Tuesday, October 25, 2011

Khóc Lên Đi, Hỡi Quê Hương Ngạo Nghễ - Hà Thất Phu

            
 Khoảng năm 1967 khi còn là học sinh Trung học, một ngày hè đẹp trời tôi được cha mẹ cho phép cùng các bạn tham gia trại hè tại Vũng Tàu do trường tổ chức. Hầu hết trong số chúng tôi ai nấy cũng hân hoan phấn khởi vì đây là lần đầu được đi xa nhà mà không có sự kiểm soát của phụ huynh.
<!-- Read more -->Ngồi trên chiếc xe đò lăn bánh hướng ra xa lộ Biên Hòa, anh trưởng ban văn nghệ đề nghị các bạn cùng hát vài bài hợp ca để bầu không khí cuộc đi chơi được thêm sống động và cũng để rút ngắn đoạn đường. Không đợi tập thể đồng ý, anh bắt giọng "Ta như nước dâng...hai, ba" và thế là cả bọn bắt đầu hát theo. Trong phút chốc lời ca trỗi lên vang rền như sấm:
"Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng..."
            Càng hát, bọn tôi càng như bị thôi thúc giục giã vì lời hát quả thật quá hùng tráng, quá ngạo nghễ đúng như lời tựa của nó. Lúc đầu thì chỉ hát trong tiếng vỗ tay nhưng đến khi ngọn lửa khích động bừng bừng cháy, nhiều người trong bọn tôi bắt đầu dậm chân, đập vào thành ghế để tạo thêm nhiều tiếng động rất ồn ào, sôi nổi, gây sự chú ý của người đi đường và làm bác tài phải giật mình. Lời hát đã làm bọn tôi tưởng mình trong phút chốc vươn vai lớn mạnh với năng lực ào ào tuôn ra như một dòng nước lũ tràn dâng không có gì ngăn cản nổi. Đã thế chúng tôi còn bị kích thích mãnh liệt bởi những câu vô cùng bi tráng như:
 "Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời"
            Và dưới ánh mặt trời chói chang của mùa hè năm ấy, bọn tôi cứ tưởng mình đang hóa thân thành những dũng sĩ kiêu hùng mặt lạnh như tiền, vai u thịt bắp cuồn cuộn những vòng gân tươi (có bản chép là 'gân trời' nhưng cứ dựa theo âm điệu của câu hát thì tôi nghĩ ắt phải là 'gân tươi' ), không sợ khó khăn nhục nhằn, chân không đi tràn trên lò lửa hồng quyết tâm tiến đến một mục tiêu nào đó. Ngay cả khi thân thể đầy vết hằn thương tích vẫn ngang nhiên cười với cuộc đời.  Không có gì để phải hỗ thẹn với một quá khứ thương đau của ngàn năm nô lệ giặc Tàu và trăm năm nô lệ giặc Tây, lũ chúng tôi thản nhiên "trên bàn chông hát cười đùa vang vang". Hát một lần chưa đủ, chúng tôi hát bài này thêm hai ba lần nữa trước khi đổi sang bài khác. Đến lần sau, trong phần điệp khúc, chúng tôi đổi lời:
"Chúng ta còn một đầu trần Lê Vương,
Tay còn ôm tham vọng một Quang Trung..."
            Vào thời điểm ấy, chúng tôi không biết đây có phải thực sự là lời hát nguyên thủy do ông Nguyễn Đức Quang đặt ra không. Chúng tôi chỉ biết là nó quá hùng dũng, quá ngạo mạn, quá kiêu hãnh. Tác giả đã nói giùm tuổi trẻ chúng tôi lòng yêu nước nhiệt thành qua những câu "đầu trần Lê Vương" và "tham vọng một Quang Trung". Thú thực, vào thời đó, khi học Việt sử, bọn tôi không ai không ngậm ngùi thương tiếc người anh hùng mệnh yểu đất Tây Sơn. Giá mà vua Quang Trung đừng mất sớm thì Lưỡng Quảng và đảo Hải Nam đã thuộc về ta rồi! Có dịp đem chuyện này ra tâm sự với những bậc trưởng thượng, nhiều người cũng đồng ý và an ủi chúng tôi rằng âu đó cũng là số trời đã định. Đau đớn thay, cái vận số cay nghiệt ấy đã đeo đuổi dân tôi từ đời này sang đời khác!
            Nhạc phẩm Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã cuốn chúng tôi trôi bềnh bồng vào một thế giới khác, thấy mình được đứng chung hàng ngũ với những con người hết sức ngạo nghễ và oai hùng, xem đời như cỏ rác, dù khốn khó vẫn ngang tàng "điểm mặt mày của trần gian", dù trong xích xiềng nô lệ vẫn hãnh diện "khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người" và còn hơn thế nữa, ào ạt tiến tới để "tung xiềng vào mặt nhân gian".  Trong những phút giây siêu thực hiếm hoi nhưng vô cùng quí giá ấy, chúng tôi quên mất mình chỉ là những cậu bé học trung học đang sống trên một đất nước đói nghèo và đắm chìm trong chinh chiến. Chúng tôi quên hết những mặt trái phũ phàng để chỉ biết đất nước Việt Nam với hình cong chữ  S đang thật sự là một con rồng vùng vẫy giữa bể Đông mà ai cũng khiếp sợ. Chúng tôi quên đi những hình ảnh đói nghèo lạc hậu của thành phố chúng tôi đang sống để cứ tưởng nó xứng với danh xưng hòn ngọc Viễn Đông. Chúng tôi nhìn nhau như để nói với nhau rằng trên trái đất này, không dân tộc nào ngạo nghễ hơn dân tộc Việt Nam.
            Tuổi trẻ chúng tôi đã say sưa hát "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Hát ở những đêm thức trắng bàn kế hoạch xuống đường lên án bè lũ Lon Nol, Serik Matak, Cheng Heng "cáp duồn" người Việt tại Cao Miên. Hát trong những lần họp bạn, những lần đi trại, những buổi trình diễn văn nghệ ngoài trời. Ngay cả khi vào quân trường, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ cũng là một trong những hành khúc được chúng tôi hát nhiều nhất, bên cạnh những bài Lục Quân Việt Nam, Chiến Sĩ Vô Danh, Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu, Đêm Di Hành...Rời quân trường, bản nhạc vô cùng ngạo nghễ này cũng đã theo chân những người lính trẻ chúng tôi ra tận chiến trường.
            Rồi cơn hồng thủy tháng Tư bảy mươi lăm tràn đến và tôi cũng như nhiều người khác bị cuốn trôi ra biển để dạt đến một bến bờ vô cùng xa lạ. Chân ướt chân ráo trên đất Mỹ, trước những nguy nga tráng lệ của phố phường và khung cảnh thanh lịch sang trọng của đời sống chung quanh, tôi vẫn thấy nó thua Sài Gòn, thua Việt Nam xa lắc và dĩ nhiên thì người Mỹ làm sao bì được với người Việt chúng tôi. Họ may mắn được sinh ra trên một đất nước được Thượng Đế ưu đãi cho nên mới được như vậy, chứ nào có tài ba gì. Họ đẻ bọc điều, sống trên đất nước thanh bình, chưa từng thấy khói lửa chiến tranh hay nghe tiếng đạn bom thì làm sao có thể hãnh diện và tự hào được như chúng tôi. Học sinh của họ đi học trong không khí êm ả với đầy đủ phương tiện trong khi chúng tôi có khi đang ngồi học đã phải lo chạy trốn đạn pháo kích. Cuộc đời họ diễn ra như một bài toán với công thức hẳn hoi, cứ theo đó mà giải thì sẽ tìm ra đáp số, trong khi cuộc đời của người dân Việt chúng tôi dẫy đầy bất trắc, đau thương, đổ vỡ, chết chóc, chia lìa. Như vậy thì làm sao mà họ bằng chúng tôi được, và lại càng không thể ưởn ngực kiêu hãnh ngạo nghễ như chúng tôi. Có lần trong giờ nghỉ ở lớp Anh văn, tôi và vài bạn học cũng là dân tỵ nạn đã cùng nhau vỗ tay hát bài "Việt Nam quê hương ngạo nghễ" và tự lấy làm thích thú khi thấy những người chung quanh yên lặng ngồi nghe như ngầm thán phục. Thực sự thì họ có hiểu gì đâu! Họ ngồi trơ mắt ếch và có lẽ vì không muốn nói những lời có thể va chạm tự ái chúng tôi cho nên họ giữ thái độ im lặng.  Những lời hát hào hùng vang động trong buổi học ấy hình như cho chúng tôi có thêm sức mạnh để tìm chữ ghép câu kể lể với những người bạn dị chủng về một quê hương ngạo nghễ bên kia nửa vòng trái đất mà chẳng cần biết họ có muốn nghe hay không.
            Theo thời gian, chuyện một quốc gia mang tên Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay cộng sản phai nhòa dần trong tâm trí người bạn Mỹ. Trong thâm tâm, họ nghĩ cưu mang người tỵ nạn Việt Nam đến như thế là tốt lắm rồi. Nhờ vào đức tính chịu đựng và cần cù nhẫn nại, dân ta đi từng bước thật chắc trên con đường hướng đến thành công. Thế hệ một rưỡi và thứ hai vươn lên nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong xã hội Mỹ. Đề tài "vẻ vang dân Việt" bắt đầu được nhiều người nói đến và in thành sách. So với nhiều giống dân tỵ nạn khác thì dân tỵ nạn Việt Nam có vẻ thành công nhất và đây chính là một điểm son cho nòi giống Tiên Long.
            Với những thành quả lẫy lừng như thế thì tại sao ta lại không "Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian" nhỉ? Sau một thời gian chìm trong hào quang "ngạo nghễ", bỗng dưng có lúc tôi đâm ra ái ngại khi  giật mình nghĩ lại rằng từ ngạo nghễ tiến đến tự kiêu chỉ cách một bước ngắn. Mặc cảm tự ti và tự tôn đều có những yếu tố xấu, tốt như nhau. Người tự tôn dễ ngủ quên trên chiến thắng, không nhìn thấy rõ điểm đứng của mình. Người tự ti dễ đâm ra thất vọng, buồn chán, buông xuôi. Sống trên đất Mỹ khá lâu, tôi nhận thấy chỉ có một số rất ít người Mỹ ra mặt tự hào rằng đất nước họ là cái rốn của vũ trụ. Thực sự thì họ cũng nên "ngạo nghễ" vì quốc gia của họ là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới. Chỉ trong hơn 200 năm lập quốc, người Mỹ đã cắm cờ trên mặt trăng, đưa người vào không gian, cống hiến vào kho tàng khoa học kỹ thuật thế giới hết phát minh này đến phát minh khác. Song song với các quốc gia Âu, Úc châu, Mỹ trở thành khối nam châm khổng lồ thu hút nhân tài và du học sinh khắp nơi trên thế giới. Nhưng dù vậy, họ vẫn thua Việt Nam vì trong kho tàng âm nhạc của họ không có bản nào có thể sánh bằng bản "Việt Nam quê hương ngạo nghễ" của người Việt chúng ta!  Không riêng gì Mỹ, nhiều nước khác như Hy Lạp, Ai Cập... tuy không hùng mạnh bằng Anh, Pháp, Nga, Mỹ, nhưng nền văn minh của họ đã góp phần xây dựng nền tảng cho nền văn minh nhân loại. Trung Cộng, một đế quốc từng bị Việt Nam đánh bại, được loài người nhắc đến qua hai phát minh bất hủ: bàn toán và thuốc súng.
            Người Việt chúng ta luôn kháo nhau rằng có khoa học gia A, kỹ sư B, bác sĩ C, luật sư D, tiến sĩ E,... đã và đang được Mỹ không tiếc lời ca ngợi.  Là người Việt, ai mà không lấy đó làm niềm hãnh diện. Người Việt ta tài ba là thế mà không hiểu tại sao trong uốt bao nhiêu năm qua chưa có một người Việt nào cả quốc nội lẫn hải ngoại đoạt được giải Nobel, ngoại trừ trường hợp không mấy vinh quang của Lê Đức Thọ. Có phải vì các ông chop bu ở Oslo kỳ thị dân da vàng mũi tẹt chúng ta chăng? Việt Nam ta cũng chẳng có một đóng góp nào - dù nhỏ nhoi - vào kho tàng kỹ thuật thế giới. Cho đến nay, giở hết các sách giáo khoa chuyên đề khoa học kỹ thuật của Âu Mỹ, không thấy có định đề, định luật hay công thức nào của một toán học gia Việt Nam sáng tạo ra. Và cũng chẳng có cuốn nào đề cập đến các khoa học gia hay phát minh của Việt Nam. Có phải vì Việt Nam ta tuy già hơn bốn ngàn tuổi nhưng trong lãnh vực này thì ta lại còn quá trẻ trung cho nên không được các đàn anh khoa học kỹ thuật Âu Mỹ dành cho một chỗ đứng?
            Chỉ có chiến tranh Việt Nam là một điều gần như không ai trên thế giới không biết. Trên phương diện này, Việt Nam ta quả là một quê hương ngạo nghễ vì dân ta là một giống dân bất khuất. Sau hơn một ngàn năm dưới ách đô hộ của giặc Tàu và một trăm năm nô lệ giặc Tây, ta vẫn nói tiếng Việt. Thực tế này cho thấy dân ta hơn hẳn nhiều giống dân khác. Trung và Nam Mỹ đã gần như bị Tây Ban Nha đồng hóa vì họ đã không còn ngôn ngữ  riêng. Nhiều nước Phi Châu đã phải dùng tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Nhưng dù còn giữ được ngôn ngữ riêng, người Việt cũng không thể quên rằng chữ viết mà chúng ta đang sử dụng hiện nay là công trình của một giáo sĩ người Pháp. Điều đó, theo tôi, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến niềm tự hào dân tộc.
            Theo dõi thông tin báo chí hàng ngày về các hoạt động đấu tranh cho tự do của một số nước nhỏ tại Á châu, người ta thấy Tây Tạng thì có đức Đạt Lai Lạt Ma, Miến Điện thì có bà Aung San Syu Kyi, cả hai đều là những lãnh tụ đấu tranh được thế giới kính nể. Người Việt tự do chúng ta hiện nay chưa có một vị lãnh tụ nào đạt tới tầm vóc của hai vị lãnh tụ này. Trước một vấn nạn lớn như vậy, liệu ta có đủ tư cách "điểm mặt mày nhân gian" hay không? Dân Việt ta trong hơn ba mươi năm qua trên đất khách quê người đã tạo nhiều thành tích vẻ vang với các khoa học gia xuất sắc, các luật sư, bác sĩ tên tuổi, các sĩ quan cao cấp đang có triển vọng được lên cấp Tướng, các thần đồng xuất chúng hơn cả những người bản xứ.... nhưng liệu rồi những thành tích đó và những nhân vật khét tiếng đó có giúp được gì cho công cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ cho quê hương? Nước xuôi dòng ra biển biết có ngày nào về lại với sông! Có lẽ còn lâu lắm người Việt ta mới làm được những gì mà người Do Thái đã và đang làm.
            Trong khi người Việt hải ngoại không ngừng lớn mạnh thì tại quê nhà, lãnh thổ, lãnh hải đang bị ngoại bang dày xéo. Hoàng Sa, Trường Sa đã bị Trung Cộng ngang nhiên ghép vào bản đồ của họ. Ngư dân Phú Yên mới đây lại bị Trung Cộng thẳng tay sát hại mà lũ vong nô Hà Nội vẫn bình chân như vại. Làm sao chúng dám lên tiếng khi chính bọn chúng là kẻ đã cúi xuống dâng đất dâng biển cho quan thầy Trung cộng! Trên lý thuyết, chiếm được Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Cộng đã chặn đường ra biển của dân ta và đặt Việt Nam nằm trong vòng kiềm tỏa của chúng. Trong tình huống bi đát này, Việt Nam tuy trên danh nghĩa là một nước độc lập nhưng thực tế đã trở thành thuộc địa kiểu mới của Trung Cộng, một Tây Tạng thứ hai nhưng lại là một Tây Tạng không có đức Đạt Lai Lạt Ma.
            Trước một quốc nhục vĩ đại như vậy, liệu dân Việt ta - ở vào thời điểm này-  có nên cứ tiếp tục hát những lời ngạo nghễ hay không? Hay ta chỉ hát để tự ru ngủ, hát cho quên nỗi đau, hát để quên quê hương vẫn đang còn trong tay đảng cướp? Viết những dòng phiếm luận này, tôi  không có ý đả kích một nhạc phẩm  đã và đang được nhiều người ca ngợi. Lắm khi trên đời này có người được khen là nhà hùng biện không phải vì họ ăn nói hay mà chỉ vì họ biết nói những điều người ta thích nghe, cho dù lời nói ấy có khi không hẳn là lời nói phải. Vì thế cho nên tôi không dại gì lội ngược dòng để chuốc họa vào thân.
Với tư cách cá nhân, tôi chỉ xin để dành bản nhạc vô cùng cao ngạo này lại cho một ngày nào đó khi bọn vong nô Hà Nội ngã nhào và giặc ngoại xâm Trung Cộng trở thành những tên Thoát Hoan thời đại. Ngày ấy cũng chưa muộn để tôi được cùng với anh em bè bạn ngẩng cao đầu mà hát trong ngấn lệ vui mừng “…còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng".

Hà Thất Phu
12/2007

No comments:

Post a Comment