Tuesday, January 24, 2012

NHẠC SĨ NHẬT NGÂN VÀ HỒN NƯỚC - Đỗ Thái Nhiên


           
Thông thường, quan hệ giữa chữ và nghĩa là quan hệ thống nhất. Chữ nào thì nghĩa đó. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, chữ và nghĩa lại rơi vào tình huống tuy gần mà xa, tuy xa nhưng cũng rất gần. Mỗi lần phải đối diện với trạng thái xa xa gần gần vừa kể, con người tỏ ra vô cùng bối rối trong việc sử dụng ngôn ngữ để trao đổi tư tưởng. Người phương Tây giải quyết bối rối kia bằng kiểu nói xoáy vào trọng tâm của sự việc: nói duy lý.<!-- Read more -->Thế nhưng duy lý làm cho nghĩa của chữ trở nên khô cứng và bó hẹp. Người phương Đông giải quyết bối rối kia bằng kiểu nói tượng. Nói tượng là phương pháp diễn đạt tư tưởng không bằng một số ngôn từ trực tiếp mà bằng cả một câu chuyện, một dòng âm thanh, một chuỗi màu sắc... “Người nghe” tiếp nhận những vui buồn trong câu chuyện, những nhanh chậm trong âm thanh, những sáng tối trong màu sắc... sẽ cảm nghiệm được những gì “người nói” muốn phô diễn. Ở vào trường hợp nói tượng được du nhập vào thế giới ca nhạc, chúng ta có những bài hát tượng. Bây giờ, kính mời bạn đọc thưởng thức một bài hát tượng của nhạc sĩ Nhật Ngân.
            I.- Hát tượng.
            Yêu quê hương là tình cảm tự nhiên của mỗi người. Sau thời gian sống ly hương, không ai không muốn quay về. Quay về để thăm lại bè bạn cũ, người yêu xưa. Quay về để được đi đứng cười nói trong một thành phố đầy ắp kỷ niệm tuổi học trò. Thế nhưng, đối với Nhật Ngân, ngày nay trên quê hương Việt Nam, “... em ở xa quá xa... bạn trôi nổi khắp nơi... đâu còn ai nơi đó...” :
            “Vẫn biết em ở xa quá xa, vẫn biết em chẳng còn nơi đó, nhưng sao tôi vẫn muốn quay về thăm Đà Nẵng một thời yêu thương.
               Vẫn biết bạn nổi trôi khắp nơi, vẫn biết đâu còn ai nơi đó, nhưng sao tôi vẫn muốn quay về, thăm thành phố một trời yêu thương.
               Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi! Nơi cho tôi những mơ mộng đầu đời. Nơi cho tôi hạnh phúc tình lên ngôi, Phan Châu Trinh đón đưa chiều tan trường, ai nỡ đành vội vàng sang sông.
               Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi, mưa rơi rơi ướt bao chiều kỷ niệm, em thơ ngây Hồng Đức của tôi ơi! Đôi môi xinh biết bây giờ phương nào, nay có còn nụ cười năm xưa?
               Tuy cách xa mà đâu thấy xa, trong trái tim tình tôi vẫn đó, nơi phương xa tôi vẫn mơ về, ôi Đà Nẵng một trời yêu thương.”
                                                   (Vẫn Mơ Về Đà Nẳng. Nhạc và lời: Nhật Ngân)
            II.- Gỉai thích tượng.
             Như vậy, quay về chỉ là quay về với quê hương trống rỗng. Do đâu quê hương trở thành trống rỗng? Trả lời câu hỏi vừa nêu chúng ta không thể không nhắc tới những vết hằn của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Những vết hằn kia là tác hại của hai đại họa.
 
            _ Đại họa kinh tế:
    Từ 1975* đến 1990  do chính sách cai trị hà khắc và nghèo nàn văn hóa, đảng CSViệt Nam đã đẩy kinh tế Việt Nam xuống đáy của nghèo đói. Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này có tên là “kinh tế bo bo”. Bo bo thay lúa gạo là sự kiện đương nhiên và bình thường. Chén cơm trắng xuất hiện trên bàn ăn là sự kiện bất bình thường, là dấu hiệu của tư sản, có thể bị “đảng” đánh.
    Từ 1990 cho đến ngày nay (2012), CSViệt Nam quyết định từ bỏ kinh tế CS, chạy theo kinh tế thị trường. Nhờ vậy kinh tế Việt Nam được quốc tế nhìn nhận là “phát triển với tốc độ cao”.
    Tuy nhiên, mức độ thịnh suy của một nền kinh tế không thể được xác định một cách đơn giản bằng những con số trên giấy tờ. Muốn biết kinh tế của một quốc gia thịnh hay suy, “người quan sát” phải nhìn vào cái áo người dân mặc, chén cơm người dân ăn, nhà thương người dân chữa bệnh, trường học người dân thọ giáo. Người dân ở đây phải là nông dân: 90% dân số Việt Nam theo nghề nông. Những điều “nhìn vào” vừa nêu xác nhận: Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Lợi nhuận có được do kinh tế phát triển đều trở thành tài sản riêng của “đảng tư sản đỏ”. Người dân vẫn tiếp tục nghèo đói, tiếp tục ngụp lặn trong đại họa kinh tế.
 
          
  _ Đại họa văn hóa: từ 1975* đến 1990, CSViệt Nam tôn xưng văn hóa Marx Lenine là “văn hóa mới”. Nhà cầm quyền Hà Nội triệt tiêu văn hóa dân tộc, buộc văn hóa dân tộc phải nhường ngôi cho “văn hóa mới”. Hàng triệu người dân không ai được tự xưng là hoặc được gọi là “Bác”. Chỉ có ông Hồ mới là “Bác”. Chú công an 18 tuổi nói chuyện với  ông cụ 80 tuổi, vẫn xưng “anh anh tôi tôi” một cách rất “văn minh” Mọi nghi thức thờ tự, cúng giỗ đều bị đồng hóa với mê tín dị đoan. Đám cưới gọi là “lễ tuyên hôn” do đảng chủ trì, cha mẹ đôi bên có mặt hay vắng mặt không thành vấn đề. Văn học nghệ thuật của miền Nam trước 1975 bị kết án là đồi trụy. CSViệt Nam tìm đủ mọi phương cách giúp cho văn học nghệ thuật của “văn hóa mới” được mở rộng và bay cao với điều kiện là những cao và rộng kia không được phép vượt ra ngoài cái lồng chim của tư tưởng “Như có Bác Hồ trong ngày vui giải phóng”!   “Văn hóa mới” dành hai chữ lao động cho riêng những người đốn gỗ trên rừng, đào đất ngoài ruộng. Nhóm chữ  “lao động trí thức” chỉ là một thuật ngữ rỗng tuếch, vô nghĩa. Vì vậy, đối với giới văn nghệ sĩ, CSViệt Nam tùy nghi: nay quyết trói, mai cởi trói. Giữa trói và không trói là tiếng thơ nửa như bông đùa, nửa như phẩn hận:
               “Đù mẹ cây bông!
                Mày không lao động !
                Đéo cho mày trổ bông!”
                             ( Thơ Nguyễn Đức Sơn - Sao Trên Rừng )  
            Đầu thập niên 1990 do nhu cầu phải đầu hàng kinh tế thị trường tự do để sống còn, CSViệt Nam không còn nói tới “văn hóa mới” nữa. Thay vì trở về với văn hóa dân tộc, đạo đức dân tộc, CSViệt Nam đã di chuyển từ “văn hóa mới” qua “văn hóa cướp nhà, cướp đất của nhân dân”, “văn hóa bằng giả”, “văn hóa tham ô, nhũng lạm đằng sau tấm bảng bí mật quốc gia”, “văn hóa lường gạt là khôn ngoan, lương hảo là dại khờ”...
            Đại họa kinh tế và đại họa văn hóa đã làm cho đời sống nhân dân trở nên cực kỳ nghèo khó. Nghèo cơm áo. Nghèo đạo đức. Nghèo tình người. Nghèo tự do dân chủ. Người đời thường nói “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” nhưng “đồng nghèo triệt để và toàn diện” kiểu nhân dân Việt Nam ngày nay, quê hương trở nên trống rỗng, con người trở nên vô cảm. Thế nào là vô cảm? Bùi Giáng diễn tả thế giới vô cảm bằng hai câu thơ, lời lẽ rất nhẹ nhàng nhưng hàm chứa cả một tâm tình tan nát trước cảnh “người Việt đói” quay lưng lại với “người Việt rách” :        
            “Những tưởng đầu đường thương xó chợ,
              Ai ngờ xó chợ chẳng thương nhau.”                                                            
                                                                  (Bùi Giáng)
            Không muốn nghĩ tới nỗi buồn xó chợ, Nhật Ngân cất tiếng hát:
            “Vẫn biết em ở xa quá xa, vẫn biết em chẳng còn nơi đó...
             ... Vẫn biết bạn nổi trôi khắp nơi, vẫn biết đâu còn ai nơi đó...”
             Tại sao biết trước là “quay về” sẽ phải đối diện với cô đơn nhưng Nhật Ngân vẫn quyết tâm quay về? Đi tìm nguyên nhân “quay về” tức là đi tìm mối quan hệ giữa quê hương và cá nhân của mỗi người dân. Quê hương là một thực thể được ra đời do sự kết hợp của ba thành tố:
            _ Thành tố tự nhiên của quê hương bao gồm: đất, nước, núi, sông, mưa nắng, lúa gạo, hoa quả...
            _ Thành tố tư tưởng của quê hương hàm chứa bên trong hình tượng Rồng Tiên, đạo đức truyền thống, ca dao, tục ngữ, phong tục tập quán, lịch sử dựng nước và giữ nước...
            _ Thành tố xã hội của quê hương thể hiện bằng đường xá, cầu cống, phố thị, quan hệ giữa nhà cầm quyền và quần chúng, tinh thần xã thôn tự trị, ý thức về công lý, tính linh động trong ngôn ngữ, phong cách pha chế ẩm thực...
             Ba thành tố nêu trên thường hằng quấn quyện vào nhau cả về tinh thần lẩn thể chất, nương vào nhau để cùng tồn tại, nương vào nhau để tạo thành quê hương Việt Nam. Từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đến cá nhân mỗi chúng ta không ai là không được sanh ra, được nuôi dưỡng và giáo dục bởi ba thành tố tạo thành quê hương. Mỗi người là một tổng hợp của tự nhiên, tư tưởng, xã hội. Mỗi người là một chi thể của quê hương lớn. Mỗi người là một quê hương nhỏ. Quan hệ giữa quê hương lớn và quê hương nhỏ là quan hệ song phương xoay chiều trên cả hai mặt tâm hồn lẫn thể xác. Sự thể này giải thích sức cuốn hút của quê mẹ đối với con dân. Sức cuốn hút kia chính là Hồn Nước. Hồn nước là cội nguồn tâm lý của thái độ quay về. Hồn Nước là gốc rễ của cảm hứng để Nhật Ngân chuyển thành lời nhạc:
            “Tuy cách xa mà đâu thấy xa. Trong trái tim tình tôi vẫn đó...”
                                                                                         (Vẫn Mơ Về Đà Nẵng - Nhật Ngân)
                “Tuy cách xa mà đâu thấy xa”, tuy nhiên, quay về với quê mẹ, lòng vẫn thấy ấm  hơn. Thế nhưng lòng chưa kịp ấm, tim đã đau nhói trước tình huống “xó chợ chẳng thương nhau”. Nhật Ngân đã tự chữa bệnh nhức tim do tác động của vô cảm bằng cách mơ về một quá khứ xa xăm, trong đó tình người, tình đồng bào xôn xao cùng với nắng ấm:
                Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi! nơi cho tôi những mơ mộng đầu đời. Nơi cho tôi hạnh phúc tình lên ngôi. Phan Châu Trinh đón đưa chiều tan trường, ai nỡ đành vội vàng sang sông.
                 Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi, mưa rơi rơi ướt bao chiều kỷ niệm, em thơ ngây Hồng Đức của tôi ơi! đôi môi xinh biết bây giờ phương nào, nay có còn nụ cười năm xưa?”
                                                                                           ( Vẫn Mơ Về Đà Nẵng _ Nhật Ngân )
                Quá khứ là “nụ cười năm xưa”. Hiện tại là đôi mắt vô cảm ở “xó chợ”. Vậy thì tương lai sẽ đi về đâu? Chân lý hằng cửu đã khẳng định:Tĩnh là ổn định. Động là bất ổn định. Động bao giờ cũng tìm về tĩnh. Giông bão bao giờ cũng trở về với mưa thuận gió hòa. Vô cảm sẽ phải tìm lại tin yêu. Tin yêu chỉ có thể nẩy mầm và phát triển trên miếng đất công bằng và ổn định. Biến tư tưởng công bằng và ổn định thành sinh hoạt hiện thực của xã hội chính là nổ lực làm cho tự do dân chủ phải thăng hoa trên quê mẹ. Hồn nước hối thúc muôn dân về với quê mẹ không phải chỉ để muôn dân nhìn nhau trong vô cảm. Do đó, trong tận cùng của tâm tình  “quay về” là ươc mơ nồng cháy  dành cho một Việt Nam tự do dân chủ. Đó là trọn vẹn nội dung tinh tế mà nhạc sĩ Nhật Ngân muốn bộc bạch bằng kiểu hát tượng trong câu chuyện “Vẫn Mơ Về Đà Nẵng” vậy.
                                                                         Đỗ Thái Nhiên

No comments:

Post a Comment