Saturday, April 16, 2011

MÀU HẢI ĐẢO

Truyện, Phan Thái Yên

Hai người đàn bà ngồi bên nhau trên đồi cát.  Cháu bé trai chừng hai tuổi nằm vắt lên đùi họ ngủ say. Buổi sáng cuối mùa xuân im lìm những vệt gió quyện theo hàng phi lao xao xác tiếng thở dài. Mặt trời sè sẹ trồi lên khỏi cụm cù lao Chàm nằm áng ngoài cửa biển lúc nào không hay.  Vầng sáng màu hồng non  trong một lúc tưởng không ngơi pha tỏa vào vùng xanh vọng mơ hồ của mây trời, từ từ co lại rồi rúc vào nhau tượng thành khối màu da cam tròn vạnh chói rực trên lằn xanh thẳm của cây rừng dọc theo nóc đảo im lìm dáng núi. Giữa tầm mắt sửng nhìn là mênh mông mượt mà của mặt biển xanh lặng lờ không một bóng thuyền.
<!-- Read more -->Tiếng ngáy nhẹ của đứa bé khiến Nữ sực tỉnh. Những ngón tay nàng vuốt khẻ khàng lên bàn chân mủm mỉm xinh xắn. Nàng xúc động vổ về  thân vóc nhỏ nhoi của cháu đang cuộn mình ngủ say cho tới khi ngập ngừng chạm thấy bàn tay người mẹ trên lồng ngực trẻ thơ. Mắt không rời vùng chân trời tỏa rạng ánh dương, Nữ lạc giọng trong quắt quay tiếc rẻ.
- Suốt hai năm, cháu luôn ở trong tầm mắt O mỗi lần nhìn ra đảo, rứa mà… Phải chi chị cho em biết tin cháu sớm hơn.
Vùng chân trời chợt thoáng mưa rơi, chập chùng loang xa giữa cơ hồ lệ rớt. Nàng nhớ tới tiếng cháu khóc gọi mẹ chiều qua, lần đầu tiên sợ sệt đứng bên mồ cha và  trong góc căn nhà xa lạ lung linh ngọn đèn treo trên bàn thờ với hình ảnh của những người cháu chưa hề gặp bao giờ.  
- Chị Nương… Em sẽ theo thuyền ra đảo thăm cháu mỗi tuần cho tới khi nào chị và cháu ra đi.
Nữ nghe tiếng mình lặp lại câu nói trong đầu như một nỗi buồn. Cho tới khi nào?
Khi Nữ không còn tìm ra người thân trên hòn đảo ngoài kia. Khi cháu và mẹ đã vượt thoát, đã tìm thấy tương lai. Khi đó Nữ sẽ buồn sẽ vui, sẽ hi vọng và cô đơn. Khi chỉ còn Nữ  một mình quay về lại căn nhà sau cửa biển.
- Chị thiệt ác. Cả hai năm trời mà chị chờ cho tới ngày sắp đi mới bồng cháu về chỉ để chào từ giã.
Người mẹ cầm chặt tay Nữ lắng nghe lời trách móc.
- Không phải mô em. Nhiều khi ra vô giữa hòn Lao và Phố, mỗi lần đò qua cửa biển là lòng chị ray rứt mãi. Chị cứ nhủ lòng chờ cho tới khi anh Niên về. Rồi anh Niên về…Chừ thì đã trễ. Nếu không có việc tính toán đưa cháu ra đi, có lẽ chị sẽ chẳng bao giờ có đủ can đảm bước qua triền dốc cát bồng cháu về thăm cha. 
Mắt còn đọng biển xa, Nương lặng nghe tiếng khóc rưng rức của Nữ lòng miên man nghĩ tới hình ảnh cô gái đơn độc trên con thuyền vào lại đất liền. Một mình em xuống lên dốc cát này. Một mình em vào ra căn nhà trống vắng dưới kia. Một mình em với khói nhang và  bãi mộ chí âu sầu sim dại. Một mình em suốt cả đời người.
- Hay là O Nữ cùng đi với cháu? Tới được bến bờ rồi hai chị em mình cùng lo cho cháu. Anh Niên, ông bà nội chắc sẽ yên lòng dưới mộ sâu.
Câu trả lời lẫn trong tiếng khóc đêm nào cũng trên đồi cát này lúc Tuân cấp bách hỏi nàng trở về trong trí nhớ rồi ngập ngừng thổn thức đầu môi. Nàng đã nhiều lần tự hỏi chỉ để rồi biết mình chẳng thể nào ra đi. Câu trả lời hình như sẳn đó, chẳng cần biện bạch mà mãi đau lòng nỗi dằn vặt không nguôi. Bãi nghĩa trang vừa có thêm một nấm mồ. Căn nhà  bỏ hoang tro tàn hương lạnh. Và đâu đó trong trùng điệp đêm bơ phờ nỗi nhớ về Tuân xa vắng phương nào, trăn trở tiếng chèo khua trên trên dòng sông man mác điệu hò châu thổ.
Nương xúc động nhìn Nữ. Nàng lắng nghe nỗi lòng cô gái mà sao như lời tự trầm của chính mình giữa cơn mơ sảng. Nàng vừa nhận ra sự khác biệt mà gần gủi của mỗi phận người.  Nấm mồ mẹ trên đảo. Mộ cha cải táng từ một hố chôn tập thể ở Bãi Dâu về nằm bên cánh đồng muối trắng chói chang phía ngoài vùng làng biển Lại Hà  lối ra Mỹ Chánh đã nhiều năm Nương không thể về thăm. Tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi mà đầy bất trắc với Niên dài theo nỗi lo lắng đợi chờ vô vọng đã kết cuộc bằng bước chân nàng ngơ ngác bồng con tìm thăm mộ chồng. Ngày con ra đời cũng là ngày hi vọng nảy mầm. Nguồn sửa mẹ nuôi con đắp đổi thêm nghị lực cho mẹ sống, vui vầy qua từng ngày nhìn con biết đi biết nói.  Vì tuơng lai của con, Nương chấp nhận ra đi như nàng đã an phận chấp nhận sống cuộc đời vất vã trên hòn đảo xa lạ từ sau đêm chạy giặc, mất mẹ kinh hoàng. Còn lại nỗi lo cho tháng ngày sắp tới. Một đời mẹ con nàng lênh đênh hay tấp giạt bến bờ nào?  Số phần trãi ra đó im lìm mà khốc liệt, dọc dài theo kí ức qua thấu từng ngày sống khổ. Số phần cưu mang nỗi hạnh phúc khắc nghiệt như con thuyền vừa tìm ra bến phải chìm trôi sau cơn bão biển. 


Kí ức Nương về Huế loáng thoáng những ngày mưa dầm và câu chuyện Mạ kể hoài về con gái mình riết rồi tạc thành kỷ niệm có khi thấy cả từng đốm nắng trên lối đi từ Ga về dốc Nam Giao. Rõ ràng nhất là hình ảnh Mạ quảy gánh, một đầu là son nồi, đầu quang tê là bé Nương đầu cạo trọc để lại chỏm vá, ngơ ngác xuống Ga sau chuyến tàu từ Mỷ Chánh vô Huế. Con đường dọc theo dòng sông im mát bóng cây. Mạ đang chần chừ đứng nghỉ mệt bên cây cầu trắng thì thấy cha vội vàng đạp xe xuống con dốc sạc lỡ lởm chởm nắng. Cha bồng con gái đặt ngồi lên yên xe. Ông đội cảnh sát dắt xe, thỉnh thoảng đứng lại chờ Mạ lỏng chỏng quang gánh theo sau.
Tuổi thơ của Nương lẳm đẳm đàng sau hàng rào chè tàu dày kín trước căn nhà nhỏ trên lưng chừng dốc Nam Giao. Mạ đã quen vất vã gánh gồng trên ruộng muối ngoài quê nên vẫn luôn tay dọn dẹp, trồng tưới quanh nhà. Tay ẳm con Mạ leo dốc lên chùa Báo Quốc gánh nước uống. Buổi tối dỗ con ngủ, Mạ ngó cha ru câu hò mới.
Giếng Hàm Long đã trong lại ngọt.
Em thương anh rày có Bụt chứng tri.  (Ca dao)
Không có em nên Nương lớn chậm để chờ. Lúng liếng đầu tóc bum-bê, bé Nương theo mẹ lên Giếng Cấm. Lần đầu tiên nhìn xuống chân con dốc xa thấp thoáng dòng sông, Nương sợ hải víu áo Mạ. Con ôn đội cảnh sát mà răng dát gan rứa hè !? Mạ cười, cầm tay con gái nói chơi.  Dốc Nam Giao chẳng còn cao khi có mạ dắt đưa. Rồi con gái rảy tay mạ trèo lên quãng dốc một mình. Trên tê là ngôi trường nhỏ trong sân chùa nằm dưới bóng mát của những tàng cây đa, cây bồ đề cổ thụ lá chắn xanh rì. Con đường lần đầu tiên tới trường là con dốc quen hàng ngày và những bậc tam cấp nghiêng nghiêng vạt nắng lối lên chùa, rứa mà buổi sáng hôm đó Nương đã níu chặc tay Mạ dùng dằng chẳng bước. Giếng khơi sân chùa và hình ảnh gần gủi của Mạ nghiêng mình bên thành giếng lanh canh tiếng gàu giúp Nương yên tâm rụt khỏi tay Mạ bước vô lớp học đầu đời. Tiếng ê a của bầy trò nhỏ xen lẫn trong tiếng kinh nhật tụng trầm đều nghe thật êm đềm như tiếng chuông chùa ngân vọng bốn bề vào mỗi buổi sáng.

Con đường qua dốc Nam Giao ngày càng chộn rộn hơn với từng đoàn công-voa chở lính Mỹ, lính quốc gia quần áo trận rằn ri nườm nượp chạy ra khỏi thành phố. Cha đi làm về trễ, ông dắt xe đạp dựng trên hiên nhà rồi quay nhìn con đường lót đầy ổ gà.
- Đường sá chi mà lổ hê lổ hủng, đạp xe tránh muốn bứt gân.
Ông lấy cái bánh cam trong túi áo đưa cho con gái đang đứng chờ Mạ sai vặt bên khoảnh đất trồng rau trước nhà.
- Con Nương, mi học bài thuộc chưa hè…?  Tình hình ngoài quê chộn rộn lắm đa nghe. Nghe nói ngoài Quảng Điền đương đánh nhau lớn lắm. Mạ mi coi mà…
Mạ hốt rau bỏ vô rổ đứng lên.
- Biết coi chi chừ? Còn mấy đám ruộng muối nằm đó, ai muốn khiêng đi mô thì khiêng. Lo cho ôn tề. Mấy tháng ni chuyển ra đồn cảnh sát Đông Ba, ôn đi sớm về trễ mệt ghê.
Cha bước vô nhà.
- Tui là cảnh sát áo trắng, toàn là bắt xe đạp không đèn với nhát con nít trèo vườn bông chớ có làm chi mô mà lo. Nói rứa chớ trúng vô mấy ngày tiểu thương chợ Đông Ba bãi thị biểu tình chống chính phủ trong Sài Gòn đàn áp Phật giáo thì cũng mệt đứt hơi vì chạy tới chạy lui. Cha bật cười lớn…Đã rứa mà còn bị mấy mụ háy với nguýt vì làm  tay sai cho chính phủ Nguyễn văn Thiệu. 
Có một dạo con đường qua dốc Nam Giao tuy vắng hẳn xe nhà binh nhưng càng đông đúc rộn rịp hơn vì có ngày hầu như cả thành phố Huế, nhất là sinh viên, học sinh, cùng  giới tiểu thương các chợ tụ tập về chùa Từ Đàm nghe thuyết pháp và hoan hô đả đảo rân trời. Bàn thờ Phật từ trong nhà mang ra giữa lộ bày dọc theo khắp các ngã đường. Trên trục lộ chính dọc theo đường Nguyễn Huệ, từ Tòa Đại Biểu qua Nam Giao, dày kín bàn thờ hương khói. Từng đoàn công-voa nhà binh dè dặt lăn bánh hoặc có khi phải quay về lại Phủ Bài.  Những người lính Mỹ trần trục lông lá, áo giáp không cài vì cái nắng oi ả mùa hè nhiệt đới, sau một hồi lâu ngồi ngơ ngác nhìn quanh đã bỏ xe nằm ngồi lăn lóc dưới bóng mát hàng cây ven đường. Những lon trái cây, thỏi kẹo cao su quăng ra đã hấp dẫn lủ trẻ hơn nhiều so với  chuối chín héo lấy trộm từ mấy cái bàn thờ nhang tàn ngoài đường ngoài sá.
Cùng với hằng ngàn gia đình khác ở thành phố Huế, cuộc đời Nương với Mạ vụt lăn xuống vực thương đau máu lệ sau một đêm Tết kinh hoàng.  Cha bận trực gác không về kịp. Mạ dẫn Nương hốt hoảng theo đoàn người lánh nạn chạy về chùa Từ Đàm. Nhiều gia đình đã đến đầy chùa, nằm ngồi kín cả sân trước chánh điện lan ra tận ngoài cổng tam quan. Trong đám đông không thiếu những bộ mặt nghiêm trọng, băng đỏ cài tay, ra vào vội vã. Họ là thanh niên sinh viên quyết tử, những người trong chiến đoàn Nguyễn Đại Thức bỏ thành phố ra bưng vài năm trước nay trở về mở cuộc giết chóc săn lùng. Theo đám người chậm chân, Mạ ôm con ngồi dưới bóng cây bồ đề trước cổng tam quan nhốn nháo đợi chờ trong tiếng đạn bom vọng bốn bề. Mây lành không có trên đầu, đoàn người rời chùa Từ Đàm. Họ chạy về hướng Bến Ngự rồi tẻ qua nhà thờ Phú Cam hoặc Dòng Chúa Cứu Thế. 
 Mùa Xuân ở Huế năm đó âu sầu vầng mây tang thương bay qua Phú Vân Lâu ủ rũ cờ đỏ cờ vàng thay nhau vấy máu người. Tiếng quân ca ngợi ngọn cờ pha máu chiến thắng mang hồn nước. Tiếng gọi thanh niên đồng lòng cùng đi hi sinh tiếc gì xuơng máu. Tiếng hô xung phong vang lên, máu người chung tổ quốc đổ xuống. Và thiếu chi hàng trăm thây nguời vô tội ngã xuống trong cơn cuồng sát của đám người từ rừng rú trở về. Họ say sưa men chiến thắng như lớp váng chua che đậy mặc-cảm-ta-đây của một thứ  thanh niên Huế quẩn quanh, sa đà với giấc mơ cách mạng lãng mạng ảo tưởng khờ khạo. Ồn ào gã kiều-phong, lệnh-hồ-đại-ca trong quán cà phê bên hông chợ Đông Ba hay quán vắng dưới chân Đập Đá năm nào giờ là sát thủ với chiêu thức tàn độc mà Kim Dung khó bề chống đở .
Một vai cầu gục mặt cho Tràng Tiền lẻ nhịp đứt đoạn chia lìa. Những người đàn bà mặc áo tang chờ trắng bến đò Thừa Phủ, khăn sô che nước mắt Nội Thành. Tiếng khóc Huế ai oán giọng Chầu Văn kể lể rền rã theo tiếng mái dầm khua chèo con đò đưa xác trôi qua Thiên Mụ, Nguyệt Biều.
Mạ cùng chung số phận với những người đàn bà tội nghiệp đó. Chồng mất tích không về, Mạ dẫn con đi tìm khắp Huế. Tây Lộc, Gia Hội, Giạ Lê, Nam Hòa, Phú Thứ…Cuối cùng là Bãi Dâu, nơi Mạ với Nương nhìn ra xác cha trong một mồ chôn tập thể.  Nước mắt đã cạn qua những ngày tìm bới. Mạ quấn chặt khăn tang, bỏ Huế, dẩn con đưa xác chồng về quê. Trên cánh đồng muối trắng Mạ vất vả gồng gánh nuôi con. Nương học trường xa nên cũng phải đi sớm về tối nhọc nhằn. Mẹ con an ủi gặp nhau vào những cuối ngày. Họ bên nhau chân bước dọc theo bờ ruộng khô nẻ về nhà. Trong hiu hắt ráng chiều bầy cò trắng là đà bay trên mặt ruộng váng vất muối đọng.
Chiến trận năm bảy hai, sau những ngày tản cư sống qua cuối tầng địa ngục dọc suốt đại lộ kinh hoàng, hai mạ con lại gồng gánh dắt díu nhau về lại vùng đất khổ. Cánh đồng muối coi cạn lòng mà chung tình. Mặt ruộng nứt khô suốt một mùa hè đỏ lửa vẫn nằm chờ để cùng tay người vất vả gạn hột muối khô.
Ngôi trường nhỏ ở Vân Trình hết lớp. Nương phải đi học trường xa hơn,tận ngoài Mỹ Chánh để tiếp tục trung học. Thi rớt, giấc mơ vô Huế học làm cô giáo không thành. Nương bỏ học xin dạy một lớp nhỏ ở trong thôn và giúp mạ ngoài đồng muối.
Trận chiến cuối cùng mùa Xuân bảy lăm. Nương dẫn Mạ theo ghe tản cư xuống phá Tam Giang. Giữa cảnh lính dân hổn loạn, xô đẩy nhau xuống ghe xuống đò tìm mọi cách tháo chạy ra khỏi vùng bom đạn, hai mạ con Nương lên được ghe cá một người quen. Đoàn ghe chạy qua Cửa Thuận hướng về phía Đà Nẳng nhưng cuối cùng chủ ghe đã quyết định cập vào cù lao Chàm.
Chưa kịp hoàn hồn vì không quen với sóng gió trên biển và cảnh sống xa lạ trên đảo, Nương đã phải chứng kiến cảnh tượng chưa hề thấy trong đời. Chỉ trong vài ngày, hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ có cả tàu sắt của Hải Quân từ Huế, Đà Nẳng, Hội An nườm nượp kéo vào thả neo trong bãi nước kín gió của hòn đảo nhỏ. Hàng ngàn con người, lính dân hổn độn lên đảo kiếm tìm thức ăn nước uống, cướp giựt, bán mua. Tình huống đầy căng thẳng nghi kỵ tưởng chỉ cần một mồi lửa nhỏ là khối thuốc súng bị ép chứa sẽ nổ bùng lên thiêu rụi tất cả. Mạ lo cho con thân gái giữa đám binh đao khó lường. Mạ tìm được cho Nương nơi ngủ nhờ ở nhà của một người đàn bà góa chồng sống một mình trên đảo còn Mạ vẫn ở lại ghe giữ chổ.
Đêm cuối tháng Ba khóc ròng định mệnh đã biến hòn đảo nhỏ thành nơi Mạ nằm xuống yên nghĩ một đời cơ cực và đưa đẩy cuộc đời Nương vào ngả rẽ không ngờ. Trận đấu súng giữa hai toán lính cướp ghe đã giết chết Mạ nằm bất lực giữa hai lằn đạn. Tất tả vội vàng như khi đến, đoàn ghe tàu kéo neo bỏ chạy về phương Nam, trả lại hòn đảo nhỏ sự thanh vắng cố hữu và để lại Nương bơ vơ bên thi thể Mạ đọng cứng máu me. Dân trên đảo giúp chôn cất người đàn bà vắn số trong nghĩa trang nhỏ ở cuối bãi Làng. Người góa phụ tốt bụng cho Nương tá túc với bà trong căn nhà đơn chiếc nơi bà đã sống đơn độc nhiều năm qua từ sau ngày người chồng ngư dân chết mất xác trong một cơn bảo biển.

Hòn đảo nhỏ được giải phóng. Những chuyến ghe chở chính quyền cách mạng từ trong Hội An, Điện Ngọc ra đảo tham dự  mít-ting, hoan hô đả đảo thưa dần vì cán bộ còn phải bận rộn nhiều việc trong đất liền. Họ để lại một ủy ban nhân dân cách mạng và cái loa phóng thanh treo trên cây ngô đồng trong sân uỷ ban nghe tiếng mất tiếng còn vì gió đảo ruồng quanh. Đàn ông đi biển, nhiều người lãng tai điếc nặng vì nghề lặn mò trai bắt tôm,  nghểnh ngảng bước qua bãi Làng lúc trời chưa muốn sáng đã bị vực dậy bởi tiếng nói the thé đanh đá của người nữ xướng ngôn viên hay giọng hát cao, láy đuổi lạ tai nghe như tiếng Tàu phát ra từ loa phóng thanh.  Họ lầm lủi đi, mất ngủ từng bước chân trên cát xám, không để ý chi tới lá cờ giải phóng xanh vàng đã được thay thế bằng lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay trên nóc ngọn ngô đồng.  Không xa khu nhà uỷ ban ra vào bận rộn, ngôi trường một lớp cho trẻ con trên đảo còn trống hoác gió lùa vì giáo viên đã bỏ về đất liền từ tuần lễ cuối tháng Ba.
Buổi sáng sau đêm họp dân trên đảo đuợc cử làm giáo viên,  Nương  ra ngồi bên mồ mẹ suy nghĩ lao lung. Gió biển ban mai thổi luồn qua khe núi não ruột thở dài. Viền xanh đất liền trải vệt mơ hồ về phương quê chìm khuất sau khói sương lãng đãng bờ xa. Trong xao xác biển triều, bịn rịn giữa hai bờ mắt nhắm là độn cát làng quê trắng lịm màu muối trải lòng đêm nguyệt bạch. Vùng đất khổ quê hương suốt một thời thiếu nữ không có chổ mộng mơ. Chỉ mạ với con và mâm cơm nghèo ngày kỵ cha bên bờ ruộng muối sau Tết mỗi năm. Hình ảnh người đàn bà suốt đời đơn độc gánh gồng trên đồng ruộng muối khiến Nương càng phân vân lúc tự hỏi lòng có còn chi để trở về.  Nàng nghĩ tới người đàn bà nhân hậu đã cho nàng nương náu. Tiếng dì Nơi kể chuyện đời mình thao thức tao võng đưa dưới hiên nhà đêm đảo vắng.
- Thôi thì con ở lại đây với dì.  Mẹ con mình với nhau. Được như rứa cũng là phước phần của dì.  Ba mươi năm trước dì theo chồng tới đảo. Vợ chồng hiếm muộn, từ ngày ổng mất xác ngoài biển đã hơn mười năm.  Nhiều khi dì nghĩ là sẽ khăn gói về lại quê trong Ái Nghĩa rứa rồi mà cứ  lui cui một mình đan vỏng sống qua ngày cho tới chừ.
Rứa là Nương ở lại nơi Mạ nằm xuống. Ghềnh đảo cheo leo những cây ngô đồng bông đỏ hồng ươm độ xuân hè rồi lá rụng trơ cành khẳng khiu chờ mưa bão tháng Mười.
Thời gian nhỏ từng giọt nước gánh từ giếng cổ Chàm rớt theo mỗi bước chân qua sân chùa Hải Tạng rêu phong ngấm hết nỗi niềm xuống lớp cát khát khô lối về xóm nhỏ. Nhiều khi đứng ngoái nhìn vệt nắng nghiêng trên những bậc tam cấp vừa bước qua Nương bàng hoàng quên cả gánh nước trên vai. Kí ức choàng về gần gụi trong vài bước chân. Dáng Mạ bên giếng Cấm sân chùa Báo Quốc đổ dài qua năm tháng phủ bóng lên nấm mồ hiu quạnh đảo xa.

Hàng ngày ngoài buổi dạy bận rộn với bầy trò nhỏ, Nương theo dì Nơi vất vả đan lưới chài, đan võng ngô đồng, rồi họp hành hợp tác xã, cân đo tiêu chuẩn chỉ tiêu. Cuộc sống tất tả mà chìm lịm trong nhịp phách của sóng của gió và giông bảo ngoài kia phủ chụp vây quanh. Thảng hoặc dưới hiên nhà mong manh vệt nắng qua hay buổi trưa soi mình xuống lòng giếng sâu lắng nghe tiếng bước chân trên đá mòn. Thảng hoặc ngày mưa bến thuyền nhấp nhô chân sóng hay đêm trên bãi Hương thẩn thơ  màu trăng hoài cổ Nương chợt như  lắng nghe được hơi thở rong rêu của thời gian uể oải trở mình.
Có lẽ cuộc đời cũa Nương đã lặng lẽ trôi theo sự nối kết của những thảng hoặc buồn hiu như thế nếu không có Niên choàng đến với nàng. Cơn lũ hạnh phúc chới với ngập sặc rồi rạt xa khô khốc bãi triều, còn lại chơ vơ trên cát lớp vỏ sò ốc lóng lánh rỗng lòng.
Trong một lần theo dì Nơi lên núi chặt cây ngô đồng về để ngâm nước rồi đánh sợi đan võng, Nương bị té trặc chân rướm máu. Lúc hai dì cháu đang xuýt xoa thì một thanh niên tình cờ  xuất hiện. Anh ta xé áo băng bó vết thương rồi giúp chặt gánh cả một thân ngô đồng lớn về nhà. Nhìn theo người thanh niên ít nói chào bước ra khỏi nhà, dì Nơi nghi hoặc thấp giọng.
- Người ni chắc không phải ở trên đảo mô. Chắc là tới ở chờ tàu vượt biên.
Nương nhìn theo tự trách không kịp nói lời cảm ơn. Không lâu sau đó, vào một buổi trưa Nương lên chùa gánh nước uống. Vừa tới giếng cổ Nương đã thấy một nhóm bạn chài thanh niên đang ồn ào đùa giỡn múc nước xối rửa mấy rổ sò ốc.
- Giếng chùa chỉ để lấy nước uống mà làm rứa sẽ bị sư ra đuổi không cho mô nghe.
Nương vừa lên tiếng trách cứ thì chợt thấy người thanh niên trong số bạn chài. Anh ta lúng túng đứng lên xin lỗi trong lúc một người trong nhóm bạn chài vẫn gân cổ đùa bỡn.
- Ê Niên! Mi rửa vú nàng, lồn tiên mà không chịu xin phép trước bị cô giáo la là
Bầy thanh niên đang cười vang kéo nhau xuống ghe cho kịp bửa nhậu ngày nghĩ bến. Nương vừa ngượng vừa phật lòng nhìn theo hấm hứ.
- Đồ vô duyên! Sò ốc thì nói là sò ốc, còn bày đặt… Ngon lành chi mấy thứ nớ mà ai cũng sa đà.
Lần sau Nương đi chặt ngô đồng một mình. Mùa hè hải đảo, biển với trời dịu vời nối vào nhau trong một màu xanh bất tận. Ngô đồng giữa mùa hoa đỏ lựng tàng cây chênh vênh trên ghềnh đá. Nương men theo lối đá đi về nơi bị tai nạn lần trước, lòng chợt thẹn thùng bắt gặp cảm giác nôn
nao muốn được gặp gỡ hẹn hò. Tim Nương đập mạnh như muốn mở toang lồng ngực, bước chân nàng ríu lại khi thấy người thanh niên đang đứng chờ bên gốc ngô đồng tự bao giờ. Hai người đứng hồi lâu không nói. Họ cùng đứng nhìn về phía đất liền, miên man một vệt dài xanh thăm thẳm chân trời.  
Người thanh niên nhìn cây rựa trên tay mình.
- Tui định bụng tìm chặt một cây ngô đồng mang đến nhà cô để xin lổi về lời nói chơi “vô duyên” của người bạn tôi ở giếng cổ nhưng không biết cây nào có thể dùng đan võng được nên đứng chờ.
Nương mắc cở liếc nhìn người thanh niên cao dong dỏng.
- Ngô đồng mọc tràn lan trên đảo. Làm răng biết mà đứng đây chờ? Lỡ không tới đây thì chờ tới khi mô?
- Cho tới trăm năm. Người thanh niên cười ranh mảnh trả lời. Tui tên là Niên. Còn cô tên là Giáo phải không. Tui nghe người trên đảo ai cũng gọi cô là cô Giáo!?
Ngại ngần qua, Nương lấy trong túi ra mảnh vải áo đã giặt sạch.
- Thôi đừng già miệng nữa. Tên người ta là Nương. Cảm ơn hôm trước anh đã giúp băng chân.
Niên từ chối, trao mảnh vải lại cho cô gái.
- Thôi Nương cất đi để lau mồ hôi hay nước mắt cũng được.
Nương chẳng vừa, lắc đầu làm ra vẽ không tin tưởng.
- Một trăm năm nước mắt mồ hôi của người ta thì miếng vải áo chút chun ni làm răng mà lau cho đủ!?
Người thanh niên làm bộ không nghe câu nói chanh chua của Nương. Anh ngẩng nhìn khung trời xanh thẳm, mặt làm ra vẽ đăm chiêu.
- Nương Nương…Tên hay thiệt là hay. Đêm qua nằm mộng thấy Nương Nương. Má đỏ au lên đẹp lạ thường… (Hàn Mặc Tử)
Lòng Nương lâng lâng niềm vui tuyệt vời. Cảm giác ngất ngây lạ lùng chảy rần châu thân cô gái. Nương nhìn khuôn mặt vừa rám hồng chưa quen với nắng biển của Niên lòng dâng trào nỗi hạnh phúc đằm thắm nồng nàn.
- Nạn nhân của Niên đó! Cô gái chỉ tay về phía một cây ngô đồng thân tròn đang độ trưởng thành. Đao phủ thủ ra tay đi thì vừa… Dì Nơi dặn phải tìm cây không già không non và thẳng thì khi chặt ra ngâm nước sẽ dể xé sợi, đan võng mới tốt.
Niên cởi chiếc áo trây-di cũ, quấn ngang lưng rồi bắt đầu pháng chặt.  Nương đứng ngây nhìn tấm lưng trần lực lưởng vừa đượm mồ hôi của người thanh niên. Giọng Niên vui vẽ ngâm nga từng câu ca dao nhịp nhàng vang theo từng nhát rựa.
                        Cây ngô đồng không trồng mà mọc
                        Rể ngô đồng rể dọc rể ngang
                        Ước gì anh lấy được nàng
                        Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
                        Xây dọc rồi lại xây ngang
                        Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân  (Ca dao)

Họ đã gặp nhau như thế lần đầu. Rồi hẹn hò thương yêu và trao hết cho nhau.  Đêm Bãi Hương chân sóng chở che rạo rực thân trần. Ngày cheo leo ghềnh đá, tàng lọng ngô đồng rợp mát đôi nhân tình đổi trao lời nguyện ước trăm năm. Họ ngụp lặn trong hạnh phúc choáng ngợp giữa biển giữa trời giữa hồng hoang nguyệt tận. Hoa lá ngô đồng bay, tàn rụng theo mùa theo định mệnh đắng cay. Ngày Niên sủng nước mắt cỏng xác cha về lại đất liền sau cơn bảo biển tháng Mười, Nương chẳng ngờ là lần hai người khóc với nhau.  Giữa tháng ngày thai nghén, Nương không ngờ trang thư ngắn Niên gởi từ một trại giam người vượt biên nhờ người bạn chài mang ra đảo là những dòng di chúc của một đời người. Dòng thư tràn đầy hi vọng gởi về người yêu đã giúp Nương sống qua dèm pha dị nghị. Hẩm hiu hôm sớm với dì Nơi, Nương sinh con ra đời và phấn đấu làm mẹ chờ ngày vợ chồng cha con đoàn tụ.
Niên trở về ngơ ngác hồn ma bóng dại rồi chết. Những chiều bồng con đứng trên ghềnh đảo nhìn về phía cửa biển xa mờ nước mắt Nương lại tuôn tràn như ngàn hoa ngô đồng ràn rụa rơi. 

Tiềng khóc trẻ thơ cắt đứt dòng suy nghĩ  miên man của người mẹ. Nương sực tỉnh nhìn xuống đầm sông. Thuyền cá đêm khơi về đậu chật bến sông, bóng người lên xuống cân đo tấp nập. Nữ nâng bổng cháu cho ngồi lên vai khiến thằng bé thích quá cười lên sằng sặc.
- Thôi mình xuống bến là vừa rồi đó chị Nương. Tàu chợ sắp ra tới rồi. Chị nhớ cất thật kỉ địa chỉ của chị Nhi nghe. Cách tốt nhất là học thuộc lòng nó… Em đã bắt đầu nghĩ tới lần ra đảo thăm cháu rồi đây. Nửa muốn không gặp cháu, mà không gặp thì tiếc thì nhớ.
Nữ nói luôn miệng để ngăn nước mắt khỏi chảy ra thế mà lệ vẫn thành dòng trên má.
Lúc nàng bước ngược lên dốc cát thuyền cũng vừa tách bến. Nhìn dáng hai mẹ con chị Nương trong lòng thuyền đầy người mà sao quá lẻ loi. Như  thuyền ra cửa biển, chầm chậm cuộc chia ly.


Phan Thái Yên
(từ Căn Nhà Sau Cửa Biển)

No comments:

Post a Comment