(Với bác Lữ Lan tại DC, 13-9-2014)
Hôm 13 tháng 9 ở Washington DC, có một bạn đọc tham dự buổi ra mắt sách hỏi tôi “tuổi con gì” nhưng vì bận trả lời câu hỏi của nhà văn Trương Anh Thụy nên không kịp trả lời, và sau đó lại quên đi. Nếu không quên, tôi đã trả lời, “thưa tôi tuổi con thoi”.
Thật vậy, sau thời Vietnet 1990, bạn bè mỗi người chọn một cách sinh hoạt thích hợp cho mình. Có người lập ra tổ chức riêng và cũng có người tham gia tổ chức, đảng phái đấu tranh có sẳn từ trước. Nói chung, phần lớn tập trung theo đuổi một hướng đi mang tính tập thể. Thỉng thoảng anh em gặp nhau, nói chuyện dăm câu hay đàn hát vài bài, rồi ra đi ai làm việc nấy.
Tôi vẫn một mình, không tổ chức và không đảng phái. Mấy chục năm làm con thoi giữa nhiều thế hệ. Tôi tham gia hầu hết trại hè thanh niên, sinh viên và cũng tham gia rất nhiều sinh hoạt cộng đồng nơi thành phần tham dự đa số là những vị tóc đã bạc màu. Tôi đi khắp nơi để làm chiếc cầu cảm thông giữa hai thế hệ. Nhiều khi không dễ dàng và ngay cả chiếc cầu có khi cũng chịu nhiều trách móc. Không sao, chiếc cầu đã già đi theo năm tháng nhưng chưa gãy đổ.
Thực tế là vậy. Một sinh viên gốc Việt Nam lớn lên trên nước Mỹ, Úc, Đức làm sao hiểu được niềm u uất, hờn căm của những người đã phải chịu đựng nhiều năm trong các nhà tù CS. Tương tự, các bác HO không thể hiểu hết được những khát vọng hồng, những ước mơ xanh trong tâm hồn các thế hệ trẻ Việt Nam. Cả hai có thể cùng hô một khẩu hiệu “tự do, dân chủ”, cùng nói về “nhân quyền, cơm áo” cho nhân dân Việt Nam nhưng chưa hẳn đã hiểu những khái niệm đó trong cùng một cách giống nhau. Những ngày tháng đó thật khó khăn vì internet chưa phổ biến và cộng đồng người Việt chưa để ý nhiều đến các vấn đề biển đảo.
Trong buổi giới thiệu sách vừa qua ở Washington DC, tôi rất mừng khi các thế hệ cha chú đã đến với mình. Nhiều trong số họ là những người một thời mang trọng trách với sự thịnh suy của đất nước. Hầu hết nay đã vào tuổi 80.
Bác Lữ Lan phát biểu với phái viên Thanh Trúc của SBTN sau khi đọc xong Chính Luận mà ông mua từ Amazon “Đêm qua tôi thao thức, thế là qua từng trang, từng chương của cuốn sách này, và điều ước mong của chúng tôi là tất cả cộng đồng quốc gia mình phải xem qua cuốn sách này. Tại vì đất nước mình đã chịu nhiều thê thảm bao nhiêu quá lâu đời và bây giờ tôi cũng chưa thấy có dấu hiệu trong cộng đồng mình từ ngoại quốc cũng như trong nước có sự cải tạo tư tưởng để mình có thái độ thích nghi với hoàn cảnh. Ai cũng thấy địa ngục Việt Nam càng ngày càng trầm luân hơn. Tôi mong rằng đây là lời cảnh báo cuối cùng của tác giả Trần Trung Đạo. Quý vị nên đọc cuốn sách này và mỗi người sẽ tự chọn cho mình một thái độ thích nghi”.
Nghe bác nói, tôi chợt thấy sức sống diệu kỳ của dân tộc và cảm thấy đôi vai mình chợt nặng hơn khi nghĩ đến các thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai. Chưa quen trước hay gặp bác lần nào và bác Lữ Lan đến chưa hẳn chỉ vì tôi. Bác đến vì trách nhiệm. Thế nhưng, trách nhiệm đối với sự thịnh suy của đất nước Việt Nam, tương lai của dân tộc Việt Nam không chỉ phải đặt trên vai của những người lãnh đạo VNCH hay cựu quân nhân viên chức VNCH trước 1975, không phải đặt trên vai của những người Việt Nam ở lại trong nước hay ra đi ngoài nước mà là của tất cả những người mang dòng máu Việt Nam.
Các chú bác không ban cho tôi chức vụ, bỗng lộc nhưng ban cho tôi ơn phước của tổ tiên, niềm tin vào lịch sử và những lời khuyến khích chân thành.
Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, có lúc êm đềm và cũng lắm khi ghềnh thác nhưng không bao giờ ngưng chảy. Lịch sử là vũ khí, là hành trang căn bản trong hành trình tranh đấu cho tự do dân chủ, cũng như để xây dựng đất nước sau nầy. Lịch sử là niềm tin. Niềm tin không thể mua bán. Niềm tin không thể nghe theo. Niềm tin không thể giả dối. Mỗi chúng ta phải tạo dựng niềm tin cho chính mình bằng suy nghĩ và cảm nhận của cá nhân mình. Những người nhắm mắt làm theo, nhắm mắt đi theo không bao giờ đi trọn con đường được. Họ chỉ có thể đi trên những đoạn đường bằng phẳng không gai góc nhưng một khi có ghềnh thác hiểm nguy họ sẽ là những người đầu tiên bỏ cuộc. Niềm tin là tự nguyện. Không ai cho chúng ta vay mượn niềm tin. Lịch sử dân tộc cho thấy mọi sự vay mượn đều dẫn đến lệ thuộc. Lệ thuộc vật chất thì còn có thể thoát ra nhưng lệ thuộc niềm tin, lệ thuộc tinh thần sẽ dẫn đến nô lệ, vong thân, rất khó mà thoát ra được.
Giờ này các chú bác lẽ ra đang an hưởng tuổi già bên con cháu hay đang nhàn hạ trong một khu tịnh dưỡng dành cho bậc cao niên. Nhưng không. Các chú bác vẫn đến dù hôm đó phải đi trong mưa gió. Các chú bác tặng tôi một món quà quý giá, đó là trách nhiệm của thế hệ. Ngày mai tôi lại đi và hành trang của tôi cũng chỉ có thế. Cám ơn các chú bác đã cho con niềm hy vọng Việt Nam.
Trần Trung Đạo
No comments:
Post a Comment