Wednesday, March 14, 2012

NHỮNG CHÙM TIÊU NON


Bài của PHƯƠNG-DUY TDC

Có những món ăn tuy tầm thường nhưng nằm trong tiềm thức mà ta không biết.
Rồi có một ngày nào đó nó hiện rõ trong óc ta cùng những gì liên quan đến món ăn đó. Món ăn đó cũng không cần phải thuộc loại cao lương mỹ vị hay hiếm quý gì.
<!-- Read more -->

Gần năm mươi năm trôi qua tôi thành hôn. Nhưng gặp lúc chiến tranh rất ác liệt xảy ra trên quê hương. Tôi là một quân nhân đang tại ngũ phục vụ ở một tiền đồn hẻo lánh, xa xôi trên miền rừng núi Thường-Đức  nên sau ba ngày lễ cưới xong, chúng tôi không có tuần lễ đi du lịch xa để hưởng tuần trăng mật như mọi người khác đang sinh sống yên ổn trong những tỉnh thành thanh bình dọc theo quốc lộ 1 hay vùng đồng bằng  gần biển.
Sự sống xa nhau giữa người chồng lính và người vợ công chức dần dần cũng trở nên quen.
Năm khi mười họa được đi phép vài ba ngày hoặc có chuyến đi công tác “xuống núi” bằng phi cơ, ghé nhà thăm người vợ yêu…rồi nghe tiếng phi cơ bay một vòng trên nóc nhà là vội cầm ngay hành trang và vũ khí ra bãi đáp ngay để kịp trở về đơn vị.
Thế là “người yêu của lính,nay là  người bạn đời” lại mong chờ dịp may khác gặp lại người chồng đang hàng ngày, hàng đêm chạm trán với nguy hiểm không biết trước được.
Người thiếu phụ trẻ ở hậu phương, lại phải hàng ngày cầu nguyện và theo dõi tin tức chiến sự nơi tiền đồn người chồng đang phục vụ, giữ gìn an ninh cho đồng bào sinh sống.
Những dịp lễ lớn, những ngày gần Tết và sau Tết là lúc quân địch lợi dụng “đình chiến theo thỏa thuận” nhưng vẫn tìm đủ mọi phương tiện để giết quân dân những nơi lơ là phòng thủ.
Những ngày đặc biệt này, quân nhân phải cấm trại một trăm phần trăm. Không ăn Tết cùng với gia đình.
Thậm chí vợ đã đi đến nhà hộ sinh sinh con cả tháng mà chồng ở tiền đồn vẫn không biết còn gửi thư về hỏi thăm.
 Và người vợ ở hậu phương phải gửi thư xin chồng đặt tên cho đứa con mới sinh nữa.
Đời sống của gia đình quân nhân thời chiến diễn ra như vậy chỉ có vợ chồng thương yêu nhau là chín bỏ làm mười cho qua ngày.
Rồi cũng có lúc may mắn.
Sau một trận quân địch tấn công khu tiền đồn chúng tôi. Trận ác chiến kéo dài hơn mười ngày đêm. Kết cuộc, chúng tôi thắng trận, giữ vững tiền đồn và phần lãnh thổ có dân sinh sống.
 Được ân thưởng huy chương và được tuyên dương công trạng kèm theo  những ngày phép.
 Có chuyến phi cơ chở đạn dược vũ khí và tiếp liệu cho tiền đồn, tôi theo phi cơ, hạ sơn về Đà Nẵng chờ đi phép đặc biệt.
Thế là tôi nghĩ ngay đến “tuần lễ trăng mật” chưa được hưởng như mọi người.
Vét hết số tiền tiết kiệm đã gửi ngân hàng Việt Nam thương tín, mua vé máy bay phản lực  Hàng-Không Việt-Nam cho nửa cái mình kia cùng mình làm một chuyến đi chơi thủ đô Sài gòn.
Đối với tôi, tôi có nhiều dịp sống ở thủ đô nhiều năm, còn nàng của tôi, sinh ra tại Hà Nội, 1954 di cư vào miền Trung. Phải tuổi học sinh nên chưa có dịp đi xa.
Nàng rất vui khi nghe tôi trình bày kế hoạch “Tuần trăng mật tại Saigon ” mà từ lâu, khi vừa cưới nàng, tôi đã “tưởng tượng” ra và tìm cơ hội để thi hành. Nay là đúng dịp tốt nhất.

 2-Những ngày tôi đã sống tại thủ đô lúc trẻ, tiếp theo những ngày vào thụ huấn sĩ quan tại Liên trường võ khoa Thủ Đức được đi phép dạo phố Sài gòn hàng tuần nên tôi cũng được “xếp hạng thổ địa về những nhà hàng ăn ngon tại Sài gòn Chợ lớn”
Đây là dịp tôi chiêu đãi người đẹp của tôi trong tuần lễ trăng mật muộn.
Đi xem ciné tại rạp REX, ngồi POLE NORD ăn kem, uống cà phê. Ghé Brodard, Thanh Thế ăn sáng. Đến nhà hàng TÀI NAM ăn tối.
Từ xưa, tôi thích ăn tối ở nhà hàng của người  tàu mang tên Tài Nam (chữ hán ghi Đại Nam) vừa có thức ăn nấu ngon mà lại mang tên “nước Nam vĩ đại” nữa.
Món “tiêu tươi nguyên cành dầm dấm” ăn với món “bíp-tec” đặt trong dĩa bằng gang nóng hổi và bay mùi bơ thơm lừng khiến dịch vị thực khách “chưa ăn mà đã thấy ngon!”
Không ngờ “người yêu của lính” tháp tùng tôi cũng thích món “tiêu non dầm dấm” này. Nàng bảo: thơm mùi tiêu, có chua chua, hơi cay cay, ngon và lạ!

3- Rồi nhiều năm sau, nàng lại có dịp tháp tùng với tôi đi công tác một quận lỵ hẻo lánh:  quân Tiên Phước (miền núi của tỉnh Quảng Tín) nhìn tận mắt những cây tiêu và những dây tiêu tươi non leo trên cây.
Chúng tôi hỏi mua một ít để đem về thành phố dầm dấm ăn  nhớ lại kỷ niệm tuần trăng mật muộn tại thủ đô Sài gòn năm xưa.
Rồi vì nhiều công việc lo cuộc sống xảy ra sau 1975, chúng tôi không còn nhớ món “tiêu non dầm dấm”này.
Tôi đi tù cải tạo. Nàng đi buôn bán nuôi con, tiếp tế cho chồng.
 Rồi theo chương trinh H.O di cư sang Hoa Kỳ năm 1991.
Ngày mồng sáu Tết Nhâm Thìn, sau khi đi dự lễ chào cờ đầu năm do cộng đồng người Việt tại Bắc Cali tổ chức tại tiền đình quận hạt Santa Clara, ra về, hơi đói bụng.
Tôi ghé nhà hàng “HOI-AN BISTRO” mới khai trương trong vòng một hai tháng trước.
Nhìn thực đơn, tôi chọn món “đuôi bò nấu rượu vang” để “khai vị đầu năm” vì trong những ngày vui Tết toàn ăn bánh chưng, bánh tét, thịt gà… hơi ớn “đồ nhà” nên hôm nay mới Mồng sáu (còn mồng là còn ăn Tết!) khai vị “ăn hàng” (tôi không dám “ăn phở” sợ xui cả năm bị hiểu lầm là “mê PHỞ hơn CƠM” như nhiều người bạn tôi hay cổ vũ!
Ngồi tại nhà hàng, trong khi chờ thức ăn đem ra, tôi nhìn tấm ảnh chụp CHÙA CẦU NHẬT BẢN tại phố cổ rất to lớn mà nghĩ “lại thêm một Tết xa quê hương”.
Nhìn dĩa thức ăn vừa bưng ra còn bốc khói, thơm mùi bò nấu rượu vang, mắt tôi nhìn thấy giữa dĩa thức ăn MỘT CHÙM TIÊU NON DẦM DẤM như gặp lại“cố nhân”.
Một chuỗi hình ảnh và kỷ niệm từ lâu nằm sâu trong đầu bỗng hiện ra.
Tôi không dám ăn ngay chùm tiêu non mà tôi thích vì chỉ có một chùm nho nhỏ… phải để đến khi vét dĩa bằng mẩu bánh mì cuối cùng mới nhẩn nha thưởng thức cành tiêu non chua chua, cay cay này.
Tôi sẽ đưa con cháu và “nửa cái mình kia của tôi” ghé HỘI-AN BISTRO để cùng chung vui với tôi khi “khám phá đặc sản” này!

PHƯƠNG-DUY TDC
1/2012

No comments:

Post a Comment