Saturday, May 12, 2012

Buổi Chiều Cuối Năm - Truyện của Phương Lan (Tiếp theo)


  ngồi ghé xuống giường rồi ngả lưng từ từ nằm xuống, vắt tay lên trán, bà nhắm mắt lại nghĩ ngợi vẩn vơ hết chuyện này đến chuyện kia, không biết bao lâu.  Bỗng có tiếng nói vang lên ngay bên cạnh giường làm bà giật mình:
-        Bà cụ lại bỏ ăn nữa à?
Bà mở choàng mắt, cô khán hộ lúc buổi trưa đã trở lại, cô ta đứng tần ngần nhìn khay đồ ăn còn nguyên, chép miệng hỏi, bà giương đôi mắt lờ đờ, mệt nhọc đáp:
-        Tôi không thấy đói cô ạ, nhưng tôi đã uống hết ly nước cam rồi đấy.<!-- Đọc tiếp -->
-        Một ly nước cam thì đâu có đủ? Cụ bỏ cơm bữa nay là bữa thứ tư rồi đấy, mấy tháng nay cụ ăn uống cũng thất thường, không trách người cứ gầy rạc
đi.  Bữa nọ, bác sĩ khám bệnh cho cụ bảo sao hả cụ?
Không thấy bà trả lời, cô khán hộ nhìn bà có vẻ áy náy một lúc rồi ngập ngừng đề nghị:
-        Hay là cụ mệt thì để cháu xúc cho cụ ăn nhé?
Bà cố gượng cười:
-        Chỉ tại không đói thôi, tôi đâu đến nỗi phải xúc cho ăn như xúc cho con nít.
-        Thôi cháu hiểu rồi, cụ buồn vì nhớ nhà, có đúng không nào?  Chiều nay là chiều cuối năm, cháu tưởng các con cụ đã tới đón cụ về nhà rồi chứ?
-        Mọi năm thì vẫn vậy, nhưng không hiểu sao năm nay giờ này chưa thấy chúng nó tới, tôi vẫn đang đợi…
-        Chắc họ bận việc gì đó nên tới trễ.  Thôi cụ cứ ở đây nằm chờ nhé, cháu phải về vì đã hết giờ rồi.
-        Được, cô cứ về.  Chúc cô một năm mới tốt đẹp.
-        Cháu cũng chúc cụ như vậy.
Nói xong cô nắm lấy tay bà xiết nhẹ một cái rồi quay đi, ra tới cửa, cô đứng bịn rịn một lúc, đưa tay quệt nước mắt rồi mới ra về, linh tính cho cô thấy một điều gì bất tường nhưng không thể đoán được là việc gì, cô chỉ thấy rất tội nghiệp cho người mẹ bị bỏ quên này.  Mưòi giờ đêm thì bà Sang không còn hy vọng, không còn chờ đợi gì nữa, thế là hết, đêm nay cũng sẽ giống như mọi đêm khác bà âm thầm  khóc một mình trong canh khuya.  Bà lặng lẽ ngồi dậy cởi cái áo đẹp mà bà đã mặc vô từ hồi sáng sớm để sửa soạn về nhà, thay bộ đồ ngủ nhàu nhè và lên giường nằm lại.
Đêm nay bà không ngủ được, nằm một lúc thấy mỏi, bà trở mình, cảm thấy chóng mặt và hơi buồn nôn, bà ôm ngực ho khan lên vài tiếng thấy có vẻ dễ thở hơn một chút.  Trời về đêm trở lạnh làm bà rét run, bà kéo chăn đắp đến ngang ngực nhưng chỉ một lát lại tung ra ngay, hơi nóng hừng hực từ trong người bà bốc ra làm chân tay, mình mẩy bà ưót đẫm mồ hôi, cơn sốt đêm nay dường như gia tăng nhiệt độ chứ không chỉ âm ỷ như mọi đêm, sốt gì mà dai dẳng cả mấy tháng không dứt.  Nghĩ mà buồn cho tuổi già suy xụp nhanh quá, mới ngày nào bà còn mạnh khoẻ, một mình bà quán xuyến hết mọi việc nhà, làm quần quật từ sáng đến tối mà không thấy mệt, thế mà chỉ mấy năm sau khi ông mất đi, bà đã biến thành một người khác hẳn, một người mà sự sống phải phụ thuộc vào kẻ khác, một người là gánh nặng của mọi người.  Bị con cái bỏ rơi, bây giờ bà nằm đây một mình, bệnh hoạn, cô đơn… Nước mắt rơi ướt gối từ lúc nào, bà muốn trở mặt gối nhưng sao thấy khó khăn quá, tay chân rã rời giở lên không muốn nổi, mình mẩy thì đau như dần, giá còn ông lúc này thì đỡ quá, bà sẽ nhờ ông xoa bóp cho đỡ nhức.  Thấy bà không ăn được, thể nào ông cũng nấu cho bà  một tô cháo nóng và những lúc như bây giờ, bà sẽ nhờ ông nâng dậy, kê thêm gối dưới lưng, nằm cao lên cho dễ thở.  Cái cửa sổ vẫn mở, gió lùa vào lạnh quá, gió làm tôi muốn ngạt thở, hình như có tiếng chân ai đang đi bên ngoài, phải ông đó không? làm ơn ra khép dùm tôi cái cửa! hồi chiều cô y tá quên đi kiểm lại, lạnh quá…  Sao ông không lên tiếng? ờ mà tôi quên là ông đã chết rồi còn đâu nữa, có lẽ chỉ là tiếng lá rơi mà tôi lại tưởng là tiếng chân người cũ, không hiểu sao tôi vẫn có cảm tưởng ông đang quanh quẩn ở đâu đây, rất gần… Ông có nghe tôi nói không? ông bỏ đi đâu mà bất thình lình làm tôi đau khổ quá sức, người đâu vô tình, có muốn bỏ đi cũng phải từ từ cho người ta chuẩn bị tinh thần chứ?
Căn nhà mình ở tôi đã bán rồi ông ạ, bán ngay sau khi ông qua đời được có vài tháng.
Hôm bán nhà, tôi không khỏi ngậm ngùi rơi lệ, căn nhà vợ chồng mình ở đã mấy chục năm giờ đã có người dọn vào.  Nhìn họ khuân đi những đồ đạc kỷ niệm của mình, tôi không cầm được nước mắt, kia là bộ sa lông cả nhà vẫn quây quần ngồi xem TV mỗi tối sau bữa cơm chiều, nọ là bộ bàn ăn có sáu cái ghế và cũng là bàn học của các con, chúng mình đã mua được với giá rẻ chỉ vì có một vết xước nhỏ ở mép bàn, vết xước rất nhỏ, có để ý mới thấy thế mà cũng được trừ mấy trăm bạc.  Sau này hai anh em thằng Trung, thằng Hiếu vô ý làm trầy thêm vài vết nữa khiến ông phải mua một tấm kiếng đặt lên để khỏi bị trầy thêm, gia đình mình đâu có dư dả nên cái gì cũng phải tiện tặn.  Hai thằng con mình đến là nghịch ngợm, đá banh trúng cửa sổ làm bể kiếng phải thay kiếng mới.  Con Thư thì trái lại, gọn gàng ngăn nắp từ trong ra ngoài, nó giữ gìn phòng nó sạch sẽ, đẹp đẽ lắm, con gái có khác.  Kìa họ đang tháo gỡ những bức tranh trên tường, những bức tranh tự tay ông chọn lựa, nâng niu cưng quí, đo đạc từng ly từng tí rồi mới treo lên không dám làm mạnh tay, bây giờ bị họ giật xuống, gom lại thành đống.  Tôi để cho họ đem đi hết, không biết họ có dùng không hay vứt thùng rác, nghĩ mà đau lòng, nhưng tôi còn có nhà cửa đâu mà đem về?
Còn nữa, còn cây đàn dương cầm, lúc họ khiêng đi, tôi đau đớn như bị cắt từng khúc ruột, cây đàn này ông dã mua tặng tôi nhân dịp kỷ niệm cưới ba mươi năm của chúng mình, nó đã cũ lắm rồi, nhưng âm thanh còn tốt và không có phím nào bị hư cả, tôi chơi dở nhưng ông vẫn thích nghe và vẫn khuyến khích cho tôi khỏi nản.  Tôi hỏi:
-        Tiếng đàn của tôi thì có gì đặc biệt để ông phải mất thì giờ lắng nghe?
Ông nhìn tôi với ánh mắt ngập tràn thương yêu:
-        Đặc biệt lắm chứ, vì là tiếng đàn của vợ mình.  Tôi yêu thích tất cả những gì thuộc về bà, xấu cũng như đẹp, hay cũng như dở...
Ôi câu nói mới chí tình làm sao làm tôi nhớ suốt một đời, bây giờ thì chẳng còn gì nữa ông ạ và tôi thề sẽ chẳng bao giờ đụng đến bất cứ một cây đàn nào khác.  Tôi cố năn nỉ các con xin giữ lại một kỷ niệm của bố mẹ, nhưng chẳng đứa nào bằng lòng, nhà cửa của chúng nó sang trọng, toàn những đồ đạc quí giá đắt tiền, đâu có thể bày một cây đàn  piano cũ rích trông chẳng xứng tí nào, làm xấu cả căn nhà đi, chúng sợ bạn bè của chúng chê cười.  Mọi đồ đạc cũ đã được đem đi hết chỉ còn cài ghế đá sau vườn là vẫn để y chỗ cũ, cái ghế đá kê dưới bóng mát của cây ngọc lan, ông vẫn ngồi đọc báo mỗi buổi sáng, ghế bây giờ trống trơn không có ai ngồi cả, tôi đau quặn trong lòng. Ôi ! ghế đá còn đây mà người thì đã khuất rồi.  Thấy tôi đứng ngẩn ngơ, người chủ mới thông cảm bảo tôi cứ nhìn ngắm cho thoả thích, ở lại bao lâu cũng được, nhưng tôi từ chối và ra về ngay sau đó, ở lại làm chi, càng nhìn càng đau lòng.  Ông đi trước là ông sướng hơn tôi bởi vì ông đâu có phải chịu cảnh bơ vơ như tôi bây giờ?  Chả trách các con ông ạ, đời sống ở bên này quá vất vả, chúng nó lo cho gia dình của chúng nó còn khó khăn, đâu có thì giờ lo cho tôi.  Tôi vào viện dưỡng lão là phải rồi, nhưng tôi nhớ chúng nó lắm, nhất là các cháu, thằng cu Sơn càng lớn càng giống bố nó như đúc, giống bố nó tức là giống ông đấy, thuở nhỏ ai cũng bảo hai cha con ông giống nhau như hai giọt nước.  Năm nay Sơn mười bốn tuổi, đang học trung học, chóng thật mới đây mà đã  bẩy, tám năm…  Nhớ hồi nó học lớp mẫu giáo, ông vẫn đưa đón nó tới trường, thế mà chả bao lâu nữa nó sẽ vô đại học, thời gian đi nhanh thật đáng sợ.
Từ ngày tôi vào viện dưỡng lão, Hiếu và Thư ở xa nên lâu lâu mới về thăm mẹ một lần, nhưng chúng nó thỉnh thoảng vẫn gọi điện thoại nói chuyện, còn Trung ở gần nên tới lui thường xuyên hơn, mỗi tuần nó tới đón tôi về nhà một lần. Nhưng chỉ được có năm đầu, sau này chả hiểu chúng nó bận chuyện gì mà năm thì mười họa mới tới, lần cuối tôi được về nhà là Tết năm ngoái, từ đó tới nay bặt tăm.  Tôi nhớ các cháu lắm, nhưng biết làm thế nào bây giờ? tôi đâu có thể tự mình về nhà được, mà chắc gì vợ chồng thằng Trung bằng lòng cho tôi về? Tôi nhớ nhà quá, đêm nay là đêm 30, nhà nào cũng xum họp gia đình, tôi thèm được về nhà dù chỉ một chốc cũng được, tôi muốn tự tay thắp vài nén nhang trên bàn thờ, mời ông bà, cha mẹ và mời ông về xum họp với con cháu trong ba ngày đầu xuân.  Nhưng không biết bàn thờ có còn đó không hay chúng nó dẹp đi rồi, vì sợ nhang nến làm cháy thảm?  Khổ quá, giá tôi còn một chút sức khỏe thì tôi sẽ gọi taxi đi một mình, đâu cần phải đợi chúng nó đến rước, đợi đến bao giờ? Ông không biết chứ cứ nằm một chỗ mà đợi thì sẽ sốt ruột lắm vì thấy thời gian đi chậm vô cùng.
Mấy giờ rồi nhỉ? tôi chợt nghe có tiếng pháo nổ ở đâu đây, lúc xa lúc gần, pháo nổ từng loạt, hết loạt nọ đến loạt kia liên tiếp không ngừng, chắc là đã đến giao thừa rồi.  Giao thừa năm nào nhà mình cũng xum họp đầy đủ, vui lắm.  Tôi nhớ giao thừa năm nào, hồi chúng mình còn trẻ, dắt các con đi lễ chùa, hái lộc, đông người quá, loanh quanh thế nào mà lạc mất thằng Hiếu, phải đi tìm mãi mới thấy.  Tôi phải một phen hết hồn, nhưng cu cậu trái lại chẳng có vẻ sợ hãi tí nào, đứng mê mải xem thiên hạ dâng hương, coi bộ lạ lắm, cái thằng thật là gan lỳ hết chỗ nói, giá ở bên nhà thì thể nào cu cậu cũng dám đốt pháo đùng rồi lại bị phỏng mất thôi.  Tội nghiệp những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở quê người, chưa bao giờ được nghe tiếng pháo giao thừa, chưa bao giờ cảm nhận được không khí thiêng liêng cuả ngày tết khi mà cả nước tưng bừng sửa soạn đón xuân.  Ở đây ngày Tết êm rơ như ngày thường, Tết mà vẫn phải đi học, đi làm, Tết mà không có tiếng pháo, không có hoa mai hoa đào, không cả diện quần áo mới thì chẳng có vẻ gì là Tết...  Ở đây, Tết chỉ riêng trong nhà người Việt Nam thôi, người bản xứ không bao giờ hoà mình vào những niềm vui chung của một đám dân thiểu số,Tết là Tết của mình chứ đâu phải là Tết của họ. 
Mỗi lần Tết đến, tôi không khỏi nao nao nhớ nhà, tôi nhớ lắm những phong bao lì xì ngày còn bé, những lần đi chúc tết họ hàng, những đám múa lân, những bàn bầu cua cá cọp, tôi nhớ giao thừa năm nào chuông nhà thờ, chuông chùa cũng đổ dồn dập đón mừng năm mới, tôi nhớ những ngày đầu xuân đi lễ chùa, khói trầm nhang nghi ngút, tôi nhớ… Ô hay tiếng pháo sao lại ngưng? đã hết giao thừa đâu? giao thừa người ta đốt pháo rộn ràng cả giờ cũng chưa chấm dứt, hình như pháo nổ càng dài bao nhiêu thì vận mệnh năm mới càng hên bấy nhiêu, nhiều nhà còn thi đua xem pháo nhà ai nổ lâu nhất, ròn rã nhất... À thôi phải rồi, tôi quên là ở bên Mỹ họ cấm đốt pháo, nhưng tôi đang ở đâu thế này? tôi cứ tưởng đang ở quê nhà, có lẽ tôi lẩm cẩm mất rồi, thì ra nãy giờ tôi đang nằm mơ… Bây giờ thì tỉnh rồi, tôi biết tôi đang ở trong viện dưỡng lão, hôm nay viện vắng hoe, chiều cuối năm, mọi người đều được con cháu đón về nhà cả, ở lại toàn là những người đau yếu, bệnh nặng không đi lại được, hoặc những người không có thân nhân. Tôi cũng có thân nhân, con cháu tôi đông lắm, nhưng chẳng đứa nào nhớ tới là còn có người mẹ già ở trong viện dưỡng lão đang mỏi mòn đợi mong.  Đêm đã khuya lắm, bầu trời đen kịt  không trăng sao, chỉ có bóng tối, đêm 30  bóng tối càng dầy đặc, âm u dến rợn người, tôi sợ bóng tối lắm, bóng tối luôn luôn làm cho tôi có cảm giác bất an…
Có tiếng nói lao xao ở ngoài cửa, bà nhìn ra, lạ nhỉ, đêm hôm khuya khoắt như thế này ai đến viện dưỡng lão làm gì? Hay là Trung tới đón? có thế chứ, lẽ nào các con lại bỏ rơi mẹ, bà mừng chảy nước mắt, cái thằng thiệt hết nói, đến vào giờ này à?  Vô đi con! không sao cả, có đến là tốt rồi.  Nhưng không phải, có tiếng của trẻ con, hình như nó đang gọi mẹ, giọng non nớt chưa từng nghe qua bao giờ, nhưng không có vẻ xa lạ tí nào. Tự dưng bà liên tuởng đến Thảo, đứa con thứ ba của ông bà sau Hiếu, đứa con xấu số vừa sanh ra đã chết ngay từ lúc mới lọt lòng, nhưng cũng được mang một cái tên… Có phải Thảo đó không? lại đây cho mẹ xem mặt tí nào! con đã lớn bằng từng này rồi à? Ồ nhưng có lẽ không phải đâu, Thảo nếu còn sống thì giờ này cũng đã ba mươi tuổi chứ đâu có bé xíu như thế này? Nhưng nó là con nhà ai mà ông lại dắt nó thế? nó đang nhoẻn miệng cười, dễ thương quá.  Xem kìa! cặp mắt và cái miệng cười của nó giống hệt con Thư, giống hệt tôi, chỉ có con thì mới giống mẹ, nó đúng là con tôi rồi.  Lại đây với mẹ đi con! lại đây cho mẹ ôm con một tí, tội nghiệp con bé bỏng từ lúc sanh ra chẳng được ở với mẹ ngày nào.  Sao con đứng im thế kia? cả ông nữa? Nãy giờ chỉ có một mình tôi nói, tôi chưa từng nói nhiều như thế bao giờ cả, nhưng hãy để cho tôi nói chỉ một lần cuối cùng này rồi thôi, tôi chất chứa ở trong lòng lâu rồi không biết thố lộ cùng ai… Dạo này tôi đau nhiều lắm ông ạ, chiều nào cũng lên cơn sốt, xương sống, xương vai buốt như có kim châm, thỉnh thoảng lại bị chảy máu mũi, máu răng. Tôi chẳng thèm khai bệnh với ai, nhưng thấy tôi xuống cân nhiều quá, cô y tá báo cáo nên tuần vừa rồi có bác sĩ tới khám bệnh cho tôi, có cả thử máu nữa, mới biết kết quả mấy hôm nay, người ta bảo tôi bị ung thư máu cấp tính phải vào bệnh viện để chữa trị, họ sẽ báo cho người nhà biết để tùy người nhà quyết định.  Chẳng biết họ đã báo cho các con chưa mà không thấy chúng nó tới, có thể chúng nó chưa biết, chứ biết rồi chắc chúng chẳng nỡ làm lơ đâu. Tôi đâu còn sống được bao lâu nữa, được thoát kiếp là mừng vì khỏi phải dây dưa kéo dài những đau khổ. Tôi không sợ chết, nhưng tôi sợ phải nằm bệnh viện lắm, đàng nào cũng chết thì chết ở nhà sướng hơn.  Tôi chỉ mong được về nhà ba ngày Tết, nhìn đủ mặt các con cháu rồi muốn ra sao thì ra, có chết cũng mãn nguyện, nhưng sợ chúng nó không chịu, đem người bệnh về nhà xui, rủi chết bất tử lại càng xui nữa.  Có lẽ vì vậy mà chúng chần chờ không chịu đón tôi chăng? thật không may, phải chi biết trễ vài ngày nữa, có thể tôi đã được ăn Tết ở nhà.  Ở đây buồn lắm chả có ai trò chuyện, bà Tám cũng được con đón về từ hồi chiều rồi, nơi đây chỉ còn mình tôi với bóng tối và cô đơn…
Đêm đã khuya lắm, tôi nghe đồng hồ vừa gõ ba tiếng chắc là đã 3 giờ khuya, sao tôi cứ trăn trở hoài không ngủ được, đầu tôi nhức lắm, mắt tôi mờ đi rồi, tôi mệt quá chỉ muốn ngủ được một giấc dài để mơ một giấc mơ thật đẹp… Không, ông đừng đi! đừng bỏ tôi lúc này, bây giờ là lúc tôi cần ông nhất, người tôi làm sao rồi ấy, khó chịu lắm, có cái gì chặn nơi ngực làm tôi không thở được… Bà dướn người, há miệng thật to cố hít lấy không khí vào phổi, nhưng một cơn ho dữ dội làm bà gập đôi người lại.  Dứt cơn ho, bà mệt lả nằm cong người như con tôm, đầu tụt xuống khỏi gối, hơi thở yếu lắm chỉ còn thoi thóp, nhưng bà còn đủ tỉnh táo để nhận ra có một thứ nước gì nhờn nhờn, tanh tanh bắt đầu chảy ra từ miệng, từ mũi và có lẽ cả từ tai bà nữa, chất lỏng tanh tanh mằn mặn ấy đang rỉ rả chảy ra từ từ, nhưng liên tục… Máu? phải, đúng là máu rồi, máu bò thành từng giòng trên mặt bà rồi rơi xuống tấm nệm giường trắng tinh. 
-        Trời ơi!
Bà hốt hoảng kêu lên nhưng rồi bình tĩnh lại ngay, có gì mà phải sợ? được, cứ ra nữa đi! ra hết đi, càng ra thoát người bà càng nhẹ.  Bây giờ thì bà nhẹ tênh, lâng lâng như bay bổng, bà quờ quạng tìm ông nhưng không thấy, bà mở mắt ra cố nhìn, mắt bà mờ rồi, nhưng bà vẫn thấy được ông đang đứng mãi tận đàng xa, nơi cuối đường, trong vùng có ánh sáng như dát vàng đẹp quá… Bà mừng rỡ  cất tiếng gọi, ông dơ tay lên vẫy, bà vội vã bước tới, bước tới mãi, nhưng bóng ông lúc ẩn lúc hiện, lúc gần lúc xa, đi hoài không tới.  Ô hay! cái ông này lạ, sao ông không bước tới để tôi cứ phải gắng sức như thế? ông không biết rằng tôi đang mệt à? Ông mỉm cười dang tay ra đón, bà lại xích tới, xích tới nữa, khoảng cách cứ ngắn dần, ngắn dần… Ừ, có thế chứ, đừng chơi trò cút bắt với tôi, ít ra ông cũng đứng yên, chứ tôi tiến mà ông lùi thì bao giờ mới tới?  Còn vài bước nữa thôi, bà đưa tay ra với, chỉ còn hai bước, rồi một bước… Tay bà sắp chạm tay ông, bây giờ thì bà mới nhận thấy giữa bà và chỗ ông đứng có một khoảng cách - mà là khoảng không mờ mịt -  không xa lắm, nhưng sao với mãi không tới?   Bỗng nhiên như có một sức mạnh vô hình từ phía sau đẩy tới, xô bà té nhào vào khoảng không phía trước mặt, bà kêu lên sợ hãi khi thấy thân hình mình lơ lửng trong không gian rồi cứ thế vùn vụt rơi xuống, chạm mặt đất gây nên một tiêng động lớn… Không đau đớn gì cả, chỉ có tiếng rơi vỡ loảng xoảng rồi thì im lặng, một cái im lặng tuyệt đối.
Khi bà mở mắt ra thì thấy chồng và đứa con nhỏ đã đứng bên cạnh bà từ lúc nào, mỗi người đang nắm một tay bà.  Họ cười với bà và nói vài câu trấn an, bà cũng cười lại với họ và từ từ ngồi dậy, cảm thấy thân thể nhẹ nhõm, bà thử đứng thẳng người lên và bà đứng lên dễ dàng.  Mỉm cười sung sướng, bà ngoái đầu nhìn xem chung quanh, đây vẫn là viện dưỡng lão chứ có phải chỗ nào xa lạ đâu? vẫn khung cảnh quen thuộc cũ, nhưng không hiểu có chuyện gì mà mọi người đang hối hả đi tới đi lui, gọi nhau í ới, vài người đang bước đi vội vã trên hành lang.  Thế rồi đèn bật sáng choang, tiếng chuông báo động, tiếng chân chạy rầm rập… Có người nào đó la lớn:
-        Gọi xe cứu thương, nhanh lên!
-        Trời ơi sao lại ra nông nỗi này?
Bà thấy thân thể bà nằm dài trên mặt đất, cạnh cây đèn bàn đổ nghiêng, thuốc men, chai lọ, mấy quyển sách và cặp kiếng lão của bà văng tung tóe trên sàn nhà.  Một người nâng bà dậy, lay gọi rối rít:
-        Bà Sang, bà Sang, tỉnh dậy đi! gần sáng rồi đó, con bà sắp tới đón bà. Về nhà ăn Tết với các con các cháu. Tỉnh dậy, tỉnh dậy đi!
Bà mỉm cười:
-        Tôi có mê đâu ? vẫn tỉnh đấy chứ.  Bây giờ tôi đã khỏi hết bệnh tật rồi các ông  các bà ạ, người tôi khỏe khoắn dễ chịu lắm, nhưng tôi không về nhà đâu, có ai mong tôi đâu mà về ? Hiện giờ đang có ông nhà tôi và con Thảo tới đón tôi, họ mới là những người còn nhớ đến tôi, thương yêu tôi lắm, nhưng là những người đã chết…
Bà cố gắng nói thật lớn, nhưng hình như không ai nghe thấy bà nói gì cả, họ đang bận rộn tiu tít. Thế rồi xe cứu thương rú còi inh ỏi, xe cảnh sát chớp đèn sáng lóa, họ đến khiêng bà đi. Trời đã bắt đầu rạng đông, vầng ánh dương vừa ló dạng chiếu những tia sáng rực rỡ làm hồng một góc chân trời, một ngày mới bắt đầu, một ngày đầu xuân rất đẹp, rất êm đềm.  Những người ở trong viện dưỡng lão đã thức dậy cả, vài người tò mò chạy tới coi và xì xào bàn tán:
              -    Bà ấy đi nhanh quá, mới chiều hôm qua còn thấy ra ngồi cửa sổ.
                                           
                                     *      *      *
            
Sáng sớm mùng một Tết, chuông điện thoại reo tới tấp, trước hết là viện dưỡng lão gọi báo tin cho Trung, sau đó Trung gọi báo tin cho các em.  Lại có một cuộc bàn tính qua điện thoại, Hiếu nói:
-        Anh đưa mẹ vào nhà quàng Rose Hill, tụi em sẽ mua vé máy bay về ngay ngày mai.
-        Chôn cùng chỗ với bố hả? Thư hỏi.
-        Dĩ nhiên! Trung nói, đám tang phải tổ chức cho thật lớn, thật sang trọng.  Các cô, chú đồng ý cả chứ?
-        Còn phải hỏi! Hiếu và Thư cùng đáp, đám ma mẹ của một ông bác sĩ, một ông kỹ sư, mẹ vợ của một nhà đại thương gia phải làm sao cho đẹp mắt để thiên hạ trông vào mà thán phục.  Tốn kém bao nhiêu cũng được, anh cứ lo cho chu đáo, tổng kết hết bao nhiêu, chúng mình chia ba, đồng ý?
-        Đồng ý!
Như thế đó, đám ma của bà Sang lớn chưa từng thấy, làm lé mắt thiên hạ : xe hòm phủ khăn đen do bốn con ngựa kéo, một cái kiệu sơn son thếp vàng, trong có cái hình phóng lớn của bà Sang đang cười thật tươi, hình được lộng trong một cái khung mạ vàng, kiệu được che bằng hai cái lọng do hai người cầm rước đi trước xe tang, theo sau là những bức trướng và cờ phướn bay rợp trời, con cháu mặc xô gai đi sau xe tang cất tiếng khóc ai oán.  Một dàn nhạc tây với tám người nhạc công mặc đồng phục màu đen vừa đi vừa trỗi những bản thật buồn.  Người đi đưa đám có cả mấy trăm, những người xem đứng chật hai bên đường đông vô số kể, ai cũng khen đám ma lớn chưa từng thấy.  Bà Sang chắc cũng mát dạ và nở mặt nở mày với thiên hạ, lúc sống bị các con bỏ rơi, lúc chết được đón rước bằng một đám ma linh đình, được thiên hạ suýt soa khen ngợi là có phước.
Trong viện dưỡng lão, mọi sinh hoạt dã trở lại bình thường, mấy ngày Tết qua đi, mọi người lục tục trở về gần đủ số, chỉ thiếu có một mình bà Sang.  Nhìn cái giường trống của bà chưa có ai thay thế, vài người bạn cũa bà bùi ngùi thương cảm một lúc rồi thôi. Ở đây, cái chết chỉ là một điều tất nhiên, rồi ai cũng sẽ tới lượt, họ nhanh chóng quên đi cái biến cố nho nhỏ đó.  Bà Tám xin đổi phòng khác với lý do là không muốn trông thấy khung cảnh gợi lại những kỷ niệm của người bạn đã chung phòng với bà trong bẩy năm qua, nhưng kỳ thực thì lý do chính là vì bà sợ ma.  Ông nhạc sĩ có lẽ không biết rằng ông vừa mất một người thính giả trung thành vẫn ái mộ ông từ thuở còn trẻ.  Mấy lúc sau này ông không còn dạo đàn mỗi buổi sáng nữa, ông yếu đi nhiều rồi, hai tay bắt đầu run rẩy, đàn không hay nên ông không đàn nữa, hẳn ông buồn lắm phải giã từ những bản đàn, những nốt nhạc suốt một đời gắn bó.  Mỗi buổi chiều, ông thường chống gậy thơ thẩn ra vườn hoa, ngồi trên băng ghế trong sân viện ngắm mặt trời xuống thấp sau ngọn cây, đếm thời gian qua thêm được một ngày, người nghệ sĩ về chiều ngồi im, buồn bã nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ những tràng pháo tay hoan hô, nhớ thuở vàng son vang danh một thời… Hôm đám ma bà SaBuổi bng, ông không đi dự, nhưng khi nhà quàng đến đem bà đi, ông ra ngồi đàn, run tay dạo bản nhạc buồn của Chopin “  Marche Funèbre ” như để tiễn đưa người bạn già về bên kia thế giới, đó là bản nhạc cuối cùng của ông.
 
Phương Lan  
( Trích trong tập truyện Bốn mươi năm cuộc tình  )

No comments:

Post a Comment