CUỘC TÌNH ‘’HUYỀN THOẠI CÓ THỰC’’ ÐỜI NAY
Nguyễn Thùy
Liệu lời thơ Pham Quí Thích ‘’Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy’’ cảm đề ‘Ðoạn Trường Tân Thanh’ của Nguyễn Du có thể dùng nói về mối tình tôi viết nơi đây ?
<!-- Read more -->
Tình yêu vốn là đề tài muôn thưở của thi ca. Tình yêu làm khổ con người quá đổi. Tình yêu muôn vẻ, muôn trạng thái, từ yêu Tổ Quốc, Quê Hương, yêu gia đình, yêu vợ chồng, con cái, bạn bè đến yêu ta, yêu người, yêu lý tưởng, yêu sự nghiệp, yêu thiên nhiên, yêu tất cả những gì liên hệ đến mình, để lại bao kỷ niêm ấm êm hoặc đớn đau, sầu não. Trong mọi thứ Tình Yêu, tình yêu nam nữ được xem là khởi đầu của hạnh phúc nhưng thường là đầu mối, nguồn gốc của khổ đau, nhất là mối tình đầu không mấy khi thành tựu. Nhà thơ Lê Vĩnh Thiều đã viết :
-Vâng tin thì đã là tin
Tờ thư thơm ngát như niềm hẹn nhau
Nhưng còn câu chuyện mai sau
Mà e ngại nhất là câu chuyện nầy.
‘Câu chuyện nầy’ , giới hạn nơi đây, là câu chuyện của ngày hôm nay, trong bài nầy là câu chuyện lần đầu trao ân gởi ái. Biết ra thế nào, biết sẽ về đâu ? Nhịp điệu yêu thương đã băng qua giậu thưa tình cảm (phỏng theo Nguyễn Bính : ‘Từ độ mồng tơi thôi trổ lá, Thì cô hàng xóm cũng thôi sang’) sẽ giúp con tim hồng tươi sáng hay phủ màu u ám triền miên ?
‘Tình yêu đầu’ luôn khởi đi từ một luyến ái ban sơ. Nỗi niềm luyến ái đó càng thêm buộc ràng tâm khảm một khi không được người yêu đáp ứng. ‘Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm chưa dễ đã ai quên’ (Thế Lữ). Ðức Phật từng khuyên đệ tử ‘Ðừng ngủ hai lần nơi một gốc cây’ để khỏi phải quyến luyến, chấp trược vào đấy mà gây nhớ nhung, đau khổ. Phật nói thì Phật nói, nào mấy ai thoát được luyến ái, yêu thương ?
Ai không có mối tình đầu ? Và lần đầu yêu đương ấy để lại bao ngấn tích mãi mãi không phai để từ đó ‘Ta vào đời cùng nỗi nhớ mang theo’(thơ Thụy Khanh). Nỗi nhớ đó triền miên trong con tim sầu khổ, đêm ngày canh cánh, âm ỉ, rứt ray. Tình yêu, ôi tình yêu ! Biết sao định nghĩa, biết giải thích thế nào ! Nó đến từ đâu, sẽ đi vào ngã nào, nhiều ít ra sao, làm sao cân lường, đo đếm ? ‘’Tôi yêu là bỡi tôi yêu, Cầm tay cô hỏi ít nhiều làm chi, Khi yêu nào đắn đo gì’’ (Xuân Diệu). Hàn Mac Tử đã từng như thế : ‘’ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, Ai biết tình ai có đậm đà !?’’. Hỏi chỉ để hỏi thôi, hỏi người hay hỏi mình, hỏi lẫy hờn hay trách móc ? Có thể là hỏi với trống không để mong được một ít vơi quên, để được tự an ủi chút nào hay để nghe thêm ẩm ướt trái tim mình, nào ai trả lời cho cô gái thần kinh thôn Vỹ Dạ ? Tình yêu, ôi tình yêu ! ‘’Chỉ có riêng Trời mới giải được nghĩa yêu’’ (phỏng lời thơ Hàn Mặc Tử). Nhưng Trời có nói gì đâu, ‘’Thiên hà ngôn tai’’, người xưa đã bảo (lời Ðức Khổng). Ông Trời im ỉm từng cao, mặc thế tình điên đảo, mặc nhân gian đau khổ vì yêu, mặc cõi nhân sinh đắm đuối, lụy khổ vì tình.
Dông dài đôi chút để đề cập đến mối tình nơi đây. Cuộc tình khởi đi từ thơ. Thơ là thứ không cần đến một cơ sở vật chất nào, nghĩa là không cần vốn liếng. Vì không cần vốn liếng nên thơ không tạo ra lợi nhuận. Cuộc tình khởi đi từ thơ nên kẻ trao yêu không thu được lợi tức nào mà chỉ đón nhận ‘mất mát’, đau thương nhưng oái oăm thay, lại nên thơ, thi vị. Hương vị yêu đương nơi đây, chao ôi, chỉ đắng cay, sầu tủi !
Xin lược lại cuộc tình hiu hắt đó cùng đôi ý tình của người viết.
Huế thần kinh, miền đất trầm buồn, u mặc, cổ kính, trang nghiêm, tĩnh vắng, dễ đưa vào mênh mang, tư lự, dễ khiến lòng người mơ mộng, bâng khuâng. Dòng Hương Giang lờ lững, êm đềm như dáng thiếu nữ nhu mì, hiền dịu, trắng trong, đón nhận vuốt ve từng cơn gió nhẹ, lung linh núi Ngự Bình soi bóng, giỡn đùa từng đợt sóng nhỏ nhấp nhô. Nàng là con gái đất thần kinh đó. Trưởng nữ duy nhất của một đại thần triều Nguyễn, đài các không kiêu sa, thế gia nhưng bình dị. Dòng dõi trâm anh, nhan sắc mĩ miều, trên độ tuổi tròn trăng, nàng đón nhận thiên nhiên với tâm hồn phơi phới, bắt đầu nghe nhịp đập con tim hướng vào mộng mơ lãng đãng, xa xôi, chập chờn chưa rõ nét. Nàng đã gặp chàng. Chàng từ miền Thanh (Thanh Hóa) vào trọ học, đeo đuổi nghiệp bút nghiên. Chàng làm thơ, nàng cũng làm thơ. Thơ qua thơ lại, đổi trao, xướng họa. Chưa hẳn là thơ tình. Người viết không rõ những thơ đó như thế nào vì cả hai không nhắc lại, không chép ra lưu giữ. Người viết cũng không nêu tên nàng và chàng để tôn trọng mối tình cao quí, trắng trong.
Thế là ‘én xuân đã gọi mùa hoa dậy thì’ (N.T.). Nơi nàng, mộng mơ không còn xa vắng, mông lung mà từ nay đã có nơi về, bến đậu. Hai bờ Hương giang không do Trường Tiền hay Bạch Hổ mà nối kết do thơ. Nàng bắt đầu ‘yêu’, tiếng yêu ngập ngừng, không dám thốt. Ái tình, hai tiếng vô thanh, vô sắc đã dựng bóng hình ‘gã’ lên trong buồng tim thơ ngây để từ nay phập phồng, tư lự, băn khoăn, tiếp theo là chuổi ngày dài mộng tưởng, ước ao, trông đợi nhưng lại oái oăm như lời ca dao :
-Người yêu ta để trong cơi
Nắp vàng đậy lại để nơi giường thờ
Ðêm qua ba bốn lần mơ
Chiêm bao thì thấy, dậy sờ thì không !
Vì sao ? Vì chàng, chao ôi, chỉ xem nàng là người bạn thơ, là người em gái nhỏ dù tuổi đời chỉ cách biệt chừng ba, bốn hay năm, sáu thôi (tôi đoán thế). Chàng ‘dại khờ’ không nhận ra những âm thầm, kín đáo trao yêu. Bao lần, bao lần :
-Áo lộng quấn tay : cầu Bạch Hổ
Tóc đùa che nắng : núi Thiên Thai…
(Tiếng Khóc đêm Tân Hôn-bài thứ 5- Thơ nàng)
Chàng vô tình quá đi thôi !Chàng đâu hiểu ra lời đuà ngụ ý trao gởi ái ân của nàng nữ sinh Ðồng Khánh. Chàng chừng trên hai mươi, nam sinh trường Khải Ðịnh (sau nầy đổi tên thành Quốc Học) . Lúc bấy giờ, hai người cùng quốc phục, chàng có lẽ áo the thâm, nàng áo dài dòng trâm anh, thế phiệt. Hai tà áo dài, theo gió ‘quấn tay nhau’ trong những lần rong chơi trên cầu Bạch Hổ và nàng thường xỏa tóc dài nhung mượt, nói là để ‘che nắng cho anh’ những lần dạo gót núi Thiên Thai. Gió trao yêu và tóc trao tình, chàng dại khờ không nhận ra dụng ý của thiên nhiên để ‘nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh’ (Vũ Anh Khanh- Tha La xóm Ðạo), không cảm nhận được ‘Trời thơm mùi tóc mộng nghiêng nghiêng’ (N.T.) qua những lần áo quấn tay và tóc dài che nắng.
Chàng không yêu nhưng nàng đắm say hương vị của nòi tình. Mối tình đơn phương, giữ kín trong lòng. Mối tình chưa một lần thỏ thẻ tiếng ‘yêu anh’, chưa một lần ánh mắt dám đưa duyên, chưa một lần đan tay trang trọng run run, chưa một lần nụ hôn thầm kín dù theo gió bâng quơ. Ôi, con gái Việt Nam, bao đời vẫn thế, nhất là con gái đế kinh, quốc sắc thiên hương, dõi dòng bội ngọc.
Tình dài trong bi lụy. Rồi xa nhau. Chàng trở về Thanh, nàng vẫn nơi thần kinh trầm lặng. Thế là ‘cô đơn’. Nhìn đâu cũng màu đen, sắc tối. ‘Trần gian tím ngắt một màu, Dìm con thuyền ái chìm sâu bể tình’ (N.T.). Có thể nàng luôn nuôi mộng, nuôi mơ, đợi chờ một lần -chỉ một lần thôi- chàng ‘tĩnh ngộ’ lên lời ‘yêu em’ qua một lời thơ nào đó. Chừng ấy thôi đủ cho nàng hạnh phúc, đủ cho nàng ấm êm vì ít ra cũng được ‘đền bù’ bỡi một tiếng lời đáp úng. Nhưng vẫn biền biệt, mù tăm.. Là con gái Việt Nam, lại là con gái nho phong, nàng không dám ‘bắn tiếng’ công khai nói rõ lời tim ; chàng lại lặng lờ như ‘hủ nút’, niêm phong , không hay chưa nghe rộn rã lời tình.
Rồi, pháo đỏ rượu hồng, nàng phải lên xe hoa với người chồng chẳng chút yêu thương. Cõi lòng tan nát, ngoáy trông người tình hun hút, xa xôi :
-Trăm nẻo gió mưa trăm nẻo lạnh
Vạn trùng sương khói vạn trùng khơi
….
Em bước lên thuyền trông trở lại
Anh đi biền biệt một phương trời…
(TKÐTH – bài 1)
Các cô gái ngày xưa và cả ngày nay ơi ! Các cô đã lần nào trong thảm cảnh nầy chưa ? Các cô, cũng như nàng, thiếu một cánh tay nâng, thiếu một lời giao ngộ, đường dài hun hút lạnh căm !?
-Trời thấu cho chăng ? Trời hỡi Trời
Cắn răng vẫn bật khóc, anh ơi !
Ðường đời bỗng rẻ làm hai lối
Giấy trắng không lưu lại nửa lời
Chim cũ sớm hôm còn ríu rít
Người xưa gang tất đã xa vời !
Vô tình giở đọc trang tình sử
Càng bẽ bàng thêm má với môi !
(TKÐTH-Bài 2)
Mùa thu 1943, đang ở Hà Nội, chàng nhận được hồng thiếp báo tin nàng lấy chồng. Chàng tinh nghịch cắt chữ ‘HỶ’ trong tấm thiếp gởi vào Huế mừng nàng, không viết thêm một chữ nào. Chàng vẫn không yêu nàng, vẫn xem nàng là người bạn thơ, một người em gái. Ngày vu quy, chao ôi ! Không như nhân vật trong ‘Lỡ Bước Sang Ngang’ của Nguyễn Bính ‘’Duyên làm lành chị, duyên tìm về môi. Hôm nay lòng ấm lại rồi, Mối tình chết đã có người hồi sinh’’, ngày cưới lại là ngày ‘tang tóc’ cho nàng. Ðêm Tân hôn không là tiếng cười mà là Tiếng khóc. Tập thơ ‘’Tiếng Khóc Ðêm Tân Hôn’’ (TKÐTH) ra đời với 10 bài Ðường luật. Tập thơ là tiếng lòng nức nở, là nỗi sầu buồn tê tái, lê thê, là nỗi niềm ‘hạnh phúc’ ( ?) trong đau thương gởi về Người, cho Người. Người vô tình, vô tâm, Người xa xôi, biền biệt, không hiểu nỗi lòng cô gái, mừng ‘hạnh phúc’ cô em, đâu biết ‘’Mừng em mới tủi cho em chứ, đang lúc bơ vơ giữa chợ đời’’(TKÐTH, bài 3).
Tập thơ đến với chàng năm nào, tôi không rõ. Bấy giờ, chàng mới nhận ra nàng đã yêu chàng từ bao giờ, chàng không hề hay biết. Nhưng chàng vẫn không đáp ứng. Chàng không thể dối lòng vì chưa hề yêu nàng. Chàng ‘cất’ tập thơ vào ký ức và đốt tập thơ. Chàng đã có vợ. Chàng mong nàng quên chàng và mong nàng hạnh phúc, cũng không muốn để tập thơ gây phiền não cho gia đình mình.
Ngỡ rằng ‘ Vườn xuân hoa nở xanh bờ mộng’, đâu ngờ ‘Gió cuốn trăng về cuối bãi xa’ (N.T.). Thời gian không giúp nàng quên được mối tình đơn phương, tuyệt vọng. Cuộc sống gia đình đề huề chăn gối, bổn phận và trách nhiệm gia đình không đủ lực xua tan ám ảnh vô hình của tình yêu đơn phương nhức nhối trong tim. Nàng vẫn trọn nghĩa phu thê, trọn tình cùng con cái, trọn duyên trọn nợ của trời xanh đặt để cho nàng, trọn ‘tam cương ngũ thường’ của người con gái, trọn qui điều đức lý, trọn nề nếp gia phong nhưng trong thâm tâm nàng ‘’Từ nay cho đến muôn vàn kiếp, Em chỉ là em của một anh’’ (TKÐTH, bài 5) và mơ màng tự hỏi : ‘’ Thúy Kiều còn được hầu Kim Trọng, Em cứ là em, vợ của ai !’’(TKÐTH, bài 5). .Không đươc người yêu, không diễm phúc được sống với người mình yêu, nàng vẫn đinh ninh mình là ‘Vợ’ của người, duy nhất của người đó thôi. ‘’Vợ của ai !’’, lời than, không là câu hỏi. Ta thấy rõ cái ‘lý’ của khối óc xung đột với trái tim tình, mối mâu thuẫn giữa tự do và buộc ràng xã hội. ‘Em vẫn là em’, cái ‘tôi tự do’ không đồng hành với cái ‘tôi hiện hữu’ (le moi existentiel), cái ‘tôi chủ thể’ không được đáp ứng bỡi cái ‘tôi khách thể’ (le moi objet, le moi social) nên co rút vào cô đơn.
‘’Em vẫn là em’’, một lời thốt lên với mình, trao gởi vào mông lung, vào vô cùng để xác định cái ‘’tự thể tự thân’’ , cái tự do của mình như cô Kiều ‘’Lỡ làng nước đục bụi trong, Trăm năm để một tấm lòng từ nay’’. Nỗi niềm trao gởi về người, về chàng chỉ để trao gởi lại cho chính mình. Nàng ‘chung thủy’ với chính nàng. Nàng kiên định, trung trinh với tình đầu, với người tình trong mộng dù không một dịp hội ngộ, dù ngay từ đầu chàng không một lời tri giao, thông cảm. Người viết nhớ lời E. Rostand : ‘’’Cuộc hôn nhân tốt đẹp nhất là hôn nhân ban ngày là tình nhân, ban đêm là vợ chồng’’. Nàng không có cả hai. Chồng bên cạnh và người yêu nơi xa, nhưng nàng ‘’Lấy chồng để trở thành sương phụ, Thà thác mong làm cỏ Mã Ngôi’’ (TKÐTH, bài 4) (ý nàng muốn bảo ‘cỏ Ngu Mỹ Nhân’ trên bờ sông Ô Giang nhưng dùng lầm chữ ‘Mã Ngôi’ vốn là nơi tự sát của Dương Quí Phi để làm vừa lòng ba quân). Liệu có thể ‘lên án’ nàng ? Xin đừng lẩm cẩm, hẹp hòi. Nàng có gì trái với luân thường, đạo đức, gia đình, xã hội cho đâu. Nàng chỉ sống với cái ‘tự do’ của nàng, cái tự do không làm hại ai, không vướng tâm, bận trí người nào cũng không đẩy nàng vào quên mất lương tri và công bằng xã hội. Nàng rẫy rụa trong cái tự do đó, riêng mình mình biết, riêng mình mình hay. Ngay cả với ‘chàng’, nàng cũng không một lời hờn mát hay trách nhẹ nào, không muốn chàng giãng mắc ưu tư vì nàng : ‘’Ðã không quấn quít bên nhau được, Sao nỡ làm anh phải khổ tâm’’ (TKÐTH, bài 10). Có trách chăng là trách ‘chàng’. Nhận được tập thơ, lẽ ra chàng nên có một lời, một bài thơ nào đó cảm nghĩa tri âm gởi cho nàng hoặc không biết nàng nơi đâu thì đăng lên báo hay gởi lên mạng lưới trời (lúc có internet), biết đâu nàng đọc được ; nếu không thì, cũng như nàng, chàng đã âm thầm an ủi được nàng và nhẹ lòng với chính mình. Dù ngại vợ ghen tuông thì hãy phân trần đấy là mối tình văn nghệ mà mình ‘không là kẻ trao cho cũng không là người đón nhận’.
Hơn sáu mươi năm về trước, ‘Tiếng Khóc Ðêm Tân Hôn’ có thể xem là áng thơ tuyệt tác. Tập thơ không mang chở ý tưởng cao sâu, hoằng viễn. Tập thơ là tiếng lòng sầu thảm, thương đau của một tác giả bình thường nhưng tình yêu thì diệu vợi. Mấy ai nuôi dưỡng một tình yêu như thế ? Nàng sống với cái ‘tự do’ nội tâm nơi mình, không để một sự vụ gì làm suy suyển. Yêu dù không được đáp ứng tình mình nhưng luôn da diết, đậm sâu. Nàng là kẻ tài hoa, chàng cũng thế. Mến mộ tài hoa rồi yêu tài hoa, không vì một lẽ thường tình nào khác. Khóc cho mình, tơ tưởng đến người chỉ vì chút tài hoa đó. Lời thơ Phạm Quí Thích nêu trên, phải chăng có thể áp dụng vào trường hợp nầy ?
Ai yêu mà không muốn nên vợ nên chồng ? Nàng cũng thế thôi. Cuộc tình không kết quả nhưng không như ai, nàng không rẻ tình vào bến bờ nào khác. Nàng nuôi mối tình đầu làm lẽ sống, làm chất ‘dinh dưỡng’ cho tâm hồn dù chất ngất thương đau. Sinh ba con với người chông ‘bất đắc dĩ’, hai trai một gái, nàng lấy tên người yêu đặt tên cho cả ba con. Hình ảnh chàng luôn chập chờn trước mắt. Tuổi càng cao, tình càng theo ngày tháng lên cao. Ai bảo thời gian xóa mờ tất cả ? Ai bảo thời gian làm thay đổi con người ? Ai bảo thời gian là dược liệu chửa trị thương đau ? Với nàng, thời gian qua nhanh càng làm dài thêm nỗi nhớ. Với nàng, thời gian là thứ ‘độc dược’ đáng yêu, đem lại cho nàng hạnh phúc trong dằn vật, tái tê. Thời gian làm tình nàng trẻ mãi !
Xa nhau từ ngày đó, ngày chàng trở về Thanh rồi ra Hà Nội, rồi chàng vào Nam sau Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước. ‘Dây oan lịch sử’ trói ‘dây oan tình’ thêm sâu, thêm đậm, thêm thê thiết buồn đau.
Bốn mươi bảy năm sau kể từ ngày nhận được TIẾNG KHÓC ÐÊM TÂN HÔN , một tập thơ khác đến với chàng, tập MỐI TÌNH CÂM LẶNG, ký tên TƯƠNG ÐÀM. Lần nầy, ngoài Ðường thi có xen Lục Bát và Ngũ ngôn. Tập thơ do chính con gái nàng trao cho chàng. Cô gái xấp xỉ 40, nhìn sững chàng rồi bật khóc, bảo : « Mẹ cháu mất, mẹ cháu sai cháu trình Bác tập thơ nầy ». Cô gái từ chối không cho biết ngày nàng mất cùng nơi chôn cất nàng. Lý do, năm 1975, nàng vào Sài-Gòn tìm chàng nhưng không gặp. Năm sau, vào lần nữa nhưng chàng đang nơi trại tù ‘Cải tạo’ ở Yên Báy. Nàng lại ra Bắc, mong được gặp chàng nhưng giữa đường lâm trọng bệnh rồi mất. Thực ra, nàng chưa mất nhưng cô gái, có lẽ, theo lời Mẹ bảo, nên nói thế. Cô gái bảo với chàng rằng : ‘’M ẹ cháu bảo, sống đã chẳng làm gì cho nhau vui thì chết cũng đưng để lụy cho nhau. Con tuyệt đối không được nói gì về Mẹ thêm nữa. Chỉ cần nói : Mối tình của Mẹ tuy đắng cay nhưng vẫn là mối tình đẹp. Mẹ tin Bác vẫn thương Mẹ, yêu Mẹ như thương yêu một người em gái. Thế là đủ. Mẹ vui vì biết Bác hạnh phúc và là nhà thơ nổi danh được nhiều người quí mến. Mẹ đánh giá Bác không lầm’’. Sau lần gặp cô gái, chàng không còn được biết gì thêm nữa về nàng vì cô gái không để lại địa chỉ, không nói rõ nghề nghiệp và khẩn khoản chàng xin đừng bao giờ tìm gặp cô ta, đừng dò tìm biết bút danh của cô (cô gái cũng là nhà thơ) nếu chàng còn tôn trọng lời trăn trối của Mẹ Cô.
Tập ‘MỐI TÌNH CÂM LẶNG’ tuy cũng than thở mối tình tuyệt vọng nhưng mang chở nhiều nét nói lên đôi khía cạnh tâm trạng của người con gái khi yêu : thở than, hờn giận, ghen tuông, nhắc lại đôi kỷ niệm ban đầu lúc mới quen nhau… ? nên dễ gần gũi chúng ta hơn.
Cô gái gặp người yêu tíu tít mừng trong lúc chàng vẫn hờ hững, chẳng săn đón, hỏi : ‘’Tan học, trưa về bỗng gặp nhau…Tíu tít em mời qua lối Phủ, Mơ màng anh cứ ngó đi đâu ? Ðêm nay chắc hẳn nơi phòng vắng, Lạnh lẽo đèn khuya phải cạn dầu !’’. Một tuần trời mưa, một tuần không gặp, một tuần đợi trông, một tuần rưng rức nhớ :
-Suốt một tuần trời mưa
Ôi ! Trời mưa xứ Huế
Em nhớ anh buổi trưa
Ðến buổi chiều cũng thế !
Em nhớ anh ban đêm
Nhớ sáng mai thức dậy
Mỗi ngày mỗi nhớ thêm
Tại sao mà lạ vậy ?….
Nghe cô bạn bảo chàng dễ thương, nàng đâm ra ghen tức, trách hờn. Lời thơ thật thà, dung dị, nũng nịu nữa, diễn tả cái tính trẻ nít sợ người cướp đi vật quí của mình :
-Hôm qua xuống Ðập Ðá
Vào thăm nhà Liên Hương
Trời mùa Ðông lạnh giá
Hương bảo : Anh dễ thương
Con nhỏ vô duyên lạ
Dễ thương, không dễ thương
Thì việc gì đến nó
Việc gì đến Liên Hương ?…
Ngày vu quy, cũng cô bạn Liên Hương đó, nàng gởi thư bảo bạn đừng gởi Thiệp mừng vì mừng bao nhiêu dễ nào giúp quên được niềm đau quặn thắt trong tim :
-Hương ơi ! Mình sắp lấy chồng !
Yêu bao nhiêu để giờ không còn gì !
Mơ nữa đi !Mộng nữa đi !
Lại còn son phấn làm chi nữa trời !?
….Hương đừng gởi thiệp mừng nhau
Làm sao mừng được nỗi đau đớn nầy
Giá mình được một lần say
Hay là được một vài ngày bên anh !
Có thể Liên Hương là bạn tâm giao được nàng trao gởi tâm sự và hiểu mối tình của nàng hơn ai hết nên nhiều thơ gởi Liên Hương. Liên Hương lấy chồng, có lẽ cũng không ưng ý mấy nên nàng vừa than cho mình, than cả cho Liên Hương :
-…Ngày mai mình sẽ lấy chồng
Ngày mai pháo đỏ rượu hồng, Hương ơi !
Chồng mình chẳng phải là Người
Chỉ Hương biết rõ là tôi yêu Chàng !
…Người mình thương nhớ quá chừng
Từ nay thành một người dưng qua đường
Liên Hương ơi ! Bạn Liên Hương
Ðọc thư có giận, có thương giùm mình
Nặng ngàn cân một chữ tình
Buộc vào thì dễ, ai đành cỡi ra ?
(Thật khó cỡi ra)
-Liên Hương ! Tao khóc đây Liên Hương
Tao khóc chung cho bọn má hường
Tao khóc chung cho nòi nghệ sĩ
Chúng mình sao lại thích văn chương ?
…Tao khổ vì chàng, biết nói sao
Nhưng chàng, chàng có tiếc thương tao ?
Con người như thế mà như thế
Tao tức tràn hông, giận máu trào !
Tao cần nhưng họ không cần đến
Thì biết làm sao được, hở Hương
….
Hương ơi ! Hạnh phúc là như thế
Sao chẳng cho mình hóa cỏ cây
Tao khổ cho nên tao phải viết
Cho nên tao mới nhớ thương mầy.
(Thư cho Liên Hương)
Nàng là người có học (Tôi đoán nàng đã đổ Tú Tài, vào thời đó, hẳn căn bản hiểu biết khá cao), nàng am hiểu phần nào thơ văn Ðông Tây, cảm thông được tác phẫm và tác giả. Mô tả tâm trạng mình, nàng thường liên tưởng đến bao kẻ khác cùng nòi tài hoa khổ lụy vì tình. Làng văn chương, không ai không biết Arvers, nhà thơ Pháp nổi tiếng với bài thơ duy nhất (bài Sonnet d’Arvers) nói lên mối tình tuyệt vọng của mình lúc yêu một mệnh phụ phu nhân mà tuyệt nhiên không dám tỏ bày. Nàng đã mượn trường hợp nầy vừa cảm thông với nhà thơ Pháp vừa ‘khóc’ cho mối tình của mình. Xin nghe bài Ðường thi số 7 trong TIẾNG KHÓC ÐÊM TÂN HÔN :
-Ðâu biết ngày nay phận bẽ bàng
Bài Son-Nê cũ lúc thu sang
Ngẫm thương cảm lại ngâm thương cảm
Im dở dang mà nói dở dang
Nam nữ mới hay tình một hội
Ðông Tây rõ thiệt lụy đôi đàng
Ac-Ve ! Tôi để tang ông đó
Ai có vì tôi chịu để tang ?
Ai để tang cho nàng ? Chỉ có chàng thôi ! Liệu chàng có như nàng ‘để tang’ cho Arvers ? Bài Sonnet d’Arvers, nhất định chàng đã đọc nhưng chàng có đau thương cho nhà thơ Pháp và nếu biết nàng đã yêu chàng với mối tình câm nín, chàng có ‘khóc’, có ‘để tang’ cho mối tình của nàng không ? Tuy trường hợp Arvers có khác trường hợp nàng nhưng khổ lụy của cả hai đều như nhau. Arvers, ôi Arvers ! Yêu mà không dám nói năng để muôn đời hận tủi : ‘’Dẫu ta đi trọn đường trần, Tình riêng dễ dám một lần hé môi. Người dù ngọc thốt hoa cười, Nhìn ta như thể nhìn người không quen…’’ (Khái Hưng dịch) Nàng cũng thế thôi. Thương Arvers là thương mình, trách Arvers là tự trách mình :
-Ac-Ve, tôi thật sự thương ông
Một mối tình câm hận chẳng cùng
Nam giới khác gì lòng nữ giới
Phương Tây giống hệt chuyện phương Ðông
Chỉ cần vài phút tim rung động
Ðủ để ngàn sau bạn cảm thông
Tự biết trách ai ? Ðành tự trách
Ðã yêu sao chẳng nói cho xong ?
MTCL - Tự trách)
Và T.T.K.H. đã thảng thốt kêu lên ‘’Nếu biết rằng tôi đã có chồng, Trời ơi ! Người ấy có buồn không ?’’ để kéo dài chuổi ngày sầu héo ‘’Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, Ái ân nhạt nhẽo của chồng tôi’’ thì nàng cũng tâm sự não nùng. Nhưng T.T.K.H. dù duyện phận lỡ làng thì còn có được người yêu yêu lại, không lấy nhau được vì tại mẹ cha ; còn nàng thì không, hoàn toàn không :
-…Nếu ta cũng được như K.H.
Lại được người yêu yêu lại mình
Ta có cần chi dư luận nữa
Ta về ta ở với anh….(xin không nêu tên)
Ta làm người vợ không hôn thú
Bán bún bò rong để kiếm tiền
Bất cứ nghề gì, ta chẳng ngại
Bên nhau cuộc sống sẽ thần tiên
….
Nhung mà K.H. em thua chị
Người có yêu em có nói đâu ?
Em chẳng dám than, không dám trách
Ðêm đêm chỉ biết ngẩn ngơ sầu.
( MTCL-Tâm sự với T.T.K.H.)
Rồi Tương Phố với ‘Giọt Lệ Thu’ trở thành đối tượng và đề tài (4 bài trong tập thơ nầy) để nàng gởi tình vào đấy và thương cho mình :
-Ðêm ngồi đọc Giọt Lệ Thu
Thêm hờn, thêm oán, thêm thù trời xanh
Nhẫn tâm đến vậy cho đành
Mối tình quá đẹp mà đành dở dang
Lệ con ướt đẫm từng trang
Nghĩ vì thương Cụ lại càng thương thân
Tuổi xanh chỉ có một lần
Hỏi yêu là thứ nợ nần gì đây ?
Người xưa đã lạnh Mái Tây
Mình nay nước mắt vơi đầy mỗi đêm
Viết gì thêm ? Nói gì thêm ?
Lòng câm như ánh trăng thềm lặng câm
(MTCL – Ðêm đọc Giọt Lệ Thu)
Nàng ghen cả với Thúy Kiều, gởi đến giai nhân nầy những dòng thơ đẹp :
-Sao bỗng dưng ghen với Thúy Kiều
Dù em thương Chị biết bao nhiêu
Tuy rằng đời trải trăm cơn biến
Vẫn được tai nghe một tiếng yêu
Còn gẩy cung đàn lòng thổn thức
Ðể nhìn khóe mắt nét đăm chiêu
Mười lăm năm ấy dù đem đổi
Mấy khắc bên nhau cũng đủ nhiều !
(MTCL-Thế đã nhiều rồi)
Rồi ghen cả với vợ chàng, dù chưa gặp mặt lần nào. Vợ chàng có gì hơn nàng để chỉ một lần gặp đã nên gia thất với chàng. Còn nàng, bao nhiêu năm tháng bên nhau, thơ qua thơ lại, thế mà…, bên chàng, nàng như giọt mưa rơi trên tượng đá. Mà nàng có xấu xí cho đâu ! Bao chàng trai cứ theo sau, bao thư trai gởi đều đưa chàng đọc. Chàng chẳng để ý mảnh tình kín đáo gởi trao, lại còn hỏi ‘’Em chọn chú nào ?’’. Câu hỏi ‘tàn ác’ quá đi thôi. Nàng đã chọn rồi, chọn mà không nói ra. Quả chàng tài hoa về thơ nhưng lại không mấy tài hoa trong tình nên không đủ ‘thông minh’ nhận ra trăn trở nơi lòng nàng :
-Chị M. ! Người ấy tôi chưa gặp
Chắc lẽ tài hoa đẹp lắm đây
Duyên dáng, đảm đang và lịch lãm
Anh tôi mới đó đã mê say
….
Yêu suốt bao năm là kẻ lạ
Người ta mới gặp lại thành đôi
Chị M… ! Tôi giận sôi gan ruột
Bằng cách nào đây chị thắng tôi ?
(MTCL-Giận chị M…)
‘Giận’ vì ‘ghen’ tài ( ?) chứ không vì đố kỵ. Vẫn luôn mong người yêu hạnh phúc, vẫn luôn mong vợ chàng hiểu và yêu thương chàng, mong vợ chàng thay mình chăm sóc cho chàng ; mối tình tha thiết, không mang tính chiếm hữu riêng tây ; một thứ ‘ích kỷ - vị tha’ ít người có được :
-……Chỉ mong hạnh phúc thêm bền vững
Và ước tình duyên mãi đậm đà
Chị ạ ! Anh em thi sĩ lắm
Gắng yêu thêm nhé bậc tài hoa !
Gắng yêu thêm nhé bậc tài hoa
Ðược thế thì em mới thật là….
Nghe Chị nhân từ hơn mọi kẻ
Như anh trung hậu khác người ta
Dù không được đến hầu bên cạnh
Vẫn tưởng như đang đứng giữa nhà
Chị nhận em là em gái nhé
Một cô em gái mịt mù xa !
(MTCL-Mừng Anh lấy vợ)
Tuyệt vọng vì tình yêu không được đáp ứng nhưng không vì thế mà ghen tức, trách cứ, ngược lại chỉ mong vợ chàng yêu chàng mỗi lúc một hơn, hiểu chàng, hiểu tài hoa của chàng, gắng sao giúp tài hoa của chàng thêm nẩy nở, ‘được thế thì em mới thật là…’ Câu thơ không hết ý, câu thơ bỏ lửng nhưng không ai không hiểu tâm ý nàng : ‘em mới thật là mãn nguyện’, ‘em mới thật là yên tâm’.
Tình yêu không theo ngày tháng nhạt phai. ‘Nàng có chồng, chàng có vợ’, còn gì để phải vấn vương ? Mối tình đầu sẽ vào quên lảng, chuyện bình thường của cõi thế gian. Nhưng nàng, chỉ riêng nàng, không muốn ‘tuân’ theo cái lẽ bình thường nhân thế đó. Nàng tiếp tục nuôi dưỡng mối tình tuyệt vọng suốt trên 60 năm dài và mãi mãi đến ngày giả từ vĩnh viễn ‘cõi người ta’. Cầu mong người yêu hạnh phúc,cầu mong gia thất chàng hoà hài, còn bao nhiêu buồn khổ tái tê, nàng âm thầm nhận chịu. Sống vô vị, không một niềm vui, không còn ý nghĩa, con tim rã rời, tê nhức, tẻ lạnh đêm ngày.
Ngày còn dưới mái trường, chỉ không nhận được thư chàng, nàng đã khắc khoải cả sáu khắc năm canh, đôi lúc muốn quên, muốn giữ lòng thanh thản nhưng nào được phút nào đâu :
-Mấy tháng trời nay chẳng có thư
Anh ơi ! Không lẽ đã quên ư ?
Trăng soi đỉnh Ngự thơ hay mộng
Liễu ngã dòng Hương thực hóa hư !
Nỗi nhớ ngày đêm càng khắc khoải
Niềm mong hôm sớm hóa riêng tư
Ước gì ta hóa thành bồ tát
Chẳng biết gì hơn một chữ Như !
Ước gì
Chữ ‘NHƯ’ không tìm được mà dù ‘NHƯ’ có đến thì nàng cũng ‘xua đuổi’ đi thôi. Ðiều nầy cũng là ‘đương nhiên’, không mấy ai muốn là bồ tát trong tình yêu nam nữ. Tỉnh Thanh - đất Huế, thời đó xa xôi lắm nhưng con tim sầu héo, ước mong lại có cảm tưởng rất gần để nàng gởi bao nhớ, bao thương, cả bao trách cứ mông lung :
-Tuy đất Bộ Ðầu xa thật xa (Bộ Ðầu : tên ngôi làng của chàng)
Nhưng ta vẫn thấy rất gần ta
Bờ tre cánh bướm dường ngơ ngẩn
Mái đẩy câu hò vẫn thiết tha
Không lẽ chỉ vì hoa dạ hợp
Nỡ quên ngay được quả thanh trà
Tỉnh Thanh nào phải quê mình nhỉ ?
Mà nhớ in như nỗi nhớ nhà !
Sao thế nhỉ ?
Nỗi nhớ không nguôi ray rứt, dày vò. Ký ức, chao ôi, tàn ác quá ! Không ký ức, con người đỡ khổ biết chừng nào ! Nữ thần Mnémosyne ơi ! Nữ thần biết chăng đã đày đọa phận hồng nhan nầy quá lắm ? Qua ký ức buổn đau, muà Xuân nào rồi cũng thế, cũng buồn đau, sầu muộn, lệ chảy lê thê :
-Trời ơi ! Tôi lại nhớ Người
Mà người, người ở phương trời nào đây
Sông Hồng nước mắt đã đầy
Ngờ đâu ngày ấy mỗi ngày một xa
‘Người là người của người ta
Mà tôi cứ gọi người là cố nhân’ (thơ Nguyễn Bính)
‘Dù ta đi trọn đường trần
Chuyện xưa hồ dễ một lần hé môi’ (thơ Arvers, Khái Hưng dịch)
Làm sao lại thế, trời ơi !
Yêu sao chẳng dám một lời mình yêu ?
Nhớ người, nhớ biết bao nhiêu
Chẳng hay người có sớm chiều thương ta ?
Nhớ người nhớ đến xót xa
Biết người người có còn là cố nhân
Trót yêu, yêu chỉ một lần
Một năm hỏi mấy mùa xuân bây giờ ?!
Lại nhớ anh
Rồi cũng như thường tình ‘’kiếp nầy đã lỡ, xin dành kiếp sau’’. Không như Nguyễn Công Trứ’’Kiếp sau xin chớ làm người’’, nàng tin kiếp sau chàng và nàng cũng là ‘kiếp người’ để nàng gặp cái duyên may làm vợ chàng. Sau bao lần ra Thanh, vào Huế, vô Nam rồi ra Yên Báy, cánh nhạn biệt tăm nhưng vẫn ‘lẻo đẻo theo ta từng hạt đợi, đợi người tri kỷ sá gì trăm năm’ (lời thơ của Bác sĩ Kim .Loan – Úc Châu.). Nàng biết rõ không một ngày nào hội ngộ thì chỉ còn trông chờ nơi kiếp lai sinh. Bài thơ dài Lục Bát khá hay, xin chép đủ nơi đây :
-Tìm anh khắp bốn phương trơời
Tìm anh suốt cả một đời biệt tăm
Gặp ai mà chẳng hỏi thăm
Cao xanh nỡ ghét, nỡ căm gì mình ?
Ðã đành em có gia đình
Ðã đành anh có mối tình thiết tha
Trước khi về với người ta
Em đà nói thẳng tôi là vợ anh
Tôi theo khuôn phép gia đình
Nhưng lòng tôi đã tan tành từ lâu !
Ngay khi gặp gỡ buổi đầu
Tôi yêu người ấy nhưng đâu có ngờ !
Người ta dù chẳng hững hờ
Coi như em gái ngây thơ có tài
Nghĩ ra thiệt quá mỉa mai
Chỉ vì tự ái để dài tiếc thương !
Em mong, mong rất bình thường
Nhìn nhau một phút, chung gương một lần
Rồi như nước chảy qua sân
Cũng là trả nợ, trả nần, phải không ?
Lòng em trời đất cảm thông
Sao anh lại nỡ bất công, vô tình ?
Ngay khi đất nước hòa bình
Tìm mình thì đã nghe mình đi xa
Ðường về Yên Báy bao xa
Nhưng em, em vẫn quyết ra mặc dù….
Người ta kỷ niệm Nguyễn Du
Tại sao lại cứ bỏ tù thi nhân ?
Bỗng dưng trở bệnh bất thần
Bệnh càng thêm nặng dần dần lâm nguy
Sống là chi ? Thác là chi ?
Ta đâu bằng được Tử Kỳ, Bá Nha
Kiếp nầy ngàn vạn cách xa
Kiếp sau nhất định em là vợ anh
Em không úp mở, em dành
Tiếng gì em cũng nói thành tiếng yêu.
Hẹn nhau kiếp khác
Lời Lục Bát quá đơn sơ nhưng u tình rất đậm. Mộc mạc, thật thà nhưng là một ‘sử thi’ chan chứa. Ta chú ý hai điều nơi đây : Trước tiên ‘em vẫn quyết ra mặc dù….’. Dấu chấm lửng nói lên gì ? Ði thăm một tên ‘ngụy’, một tên ‘phản động’ đang nơi trại tù, liệu có được chăng ? Liệu có di lụy đến mình chăng ? Dù thế nào chăng nữa, nàng cũng ‘Ðá vàng đã quyết, phong ba cũng liều’ (Kiều, câu 1366). Tiếp theo ‘Tại sao lại cứ bỏ tù thi nhân ?’. Dưới mắt nàng, chàng chỉ là nhà thơ, bỏ tù một nhà thơ, quả vô lý, quả tàn ác. Nàng không để ý đến bất cứ một nguyên nhân, một lý do nào khác đến phải bỏ tù một nhà thơ. Giả thiết nàng không lâm bệnh bất ngờ trên đường đến Yên Báy, giả thiết nàng được phép gặp chàng trong cảnh lao lung đó ? Giả thiết nàng cũng sẽ phải bị ‘mời’ lên Công an ‘làm việc’ ( ?) để rồi bao oan nghiệt đến với nàng ? Giả thiết cơ may, nàng có thể giúp chàng thoát khỏi lao lung ? Dù sao, nàng cũng bất chấp miễn là được gặp chàng một lần, một lần thôi cũng đủ và như thế là ‘hạnh phúc’ biết bao ! Nàng đâu có đợi gì nơi chàng. Chàng có khỏi cảnh truân chuyên thì cũng không thể thành vợ thành chồng, cũng không thể nói tiếng ‘yêu’ với nàng. Nàng không cầu mong như thế nữa. Nàng chỉ cần một lần gặp mặt chàng thôi. Cuộc tình như thế đấy, ai ơi !
Cuộc tình hầu như đưa vào ‘nghiệp dĩ’. Cái gene tài hoa của nàng phổ vào cho con gái. Nàng đành tạ tội cùng con. Những dòng thơ cay đắng, ăn năn cho mình và cả cho con :
-Con tha cho Mẹ nhé con
Mẹ còn gì nữa chỉ còn ăn năn
Bây giờ con lại viết văn
Nghiệp thơ con lại cứ lăn mình vào
Thôi thì còn biết nói sao
Cuộc đời là thế, cách nào cho hơn
Một đời Mẹ sống cô đơn
Bây giờ nhắm mắt chẳng hờn oán ai
Oán chăng oán cái chữ tài
Ôi dòng máu Mẹ chảy dài sang con
Chua cay vẫn lấy làm ngon
Chữ tình mật đắng, sơn son vẫn thờ
Con ơi ! Con lại làm thơ
Con là con Mẹ còn ngờ gì đây
Ðàn xưa ứa máu bốn dây
Ðoạn trường thửa ấy mà nay vẫn còn
Thôi thì gửi lại nước non
Tình ta ngắn ngủi, nhờ con sẽ dài !
Tạ lỗi cùng con gái
Cô gái hiểu nỗi lòng của Mẹ, đớn đau cùng Mẹ. Cô không oán trách người đã gây ‘đoạn trường’ cho Mẹ, chỉ thuơng Mẹ thôi và muốn gởi đến mọi người đừng giẫm bước đường của Mẹ. Lời thơ xót xa vừa lẫy hờn vừa cay đắng khiến người đọc không khóc mà như nghe lệ tràn (tôi không rõ bài thơ do chính cô gái hay do chính nàng thác lời cô gái) :
-Mẹ ơi ! Con gặp Bác rồi
Người thơ mà Mẹ một đời yêu thương
Bác dù lỗi lạc phi thường
Tài hoa Mẹ dễ đã nhường ai đâu ?
Hiểu tài nhau, phục tài nhau
Mà sao chẳng hiểu lòng đau cho đành ?
Mẹ tôi phí cả tuổi xanh
Mẹ tôi uổng cả tuổi xanh vì người !
Người nhìn tôi, lệ muốn rơi
Nhưng tôi căm giận cuộc đời bao nhiêu !
Tôi xin nhắn những ai yêu
Ðừng hy sinh hão, đừng liều đơn phương
Mẹ ơi ! Còn nắm tro xương
Bao giờ Mẹ hiện thành huơng bay về ?
Cho tôi xóa sạch lời thề
Hỏi rằng : Bác có thấy tê tái sầu ?
Mẹ ơi ! Tình Mẹ quá sâu
Thấu cho chăng hỡi trời cao đất dày !?
Lời trách của người con gái
Lời thơ thống thiết, khóc cuộc tình ‘bạc mệnh’ của Mẹ cũng chẳng trách móc gì chàng. Lời thơ lâm ly nhưng tin rằng sẽ giúp bao người hoặc đau xót cho nàng, thương cảm một mối tình tuyệt vọng hoặc nghĩ rằng nàng ‘dại khờ’ tự chuốc phiền, chuốc lụy cho mình thôi. Ðường tình cũng như đường đời muôn vạn nẻo, chọn làm gì riêng một nẻo trái ngang để tự du mình vào khổ lụy. Cô gái đã nói lên điều đó : ‘’Tôi xin nhắn những ai yêu, Ðừng hy sinh hão, đửng liều đơn phương’’. Chúng ta có thể thở ra nhẹ nhàng và những ai quên ngay mối tình đầu vì một trở ngại đơn sơ hẳn sẽ nhẹ lòng dù đã bao lần ‘’trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai’’ (Kiều). Nhưng nếu luôn luôn như thế, nếu không có trường hợp như nàng nơi đây thì làm gì có chuyện thủy chung, có chuyện đá vàng, có tác phẫm tuyệt tác ‘Ðoạn Trường Tân Thanh’, có chuyện ‘’Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy’’. ? Chính trong cái phù du, vô thường mà luôn trung kiên với mình, với người, với nước non, dân tộc,….thì đấy mới là cái ‘tính người’, cái ‘thiên tính’ của loài ‘linh ư vạn vật’. Cái đáng kính, đáng phục, đáng yêu chính là ở đấy. Không chỉ riêng về tình. Ðiều mình nghĩ, việc mình làm không hề hại ai, không hề hại gia đình, xã hội, dù có làm tan nát mình mà vẫn đeo đuổi, vẫn trung thành cho đên hết cuộc đời, đấy mới là lý tưởng sống, mới là tinh túy của tâm hồn, mới là cao quí, thiêng liêng.
Cuộc tình không ngừng ở đó, không dừng lại ở thời điểm 30 tháng Tư bảy lăm. Chàng sang nước người, nàng vẫn còn trong nước. Quan san vạn dặm nhưng mối liên lạc qua thư và thơ làm ‘sống’ lại tình cảm giữa hai người. Qua bao lần kỷ niệm Sinh nhật, nàng vẫn trong nỗi nhớ không nguôi về chàng. Nhân kỷ niệm Sinh nhật thứ 67, nàng làm bài thơ ‘Rồi đây’, trong đó có đoạn : ‘’Rồi đây lòng có nhớ thương nhau, Ta phải đâu là kẻ đến sau ? Ðến trước mà như người lỡ buớc, May sao còn lại nỗi chung đau !’. Ngày 12/11/1994, chàng họa lại bài thơ theo thể Thơ Mới và từ đó chàng nhớ mãi ngày ’20 tháng 11’ là ngày sinh nhật nàng. Bài thơ dài, nói sự việc một nhà thơ (ám chỉ nàng) sinh ra 67 năm về trước, từ đó mỗi mùa Xuân trong năm, cả thiên nhiên, vạn vật và con người mang chở nỗi lòng và sắc thái tâm tư của nhà thơ. Xin chép đoạn đầu và hai đoạn cuối :
-Hãy đốt trầm lên các bạn ơi !
Hôm nay thi sĩ đã ra đời (ám chỉ nàng)
Kể từ sáu bảy năm về trước (sáu mươi bảy năm)
Người bước vào đây dự cuộc chơi…
……..
Hãy cắm đầy hoa, hãy đốt trầm
Hãy nghe từ đó tiếng ai ngâm
Hãy về nối lại dòng thơ cũ
Rồi giải giùm nhau những lỗi lầm
Mừng lại mừng thêm còn có nhau
Nửa đêm tĩnh giấc tiếng mưa mau
Hứng mưa phút chốc nghe lưng chén
Giọt lệ nào hoen nếp áo nhàu ?
‘’Rồi giải giùm nhau những lỗi lầm’’ , câu thơ phần nào ám chỉ nỗi niềm vô tình đã khiến nàng sầu khổ bao năm. Chắc ít nhiều nàng cũng vơi đi bao nức nở trong lòng.
Ngày 20/11/97, nàng nhận được từ Cali bài đường thi ‘Mừng thọ’ cùng bài thơ dài theo thể cổ phong nhan đề ‘Em vẫn Trường Tiền vạt áo bay’ mừng Sinh nhựt thứ 70 của nàng. Nàng họa lại. Bài họa cũng tỏ niềm nhớ mong, nhắc lại những ngày nơi xứ Huế nhưng phần nào thoải mái hơn trước :
-…Ngắm mãi song buồn, trăng gió lạnh
Qua rồi tuổi nhỏ tóc xanh mây
Chỉ còn lại nước trường giang chảy
Ta đã chôn sâu kỷ niệm nầy !
Một cái nắm tay chưa dám bắt
Trắng trong đôi mắt ngó thơ ngây
Dẫu hơn năm chục năm xa cách
Dâu bể thăng trầm vẫn đắm say
Ðẹp mối duyên thơ, lòng khó dứt
Hương nồng hoa lá cũng thơm lây…
…..
Ai vay ta đó ? Chưa hề trả !
Nhân thế phai mờ gợn nước mây
Phu được nhau chăng ? Nào dễ phụ ?
Vẫn dòng thơ cũ đọc mê say
Vẫn gom tứ đẹp gieo thương nhớ
Khóe mắt chan hòa lệ đắng cay….
Nhắc lại lời thơ chàng : ‘’Sinh nhật mời ai chén rượu nầy ! Tròn tuổi bảy mươi anh vẫn nhớ, Tình ta thưở đó thắm duyên nay, Mối tình trong sáng nhu trăng gió, Men rượu nào đây chẳng đủ say’’, hẳn nàng cảm thấy một ‘đền bù’, một lời gián tiếp nhìn nhận lỗi của chàng đã phải để nàng trên sáu mươi năm cay đắng. ‘’Tình ta thưở đó thắm duyên nay’’, Phải hơn nửa thế kỷ mới nhận ra cái ‘duyên’ của mình đã được ai đó trao tình trong lặng lẽ. Vậy nên, xin trân quí mối ‘duyên’ kia thêm thắm, thêm xinh hầu đáp ứng cuộc tình câm nín của ai kia. Mối tình của nàng hẳn được an ủi ít nhiều dù chàng vẫn không bày tỏ tình yêu. Tình yêu qua thơ, mối tình văn nghệ đâu cần phải nói trắng ra, nhất là bây giờ cả hai đã vượt quá tuổi tám mươi. Và chúng ta cũng thấy thoải mái, vui vui, không còn phải quá sầu đau, hiu hắt cho nàng. Thư và thơ qua lại qua lại từ nay chắc sẽ còn nhiều và dù buồn đau vì tình không thành tựu nhưng những ‘mất mát’ sẽ vơi đi, cạn dần. Mối tình đắng cay nhưng đẹp, sẽ mãi mãi đẹp nơi lòng hai người cũng như nơi trường đời văn nghệ. Một mối tình có thực, một mối tình trở thành ‘huyền thoại’ cùng một giai thoại văn chương.
Trích dẫn và diễn giảng dài dòng, người viết có ý nâng tâm hồn người yêu thơ và bạn đọc vào một cung điệu của tình yêu lạ thuờng mà cảnh đời hiện nay hầu như khó còn tìm ra được. Cuộc tình kéo dài trên sáu mươi năm và còn tiếp tục đến hết cuộc sống hai người. Riêng nàng, dù bây giờ đã bắt được liên lạc với chàng và thư cùng thơ qua lại nhưng mối tình đầu câm nín trên nửa thế kỷ vẫn dậy dàng, vẫn héo hắt như ngày nào, vẫn sống với cái ‘hạnh phúc’ trong tuyệt vọng, buồn đau. Trong một tác phẫm thơ mới nhất năm 2005 tại Huế, không đề cập gì đến tình ái nhưng nàng vẫn dành nơi cuối sách, nhắc lại mối tình của mình, chỉ trông chờ một lần gặp lại :
-Giá như gặp lại một lần
Giang tay ôm cả mùa xuân Ðất Trời
Mặc Hằng Nga cứ lả lơi
Mặc cho Tây Tử chơi vơi Ngũ Hồ.
Ái tình, chao ôi! ‘’Ái tình triết lý màu bi đát, Mà mực tàn canh vẫn chảy hoài’’ (N.T.). Cô gái ngây thơ, trong trắng, dịu hiền, xinh đẹp đất Thần Kinh trầm lắng luôn nuôi nơi mình mối tình đơn phương lặng lẽ âm thầm để như gởi vào ‘Hư không’ lời tim thổn thức. ‘Hư không’ đã đón nhận, gởi trả cho nàng hai tập thơ ‘Yêu’ và bao dòng tâm sự não nùng.. Trong ‘Hư không’ đó, chàng là ‘thực tại’ của nàng, một ‘thực tại’ luôn luôn cận kề, gần gũi mà, thương thay, như phải bị đẩy lùi đến tận cuối trời mơ :
-Có phải nghìn thu bờ mộng cũ
Nẻo về trăng trắng giấc* liêu trai
Trần gian tình lạnh lòng thi tử
Anh* đến bên hồn, em* ngỡ… ai !
. (không nhớ tên tác giả)
Có thể có một mối tình như thế trong thời đại hiện nay và sắp tới không ? Biết nhận định ra sao về mối tình ‘huyền sử’ nầy ?
Trong ‘Ðoạn Trường Tân Thanh’ , Nguyễn Du đã viết : ‘’Tu là cõi phúc, tình là dây oan’’. Câu thơ gồm hai mệnh đề, chúng ta thường tách ra làm đôi để hiểu theo từng cách. Thực ra nên hiểu : ‘’Có tu ngay trong cõi tình dây oan thì tu mới là cõi phúc’’. Tục ngữ VN bảo ‘’Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa’’. Nàng đã ‘tu nhà’ và ‘tu chợ’. Có phải nhào lộn trong cuộc đời, có phải bầm giập, tái tê trong vòng hiện hữu trái ngang mà vẫn giữ được nhân cách, tâm hồn trong sáng, không làm hại ai dù phải khổ ải, truân chuyên, luôn luôn nghĩ đến cái ‘đẹp’ cho người thì ‘tu mới là cõi phúc’. Ý nghĩa, cứu cánh của đau khổ do chính từ đó. Do từ đó mà Nguyễn Du mới viết nên ‘Ðoạn Trường Tân Thanh’ ; do từ đó mới có Thánh nhân, anh hùng. Ðạo là con đường, cuộc đời là hành trình miên viễn trên con đường đó. Trên hành trình đó, con người luôn phải (hay bị) đổi thay từng ‘không gian sống’ qua quá trình thời gian. Cuộc đời đã đổi thay ‘không gian sống’ của nàng và của chàng qua thời gian (có chồng, có vợ, sinh con, già nua, ly biệt, bị tù, cách xa,…) nhưng hơn hẳn nhiều người, nàng luôn giữ cái ‘không gian, thời gian bên trong’ nàng nguyên vẹn, tinh khôi. Cái ’không gian, thời gian bên trong’ đó là ‘tấm lòng’ nàng, là tâm hồn nàng, là mối tình trung trinh, trong sáng, thủy chung. Nàng đáng thương và đáng trọng do từ đó.
‘Vạn pháp giai không’ , nhà Phật bảo thế. Từ ‘Không’ nơi đây không phải là ‘không có’ mà là cái ‘Tính Không’. Vạn pháp đều mang chở cái ‘Tính Không’ nơi mình. Nhưng biết thế nào, biết làm sao để giữ được cái ‘Tính không’ của vạn pháp ? Tình yêu cũng là một ‘pháp’, một ‘pháp’ gây tái tê, sầu não nhiều nhất cho con người. Có ‘tu’ trong cái ‘pháp tình’ nầy thì mới ‘tu là cõi phúc’. ‘Giai không’ không là khước từ, tránh né hay quên đi. ‘Giai không’ chính ở nơi đấu tranh dai dẳng với chính mình để ‘Quên cái thương mình trong nhớ ai’ (thơ Trần Thiện Hiếu), để vượt thoát vòng vây của thế sự, để thần trí và con tim vốn luôn luôn bất ổn, bất an, luôn luôn ‘động lòng’ trong cái cố gắng nén giữ lòng mình ‘như như chẳng động’. ‘Như như chẳng động’ là hàng phục vọng tâm, là ‘vô sở cầu, vô sở đắc’. Nàng đã như thế. Nàng đau cho mình, có muốn được là ‘vợ chàng’ nhưng chẳng hề oán trách chàng, lại càng mong chàng luôn luôn hạnh phúc, không hề có ý nghĩ phải ‘tư hữu, chiếm hữu’ tình chàng cho riêng nàng. Tình nàng không được chàng đáp ứng, một thứ tình ‘Hữu trong Không’ và nàng đã sống cái ‘Không trong Hữu’ nơi mình suốt cả cuộc sống nàng. Mấy ai có được cái ‘can đảm’ đó. Nàng không ý thức lẽ huyền nhiệm nầy nhưng mặc nhiên, với tấm lòng mình, nàng đã thực hiện điều Ðức Phật đã nói : ‘’Bất trụ vô vi, bất tận hữu vi’ (Kinh Duy Ma) - (Bất trụ vô vi : không thể không muốn yêu và được yêu ; bất tận hữu vi : không nghĩ đến phải chiếm hữu cho được tình yêu). Ðem lới Phật vào đây, người viết tự thấy phần nào ‘ngoa ngôn’ nhưng làm sao không trọng kính mối tình của nàng, mối tình kéo dài suốt cả quảng thời gian dài dù đến nay đã trên Bát Tuần Thượng Thọ và sẽ mãi mãi còn cho đến ngày ra đi khỏi cuộc đời nầy. Nơi đất ‘nghìn năm văn vật’ (Hà Nội, có lẽ bây giờ không còn đúng với danh xưng đó nữa), nàng được bao người hâm mộ, được làng văn nghệ quí mến, kính yêu nhưng mấy ai hiểu được cái ‘không gian, thời gian bên trong nàng’ đã và đang nhận chịu bao phiền muộn âm thầm để giữ cái trinh trắng, thanh tân, thánh thiện của lòng mình..
Người viết nhìn ra điều đó qua thơ nàng, qua tâm sự nàng và yêu kính mối tình ‘Hữu trong Không’ nầy. Xin mượn đôi dòng thơ gởi về nàng và chàng :
-…Dẫu phải thiên thu, dẫu đợi chờ
Tình lên chất ngất mộng vào thơ
Màu trăng trinh bạch, trăng nguyên thủy
Ngõ hạnh từng khuya nuối… dại khờ!
Biết nói sao đây, nói những gì !
Anh từ sơ ngộ đã phân ly
Buồm đêm, biển gió đâu là bến
Em lạnh đòi phen bỡi.., tại…, vì…
Anh hỡi ! Trao em một tiếng ‘YÊU’
Ðời bao trăn trở bớt đi nhiều
Ðể em thắp sáng khung trời mộng
Giữa vực thâm u vũ trụ huyền !
NguyễnThùy
Sydney (Australia) 04/11/2006
______________
* Trong nguyên tác, câu hai là ‘gái liêu trai’, người viết xin mạn phép đổi lại là ‘giấc liêu trai’. Trong câu 4, từ ‘Em’ trước, từ ‘Anh’ sau, người viết xin hoán chuyển vị trí để phù hợp với cuộc tình nơi đây.
No comments:
Post a Comment