Tuesday, February 18, 2014

Nhạc sĩ - nhà giáo Vũ Đức Sao Biển - Quỳnh Nga - Bùi Quang Tú




Nhạc sĩ - nhà giáo Vũ Đức Sao Biển.








Khi tôi đặt vấn đề muốn viết chân dung người thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ông tròn mắt, nửa ngạc nhiên, nửa xúc động. Từ trước đến nay, người ta phỏng vấn ông chỉ toàn về âm nhạc, tiểu thuyết Kim Dung, cuộc đời làm báo... Mấy ai để ý đến công việc đứng trên bục giảng? Có thể, công việc ấy không mang đến cho ông tiếng tăm, nhưng ông bảo, đó là cái nghề đầu tiên và cũng có thể là sau rốt của đời mình.

1. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là thầy của tôi. Năm cuối trên giảng đường đại học, thầy dạy chúng tôi môn học khá thú vị: "Tạp văn và tiểu phẩm". Các buổi học luôn rộn tiếng cười với các tiểu phẩm trào phúng và thơ châm biếm. Nửa chừng căng thẳng, thầy trò lại thay nhau ca hát, ngân nga "Thu, hát cho người", "Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang", "Điệu buồn phương Nam"… (có nhạc đệm từ máy tính hẳn hoi). Ai đó đi ngang, đinh ninh lớp này đang tập văn nghệ chứ học hành gì. Có lẽ bởi thầy là nhạc sĩ chăng? Vậy mà nhờ cách dạy "không đụng hàng" của thầy, chúng tôi hiểu bài khá nhanh.
Tôi xa trường, tình cờ thầy trò gặp nhau, lại tay bắt mặt mừng. Em đi làm báo rồi à? Vậy là đồng nghiệp của thầy rồi nhé. Chợt bùi ngùi khi thầy hỏi thăm sinh viên cũ. Bè bạn xưa giờ mỗi đứa một nơi. Thầy bảo, thầy vẫn thường gặp chúng tôi qua các trang báo, chương trình truyền hình, phát thanh… Thấy từng cái tên, gương mặt, giọng nói của học trò, thầy coi đó là niềm hạnh phúc. Học trò của thầy trưởng thành nhiều lắm!
Còn thầy, vẫn thế. Hai cơn đột quỵ vì tai biến không lấy đi sự nhanh nhẹn, hóm hỉnh ở cái tuổi 64. Có chăng, mái tóc thêm sợi bạc và cái dáng gầy hơn trước. Bây giờ, ngoài cộng tác thường xuyên cho báo Tuổi Trẻ Cười và Thanh Niên tuần san, thầy vẫn là giảng viên thỉnh giảng môn "Tạp văn và tiểu phẩm" và "Tường thuật chuyên ngành văn hóa - nghệ thuật" của Khoa Báo chí - Truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp HCM. Hỏi thầy còn "tập văn nghệ" như hồi dạy tụi em không? Thầy lắc đầu, cười hiền như ông Bụt: "Cũng muốn lắm chớ. Nhưng theo kịp giáo trình đã muốn hụt hơi, thì giờ đâu mà hát với hò nữa".
2. "Mười tám tuổi tôi xách chiếc va-ly nhỏ trong đó có tấm bằng tú tài, vài bộ đồ và một chiếc đàn violon, rời Quảng Nam vào đất Sài Gòn. Tôi đi về phương Nam vì lòng lỡ yêu câu hát: "Trăng phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu Long/ Nước chảy con thuyền xuôi dòng/Hòa những tiếng hò ấm lòng". Hình như đó là ca từ trong một ca khúc của nhạc sĩ Hồ Đình Phương. Tôi là người ham chơi, lãng mạn đi tìm vầng trăng phương Nam, tiếng hò phương Nam hơn là đi học".
Bốn năm sau, chàng trai tốt nghiệp cử nhân Triết học Đông phương (Đại học Văn khoa) và Việt - Hán (Đại học Sư phạm Sài Gòn) vào giảng dạy dưới mái trường Trung học công lập Bạc Liêu. Thầy chọn Bạc Liêu bởi câu chuyện thuở ấu thơ thúc giục bước chân trai trẻ giang hồ: Bạc Liêu ruộng đồng thẳng cánh cò bay, nổi tiếng với giai thoại về công tử Bạc Liêu qua lời kể của cha. Thầy nhớ lại: "Tháng 10-1970, tôi đặt chân xuống bến xe thị xã Bạc Liêu. Lúc này thì "gia tài" của tôi có khá hơn: Một chiếc valy, hai chứng chỉ tốt nghiệp đại học, hai cây đàn. Trời lại mưa. Tôi đứng nép vào mái hiên của một ngôi nhà cổ khá lớn với hy vọng mong manh chờ cơn mưa tạnh, có thể kiếm ra một chỗ nào đó treo bảng cho ở trọ. Bỗng nhiên, cánh cửa lớn của căn nhà mở ra. Một bà cụ mặc bộ đồ bà ba, dáng cao cao, khuôn mặt phúc hậu hiện ra: "Con vào trong nhà nấp mưa đi". Tôi dạ một tiếng và bước qua ngạch cửa. "Mầy đi đâu mà mưa vầy còn đi" - Bà bác hỏi. "Thưa bác, con kiếm chỗ trọ để ngày mai vào trường nhận nhiệm sở". "Trường nào đó con?". "Thưa bác, trường Trung học công lập Bạc Liêu". "Chèng ơi, tội nghiệp dữ hông? Mầy mới bây lớn đây mà đã được đưa về trường đó. Quê mầy ở đâu?". "Thưa bác, quê con ở Quảng Nam". "Vậy nữa. Thôi con vào trong này, coi nhà bác ở được không thì bác cho mầy một phòng, hổng tiền bạc gì hết".
Tôi đi xa mẹ bốn năm, nghe tiếng nói dịu dàng từ một bà mẹ phương Nam đôn hậu, rộng lòng, mới hỏi mấy câu đã xem tôi là con, lòng cảm động muốn ứa nước mắt. Tên của bác là bác Châu Hà, một trong những điền chủ nổi tiếng của đất Bạc Liêu. Chính tấm lòng của bác đã tạo cho tôi nguồn cảm hứng khi xây dựng hình tượng trong ca khúc "Mẹ Cửu Long": "Mẹ là mẹ Cửu Long/ Tấm lòng ngọt ngào bao dung/ Nhận nuôi đứa con xa nhà/ Vỗ về với cả tình người…".
Dạt dào tình cảm là vậy, nhưng đối với học trò, thầy là một "anh thầy Triết" nghiêm khắc. Có cô bé lớp Đệ Nhất (lớp 12) hay ngủ gật trong lớp, thầy cô của các tiết học khác đều cho qua, nhưng thầy thì không. Đến tiết của mình, thầy nói thẳng với cô học trò: "Em muốn ngủ thì ra ngoài. Ở đây không phải là chỗ cho em ngủ". Cô bé sợ, không dám cãi thầy nửa lời, chỉ lẳng lặng ôm cặp ra về. Mấy hôm sau không thấy bạn mình đi học, các em khác mới rụt rè thưa với thầy cha bạn bị ốm nặng, đêm nào cũng thức trắng chăm sóc cha nên bạn mới ngủ gật trong lớp. Biết chuyện, thầy giận mình không tìm hiểu kỹ để rồi vội vã ứng xử không đúng mực. Nhìn cô học trò xanh xao, tất bật lo cho người cha đau ốm khi cả lớp đến thăm, thầy cầm lòng không đặng.
"Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Thầy nghiêm vậy, nhưng không thoát khỏi trò nghịch của học trò. Biết thầy thích nước thốt nốt, ngày nào cũng ghé ông già người Khmer mua đầy mấy ca, cô bé lớp trưởng lớp 12A2 bỏ nhỏ với thầy: "Thầy ơi, thầy đừng uống nước thốt nốt nữa". "Sao vậy em?". Nghe cô bé "méc" cách lọc thốt nốt của ông bán nước đến đâu, mặt mày thầy xanh lét đến đó. Dò hỏi thêm người lớn thì người cười ậm ừ, người bảo phải, kẻ nói không. Sau này, biết không có chuyện đó nhưng hình ảnh ông bán nước ngồi dạng chân, dùng xà rông đang mặc lọc thốt nốt do cô học trò "vẽ" ra khiến thầy không bao giờ dám đụng đến một giọt thốt nốt nữa. Nhưng cũng chính từ những chuyện tếu đời thường ấy đã làm nên một cây bút tiểu phẩm tiếng tăm sau này. Tiểu phẩm "Vĩnh biệt thốt nốt", một trong những tiểu phẩm được yêu thích của Vũ Đức Sao Biển ra đời chính từ chuyện có thật ấy.
Tối thứ sáu và tối chủ nhật hằng tuần, học trò, đồng nghiệp lại được nghe những ca khúc quen thuộc trên Đài phát thanh Sài Gòn. Bản "Thu, hát cho người" và "Chiều mơ" thời đó đã nổi tiếng qua sự thể hiện của các ca sĩ: Anh Ngọc, Hà Thanh, Ngọc Long, Mai Hương, Quỳnh Dao, Vân Quỳnh… Thế nhưng, ít ai biết "anh thầy Triết nghiêm khắc" lại chính là tác giả tình khúc tuyệt đẹp đó. Đơn giản vì người sáng tác là nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, còn dạy Triết lại là… thầy Vũ Hợi!
Học trò quý mến "anh thầy" mê nhạc, hay đàn hát nên ngày chủ nhật các em hay tới chơi. Các em gái phụ thầy giặt, ủi quần áo rồi quây quần bên thầy, giục thầy hát cho các em và bác Châu Hà nghe. Mỗi lần ở đâu có múa Khmer, Hoa, đờn ca tài tử… các em lại rủ thầy đi xem. Thầy trẻ, vốn tính nghệ sĩ, nên ham vui. Trò rủ đi đâu cũng háo hức đi. Ấn tượng sâu đậm về Bạc Liêu có lẽ là lần học trò dẫn thầy đến nhà nhạc sĩ Cao Văn Lầu vào một đêm trăng tháng 12/1970, ngồi nghe ông ca bản cổ nhạc "Dạ cổ hoài lang" bên cây đàn kìm sờn cũ. Bản nhạc đã đi vào tâm thức người thầy giáo, để rồi 29 năm sau đó làm nên nhạc phẩm để đời "Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang". Sau này, nhiều lần về lại Bạc Liêu, thầy không nhịn được cười khi các cán bộ văn hóa và học trò cũ cứ cầm chén rượu là xin lỗi nói gở miệng, rồi nằng nặc đưa ra "thỉnh cầu" rằng: Khi nào nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển chết, sẽ lấy tên thầy đặt tên cho một con đường ở Gành Hào. Thầy nói vui: "Thôi, cứ đặt tên tôi ở con hẻm nào đó nhỏ nhỏ hôi hôi cũng được". Bởi Gành Hào là một… cảng cá lớn nhất của miền Tây mà cái tên thầy thì "sặc" mùi biển!
Với thầy, Bạc Liêu là vùng ký ức ngọt ngào, là quê hương thứ hai. Bác Châu Hà qua đời, căn nhà đổi chủ. Mỗi lần trở lại Bạc Liêu, đi qua ngõ xưa, đứng trước mái ngói rêu phong, hình ảnh của bà mẹ phương Nam với nụ cười nhân hậu lại hiện về khiến lòng thầy day dứt: Mộ bác giờ nơi đâu?
Sau giải phóng, thầy về dạy học ở huyện Nhà Bè, Tp HCM. Lúc này, thầy tham gia viết cho báo Tuổi Trẻ Cười với bút danh Đồ Bì, nghĩa là một thầy giáo gầy ốm chỉ có da bọc xương - hình ảnh thực của thầy khi đó. Sau mỗi buổi dạy với đám trò, thầy lại lặn lội ra kênh rạch bắt cá đắp đổi qua những ngày khốn khó. Rồi thầy đi làm báo, viết sách từ năm 1988. Cái nghề dạy học tưởng chừng chỉ còn là dĩ vãng. Đến mãi năm 2009, khoa Báo chí - Truyền thông mở môn "Tạp văn và tiểu phẩm", cần một giảng viên. Tìm mãi, khoa mới nhớ đến ông Đồ Bì tưng tửng với "Cười cái sự đời", "Thỏ thẻ cùng hoa hậu", "Vạn tuế đàn ông"… trước đây từng đi dạy. Vậy là khoa mời thầy về.
Sinh viên hết được thầy cho cười lăn lóc với các tiểu phẩm trào phúng lại đến sầu tư với thơ ca, âm nhạc; nghiền ngẫm các chi tiết, nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung. Ai bảo thầy là nhà "Kim Dung học", thầy cười, làm gì to tát dữ, thú vui thôi mà. Tính thầy vốn cà rỡn, đang học căng thẳng thầy đổi tông ca hát (dù trước khi cất giọng đều "cảnh báo" bọn tôi về giọng hát đã "già nua"). Nhưng khi vào bài học, thầy nghiêm hẳn. Giáo án soạn kỹ càng, và đến lớp lúc nào cũng trước 15 phút. Chính vì kỷ luật này mà sinh viên hay bị thầy "quạt" vì tội đi muộn. Ai đi học đều, bữa học bữa nghỉ thầy đều nhớ rõ mặt. Học hành không đoàng hoàng rớt như chơi…
Một nhạc sĩ với những ca khúc man mác buồn; một nhà giáo nghiêm khắc, thương yêu học trò; một nhà báo hóm hỉnh, tếu táo; một nhà "Kim Dung học" uyên bác… Tất cả dồn trong một người. Thầy cười: "Đâu tham lam gì, đơn giản chỉ cố làm hết sức mọi việc. Ngày làm báo, dạy học; đêm viết nhạc, nghiên cứu tiểu thuyết... Tóc đã bạc rồi, chần chừ gì nữa…".
Nhưng có lần thầy thổ lộ với tôi rằng, có hạnh phúc nào bằng những năm tháng cuối đời trên mảnh đất phương Nam này. Trở lại bục giảng, cầm lại viên phấn, thầy sung sướng đến trào nước mắt. Lại lẩm bẩm một mình: À, thì ra mình vẫn là thầy giáo…

 
Quỳnh Nga

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Những đồi sim và một mối tình

Cập nhật lúc 21:46, Thứ Sáu, 02/03/2012 (GMT+7)
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sinh ra và lớn lên ở Tam Kỳ, một làng quê ven biển tỉnh Quảng Nam. Nơi ấy gió biển đã đưa cát vào sâu trong đất liền tạo thành những nổng cát dài,  không biết tự bao giờ trên những nổng cát ấy mọc lên những cây sim. Không phô sắc màu rực rỡ, không nở hoa trong vườn nhà, màu hoa sim tím mang dáng vẻ bình dị, thủy chung và gan góc vươn lên trên đồi cát hay núi cao. Tâm hồn của nhạc sĩ đã được nhuộm tím bởi màu hoa sim, trái sim mang vị ngọt ngào pha chút chan chát đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của người nhạc sĩ tài hoa ấy.
Những năm tuổi trẻ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thường mang theo cây đàn ghi ta đi lên những đồi sim. Mùa thu đến, dịu dàng và trong trẻo, những bông hoa sim tím trải dài từ trên đồi cao xuống thung lũng reo vui trong gió thu. Cảm xúc về màu hoa sim, về mùa thu càng dâng trào khi người nhạc sĩ đang thầm thương trộm nhớ một người bạn gái. Người bạn gái xinh đẹp có đôi mắt thơ ngây, lãng mạn đã bước vào tâm hồn nhạc sĩ tạo nên những rung cảm sâu lắng, thiết tha có tên là Hồ Lệ Thu.
Vũ Đức Sao Biển rời quê hương đi về phương Nam. Ra đi, không phải để tìm công danh mà để tìm kiếm cái hồn phương Nam. Ra đi mang theo hình ảnh của đồi sim tím, của mùa thu đầy gió và nhất là mang theo một mối tình đơn phương, câm lặng, nồng nàn, da diết. Hai mươi tuổi nhạc sĩ trở về quê hương, lên đồi sim xưa, bên những cánh hoa tím thủy chung, gảy cây đàn ghi ta trong trạng thái thăng hoa tuyệt vời. Bài hát “Thu hát cho người” ra đời. Bài hát viết về người con gái tên Thu nên mới có tựa đề như trên. Cả bài hát là nỗi niềm tiếc nuối xót xa khi phải xa cách người yêu: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt… Biệt ly nào không muộn phiền  trên dấu môi”. Không chỉ có vậy, khi trở về đồi sim xưa thì bao nhiêu mong nhớ, thương yêu lâu nay đã kết tinh thành “một đóa đẫm tương tư” để dâng tặng người yêu. Và tiếp theo là niềm khao khát mãnh liệt, nỗi mong chờ khắc khoải được gặp lại người yêu “Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương trong mênh mông chiều sương”. Sự mong chờ có khi biến thành nỗi cô đơn tuyệt vọng “Giữa thu vàng trên đồi sim trái chín. Một mình ta ngồi hát tuổi thơ bay”. Nhưng cuối cùng, càng xa cách càng nhớ thương, người nhạc sĩ với tình yêu dâng trào như những đợt sóng biển, thủy chung son sắt như màu tím hoa sim đã cất tiếng gọi tên người yêu và nhắn nhủ người yêu một cách nồng nàn thiết tha. Tiếng gọi, lời nhắn nhủ là để khẳng định một tình yêu đơn phương, thủy chung mà say đắm của tuổi trẻ, và mong muốn người yêu phương xa hãy khắc ghi tình yêu nồng nàn của mình.
Bài hát “Thu hát cho người” đã trở thành bài hát để đời và đóng dấu tên tuổi của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Bài hát được ghi nhận là một trong những tình khúc hay nhất của Việt Nam.
Không chỉ là nhạc sĩ với những bài hát về quê hương đất nước mang âm hưởng dân ca đậm chất buồn và lãng mạn, Vũ Đức Sao Biển còn là nhà báo sắc sảo và dí dỏm. Ông thường viết cho báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. Ông cũng say mê và chuyên nghiên cứu truyện kiếm hiệp Kim Dung, nên thường được mệnh danh là nhà “Kim Dung học” của Việt Nam.
   Bùi Quang Tú

No comments:

Post a Comment