Sunday, April 24, 2011

PHƯỢNG YÊU

PHƯƠNG-DUY TDC 

Phượng rụt rè đi đến cổng gác. Người lính đang bồng súng đi qua đi lại trước doanh trại.
Phượng nói lớn: “ Thưa...”
Người lính đứng lại hỏi: “ Có việc gì đó cô?”
“Thưa chú, em muốn gặp Thiếu Úy...”
Người lính nở một nụ cười rồi hỏi tiếp:
“Thiếu Úy Đại Đội Trưởng? Cô quen với Thiếu Úy? Cô báo cáo tin tức...hay có chuyện gì cần...?”
“Nhờ chú... trình với ông ấy, tôi là Phượng, nữ sinh, nhà ở gần đây, bên cạnh quán cà phê mà ông ấy thường ra uống...muốn gặp...để hỏi...”<!-- Read more -->
Nghe xong, người lính đến cổng gác đánh ba tiếng kẻng báo cho người hạ sĩ  quan trực nhật.
Trung sĩ trực ra hỏi: “ Có việc gì đó?”
Anh lính gác trình: “Thưa Trung sĩ, cô này nhà ở gần đây muốn gặp Thiếu Úy mình...”
“Xin cô cho biết tên...”
“Thưa, em tên Phượng, nữ sinh...”
“Xin Cô chờ....”
Thiếu Úy Phương đang nằm trong pháo đài đọc cuốn truyện mà vợ chàng mới vừa gửi lên để chồng đọc giải buồn khi xa nhà : Bonjour  Tristesse của Francoise Sagan.
Nhìn thấy trung sĩ trực nhật vào, anh ngồi dậy và đi ra khỏi pháo đài.
Anh hỏi: “Có việc gì mà kẻng đánh đó?”
“Thưa Thiếu Úy, ngoài cổng có một cô nữ sinh xưng tên Phượng, nhà ở gần đây xin gặp Thiếu Úy.”
“Xin gặp tôi? Tôi đâu có quen ai tên Phượng ở gần đây.” Phương rất ngạc nhiên, nhưng anh cũng nói với người hạ sĩ quan trực nhật:
“Nhờ anh nói : Tôi sẽ ra gặp cô ấy ngay.”
Phương vào pháo đài chải tóc, xem lại quân phục ngay ngắn rồi bước về phía cổng gác.
Một nữ sinh tóc xõa ngang vai, mặc áo dài trắng đồng phục nữ sinh trung học, tay cầm chiếc nón lá đang e lệ đứng trước đồn lính.
Phương hỏi ngay khi đến trước mặt cô gái:
“Cô Phượng muốn gặp tôi có việc gì, xin mời vào văn phòng đại đội nói chuyện.”
“Chào Thiếu Úy” , Phượng e lệ nói lí nhí..”
Phượng chào xong cô đi theo Thiếu Úy Phương. Phương vừa đi vừa hỏi cô gái mới gặp lần đầu:
“Tôi tên Phương, cô ở xóm nào gần đây, cô đến báo cho tôi tin tức địch...hay có thắc mắc khiếu nại điều gì liên quan đến binh sĩ dưới quyền tôi không? Cứ nói, đùng e ngại gì hết!”
Vào văn phòng đại đội, vừa ngồi xuống, cô nữ sinh nói ngay:
“Thưa Thiếu Úy, hôm nay em đến đây  chỉ xin hỏi  Thiếu Úy mấy câu tiếng Pháp để về nhà làm bài, em không có sẵn tự điển để tra cứu. Em đang học lớp mười ở trường trung học tỉnh lỵ, sách vở để ở nhà trọ ngoài ấy. Kỳ này được nghỉ hè nên em về đây thăm nhà, nhân tiện  học thêm sinh ngữ để năm học sau khá hơn. Em có hỏi mấy chú lính là trong đồn có ai biết sinh ngữ Pháp hoặc Anh văn không để nhờ hỏi một vài chữ.... mấy chú ấy nói:
“Ông Thiêu Uý của tụi tui, tôi nghe đâu trước kia học trường Tây,  là giáo sư được gọi động viên, hy vọng ông ấy có thể giúp cô được...”


Sau buổi gặp gỡ đầu tiên, hàng ngày lúc nào không bận hành uân, Phương thường ra nhà Phượng để hướng dẫn cô nữ sinh học Pháp văn. Phương thấy nàng học rất chăm và rất có khiếu về sinh ngữ. Nên ngoài những bài trong sách giáo khoa nàng phải học, Phương còn đọc và giảng giải cho cô nữ sinh những bài viết trong tạp chí Sélection hoặc Paris-Match có nhiều hình ảnh thời sự và thể thao. Cô nữ sinh rất thích vì nàng được mở thêm kiến thức và đỡ nhàm chán.
  Phượng biết Phương nghiện cà phê, nên lúc nào thấy Phương bước vào cổng nhà nàng, nàng chuẩn bị một cốc cà phê thật nóng  cho vào tí beurre Bretel thơm lừng pha với sữa đặc. Nàng để ý thông thường những người nghiện cà phê cũng  nghiện thêm thuốc lá, nhất là những người đang khoác bộ quân phục sống trong những tiền đồn hẻo lánh, buồn bã. Nhưng  nàng thấy thiếu úy Phương lại không hút thuốc lá. Phượng lấy làm lạ nên hỏi Phương:
“ Tại sao anh không hút thuốc? Hay anh sợ Phượng không chịu nổi khói thuốc lá?”
“Tôi không hút thuốc vì...”
“Vì Bà Xã cấm?” Phượng hỏi đùa.
“Không phải vậy...  mà... ngày xưa, khi quân viễn chinh Pháp đến đóng ở thành phố Tourane tôi ở, ngày nay gọi thành phố Đà-Nẵng, tôi còn trẻ đang học cours supérieur thấy mấy thằng bạn cùng lứa tuổi chạy theo mấy người lính viễn chinh  xin vài điếu thuốc lá Gaulois hoặc Philip Morris... để tập phì phà như người lớn.
“ Monsieur,  donnez-moi une cigarette s’ il vous plait!”
 Ông bố tôi thấy vậy  lo tôi nhiễm thói xấu của bạn bè, nên ông gửi tôi vào học trường của mấy Linh mục  người Pháp  mở dạy ở Huế để nhờ các Cha cấm học sinh hút thuốc.
 Từ ngày vào trường  ở nội trú, tôi đã  phải bỏ hút... cho đến khi đi dạy học, rồi thành hôn với vợ tôi, cô ấy cũng sợ mùi khói thuốc, nên nhịn thuốc ...cho đến bây giờ...”
Nghe lời giải thích của Phương, Phượng khôi hài:
“Không ngờ anh cũng thuộc loại ngoan ngoãn nhỉ!”
Thấy nhà của Phượng có treo cây đàn guitare, Phương hỏi:
“Cô biết đàn?”
“Vâng, em cũng có học ... và chỉ biết đánh nhịp đệm cho người khác hát, chứ em không solo bài nhạc được.”
“Vậy em hãy lấy đàn xuống đệm cho tôi hát một bài hát để tặng Phượng...”
“Nhịp, điệu, hợp âm chính ...?” Phượng vừa so  dây đàn, vừa hỏi :
“Nhịp   3/4  valse lente, Ré Majeur”
Phượng cười...và đề nghị:
“Yêu cầu ca sĩ  đứng lên tự giới thiệu tên nhạc phẩm và tác giả... cùng tên ca sĩ trình bày.”
Phương vui vẻ đứng dậy, rồi đưa tay phải nắm tay lại  đặt trước miệng làm như ca sĩ đang cầm micro... chàng nói:
“Thưa quý vị thính giả, sau đây là nhạc phẩm Mùa Hoa Phượng Vỹ của nhạc sĩ , xin lỗi tôi...  không nhớ tên... do  bạn Anh Phương trình bày... để tặng cho người đẹp tên Phượng trong dịp về quê nghỉ hè”
Chàng cất cao giọng hát rất du dương:
“Nhìn trời xanh xanh ngắt, những cánh hoa xoan, tin mùa hè sang,
Một mùa hoa phượng vỹ theo nắng hoe vàng ,  hương đưa nhẹ nhàng,
Chiều hè đẹp như mơ, sông nước nên thơ, trôi xuôi lờ đờ,
Tâm hồn ta lâng lâng, gió thoảng rung cành, lòng thấy bâng khuâng...”Phượng đệm đàn theo để giữ nhịp rất vững.


Những toa tầu light rail nối đuôi nhau chạy về hướng Mountain View. Phương nhìn ra hai bên đường cây cối, nhà cửa như lùi lại phía sau theo tốc độ  của con tầu.
Mùa hè vừa sang cách đây mấy hôm. Toa tầu nắng chiếu vào sáng rực. Toa vắng khách. Một không gian yên lặng, chỉ còn nghe tiếng động cơ rì rầm  như tiếng phi cơ  đang bay  bình phi chỉ  thỉnh thoảng nghe một giọng đàn bà Mỹ phát ra trên các loa thông báo là tầu sắp tới trạm nào để hành khách chuẩn bị ...xuống xe.
 Như thường lệ, Phương đặt cuốn tập bìa dày lên đầu gối, cây bút chì cầm tay và suy nghĩ... Chàng đang viết truyện  có lúc là một truyện ngắn, có lúc là truyện dài., còn bây giờ đang thai nghén một tiểu thuyết gián điệp nhiều tập. Viết rồi xóa, rồi viết tiếp.
 Phương thích nhất, tầu cứ chạy, ý tưởng  trong đầu Phương tuôn ra, chàng  say mê ghi chép. Chàng cũng gặp nhiều ngày, ý tưởng chạy đi đâu hết , ngồi hàng giờ mà chẳng viết được chữ nào... chàng gọi là những ngày táo bón hay những ngày sinh khó!
Nhiều năm rồi, chàng có thói quen sáng tác những truyện hoặc viết thư cho bạn bè , đều trên con tầu điện này. Chàng tự đặt tên con tầu điện light rail này là “Light rail ONE” như các Tổng Thống Hoa Kỳ có “Air Force ONE”, “Marine ONE” cũng để viết lách trên trời khi công du vậy!
Trước kia  khi mắt chàng còn tốt, nhìn được chữ trên màn hình của computer, chàng đã viết văn trên laptop mỗi khi ngồi trong toa light rail ONE. Viết dễ dàng hơn và nhanh hơn. Nay mắt kém, nên phải ghi lên giấy vừa bất tiện và vừa chậm. Rồi khi viết xong chàng còn phải nhờ bạn bè gõ vào máy  computer và copy vào diskett  hộ chàng,  để  chàng gửi đến tòa báo chọn đăng dần. Các vị chủ nhiệm, chủ bút  các tờ báo chàng đang cộng tác cũng thông cảm “người văn  sĩ mù múa bút...”như kiếm sĩ mù múa gươm..nên bài chàng được chọn đăng rất sớm để phần nào an ủi người  viết  có đôi mắt huyền mơ!
Phương ngẩn đầu lên sau khi viết được một đoạn văn khá dài rất ưng ý và trôi chảy.  Chàng gở mục kính ra khỏi đôi mắt cận thị nặng, nhìn xa...để thư giãn mắt trong chốc lát.
Vài người hành khách đã lần lượt xuống khỏi tầu. Chàng thấy cách chàng hai ba dãy ghế, một thiếu nữ, một thiếu phụ thì đúng hơn, chàng đoán là người Việt đang sử dụng laptop một cách say mê. Nàng cũng vừa ngẩn đầu lên nhìn qua phía Phương. Hai luồng nhãn tuyến giao nhau..
Phương ...tìm trong trí nhớ... sao chàng thấy  khuôn mặt  này hơi quen quen nhưng không nhớ đã gặp ở đâu và lúc nào?
Về phần thiếu phụ cũng thấy gương mặt người đàn ông này có những nét đặc biệt... mà hình như nàng thấy quen quen.
Nàng rời chỗ ngồi bước gần đến người đàn ông và hỏi:
“Thưa ông, tôi xin lỗi... tôi thấy ông ...quen quen...không biết chúng ta đã có dịp gặp nhau ở đâu rồi...?”
‘ Thưa bà, tôi cũng đang lục vấn trong đầu ... vì tôi cũng thấy bà...trông quen quen...hay là để tôi xưng tên tôi trước để bà may ra có gợi nhớ gì không?”
“Vâng, ý kiến của ông rất hay.”
“Tôi tên Phương...”
Phương chưa kịp nói thêm thì người thiếu phụ nói chặn họng ngay:
“Em là Phượng đây... anh Phương còn nhớ  cô nữ sinh xin học Pháp văn “ chùa” ngày xa xưa không?”.
Xuống  chiếc Light Rail ONE, Phượng đề nghị với Phương:
“Anh chờ em ở đây, em ra Parking lấy xe. Em sẽ đón anh về nhà em nói chuyện...”


“Sau mùa hè được anh dạy kèm, niên khóa tiếp theo, em bận lo học để cuối năm thi Tú tài nên em không về quê thường xuyên như những năm trước đó.  Cuối niên khóa em thi đỗ tú tài phần nhất. Về quê để gặp anh cám ơn và khoe thi đỗ, nhưng đơn vị của anh đã di chuyển đi nơi khác. Em rất buồn. Tại sao anh không viết cho em vài chữ khi anh đi đến chỗ khác?” Phượng trách.
“Phượng biết không, nhà binh nay đây, mai đó...và quân nhân không  thể tiết lộ những khi di chuyển. Cần lắm chỉ được phép cho vợ con biết mà thôi.  Tôi xin lỗi Phượng vậy”
“Bây giờ Phượng muốn biết về gia đình anh? Chị và các cháu?”
“Sau 30 tháng 4 năm 1975, tôi đi tù cộng sản gọi là đi học tập cải tạo như mọi sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tám năm tù ra được lập hồ sơ đi định cư ở Mỹ cả gia đình tôi gồm một vợ với hai con. Hai cháu, một trai, một gái đã tốt nghiệp đại học và đã lập gia đình, ở riêng. Tội nghiệp bà xã của tôi đã qua đời  cách  đây bốn  năm. Bà qua Mỹ mà chưa hưởng được lâu dài chẳng bù lại những ngày  bà lao động khổ cực ở quê nhà. Vợ tôi  nuôi hai đứa con ăn học lại phải lo quà cáp đi thăm nuôi chồng đang ở tù nơi rừng thiêng nước độc. Trại giam nào tôi ở, bà cũng lặn lội mang quà đến. Bà ấy và các con chịu nhịn  đủ thứ...để có một số quà cho chồng, cho cha. Tôi rất quý mến đức tính hy sinh và chung thủy của bà ấy. Nay bà ấy không còn nữa. Tôi cảm thấy cô đơn khi ở tuổi này. Để quên  nỗi  nhớ nhung và buồn bã nên ngày ngày tôi trèo lên tầu điện và viết văn giải trí.
Tôi chọn chuyến tầu đi Mountain View này vì là chuyến tầu đi xa nhất, tôi có đủ thì giờ để múa bút. Còn gia đình cô thì sao? Cô qua đây năm nào?” Phương hỏi.
“Anh Phương, em qua đây cũng gần bốn năm rồi. Qua một mình do người chị ruột bảo lãnh. Chồng em đã mất  ở vùng kinh tế mới Minh Hưng bên Việt Nam hơn mười năm, em không có con cái gì sau năm năm kết hôn. Qua đây em đi học college hai năm về kế toán rồi đang tiếp tục vừa đi làm vừa học tại State University ở San José. Em thường trú ở Mountain View, thuê nhà của người bà con xa được giá rẻ. Sáng em lái xe ra bến light rail, gửi xe ở đó lên tàu điện trực chỉ đến chỗ làm hoặc đi học.”
“Hôm nào có dịp nghỉ lễ rảnh rang mời cô đến nhà tôi chơi. Lúc trước nhà ở bốn người do  đứa con đầu mua  cho gia đình  ở. Nay chỉ còn một mình tôi ở, cảm thấy buồn bã, cô đơn, lạnh lẻo.  Mong thỉnh thoảng có bạn bè đến nhà  ăn uống, nói chuyện cho đỡ buồn.”
“Anh Phương, chiều nay mời anh ở lại đây dùng cơm với em . Em cũng cảm thấy cô đơn...như anh đã nói, cũng cùng tâm trạng như anh. Nhưng dù sao anh cũng là nam nhân nên không gặp trở ngại, em là đàn bà, con gái, tiếp bạn bè trai cũng... khó... mà tiếp bạn bè cùng phái... thì gặp khó khăn hơn nữa. Nên em cô đơn lại càng cảm thấy cô đơn hơn!”“Ngày xa xưa, lúc em còn là một nữ sinh mười sáu tuổi , em được anh hướng dẫn học hành tuy chỉ vài tháng nghỉ hè, nhưng bây giờ em nói ra xin anh đừng cười... em đã mê “thầy dạy” lúc ngồi nghe anh giảng bài. Em biết anh đang có vợ, có con.. thế  mà nhiều đêm nằm mơ vẫn nghĩ đến anh là... chồng của Phượng. . Em có lãng mạn  không anh ?
Những lúc anh đọc báo chữ Pháp,  truyện viết bằng Pháp ngữ  rồi giảng giải cho em nghe, em muốn ôm anh để thưởng cho anh một nụ hôn hoặc nói lên lời tỏ tình. Nhưng khi em nhìn lên đôi mắt của anh thấy anh vẫn dửng dưng như người chỉ huy trước binh sĩ... nghĩa là chỉ nghĩ đến công việc mà thôi. Khi về lại quê nhà không gặp được anh để khoe với anh em vừa thi đỗ, em tuyệt vọng và đầu óc như rỗng... trong một thời gian khá dài. Bây giờ chúng ta gặp nhau ở đây, anh đang cô đơn, em cũng cùng cảnh ngộ... anh có cho phép Phượng gửi anh một nụ hôn...để trả ráp-pen  ngày xưa và một cái ôm  thật chặt để ghi lại ngày nay“ em tìm dược trẻ đi lạc”, anh bằng lòng chứ?”
Phương vừa cười vừa đáp:
“Có lợi cho anh quá, ngu gì mà từ chối!.   Này Phượng,  em hãy nhìn thẳng vào mặt của anh, vào đôi mắt của anh em thấy như thế nào? Có giống đôi mắt khi là “ thầy giáo”, có giống đôi mắt khi là “sĩ quan  chỉ huy” hay là “đôi mắt dê cụ”  đang đam mê trước người đẹp chung tình như em. Phải chăng em là phù thủy, là cô gái liêu trai đang hớp hồn anh, hay là bà Tiên đang đưa bàn tay cứu khổ cứu nạn  sưởi ấm cuối cuộc đời anh?”

©PHƯƠNG-DUY TDC
( Những Giọt Cà-Phê)

No comments:

Post a Comment