 3
Chòi vịt giữa đồng
Đợi Tám gác cửa đi khuất về phía hông rạp, con Tư mới nói với thằng Ba:
- Thằng cha Tám này kỳ cục quá à… cho người ta vô rạp có chút thôi mà đòi hỏi lung tung…
Thằng Ba làm mặt lạnh:
- Ai biểu ngu chi… làm gì mà sợ chả…
Tuy nói ngon vậy chớ trong lòng thằng Ba cũng ớn Tám gác cửa lắm, hắn nghĩ rằng cha nầy làm khó dễ cũng khó sống trong đoàn lắm chứ không phải chơi, nghe đâu hắn là cháu hay em gì của bà bầu chứ bộ bở sao. Nghĩ vậy, hắn bèn nhìn con Tư cười cười để làm dịu tình hình:
- Nói thì nói vậy chứ cũng ráng đừng làm mất lòng cha Tám phiền lắm đo nghe Tư…
Con Tư mặt buồn so, mắt nhìn xuống tô cháo, tay muỗng bất động:
- Sao tui ghét thằng chả quá à… rần rần rộ rộ… thấy ghớm…
Thằng Ba an ủi:
- Muốn vào rạp bán thì cũng ráng một chút.. có qua có lại mà…
Con Tư buồn hiu… móc túi lấy tiền trả bà bán cháo rồi đứng dậy. Đứng ngần ngừ không thấy thằng Ba nói gì, nó phụng phịu dậm chân:
- Khuya quá à… nhà xa… đi về phải qua gò mả… bộ tính ngồi đó luôn không đưa tui về hả ?
Thằng Ba được lời như mở cờ:
- Ờ, đưa thì đưa chớ làm gì dữ vậy…
Nói xong thằng Ba đứng dậy theo con Tư đi về hướng mé sông ngược về phía chợ. Đi khuất khỏi rạp chừng mười thước, thằng Ba lấm lét nhìn chừng coi có thằng cha Tám theo không, nhìn chừng đôi lần không thấy gì động tĩnh nó mới yên tâm mạnh dạn đi
Đêm nay có lẽ đêm gần rằm nên trăng sáng quá chừng, hai đứa đi bên nhau dưới ánh trăng nhìn coi thật tình. Ra tới khoảng đồng trống, tiếng chó sủa trong xóm đã nhỏ dần, con Tư đi sát vào thằng Ba hơn. Gió thổi nhè nhẹ, tóc con Tư bay lất phất trên vai, trên má thằng Ba… mùi thơm của tóc, của da thịt con Tư làm thằng Ba ngây ngây như người say rượu… hắn thấy tâm hồn rạo rực quá chừng… môi muốn nói với con Tư thật nhiều điều nhưng rồi cứ ngọng lại…
Đi khoảng chừng hai chục phút, hắn thấy đường có vẻ lên dốc và hơi khó đi vì có nhiều bụi cây gai mọc ló ra như muốn che đường đi. Đi tới khúc này, con Tư co như dựa sát vào nó, hai tay ôm cứng lấy vai nó hồi nào không hay, hàm răng con Tư đánh bò cạp hổn hển nói:
- Khúc này là khúc gò mả đó… đi lẹ lẹ lên…
Nói dứt câu là con Tư đi như muốn chạy làm thằng Ba lật đật bước thật gấp mới kịp chân con Tư. Cứ vừa đi vừa chạy lúp xúp như vậy chừng một đỗi thì con Tư nói:
- Gần tới nhà rồi đó.. êm êm nghe, đừng nói gì cả, má tui bả nghe là khổ đó…
Tiếng chó sủa vang rân trong xóm, con Tư đi từ từ lại, nó chỉ cây cao cách khoảng vài chục thước trước mặt rối nói:
- Nhà tui ở ngay dưới gốc cây xoài đó… một lát nữa tới cái giếng anh ngồi chờ tui ở đó, để tui vô nhà coi động tĩnh ra sao rồi tui ra tui kêu…
Con Tư dẫn nó tới một cái giếng gần cây xoài. Giếng này chắc có lẽ là giếng của xóm nên có mái che đàng hoàng, chung quanh giếng còn có tráng xi măng nữa. Chỉ gốc xoài gần đó, con Tư nói:
- Ngồi đó chờ tui nghe, đừng đi đâu loạng quạng chó sủa um sùm nghe… tui ra liền.
Nói xong con Tư biến vào trong bóng tối sau cây xoài rồi đi thẳng vào nhà… Nhà con Tư là một mái nhà tranh thật nhỏ, thấp lè tè… dưới ánh trăng mờ ảo coi nó thê thảm làm sao…
Khoảng năm mười phút sau con Tư từ trong nhà bước ra, tay ôm một cái bọc lớn, dáo dác nhìn chung quanh một hồi rồi nhanh nhẹn đi lại phía cây xoài. Không nói không rằng nó tiến tới nắm tay thằng Ba kéo đi:
- Đi theo tui, mình ra ngoài này ngồi nói chuyện…
Kéo thằng Ba đi một đỗi chừng vài trăm thước, con Tư ngừng lại một chòi chăn vịt bỏ trống… hai đứa vội vàng chui thật lẹ vào trong chòi ngay… Con Tư buông cái bọc trên tay xuống (thì ra đó là một cái mền) nó nhanh nhẹn trải ngay ngắn rồi kéo thằng Ba ngồi xuống:
- Ngồi xuống đây nghỉ đi… khát nuớc không ?
Thằng Ba không trả lời, hắn đảo mắt nhìn chung quanh chòi chăn vịt… Đây là một cái chòi bỏ hoang nằm chơ vơ một gò đất cao, chung quanh là ruộng lúa. Con Tư thấy nó im lặng không nói gì bèn thúc cùi chỏ vào hông nó hỏi:
- Bộ sợ sao cha, ở đây là nhà tui rồi, sợ gì nữa..
Nói xong nó đưa tay lay vai thằng Ba kéo lại gần, tư thế như sửa soạn muốn ôm… Thằng Ba có vẻ mắc cở, nửa như muốn cưỡng lại nửa như muốn thụ động… Thấy thằng Ba có vẻ nhát, con Tư chọc:
- Gì mà nhát vậy cha, bộ chưa quen con gái sao…
Quả tình thì thằng Ba cũng có run thật… đang nửa đêm nửa hôm dẫn nhau ra gò mả rồi dẫn ra giữa cánh đồng mênh mông thế này không ớn sao được. Hắn lừng khừng nói:
Ở đây thấy ghê quá à… có dân vệ hay lính tráng gì đi tuần không…
Ở đó mà tuần với không tuần, mấy cha đi coi hát về mệt giờ này ngủ mất tiêu rồi còn gì mà lo…
Thằng Ba ngồi một hồi đã bắt đầu tỉnh, nghe con Tư nói vậy hắn có vẻ yên tâm, hắn quay lại nhìn con Tư. Con Tư ngồi sát sạt nó, tóc xỏa xuống nhìn thật dễ thương, đôi mắt đang ngước nhìn nó như mời gọi…Hắn lấy hết can đảm đưa tay lên vuốt nhẹ trên mái tóc con Tư. Tư im lặng nghiêng hẳn về phía hắn, hai tay nhẹ nhàng ôm lấy vai thằng Ba. Máu trong người hắn nóng rần rần, như một phản xạ tự nhiên thằng Ba ôm ghì sát cổ Tư vào lòng. Mùi mồ hôi mùi da thịt của con Tư đã toát ra một mùi thật đặc biệt khiến thằng Ba ngất ngây…
Trăng ở bên ngoài càng về khuya càng sáng. Ở trong chòi, hồi đầu còn nghe những tiếng khua động, những tiếng thở… dần dần rồi im bặt luôn…
Văng vẳng từ trong xóm đã có tiếng gà gáy sáng, trăng đã xuống từ hồi nào… bình minh từ phương xa đã bắt đầu ló rạng…
Chương 4
Hình Phạt Của Cô Út
Giữa chòi vịt thằng Ba ngủ như chết, chẳng còn biết trời đất gì nữa thì bị con Tư lay gọi thức dậy.
- Sáng rồi về đi không người ta thấy đó…
Thằng Ba như sợi giây thung bung dậy, hắn vội vã đứng lên ngó dáo dác chung quanh, đưa tay dụi dụi hai con mắt còn cay sè vì thiếu ngủ… Trời bên ngoài còn mờ mờ, ánh sáng chưa đủ để nhìn thấy rõ mặt nhau. Con Tư nắm lấy tay nó dặn:
- Thôi về đi… tối nay mình gặp… nè nhớ đường về không đó? Cứ men men đường ruộng đó là về tới chợ…
Nhìn con Tư thật tình tứ rồi hắn bước ra khỏi chòi vịt. Trên đường về lác đác hắn đã gặp một số người ra ruộng sớm, mỗi lần gặp người, hắn làm bộ quay đi chỗ khác và bước thật lẹ.
Về tới rạp, người đầu tiên hắn gặp là cha Tám gác cửa. Thấy mặt hắn, Tám gác cửa làm mặt sần sượng:
- Ê thằng cà chớn, đêm qua mày đi đâu? Bộ mày ngon hả mậy? Mình tính chơi cha tao chắc…
Thằng Ba luýnh quýnh mặt tái lét trả lời không muốn nổi:
- Dạ… tui… tui có đi đâu… Tui vô xóm với mấy thằng chăn vịt mà anh Tám…
Được thể Tám gác cửa làm dữ:
- Mẹ, thằng sạo dễ sợ… tao thấy mày đưa con Tư đi mà…
Không có đâu anh Tám, tui đưa nó qua gò mả rồi tui đi về, tình cờ gặp mấy thằng cha chăn vịt, mấy chả cho ăn cháo rồi bắt nhậu, tui say tui đâu có về được… Không tin anh Tám hỏi con Tư coi…
Tám gác cửa mặt đằng đằng sát khí, trước khi quay lưng đi còn nói một câu đầy vẻ hăm dọa:
Coi chừng nghe con… lạng quạng khó sống nghe con..
Cả ngày hôm đó thằng Ba buồn hiu, hắn lo lắng quá chừng, không biết rồi thằng cha Tám gác cửa này sẽ làm gì đây. Bần thần nghĩ ngợi hoài, cuối cùng hắn đổ liều kiếm chỗ khuất trong rạp trải chiếu ngủ.
Làm một giấc no nê tới chiều, hắn thức dậy. Bụng cồn cào đói, hắn mò túi, thấy còn tiền bèn đi thẳng ra chợ kiếm cơm ăn. Bà hàng cơm thấy hắn ra, chẳng nói chẳng rằng lấy dĩa ra bới rồi đẩy dĩa cơm ra trước mặt hắn. Thằng Ba đang đói quất một hơi láng dĩa cơm ngay. Bà bán cơm thấy vậy hỏi hắn:
- Bộ mày qua nay không ăn sao mà làm dữ vậy? Nữa thôi? Bới nữa nghe…?
Thằng Ba đưa tay sua sua ra dấu thôi. Thấy cử chỉ của nó có vẻ lạ, bà bán cơm hỏi:
- Thằng Ba bữa nay mày sao vậy? Tao coi bộ mày có vẻ bệnh hoạn gì đó phải không?
Thằng Ba buồn buồn:
- Bệnh gì đâu mà bệnh… chán đời quá bà ơi…
Nói xong hắn trả tiền rồi đi về rạp.
Hắn vừa bước chân vô rạp thì gặp anh Chín đèn. Thấy hắn, Chín đèn nói:
- Nãy giờ mày đi đâu đó. Bà bầu kiếm mày đó…
Nghe ba bầu kiếm, hắn run quá… hắn nghĩ ngay trong bụng chắc cha Tám gác cửa thọc méc gì đây. Vừa nghĩ hắn vừa đi về phòng vé nơi bà bầu đang ngồi. Thấy hắn bước tới, bà bầu ngước mắt hỏi:
- Thằng Ba mày đi đâu mà tao kiếm hoài vậy mày…
Thấy nét mặt bà bầu bình thường không có dáng gì đáng e ngại cả, hắn bèn gãi đầu:
- Dạ con có đi đâu bà bầu, con ra chợ kiếm cơm ăn mà…
Bà bầu không nói không rằng móc túi lấy mười đồng đưa cho nó:
- Mày ra chợ kiếm trái cây tươi với bó bông đem về cúng bàn thờ cõ Út..
Thằng Ba cầm tiền thở cái khì rồi quay lưng đi.
Chợ chiều loe hoe vài chục người, kiếm hoài mới gặp được bà bán rổ mận tươi và mấy nhánh chuối xanh. Hắn mua ngay chục mận và một nhánh chuối. Tìm hoài không thấy ai bán bông, hắn bèn cầm chuối và mận về. Đi dọc đường về rạp, hắn nhìn thấy một cây trang đầy bông trong nhà kia, hắn đứng lại nhìn. Thấy có người ngừng lại, chó trong nhà sồ ra sủa um sùm. Một bà già từ trong nhà bước ra thấy hắn đứng đó bèn hỏi:
- Làm gì đứng trước cửa nhà tui cho chó sủa vậy?
Thằng Ba nắm ngay cơ hội:
- Thưa Bác con ở trong đoàn hát, bữa nay con ra chợ mua bông về cúng cô Út, ai dè chợ chiều không có bông, dám nào xin bác cho con ít nhánh bông trang đặng con đem về cúng cô.
Bà già chỉ cây bông:
Thiếu gì đó vô hái đi… khoan, để tao cột con chó đã…
Về tới rạp, tay ôm bó bông, tay ôm bịch trái cây, hắn định giao cho bà bầu, bà bầu lo bán vé chẳng nhìn gì nó nói:
- Đi rửa sạch sẽ, rồi đặt lên bàn thờ cô cúng…
Nghe vậy hắn ớn quá, hắn định nói hắn không dám làm, nhưng rồi nghĩ lại hắn nhớ cái vụ thằng cha Tám gác cửa nên lặng lẽ ôm đồ đi kiếm chỗ rửa.
Bưng dĩa trái cây và bó bông đặt trên rương đèn rối hắn kiếm cái ghế bắc trước bàn thờ. Lúc bưng dĩa trái cây bước lên ghế mà hắn run quá chừng, trong hậu trường giờ này đào kép nhân viên đang lo ăn uống nên vắng hoe…Đặt xong dĩa trái cây và cắm bó bông vào bình, hắn lè lẹ bưng ghế trả về chỗ cũ rối bước ra ngoài ngay.
Ra tới ngoài cửa rạp, hắn thấy khán giả đã bắt đầu bu trước phòng vé khá đông, đèn mặt tiền rạp đã bắt đầu sáng, các gánh chè gánh cháo đã bắt đầu rục rịch kê bàn dọn ghế.
Hắn đang lớ ngớ trước rạp thì Chín đèn từ đâu bước lại:
- Ê Ba, mày làm cái gì mà thằng Tám gác cửa nó mắng vốn tao quá vậy mày…
- Đâu có gì đâu anh Chín, chả khoái con Tư mía ghim, chả đòi con nhỏ, con nhỏ không chịu, con nhỏ lại hay đi kiếm em nên chả kiếm chuyện vậy mà… em có làm gì đâu.
- Mày coi chừng nghe Ba, thằng Tám không vừa đâu nghen…
- Dạ, em biết…
Nói xong Chìn đèn bước vô rạp… Thằng Ba vội vàng bước theo. Vô tới hậu trường, Chín đèn đi thẳng lại bàn thờ cô Út thắp nhang, thằng Ba đợi Chín đèn thắp nhang rồi cũng bước tới.
Đêm đó đoàn diễn vở “Tiếng Hạc Trong Trăng”, vì vở tuồng có nhiều màn đánh kiếm và có những cảnh sống động nên thằng Ba bật chớp đèn tắt không ngừng tay. Anh Chín luôn miệng hô nó bật cái này tắt cái kia, đập vô tấm thiếc làm sấm, xẹt điện vào nhau làm tia chớp… Trước những cảnh mưa gió sấm sét đó bà con chịu quá vỗ tay hoài hoài. Chín đèn thấy vậy kên kên nói với nó:
- Mày thấy không? Tao làm ánh sáng là không có cách gì mà đoàn nào theo kịp…
Thằng Ba nghe sư phụ nói vậy hắn cũng có vẻ kên kên và thầm phục sư phụ vô cùng.
Đêm đó bởi tuồng “Tiếng Hạc Trong Trăng” có vẻ hơi dài nên đoàn tan hát hơi trễ. Dọn đồ nghề xong xuôi, bước ra ngoài
hắn thấy các gánh chè gánh cháo gần như muốn hết thức ăn. Kiếm bà bán cháo quen, hắn tìm ghế ngồi xuống. Trong khi chờ múc cháo, hắn đảo mắt nhìn quanh kiếm con Tư. Trong bóng tối mập mờ ở bên hông rạp, hắn thấy con Tư đang đứng với Tám gác cửa. Không biết Tám nói gì mà thấy múa tay múa chân dữ lắm, Thỉnh thoảng thấy con Tư dợm đi, lại thấy Tám nắm tay kéo lại có vẻ dùng dằng…
Bà bán cháo để tô cháo trước mặt hắn, thấy hắn vẫn ngó đi đâu, bèn dục:
- Nè, cháo đó ăn đi ngó hoài à, muốn gì thì ăn no cái đã
Thằng Ba bị bắt quả tang đang nhìn trộm người khác thì có vẻ mắc cở, hắn chống chế:
- Kỳ quá ! Con gái ở đây kỳ quá bà ơi…
Nói xong, hắn không thèm nhìn nữa, cúi xuống múc cháo húp sùm sụp.
No nê xong hắn nhìn quanh quẩn chẳng thấy con Tư đâu nữa, buồn buồn hắn lủi thủi đi vào rạp kiếm chỗ ngủ.
Hôm nay hắn định trải chiếu chỗ ban nhạc, nhưng mấy tay ban nhạc đã chiếm mất chỗ rồi. Tính lui tính tới hoài, cuối cùng hắn ôm chiếu lên sân khấu trải kế bên chân giường của Chín đèn ngủ.
Vừa đặt lưng xuống chiếu chưa kịp ngủ, tai hắn bỗng nghe tiếng lao xao bên hông cánh gà phía sau sân khấu. Lắng tai nghe thiệt kỹ hắn nhận ra tiếng con Tư và Tám gác cửa đang xì xào. Lúc đầu còn nghe nho nhỏ sau hắn nghe rõ tiếng con Tư la: “Tui nói tui không chịu mà anh sao kỳ quá cứ ép tui hoài…tui la đó nghe…”Hắn ngồi nhổm dậy định đi về phía tiếng con Tư la nhưng rồi nghĩ ngợi sao đó hắn lại nằm xuống. Trong đêm khuya hắn nghe tiếng lao xao cự nự ở góc sân khấu càng lúc càng rõ… rồi sau đó tiếng con Tư khóc lóc… Hắn chịu không nổi, định bò dậy đi kiếm quản lý Bình đặng coi ông có cách gì cứu con Tư không? Hắn lồm côm định đứng dậy men theo sân khấu để ra cửa phía sau… bỗng hắn thấy gió từ phía hậu trường sân khấu lạnh buốt ù ù thổi thốc cả màn sân khấu lên, một thứ khí lạnh kỳ quái làm cho da thịt hắn tê buốt đi… Hắn dụi mắt nhìn ở phía góc bàn thờ cô Út mờ mờ ảo ảo một người bước về phía giữa sân khấu rõ ràng không có đầu… chân đi không đụng đất…Hắn chỉ kịp la lên một tiếng rồi té chúi nhủi xuống sàn sân khấu, vội vàng lồm cồm bò chạy xuống hàng ghế khán giả. Vừa lết hắn vừa nghe tiếng la tiếng thét của con Tư, của Tám gác cửa.
Cả rạp giờ phút đó đúng là náo loạn…
Chạy được ra tới ngoài gần giữa rạp hắn thấy quản lý Bình rồi bà bầu và rất nhiều người nữa nhốn nháo chạy về phía hắn hỏi han um sùm. Lúc đó lưỡi hắn như cứng lại chỉ còn biết ú ớ chỉ về phía sân khấu: “ Cô… ô…ô…Út trên sân khấu…” Mọi người như khựng lại không ai dám bước tới. Quản lý Bình đứng tại đó một hồi rồi thấy hắn ta bước thật chậm về phía sân khấu…
Không khí bên ngoài đã bớt chộn rộn, mọi người không ai bảo ai nhìn theo bước chân của quản lý Bình. Chân hắn càng gần sân khấu thì tiếng động bên ngoài càng im lặng, mọi người như nín thở theo từng bước hắn. Khi chân hắn còn cách sân khấu khoảng một mét thì bỗng từ trong sân khấu có tiếng con Tư la thất thanh, tiếng la giữa khuya nghe rõ mồn một: “Cứu tui với, bớ người ta! cứu tui với !”… tiếp theo tiếng la thất thanh đó là những tiếng rên xiết nghe thật ghê rợn… Bỗng từ bên trong sân khấu như có một sức nặng nào đó ập xuống cái màn và nguyên cả tấm màn nhung đứt giây hạ xuống sàn sân khấu, bên trong tấm màn bùng nhùng như có người đang dẫy dụa… Quản lý Bình vội vã bước lên sân khấu tìm cách gỡ tấm màn ra… Dưới ánh sáng mờ mờ của sân khấu lúc đó, Tám gác cửa như một cái xác không hồn. Tới lúc đó, không ai bảo ai cùng tiến về phía sân khấu, thằng Ba rón rén đi về phía hậu trường nơi có tiếng cầu cứu của con Tư lúc nãy…
Chân hắn vừa qua khỏi cánh gà thứ ba thì bỗng khựng lại, hắn la lớn: “Ông quản lý ơi ! Ghê quá, có người chết ở đây nè…”, la xong hắn dội ngược lại, mọi người cũng như muốn chạy theo hắn… Quản lý Bình la lớn: “Đừng chạy… đừng làm lộn xộn, đứng lại…” Tiếng la của quản lý Bình như một mệnh lệnh, mọi người cùng ngừng lại. Quản lý Bình bước tới
và thây ma nằm đó là con Tư bán mía ghim… Con Tư sóng soài trong tư thế nằm sấp, trên người không có mảnh vải. Quản lý Bình sau một giây do dự, hắn tiến lại lượm quần áo của con Tư phủ nhẹ lên người nó, rồi quay ra nói với bà bầu: “Bà bầu lại gần coi nó còn sống không…” Mới đầu bà bầu còn có vẻ e ngại sợ sệt nhưng sau bà mạnh dạn bước lại cầm tay con Tư và sờ trên mình nó, bà nói: “Chưa.. chưa chết… nó con thở, chỉ xỉu thôi à…Ai có có chai dầu cho tôi mượn đánh gió cho con nhỏ coi…” Sau một hồi bắt gió và dánh dầu nóng, con Tư tỉnh lại, nó mở mắt thấy mọi người bu xung quanh mà người lại trần truồng nên có vẻ cuống quít, hai tay ôm lấy ngực và co hai chân lên bụng như con tôm. Bà bầu thấy con Tư đã tỉnh, bèn quay lại nói: “Thôi xong rồi không sao cả, mọi người đi ngủ đi, đứng đây chi hoài vậy, con gái con lứa người ta mắc cở”.
Trong khi đó ở phía sau quản lý Bình đang còn cạo gió và giựt tóc mai cho Tám gác cửa. Tình trạng Tám gác cửa có vẻ trầm trọng hơn, người hắn lạnh tanh, miệng hắn bọt mép ứa ra nhìn thấy gớm… Hình ảnh hắn giống y như một người chết trôi vừa được vớt từ dưới nước lên.
Đánh gió một hồi thấy Tám gác cửa không nhúc nhích, quản lý Bình quay qua nói với bà bầu: “Coi bộ thằng này nặng chứ không phải chơi đâu, không biết ở đây có bác sĩ, y tá gì không?” Nói xong lão ứng dậy đi ra ngoài sân khâu, để mặc Tám gác cửa nằm đó.
Lần quầng chỗ Tám gác cửa nằm một hồi, thằng Ba thấy bà bầu dìu con Tư xuống sân khấu. Khi đi ngang chỗ nó đứng, nó thấy mặt con Tư xanh lét và bơ phờ, đầu tóc rối bù, nhìn thấy ghê. Không biết giờ phút đó con Tư có nhìn thấy hắn nữa không mà khi bước qua chỗ hắn, đầu cúi gập xuống.
Được một lúc sau, từ ngoài sân khấu quản lý Bình dẫn một người đàn ông bước vào, lão chỉ tay về chỗ Tám gác cửa nằm và nói: “Đó, ông y tá coi dùm nó ra sao, ông chích một mũi thuốc coi nó có tỉnh không.” Không nói không rằng, lão y tá mở túi đồ nghề lấy thuốc ra chích cho Tám một mũi. Khi kim chích từ tay gã y tá đâm vào da thịt Tám gác cửa thì người hắn như muốn dướn lên rồi từ từ hắn mở mắt… Hắn đưa hai tay dụi dụi mắt rồi lồm cồm bò dậy, mắt nhìn quanh c quất một hồi rồi chẳng nói một lời lặng lẽ bước xuống sân khấu đi ra ngoài rạp.
Lúc đó đêm hãy còn dài, đồng hồ mới chỉ khoảng 2 hay 3 giờ gì đó. Lui tới một hồi thằng Ba cảm thấy mệt bèn đi kiếm chỗ ngủ tiếp.
Sáng hôm sau hắn vừa thức dậy thì thấy bà bầu và quản lý Bình đang ngồi ở phòng vé bàn chuyện. Nhìn lối hai người nói chuyện, thằng Ba thấy có vẻ quan trọng, hắn tìm cách lảng đi chỗ khác. Vứa dợm bước đi vài bước thì hắn nghe tiếng quản lý Bình gọi: “Thằng Ba, mày đi đâu đó, kêu Chín đèn lại đây coi..” Thằng Ba dạ dạ rồi đi quành ra phía sau sân khấu kiếm Chín đèn. Lòng vòng một hồi hắn gặp Chín đèn đang ngồi uống cà phê ở quán cô Liên sau rạp. Chín đèn nghe quản lý Bình kêu bèn lật đật đứng dậy đi ngay. Thằng Ba móc túi thấy còn tiền bèn kéo ghế ngồi xuống gọi café uống. Bưng ly café đặt trước mặt hắn, cô Liên cúi xuống hỏi nhỏ nó: “Bộ hồi hôm mày thấy cô Út cụt đầu hiện về hả?” Thằng Ba nghe cô Liên hỏi vậy hắn ú ú ớ ớ định nói thấy, rồi nghĩ sao hắn bỗng nói: “Có gì đâu, hồi hôm tui sợ tui la vậy thôi, chớ có thấy gì đâu… Chắc cha Tám gác cửa thấy.” Cô Liên mặt có vẻ quan trọng: “Cô hiện ra hoài… Gánh hát nào mà trai gái lộn xộn trong sân khấu là thế nào cũng bị cô vật..” Cô Liên đang định nói thêm nữa với nó thì Chín đèn đã từ trong rạp ra nói: “Bà con ơi về rạp đi… trưa nay dọn qua Sóc Trăng…” Thằng Ba nghe tin dọn gánh lòng nó bỗng buồn hiu, nó phân vân quá không biết tình trạng sức khỏe của con Tư mía ghim bây giờ ra sao.
Giữa trưa nắng chang chang, đoàn xe của gánh hát từ từ rời khỏi thị trấn Bãi Sào… Trên xe chở phông màn, thằng Ba ngồi buồn so, mắt hướng về xóm xa xa, nơi có cây sao xoài mọc cao và xanh rờn quá vùng nghĩa địa. Cái chòi vịt bỏ hoang chìm lỉm đâu đó trong ruộng lúa xanh rì bát ngát….
Nhật Ngân
No comments:
Post a Comment