Friday, November 4, 2011

Sống Đời Với Thơ - Nguyễn Đông Giang

   
                  Kính tặng những người đẹp một thời của Đà Nẵng
                                      Và cảm ơn bạn thơ Luân Hoán
                                     Nguyễn Đông Giang


Trên chiếu thơ Luân Hoán, những người đẹp trong thập niên 60, 70 của Đà Nẵng đã được anh ưu ái dành cho nhiều chỗ ngồi rất trang trọng . Làm thơ tình, ba hoa ngợi ca nhan sắc là một chuyện bình thường. Nhưng nịnh gái, ve gái bằng nghệ thuật thi ca, Luân Hoán quả có phần chơi lấn  hơn những người bạn thơ đồng hương, đồng thời với anh, trong đó có tôi.
<!-- Read more -->


Mê sắc đẹp chưa hẳn là mê gái. Bào chữa này khó đứng vững , nếu không có những câu thơ sinh động biện minh. Căn cứ vào thơ, tôi quả quyết Luân Hoán đã đi qua hầu hết những ngõ nhà của mỹ nhân. Hơn thế nữa, anh đã từng nghiêng chào tất cả những  tiểu thư xinh đẹp của thành phố.
Phương danh trong đội ngũ hoa hồng này, có lẽ được sắp xếp theo từng thời điểm bắt gặp đối tượng của tác gỉa . Một điều có thể tin chắc, anh không xếp hạng. Với một nhà thơ bản tính ba phải là chuyện thường, huống chi Luân Hoán , hình như,  chỉ chú tâm đến việc vẽ vời , cùng hiệu đính thêm những xúc cảm của mình . Những họa phẩm của anh do đó bức nào cũng tuyệt vời, bởi cội nguồn của nó đã là một sản phẩm đẹp của tạo hóa. Trò chơi lẩn thẩn của Luân Hoán tưởng chừng vô ích, nhưng không, ngày nay nhờ những họa phẩm bằng chữ nghĩa này, chúng ta thấy lại được thành phố Đà Nẵng thân yêu của chúng ta, một thời  đã có qúa nhiều người đẹp đến như vậy.

Cá nhân tôi cũng làm thơ, cũng mê gái, nhưng trước đây lỡ bỏ sót khá nhiều cơ hội thưởng ngoạn, tán thưởng, nên lần này, sau khi đọc lại một số thi phẩm của Luân Hoán,bạn tôi, một người bạn quen thân từ thời tiểu học Hoàng Diệu, tôi thấy thích thú lần theo một số thơ lục bát tình của anh để tìm lại một số hình ảnh đã từng qúi mến . Cuộc chơi một mình thường không vui, nên tôi xin trân trọng mời các bạn , nếu cũng thích vớ vẩn hãy cùng theo tôi.
Bài viết này không đặt nặng tính cách văn học, mà chỉ có mục đích gợi nhớ  những trang nữ sắc tuyệt vời đã  và đang sống đời với thơ.
Điều cần thưa thêm : với thời điểm hiện nay, khi những người đẹp đã nặng trên vai một số tuổi đời đáng kể, thì việc xưng tụng này hẳn không  mang một tính cách xúc phạm nào . Dù sao tôi cũng mong được qúi người đẹp, cùng gia đình hệ thuộc thứ lỗi.

Bây giờ, mời chúng ta theo Luân Hoán để chiêm ngưỡng sắc hương :

rập rình qua ngõ Minh Xuân
liếc cho đỡ nhớ dải lưng lụa vàng
nhìn nghiêng, nắng gác hành lang
nhìn xéo, nắng giữ hai hàng sứ xanh
long lanh mắt vượt qua thành
vén màn hỏi nhỏ bức tranh treo tường...
âm thầm gởi tặng mùi hương
lên bàn tay vải tiếng dương cầm buồn
lòng tôi phiêu lãng mười phương
bỗng về ở trọ trên trường túc hoa

Sở hữu chủ của cặp trường túc hoa là cô gái mang tên Minh Xuân,  mùa xuân sáng óng ánh, có lẽ vậy. Chị (xin được thống nhất dùng từ Chị để gọi cho trang trọng) là một tay chơi dương cầm. Ngón đàn chưa biết trưởng thành đến đâu, nhưng những âm thanh từ đôi bàn tay sáp thon đó vãi ra đã làm cho một nhà thơ phiêu lãng mười phương bỗng muốn gác mộng giang hồ để được về ở trọ trên một cặp chân . Có một chút dung tục, nhưng hình ảnh rất đẹp. Qua thơ, ta còn thấy được cái lãng mạn của những sợi nắng ngày hôm ấy. Chúng lấp ló nằm ngang ngoài hành lang, chúng rập rình giữa hai hàng cây sứ. Và nhân vật chính, không thiếu tình tứ trong cử chỉ gỉa vờ đứng thưởng ngoạn một bức tranh treo tường, với mục đích đưa cái nhìn qua cửa sổ và âm thầm gởi tặng mùi hương. Tặng ai thì không biết, nhưng anh chàng làm thơ ngoài kia cứ tha hồ cảm nhận, và chẳng ai cấm được làm thơ linh tinh. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ hẳn đã có lần đưa người bạn thơ , đến thăm cô học trò dương cầm của mình mới ra nông nổi ?
Được biết Minh Xuân, một cô gái người ngoan đạo Công Giáo, chị cư ngụ trên đường Độc Lập, con đường một chiều, nhưng là một trong những trục giao thông chính yếu của phố chính Đà Nẵng. Con đường ngày nay đã mang tên Trần Phú.


Sau khi hết rập rình, Luân Hoán bắt đầu :

thắc thỏm qua ngõ Như Thoa
vòng cung Ðộc Lập nối qua Bạch Ðằng
phóng mắt lên nóc lầu đen
lên bao lơn rọi thay trăng Sơn Chà
trầm hương từ cõi thịt da
trải xanh ngọn gió ngấm ra sông Hàn
bàn tay cầm vợt bóng bàn
lỡ cho ai nắm lấm vàng tình thơ
tôi ngồi dựa gốc cây mơ
hoá thân thương nhớ thành tơ bắc cầu

Những cử chỉ của người bạn thơ của chúng ta ở trên, có thể có thật mà cũng có thể không . Cá nhân tôi có chút ít nghi ngờ, anh chỉ thi vị hóa. Nhà của Như Thoa nằm ở góc chéo giao điểm giữa hai đường Độc Lập, Bạch Đằng, gọi môm na là đường bờ sông. Dinh thự này thuộc sở hữu chủ của Quan Thuế, dành cho gia đình cấp giám đốc cư ngụ. Đây là một kiến trúc của người Pháp, nằm chênh chếch về phía bên trái trường trung học công giáo Sao Mai. Như Thoa là một trong những tay chơi bóng bàn nổi tiếng của Đà thành. Chị là em gái chị Hoàng Mộng Điệp, một nữ danh thủ bóng bàn của Việt Nam Cộng Hòa. Là chị ruột Á hậu Việt Nam đầu tiên Hoàng Kim Uyên và cũng là chị của họa sĩ Hoàng Trọng Bân , một trong hai người bạn chí thân của Luân Hoán thời bấy giờ (người thứ hai là anh Châu Văn Tùng).Bân  còn có người anh, Hoàng Trọng Biền, là bạn học cùng lớp với Luân Hoán ở Phan Châu Trinh. Chính điều này làm tôi có chút nghi ngờ như đã nói trên. Bởi tôi biết Luân Hoán vẫn thường tới chơi với Bân và Biền. Cơ hội để anh chạm mặt cùng người đẹp của tôi không phải là ít.Tôi xin nói, tôi cũng là một người từng mơ, nhớ đến Như Thoa. Chẳng giấu gì qúi bạn, tên thật của tôi là Nguyễn Văn Ngọc đã được may mắn cùng học một trường Sao Mai với Như Thoa năm đệ nhị B. Nhưng Bàn tay cầm vợt bóng bàn, lỡ cho ai nắm lấm vàng cả thơ ,ai, đây không phải là tôi, và cũng chắc không phải Luân Hoán. Chúng tôi chỉ là hai người trong số nhiều người đã từng đứng bên bờ sông Hàn để hít thở một mùi hương . Một mùi hương mà Luân Hoán phát hiện :Trầm hương từ cõi thịt da, trải xanh ngọn sóng ngấm ra sông Hàn

Hết những rập rình, thắc thỏm, Luân Hoán lại :


e dè qua ngõ Trân Châu
cây vông đồng đứng phía sau nhắc chừng
bởi ai lỡ thắt giây lưng
lên voi làm sống bà Trưng thuở nào
cho tình thức cũng chiêm bao
cho tình ngủ cũng nhả thơ nhớ đời
hàng rào chẳng phải mồng tơi
ném thư không tới, vói lời chẳng qua
thôi đành làm đóa sao sa
rơi hoài chẳng lọt nóc nhà hoa lan

Nóc nhà hoa lan của Trân Châu ở trên đường Trưng Nữ Vương, gần chợ Cây Vông Đồng. ‘ Cây vông đồng không trồng mà mọc, em chưa chồng anh ghẹo cho coi’ . Không mê gái đẹp không phải là bệnh của nhà thơ. Luân Hoán mê Trân Châu là vậy. Chị đẹp, không lộng lẫy, nhưng uy nghi sắc nước, bàng hoàng cỏ hoa. Luân Hoán từng có dịp nhìn chị thủ vai Trưng Trắc , diễn hành qua các đường phố Đà Nẵng trong dịp lễ Hai Bà Trưng. Nhà thơ mê sững mê sờ. Tình anh vì thế thức cũng chiêm bao mà ngủ cũng nhã thơ nhớ đời. Anh còn nguyện làm một ánh sao sa, rơi hoài bất tận. Sao thì nhỏ, lẻ loi. Tình thì lớn mênh mang nên rơi hoài chẳng lọt nóc nhà hoa lan. Riêng tôi, với người đẹp này, không giữ lại được ấn tượng bao nhiêu. Một vài lần, đứng ngó từ khoảng cách xa, không làm sống nổi một nhân dạng trong trí nhớ ,vốn đã nhiều lần phải nhúng trong cay đắng của cuộc đời.
Luân Hoán của chúng ta thì khác. Anh ngon lành hơn, không tin các bạn hãy xem anh chàng đang làm gì ?


ngập ngừng qua ngõ Lâm An
mưa dông hộ tống hai bàn chân thơ
tưởng như đang đến nhà thờ
thủ lời xưng tội vẩn vơ trong lòng
lỡ quên hái bậy nhành bông
ngửa tay hứng giọt mưa trong ngỡ là
cổ em chưa vướng vòng hoa
chuỗi kim cương nước khác xa mọi người
trông qua cổng, thấy em cười
Chúa tha tôi tội yêu người sau lưng

Luân Hoán đang qua ngõ nhà của Nhà Lâm An đó bạn. Nhà của cánh hoa này ở trên đường Hoàng Hoa Thám, gần quán kem chính của Diệp Hải Dung. Lâm An có người chị là Lâm Vui, cả hai chị em đều đẹp. Tôi tự hỏi tại sao Luân Hoán không phác họa một Lâm Vui ? Chị không những rất xứng đáng mà cần phải có mặt trên chiếu thơ tình của anh. Thật là một thiếu sót đáng tiếc. Riêng Lâm An, chân dung chị đã được Luân Hoán vẽ dưới một cơn mưa anh đang đội trên đầu. Mưa từ sông Hàn bay lên, hay Sơn Chà bay xuống . Có phải những cơn mưa thường làm ướt lòng thi sĩ ? Lời thơ như  mềm ra trong thố lộ vẩn vơ, nhẹ nhàng. Những giọt mưa nhà thơ hứng trên tay để thử tạo ra một chuỗi hạt kim cương tặng người đẹp vô tình là những cứu tinh vớt vát những ngượng ngập cho người si tình, bạo chân mà chẳng bạo lòng nói ra. Nhưng cái người mang tội yêu người sau lưng này vẫn còn được an ủi khi trông qua cổng, thấy em cười. May cho Luân Hoán, anh không bị người đẹp xịt chó cắn như nhà thơ Hoàng Lộc, một trong những lần cũng lững thững săn tình như Luân Hoán.

Chúng ta mới dò dẫm qua bốn ngõ mỹ nhân của Luân Hoán. Ngõ thứ năm
mở vào nhà Bích Quân. Người đẹp mang họ Hoàng, nghe đâu từ  Sài Gòn chuyển về học tại Phan Châu Trinh. Với một chút tân thời của thủ đô cộng thêm một nhan sắc lộng lẫy, Bích Quân là nguồn cảm hứng của nhiều đối tượng . Một trong những ông thầy của chị cũng phải cất đi cái đạo mạo của nghề nghiệp để trồng cây si một cách ngon lành huống là chàng thư sinh thi sĩ Luân Hoán.
Cứ nhìn cái bộ tịch của anh cũng đủ thấy thương. Giữa cái bóng nắng cuối ngày, ngu ngơ trước một cửa lớn, làm gì hơn là cho tay vào túi quần, bước lui, bước tới đăm chiêu, rồi vờ vịt cúi cột giây giày, cố kéo dài khoảng thời gian bịn rịn trước một cửa ngõ để ‘nhìn qua một chút’ . Nhưng cái quyết tâm ‘ tứ núi cũng trèo, tam sông cũng lội...’ rốt cuộc cũng chẳng giúp được gì cho anh chàng nghiện tình này.
‘ Bích Quân đẹp, đẹp mơ màng
thấy em chim hót xênh xang trên cành’
Hai câu lục bát này không phải của Luân Hoán, mà của chính tôi  vừa ngẩu hứng khi nhớ đến Bích Quân. Còn thơ của Luân Hoán dành cho người đẹp của chúng ta, như sau :


lò dò qua ngõ Bích Quân
giú bàn tay ở túi quần, đăm chiêu
loanh quanh trong bóng xẩm chiều
nghe chân mày thả lời phiêu bồng chào
ngu ngơ dừng trước cổng vào
dòm anh khuyển rất bảnh bao cau mày
co chân buộc lại giây giày
tam sông, tứ núi...chút này ngán chi
ngại em...lững thững quay đi
bâng khuâng ngoái lại chung qui cũng là

Bên cạnh những cặp chị em tuyệt sắc mà những bậc cha mẹ đã hạnh phúc tạo được như Quỳnh Chi - Quỳnh Cư, Phước Khánh - Phước Hạnh, Lâm Vui - Lâm An..Thị dân Đà Nẵng khó quên được cặp Thu Liên, Thu Hà.
Trong vài bài thơ có liên quan đến Đà Nẵng, Luân Hoán vẫn thường nhắc tên Thu Liên nhưng trong các chùm thơ Qua Ngõ Mỹ Nhân, Nghiêng Chào Đà Nẵng Tiểu Thư, Tình Thơ Một Thuở...anh cũng chỉ nhắc đến cái tên tuổi lớn này mà quên phác họa đậm đà hơn, thật đáng tiếc.Có thể nhà thơ vấp phải một lý do gì chăng ?
Với Thu Hà , ngọn thơ Luân Hoán rất mượt. Cùng mái tóc ngắn, nhí nhảnh, hồn nhiên, cùng tà váy nổi bậc giữa đám áo dài, Thu Hà hẳn là com chim đẹp lộng lẫy giữa đàn. Chị còn nổi tiếng thông minh, một cây Việt văn có hạng của nữ sinh Phan Châu Trinh. Chị đã đủ sức làm cho hai bàn thi sĩ lơi đạp xe khi có dịp mon nem qua ngõ .

mon men qua ngõ Thu Hà
dẫu lơi chân đạp cổng nhà cũng qua
nắng chiều đang thở trên hoa
hình như có bóng thướt tha vói nhìn
quay đầu xe lại, khó tin
nụ cười thơm ấy vô tình thật sao ?
gáy ngà đỡ mái tóc cao
rõ ràng có hạt bụi thao thức nằm
váy thơ đang độ thong dong
chiếc xe đạp bỗng phải lòng quên đi

Trong khoảnh khắc những đọt nắng chiều đang thở trên những đóa hoa, Luân Hoán dù ‘ dùng dằng nửa ở nửa về’ anh cũng không thể giữ cho cái xe đạp thăng bằng đứng yên một chỗ lâu được. Và khi đã phải vượt qua cái ngõ
của thần tượng, anh quay đầu xe lại với chút ít hy vọng. Nhưng hỡi ơi, nụ cười thơm ấy vô tình quá đi . Anh bỗng ghen với những hạt bụi thao thức nằm trên gáy ngà . Hạt bụi có phước đến như thế còn thao thức nữa là...Chiếc xe đạp bỗng ngại ngần như có dự báo đã phải lòng quên đi. Ở đây, Luân Hoán đã cho cái xe đạp thế thân anh một cách linh động, trở thành một hình ảnh đẹp. Chị Thu Hà, tôi nghĩ cho dù không thích bị đưa vào những đoạn ‘thơ lãng nhách’  như thế này cũng không đến nổi phải phật lòng.

Và bây giờ chúng ta cùng Luân Hoán qua một ngõ hoa khác, ngõ hoa có đến với ba mỹ nữ :

tà tà qua ngõ Quỳnh Chi
hai hành lang gió thầm thì quanh năm
nắng không vào lọt chỗ nằm
hạt thơ đâu dễ bén mầm bên hoa
mê người nhớ cái ngã ba
Ðông Kinh Nghĩa Thục rẽ qua Nguyễn Hoàng
ba nhành xuân sắc đoan trang
có khi nào thấy anh chàng ngu ngơ
chỗ nào véo cũng ra thơ
yêu ai chưa biết vu vơ để dành...

Tôi rất thích đoạn thơ trên. Đoạn thơ có nhiều hình ảnh đẹp. Trước nhất là
sự kín cổng cao tường, nói lên cái phong cách  khuê cát, đài trang của các tiểu thư con nhà trưởng gỉa.Căn phòng của ba cành xuân sắc đoan trang , (Quỳnh Diên, Quỳnh Chi, Quỳnh Cư, tên gọi của ba chị em), an toàn đến nổi một giọt nắng cũng khó lọt vào, thì dễ gì có cơ hội cho hạt thơ tình nẩy mầm. Nhưng với con người có một cơ thể mà ở đâu khi bị véo vào cũng nẩy ra thơ như Luân Hoán, thì việc ươm những vần điệu chắc không mấy khó khăn . Nhưng mà thật lạ, mê thì mê vậy nhưng đối tượng nhớ nhung của anh lại là cái ngã ba, mê người nhớ cái ngã ba quả kỳ diệu, tuyệt hão lãng mạn. Cái ngã ba Đông Kinh Nghĩa Thục rẽ qua Nguyễn Hoàng ngày nay một tên đường (ĐKNT) đã bị đổi .Thánh Thất Cao Đài vẫn đứng gần đó và ngôi nhà ngói cổ của chị em Diên Chi Cư dù đã đổi chủ (?) vẫn còn đó mãi mãi, ít ra là trong thơ Luân Hoán.

Không xa nơi ở của Diên, Chi, Cư bao nhiêu, về hướng trường Phan Châu Trinh là một địa chỉ hoa khác . Thúy Oanh, Vũ Thúy Oanh, một cô bạn học thời đệ nhị C Phan Châu Trinh với Luân Hoán . Chắc chắn đôi bạn học không thể từng  ngồi chung bàn, nhưng ai cấm anh chàng mê mỹ nữ này đã  tìm cớ  để ghé  thăm. Nhờ ghé thăm, nên nét thơ được thể hiện chân chất cụ thể hơn :

phất phơ qua ngõ Thúy Oanh
một gian cư xá long lanh mắt cười
ai cho phép một con ruồi
yêu người hoá điểm son tươi bên cằm
trang Kiều mở dưới gối nằm
thơm lừng hương tóc trăng rằm ngủ quên
cánh tay tròn mướt tơ mềm
làm sao dám gối, chỉ thèm vu vơ
lỡ mang bệnh nghiện làm thơ
ngại chi đôi phút bất ngờ tà tâm

Từ hình ảnh cái nốt ruồi, Luân Hoán hình dung ra một con ruồi cùng sự tinh nghịch đa tình của nó, đến những ngọn lông tơ trên cánh tay tròn bị rối đi với một cách nghĩ tinh ranh nào đó, quả thật Luân Hoán đã có một chút gì mà chính anh cũng hồ nghi là tà tâm. Thúy Oanh nói giọng Hà Nội, khá kiêu kỳ về sau hình như chị làm nghề ‘gõ đầu trẻ’ , không rõ giờ ở đâu ?

Một cửa ngõ mà Luân Hoán đã bâng khuâng khi đi qua là cửa ngõ của Ái Cầm. Một người Hoa chính thống sinh ở Đà Nẵng và trọn đời mang trái tim Việt Nam. Điều gì làm cho nhà thơ bâng khuâng đây ? Hãy thử đọc :

bâng khuâng qua ngõ Ái Cầm
chợ Cây Me ngó, thì thầm trên vai
chàng này coi cũng bảnh trai
tiếc rằng thiếu bước chân dài trổ hoa
phòng hồng đã chật tiếng ca
một nhà thơ ở phương xa đã vào
trời thừa bao nhiêu vị sao
thừa thêm vị nữa chẳng sao đâu tình
vẩn vơ vào cõi u minh
Tây cười dưới mộ giật mình làm thinh

Người thơ nghe được những thầm thì bình phẩm về mình, và cũng sớm thấy được cái đích đến không có nhiều kết quả, nhưng vẫn cao ngạo ví mình như một vị sao.Vị sao đó đã thừa,  đành vẩn vơ  vào một nghĩa trang để chuyện vãn với những người lính Pháp còn bỏ xương lại nơi này.Buồn có thể hơn năm phút phải không các bạn.
Về Ái Cầm đại khái tôi biết như sau : Chị theo học trường Phan Thanh Giản, sinh hoạt văn nghệ rất tích cực cho nhà trường. Từ khởi điểm này một ông quan ba của ngành Tâm lý chiến, trực thuộc Quân đoàn I cù rũ, và “ em Phan Thanh Giản bỏ đời theo anh (thơ Thái Tú Hạp) từ đó. Ngày nay, tại Hoa Kỳ, vợ chồng Ái Cầm Thái Tú Hạp thành công trong nhiều  lãnh vực sinh hoạt xã hội, văn hóa cho đến việc xuất bản ra cháu Doanh Doanh, một hoa hậu Việt Nam của  quận Cam năm 2003 và đang trên đà thành danh trong nghiệp ca hát.

Thuộc phái người đẹp theo kịp nếp sống tân tiến nhất của Đà Nẵng thời bây giờ là chị Diệu Minh. Với Luân Hoán, chị là một bậc đàn chị . Với tôi, một người ngày trước ở tận bên kia sông, không được biết về chị nhiều, nên ở đây tôi chỉ trích thơ Luân Hoán, để các bạn tùy nghi nhớ lại , nghĩ về
Diệu Minh.

lờ khờ qua ngõ Diệu Minh
trèo tường sân vận động nhìn mây bay
nhạc luồn theo những ngón tay
xoay lưng ong những vòng quay vật vờ
dáng hoa đài cát thanh cao
bước dần ra khỏi vạt thơ mê tình
lầm bầm tụng một câu kinh
một câu kinh trị thất tình vô ngôn
ngó quanh trời đất vẫn tròn
ngả lưng đánh giấc thả hồn lưu linh

Sau một thời gian dài lang thang qua nhiều ngõ hoa như vậy, Luân Hoán như người đi đêm lâu ngày gặp ma. Và lần này anh không chỉ mê mà biết yêu nữa . Anh đã yêu và được yêu .Tôi cố tình không giới thiệu khuôn mặt quan trọng nhất trong đời sống thơ Luân Hoán. Nhưng tôi tin bạn đọc thơ anh, đều đã rõ.

lừng khừng qua ngõ Phước Ninh
lolita hiện hiển linh cười cười
giá bứng được cánh môi tươi
lấy thơ lấp lại cho đời khỏi ghen
tình yêu là cái mặt bằng
xây bao gác gió lầu trăng, vẫn thừa
hôn nhau từ sáng đến trưa
từ chiều sang tối vẫn chưa thơm lòng
đường Phan thanh Giản cong cong
cái chân đứng lại, cái lòng bâng khuâng

Mặc dù quan niệm cõi tình yêu như một vạc đất hứa và thổ lộ hôn nhau từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối vẫn chưa thơm lòng nhưng vẫn thú thật cái vớ vẩn chưa chịu nằm yên : cái chân đứng lại, cái lòng bâng khuâng. Chính nhờ những bâng khuâng này mà chúng ta được nhắc nhở thêm nhiều người đẹp khác của Đà Nẵng trong hai thập niên 60, 70


buồn buồn qua ngõ mỹ nhân
Quý Phẩm, Thạch Trúc, Ỷ Vân , Bích Hà
Xuân, Ðông,Hồng, Phú , Phước, Nga.......
những môi, những mắt, những da thịt nồng
những vồng đất biết trổ bông
thuận, không, tôi cũng đã trồng ra thơ
dài đời trôi nổi phất phơ
sờ trong ngực áo vẫn thao thức tình
gởi người thánh nữ siêu hình
nụ hôn này để tạ tình thế gian

nguyện đem theo xuống suối vàng

Trong những mỹ danh Luân Hoán gọi trên, thú thật có nhiều người tôi chưa được biết nhiều. Có thể vì anh chỉ dùng một từ để gọi như Phước, như Nga vv.. làm tôi nhớ, đoán lẫn lộn bởi trong thành phố có quá nhiều người cùng tên. Tuy vậy không phải tôi hoàn toàn mù tịt . Tôi có thể nhắc vài nét đơn giản để các bạn nhớ về  những người mà tôi chắc các bạn một thời đã từng có đôi phút được diện kiến, hoặc mơ màng mông lung.

Đây là Chị Qúi Phẩm. Chị mang họ Lê, Lê Thị Qúi Phẩm. Một mẫu người đẹp thùy mị, hiền thục. Danh của chị  không chỉ bềnh bồng trong khuôn viên trường Phan Châu Trinh, nơi chị theo học, mà còn được lan rộng cho cả thành phố ngưỡng mộ. Riêng tôi nhớ hình như chị ở trên đường Đống Đa, con đường dẫn về trại nhập ngũ số 1, một con đường định mệnh của đám nam sinh chúng tôi một thời.

Đây là Chị Thạch Trúc. Chị cũng mang họ Lê, Lê Thị Thạch Trúc. Với nhan sắc lộng lẫy của dáng dấp phương Tây, Thạch Trúc thuộc lớp người qúi phái. Chị được sinh ra trong một gia đình thương gia giàu có. Gia đình này ngoài chị, còn có những cô em gái khác, tuy không tuyệt vời về nhan sắc nhưng đều là những người thanh đạt. Nói về chị Thạnh Trúc thật là khó, bởi mọi người  ở Đà Nẵng hần như đều biết và ngưỡng mộ chị. Thưởng ngoạn nhưng không miêu tả. Ngay đến cả một Luân Hoán, dấu vết ba hoa xâm đầy mình vẫn chưa dám viết tinh tường ,có chăng chỉ là đôi lần gọi tên suông một cách vô thưởng vô phạt.

Đây là chị Ỷ Vân. Chị vốn là học sinh của Trần Qúi Cáp hội An chuyển ra Phan Châu Trinh trong năm lên đệ nhị. Ỷ Vân có khuôn mặt trong sáng với mái tóc ngắn, ôm sát hai vành tai. Dáng người chị thon gọn trong một làn da chín nắng vừa đủ để vẽ ra cái đậm đà đầy ma lực thu hút.

Đây là Xuân, Đông...Nếu tôi không lầm là những bóng hồng, con  của một chủ quán cà phê cóc gần Ty Thông Tin ? Hai cô này...còn vài chị em nữa. Tất cả đều sắc nước, hương trời làm tốn bao nhiêu tiền cà phê của toàn thể nam sinh choi choi của Đà Nẵng một thời.

Có thể nói Luân Hoán là người liều mạng số một trong đám làm thơ chúng tôi thời bấy giờ. Gần như ai anh cũng mê cả. Dù sự mê của anh có thể chỉ kéo dài đủ cho anh làm một đoạn thơ, mà nhiều người cho là tầm phào, vớ vẩn . Còn các chị thì cho là dở hơi, khó ưa , tôi nghĩ vậy. Không dở hơi sao được, khi ai anh cũng cho là những vồng đất biết trổ bông ,để rồi thư thái thú nhận : thuận, không tôi cũng đã trồng ra thơ. Và với một ngực áo sờ lúc nào cũng thấy thao thức tình , nên Luân Hoán không thể bỏ sót những tiểu thư khác.
Chúng ta hãy thử nhìn những tiểu thư mà anh đã nghiêm chỉnh nghiêng chào sau đây :


chào em, Lê Thị Quỳnh Như
xin đừng nghiêng nón , nắng thu rất hiền
con đường này đã dành riêng
cho người con gái có duyên như là
cô hoa khôi của Tam Toà
thong dong dạo bước trong ta mỗi ngày
ngón chân như những sợi mây
lòng ta ngậm vóc tình đầy tiểu thư
thưa em, Lê Thị Quỳnh Như
em thơm như ngọn thơ từ Nguyễn Du

Người thứ nhất, đẹp đủ để Luân Hoán nghiêng chào là một cô gái từ phương bắc vào định cư tại Đà Nẵng , trong dịp tản cư năm 1954. Ở vào khu định cư Tam Tòa, cho chúng ta biết điều này.  Chị Như có dáng mảnh khảnh mình dây. Điểm Luân Hoán chú ý nhất ở chị là bước đi rất nhẹ nhàng. Anh đã ví những ngón chân của chị là những sợi mây. Những sợi mây đó xinh đẹp như những câu Kiều. Và chị đã được ví như thơ, mà là thơ của bậc nhất thi ca  Việt Nam, hẳn nhiên phải vô cùng đẹp.Tôi rất tiếc đã chưa được thưởng thức chị Lê Thị Quỳnh Như, nhưng đọc thơ Luân Hoán đọc cả cái tên đã có một phần nào hạnh phúc.

Sau Chị Như, chắc các bạn không xa lạ mấy với cô em này :


chào em, Ðoàn Thị Bích Hà
xin đừng vội níu, giữ tà áo phơi
nụ cười em chợt đánh rơi
chắc không sơ ý như tôi ngỡ ngàng
hàng kiền kiền thở vội vàng
tôi nghe rõ những giọt đàn bay qua
thưa em, Ðoàn Thị Bích Hà
em thơm nhánh chữ Nguyên Sa gởi tình

Lại thêm một người được ví với thơ , mà lần này là thơ Nguyên Sa, một nhà thơ nổi tiếng trong thế hệ chúng ta . Nếu tôi không nhớ sai thì Đoàn Thị Bích Hà là học sinh trường Phan Thanh Giản. Con đường có nhiều cây kiền kiền, ở đây có thể là con đường Thống Nhất, con đường có dốc Cầu Vồng, nơi gần nhà người đẹp Bích Hà. Hà có cái duyên với một vài nhà thơ, nhà văn, lẫn họa sĩ nữa . Tôi chỉ dám nói vậy thôi, để bạn đọc hồi nhớ


Người thứ ba Luân Hoán chọn để nghiêng chào, không biết có phải là cháu của cụ Trần Qúi Cáp, mà có lần anh thố lộ:
Nhớ một thuở mê cháu Trần Qúy Cáp
may chưa yêu nên chưa được thất tình
thơ chưa sầu, đời chưa được lêng đênh...
Sở dĩ có nghi vấn này vì cô cháu của cụ Trần cũng có thời cư ngụ trên con đường Hoàng Diệu . Luân Hoán không nói cháu nội hay cháu ngoại. Nhưng có lẽ người đẹp Nguyễn Thị Ngọc Lan mà nhà thơ kính cẩn nghiêng mình là một tên tuổi khác. 

chào em, Nguyễn Thị Ngọc Lan
xin đừng quíu gót chân vàng thanh xuân
triệu dòng tóc chảy trên lưng
đẩy xô, vẫy gọi ngập ngừng theo nhau
cõng câu thơ, tôi theo hầu
còn lo em sẽ quay đầu ngó lui
gió đường Hoàng Diệu nhắc tôi
theo sát chút nữa không thôi lạc đàng
thưa em, Nguyễn Thị Ngọc Lan
thơ Lê Vĩnh Thọ bén sang bao giờ ?

Chỉ dựa vào thơ, tôi biết người đẹp này ở trên đường Hoàng Diệu. Chúng ta thử nhớ trên con đường nhiều bóng cây này có những người đẹp nào ? Hình như có Phước của nhà bán đồ gỗ Nguyễn văn Phước, Hình như có Hồng Hạnh con gái cụ Phan Châu Toàn, đông y sĩ . Còn những ai nữa đâu ? Như vậy chị Lan , người khiến cho Luân Hoán phải cõng câu thơ đi theo hầu chắc phải cư ngụ tại cư xá công chức Hoàng Diệu ? Nơi nhạc sĩ Hoàng Bích Sơn cư ngụ . Những ước đoán này của tôi không rõ có chính xác không ? Trong thơ, Luân Hoán có nhắc đến nhà thơ Lê Vĩnh Thọ, một cây bút của tạp chí Văn Học tại Sài gòn trước 1975. Luân Hoán hạ câu thơ Lê Vĩnh Thọ bén sang bao giờ ? chắc hàm cái ý chị Lan đã là người yêu của ông thi sĩ này ?

Người đẹp một thời của Đà Nẵng trong thơ Luân Hoán tưởng đã được kết thúc trong hai bài lục bát trích dẫn trên. Nhưng chưa, khi đọc số thơ chỉ mới phổ biến trên trên trang điện toán của Luân Hoán, tôi rất thích thú và sung sướng ngộ một cố nhân. Xin nói ngay rằng chữ cố nhân tôi vừa dùng chỉ để gọi một người có quen biết bình thường trong thời kỳ cùng học một trường. Chúng ta hãy nghe Luân Hoán giới thiệu về trang nhan sắc khôi vỹ này :

nắng hồng ngấp nghé hành lang
gót thơm Đỗ Thị Kiều Trang qua đường
phố phường bát ngát mùi hương
gío nghiêng cành gọi muôn phương chim về
xôn xao từng ngọn tóc thề
thốt nhiên điểm huyệt tôi mê mẩn ngồi
chìm dần trong giấc mơ trôi
nhón chân, vói, hụt, một đời mộng suông

Đỗ Thị Kiều Trang là con gái của Photo Thanh , nằm trên Hoàng Diệu sau dời về đường Phan Châu Trinh. Chị cùng như Thoa, Và tôi, Nguyễn Văn Ngọc ngồi chung lớp đệ nhị C trường Sao Mai. (tôi nhắc lại điều đã nói trên).
‘ Như Thoa rất mực tuyệt vời
Kiều Trang rực rỡ bời bời sắc hương’
(Đây là lục bát của tôi, gọi là một chút đóng góp trong ‘ sự nghiệp’ ca ngợi người đẹp, hơn là ca ngợi những thứ khác,chỉ làm con người khốn cùng ).
Đúng là mỗi người một vẻ. Đỗ Thị Kiều Trang tiểu thư, sắc nước, tôi mê. Thầy Phùng Văn Bộ, giáo sư toán, lý hóa lớp đệ nhị B cũng mê chị. Anh Luân Hoán lại có vẻ như mê chị nhiều hơn chúng tôi. Anh mê mẩm Kiều Trang là đúng, không si mê mới là một thiếu sót đáng trách. Với một người mỗi bước chân có khả năng tỏa ra mùi hương, gọi được cả chim ngàn, thì việc sắc hương ấy điểm huyệt chết sững một nhà thơ nòi tình là chuyện thường tình. Tôi được biết Kiều Trang là bạn của chị Kim Anh, chị ruột của Luân Hoán, người anh đã giúp anh có được hai bài thơ rất cảm động là Khiêng Nước và Xin Gởi Cho Em Vài Hạt Mưa. Kiều Trang còn có một cậu em tên Dũng, lính Không Quân, có chơi cùng Luân Hoán. Không hiểu vì sao người đẹp mà anh làm thơ lại trở thành vợ của một người bạn chung của tôi và Luân Hoán là kỹ sư Nguyễn Hạnh . Tôi nghe Luân Hoán kể : tại Montréal, khi nào Luân Hoán và thầy Phùng Văn Bộ gặp nhau, đều có nhắc về người đẹp này. Thật hạnh phúc cho hai ông, thú vị thật.

Đứng liền với Kiều Trang trong bài thơ mang tên Tình Thơ Một Thuở, là một khuôn mặt mang hai dòng máu Anh và Việt, Luân Hoán viết :

với hai dòng máu Việt, Anh
có làm cho trái tim thành biển sông ?
bao la từ nhánh tóc bồng
nghìn trùng từ nụ mắt trồng chiêm bao
nghiêng vai, Scotte Jeanne chào
giật mình thả rớt lòng vào giữa hoa
em ngồi kế sát bên ta
câu thơ làm rối mất tà áo bay

Nếu các bạn từng là người cắp sách ở Đà Nẵng vào thập niên 60 hoặc đầu 70, hẳn nhớ một người Anh , với tầm vóc nhỏ thó, sống trong một ngôi nhà ngói cũ, sát rạp hát bội Hòa Bình trên đường Phan Châu Trinh, người đó chính là thân phụ của người đẹp mà Luân Hoán vừa nhắc. Ông dạy sinh ngữ tại trường Pascal. Scotte Jeanne được sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, chị giống bố hơn mẹ. Với mũi cao, mắt xanh, hai yếu điểm dễ tạo nên một nhan sắc tuyệt hão. Dĩ nhiên cái vẻ đẹp của một người có hai dòng máu rất sắc sảo. Luân Hoán không chỉ dành cho Scotte Jeanne một đoạn thơ lục bát này. Trong tập Đưa Nhau Về Đến Đâu, anh từng có một bài dài viết cho chị, khi chị đã về quê cha, sau 1975 trong thời điểm, Luân Hoán vẫn còn ở  Đà Nẵng. Tôi không dám đi xa trong việc tìm hiểu cội nguồn  của những xúc động thành thơ này.

chưa cầm được cái cổ tay
sao lông măng mọc đã đầy trang thơ
Đỗ Hoa, Đỗ Phủ, Đỗ nào
dẫn tôi quanh quẩn ra vào quẩn quanh ?
chỉ là giọt mắt long lanh
chỉ là hương giọng tròng trành níu vai
ước chi em mặc áo dài
cho tôi một vạc phơi bài tình hoa

Đỗ Hoa, một tên gọi rất lạ với tôi. Nét đẹp của người đẹp này có lẽ khá đặc biệt . Nó lấp lánh từ cái cổ tay. Cái cổ tay đã lưu được sự lưu luyến đáng nhớ đến thành thơ của Luân Hoán . Hẳn chị là người ít khi mặc áo dài, nên nhà thơ của chúng ta mới có một niềm ao ước thật giản dị. Cũng có thể người đẹp Đỗ Hoa, làm mẫu cho Luân Hoán trong thời điểm tại Việt Nam thiếu nữ chưa được phép mặc lại áo dài ?

Đi giang hồ vặc trở về
nghe Đà Nẵng gọi bốn bề Thùy Trâm
ơi lolita môi trầm
ta qua Hồng Đức ngóng thầm cho vui
nghe danh mà chẳng thấy người
làm sao bắt ghế mời ngồi cõi thơ ?
con đường, nắng cũng đang chờ
hàng chân mày nhíu vu vơ ngọn tình

Với người đẹp này, thuộc lớp học sau Luân Hoán một thời gian. Tuy vậy tên tuổi chị rất lẫy lừng, đủ làm  xao động những trái tim có tuổi  nhưng chưa gìa. Ôi đến khi nào cho một trái tim biết gìa ?
Là học sinh trường nữ trung học Hồng Đức, Thùy Trâm được gọi là một lolita đương thời của Đà Nẵng . Ngày nay, nghe nói chị là phu nhân của một dược sĩ ,có tài làm thơ hay đúng hơn là một nhà thơ đã có tác phẩm đã ấn hành. Xin được chúc chị mãi mãi là nguồn thơ, không phải chỉ dành riêng cho một người, mà cho cả đám thi nhân biết và qúi trọng cái đẹp.

tự xem như đã bà con
mà sao đôi lúc vẫn còn xốn xang ?
em cười, thế giới hoang mang
em đi, nhạc biếc nhạc vàng nối chân
câu thơ tôi chợt bần thần
giữ Kim Uyên lại thì bâng khuâng buồn
thả đi, hỏng cả mấy chương
tình thơ một thuở như tuồng vắng tênh

Cuối cùng, khuôn mật tôi chờ đợi nhất cũng xuất hiện trên thơ Luân Hoán. Kim Uyên, người từng là á hậu đầu tiên của Việt Nam. Ngày ấy, nghe nói đúng ra chị phải là hoa hậu. Nhưng chuyện đã cũ. Hư thật, thật hư không còn cần thiết. Kim Uyên luôn luôn là một người đẹp đã từng hít thở không khí Đà Nẵng. Về sau, chị theo cha mẹ sinh sống tại Sài gòn, rồi lập gia đình, rồi theo chồng ra hải ngoại. Cuộc sống dù cuốn hút đến đâu, nhan sắc chị cũng đã được ở lại một đời với thơ

Có lẽ để kết thúc công việc ngợi ca , mà nhiều người cho là vớ vẩn, Luân Hoán cùng một lúc đã ghi thêm vào trang thơ anh những tên gọi sáng chói khác. Nào là Thanh Thảo, Phương Lan, Bích Hường, Phước Hạnh, Thái Thu... Tôi , dĩ nhiên, đã được hân hạnh nghe, biết  nhiều người trong số này.

Cụ thể như chị Thanh Thảo. Chị là bậc đàn chị của chúng tôi, nổi bậc với tài ngâm thơ mà thị dân Đà Nẵng có lẽ không mấy ai yêu thích văn chương văn nghệ mà không biết. Chị Thanh Thảo sau ngày rời nhà trường trở thành phu nhân của nhà văn Trương Duy Hy. Cuộc tình của anh chị Hy Thảo được đánh gía là đẹp nhất thời bấy giờ,nó thủy thủy, chung chung từ đầu đến cuối.

Phương Lan là con gái photo Phụng Ký, cùng với người em tên Thủy Tiên, cũng đã từng làm nhiều nam sinh của Đà Nẵng một thời phải hỏng thi.Về sau, Phương Lan là vợ của gíao sư Tòng của trường Phan Châu Trinh.

Bích Hường, ở gần chợ Mới trên đường Trưng Nữ Vương . Đây là nguồn thơ để anh học sinh Nguyễn Đăng Trừng của Phan Châu Trinh trở thành nhà thơ Huy Giang với bài Tiễn Hường trữ tình.

Phước Hạnh thuộc lớp người đẹp của thời đàn em Luân Hoán. Tôi không biết nhiều về lứa tuổi này. Chỉ có lần được nghe Luân Hoán kể sơ sơ về cô bạn đồng nghiệp này của anh.

Thái Thu là một tên tuổi lớn, Một nhan sắc đáng nễ trong giới nữ lưu. Chị sớm trở thành phu nhân một viên chức lớn,có gốc nhà binh. Trong cuộc đổi đời sau 1975 tôi có nghe nói chị đã gặp nhiều không may trên đường di tản. Thật hư không biết ra sao. Nhưng dù ở thế giới nào cũng mong chị giữ mãi
nét thanh lịch, đài cát lộng lộng thanh xuân ngày xưa.

Châu Yến Loan hình như cũng thuộc lớp Thu Liên, Hồ Thị Hồng ? Tôi chỉ được biết chị khi chị đã thành vợ của một bạn tôi , nhà giáo Nguyễn Thiếu Dũng, cháu nhà văn Nguyễn Văn Xuân...Tên Châu Yến Loan tôi có gặp đâu đó trên một vài đặc san, tạp chí trong các bài viết nghiên cứu về Sử, có phải chính đương sự ? Dũng, bạn tôi còn ở Đà Nẵng, tôi chưa có dịp thăm hỏi.

Tất cả những người đẹp tôi vừa nhắc trên, Luân Hoán cho ăn ở trên đoạn lục bát này :

Một đời mê những mỹ danh
Thanh Thảo, Kiều Phúc, Kim Anh, Bích Đào
Phương Lan, Mộng Thúy, Lạc Giao
Bích Hường, Phước Khánh, Hồng Đào, Thái Thu
Huỳnh Thi, Phước Hạnh, Quỳnh Cư
Duyệt lai, Châu Yến Loan, Từ Thoại Chi....
mê tên người để làm gì ?
Thu Liên vẫn lạ, Hồ Hồng vẫn xa
hóa ra là để ba hoa
có chăng chữ nghĩa đậm đà sắc hương
qúi thay cái thuở bất thường
ước chi tiếp tục khác thường hơn xưa

Luân Hoán, bạn tôi, bạn của chúng ta đã từng bất thường và còn đang ao ước được khác thường hơn những cái bất thường đã có. Nếu vậy anh sẽ còn quấy nhiễu những người đẹp đến bao giờ ? Và chúng ta sẽ phải mệt vì đọc thơ vớ vẩn của anh đến bao giờ ?
Dù sao, Xứ lạ quê người, giữa cõi bờ trần lụy, ngồi đọc lại thơ bạn bè, bên ly rượu, một mình, hiu hiu một tấm lòng mưa bụi, hồi tưởng lại những người đẹp xa xưa...vừa thích thú, vừa bàng hoàng. Tôi định làm thơ nhưng lại thôi, mượn tạm thơ của bậc đàn anh chúng tôi, Bùi Giáng, để khép lại bài này :
Cảm ơn thần thánh thiết tha
vốn người Xứ Quảng vốn là chịu chơi

Nguyễn Đông Giang
San Jose, Cali, May 2004

No comments:

Post a Comment