Monday, March 7, 2011

Về với cơn mưa

 Trời mưa ướt bụi ướt bờ
                                                     Ướt cây ướt lá ai ngờ ướt em 
                                                            Ca dao

Tạp Văn của Phan Thái Yên
                                                                                                                                                                              
Mùa hè ở Phố Đôi (Twin Cities) năm nay mưa nhiều. Mưa về gần như mỗi ngày, dai dẳng khác thường.   Mưa từ chiều rả rích vào đêm, thức dậy cùng buổi sáng ướt tiếng chim hót trong tàng cây bồ đào trước nhà.  Đêm chờ ngủ, tôi nằm nghe gió thổi mưa lên khung cửa kính khép hờ.  Tiếng mưa rơi đều, bời bời nhịp đập vọng về từ những đêm mưa mùa cũ. Xa tắp. Mơ hồ.  Âm thanh vỗ về hoài niệm nghe như tiếng gọi thân tình vọng tự một miền xa.<!-- Read more -->  Mưa bay theo gió rơi vào hồn người nỗi xao xác nhớ nhà. Nhà xa xôi tận bên kia biển mà người thì vẫn kiếp lục bình trôi dọc thời gian.  Thế nhưng tưởng nhớ mang kỷ niệm lại gần.  Mấy mươi năm dài về lại trong gang tấc.  Mới như ngày hôm qua.  Như tiếng dế đêm qua còn rộn  góc vườn trăng lóng lánh giọt mưa vừa ngớt, hồi hộp bàn chân bước trẻ thơ. Mới như bây giờ giữa cơn mơ mòng thèm hít thở hơi mưa bay bay chiều phố biển quê nhà.  Đôi mắt hồn chong hắt hiu ngó về quê mẹ rồi chợt bồn chồn mối chiêm nghiệm về những chọn lựa trong đời.  Chọn lựa nào cũng để lại mối đau như cơn mưa rớt hoài không tạnh trong lòng. Dòng mưa bay qua năm tháng, nơi chốn, kỷ niệm,  tuổi xuân. Mưa rơi nhòa hệ lụy, biển dâu, phai nát đá vàng.  Hạt mưa quyện bay theo cung bậc miên man của dòng sinh chuyển đất trời, lay thức giấc cô miên trong mỗi tâm hồn đang chùng đợi buổi sáng giao mùa. Mơ màng theo giòng mưa bay, tôi bắt gặp mình thơ dại phân vân giữa cơn mưa đầu nguồn trí nhớ. Thời gian có lẽ vào khoảng tháng Mười, năm năm ba. Sao lại tháng Mười ? Tôi không còn nhớ.  Có lẽ những năm sau đó, thường nghe cha mẹ hay người lớn than phiền về những ngày tháng Mười mưa bão nhiều.  Tội nghiệp tháng Mười không kịp vui, tháng Mười “chưa cười đã tối”, tháng Mười “ông tha bà không tha”.  Tội nghiệp đứa bé vừa mấy tuổi đầu đã nếm cảnh tấn thối, sinh ly...

Trời đã sẩm tối mà bến xe Vĩnh Điện vẫn còn nhộn nhịp.  Đèn măng-sông trong quán trọ thắp sáng trưng.  Thằng bé chưa đầy năm tuổi, ngồi im lặng bên đứa em gái lên hai, mắt hấp háy nhìn ly sửa trắng ngà trên bàn.  Ngoài trời mưa tuôn tầm tả.  Lấp lánh qua ánh đèn, từng sợi mưa cắm nghiêng xéo xuống mặt đất sình lội, rác rưởi.  Người cha râu tóc phong trần trong chiếc áo nhà binh bốn túi rộng thùng thình.  Ông ngồi quên ăn chăm chú nhìn người mẹ đút cơm cho bé gái. Thỉnh thoảng ông quay qua, mỉm cười xoa đầu đứa con trai vẫn ngồi nhìn ra màn mưa xối xả bên ngoài.  Mưa trút xuống đời như nỗi lo lắng cho tương lai gia đình đang xốn xang trong lòng ông. Luồn lỏi vén khéo lắm người cha mới đưa được gia đình ra khỏi vùng kháng chiến.  Gia sản gom không đầy chiếc ba-lô trên vai, họ dắt díu nhau rời Bồng Sơn tìm đường hồi cư về Huế.   Ra tới Quảng Ngãi, gia đình phải chờ đợi nhiều ngày, cuối cùng mới được cấp giấy về vùng Quốc Gia. 

Mưa bắt đầu từ buổi trưa, khi cả nhà leo quá giang chiếc xe nhà binh ở Quảng Ngãi.  Tấm vãi bạt đậy thùng xe cột lỏng lẻo, buông phất phơ như ống tay áo của một phế binh.  Trong một lúc lâu, thằng bé thích thú ngồi lắc lư  theo nhịp dằn của chiếc xe nhà binh cũ kỷ,  mắt ngóng chờ từng đợt nước văng tung tóe lúc xe chạy qua ổ gà ngập nước.  Lúc xe dừng lại ở bến xe Vĩnh Điện, người cha phải bồng thằng bé đã ngủ say vùi vào quán trọ.  Ánh sáng chan hòa và cảnh rộn rịp trong quán khiến đứa bé tỉnh ngủ, ngơ ngác nhìn quanh. Rồi nhìn mưa. 

Lắng nghe cha mẹ bàn định chuyến đi ngày mai về Ngoại, thằng bé lờ mờ không hiểu nhưng lòng cảm thấy buồn buồn.  Mẹ nhắc đến gia đình đứa bạn duy nhất của nó đã hồi cư về Đà Nẳng một tháng trước đây.  Huế. Đà Nẳng. Hai nơi có lẽ rất xa nhau.  Nghe nói là phải qua đèo.  Thằng bé tụt xuống ghế, ra đứng bên hiên quán nhìn mưa. 
Hắn suy nghĩ cả hồi lâu vẫn không thể nhớ ra một cơn mưa lớn và dai dẳng như thế ở Bồng Sơn.  Có thể là hắn bận chơi đùa với bạn nên không để ý tới chuyện mưa nắng, chia lìa.  Có thể vì hai đứa sẽ không bao giờ gặp nhau nữa nên trời mới mưa lớn thế này.  Hồi trước, hai đứa lúc nào cũng cặp kè với nhau nên bờ sông Lại ngờ ngợ cát trắng lúc nào cũng nắng ấm.  Và trời thì rất xanh, như  bóng dừa.  Đôi bàn chân nhỏ lúc thúc chạy dọc theo bờ sông, giởn đùa với nước.  “É ơi É, qua nhà ông Mỹ Hẻ chơi É!” ...Thằng bé nghĩ đến  tiếng rủ gọi của bạn mà tiếc ngẩn ngơ những lần hai đứa qua nhà ông già hàng xóm chờ được ăn rẻo kẹo đậu phụng.  Hắn chợt biết sẽ không còn dịp hai đứa ngồi sụp nép vào nhau bên vệ đường, thích thú lẫn sợ sệt nhìn bầy voi từ An Lão xuống, đủng đỉnh đi qua khu phố nghèo mái tranh đường đất, vòi vươn cao ngang đọt dừa.  Thằng bé đứng nhìn mưa, nhớ bạn lòng buồn quá đổi.
Thế mà sáng hôm sau qua đèo Hải Vân, được đứng giữa lưng trời, khích động nhìn mây nước phủ mờ  dưới chân, lòng trẻ thơ đã vội quên đi nỗi buồn… 

Hai năm ở Huế trôi qua với hình ảnh ngôi nhà có nhiều bậc cấp của Ngoại ở gần chợ Bến Ngự  và những chiếc dù khác màu treo lủng lẳng dưới hàng hiên vào những ngày mưa. Có rất nhiều ngày mưa ở Huế.  Thằng bé tiếc rẻ nhìn những tái thị vàng thơm nằm tả tơi trên mặt đất trong sân nhà hàng xóm ở hông chợ lối xuống bến sông. Vào một ngày tạnh ráo hiếm hoi giữa mùa mưa lũ, thằng bé được ông Ngoại cho cầm dù theo ông đi coi nước lụt. Nhìn giòng nước đục cuồn cuộn từ ngả Phú Cam trôi về như muốn đâm sầm vào cầu Bến Ngự, đứa bé sợ hải nắm chặt lấy tay Ngoại quên cả sự e dè thường ngày. Thân cầu Kho Rèn, Nam Giao nhìn từ xa như chìm thấp hẳn xuống, chới với trên mặt nước đang hồi thịnh nộ. Bờ sông ngắn và dốc thường ngày với những bến giặt có nhiều bậc cấp giờ đây đã chìm trong nước. Thằng bé thích thú theo ông Ngoại lội qua khoảng đường lắp xắp nước trước cổng vườn Viễn Đệ.  Đôi chân đứa bé chìm ngập lên tới háng trong cặp bốt nhà binh màu cứt ngựa của người cậu. Chiếc dù vàng bung rộng chụp xuống thân hình bé nhỏ.  Nhìn từ xa, trông như Ngoại của hắn đang dẫn một chiếc nấm biết đi.
Lúc hai ông cháu về lại nhà, Ngoại lấy cán dù chỉ vào vết lằn chạy dọc theo bậc cấp cao nhất, ngấp nghé nền hiên.  Chưa thấm chi với trận năm Thìn.  Ngoại treo chiếc dù sủng nước lên mái hiên, bước vào nhà.  Đứa cháu ngoại đứng ngơ ngác nhìn theo.  Lần này Ngoại không chêm tiếng Tây, nhưng năm Thìn là gì thì phải hỏi ba mẹ.  Đứa bé lắc đầu, ngồi xuống thềm hiên, nằm ngửa người rảy rảy đôi bốt ra khỏi chân. 
Vài ngày sau, người cha dẫn con  đi hớt tóc ở tiệm của một ông già phía bên kia cầu Bến Ngự .  Năm Thìn là năm con Rồng.  Rồng phun nước nên năm Thìn thường hay lụt lội dữ lắm.  Người cha giải thích.  Đứa con ậm ừ chẳng hiểu gì thêm, chân lúp xúp chạy theo cha cho kịp lần hớt tóc tiệm đầu tiên trong đời.   Tiệm là gian nhà tranh nhỏ bên đường dọc theo bờ sông giửa cầu Nam Giao và Bến Ngự.  Bên trong lỏng chỏng chiếc bàn nhỏ có hộc đựng dao kéo, tấm kính soi mặt lớn treo trên vách đã ngã màu. Lơ lửng treo từ giữa nóc tiệm là tấm ván mỏng cắt theo dạng một chiếc quạt nan thật lớn có dây kéo.  Khách chờ ngồi trên băng ghế nhỏ đặt dọc theo vách hông có nhiệm vụ kép dây để chiếc quạt lui tới phe phẩy vào những ngày hè đứng gió.   Ngồi trên chiếc ghế đẩu cao trước bàn, thằng bé để ý thấy khoảng sông nước trong tấm kính trở nên vàng vọt, chìm xa.  Đứa bé xoay người nhìn chiếc ghe chài trên sông rồi lạ lẫm nhìn hình ảnh chiếc lưng của người quăng lưới gù lệch đi trong tấm kính.  Thợ hớt tóc là một ông già nhỏ bé, hói đầu, chuyện trò luôn miệng. 
-          Rứa mi là cháu ngoại của ông Thông Tằm đó hỉ ?!...
-          Cái ôn ni hay thiệt.  Làm răng mà ôn nôm được con gái lớn của ông Thông Tằm giỏi rứa ? 
Người cha ừ ào cho qua chuyện, tay lơ đãng kéo sợi dây làm chiếc quạt đong đưa phả gió mát rượi. 
-          Thằng cháu ngoại ni cũng giỏi ghê nghe.  Tao tưởng mi nói giọng nẩu chớ.  Té ra mi nói tiếng Huế mình. 
-          Chẳng có chi lạ.  Cho dù ở đâu, con cái thường hay nói theo giọng quê của cha mẹ.  
Người cha phân bua, trong lúc thằng bé chợt sặc lên cười, không biết vì tiếng “nẩu”  ông già rất-Huế cố ý giả giọng hay vì sự nhột nhạt lúc ông dùng cái bót lông mềm thoa nước lạnh ngắt lên gáy lên cổ.

Hơn mười năm sau, khi gia đình tôi từ Đà Nẳng trở lại Huế thì ông bà Ngoại đã theo người cậu, em kế mẹ, vào sống ở Sài Gòn từ vài năm trước. Ở lại Đà Nẵng trọ học, tôi thích thú nôn nao từng chuyến xe đi về qua ngọn Hải Vân vào những dịp nghỉ hè tết lễ.  Cảm giác lâng lâng khi nhìn mây nước quyện nhau từ chốn lưng trời chẳng hề suy biến trong tôi.  Mãi mãi đậm nét trong ngăn phần kỷ niệm, hình ảnh đứa bé năm tuổi, rồi bảy tuổi, thích thú lạ kỳ với cảm giác đang đứng trên mây nhìn xuống mặt biển mờ sương khói.   Những cụm mây vương vấn sương mai, theo gió bay là đà trên mặt đường rồi nhẹ nhàng vờn níu bước chân khách viễn du.  Những năm về sau, đôi khi đứng trên đỉnh đèo mưa rơi nhìn về phía vừa đi qua, bối rối phân vân, tôi quay bước rồi mà vẫn tự hỏi lòng.  Đi đến hay đi về, phần còn lại của cuộc hành trình vẫn là con đường đi xuống.   Hạnh phúc có phải đang náu mình đâu đó dưới truông mây xa?  Sỏi đá lăn mình về lũng sâu, thả ước mơ theo cánh gió lướt trên mặt nước, thất lạc kiếm tìm.  Dù sao, từ những ngày bước chân vào đời, tôi đã có lần từ đỉnh núi đó bâng khuâng nhìn về hai phía, thấy bay đi những cơn mưa.

“Mỗi người Huế có một mùa mưa riêng trong trí nhớ đã thành kỷ niệm...” (Trần Kiêm Đoàn).  Còn hắn, đi đi về về với Huế, với Đà Nẳng, cậu trai tơ chợt thấy mình lớn lên, chợt tất bật vụng về, trong ni thương ra, ngoài nớ nhớ vô.  Giòng thương nhớ, giòng mưa, bay qua Hoàng Thành, qua dòng sông An Cựu nắng đục mưa trong.  Mưa vần vũ trên đỉnh Hải Vân, níu thêm mây xám lưng đèo, rồi đổ hết luyến lưu  xuống bến Hà Thân làm ướt  áo bầy nữ sinh qua chuyến phà lối về An Hải.  Hắn vội vàng quảy thêm nỗi nhớ đổ vào mưa, đầm đìa một mùa riêng từ lúc hạt mưa còn tươi, lóng lánh trên từng sợi tóc mai e ấp má hồng non mười bốn.  Cậu học trò nửa-Huế-nửa-Quảng bỡ ngỡ theo bầy bạn mới quen từ Bến Ngự đạp xe qua Kim Long.  Cơn mưa mùa hè bất ngờ đổ xuống bến Vạn Xuân.  Bầy học trò ồn ào bỏ bến nước, té chạy vào ngôi từ đường kín đáo trầm tư  trong khu vườn xanh mướt thanh trà.  Nép mình bên gốc phượng, hắn điếng người không dám thở mạnh, nhìn mưa sa mù trên dòng Hương bất chợt lênh đênh.  Con bé Đồng Khánh mà hắn ớn nhất vì cái tính chua ngoa, không chạy theo bầy, có lẽ đang đứng núp mưa cạnh hắn.  Gần lắm. Từ cuối tia mắt nhìn xuống, lụa đẫm mưa hồng ôm bờ chân thuôn mịn màng tôn nữ.  Mưa vẫn rơi.  Không gian rạt rào luân vũ, thấm đượm vào thân thể giòng cảm giác ngần say của cơn sốt lạ nóng bừng da thịt.  Trong thảng thốt hắn nghiêng người theo nhịp tim đang đập nhanh hồi xúc động, chạm vào cánh tay trần mát rượi mưa sa.  Đôi mắt mở lớn vướng sau nhành tóc ướt buông rèm theo bờ mi thanh xuân.  Hạt mưa đọng trên môi, lưởng lự lăn dài xuống cằm, xuống cánh áo lụa đẫm mượt vóc tràm thơm.  Hắn hoảng hồn quay mặt, bước đâm sầm xuống bến sông.  Những giọt mưa mát mặt và nước dòng Hương quyện ấm dưới chân giúp hắn choàng tỉnh chỉ để cảm thấy ngượng ngùng mà tự trách mình sao vụng về quá đỗi.  Té ra con chằng ni đẹp dể sợ.  Trong bụng hắn muốn gan góc quay lại dòm cho bưa, nhưng cuối cùng rồi cũng chỉ dám một  thoáng nhìn.  Cậu học trò bổng muốn làm thi sĩ, hắn mường tượng bóng lụa hồng bên bờ nước lẫn chìm trong tàng phượng rũ lá, mênh mông màu hoa đỏ lưng trời vừa ngớt hột… Em về rải mộng ngày mưa. Vóc tràm thơm dáng xuân vừa khơi phương. Tóc mai níu nụ môi hường. Vắn dài sợi nhớ sợi thương mượt mà. Ngần tay hứng giọt mù sa. Đôi bờ chân duỗi ngọc ngà lụa phô. Nhớ nguồn sông dục sóng xô. Mây nghiêng lời núi chiều phôi pha trời…(Phan Thái Yên)

Mùa hè ở Huế oi ả trôi qua, hiếm hoi những ngày mưa.  Nên vẫn mãi ướt át trong lòng cơn mưa đầu mùa mới lớn.  Còn thơm trong trí nhớ đôi môi xinh tôn nữ láu táu ăn hàng trong quán bánh bèo dưới chân núi Ngự Bình.  Và vẫn giòn tan tiếng cười bầy con gái Đồng Khánh giởn đùa trên bến nước xanh bóng tre.  Lối mòn xuống bến gần Tòa Viện Trưởng hắn rành như đếm nhưng chẳng dám mon men nên Cầu Ga vẫn cụt ngủn cho dù hắn và lủ bạn liên minh Quốc-Học Hàm-Nghi đã vòng xe đạp không biết bao lần.  Cuối cùng, tên gan lì nhất trong bọn đã hiên ngang dựng chiếc xe đạp bên thành cầu, khum tay cất tiếng gọi tên con bé nó “chiếu tướng” từ lâu. Em thơ, em mộng cái l. em tộng bộng...! Bến nước hiền ngoan bổng dậy ba đào.  Bầy con trai tan tác đạp xe, cao chạy xa bay khỏi vùng âm thanh chanh chua eo óc.  Ngồi nghĩ mệt dưới chân bậc cấp lối lên chùa Báo Quốc, hắn nghĩ tới chút nhụy bánh bèo dính phía trên khóe môi đứa con gái, như một nét son duyên... Đạp xe thả dốc Nam Giao, gió mát lộng và cái miệng duyên dáng dể thương của con bé đỏ au trong trí tưởng hắn.  Lúc chiếc xe đạp hết đà lừ đừ lăn từng vòng bánh qua cầu rồi quẹo về phía đầu đường Nguyễn Huệ, hắn cũng vừa dứt khoát là con bé chẳng cần thêm thắt  nút ruồi son làm chi cho rườm rà.  Cái miệng đó đẹp nhất trong đám và đã ăn hàng quá mạng rồi...

Ngày vào lại Đà Nẳng, đứng trên đỉnh đèo Hải Vân giăng mắc mây trôi, hắn nhớ những ngày hè qua mà lòng thì nao nao nghĩ  tới bạn bè trường lớp và trời thu mưa sắp đến trong thành phố.  Sự luân chuyển của mùa theo thời gian trôi xuôi cùng thinh sắc ảnh hình khiến nơi chốn dồn đọng trong nỗi nhớ, im lìm mà bền chặc như những tảng màu lạnh của một bức tranh tỉnh vật . Hình ảnh cánh phượng hồng lả tả rơi trên dòng Hương và những trái phượng già rụng nằm vương vãi trên đường dọc bờ sông Hàn như nét chấm phá ở hai đầu của một quãng đời.  Thời gian trôi, những đứa con trai con gái lớn lên và kỷ niệm chuổi ngày thơ sẽ nối dài thêm ước vọng.
Người đứng nhìn đọt núi vói trời rồi vọng theo ngàn mây trôi mà mãi hoài kiếm tìm cho mình giấc mộng trùng khơi.  Tự nghìn năm xưa, người đi về biển xanh, người ở lại đầu non, nên người vẫn mãi phân ly, ngoái vọng, đợi chờ, dắt díu, ra đi.  Trên đá cũ lũy đồn cheo leo quan ải, từ hàng trăm năm trước có lẽ gió núi vẫn thổi chạnh lòng người lính thú Đàng Trong. Người hiu hắt nỗi lòng trấn thủ lưu đồn, đợi chờ một tin nhạn, một bóng quần thoa từ tuốt luốt ngoài tê xa xôi truông phá.  Bởi thương anh em cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang... nên người vẫn chiều chiều mây phủ Hải Vân, súng rền Non Nước bâng khuâng dạ người... Trăm năm sau, chiều nay cũng có những người lính áo trận bạc màu, đóng đồn trên ải quan xưa lộng gió, theo xe từ đỉnh núi xuôi về hai phía chân đèo. 
Những giấc mơ vẫn lặn lội trên đường.  Cơn mơ nào nối liền cách trở cheo leo như  những toa tàu nối vào nhau bền bỉ, chừng mực.  Con tàu thấp thoáng băng mình qua cánh rừng xa, mỏng manh làn khói xám bị gió xé rã rời.  Thế thôi, dù có lắng tai cũng chẳng nghe được chút âm vọng nào ngoài nhịp đập tim mình và tiếng gió trời.  Con tàu vẫn lăn mình về phía trước, lúc chênh vênh bên triền vực, khi tối tăm dằng dặc qua mấy dặm hầm sâu, để làm chuyện nối liền.  Con tàu ra đi, quay về, níu kéo thời gian, nối lại những quãng đời có mưa rơi ở hai đầu nỗi nhớ.  Tàu ra Huế, tàu vô Đà Nẳng.  Nam Ô. Liên Chiểu.  Cầu Hai. Nước Ngọt.  Ga lớn. Ga xép. Sân ga. Vẫn tiếng máy tàu xình xịch, vẫn khói tàu phun cao hào sảng rộn ràng và  con người gặp gỡ chia lìa, ân cần lưu luyến.

Rất nhiều năm sau, vào những ngày mưa trên Tiền Giang hay bên giòng kinh cuối vùng đất nước, gã lính sông biển giang hồ vẫn thường bâng khuâng nhớ về mùa mưa thời mới lớn với từng cơn bão rớt qua phố vịnh quê nhà. Gió khơi xa về vần vũ thét gào làm cánh rừng dương quanh bờ vịnh run rẩy rạp mình.  Gió cuồng lay tả tơi những quầng mây thấp trôi nhanh trên nóc hàng phượng dọc bờ sông.  Vùng nước bình yên cuối dòng sướt mướt mưa nguồn chợt cuồn cuộn sóng trào như đại dương cuồng nộ ngoài kia. 
  
Dưới trần mây xám sũng nước, bầy học trò con trai tơi nón đạp xe đi coi nước lụt. Trên khoảng đường dọc bờ sông Hàn từ Bến Mía về phía cổ viện Chàm, có lẽ hình ảnh sinh động duy nhất là dáng bầy học trò gò lưng trong gió ngược. Những chiếc áo mưa trùm đầu, gió bọc căng phồng, nối đuôi nhau như  đoàn người lưng gù lặng lẽ hành hương mặc cho dòng nước lũ giận dữ tuôn trào.  Đỉnh tháp chuông nhà thờ Con Gà thoắt biến thoắt hiện trong nền mây hung hãn, trông như một cánh buồm trên đại dương giông bão. 
Bầy học trò hăng hái đạp xe qua đoạn đường trũng từ ngã ba Chợ Mới đến gần cầu Trịnh Minh Thế.  Một phần vòng xe ngập nước theo đà quay chẻ tuông tung tóe làm sũng ướt từng trận cười vô tư.  Cả bọn tụ tập trước cổng nhà cô giáo dạy Pháp Văn, chờ được dịp đẩy chiếc xuồng nhỏ từ sân ra đến bờ đường cao để cô giáo khỏi ướt chân.  Trường Phan Châu Trinh của hắn đã tạm đóng cửa mấy hôm để làm nơi tạm trú cho nạn nhân lũ lụt từ những quận lỵ vùng núi Quảng Nam miệt Tiên Phước, Quế Sơn.  Cô ra vào lo lắng, dõi mắt nhìn về phía cây cầu đang oằn mình chịu đựng sức nước từ núi rừng cao đổ xuống.  Giữa làn nước đục cuồn cuộn sóng trào và trần mây sa thấp xỉn,  chiếc cầu sắt đen trông mỏng manh đến tội nghiệp.   Xác những mái  tranh nghèo, bụi chuối tàng lá còn xanh, bị bứng gốc khỏi mảnh đất quê, trôi nổi rã rời  trên dòng nước lũ.
Bầy học trò quay xe, đạp dọc theo bờ sông xuôi về lại phố.  Những chiếc lưng dầm mưa cúi rạp trên thành xe, nương theo đường gió rít điên cuồng trong tàng cây bạc hà lúc qua Trẹm.  Dải đất bồi cuối thành phố giờ đây như hải đảo sóng cuộn quanh bờ.  Bầy học trò len lỏi theo con đường cát mòn ngấm mưa dầm qua xóm Thanh Bồ rồi đứng túm lại sửng sờ trước khu rừng dương ủ ê gảy đổ, nằm rạp mình bi thương dưới gió bảo cuồng quay.  Mây đen cuồn cuộn phủ kín vùng trời vịnh biển, chỉ chừa khoảng lộ sáng phía chân trời tiếp giáp với đại dương. Từng đợt sóng bạc đầu đổ ầm ầm, hung hãn tung trào lên bãi giờ chỉ  còn là liếp cát chắn quá mong manh trước cơn thịnh nộ của biển .
Trên đường trở về nhà, đạp xe qua ngã Cầu Vồng, cậu học trò một mình thả dốc về phía Ga.   Hắn tần ngần vòng xe trước con hẻm ướt mưa.  Tim đập rộn ràng khi hắn nhìn thấy bóng dáng mái tóc dài thấp thoáng sau khung cửa màu xanh.  Mái hiên nhà cô học trò e ấp dưới giàn bông giấy đang chờ mùa hoa tới, vầng lá xanh rì đầm đìa giọt trời theo cơn bảo rớt qua thành phố.  Hắn đạp xe đi, mắt còn ngoái chờ một tia ngẩng nhìn và lòng thì vẫn nhủ thầm. 
Lúc đạp xe qua ngã ba Cây Quăng, đứng nhìn cống nước cuồn cuộn chảy, hắn mường tượng tới lúc mái tóc ngẩng nhìn lên.  Hắn ngần ngừ tiếc rẻ không còn đứng đó vì lúc này cô học trò có lẽ chỉ còn nhìn thấy mưa trôi giạt bên ngoài khung kính.

Phan thái Yên

No comments:

Post a Comment