Wednesday, February 29, 2012

Chợt Nhớ Về La Qua, Quê Ngoại - Luân Hoán



  Mẹ còn, quê ngoại trên vai,/ mẹ mất quê ngoại rớt ngoài mái hiên. Hai câu 6, 8 tôi vừa viết, ăn cắp trăm phần trăm nội dung của một câu ca dao, hay tục ngữ, mà tôi nhớ mãi không ra. Nhận định trên của người xưa rất chính xác trong trường hợp của tôi. Ra đời rồi trưởng thành ở những nơi không xa quê ngoại là bao. Nhưng ký ức về miền quê thân thương này trong tôi càng ngày càng mờ nhạt.
 <!--Read more -->
Mái tranh, sân đất, đống rơm, cây cau, cây mít, ngõ tre, bờ ruộng, dòng sông...là những hình ảnh chung chung, không làng quê nào không có. Sự khác biệt ở mỗi địa phương tùy theo cái hồn đất, cái tình người. Cái hồn đất có thể mơ hồ. Nhưng cái tình người quả nhiên có thật. Chẳng thể khi không nhớ về một bờ ao. Chẳng thể tự dưng hình dung ra một gốc đa làng. Sự gắn bó bắt nguồn từ tình cảm. Những chiếc rễ kỷ niệm mong manh nhưng bền vững, vẫn nuôi thơm trong lòng những cảnh xưa, chuyện cũ. Nhờ đó, dẫu tuổi thơ tôi không được may mắn mặn nồng nhiều với quê ngoại, tôi vẫn có thể bày ra trước lòng mình một ít hình ảnh thân thương, và bám víu lên đó để trôi ngược về một thời êm đềm xa xưa.

Mẹ đẻ tôi, người tôi gọi bằng má, sinh trưởng tại xã La Qua huyện Diên Phước phủ Điện Bàn. Một địa điểm, năm 1802, được chọn làm nền cho thành trì Quảng Nam. Cuối thế kỷ thứ XIX, sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi rõ về thành trì này: “ chu vi 489 trượng, cao 1 trượng 1 thước, có 4 cửa; hào rộng 4 trượng 5 thước, sâu hơn 7 thước...” Dù không biết chính xác đơn vị ‘trượng’ đo chiều dài là bao nhiêu. Tôi cũng hãnh diện hình dung ra cái bề thế, vững chắc của ngôi thành, mà chính mình đã từng ngậm ngùi:

cỏ cao quá đầu gối

nghênh ngang xanh góc trời

chống hồn làm gậy trúc


quẩn chân tìm dấu người

thành xưa rêu bụi loạn

chằng chịt vết thương đời

sờ nghe từng viên gạch

ngun ngút nỗi ngậm ngùi

người xưa hồn xưa khuất

thanh thản mây ngang trời

tì thân gò đất, mộng

tưởng nắm được tay người...

....

(CƠĐĐTT)

Cũng như nhiều gia đình người Việt khác, mỗi năm nhà ngoại tôi có nhiều ngày giỗ cùng những ngày Chạp mả, Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ... Ngày giỗ là ngày kỷ niệm những thành viên trong đại gia đình đã không còn sống trên thế gian. Để tưởng nhớ những người đã khuất mặt ấy, thường được tổ chức một cuộc cúng bái nghiêm trang, với lòng thành kính, thương yêu của con cháu. Lễ vật của một ngày giỗ thịnh soạn hay đơn sơ, tùy thuộc vào hoàn cảnh của gia chủ. Nhưng dù nghèo đến đâu, ngày giỗ cũng được thực hiện, ít ra với vài ngọn hương, hoặc với chỉ một tấm lòng kính tưởng. Ngày giỗ cũng là ngày qui tụ những con cháu, thận thuộc, vì cuộc sống đi đó đây, có cơ hội về gặp gỡ, thăm nhau. Trong bốn, năm năm liền, tôi có mặt đều đều trong các ngày giỗ chạp tại quê ngoại.

Má tôi là con thứ năm trong một gia đình dòng họ Nguyễn ở Điện Bàn. Họ Nguyễn này không dính dáng gì với họ Nguyễn của vua Gia Long. Cũng chẳng dây mơ rễ má gì với hàng trăm nhánh Nguyễn khác của đại đa số người Việt Nam. Bà cùng người chị, và người em gái không theo nghiệp làm nông với các ông anh. Bà chọn vào tầng lớp cuối cùng trong xã hội theo quan niệm người xưa: Sĩ, nông, công, thương. Và đi từ gọn nhẹ thúng gióng lên dần từng bước. Cuối cùng của rừng cũng trả lại rừng. Bà từ giã những tiêu, chè, quế cau...để trở về với tuổi già khi bước vào ngưỡng cửa ngũ tuần. Đất chôn nhau cắt rún, đã có dịp đỡ lại gót chân của đứa con, sau nhiều năm ngược xuôi tìm sống. Chị em chúng tôi nhờ đó biết được mặt mũi quê ngoại, khởi từ sau 1954.

Vào một mùa Chạp Mả, chúng tôi từ Đà Nẵng đi xe đò vào Vĩnh Điện, tên mới của đất La Qua. Xe chạy cà rịch cà tang, dừng lại nhiều nơi trên lộ trình chừng 20 cây số. Chúng tôi đến bến xe Vĩnh Điện gần 11 giờ trưa. Bến xe nằm bên trái theo hướng đi vào, tiếp sát quốc lộ số 1. Nhiều hành khách mới lên xe để đi vào Hội An. Cũng không ít người xuống xe để giao hàng, mua hàng ở chợ Vĩnh Điện, gần đó. Đám trẻ em bán quà vặt khá đông. Bánh mì, bánh ú, trái cây...đủ cả, nhưng rất khiêm nhường. Quà ở bến xe Vĩnh Điện tôi thích nhất là chả. Mùi thơm của lá chuối, mùi thơm của thịt bò thấm gia vị, đậu thật lâu trong răng, trong lưỡi. Đến bây giờ tôi vẫn hình dung được những lọn chả đáng yêu ấy. Mũm mĩm, thắm xanh bởi nhiều lớp lá, gói cột rất nghệ thuật.

Thường thường, nếu xe đò dừng sát bên đường trước bến xe, chúng tôi sẽ không xuống, mà chờ đi tiếp chừng ba trăm thước nữa để đến ngã ba Hội An. Buổi sáng về chạp mả hôm ấy, xe vào bến, đồng nghĩa với sự dừng bánh lâu hơn, nên chúng tôi xuống lội bộ. Vĩnh Điện lúc bấy giờ được xem như là một thị trấn. Tuy vậy ngoài những hàng quán chung quanh bến xe, sự buôn bán hai bên đường vẫn chưa đủ để gọi là một đoạn phố. Một nhà mở cửa hàng, ba bốn nhà kế tiếp đóng cửa im ỉm. Nhà chị Dần, con dì Bốn tôi nằm ngay ngã ba đường xuống Hội An, cũng là một quán hàng xén có bán kèm một ít món ăn và ít loại nước uống, không sót rượu trắng, rượu ba con mèo. Trước khi vào nhà ngoại, chúng tôi ghé nhà chị Dần. Chị vẫn vui vẻ, tươi trẻ như hồi ở với chúng tôi trên Tiên Phước. Chị là người thích chải chuốt, làm dáng. Răng có cái bịt vàng, lông mày như sợi chỉ, tóc chải phồng (không biết có ảnh hưởng phong trào đầu phồng đá lửa, ruột chửa kaki hay không ). Chị theo đúng mode người phụ nữ thập niên 50. Dì Bốn tôi đã qua đời, để lại cho hai anh em chị một ngôi nhà tương đối rộng rãi. Chị Dần trở thành chủ nhà thật sự thay vì người anh quá hiền lành.

Từ nhà chị Dần vào nhà ngoại tôi phải đi chừng hai trăm thước đường nhựa về hướng Hội An. Và ngay ngoài mặt lộ, chúng tôi đã nhìn thấy rõ ngôi nhà tranh, sân đất và những cây mít của ngoại. Tuy vậy, để đến nơi chúng tôi phải đi quanh qua, quẹo lại trên ba bốn bờ ruộng một hồi lâu. Đường đất thiếu dấu chân trâu nên không quá lầy lội, nhưng rất trơn trợt vì đang mùa mưa. Tôi xách đôi sandale trên tay, thực hiện đúng những kinh nghiệm có được từ hồi ở quê nội: ngón chân cái bấm mạnh xuống mặt đất, lòng bàn chân hơi cong lên một chút và bước đi dễ dàng. Chị Dần cùng theo vào. Chị đỡ chừng má tôi. Chị Kim Anh bước rất cẩn thận nhưng một vài lần suýt đo đất. Trong lúc em Hân, đi như là chạy, tỉnh rụi.

Nhìn từ ngoài xa, nhà ngoại nhỏ, nhưng đến nơi tôi thấy rất cao ráo rộng rãi. Nền nhà bằng đất nện cứng, cao cách mặt sân chừng nửa thước. Có khá nhiều cây cột bằng gỗ tròn màu nâu đen. Những cây cột này chia ngôi nhà thành ba gian. Gian giữa rộng nhất. Nằm sát vách gian giữa là nơi đặt bàn thờ. Tấm màn đỏ cũ mèm đã được vén lên hai bên, để lộ cái bàn thờ được xây bằng gạch khá lớn. Tôi nhìn thấy bộ tam sự bằng đồng thật to, đã được đánh bóng vàng rực. Không rõ con sư tử đã đứng trên nắp cái đỉnh từ bao giờ. Vẻ uy dũng của nó dừng mãi lại ở đấy đến muôn đời. Hai chân đèn đứng hai bên cái đỉnh khá cao, làm cho hai cây đèn sáp đỏ số 1 càng cao hơn. Tôi có khá nhiều kỷ niệm với những bộ tam sự thời ở Liêm Lạc. Đây là một tác phẩm đúc đồng có tính chất nghệ thuật rất gần với điêu khắc. Nhiều bộ tam sự được chạm trổ tinh vi. Mức đánh giá sự sung túc của gia đình thời xưa một phần có thể dựa vào những bộ tam sự họ thờ phụng.

Việc đầu tiên khi vừa đặt chân lên nền đất nhà ngoại đối với tôi đã quá quen thuộc. Vòng tay cung kính chào cậu Nuôi (tên tục của người anh má tôi) xong, tôi phải đến bàn thờ để ra mắt ông bà bằng một ngọn hương. Tôi phải đứng trên một cái ghế đẩu thấp, nghiêm chỉnh làm công việc này. Trên bàn thờ ngoại, tôi thấy có năm sáu bát hương. Bát hương to nhất đặt phía sau cái đỉnh đồng. Đó là một cái bát bằng sành trắng, có vẽ hình con chim phụng màu xanh. Số cát trắng đựng trong các bát hương cũng đã được thay mới. Trong một ống tre đựng những đôi đũa mun, tôi thấy có một đôi đũa tre. Một đầu của hai chiếc đũa này được vót thành một cái hoa. Những bó hương bọc giấy gương được đặt nằm ngay thẳng. Trong một thoáng, tôi nhìn vào khung ảnh ông bà ngoại.

Theo ảnh chụp, ông tôi ở vào khoảng 60. Râu tóc lơ thơ bạc. Gò má cao. Hốc mắt thăm thẳm nỗi mệt mỏi. Cái ghế ngồi, cái bàn bên cạnh tuy đi liền bên ông, nhưng tôi thấy có một chút gì đó cách biệt, ngụy tạo, không đồng nhất. Bà ngoại tôi có phần trẻ hơn ông tôi. Khuôn mặt đầy đặn với mắt, môi, mũi, cằm tỏa ra nét dịu dàng, khoan dung. Màu trắng đen của bức ảnh rất hài hòa làm cho chân dung bà tôi thật có thần. Tôi nhìn chăm vào khuôn mặt ông bà ngoại như muốn tìm ra sợi dây huyết thống. Những nét hao hao giữa ông bà và người mẹ thân yêu của mình tuy không rõ rệt nhưng quả thật có một sự liên hệ rất thiêng liêng. Tôi quẹt diêm, cúi đầu cắm vào bát hương một cây nhang.

Tôi chưa tập được thuần thục những động tác nghi lễ. Chắp hai bàn tay vào với nhau là chuyện dễ. Nhưng niệm làm sao, vái thế nào, cúi đầu mấy cái, tôi chưa được rõ ràng lắm. Cung cách quì lạy càng phức tạp hơn. Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa quì lạy lần nào. Những năm sau này, khi má tôi qua đời, ra ở riêng, tôi có lập bàn thờ. Hiện nay, tại Montréal, Canada trên bàn thờ nhà tôi có đủ chân dung bốn người sinh thành vợ chồng chúng tôi. Phải công nhận cái bàn thờ làm ấm ngôi nhà hẳn ra. Tuy vậy việc cúng vái, chủ yếu là do vợ tôi đảm nhiệm. Sắm lễ vật, nấu nướng, thắp hương đèn, rồi vái lạy, khấn xin...tất cả đều được vợ tôi chu toàn. Một đôi khi tôi đóng góp tấm lòng bằng cách quét dọn bàn thờ, thay nước trước khi cúng hoặc bày lên lễ vật rồi lảng đi qua phòng khác hoặc ngồi vào một góc. Cũng có lúc Lý nhắc, tôi đứng im sau lưng vợ, chắp tay, cúi đầu mấy cái. Dĩ nhiên, tôi cũng biết thắp hương, nhưng chỉ thắp suông mà thôi, không lẩm bẩm khấn vái cầu xin gì. Tôi cảm thấy ngại phải làm phiền người khuất mặt.

Còn gần nửa giờ là đúng ngọ, trong khi chờ nhà bếp nấu lễ vật, tôi và Hân được theo đám con cháu của ông bà ngoại đi đến những ngôi mộ nằm rải rác trong các đám ruộng phía sau lưng nhà. Lần này chúng tôi lội bùn nhiều hơn. Trời đã ngớt mưa. Nhưng cái lạnh có phần gia tăng. Hân tím cả môi, vậy mà nó không biết lạnh. Nó vừa đi vừa ngắt những những ngọn cỏ bên đường. Đoàn người đi hàng một qua các bờ ruộng. Hai người con trai cậu Nuôi cao lớn như tây và đẹp trai không thua dân thành phố. Họ vừa làm ruộng giúp cha, vừa dành thời gian làm thêm một công việc gì đó tại Hội An. Cậu Cửu Phòng có độc nhất một người con, mang tên Phòng giống cậu. Anh đi bộ đội. Không rõ trận chiến nào đã lấy mất của anh một cánh tay phải. Nhưng anh vẫn đi tập kết ra đất Bắc bỏ lại người cha đơn độc. Tôi đã có gặp anh Phòng một lần từ thời còn ở Tiên Phước.

Ngày chạp mả là ngày đi thăm mộ, rãy cỏ hoang trên các nấm mồ, đồng thời vun đắp lại những nơi đất trên mộ bị lún lở. Mỗi năm vào những ngày gần cuối tháng chạp, tập tục này đều được đa số gia đình thực hiện. Tôi và Hân trong buổi chạp mả năm ấy chỉ biết đứng xem. Cánh tay của chúng tôi còn ngắn lắm. Bàn tay chúng tôi da còn non xanh. Về quê ngoại để vui chơi, để cho thân mẫu mình được dịp tự hào có những đứa con trai, dù chưa làm nên danh phận gì. Về quê ngoại cũng là về với bất cứ làng quê nào của Việt Nam. Ở đó những câu hát ru em tràn lan trên từng ngọn lúa. Ở đó những chùm câu chuyện “ngày xưa...” còn treo trong mái hiên, chái bếp. Ở đó những khúc khích của các câu hò khoan ấm cả bờ ruộng:

Thiếp tới chàng chàng dọn một dĩa rau

hai bên hai củ hành tàu

ở giữa có con cá tràu nằm ngang

ăn vô cho thấu bụng nàng

thực bất tri kỳ vị, mới biết của chàng là ngon

(câu hát dân gian Quảng Nam)

Dĩ nhiên với cái tuổi 14, tôi chưa hiểu một cách văn hoa đến như vậy. Đâu đó một dĩa xôi, ít miếng bánh khô nổ, khô mè..lấp ló đã gọi tôi về cùng quê ngoại.

Trời lại đổ mưa, rất may chúng tôi đã hoàn tất việc tu chỉnh mồ mả, về đến nhà. Lễ vật đã được đưa dần lên bàn thờ. Cái phản lớn giữa nhà đã được trải chiếc chiếu Yến Nê tươm tất. Một mâm thau cỗ bàn đặt trên chiếu để cúng đất đai, một hình thức hối lộ ông bà thổ địa cho đón thân nhân về. Cậu cửu Phòng thay cậu Nuôi cúng vái. Má tôi đứng một bên, thỉnh thoảng rót thêm một chút nước vào các ly bên cạnh những lễ vật. Tôi biết chắc sẽ được gọi đến chắp tay cúi đầu nhưng cũng lẻn ra chái hiên. Trời vẫn mưa. Tôi ngửa cả hai bàn tay hứng những giọt mưa, từ mái tranh thòng xuống thành những dây nước trong suốt. Chẳng biết lúc đó tôi có nhớ về thời kỳ ở nhà tranh trên Tiên Phước không ? Những cơn mưa thời ấy thật ầm ĩ, ngoạn mục. Nhìn lên mái tranh nhà ngoại, tôi như gặp lại một người bạn thân quen. Xin phép được giới thiệu một chút về người bạn thực vật ấy. Tranh là một loại cỏ, tương cận với lúa. Lá to bản và dài hơn lá lúa chút ít. Tranh thường sống trong những rẫy hoang, hình như không ai trồng. Để có một tấm tranh lợp nhà, người ta cắt sát gốc tranh đem về phơi khô. Khi chín nắng, tranh từ màu xanh biếc trở nên màu vàng đậm. Người ta dùng những gốc tre già, chẻ thành nan. Loại bỏ bớt phần ruột của những nan này, chỉ giữ lại phần cật tre, là phần ngoài cùng của cây tre, để bảo đảm sự bền dẻo. Tôi không biết phải dùng bao nhiêu nan tre để “đánh” một tấm tranh. Và tại sao dùng động từ “đánh” để chỉ việc thực hiện sản phẩm dùng lợp nhà này. Ngôn ngữ Việt Nam thật phong phú. Giọng má tôi gọi cắt ngang những nhớ tưởng không đâu, tôi tiến đến bàn thờ ông bà ngoại.

Giờ cúng lễ đi qua. Bữa ăn chạp mả trong gia đình cậu Nuôi tôi thật vui vẻ thân mật. Những câu chuyện đời thường, những lời thăm hỏi cùng những cốc rượu trắng, khói thuốc rê một phần nào đã làm hương vị thức ăn thêm ngon miệng. Trong lúc ông bà ngoại tôi, cậu dì đã mất của tôi chỉ hưởng được chút khói phù du? Không đâu, họ đã nhìn thật rõ sự đầm ấm của đám con cháu. Đó là bữa ăn đích thực của họ. Tôi biết rất chắc một điều, con người sau khi chết chẳng về với suối vàng cũng chẳng lên cõi cao xa nào cả. Họ ở lại trong lòng những người còn sống, cõi vĩnh viễn nhất, chân tình nhất. Ngoại tôi, dì cậu đã khuất của tôi, những người tôi chưa bao giờ gặp mặt, nhưng thoáng thấy qua những tấm lòng của những người đang cười nói quanh tôi. Là một cậu bé, nhưng tôi cảm nhận được thật rõ niềm vui của mình qua sự ân cần, trìu mến của bà con quê ngoại.

Cùng về trong dịp chạp mả ở quê ngoại năm ấy, thế hệ tôi còn có chị Kim Anh, hai em Ba và Bông. Chị Kim Anh lúc nào về nhà quê cũng muốn tìm món khóm mít chấm muối ớt. Chị ghiền món ăn chơi này từ hồi ở Tiên Phước. Nhưng hôm ấy trời mưa, chị đành đứng bên ảng nước, ngó vu vơ lên những nhánh cây xanh ướt sũng. Chẳng biết chị có nghĩ gì về loại cây ăn quả thân có nhựa và mủ này không. Riêng tôi, cũng chơi rất thân với cây mít. Xin thêm một lần miên man. Người bạn này của tôi với vóc dáng không đồ sộ lắm, nhưng lá cành đủ che mát một góc vườn. Dù biết nhánh mít dòn, dễ gãy, nhưng tôi đã nhiều lần leo lên, hái lá chằm cho mình cái mũ cánh chuồn, chễnh chệ làm quan giữa đất trời trong chốc lát. Một điều rất đáng ngạc nhiên, cành lá mít khá rậm, nhưng ít có loại chim làm tổ. Hẳn không phải vì những quả mít xù xì đầy gai nhọn. Một hình thể thô kệch che chở những múi vàng thơm ngọt bên trong. Ở nhà quê một thời cây mít là niềm tự hào của những nhà giàu. Trên phần đất thi ca Việt Nam, cây mít cũng không ngần ngại bén rễ. Rất tiếc chị Kim Anh đứng nhìn cây mít không để làm thơ. Có chăng là một nỗi nhớ tưởng nào đó vừa đến với chị.

Ba và Bông là hai cô gái con dì Quyên, em ruột má tôi. Dì Quyên chính là người chăm nuôi chị Hạc, người chị cùng một bào thai với tôi, trong nhiều năm. Chị tôi suy tính trước sau, sợ đời hành hạ chuồn mau về trời. Dì Quyên chậm bước hơn, nhưng cũng đã ra người thiên cổ từ lâu. Ba, cô con gái lớn của dì nhan sắc mặn mà hơn cô em. Cả Ba và Bông đều lớn tuổi hơn chị Kim Anh một chút. Trong thời kỳ kháng chiến, Ba ở lại Vĩnh Điện, trong lúc Bông theo gia đình chúng tôi lên sống ở Tiên Phước. Bông là cánh tay mặt của má tôi trong việc tảo tần cho đến ngày bà bị tịch thu gia sản. Với Bông, đương nhiên tôi có nhiều kỷ niệm. Mặc dù lớn xác lớn tuổi hơn, nhưng ở vai em nên luôn luôn nhỏ nhẹ với ông anh nhí.

Vào năm 1968, Ba và Bông đều về nhà chồng. Bông đi buôn theo xe đò. Ba dựng nhà gần cầu Thanh Quýt. Chồng Ba là một nghĩa quân hiền lành, cầm súng bám rễ ở vườn nhà. Nhưng rồi một sáng tinh mơ Ba vướng phải một quả lựu đạn gần cửa bếp. Anh nghĩa quân mất vợ sau một đêm nằm kích bên đầu cầu, nghe rất rõ tiếng lựu đạn ở hướng nhà mình, không xa trên năm chục thước. Bây giờ nền nhà gần cầu Thanh Quýt đó hẳn còn. Người gài trái lựu đạn hy vọng vẫn còn sống. Có lẽ người ấy cũng đã nhiều lần qua lại nơi mình lập công. Bằng khen từ cái chết của Ba, từ những cái chết dễ dàng tương tự hẳn vẫn còn được treo ấm nhiều nhà. Cái Bông không biết bây giờ đã ra sao ?

La Qua Vĩnh Điện quê ngoại tôi, sau cái ngày chạp mả ấm áp ấy, tôi còn về thăm rất nhiều lần. Nơi đây không chỉ là đất của một phần cội rễ tôi. Mà còn là quê hương của rất nhiều người tôi thương mến. Những bút danh mượt mà đã cho tôi những người bạn. Với Nguyễn Thị Liên Phượng tôi có Nguyễn-Nho-Sa-Mạc-Nguyễn-Nho-Bửu. Với Hoàng Thị Bích Ni tôi có Nguyễn Phú Long. Và Hồ Luân, Nguyễn Nho Nhượn, Mạc Phụ Đinh Trầm Ca...những người từng đem lại cho thị trấn Vĩnh Điện một thời óng ánh trên sách báo. Hơn thế nữa, tôi còn có ở đấy một người thầy từng dạy Pháp ngữ cho tôi, thầy Trần Tấn. Lòng mắt kính thầy dày lắm. Giọng nói thầy trầm lắm. Tôi nhớ rõ, nhớ đủ. Nhưng tất cả đều đã trôi qua.

Tháng 8 năm 2002, ngày 23, tôi có về ngang La Qua Vĩnh Điện. Sao lại chỉ về ngang ? Vâng, chỉ chạy ngang mấy phút trong cái nhá nhem chạng vạng. Hôm ấy, theo chương trình, vợ chồng chúng tôi cùng các em vào thăm Hội An. Chuyến đi qua ngã Ngũ Hành Sơn. Chuyến về qua ngã lò gạch Thanh Hà để ghé về quê ngoại. Nhưng một sự cố trên đường về đã phá hỏng dự tính. Vài chiếc xe gắn máy quá phân khối của đám em chưa có bằng lái đã cản trở chúng tôi. Những anh công an đã dễ thương hơn thời thập niên 80 rất nhiều. Chỉ buồn thời gian chờ xử lý quá lâu, không còn đủ cho chúng tôi một chuyến tạt ngang. Lý do để bào chữa này hoàn toàn khó chấp nhận, nhưng cũng là một lý do cụ thể. Ngôi nhà ngoại, tôi không thấy. Ngôi nhà chị Dần bên đường cũng rất lờ mờ trôi tuột sau lưng. Một ít ngày còn lại, tôi đã không biết linh động, cứ theo chương trình đã định sẵn. Quê ngoại không nằm trong ân cần tha thiết của tôi. Một người không có tấm lòng như vậy còn màu mè viết những gì bây giờ ?

Dù xa cửa ngõ cũng xa, dù gần Vĩnh Điện La Qua cũng gần. Câu ca dao tôi từng được nghe nhà hàng xóm ở Liêm Lạc hát ru con ngày nào chợt phảng phất trong trí nhớ. Vĩnh Điện, La Qua là hai tên gọi của một con đất. Sự xa, gần được so sánh ngay trong một đơn vị địa lý. Xa đó mà gần đó. Gần đó mà xa đó. Khoảng cách tùy thuộc ở mức độ thân tình. Tôi hiện cách xa quê ngoại hay vẫn cận kề ? Xa thì đã quá xa nhưng đâu dễ quên con đất đựng những câu hát chơi chữ tuyệt vời, ý nhị:

Con gái La Qua, qua đường qua chọc

biểu em đừng, đừng có la qua

(ca dao Quảng Nam)

Bây giờ là 8 giờ 12 phút sáng thứ sáu ngày 02 tháng 12 năm 2005. Đám học sinh tiểu học trên sân trường bên kia đường Charleroi vừa mang cặp vừa chạy vào vị trí xếp hàng. Trời bắt đầu rơi tuyết. Những nụ tuyết trắng lấm tấm như những con thiêu thân bay rối rít tán loạn, dần dần trở thành những dòng nước lí lắc dọc ngang. Neige fondante. Đám học sinh đang nối đuôi nhau vào lớp. Đèn giao thông ngã tư Armand Lavergne-Charleroi đổi màu đỏ. Dòng xe ngừng lại. Một chiếc xe cảnh sát đồn 40 dừng cạnh trạm chờ xe buýt. Mấy chiếc ghế dài trong công viên trống không. Buồng điện thoại công cộng đứng gần lặng lẽ. Tôi rời ghế, bước hai bước tới cửa sổ, thuận tay sửa lại dây đèn trang trí Noel. Bốn con nai nhựa còn lấp lánh ánh điện vàng trên kính cửa. Tôi nhìn xuống. Chiếc Acura của Bách nằm ngoài tempo, tuyết chạm ướt nhưng không đậu lại. Thật là vô duyên, tôi đang nghĩ, đang viết về quê ngoại sao bị chi phối thế này ? Trở lại bàn, mó tay vào con chuột, chợt nhớ mình bỏ sót chuyện đã cùng Đynh Hoàng Sa, lần mò hỏi đường đến thăm nhà một nữ sinh trường Nguyễn Duy Hiệu. Thoan, tên cô học trò, một nàng thơ của Sa ngày ấy. Từ chân cầu Vĩnh Điện phía Đà Nẵng, đi dọc theo dòng sông, nhà của Thoan ở trong một vườn cây đẹp. Tội cho ông thầy lãng mạn, chỉ dám đi ngang mà không dám vào. Tôi đề nghị dán một bài thơ ngoài ngã ba gần nhà. Sa ngại gió bay vào nhà khác. Anh chàng vừa đi vừa nuốt thơ vào trong bụng. Buổi chiều Vĩnh Điện đẹp biết bao. Nguyễn Nho Sa Mạc từng đem vào thơ. Có cả người mang vào nhạc. Hình như là ông nhạc sĩ Từ Huy đang ở Sài Gòn. Ông này trông thật giống Hồ Luân con bác Hồ Dầu ở ngã ba Hội An Vĩnh Điện ngày nào. Bạn Luân đừng trách tôi gọi tên bác nhé. Gọi để nhớ ấy mà. Nhớ bất kỳ một thứ gì của La Qua Vĩnh Điện một thời đã ghé vào lòng tôi. Thèm đọc lại bài thơ của Nguyễn Nho Sa Mạc để nhìn rõ nơi Anh đứng tựa lũ cột đèn châm thuốc, rất vô tư nhìn năm tháng thay màu (thơ NNSM). Nơi ấy hẳn nhìn được ngã xuống Hội An, ngã ra Đà Nẵng, ngã vào Câu Lâu và cả ngã vào giấc mơ của một người yêu đời. Nơi ấy, nhìn kỹ đi La Qua Vĩnh Điện, có thấy gì không, thấp thoáng một bóng tôi.

Luân Hoán
(Quá Khứ Trước Mặt)

No comments:

Post a Comment