Thursday, June 23, 2011

Kính Nhớ Cậu Và Ngoại

 
Gia đình của ngoại tôi là một gia đình khá “đặc biệt”. Ông ngoại tôi mất sớm, lúc chỉ mới 40 tuổi, để lại một người vợ trẻ và năm đứa con dại.
<!-- Readmore -->

Mẹ tôi là con gái đầu và duy nhất. Sau mẹ là bốn người em trai. Ông ngoại mất được một thời gian thì bà ngoại bị bệnh và mù cả hai mắt. Mẹ tôi tần tảo buôn bán nuôi bốn người em trai. Một năm sau, cậu Ba của tôi đi quân dịch.Vì là một ngư dân trẻ, thành thạo việc đi biển nên cậu Ba tôi vào Hải quân. Từ đó cậu lênh đênh trên biển cả một đời.

Từ ngày cậu Ba vào Hải quân, mẹ tôi cùng đỡ vất vả hơn. Tiền lương ít ỏi cậu gởi về cho ngoại ăn trầu, cho mẹ tôi nuôi ba người em còn lại.

Một năm sau, cậu Năm cũng vào quân đội (người con thứ tư của ngoại tôi bị chết khi còn trong bụng mẹ nên không biết là trai hay gái).

Cậu Năm đi học lái xe, rồi đóng quân ở Đà Nẵng. Nhiều lần cậu về thăm nhà, có khi trên đường chở hàng cho quân đội cậu “tranh thủ” tạt về thăm nhà, quẳng xuống cho mẹ tôi mấy bao gạo. Tiền lương của người lính quân xa cũng khá, cho nên mẹ cũng may được một ít quần áo đẹp để mặc…, rồi mẹ đi lấy chồng.

Rồi bốn năm sau nữa (theo lời mẹ tôi kể), cậu Sáu cũng đi quân dịch, đó là thời Đệ Nhất Cộng hoà. Bà ngoại mù loà bây giờ sống với cậu Út. Cậu Út đi biển để kiếm cá tươi cho ngoại ăn và cũng để “viện trợ” cho gia đình tôi.

Năm 1963, lúc đó tôi bốn tuổi, ngày giỗ ông ngoại cả ba cậu đều về (gia đình tôi lúc này vẫn còn sống ở quê ngoại, chưa chuyển lên Tam Kỳ). Ai cũng mặc đồ quân nhân trông oai phong lẫm liệt. Các cậu chưa ai có vợ nên rất quý anh em tôi, nhất là tôi, các cậu dành nhau bồng bế hôn hít.

Tôi nhớ mang máng, khi khách khứa đã đi về hết, chỉ còn có cha mẹ tôi, bà ngoại, các cậu và anh em chúng tôi, trên một khoảng sân hẹp của ngôi nhà tranh ấm cúng, trước sân nhà là cây bàng cao (anh em tôi và trẻ con hàng xóm vẫn thường ăn, trái bàng chín thơm phức rơi đầy khoảng sân rộng). Ba cậu trải chiếu ngồi trên sân, buổi chiều mùa thu hiu hắt buồn, vừa uống bia vừ nói chuyện, họ cười nói rất to. Họ kể về đời lính, về những trận đánh, về những chiến tích có thật và cả tưởng tượng của họ… Tôi còn nhỏ quá, không nhớ gì nhiều, chỉ còn nhớ một đoạn cậu Ba nói:

- Chừ mình đang ăn uống đây bọn Việt cộng xông vào thì tính răng?

Cậu Sáu móc trái lựu đạn màu xanh (người ta vẫn gọi nó là lựu đạn mãng cầu vì trên thân nó có những rãnh hằn sâu như trái mãng cầu (người quê tôi vẫn gọi trái na là trái mãng cầu). Cậu chuyền qua chuyền lại trên tay rồi vừa nói vừa cười:

- Tôi cho chúng nó ăn trái mãng cầu này.

Còn cậu Năm thì kéo chiếc áo ngắn mặc lót ở trong lên để lộ ra cái báng súng lục màu thép đen.

- Tui có cái “giò heo” đây.

Rồi họ cười ầm ĩ. Cậu út hiền lành ít nói chỉ cười buồn buồn… Lúc này tôi còn bé, không biết được tâm sự của cậu Út.

Sau này tôi nghe mẹ kể cậu buồn vì mình chưa đủ tuổi để vào quân đội, đơn giản là chỉ muốn được “oai” như các anh.

Các cậu tôi chỉ là những ngư dân chất phác, họ coi chiến tranh chỉ là cơ hội cho tuổi trẻ tung hoành. Họ vào lính là để thoả chí “tang bồng” thế thôi. Họ chống Cộng vì đó là trách nhiệm công dân, tôi không biết các cậu tôi hiểu gì về cộng sản, nhưng khi nói về Việt cộng họ tỏ ra khinh bỉ và căm ghét.

Hai năm sau nữa thì cậu Út cũng vào quân đội, khi đó cậu chỉ mới mười bảy tuổi. Vì thiểu tuổi nên cậu dùng giấy khai sinh của cậu Sáu. Thời đó, Việt Nam Cộng hoà quản lý con người rất lỏng lẻo, họ không truy xét xem cậu Út có man khai không?! Mấy năm sau cậu Út hy sinh với cái tên Mai Đức Dũng tức là tên của cậu Sáu tôi.

Tôi nhớ có lần cũng là ngày giỗ của ông ngoại, các cậu về thăm gia đình chúng tôi (lúc đó đã chuyển lên sống ở Tam Kỳ). Sau khi đã ngà ngà say, họ lại cãi nhau rất to tiếng (lúc đó vào khoảng năm 1967, tôi được tám tuổi). Lý do cãi nhau là vì ai cũng cho binh chủng của mình là nhất. Mỗi người họ đều tự hào, đều ca ngợi về binh chủng mà họ đang phục vụ (sau này tôi từng chứng kiến những trận đánh nhau rất to tại Thị xã Tam kỳ giữa những người lính với nhau, cũng xuất phát từ lòng tự hào binh chủng). Họ cãi nhau to tiếng đến nỗi cha tôi phải can thiệp còn mẹ tôi thì mắng họ, đến lúc đó họ mới thôi. Không được cãi nhau nữa, họ lăn ra ngủ như chết.

Buổi chiều, họ vui vẻ rủ nhau đi tắm sông như chưa có gì xảy ra. Cậu Sáu mang theo hai trái lựu đạn để ném cá. Tôi chạy theo các cậu, đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông. Hai trái lựu đạn được ném xuống sông từ trên cầu, cách nhau khoảng 10m. Chiếc cầu nhỏ rung chuyển, hai cột nước bắn lên cao, bùn từ đáy sông bị đẩy bật lên. Vài giây sau, tôi thấy trên mặt sông đầy những cá: cá hồng, cá hanh, cá gáy… Đó là dòng sông Bàn Thạch nên thơ của thị xã Tam Kỳ nhỏ bé. Những chiếc xuồng đánh cá ào tới, những ngưòi dân chung quanh đó cũng từ trên cầu lao xuống mạnh ai nấy bắt. Mấy ông cậu tôi đứng trên quan sát, cả một khoảng sông vui nhộn hẳn lên. Giao tôi cho cậu Năm trông coi, câu Sáu và cậu Út lao xuống sông. Cậu mất hút dưới làn nước xanh rất lâu,l âu lắm. Khi hai cậu ngoi lên mặt nước, mỗi người trên tay một con cá to. ”Chiến tích” của cậu Sáu là một con cá chép khoảng năm ký (lúc đó tôi thấy con cá đó to lắm), còn trong tay cậu Út một con cá hồng khoảng ba ký màu đỏ rực. Hai con cá vùng vẫy trong hai bàn tay chắc nịch của các cậu tôi.Tối hôm đó cả gia đình tôi ăn món cá hấp.

Đó là những ngày vui, tôi thấy mình an ổn và hạnh phúc giữa những ngưòi thân, giữa những ông cậu to lớn vạm vỡ, cười nói oang oang.

Trong các ông cậu, cậu Út là người thương mẹ và chúng tôi nhất. Trong ký ức xa xăm, tôi vẫn còn nhớ, mùa đông 1964, quê tôi phải hứng chịu một trận lụt lịch sử, đó là trận lụt năm Thìn. Nước lên rất nhanh. Nhà tôi ở một xóm ven sông, gia tài chỉ vỏn vẹn một chiếc ghe bầu (loại ghe chở hàng). Lúc bấy giờ chiếc ghe ấy là cả một tài sản lớn. Chiếc ghe được neo ở bến sông trước nhà. Nước lên nhanh và mạnh quá, chiếc ghe bị dòng nước xoáy giật phăng khỏi sợi giây cột vào một thân cây lớn. Rồi nó bị cuốn trôi xa dần giữa dòng nứơc lũ. Cha mẹ tôi chết điếng, bất lực đứng nhìn tài sản của mình bị nước cuốn trôi. Ngay khi ấy cậu Út đến, cậu cởi phăng áo, lao người theo dòng nước lũ. Cậu nhanh chóng trèo được lên ghe, dùng sào, chống đỡ với dòng nước chảy xiết. Khoảng mươi phút sau, cậu đã cho ghe tấp vào bờ, cách nhà tôi mấy trăm mét.

 Cậu Út là cứu tinh của gia đình tôi, nếu không có cậu thì tài sản nhà tôi mất trắng theo dòng nước.

Rồi cậu vào lính, nhưng để được gần gũi và chăm sóc cho ngoại tôi, cậu đăng ký tham gia vào đơn vị Nghĩa quân. Đơn vị này hình như do ông Nguyễn Vĩnh Liệu xây dựng và chỉ huy. Như mọi người lính khác, cậu Út cũng vẫn đi hành quân trong những chiến dịch tảo thanh những cơ sở của Cộng quân. Công việc chính của cậu là đi cài mìn. Mỗi chiều cậu Út tôi đi cài mìn ở những nơi trọng yếu để đề phòng sự xâm nhập của Việt cộng vào vùng an ninh. Sáng ra cậu lại đi tháo mìn cho dân chúng đi lại.

Cậu thường đến thăm chúng tôi, cứ mỗi lần cậu đến là chúng tôi tha hồ được ăn quà bánh. Khi về cậu nhét vào tay mẹ tôi một ít tiền. Lúc đó nhà tôi cũng đâu có nghèo. Nhà tôi buôn mắm, tiền bạc cũng dồi dào. Thỉnh thoảng tôi thấy cha mẹ tôi đem vàng ra kiểm tra. Rất nhiều vàng lá, vàng khâu, vàng vòng, dây chuyền… Cha tôi biết chuyện cậu Út cho tiền mẹ tôi, ông chỉ cười, nói rằng:

- Cứ nhận để dành đó sau này cưới vợ cho cậu Út.

Tôi có về thăm ngoại và cậu Út ở quê mấy lần. Lúc đó cậu và ngoại chuyển đến thôn 5, xã Kỳ Phú, quận tam Kỳ ,Tỉnh Quảng tín, một vùng cát trắng với những rặng phi lao xanh rờn chập chùng và ngút ngàn hoa sim tím. Tôi đã gặp mợ Út “tương lai”, tôi không nhớ mợ có đẹp không, nhưng mợ rất hiền thục. Những lúc cậu đi hành quân xa, mợ ở nhà thay cậu chăm sóc cho bà ngoại tôi rất chu đáo.

Mọi việc thật tốt đẹp nếu như…
 
Mọi việc thật tốt đẹp nếu như…

Hôm đó tôi vừa tan trường về, thấy mẹ vật vã khóc trên nền đất, đầu tóc rũ rượi, khuôn mặt thất thần. Mẹ cào cấu khắp một vạt đất đến nỗi hai bàn tay toé máu. Tôi hoảng quá, ném sách vở xuống đất, chạy lại ôm mẹ, hai mẹ con khóc nức nở. Tôi chẳng biết việc gì đã xảy ra, tôi khóc vì hoảng hồn khi thấy mẹ đau thương quá.

Cha tôi mời y tá đến tiêm thuốc cho mẹ, để mẹ nghỉ một lát, rồi dìu mẹ xuống ghe, gia đình tôi xuôi theo dòng sông Bàn thạch mà về quê ngoại. Trên đường đi anh tôi nói:

- Cậu Út chết rồi.

Tôi khóc một chút thôi và hình dung ông cậu Út đẹp trai cao lớn, oai vệ và lúc nào cũng mỉm cười, rồi nhớ đến những món quà cậu mua cho anh em tôi vẫn còn đó. Tôi nhớ cái dáng vẻ cậu ngồi nói chuyện với cha mẹ tôi lễ phép, ân cần. Nhưng chỉ một lát sau tôi đã nghĩ sang chuyện khác, tôi lúc đó đang ở vào cái tuổi chỉ biết đùa vui, chẳng biết đau khổ và chết chóc là gì, mọi nỗi đau buồn chỉ thoảng qua tim tôi như cơn gió nhẹ ban mai lướt qua đám cỏ dại trên đồng cỏ hoang. Tôi chú ý nhiều hơn đến khung cảnh thơ mộng ven sông. Hai bên bờ sông, lúa xanh ngắt một màu, những cây bần, cây đứớc đầy chim với những tổ chim treo lủng lẳng. Tôi cứ mãi nghĩ làm sao để bắt chúng đây?!

Chúng tôi về đến nhà ngoại – một ngôi nhà tranh nhỏ xíu nằm giữa một vùng cây cỏ xanh tươi. Tôi thấy ngoại ngồi đó, khuất trong một khoảng tối, ngoại không khóc, chỉ yên lặng như pho tượng. Ngoại không nói gì từ đó cho đến khi ngoại ra đi mấy tháng sau .

Say này lớn lên tôi nghe cha kể lại. Buổi chiều mùa hạ năm 1968, cậu Út đi cài mìn như mọi ngày, công việc quen thuộc nên cậu chủ quan, chỉ một sơ suất nhỏ…, rất nhỏ…, toàn bộ số mìn, lựu đạn treo lủng lẳng trên người cậu nổ tung. Người ta tìm được rất ít những gì còn lại của người thanh niên hai mươi ba tuổi vạm vỡ khoẻ mạnh. Rất may đầu và mặt của cậu còn nguyên vẹn. Chắc ông trời còn thương ngoại và mẹ tôi nên để cho mẹ tôi được nhìn thấy gương mặt cậu lần cuối. Mẹ tôi suy sụp tinh thần từ đó.

Ngày cậu Út chết, các cậu tôi người thì đang lênh đênh ở ngoài biển khơi, người thì hành quân, người thì cắm trại 100%.

Sau 1975, cậu Ba đi lên vùng “kinh tế mới”, u uất và chết trong nghèo đói. Cậu Sáu đi xe ôm, sống vất vả và thiếu thốn. Cậu nghiện rượu rồi chết, cũng trong sự túng bấn trăm bề. Còn cậu Năm là lính quân xa, xưa hào hoa bao nhiêu thì bây giờ sống trong hiu hắt bấy nhiêu.

Mộ cậu Út đã trở nên hoang tàn giữa rừng thông ngút ngàn… Tôi vẫn hay đi viếng mộ cậu, lòng nguyện rằng sẽ làm cho cậu một ngôi mộ mới tươm tất. Nhưng rồi mười năm tù, bốn năm quản chế… cuộc sống khó khăn, ước nguyện đó vẫn còn chưa được thực hiện.

Ngày 19/6, ngày quân lực Việt Nam Cộng hoà, viết những dòng này để tưởng nhớ đến cậu Út tôi, người đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ nền tự do dân chủ… Viết những dòng này để tưởng nhớ đến ngoại tôi, người mẹ Việt Nam một đời gian khổ đã sinh ra cho đất nước bốn người con phục vụ trong quân lực Việt Nam Cộng hoà.

Việt Nam Cộng hoà đã sụp đổ, các cậu tôi là những người thất bại và đã bị lãng quên.

Tất cả thuộc về người chiến thắng.

© Huỳnh Ngọc Tuấn

No comments:

Post a Comment