Tuesday, May 17, 2011

HUYỀN và VÂN

PHƯƠNG-DUY TDC
     *
Chiếc xe Jeep nhà binh dừng lại trước cửa quán cà phê “không tên” nằm ở thị trấn Chu Lai.
 Huyền ngồi sau quầy thu ngân đang thối tiền lại cho khách. Nhìn ra cửa, thấy khách quen, Huyền quay sang nói với cô em gái  tên Vân đang đứng phía sau:
“Vân, ngồi quầy, thu tiền giúp chị... lẹ lên!”
Vân vừa ngồi vào thế chỗ, Huyền bước nhanh ra phía xe vừa đổ. Mau miệng và nở một nụ cười thật tươi:
“Chào Trung Úy...”
“Chào người đẹp. “Úy”với “Tá” gì, xin gọi thân mật... anh, em...tiện hơn!”
“Vâng, mời “anh” vào.”<!-- Read more -->
Tuy còn sớm lắm ,mới sáu giờ sáng, nhưng quán cũng đã đông khách. Huyền hướng dẫn Phương đến một chiếc bàn  trống ở phía góc phòng gần lối đi xuống nhà bếp.
“Anh dùng gì?”
“Như thường lệ, cho anh một cà phê phin thật nóng,  một điếu thuốc lá “ba con 5.”
Từ ngày đơn vị của Phương di chuyển về hoạt động gần căn cứ Chu Lai này, Phương một lần được người bạn đồng khóa đang giữ chức vụ chi khu phó tại chi khu Lý Tín gần đấy,  rủ chàng đi uống cà phê tại quán này. Mới vào uống cà phê ngày đầu tiên,  Phương bị “cú sét ái tình”vì không ngờ nơi này... lại  có “người đẹp” liêu trai đã hớp hồn chàng sĩ quan trẻ độc thân.
Mà không phải một mỹ nhân màcó đến hai người đẹp!
Ngồi nhâm nhi ly cà phê, rít vài hơi thuốc lá, qua những vòng khói thuốc tỏa ra, Phương nhìn cô chủ quán trẻ, tóc xõa ngang vai, mặt mũi xinh xinh và bên cạnh, một cô em gái trông thật nõn nà, thanh tú. Phương nhìn mãi, nhìn mãi... quên cả điếu thuốc lá cháy hết làm nóng hai đầu ngón tay chàng. Cốc cà phê đã nguội từ lúc nào. Nhìn điếu thuốc, trông ly cà phê, Phương tự phê bình mình “Trung Úy lạc vào mê hồn trận rồi?”.

    Ngày xưa, “căn cứ Chu Lai” này có địa danh An Tân,  chỉ là một thôn làng nhỏ quê mùa, mênh mông những  bãi cát trắng hoang vắng,  có cây cầu mang tên An Tân, một  phía về hướng đông  quay ra bờø biển Thái Bình Dương, thuộc xã Kỳ Hòa, làng chài lưới, đánh cá, hướng tây gặp quốc lộ 1 là xã Kỳ Sanh, dân làm ruộng rẫy, khai thác lâm sản.
 Không biết  căn cứ vào sử sách nào lại có tên cúng cơm Chu Lai, xuất phát từ đâu mà mấy“ông Mỹ” sống bên kia bờ Thái Bình Dương lại gọi miền đất này là Chu Lai. Tên mới này nghe cũng hay hay mà người ngoại quốc phát âm cũng dễ không phải uốn lưỡi trẹo họng nữa. Tên này nổi danh trên thế giới ngang với địa danh Mỹ Lai của tỉnh kế cận.
Dân địa phương lúc mới nghe tên Chu Lai do Mỹ gọi đã khôi hài nói với nhau:
“Không ngờ Mỹ cũng biết “nói lái” như người Việt mình nhỉ! Thì Chu Lai là chai với lu đó, nơi đây xứ đất cát nóng bỏ xừ, thiếu nước phải dùng “chai” và “lu” chứa nước dự trữ để giải khát!”
Thời gian  ngắn sau khi quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên đất này, một căn cứ quân sự đồ sộ, có bến tàu hiện đại , có sân bay dành cho  những vận tải  cơ khổng lồ và phản lực cơ  siêu thanh chiến đấu  hiện đại lên xuống và những đường sá tráng nhựa  rộng rãi được hình thành một cách mau lẹ như đũa thần của Bà Tiên trong truyện thần thoại.
Các tiệm ăn, các quán bar, các địa điểm giải trí, buôn bán, quán giải khát, quán cà phê... từ cầu An Tân đã hình thành dọc thẹo hai bên quốc lộ cho đến gần khu quân đội đồng minh trú đóng. Tổng hành dinh của Sư đoàn bộ binh Hoa Kỳ “ Americal Division”, các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, Thiết Giáp, Pháo Binh...đồn trú quanh vùng rộng lớn này.
Kinh doanh thuộc loại lành mạnh như nơi chơi bi-da, đánh bóng bàn, đấu cờ ngựa, cờ tướng, còn thuộc loại không lành mạnh là những nơi chứa xì ke, ma túy, cần sa, nơi bán chui vật dụng mua từ “PX” trong doanh trại, nơi bán, mua MPC ( gọi là Đô La Đỏ, Military Payment Certificate) và nhất là vô số động đĩ để phục vụ lính đồng minh, lính bản xứ, không phân biệt chủ lực quân, địa phương quân, nghĩa quân, cán bộ xã ấp, cán bộ xây dựng nông thôn,  ...và những ai có nhu cầu chuyện “ấy”, kể cả “lính cụ Hồ”.
Một ngày kia, một em nhỏ trai bảy, tám tuổi, đến văn phòng quận “báo cáo” có một tên Vi Xi đang nằm ngủ mê mệt trong một động đĩ. Nhân viên chi khu  được lệnh bao vây và tóm cổ tên “hủ hóa” này.
 Tên này khai, từ ngày dậy thì đến nay, sung vào bộ đội trên rừng núi cao, chưa biết “cái vụ” này mà nghe bạn bè, đồng chí  chung quanh cứ cười cười, nói nói một cách “bí mật” câu “nhất đĩ, nhì cao lầu”, nên hôm nay được phái đi “do thám” căn cứ Chu Lai, nên tên này  “thử” món lạ này “ngon như thế nào”, vì món nhì là “cao lầu” tên này đã biết là “ngon lắm” rồi.
 Nghe lời tự khai của tên cán binh Vi Xi này, Trung Úy sĩ quan ban 2 chi khu không nhịn cười được và hỏi tên địch:
“Sau khi anh làm cái “vụ” đó, anh có cảm giác gì? có “ngon” như các bạn anh nói không?”
“Thưa Trung UyÙ,  đúng, “ngon và lạ nữa.”
“Anh có muốn khai gì thêm không?”
“ Dạ có. Bây giờ, xin Trung Úy tha cho em.... Em xin tình nguyện “ra chiêu hồi”. Sau khi giam giữ và đưa vào trại huấn luyện cán binh hồi chánh một thời gian xong, em ra “đời” cưới vợ và làm ăn lương thiện.”
Trong chiến tranh vừa qua có những  câu chuyện xảy ra có tính cách khôi hài như vậy. Làm cho những quân nhân cũng có lúc vui lúc buồn khi phục vụ trước lằn tên, mũi đạn hàng giờ, hàng ngày, hàng đêm.
    * *
Phương ngày nào rảnh rỗi cũng ra quán gặp hai chị em của “ quán Không Tên”.  Cô chị tên Huyền, hai mươi hai tuổi. Sau khi thi hỏng tú tài phần thứ nhất thì nghỉ ở nhà. Sau đó thấy hàng xóm chung quanh mở tiệm làm ăn khấm khá nên cô cũng mở tiệm bán cà phê. Quán của cô cà phê pha rất ngon  thơm  và đậm đà hơn nhiều quán khác. Nhưng theo Phương, khách bị yếu tố tâm lý chi phối vì hai chị em chủ quán trông xinh đẹp và có học thức. Quán cà phê được khách tặng cho mỹ danh “Cà phê Không Tên”  vì trước cửa quán chỉ ghi hai chữ “cà phê” và bên cạnh có ghi số nhà bằng cỡ chữ nhỏ hơn. Có người lại bảo vì cô chủ quán thích  mở  máy magnétophone cho khách thưởng thức âm nhạc hàng ngày  với độc nhất một tape nhạc gồm các bài hát  “Bài  Không Tên số...”  đang thịnh hành của nhạc sĩ Vũ Thành An.
Cô em, tên Vân, mười tám tuổi đang học lớp  sắp  thi Tú Tài.
Dưới mắt  Phương, cô Huyền đẫy đà và nẩy nở nên trông “sexy” hơn.  Cô Vân, có lẽ còn đi học nên lo bài vở học ở trường, trông hơi gầy gò và ngây thơ. Phương tham lam nên chọn cả hai đồng hạng nhất.
Hai chị em cô chủ quán cũng biết Phương có cảm tình với  cả hai chị em. Tuy vậy không cô nào muốn được độc quyền vì hiểu con tim có lý do của nó.
Một hôm, Vân có việc phải ra thành phố Đà nẵng. Huyền ngại để Vân lần đầu đi xa một mình nên ướm thử ý của Phương:
“Ngày kia, Vân phải ra Đà Nẵng bằng xe đò. Em ngại lần đầu, Vân một mình đi xa. Anh Phương thấy có nguy hiểm gì không cho em Vân ?”
“Nếu sáng đi, chiều về... thì không có gì phải e ngaiï cả.”
Vân buộc miệng”
“...em.....”
Phương đỡ lời:
“Lâu lắm anh chưa về thăm Đà Nẵng, có thể anh về một ngày thôi. Nếu Vân muốn thì anh sẽ mặc  quần áo “civil” đi xe đò cùng Vân  để làm “ garde corps” cũng tiện thôi.”
Mà đúng nghĩa “garde corps” thật. Tuyến đường này, ban ngày tuy nằm trên quốc lộ 1, trục giao thông chính, nhưng cũng có những đoạn  hoang vắng thỉnh thoảng cũng bị du kích Việt cộng nằm vùng ra đón đường bắt lính. Nên quân nhân dùng phương tiện đi xe đò thường ngụy trang bằng quần áo dân sự và đem theo vài quả lựu đạn M 26 hoặc súng ngắn hộ thân. Đi với người đẹp tên Vân, Phương cũng không quên bỏ vào trong túi xách mấy quả lựu đạn và nhét vào túi quần sau một khẩu Colt 12 cùng nhiều băng đạn xơ cua.
    
Lần đầu tiên đến một thành phố lớn và xa lạ trông Vân rụt rè và chú ý nhìn mọi cảnh lạ bày ra trước mắt nàng. Sau khi đưa Vân đến chỗ Vân phải đến xong. Phương đưa Vân đi ăn cơm trưa ở nhà hàng Thời Đại, nổi tiếng  từ lâu với món khai vị “consommé froid”, món “beefsteak saignant”, món “salade” trộn dầu giấm. Còn thừa nhiều thì giờ vì chuyến xe đò từ Đà Nẵng về lại Chu Lai sẽ khởi hành lúc 3 giờø chiều. Nên Phương rủ Vân đi bát phố để quên thì giờ phải chờ đợi sốt ruột và cũng để Vân biết Nhà Thờ Nhà Nước, Bảo tàng viện Chàm, trường trung học Phan Châu Trinh, trường trung học Pháp  Blaise Pascal, trường trung học tư thục  Sao Mai, tòa Thị Chính, Nhà Bưu Điện thành phố và khu Chợ Hàn. Thấy người đẹp đi bách bộ e mỏi chân, Phương  đưa Vân vào tiệm sách Lam Sơn để chàng mua vài cuốn truyện mới xuất bản, đem về đơn vị đọc. Vân cũng chọn mua vài cuốn sách giáo khoa và truyện ngắn. Phương trả tiền cả hai. Sau đó, hai người ghé qua tiệm bách hóa Phúc Thái Sinh gần đó, Phương mua  tặng Vân hai đôi guốc cao gót hiệu Dakao sản xuất tại Saigon. Vân cảm động khi nhận món quà Vân rất thích mà túi tiền ít ỏi của một nữ sinh tỉnh lẻ không dám nghĩ tới.
Hai người đi theo  đoạn đường ngắn dẫn ra bờ sông Hàn.
Lần đầu tiên, Vân ngồi trên ghế đá công viên bên cạnh một người khác phái, nhưng nàng vẫn yên tâm. Những hàng cây phượng vỹ trồng dọc theo bờ sông Hàn hoa trổ đỏ cả góc trời. Nhìn ghe thuyền, tàu bè tấp nập qua lại, Vân nghĩ đến một ngày nào đó khi học hành xong, có người tình... rồi tay trong tay dạo chơi bãi biển Thanh Bình, Mỹ Khê... ngắm cảnh năm cụm  núi  Non Nước “Ngũ Hành Sơn”.
Trèo lên “đường lên Trời”, chui xuống “ hang Địa Ngục” tay trong tay bên người yêu. Thật lãng mạn!
Mộng tưởng tương lai bao giờ cũng đẹp. Nhưng nhìn ngoài xã hội bao cuộc chia tay khi “giấc mộng lớn hơn” thay dần “giấc mộng  đơn sơ ban đầu”, hay “giấc mộng con”.
Phương nhìn đồng hồ thấy gần đến giờ... nên bảo Vân chuẩn bị đến bến xe.
Vân đứng lên, nói với Phương:
“Xin anh cho em hôn anh một cái hôn nơi má của anh để cám ơn anh, như một người anh trai đưa em gái đi du ngoạn. Chuyến đi này là một kỷ niệm thơ mộng đầu đời của em”.
Phương cũng tặng cho Vân một nụ hôn trên má và im lặng nhìn ra chân trời xa nơi bán đảo Sơn Trà.
   **
 Sau chuyến đi Đà Nẵng “vô sự” đó, Vân  cảm nhận Phương đã chấm điểm  lại  cho hai chị em nàng.  Vân cũng nhìn Phương với tấm lòng quý mến hơn và nàng  sẽ tìm mọi cách  để  tạo điều kiện để chiếm “độc quyền  Phương của nàng” dù là với Huyền, người chị  thân  mến nhất của nàng.
Phương bây giờ cũng nhìn lại và đánh giá Vân khác hơn sau khi nhiều lần chàng ngắm Vân. mặc chiếc áo dài mầu thiên thanh mà Vân cho biết mới may hôm Tết nguyên Đán,  làm cho Vân nổi bật hơn ngày thường trong chiếc áo trắng đơn sơ đồng phục của mọi nữ sinh trung học tỉnh lẻ.
Chiếc  áo  mới  và đồ lót bên trong đã đưa cồn ngực nàng trông nẩy nở hơn. Nàng cũng biết trang điểm khi đi ra ngoài phố lạ, thoa lên má có làn da như trứng gà bóc một chút phấn hồng làm khuông mặt hình trái xoan của nàng trông  khác hẳn. Mùi thơm thoang thoảng của nước hoa hồng  từ thân thể nàng tỏa ra rất  hợp khứu giác của Phương. Chiếc sandal cao gót cũng làm dáng đi của cô nữ sinh uyển chuyển hơn ngày thường với đôi guốc và đôi dép nhật mang ở nhà, ở quán cà phê.
Vân không còn là một  nữ sinh gầy gò, ngây thơ như cảm nghĩ của chàng lúc mới gặp nàng. Nàng cũng tiềm ẩn một thân thể sắp nẩy nở đầy đủ, cũng “sexy” như một thiếu nữ xuân thì khi có một tình nhân bên cạnh.
Ngồi trên xe, Phương cầm tay Vân áp  lên tay chàng và âu yếm nói với người bạn bé nhỏ ngồi cạnh:
“Lần này về lại nhà, Vân phải chú tâm và cố gắng học hành hơn nữa. Từ lâu nay, anh quá lơ là chưa giúp gì cho em trong việc học hành cả. Anh sẽ kèm em học văn chương, khoa học và sinh ngữ để em xuất  sắc trong kỳ thi này. Ve đã gọi hè, phượng đã trổ hoa. Vân sẽ có một hạnh phúc đơn sơ gần kề như Vân hằng mơ ước.”

©PHƯƠNG-DUY TDC 
 
Ghi chú : “Cao Lầu” là tên một món  “mì gỗ” xá xíu chỉ thấy bán ở phố cổ Hội An. Hương vị loại mì này khác hẵõn món Mì Quảng, hoặc Mì Xá Xíu của người Trung Hoa cũng bán ở cùng phố  cổ này.
Nếu  ai đã ăn quen sẽ thấy món ăn này ngon , hương vị đặc biệt và đôi khi nghiện nữa. Người dân ở nơi khác chỉ ăn một đôi lần, có thể chưa cảm nhận ngon hay dở.
Thập niên 1970, món “Cao Lầu” này đã do nhiều dân Quảng Nam sống tại Khu Bảy Hiền tại thành phố Saigon, nấu bán ở chợ “Bà Hoa”, nhưng không ngon hoặc đúng  y “gout “(gu) gốc. Hiện nay, “Cao Lầu” cũng theo dân Quảng Nam ra hải ngoại, nhưng kém ngon  và “lai” nhiều  vì không có “mì gỗ” chính gốc là sợi mì  làm bằng bằng bột gạo nhồi  với chút nước tro củi Cù Lao Chàm, một hải đảo thuộc vùng biển Quảng Nam, sau đó đem hấp chín rồi thái ra thành sợi cỡ bằng sợi phở, sợi mì Quảng.
Theo nhu cầu của người tiêu dùng tại hải ngoại, hiện nay Hội An có xuất khẩu món “mì gỗ sấy khô” dùng nấu món “Cao Lầu  hải ngoại” cũng khá ngon. Riêng món “Cao Lầu Hội An chính gốc”, bây giờ là món ăn “đặc sản” của cư dân phố cổ và được  ăn hàng ngày  vì rất hợp túi tiền và khẩu vị của nhiều người kể cả  “Tây, Đầm Ba Lô” đang du lịch  hoặc làm việc  tại phố cổ.
 Một số du khách Việt Kiều cũng “ăn thử cho biết” nhưng không cho biết ngon, dở vì lý do khẩu vị và lịch sự.
Riêng một số  du khách người Nhật  Bản thì  tự nhận món mì này từ xa xưa có “gốc”  ở bên nước họ nên bây giờ họ ăn thấy ngon (có lẽ do một lý do nào đó?).

No comments:

Post a Comment