Sunday, February 20, 2011

Quảng Nam, Quê Hương Tôi

Duy An Đông
Tôi là người Việt Nam, quê hương tôi là đất nước Việt Nam. Người Việt Nam tự hào đất nước mình có hơn bốn ngàn năm văn hiến, có rừng vàng biển bạc, có bà mẹ Âu Cơ, có con cháu trải khắp nước từ Tây Nguyên giáp Lào, Campuchia chạy xuống đồng bằng ra biển Đông đến Hoàng Sa và Trường Sa. Phía bắc từ Ải Nam Quan thông vào Nam đến mũi Cà Mau.<!-- Read more -->
Đất nước tôi thời đại nào cũng có những anh hùng dựng nước và giữ nước: Vua Hùng dựng nước, Nhị Trưng đánh đuổi Tô Định xưng Vương, đức Trần Hưng Đạo đánh bại quân Nguyên, Lê Lợi đánh gục quân Minh, QuangTrung đại thắng quân Thanh; Nguyễn Tri Phương, Pham Thế Hiển đánh quân Pháp ở Gia Định, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, đánh Pháp ở Bắc Kỳ. Trần Văn Dư, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Thành, Trần Quí Cáp  đánh Pháp ở Trung Kỳ . Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tường Tam, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Học và còn nhiều chí sĩ nữa... đã có công đánh đuổi quân phương Bắc và ngoại xâm với nhiều hình thức khác nhau, mục đích giành độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam.
 Thời nhà Nguyễn có công mở mang và xây dựng đất nước, nhưng cũng có lúc không khéo hành xử trong việc ngoại giao, Triều Đình bế quan toả cảng, cấm đạo, giết giáo sĩ đã làm cho Pháp và I Pha Nho có lý do tấn công Đà Nẵng, Nam Kỳ, Bắc Kỳ rồi từng bước mất nước. Qua Hoà ước Quí mùi 1883 rồi hoà ước Giáp Thân 1884 Triều đình Huế chỉ còn giữ cái hư vị mà thôi, khi Triều đình thấm đòn đắng cay thì sự đã rồi. Có lúc đại thần Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Hiệp được thông sứ nước ngoài, các ông ấy nhìn thấy các nước họ duy tân, đất nước họ thịnh vượng, hai ông này mang ý kiến tấu trình nhà Vua, nhưng nhà Vua bảo thủ, thiếu quyết đoán, mang vấn đề ra hỏi triều thần. Các quan trongTriều Đình phần đông muốn làm vừa lòng nhà Vua để bổng lộc mình được an toàn, một số có lương tâm vì quốc gia dân tộc, nhưng cũng còn vướng phần cá nhân, ngại canh tân cái ghế của mình có thể sẽ bi lung lay, nên không dám mạnh tay ủng hộ.  
Triều nhà Nguyễn đặc biệt có Vua Hàm Nghi và Duy Tân đáng đề cập; là Thiên Tử quyền uy tột đỉnh, nhưng thực tế nhà Vua không còn quyền; hon nữa nhà Vua không vì mình, các Ngài nhìn dân tình khổ cực, đất nước điêu linh bị chia năm xẻ bảy, sáu tỉnh Nam Kỳ là thuộc địa Pháp có viên Thống Đốc Pháp trông coi, Trung -  Bắc Kỳ chấp nhận Pháp bảo hộ. Triều Đình Việt Nam ta còn, nhưng thực quyền thì không còn bởi Trung Kỳ có viên Khâm Sứ, Bắc Kỳ có viên Thống Sứ, Toàn Quốc có viên Tổng Đốc toàn quyền Pháp bảo hộ điều khiển. Năm 1888 bất đắc dĩ Triều Đình ta phải ký nhượng địa cho Pháp Thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng; từ đây chính trị, kinh tế, xã hội ba thành phố này không thuộc về nước Nam ta nữa. Chính những sự chèn ép và bất công trên, đêm 5 rạng ngày 6-5-1885 Vua Hàm Nghi cùng đại thần Tôn Thất Thuyết và Trần Văn Dư  lãnh đạo cuộc khởi nghiã, tấn công Toà Khâm s và đồn Mang Cá của Pháp ở Huế. Còn Vua Duy Tân cùng chi sĩ Trần Cao Vân, Thái Phiên …thực hiện mưu đồ việc lớn chống Pháp vào đêm 3 rạng ngày 4-5-1916 nhưng bị  thất bại; đó là hai vị Vua anh hùng cách mạng được người đời luôn ghi nhớ và kính phục.
Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Vua Hàm Nghi cùng với đại thần Tôn Thất Thuyết  tại Huế năm 1885 bị thất bại, Ngài phải xuất bôn, dừng chân làng Văn Xá, Quảng Trị, rồi ngày 13-7-1885 Vua hịch Cần Vương kêu gọi các sĩ phu, hào kiệt, các tầng lớp dân chúng đứng lên chống thưc dân Pháp. Các sĩ phu và đồng bào yêu nước hưởng ứng nơi nơi như nhóm Phan đinh Phùng đảng Văn Thân chống Pháp, Hoàng Hoa Thám một tay kiệt liệt của phong trào Cần Vương, chí sĩ Phan Bội Châu tổ chức đội Nghĩa Quân dưới hiệu cờ” Sĩ Tử Cần Vương “và lập Việt Nam Quang Phục Hội ở Quảng Nam cùng với Nguyễn Thành, cụ Phan Chu Trinh vụ “Đông Kinh Nghiã Thục”,  thủ xướng  “dân quyền” và liên hệ với các chí sĩ ở Quảng Nam như Trần Cao Vân, Trần Qui Cáp, Trần văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu vv.. tiếp tục vạch đường cứu nước. 
Đơn cử Tiến sĩ Trần Văn Dư quê Tam Kỳ, Quảng Nam, ông là công thần của Triều Đình nhà Nguyễn khi biết Vua Hàm Nghi có tư tưởng chống chế độ cai trị của thưc dân Pháp, Tiến sĩ Dư hưởng ứng và là đảng trưởng các đại thần và do Phụ Chánh Đại thần Tôn Thất Thuyết  trong triều đình tổ chức lãnh đạo; Đại thần Tôn Thất Thuyết  đã có mật thư đến từng nhà các khoa bảng có tâm huyết trong đảng này ở các địa phương và giao nhiệm vụ họ hoạt động theo kế hoạch. Phụ Chánh Tôn Thất Thuyết cũng đã mật bàn với tiến sĩ Trân Văn Dư đưa ông về giữ chức Chánh sứ Sơn Phòng Quảng Nam để tiện lập căn cứ ở Tả Ky chuẩn bị chống Pháp. Sau đó Vua Hàm Nghi đã ra chỉ dụ quyết định ông quản lãnh Nha Sơn Phòng Dương Yên tại Huyện Trà My, nơi miền núi eo hiểm dễ lập chiến Khu, ông đã hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ mới. Ông đã lo xong việc lập chiến khu, tuyển mộ và luyện tập Nghiã Quân ứng chiến. Cuộc khởi nghĩa ở Huế thất bại, Vua ban hịch Cần Vương ở Quảng Trị, Chánh sứ Sơn Phòng Quảng Nam liền ra bản cáo thị vận động toàn thể sĩ phu cùng toàn dân Tỉnh Quảng Nam và các nơi nhất tề tham gia phong trào Nghĩa Hội, gia nhập Nghiã Quân, tập họp lực lượng, xây dựng căn cứ tiến tới khởi nghĩa đánh đuổi thực dân bảo vệ Triều Đình, giành lại độc lập cho đất nước. Bản Cáo Thị của tiến sĩ Trần Văn Dư được các sĩ phu, hào kiệt hưởng ứng tham gia khắp các tỉnh ở Trung Kỳ như  Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận đều noi theo và nổi lên, mạnh nhất là ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An ở đâu cũng có thân hào nhân sĩ lãnh đạo phong trào, xướng lên việc Cần Vương. Vì thế quân Pháp chia binh chống giữ vất vả.
Về phần Vua Duy Tân chủ trương khởi nghiã không thành, nhà Vua bị lưu đày nơi Đảo Réunion tận bên Phi Châu, còn các yếu nhân như nhà cách mạng Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu đồng mưu với nhà Vua xuất cung đêm 3 rạng ngày 4-5-1916, thì bị xử tử hình. Cuộc khởi nghĩa thất bại do Võ An ở Quảng Ngãi, vì tình cảm riêng tư với người em ruột là Võ Huệ, Võ An đã vô tình làm lộ bí mật công việc khổi nghĩa của Vua Duy Tân, quan Án Sát Quảng Ngãi nghe phong thanh cho điều tra biết sự thật, do đó viên Khâm Sứ ở Huế đã hạ lệnh theo dõi đề phòng nên chủ trương của Đảng cách mạng không thành, Hoàng Đế Duy Tân và các chí sĩ tháp tùng bị bắt. Ở Quảng Ngãi có một số người bị khốn khổ lây như ông Tú Ngung, Cử Suy cùng một số đồng chí khác, ở Quảng Nam liên lụy như cụ Phan Thành Tài, Lê Đình Dương và nhiều chí sĩ nữa, ở Quảng Trị ông Khoá Bảo cũng bị vướng lây.. Tuy vậy, phong trào Duy Tân vẫn được quần chúng hưởng ứng khắp các Tỉnh miền Trung, mạnh nhất  là ở Quảng Nam và Quảng Ngãi dưới sự chỉ đạo của chí  sĩ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quí Cáp, Trần Văn Dư đã làm cho Pháp lo sợ ngày đêm.
Vit nam trải qua nhiều thời kỳ quá khó khăn, gay cấn như trên đã trình bày, có lúc tưởng chừng dễ bị xóa tên trên bản đồ. Thời đại nào cũng có kẻ chỉ biết vinh thân phì gia, không nghĩ vì lợi ích chung của nước nhà, trong khi đó cũng có nhiều vị anh tài yêu nước, cứu nước, dựng nước một cách hào hùng nên đất nước ta vẫn tồn tại, được phát triển và toàn vẹn lãnh thổ. Những vị anh hùng ấy được Tổ Quốc ghi ơn, Các thế hệ con cháu chúng ta noi gương tiền nhân, vì lợi ích quốc gia mà bảo toàn lãnh thổ và giữ vững chủ quyền đất nước. 
Trên đây là vài nét đại cương về đất nước rộng lớn, tôi không dám đi sâu vào chi tiết. Dưới đây người viết xin nói về “Quê Tôi”, nơi chôn nhau cắt rún trong phạm vi nhỏ hẹp: Quảng Nam Đà Nẵng.
Người Quảng Nam Đà Nẵng cũng tự hào về nơi “Địa Linh Nhân Kiệt”, người dân hiền hoà, hiếu học, yêu nước và cũng là nơi có lò cách mạng mạnh nhất ở miền Trung, như  tiến sĩ Trần Văn Dư là công thần của Triều Đình đã vâng lệnh Vua Hàm Nghi hăng hái về nhận chức Chánh Sứ Sơn Phòng Quảng Nam để lập căn cứ kháng chiến chống Pháp, cụ đã lập căn cứ, tuyển mộ và huấn luyện nghiã quân, chờ ngày khởi nghĩa; Chí sĩ Trần Cao Vân cùng Thái Phiên chủ chốt đưa Vua Duy Tân xuất cung lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 1916. Quảng Nam cũng có lắm anh tài có công bảo vệ xây dựng giang sơn với nhiều hình thức khác nhau như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh,Trần Quí Cáp, Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Thành, Nguyễn Tường Tam v.v. mỗi nhà  cách mạng có một đường lối chống Pháp. Đặc biệt tiến sĩ Trần Văn Dư sau khi nghe Vua Hàm Nghi ban hịch Cần Vương cụ liền ra Cáo Tri. Dưới cùng bản Cáo Tri cụ ghi: “Hàm Nghi nguyên niên, ngày 22 tháng 7 năm Ất dậu (31-8-1885), Quảng Nam Đệ Nhất Sơn Phòng Nha Kiêm Đệ Nhị Viên Tướng-  Chánh Sứ Thần Trần Văn Dư”.
Lời Cáo Tri của Trần Văn Dư đã có tác động rất lớn trong giới sĩ phu, các tầng lớp dân chúng từ Quảng Nam đến Khánh Hoà và từ Thừa Thiên ra đến Quảng Bình, Quảng Trị và Trần Văn Dư trở thành thủ xướng của phong trào Nghiã Hội Quảng Nam, một công lao to lớn của nhà khoa bảng nơi Tỉnh nhà.
Vua Hàm Nghi xuất bôn, Pháp đưa vua Đồng Khánh lên ngôi, thực hiện đường lối chủ hoà với Pháp. Năm Bính Tuất 1886 vua Đồng Khánh tuần du Quảng Trị để cố dụ vua Hàm Nghi trở về đầu hàng Pháp nhưng không thành. Phần triều đình cũng lo ngại sự hoạt động chống Pháp của Chánh Sứ Sơn Phòng Quảng Nam ông Trân Văn Dư. Nếu để ông giữ chức vụ này là điều bất lợi cho đường lối chủ hoà của Triều Đình. Hoàng Thái Hậu Từ Dũ đã hai lần đến Quảng Nam chiêu dụ ông về Kinh, nhưng ông không chịu về. Sau lần thứ 3 Hoàng Thái Hậu Tù Dũ ra chỉ dụ điều phó bảng Nguyễn Đình Tựu người cùng quê thay thế ông và rút ông đi nhận chức Bố Chánh Tỉnh Bình Thuận. Lúc đầu ông không chịu nhưng sau ông nghĩ lại cũng khó cho người đồng quê ông giao lại chức Chánh Sứ Sơn Phòng Quảng Nam cho ông Tựu và ông không đi Bình Thuận. Ông đứng ra tổ chức một cuộc họp bí mật của các nhà khoa bảng và thân hào trong Tỉnh để thành lập đảng Cần Vương, xây dựng Nghiã Hội Quảng Nam. Các chí sĩ trong cuộc họp đã đồng bầu Tiến sĩ Trần Văn Dư làm chủ tướng. Như vậy Trần Văn Dư thành chủ xướng và là chủ soái đầu tiên của Phong trào Nghĩa Hội Quảng nam giữa năm 1885.
           Đánh Tỉnh Thành Quảng Nam: Chủ tướngTrần văn Dư chỉ huy 1,000 quân, ông Nguyễn Thành là tuỳ tướng của ông Dư, ông Nguyễn Duy Hiệu dẫn một cánh quân khác gồm 800 Nghiã quân đến đóng phía Bác Vĩnh Điện, Điện Bàn; ông Phan Bá Phiến cùng ông Hồ Hợi cũng đưa 700 Nghĩa Quân đến đóng vùng Bàn An, Điện Bàn. Ngày 6-9-1885, ba cánh quân Nghiã Hội phối hợp tiến thẳng đến La Qua đánh chiếm Tỉnh Thành Quảng Nam một cách quyết liệt. Quân trong Thành chống cự không nổi, Tuần Vũ Nguyễn Ngoạn, Bố Chánh Bùi Tấn Tiên và Án Sát Hà Thúc Quán cho quân mở đường để thoát thân. Sau khi chiếm được thành, các thủ lĩnh kêu gọi binh lính Triều Đình gia nhập Nghiã Quân, một số lớn họ đã nghe theo. Thủ lĩnh Trần Văn Dư hạ lệnh mở kho thóc phát chẩn cho đồng bào nghèo đói chung quanh vùng Vĩnh Điện. Bộ máy cai trị phủ, huyện đến tổng ở Quảng Nam đều do sĩ phu thân hào nắm giữ, trật tự an ninh được bảo đảm. Tỉnh thành ở La Qua bị chiếm giữ, quân Pháp ở Đà Nẵng không dám vào, lúng túng một thời gian, họ chỉ vào sau khi Nghĩa Quân rút đi vào cuối tháng 9-1885.
           Cụ Trần văn Dư lãnh đạo phong trào Cần Vương một thời làm cho Triều Đình khó khăn và thực dân Pháp phải nể sợ.
Cụ Phan Bội Châu từ Quảng Tri vào gặp các sĩ phu Quảng Nam để trao đổi đường lối cưú nước. Tuy đường lối cứu nước có khác nhau như cụ Phan Bội Châu chủ trương duy tân, đấu tranh bạo lực, dành độc lập canh tân đất nước, cụ Phan Châu Trinh chủ trương đấu tranh ôn hoà, đòi Pháp thay đổi đường lối cai trị. Tuy đường lối có khác nhau nhưng mỗi người đều tôn trọng ý tưởng riêng và giúp nhau vì lợi ích nước nhà. Còn nhiều chí sĩ khác góp phần xây dựng quê hương cũng với nhiều hình thức khác nhau. Vào triều đại này cũng có lắm công thần đã có công với đất nước.
            Người dân xứ Quảng tự hào về danh hiệu “Ngũ Phụng Tề Phi’ được Vua Thành Thái ban cho khi năm học giả Quảng Nam được ghi danh bảng vàng trong khoa thi Đình năm Mậu Tuất 1898, gồm các ông: Pham Tuấn, Phạm Liệu, Phan Quang, Ngô Chuân và Dương Tiến. “Ngũ Phụng Tề Phi” biểu tượng sự hiếu học và thành đạt của người dân xứ Quảng.
Ngoài danh hiệu “Ngũ Phụng Tề Phi” Tỉnh Quảng Nam  còn có các danh nhân được dân chúng tôn vinh là Tứ hùng, Tứ hổ và Tam kiệt.
- Tứ hùng: là 4 vị nho sĩ Quảng Nam cùng đỗ cử nhân hàng đầu từ số 1 đến số 4 tại trường thi Hương ở Thừa Thiên năm Canh Tỵ 1900 đó là các ông Huỳnh Thúc Kháng đỗ thủ khoa 1/42, ông Nguyễn Đình Hiến, vị thứ 2/42, ông Phan Châu Trinh, vị thứ 3/42 và ông Lê Bá Trình vị thứ 4/42.
- Tứ Hổ: Cũng có 4 vị nho sĩ Quảng Nam cùng đỗ Phó Bảng một lần trong khoa thi Hội năm Tân Sửu 1901, đó là Ô Nguyễn Đinh Hiến, Võ Vỹ, Nguyễn Mậu Hoán và Phan Châu Trinh.
- Tam kiệt:  có 3 vị sống cùng thời mà đỗ Thủ Khoa trong 3 kỳ thi Hương liên tiếp như sau: Ông Phạm Liệu đỗ Thủ Khoa trong năm 1894, ông Huỳnh Thúc Kháng năm 1900 và ông Võ Hoành năm 1903.
Ngoài ra, Quảng Nam còn vinh hạnh được danh hiệu “Ngũ Tử Đăng Khoa” dưới triều Vua Tự Đức cho gia đình ông Nguyễn Công Duệ (tước Đô Sát Viện Hữu Phó Đô Ngự Sử) sinh hạ được 8 người con (5 trai 3 gái). Cả 5 anh em đều đỗ Cử nhân và Tú tài, đã trở thành những nhà giáo mẫu mực, và như thế có công đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Nhà Vua ban tặng tấm gương bằng đồng có khắc bốn chữ Hán “Ngũ Tử Đăng Khoa”. Hiện vật này thất lạc bởi chiến tranh, được tìm thấy vào năm 1958 và đang trưng bày tại Viện Bảo Tàng Sàigòn.
Sự hiếu học của người dân xứ Quảng rõ nét và thư sinh xứ Quảng cũng hào hoa, cũng biết thưởng thức nhan sắc đậm đà, có trái tim yêu rung động chân thành, đầy tình cảm, cho nên dân gian có câu:
“Học trò xứ Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành.”
Bao nhiêu thư sinh xứ Quảng đắm đuối “chiếc nón bài thơ” xứ Huế, đắm đuối cái giọng the thé ngọt ngào của các cô nữ sinh Trung, Đại Học nơi sông Hương, núi Ngự rồi trồng cây si. Khi đỗ đạt rồi “rù rì thêm” và được lập nghiệp ngay tại Thành Đô Huê. -Rồi cũng có những cô gái Huế say mê các thư sinh xứ Quảng hiền hoà, hiếu hoc mà theo cho bằng được để rồi “lọng anh đi trước võng nàng theo sau” vê sống đầm ấm nơi thị thành Đà Nẵng - Hội An và các Quận Huyện nơi Tỉnh nhà khi được bổ nhiệm công tác hay khi về hưu gởi gắm cuộc đời nơi quê chồng, họ hàng tôi cũng có mấy ông cưu mang che chở, cho nên có câu: 
“Học trò xừ Quảng ra thi / Mấy cô gái Huế bỏ đi không đành.”
Bên cạnh người con trai Quảng Nam hiếu học, tài hoa đa tình, say mê người con gái xứ lạ, thì cũng có những người con gái xứ Quảng nhan sắc mặn mà, có học thức, từng có lời trao qua đổi lại chân thật, từng có tiếng hát du dương êm ái dễ thương, nên có lắm chàng trai xứ lạ thiết tha và kết nghĩa trăm năm. Nhiều cô ra học tại Huế rồi bị chôn chân nơi này, cũng có lắm cô vào học ở Sàigòn rồi theo tiếng gọi con tim quên về nơi chốn cũ. Đặc biệt, người “con gái hái dâu họ Đoàn” bên bờ hữu ngạn sông Thu, con gái của Đoàn Công Nhạn, được Hoàng Tử Nguyễn Phước Lan du thuyền cùng thân phụ là Thụy Quận Công rong chơi trên sông Thu Bồn đã lắng nghe tiếng hát véo von, mộc mạc của nàng  bên bờ sông vọng lại làm Hoàng Tử Phước Lan để ý:
     Vua cha đi ngự thuyền rồng/ Cảm thương phận thiếp má hồng bơ vơ.
Hay câu:
     Thuyền rồng gác phượng đâu đâu/ Cảm thương phận thiếp hái dâu một mình.
Hoăc:
     Tai nghe chúa ngự thuyền rồng/ Cảm thương phận thiếp lén trông chút nào!
Cảm thương, Hoàng tử Phước Lan cho người tìm kiếm, đến gặp và trò chuyện, quen thân rồi say đắm. Nàng được rước về cung, sau cùng trở thành Hoàng Hậu khi Hoàng Tử Nguyễn Phước Lan lên ngôi Chúa Thượng và rồi thành Hiếu Chiêu Hoàng Hậu, mẹ của Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần. - Mộ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu (tục gọi Đoàn Quí Phi) được táng tại Chiêm Sơn, Duy Xuyên.
Giọng nói của người con gái xứ Huế thì ngọt ngào, mềm mỏng, dễ thương; còn giọng nói của người Quảng thì cứng cỏi, chững chạc mà chân thật. Nhưng mỗi nơi có một vẻ đặc biệt dễ mến, nên hai con người hai xứ liền nhau có phần dễ chia xẻ ngọt bùi, dễ cảm thông lối đi trong xã hội. Có một số từ ngữ địa phương giống nhau như “răng rứa” có nghĩa là “sao vậy” hay “mô tê” có nghĩa là “ở đâu” hay  là ở “kia kià”.Có số người miền trên dùng tiếng “nẫu” nghĩa là “họ, chúng nó”, thì ở Thưà Thiên, Huế có số làng quê họ cũng dùng tiếng “nẫu” tương tự và dễ thương:
Nẫu ở mô tui trông hoài chẳng thấy/ Ở đàng tê nẫu có thấy tui không?
hoặc nói lên sự nhạy cảm của người Quảng Nam Đà Nẵng:
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say”
Câu ca dao xứ Quảng hay hay, người dân quê ca hát hằng ngày lúc ở bãi dâu, khi trên khung cửi. Người ngay thẳng thật thà ai cũng thương; người ăn nói mặn mà ai cũng mến, cho nên mới có hai câu ca dao dân gian sau đây:
Người Quảng Nam ái tình trong sáng/ Khi đã thương ai cản cũng thương
Cho nên bao kẻ vui vẻ được đưa đi và cũng có bao người được ruớc về “đáp lễ”.
- Người Quảng Nam cũng nhận được danh hiệu “Vua Cãi”. Cãi đây không phải cãi bưà cãi bướng mà cãi để tìm ra lẽ phải và luôn luôn thẳng thừng, chân thật.
- Người Quảng không phải ai nói cũng nghe, không khom lưng nịnh trên để có miếng đỉnh chung, không co giò đạp dưới để tiến nhanh trên đường danh lợi. Nói ngay nói thẳng. Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông Nguyễn Tường Tam tham gia làm Bộ trưởng trong Chính phủ Liên Hiệp của Hồ Chi Minh thời kháng chiến chống Pháp, nhưng bất đồng chính kiến, ông tìm đường ra đi không cộng tác. Khi vào miền Nam dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông không cộng tác và thẳng thừng bày tỏ quan điểm của mình. Ông bị tù và bị đưa ra Toà xét xử; ông đã tự tử và để lại bức thư trong đó có ý: Đời ông không muốn để ai xét xử, mà hãy để cho lịch sử xét xử …
Cụ Phan Khôi, nhà cách mạng và cũng là tay văn học lỗi lạc hồi tiền bán thế kỷ 20 đỗ Tú tài Hán học năm 1915, lúc 29 tuổi, nhưng sớm chịu ảnh hưởng của những nhà cách mạng như Trần Quí Cáp, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… ông tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và viết báo cho “Đăng- cổ Tùng- báo” do phong trào này xuất bản. Khi tờ báo bị cấm ông về Quảng Nam hoạt động cho phong trào Văn Thân cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng, rồi ông bi tù tại nhà lao Quảng Nam.. Ra tù, ông vào Nam dạy học và viết tiểu thuyết. Sau 1945 ông được mời ra Hà Nội rồi đưa lên chiến khu dịch sách. Vì tính ngay thẳng và không tán thành chính sách của Việt Minh, từ 1951 ông viết báo chỉ trích chế độ miền Bắc. Ông mất tại Hà nội năm 1959. Phan Khôi là người đã khởi xướng phong trào thơ mới. Năm 1932, ngoài các bài viết cổ vũ, ông đã làm bài thơ “Tình Già” và đăng trên tờ “Phụ Nữ Tân Văn” gây nên những cuộc tranh luận sôi nổi: Tình Già: “Hai mươi bốn năm xưa/ Một đêm vưà gió lại vưà mưa/ Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ/ Đôi mái đầu xanh kề nhau than thở/“Ôi! Đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng/ Mà lấy nhau hẳn là không đặng/ Để đến nỗi tình trước phụ sau/ Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!...”
- Cụ Phan Ngô tham dự cuộc họp báo của Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ trong thời Đệ Nhị Cộng Hoà, Tướng Nguyễn Cao Kỳ giải đáp thắc mắc của cụ Ngô và chêm vào câu sau cùng  có ý giễu tiếng Quảng cho vui, nhưng không ngờ cụ Phan Ngô sau đó đã phản đối trên báo chi, ông cho rằng đuà giỡn với tính cách cá nhân lúc bình thường thì không sao, nhưng trong cương vị một Thủ tướng Chính phủ khi đang họp báo trước mọi người thì không chấp nhận được và sau đó Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ phải xin lỗi. 
 - Quê tôi có ông Cửu Cọi, đã có những cái chống đối quan Phủ Nguyễn Sĩ Túc  ở Duy Xuyên thời Vua Bảo Đại như việc xâu thuế, việc bắt lính nạp cho Tây; và thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm ông “sửa khéo” quan Quận Trưởng Duy Xuyên. Tôi nghe ông Cậu tôi kể như sau: Một hôm ông Quận cho người đến nhà mời ông Cọi đến Quận đường để ông Quân có việc cần bàn. Biết ông Quận này không vưà, nịnh trên đạp dưới, ông Cọi mặc chiếc áo dài đen, đầu quấn khăn nhiễu, chân mang guốc sơn đàng hoàng, nhưng ông mặc “quần xà lỏn” không  mặc quần dài. Khi vào văn phòng quan Quận, ông chào quan Quận đàng hoàng. quan Quận nhìn thấy ông không mặc quần dài, biết ông Cửu chơi mình (Cửu phẩm do nhà Vua ban tặng người có công), ông Quận điềm nhiên, nhẹ nhàng nói:
“Cảm ơn ông Cửu, mờì ông Cửu ngồi dùng nước rồi chúng ta trao đổi đôi việc cần có liên quan đến địa phương ta. Ông Quận nói tiếp: Cảm ơn ông Cửu công việc đa đoan mà cũng vội đến ngay với y phục chỉnh tề nhưng ông quên mặc quần dài.
 Ông Cọi cúi xuống nhìn, tỏ vẻ ngạc nhiên, lo lắng và đáp:
- “Dạ.,. xin lỗi ông Quận, có lệnh trên đòi, tôi đang công tác đồng áng vội vàng về lo thay y phục chỉnh tề, nhưng chỉ “chu đáo bề trên” mà lại quên, “thiếu sót bề dưới”, xin ông Quận thông cảm..
Quan Quận hiểu ý đáp: Không có chi, và ông đưa ra số việc cần bàn về địa phương.
Tôi kể mấy chuyện tiêu biểu này để chứng minh người Quảng Nam chân chất, thật thà, người trên biết việc hiểu ý thì đựợc cộng tác chân thành, góp phần xây dựng quê hương, mà bề trên chỉ dùng quyền lực sai khiến những điều không đúng thì họ lui về nhà nhâm nhí trà rượu, nghĩ chuyện đời bày kế chế giễu như ông Cọi ở Duy Xuyên hay ông Tú Quì ở Đại Lộc v.v.
Nói đến quê hương Quảng Nam Đà Nẵng là nói đến nơi có nhiều danh lam thắng cảnh như:
Phố cổ Hội An, khách đến Quảng Nam Đà Nẵng, vào thăm thành phố cổ này vẫn có một khu còn duy trì được các ngôi nhà cũ kỹ; bên trong nhà có cột, kèo, xuyên, tránh, rui, mè toàn bằng gỗ quí, tường xây bằng gạch đất nung, lợp ngói âm dương, đường sá thì nhỏ hẹp, từng lớp rêu xanh bu loang lỗ trên bức tường xây, hay bu quanh trên các vồng của mái ngói cong lâu đời. Tuy trên ba bốn trăm năm rồi mà thành phố vẫn duy trì thành tích cổ và người dân theo nếp sống xưa, họ hiền hoà, lề lối sinh hoạt rất dễ mến, khách dễ có cảm tình và có cảm nghĩ đẹp. Đến đây khách nhớ dùng món ăn cao lầu ông Cảnh, chè bắp Cẩm Nam, đặc sản nhà hàng nổi cầu An Hội và La Nghi, mua lồng đèn phố Hộị và nhớ tắm biển Cửa Đại Hội An, có thể nói đây là bãi biển đẹp đẽ, sạch sẽ nhất nước, mùa Hè ngâm mình trong vùng  nước trong xanh mát mẻ, muà Thu có những ngày trời lạnh mà lòng nước lại ấm áp làm “ấm lòng” người bơi lội. Khách có thể đến thăm khu Thánh Điạ Mỹ Sơn ở Duy Xuyên và Cù Lao Chàm cách thành phố khoảng hơn 20 km để nhìn cảnh đẹp và ngắm chim Yến lượn quanh nơi khung trời xanh biển biếc, sau đó mời quí vị về lại phố cổ chiêm ngưỡng cảnh nhộn nhịp của “Đêm Rằm Phố Hội” nơi bờ sông Bạch Đằng đông nghẹt người, nhìn du khách thích thú trên những chiếc thuyền con đang lững lờ trôi nơi giòng nước và họ đuà giỡn với những chiếc lồng đèn nhỏ đang trôi nhấp nhô trên sông Hoài. Còn những thắng cảnh khác nữa như Chùa Câu, chùa Phước Kiến, chuà Ông v.v..  
Khách thăm Ngũ Hành Sơn thuộc thành phố Đà Nẵng sẽ vô cùng thích thú trước quang cảnh:
Mặt trời rọi chiếu Ngũ Hành Sơn/ Năm ngọn nhấp nhô sóng nước vờn
Lượn lách từng người lên đến đỉnh/ Nhìn quanh tuyệt đẹp dãy giang sơn.
Đến thăm khu du lịch núi Bà Nà – Suối Mơ, có nhiều thắng cảnh thiên nhiên cũng thích thú không kém, đến đỉnh núi Bà Nà-Suối mơ ban đêm nhìn xuống biển, toàn vùng thành phố và phụ cận cảnh trí thật đẹp với những ngọn đèn về đêm nhấp nhô chiếu rọi từ các tàu thuyền qua lai ngoài khơi, tàu thuyền qua lại vào ra ở hải cảng Đà Nẵng không bao giờ ngưng, phi cơ hạ cánh, cất cánh liên tục ở phi truờng quốc tế, sự sinh hoạt ngày đêm sôi động, khách du tới viếng Quảng Nam Đà Nẵng cũng ngập đầy, Đêm Đà Nẵng như bức tranh màu tuyệt đẹp. Chiều về  thành phố Đà Nẵng  ngâm mình nơi bãi tắm Mỹ Khê, Thanh Khê … hay tắm nắng trên bãi cát trải dài từ Ngũ Hành Sơn đến Sơn Trà  thì tuyệt vời. Tối lại du thuyền trên sông Hàn, ngồi nếm các món ăn hải sản nơi nhà hàng Thủy Tạ hoặc ngồi bên bờ sông Bạch Đằng, có nhiều món nhậu khách thưởng thức mà hài lòng. Ngoài ra khách có thể đi thăm một số thắng cảnh khác tại địa phương này.
Người viết mạo muội kể chuyện quê nhà trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp với lòng tự hào hãnh diện mình là người Việt Nam và Quảng Nam Đà Nẵng. Đây chỉ là ý cá nhân, người viết bày tỏ với lòng yêu mến quê hương. Người viết không phải là nhà văn, nhà thơ, viết lách chẳng văn chương bay bướm, không e ngại bạn bè chê cười, chủ yếu là để con cháu hiểu biết cùng tự hào về truyền thống tốt đẹp của ông cha mà noi gương góp phần giữ gìn bảo vệ quê hương mình toàn vẹn. Nếu quí vị nào thấy có điều nào sai sót, bất cập; hoặc người viết có điều gì không phải xin quí vị niệm tình cảm thông và chỉ giáo.
Đầu Xuân 2011.
Duy An Đông
Tài liệu tham khảo: - Việt Nam Danh Nhân tự điển cuả Nguyễn Huyền Anh
- Việt Nam Sử Lược củaTrần Trọng Kim - Tự hào là Người Việt Nam của Cao Thế Dung - Vua Duy Tân của  Hoàng Trọng Thược -Quảng Nam trong lich sử của Trần Gia Phụng.

No comments:

Post a Comment