Sunday, May 5, 2013

SINH HOẠT ÂM NHẠC TẠI THÀNH PHỐ CỔ HỘI-AN TRONG THẾ KỶ XX - Phương Duy TDC



Bài viết của: PHƯƠNG-DUY TDC.
Tôi sinh ra tại một thành phố nhỏ trên dãi đất chữ S của nước Việt Nam mà địa danh là một tên gọi theo tiếng ngoại quốc thật là kỳ lạ.
Người Pháp (thực dân) chỉ chọn đặt tên riêng cho hai thành phố của Việt Nam  là “Ville de Tourane” và “Ville de Faifo” để gọi nơi tôi sinh ra.  Cho đến gần cuối năm 1945, hai thành phố này mới được mang tên Việt: Tourane trở thành Thái Phiên, sau đổi thành Ðà Nẵng. Ville de Faifo đổi thành Hội An, rồi thị xã Hội An, xã Hội An và nay mang tên thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam .
Thập niên 1940’s, thành phố mang tên Tây Faifo được một nhạc sĩ người Việt gốc Hoa là La Hối (tên thật La Doãn Chánh) sinh năm 1920  thành lập HỘI HIẾU NHẠC THÀNH PHỐ FAIFO  đầu tiên mang tên La Société Philharmonique de Faifo, mà ông là Sáng Lập Viên kiêm  Hội Trưởng.
 Hội viên là các nhạc sĩ trẻ tại địa phương như Lê Trọng (tức Lê Trọng Nguyễn sau này), Dương Minh Ninh, Lan Ðài, Hồ Vân Thiết, Huỳnh Phụng, Dương Minh Hòa, Trương Ðình Quang, Vương Quốc Mỹ. . . còn nhiều vị nữa mà tôi không nhớ tên, đã sáng tác nhiều nhạc phẩm, đã in ấn và phổ biến rộng rãi trong thập niên 50's-70's tại Việt Nam
.<!-- Read more -->
Hàng tuần, các nhạc sĩ trong hội tổ chức những buổi hòa nhạc miễn phí để giúp vui bà con trong thành phố rất bé nhỏ này. Ban nhạc chỉ gồm có một piano, một accordéon,  hai violons, một saxophone, một clarinet, vài guitares, banjo, banjo alto, mandoline, contre-basse và dàn trống….” toàn cây nhà lá vườn” (một nhạc sĩ sử dụng 2 hay 3 nhạc cụ thay đổi để đỡ nhàm chán thính giả).
Nhạc khúc trình tấu mở đầu luôn luôn là nhạc phẩm LE PRINTEMPS ET LA JEUNESSE của nhạc trưởng LA HOY (xem như nhạc hiệu của ban nhạc) 
Vì trong ban nhạc, các nhạc công đang được nhạc sĩ LA HỐI hướng dẫn nhạc lý, hòa âm và sáng tác ca khúc cũng chưa có tác phẩm nào nên ban nhạc hòa tấu những nhạc phẩm tây phương thịnh hành thời đó như Beau Danube Bleu, One Day When We Were Young, Princesse Zardas, Serenata, Ave Maria, Serenade de Schubert, Come Back to Sorriento, Flots du Danube, Tango Chinois, cùng một số  nhạc Trung Hoa, Nhật bản thịnh hành… vân vân.
          Thời còn trẻ tôi rất thích đi nghe hòa tấu của các nhạc sĩ trong ban nhạc  của nhạc sĩ La Hối, sau đó tiếp tục nghe nhạc ở Saigon và Huế trong thập niên 50's - 60's.  Đa số những bản nhạc từ Tây phương như nhạc của gia đình Strauss, nhạc của Chopin, Schubert, Schuman. Mãi đến thập niên sau 1950’s mới nghe nhiều ca khúc gọi là Tân Nhạc Việt Nam (sau 1954 khi nhiều nhạc sĩ, ca sĩ từ ngoài Bắc di cư vào Nam).
Ðầu thập niên 1950’s đọc báo chí từ Hồng Kông gửi sang, tôi rất vui khi biết tin bản nhạc “Le Printemps Et La Jeunesse” của nhạc sĩ La Hoy được thính giả Hồng Kông yêu cầu nhiều nhất và số dĩa nhựa bán ra cho thính giả các nước Á Châu có Hoa Kiều trú ngụ tăng lên rất cao. Khi sáng tác, tác giả đặt tên nhạc khúc bằng tiếng Pháp mà lời ca được thi sĩ Diệp Truyền Hoa viết bằng tiếng Hoa, tên là Thanh Niên Dữ Xuân Thiên (về sau ông này làm giáo sư Hoa ngữ tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn). Nhờ nhạc có nét Tây Phương và lời bằng tiếng Trung Hoa, nên người Trung Hoa hiểu và thích.
     Năm 1946, đoàn ca vũ nhạc kịch Anh Vũ từ thủ đô Hà Nội đi lưu diễn các tỉnh miền Trung, Nam Việt Nam. Sau khi trình diễn tại Huế, đoàn trực chỉ Hội An. Mặc dù lúc đó Hội An đang bị mưa to gió lớn ngập lụt dâng cao quốc lộ số 1 từ Đà Nẵng vào Hội An.
       Đoàn Anh Vũ được sự giúp đỡ tận tình của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và một số thanh niên tại Hội An nên đoàn văn nghệ vẫn đến được Hội An để trình diễn vở kịch Tục Lụy của nhà văn Khái Hưng do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết nhạc.
      Ông Võ Đức Diên là trưởng đoàn và trong đoàn có thi sĩ Thế Lữ (và vợ là Song Kim, một nữ kịch sĩ có tài), nhạc sĩ Văn Chung, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và một số ca kịch sĩ nữa tháp tùng.
Khi đến thành phố Hội An, các nhạc sĩ đồng hành với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát muốn liên lạc với nhạc sĩ La Hối. Đến nơi mới biết La Hối không còn nữa.
Gia đình cố nhạc sĩ La Hối cho biết: “Ngày 1 tháng Tư, năm 1945, La Hối và 9 đồng chí bị Nhật bắt giam vài tháng trước đó, đã đem ra xử chém tại núi Phước Tường, gần phi trường Đà Nẵng và chôn chung một hố”. 
             La Hối (1920-1945) khi bị xử tử mới có hai mươi lăm tuổi. Ông đang yêu đời, yêu nước, và đang sáng tác một số tình ca và nhạc khúc hùng mạnh chống phát xít Nhật.
           Thi sĩ Thế Lữ xin phép gia đình họ La để đặt lời ca cho nhạc phẩm Le Printemps et la Jeunesse, thành lời ca tiếng Việt “Xuân và Tuổi Trẻ”
          Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát soạn hòa âm, nhạc sĩ Văn Chung soạn vũ điệu, Thế Lữ đạo diễn.
           Thế là nhạc khúc Xuân Và Tuổi Trẻ của cố nhạc sĩ La Hối được cất cao giọng hát bằng tiếng Việt lần đầu tiên tại nhà hát Phan Hương trên đường Minh Hương, thị xã Hội An. Về sau chính trên khu đất này, một hý viện hiện đại 1200 chỗ ngồi do thân phụ tôi dựng lên để thay thế nhà hát cũ, đó là hý viện Phi Anh, khi tên đường đổi thành Phan Châu Trinh.
Nhờ có lời ca bằng tiếng Việt, nhạc khúc Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối được cộng đồng người Việt ưa thích nên đem phổ biến rộng rãi từ ngày ấy và chúng ta hát hiện nay mỗi khi xuân về cùng với Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Ðến cuối thập niên 1950’s nhạc phẩm Nắng Chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn lại được nhiều người Hoa và người Nhật thích nên họ tự động đặt lời ca bằng tiếng Hoa cho ca sĩ Kỷ Lộ Hà hát, tiếng Nhật cho ca sĩ Midori Satsuki hát.
Khi đến trình diễn tại Saigon và Đà Nẵng một vị đại diện ban tổ chức mới gặp đươc tác giả Nắng Chiều bèn xin phép được phổ biến các lời ca này.
Thời gian này, tôi dạy học cùng trường trung học Nguyễn Duy Hiệu tại Quảng Nam với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn nên có dịp hỏi nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn về thù lao tác quyền. Anh Lê Trọng Nguyễn cười: “Chẳng có xu teng nào nhưng ‘moa’ vui vì họ phổ biến và thích nhạc của ‘moa’, như vậy là quý rồi!”
Tôi hỏi tiếp một câu nữa: “Anh Nguyễn có đọc và hiểu lời ca họ viết bằng Hoa Văn và Nhật Bổn Ngữ không?”
Anh Lê Trọng Nguyễn cười và nói: “Có ai thông dịch ra tiếng Việt đâu mà ‘moa’ hiểu. ‘Moa’ chỉ cần thính giả người biết tiếng Hoa, tiếng Nhật nghe, còn Nắng Chiều tiếng Việt hay Evening Sunshine thì đã có người hát và hiểu rồi!”
Được vui khi biết ca khúc Việt Nam mà được phổ biến ở ngoại quốc. Nhưng ca khúc bị hạn chế bởi lời ca. Nếu thính giả ngoại quốc không hiểu lời ca thì nhạc khúc cũng chẳng ai biết nếu không có giai điệu thật quyến rũ.
Vì thế nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và tôi nghĩ đến nên sáng tác những nhạc khúc không lời để hy vọng phổ biến rộng rãi hơn.

II- GIỚI THIỆU VÀI NHẠC SĨ TIÊN PHONG TẠI ĐỊA PHƯƠNG

NHẠC SĨ LA HỐI (1920-1945)


Nhạc sĩ La Hối tên thật là La Doãn Chánh, sinh năm 1920 tại Faifoo (thành phố Hội An).
Ông là người Hoa gốc Quảng Đông (Trung Hoa).
Họ LA là một đại gia Hoa kiều đa số lập nghiệp trên đường Rue des Cantonais (Phố Quảng Đông), sau này đổi thành đường Nguyễn Thái Học, như nhà buôn La Thiên Thái, La Thiên Ba, La Thiên Hòa, La Ngọc Anh tại phố cổ Hội An và La Hoài, đường Gia Hội tại Huế.
Gia đình cha mẹ tôi sống cùng dãy phố bên cạnh các gia đình họ La đó.
Năm 1936-1938, La Hối vào Saigon để học tiếp văn hóa Trung  Hoa bậc Cao Trung và đồng thời trau dồi thêm âm nhạc cổ điển Tây phương và  sáng tác. Ông sử dụng thành thạo guitare, accordéon và piano.
Về lại địa phương ông thành lập Hội Hiếu Nhạc Hội An (La Société philharmonique de Faifoo) mà ông là hội trưởng sáng lập.
 Ông tiếp tục hướng dẫn các nhạc sĩ trẻ tại địa phương như Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài, Dương Minh Ninh, Hồ Vân Thiết, Trương đình Quang... trong lĩnh vực hòa âm, sáng tác âm nhạc.
Theo nhiều người trong gia đình họ La cho biết, khi La Hối đi dạy nhạc, ông đã yêu một cô giáo dạy dương cầm. Tình yêu này đã thúc đẩy ông sáng tác một số tình khúc để riêng tặng người yêu. Và chỉ có người bạn gái này mới giữ đủ nhạc phẩm do La Hối sáng tác. Gia đình họ La chỉ biết và giữ một vài ca khúc của La Hối trong số này có nhạc phẩm Le Printemps et la Jeunesse (đầu đề bằng Pháp ngữ và một người bạn Hoa kiều họ Diệp đặt lời ca bằng Hoa ngữ Thanh Niên Dữ Xuân Thiên).
Riêng cô giáo dạy dương cầm, vì chiến tranh xảy ra từ sau 1945 đến 1975, nên gia đình họ La không còn nhớ tên và mất liên lạc với cô này để xin ghi chép lại các sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ La Hối. Vì thế xem như tuyệt bản sau khi nhạc sĩ La Hối mất sớm (mới ngoài 25 tuổi).
Thập niên 40, quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản với chủ trương Đại Đông Á đã xâm chiếm Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam và một số quốc gia ở Đông Nam Á, La Hối là một thanh niên Trung Hoa yêu nước đã tham gia vào phong trào chống Phát Xít Nhật Bản. Ông là người đứng đầu một nhóm Hoa kiều tại Việt Nam theo Trùng Khánh (phe Thống Chế Tưởng Giới Thạch) trong Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Đây là một đảng bộ lớn ở hải ngoại hoạt động tại Hội An và khắp Việt Nam. Hoạt động chống Nhật Bản tại địa phương có nhiệm vụ theo dõi tình hình điều quân, chính trị, văn hóa Nhật. Các đồng chí của ông kẽ biểu ngữ, in và phân phát truyền đơn chống Nhật Bản, phá hoại các nơi Nhật Bản đồn trú, phá kho lương thực, đầu độc các con ngựa chiến mà các sĩ quan Nhật Bản cưỡi để thị oai...
Theo một vài cựu đồng chí người Hoa tiết lộ, “nhạc sĩ La Hối đã dùng mấy notes nhạc trong phần dạo khúc mở đầu (introduction) của nhạc phẩm Thanh Niên Dữ Xuân Thiên: là là là là, là là là rê, là là là mí, là là lá fá, là là là sól, là là là lá sól mi đô là, sót mi rề làm mật khẩu liên lạc công tác.”
Hiến binh Nhật Bản đã theo dõi và phát hiện những hoạt động của phong trào chống Nhật này.
Và ngày 1 tháng Tư, năm 1945, La Hối và 9 đồng chí bị Nhật bắt giam vài tháng trước đó,gồm có: La Doãn Chánh (La Hối), Lâm Kiến Trung, Thái Văn Lễ, Tạ Phúc Khương, Lương Tinh Tiêu, Vương Thanh Tùng, Trình Duy Huấn, Trịnh Yến Xương, Lâm Bình Hoành và Kim Bính Bồi không ngờ bọn quân phiệt Nhật Bản độc ác đem ra xử chém tại núi Phước Tường, gần phi trường Đà Nẵng và chôn chung một hố.
Các nhạc phẩm mà nhạc sĩ LA HỐI đã sáng tác, người thân trong gia đình phải tẩu tán sợ liên lụy, hy vọng sau thời gian giam cầm ông được trả về  sẽ ghi lại nhưng nhạc sĩ La Hối đã hy sinh.
Vì thế không còn tìm thấy nhạc phẩm nào của ông trừ bản nhạc LE PRINTEMPS ET LA JEUNESSE và lời bằng Hoa ngữ THANH NIÊN DỮ XUÂN THIÊN do thi sĩ Diệp Truyền Hoa đặt lời ca thi sĩ còn cất giữ.
Sau khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh, Ngũ bang Trung Hoa Lý Sự Hội ở Hội An cải táng 10 liệt sĩ Trung Hoa này tại nghĩa trang Thanh Minh (ngoại ô thành phố Hội An), lập Kỷ niệm đài để người dân địa phương không phân biệt Việt Nam hay Hoa kiều đến viếng mộ các chiến sĩ kháng Nhật.
Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc TƯỞNG GIỚI THẠCH truy tặng 10 Liệt Sĩ này bốn chữ “ DÂN TỘC CHÍNH KHÍ “ để tuyên dương sự hy sinh kháng Nhật.
.NHẠC SI LÊ TRỌNG NGUYỄN (1926 – 2004)
     
                                                  Nhạc sĩ LÊ TRỌNG NGUYỄN

Nhạc sĩ LÊ TRỌNG NGUYỄN sinh ngày 1 tháng 5 năm 1926 tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông qua đời ngày 9 tháng 1 năm 2004 tại Nam California.
Lúc còn trẻ, ông ra Hà Nội đi học, sau trở về Hội An được nhạc sĩ LA HỐI hướng dẫn nhạc lý, hòa âm căn bản, sau đó ông tự học nhạc qua các sách nhạc lý viết bằng tiếng Pháp tại các thư viện trong nước, cuối cùng ông ghi tên theo học hàm thụ âm nhạc cours Universelle tại Paris, Pháp trong nhiều năm. Ông là hội viên hội S.A.C.E.M (Société  des Auteurs, Compositeurs et Éditeurs de Musique) Hội những Tác giả, Nhạc sĩ sáng tác và Nhà Xuất bản Âm Nhạc  tại Pháp.
Ông là cựu giáo sư âm nhạc trường trung học Nguyễn Duy Hiệu tại Quảng Nam (1959-1962)
Một vài sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn (xếp theo A,B,C):

-BẾN GIANG ĐẦU (còn có tên NẮNG CHIỀU II)
-CÁNH NHẠN BAY QUA
-CHIỀU BÊN GIÁO ĐƯỜNG
-CHIM CHIỀU KHÔNG TỔ
-CUNG ĐIỆN BUỒN
-ĐỪNG QUÊN NHAU
-KHI BÓNG ĐÊM VỀ (còn có tên QUÁN NỬA KHUYA)
-LÁ RƠI BÊN THỀM
-LET’S COME CLOSER
-LỜI VIỆT NỮ
-MÀU TÍM HOÀNG HÔN
-NẮNG CHIỀU
-NGÀY MAI TRỜI LẠI SÁNG
-NGUYỆN CẦU
-NHÌN BIỂN BƠ VƠ
-NHỚ THU HÀ NỘI
-SAO ĐÊM
-SÓNG NƯỚC VIỄN PHƯƠNG
-THUYỀN LÃNG TỬ
-TÌM NƠI EM
-TRĂNG LẠI SÁNG
Vân vân…
Ông cũng đã viết một số nhạc không lời (musique sans parole)…và một vài bản thảo sách dạy âm nhạc và sáng tác ca khúc.

NHẠC SĨ DƯƠNG MINH NINH

                         
    
                                              Nhạc sĩ DƯƠNG MINH NINH

Nhạc sĩ DƯƠNG MINH NINH sinh tại Hội An
Nhạc phẩm đã in ấn (Nhà xuất bản TINH HOA)
 -GẤM VÀNG
-ĐƯỜNG CHIỀU
Vân vân…


NHẠC SĨ LAN ĐÀI (1926  -1982 )

Nhạc sĩ LAN ĐÀI tên thật là NGUYỄN KIM ĐÀI sinh năm 1926 tại HỘI-AN, QUẢNG-NAM.
Ông qua đời tháng 3 năm 1982 tại Long-Hương, Bà-Rịa.Mộ phần an tang tại Nghĩa trang giáo xứ Long Hương, Bà Rịa.
Trong những năm 1946-47 khi Việt Minh  kháng chiến chống Pháp, Lan Đài bị kẹt ở vùng chiến khu Nam Ngãi Bình Phú nên phải tham gia hoạt động văn nghệ ở Liên khu V cùng với các nhạc sĩ đồng cảnh ngộ như Lê Trọng Nguyễn, Phan huỳnh Điểu, Trương Đình Quang…, sau đó bị Việt Minh theo dõi vì nghi ngờ ông thuộc thành phần có hoc, tiểu tư sản đang có ý định “dinh tê” trốn về “thành”như một số văn nghệ sĩ nên bắt ông bỏ tù, giam tại nhà lao Tiên Hội, một trong những nhà lao giam giữ khắc nghiệt nhất thời bấy giờ thuộc vùng Tiên Phước, Quảng-Nam. Nhưng may mắn cho ông, ông được phóng thích năm 1954 sau khi có hiệp định đình chiến Genève ký kết.
Ông trở về sinh sống ở vùng tự do do chính phủ “quốc gia” kiểm soát.
Năm 1955 ông làm giáo sư dạy âm nhạc tại trường trung học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Rang.
Năm 1956, làm giáo sư dạy âm nhạc tại Trường Trung hoc Kiểu mẫu Thủ Đức.
Năm 1957 làm việc tại Bộ Thông Tin, Saigon.
Từ năm 1959 trở về sau ông mở lớp dạy nhạc ở Saigon, viết sách dạy nhạc (chuyên về Tây Ban cầm), sách dạy sáng tác nhạc.
Ông sáng tác nhiều ca khúc, cho in ấn và phổ biến rộng rãi như:
 -CHIỀU THƯƠNG NHỚ (phổ thơ Hoàng Hương Trang),
 -NUỐI TIẾC,
-ĐÔI TAY NGỌC NỮ,
-CÂU CHUYỆN TÂM TÌNH,
 -QUÁN CHIỀU,
-TÌM VỀ,
-NỤ CƯỜI TÁI NGỘ,
-TÀ ÁO TRINH NGUYÊN,
-NÓI ĐI EM,
-SAO VẪN CÒN THƯƠNG,
-EM LÀ TẤT CẢ (viết chung với MẠNH PHÁT),
-TÀ ÁO TÍM (viết chung với MẠNH PHÁT),
-XẾP ÁO THƯ SINH ( với ĐẰNG VÂN),
-NHẠC RU TUỔI HỒNG (tuyển tập nhạc viết chung với NGUYỄN HIỀN, ANH VIỆT, HOÀNG NGUYÊN, LÊ TRỌNG NGUYỄN),
-NHẠC XANH ( tập nhạc viết chung với Y VÂN).
vân vân…
Ông chọn nghề giáo sư dạy âm nhạc nên đã viết nhiều sách dạy nhạc đã xuất bản:
Tự học TÂY BAN CẦM theo phương pháp cấp tốc: SƠ CẤP, TRUNG CẤP.
Tự học TÂY BAN CẦM (nhạc khiêu vũ, nhạc Jazz)
Tự học HẠ UY CẦM (guitare hawaienne) HẠ BĂNG CẦM (Banjo alto)
Tự học ĐẠI HỒ CẦM (contre basse)
NGHỆ THUẬT ĐỘC TẤU TÂY BAN CẦM
Tự học UKULELE (viết chung với LÊ TRỌNG NGUYỄN)
Tự học KHIÊU VŨ
Tự học KHẨU CẦM (harmonica) (dị chuyển và đồng chuyển) ( viết chung với ĐẰNG VÂN)
ĐỂ SÁNG TÁC MỘT BẢN NHẠC PHỔ THÔNG
KỸ THUẬT HÒA ÂM
HÒA ĐIỆU SƠ CẤP
HÒA ĐIỆU TỔNG QUÁT
NHẠC LÝ CĂN BẢN
Tự học TÂY BAN CẦM ĐIỆN, TBC ĐIỆN TRẦM
TỰ ĐIỂN TÂY BAN CẦM (2000 THẾ BẤM)
Tự học MĂNG CẦM (MANDOLINE) và BĂNG CẦM (BANJOLINE)
Khi nhạc sĩ LA HỐI thành lập HỘI HIẾU NHẠC FAIFO (LA PHILHARMONIQUE DE FAIFO ) vào đầu thập niên 1940’s nhạc sĩ LAN ĐÀI đã cùng nhiều nhạc sĩ trẻ tại đia phương như LÊ TRỌNG (tức LÊ TRỌNG NGUYỄN sau này), DƯƠNG MINH NINH, DƯƠNG MINH HÒA, HỒ VÂN THIẾT, TRƯƠNG ĐÌNH QUANG, HUỲNH SỎ, HUỲNH PHỤNG, HUỲNH ĐỒNG, HUỲNH CẦM, HOÀNG TÚ MỸ, LA GIA QUẢNG,…cùng tham gia và hoạt động âm nhạc tại thành phố FAIFO nhỏ bé này dưới sự hướng dẫn nhạc lý, hòa tấu và sáng tác ca khúc của sáng lập viên kiêm hội trưởng nhạc sĩ LA HỐI (LA DOÃN CHÁNH).
Nhạc sĩ LAN ĐÀI lập gia đình với ca sĩ DIỄM HỒNG (Vũ thị Hồng Lê) có 3 người con, một gái, hai trai hiện định cư tại AUSTRALIA

NHAC SĨ TRƯƠNG DUY CƯỜNG


Ông sinh ngày 26 tháng 11 năm Bính Tý ( 8 Janvier 1937) tại ville de FAIFO (thành phố Hộ-An)
Năm 1954 ông ghi danh theo học hàm thụ âm nhạc, hòa âm và sáng tác ca khúc ở lớp dạy âm nhạc  cours Universelle” (Paris, France).
 Sau đó ông bắt đầu viết một vài ca khúc ngắn.
Những ca khúc đã xuất bản như :
-Mùa Hoa Phượng Vỹ (1956),
-Men Nhạc Chiều (1956),
-Ép Hoa Giữ Làm Tin (1956),
-Sài-Giang Dạ Khúc (1956),
-Đêm Trăng Trên Sông Sài (1956),
- Lưu Luyến (1957),
-Vũ Khúc Ngày Xanh (1957),
-Niềm Tin Bất Diệt (1957: được giải thưởng khuyến khích âm nhạc Saigon 1958),
-Thanh Niên Cộng Hòa Việt Nam Hành Khúc (1958: được giải thưởng khuyến khích âm nhạc Saigon 1959),
-Hè Đồng Quê (1958),
-Người Mẹ Học Đường (1959),
-Tình Tháng Năm (1959),
-Cành Hoa Sim (1959),
 -Mừng Ngày Tươi Sáng (1959),
-Em Vẫn Đợi Ngày Về Của Anh (1962) sáng tác trước khi ông lên đường nhập ngũ động viên Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị tại Liên trường Võ Khoa Thủ-Đức (1963),
Các nhạc phẩm trên đã được Nhà xuất bản TINH HOA MIỀN NAM (SAIGON) của nhạc sĩ LÊ MỘNG BẢO phát hành và các ban nhạc Vô Tuyến Việt Nam như Võ Đức Thu, Vũ văn Tuynh …. nhiều lần trình bày trên làn sóng điện đài phát thanh Saigon, Quân Đội, Huế (từ 1957-1975).
 Ông là hội viên HỘI VĂN NGHỆ SĨ QUÂN ĐỘI VNCH (trước 1975).
Cựu giáo sư trung học Nguyễn Duy Hiệu, Phạm Hồng Thái và Trần Quý Cáp (Quảng-Nam).
Ngoài những ca khúc, ông cũng viết vài nhạc khúc ngắn không lời…dùng những notes nhạc ghi những suites de valses, sérénades…khi theo học các lớp nhạc hàm thụ bên Paris, Pháp, nhưng ông tự cảm thấy vẫn chưa tới đâu nên không tiếp tục sáng tác nữa.

KẾT LUẬN:

Tôi muốn ghi lại  sinh hoạt âm nhạc khởi đầu tại thành phố tôi đã được sinh ra ville de FAIFO từ đầu thập niên 40’s của thế kỷ XX, khi nền “nhạc mới” (còn gọi tân nhạc, nhạc cải cách…) Việt Nam mới hình thành những bước chập chững đầu tiên, tuy vậy đã có những sáng tác của hai nhạc sĩ là LA HỐI và LÊ TRỌNG NGUYỄN được giới âm nhạc ngoại quốc phổ biến rộng rãi như một hãnh diện chung của nền âm nhạc Việt-Nam chúng ta.


©PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG  DUY CƯỜNG
San Jose những ngày cuối năm Nhâm Thìn 2012

No comments:

Post a Comment