Trong trại tù Tiên Lãnh, khu nhà Ri thật đặc biệt. Tường là những tấm vĩ sắt (grille) xưa kia dùng lót phi đạo cho những phi trường dã chiến. Mái lợp tôn. Bởi thế, mặc dù tường có nhiều lỗ thông hơi tròn nhỏ, không khí trong phòng lúc nào cũng hâm hấp nóng về mùa hè. Mùa đông thì gió bấc luồn vào lạnh thấu xương. Giường ngủ hai tầng là những sạp gỗ. Trên sạp tù nhân nằm sát nhau. Căn phòng 4mX12m chứa trên 70 người. Tù nhân phần lớn là thanh niên và trung niên, phạm tội vượt biên.
Một đêm hè oi bức. 6 giờ chiều thì cửa phòng đã khóa lại. Đèn điện vẫn sáng cho đến 10 giờ. Đứng ngoài đêm tối nhìn vào, nhà Ri giống như một lồng sắt to lớn nhốt thú vật.
Anh em tù đều ở trần, tay phe phẩy quạt, ngồi tụm nhau để nói chuyện. Nhưng hoạt náo nhất là nhóm những người nghe chuyện kiếm hiệp Kim Dung do giáo sư Lộc kể. Anh ta nhớ từng chi tiết gay cấn, từng cá tính hài hước nhân vật, và gây cho người nghe sự háo hức say mê, và thỉnh thoảng một trận cười khoái trá. Tiểu thuyết Kim dung hàng chục quyển, mà truyện nào cũng tràng giang đại hải, bởi thế tháng nầy qua tháng nọ, Lộc có thể mang lại niềm vui cho anh em trại viên, nhất là làm cho họ quên đi phần nào nỗi đau buồn xa gia đình và thời gian dài dặc “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Ngoài chuyện kiếm hiêp dài hàng tháng, Lộc còn kể cho anh em nghe nhiều giai thoại hài hước Trạng Quỳnh, chuyện cổ tích Anderson, truyện Tàu từ Phong Thần, Đông Chu liệt quốc đến Thanh triều cận đại. Trí nhớ của anh thật phi thường, nhất là những nhận xét tinh tế của anh về nhân vật. Anh đọc được cả chữ Hán. Một hôm có trại viên gốc Tàu, tội vượt biên được thăm nuôi, mang vào nhiều gói quà bọc trong giấy báo cũ in toàn chữ Tàu. Lộc chú ý đọc và nhận ra đó là tờ Hồng Kông báo. Tối ấy anh kể cho anh em một giai thoại văn học lý thú mà anh đã đọc trong tờ báo ấy:
“Một học trò nghèo tên Trúc nguyệt Ba lên Bắc kinh dự thi. Song đến thủ phủ Giang Nam thì hết tiền độ nhật. Anh phải vào chùa thí phát để ăn nhờ cửa Phật. Một hôm ngồi tụng kinh ở chính điện, anh thấy một thiếu nữ đẹp tuyệt trần độ 16 tuổi vào lễ Phật có người hầu hạ đi theo. Anh muốn ghẹo cô.
Thấy cô thanh tân, yểu điệu như cành liễu trước sân chùa, bèn vừa gõ mõ, vừa tụng bài thơ sau đây:
“Giang nam liễu, nộn lục bất thành âm.
Chi nhuyễn bất kham khinh chiết thủ
Huỳnh ly phi thượng lực năng cam.
Lưu thủ đãi xuân thâm.”
(tạm dịch: liễu Giang nam, xanh non như thể không có bóng.
Cành mong manh không chịu nổi tay người bẽ phủ phàng, cũng như không chịu nổi sức nặng chim huỳnh ly bé bỏng. Thôi thì rụt tay lại đợi vài xuân nữa).
Rủi cho chú tiểu, cô tiểu thư tên là Liễu Nộn Nộn, con quan tổng đốc Giang nam.
Nghe bài thơ cô hiểu ý, khóc lóc ra về kể cho cha nghe sự vô lễ của chú tiểu. Tổng đốc cho lính bắt ngay chàng thanh niên xúc phạm đến tôn quý, nhất là tội thầy chùa phạm sắc giới, xử phải chết trầm mình dưới sông. Ông họa lại bài thơ ghẹo gái để minh chứng ông không xử oan. Biết anh họ Trúc, ông đọc bài họa như sau:
“Giang Nam trúc, xảo tượng tác vi đồng.
Phó giữ pháp sư tàng pháp thể.
Giang ba thâm xứ, bạn ngư long.
Tất tri sắc sắc không không.”
(tạm dịch:với trúc Giang nam, tay khéo đan một chiếc lồng, để cho pháp sư ẩn tàng thân thể, dưới thâm sâu sóng gió dòng sông làm bạn với cá rồng. Tất cảm nhận sắc đó rồi không đó). Trúc nguyêt Ba trước khi chết xin quan cho họa thơ lần chót. Vì tên lót là Nguyệt anh ta đọc:
“Giang nam nguyệt. Như cảnh diệc như câu.
Như cảnh bất lâm hồng phấn diện
Như câu bất thượng thuỷ liêm đồng.
Không tự chiếu đông lưu.”
Tạm dịch: Trăng Giang Nam. Khi như gương tròn, khi như móc câu. Như gương tròn cũng không soi được mặt người đẹp hồng phấn. Như móc câu cũng không treo được bức tranh thủy liêm nơi phòng khách sang trọng. Chỉ chiếu suông dòng nước chảy về đông.) Ý anh ta nói anh chẳng bao giờ có ý trèo cao, mà chỉ là trăng suông lạnh lẽo.
Quan tổng đốc thấy anh là ngưới có tài bèn bỏ tiền cho anh làm lộ phí vào Kinh thi. Quả nhiên Trúc nguyệt Ba đậu trạng nguyên và trở về cưới Liễu Nộn Nộn làm vợ.”
Đời sống hàng ngày trong tù cũng là đầu đề cho Lộc kể những chuyện hóm hỉnh. Anh kể là khi xưa đồng quê Việt nam hưởng thanh bình thực sự. Chứng cớ là chuyện bài thơ Con cóc. Một buổi chiều thơ mộng có nắng vàng, có đàn chim sẻ ríu rít trên mái nhà, ba chàng thư sinh đang nấu sử, xôi kinh chờ ngày ra kinh ứng thí, họp nhau trong sân nhà. Họ đang tìm đề tài để nhã ngọc, phun châu. Họ tư lự nhìn cảnh vật chung quanh. May thay có chú cóc, nghe gió chiều mát rợi thổi vào hang nằm dưới bậc cấp hàng hiên, liền nhảy ra. Thư sinh thứ nhất ứng khẩu đọc ngay:
Con cóc trong hang./ Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi ở miệng hang một lát để ngắm trời xanh biếc, phong cảnh quen thuộc chung quanh. Thư sinh thứ hai xuất tứ, nối tiếp:
Con cóc nhảy ra./Con cóc ngồi đó.
Ngắm cảnh chán, cóc phải nhảy đi dể tìm mồi. Thư sinh thứ ba tức cảnh sinh tình, đọc hai câu thơ chót:
Con cóc ngồi đó./ Con cóc nhảy đi.
Ba chàng vổ tay khi hoàn thành bài thơ tuyệt hảo, và bài thơ đã đi vào lịch sử! Dĩ nhiên trong cảnh thanh bình đó, bài thơ Con cóc có thể kéo dài vô tận, như là: Con cóc nhảy đi, nhảy vào bụi cỏ v.v.. Nhưng trong trại tù của chúng ta bài thơ ấy chấm dứt rất nhanh:
Con cóc trong hang./Con cóc nhảy ra Con cóc nhảy ra./ Con cóc chết!
Tại sao con cóc chết tức tưởi như vậy? Vì nó sẽ bị trại viên tóm ngay, chặt đầu, lột da, bỏ vào gô cải thiện. (gô là lon nhôm guigoz trong trại tù Cộng sản dùng để nấu nướng. Cải thiện tức là kiếm thêm chất thịt để bồi dưỡng, vì trong tù chỉ ăn cơm độn sắn với nước muối. Ăn uống trong trại tù Cộng sản kém cả chất lẫn lượng.) Đây cũng là cách Lộc mỉa mai chế độ một cách sâu sắc Lộc nguyên là giáo sư Anh văn trường Trung học Phan chu Trinh, Đà-nẵng. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Saì-gòn môn Anh ngữ. Vì cận thị nặng anh được miễn quân dịch.
Anh dạy học được 5 năm thì ngày 29-03-75, Cộng quân chiếm Đà-nẵng. Anh được lưu dụng, dạy Anh Ngữ. Song bấy giờ Nga ngữ thịnh hành hơn. Sự phân biệt đối xử với người chế độ cũ, chế độ đàn áp, độc tôn tư tưởng cùng sự dốt nát của cán bộ giáo dục và nhân viên chính quyền các cấp, làm anh thối chí, và nảy ý định vượt biên. Lộc cùng một số bạn bè vất vả kiếm tiền mua hải bàn, xăng nhớt, thuyền máy v.v. trong 5 tháng trời mới xong. Riêng Lộc đã phải vay mượn một số tiền lớn. Chuyến đi tuy tổ chức chu đáo, xuất phát từ trại cùi Hải Vân, song định mệnh vẫn mạnh hơn tính toán của con người. Sau khi mọi người đã xuống tàu, một tàu đánh cá nhỏ, vào lúc nửa khuya, thuyền trực chỉ ra khơi. Nhưng mới rời bờ đá độ 100m thì thuyền máy Công an phục kích từ lâu đón bắt. Trọn 40 thanh niên,thiếu nữ bị áp tải về trại giam Chợ Cồn để thẫm vấn rồi sau một tháng tất cả đi cải tạo lao động tại Tiên lãnh. Lộc và các bạn nhập vào nhà Ri. Thấm thóat mà đã 5 năm tù tội. Gia đình sa sút từ ngày mất miền Nam, Lộc ít được thăm nuôi, mỗi năm nhiều lắm hai lần. Đồ thăm nuôi nghèo nàn, lèo tèo một thẫu thịt heo kho mặn, vài kí- lô đường đen và ít đồ lặt vặt. Phần ăn trại cấp thì sắn là chính, gạo chỉ độ 100gr mỗi bửa. Thức ăn thì độc một món, nước muối hoặc nước mắm cái nấu loãng. Ăn không no và không đủ chất lượng nên tù nhân chết vì suy dinh dưỡng rất nhiều. Muốn sinh tồn, phải cải thiện, nghĩa là mọi sinh vật dù nhỏ bé và gớm ghiếc đến đâu cũng bị trại viên chộp lấy nấu ăn. Bởi thế bài thơ con cóc kết thúc rất nhanh. Lộc cũng là một tay lão luyện trong nghề cải thiện. Nhưng như anh đã từng than phiền:”caution is not stronger than fate”(định mệnh mạnh hơn phòng bị), anh là nạn nhân mà định mệnh đã chọn trong cuộc sinh tồn. Câu chuyện thương tâm sau đây đã hằn lên đời anh một vết thương chí mạng. Số là về mùa trồng đậu phụng, mỗi tối, trại viên phải làm thêm giờ gọi là tranh thủ. Ăn cơm tối xong, trại viên được nhà trưởng tập họp dẫn lên sân rộng trước nhà kho của trại để lột đậu. Cứ mỗi tốp năm người ngồi vòng tròn dưới một gốc cây tàng lá sum sê, dưới ánh sáng một ngọn đèn điện 40W mắc trên cành cây. Giống như một tiệm cà-phê ngoài trời ở Sài-gòn, song ở đây ngồi bệt dưới đất. Với mùa lột đậu, phải chuẩn bị một cái ghế nhỏ cầm tay hoặc một miếng gỗ dày để lót mông ngồi trong suốt 3 gìờ. Giữa vòng tròn 5 người là hai thúng đầy đậu vỏ, và một thúng trống để đựng đậu hột. Mỗi trại viên được phát một rổ nhỏ. Lấy đậu vỏ vào rổ, rồi trở về chỗ ngồi, bóp từng trái đậu vỏ vỡ ra, mà không làm nát hạt đậu ở trong. Vỏ đậu quăng ra dưới đất, còn hột đậu thì bỏ vào rổ. Khi lột hết rổ đậu thì mang đậu hột đổ vào thúng trống, rồi xúc đậu hột về chỗ, làm tiếp. Vừa lột đậu vừa chuyện vãn với nhau, hoặc nghe Lộc kể tiếp kiếm hiệp Kim Dung cũng là những phút thư giản trong cuộc sống ở trại, nhất là được hưởng gió mát và nhiều khi trăng thanh, giữa vùng rừng núi. Một cái thú nữa là thỉnh thoảng nhót một hạt đậu vừa béo vừa ngọt, mà cơ thể đang cần. Ai cũng ăn lén song rất thận trọng kẻo bọn cán bộ canh chừng, đi lãng vãng trong sân kho bắt gặp. Nhưng rủi cho Lộc. một sự rủi ro hi hữu, vì chỉ có mình anh bị bắt trong suốt mùa lột đậu năm ấy. Vừa lột đậu anh thong thả kể chuyện vui cười để che lấp mình đang nhai đậu sống. Bỗng từ bóng tối góc sân, tên cán bộ bước ra, đi thẳng đến chỗ Lộc ngồi và ra lệnh:
- “Anh hãy mở miệng cho tôi xem”. Tái mặt, anh chưa biết phản ứng ra sao, thì tên cán bộ đã quát lớn:
“Anh nghe rõ chưa, tôi bảo anh mở miệng ra xem”. Lộc mở miệng song không thấy hạt đậu nào. Tên cán bộ lại bảo:
- “Anh lè lưỡi ra xem”.
Lộc lè lưỡi ra, Lưỡi anh trắng nhờ nhờ, tố cáo rằng anh đã ăn đậu phụng. Tên cán bộ kéo anh ra giữa sân. Bốn tên cán bộ khác đã đến vây quanh anh. Năm tên đều mang bốt mà quân đội miền Nam trước kia dùng đi hành quân, loại bốt da cứng (chúng tịch thu khi lục soát tù sĩ quan quân đội miền Nam trại Kỳ sơn lên Tiên lãnh). Lúc đầu thì chúng đấm vào mặt, bụng, ngực anh. Anh ngã xuống vài lần. Song chúng kéo anh đứng dậy. Một tên tuyên bố lớn tội trạng anh;
- “Lâu nay chúng tôi biết đậu phụng lột thất thoát nhiều. Chúng tôi nghi các anh ăn lén. Nay bắt được, chúng tôi trừng trị nặng để các anh chừa thói ăn cắp tài sản Xã hội Chủ nghĩa”.
Tên cán bộ quản giáo nhà Ri biết lý lịch của Lộc, sẵn dịp lại phun ra những lời phỉ báng theo lối giáo dục Cộng sản:
- “Anh Lộc là một giáo sư ở chế độ thối nát miền Nam. Bởi thế mang danh là nhà mô phạm dạy con em Cần, kiệm, liêm chính theo gương bác Hồ, anh là người ăn cắp, nêu gương xấu. Đã biết các anh xấu xa từ bản chất, nên chúng tôi tập trung các anh lại để cải tạo. Song các anh vẫn thói nào tật nấy, không chịu sửa đổi, Nếu chúng tôi có tàn ác cũng chỉ để giáo dục các anh.”
Lâu nay cán bộ trẻ trong trại có phong trào học võ. Họ bắt các trại viên giỏi võ, dạy họ học nào công phu, karaté v.v. Họ thường đem ứng dụng các thế võ học được trên thân thể trại viên phạm lỗi. Những trận đánh bề hội đồng thường xảy ra trên hiện trường lao động. Lộc bị rơi vào truờng hợp nầy. Năm tên cán bộ thay phiên nhau nhảy lên đá song phi vào người anh. Anh ngã xuống, chúng lại nâng anh đứng dậy. Mặt anh đã sưng phù, máu đã ứa ra khoé miệng. Cuối cùng, Lộc nằm bất động trên nền đất, thở thoi thóp. Thế mà bọn cán bộ vẫn chưa tha. Chúng còn đá thêm vào người anh.
Tên giám thị trại sợ anh chết nên ra lịnh ngưng đánh và bắt hai trại viên nhà Ri khiêng anh không phải về bệnh xá, mà về nhà Ri. Anh em xúm xít lại quanh anh, trong ấy có cả một Bác sĩ tội vượt biên, săn sóc cho anh hồi tỉnh. May mà không có xương nào gảy, chỉ rách môi và vài răng lung lay. Vết bầm thì khắp người. Anh phải nằm tịnh dưỡng suốt 15 ngày mới đi lại được. Nhân câu chuyện thương tâm trên kia, mới có truyền miệng giai thoại: “một hạt đậu, hai người khiêng”. Không phải là hạt đậu to nặng đến hai người khiêng, mà phải khiêng người ăn hạt đậu. Một câu chuyện cười ra nước mắt, mà chỉ chế độ vô nhân Xã hội chủ nghĩa mới có. Riêng với Lộc, đó là một biến cố ảnh hưởng sâu xa đến nội tâm anh. Mặc cảm một nhà sư phạm ăn lén vẫn là hình ảnh không đẹp, mặc dù những bức bách của tình thế. Bài thơ sau đây anh làm lúc nằm dưỡng bệnh ở nhà Ri:
“Ông Trời sao quá bất công
Riêng tôi gánh chịu đau thương quá nhiều
Quyết tâm phấn đấu bao nhiêu
Bấy nhiêu tù tội, đói nghèo, đau thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chắt chiu dành dụm trăm đường lo toan
Nào là món nợ của con
Vựơt biên vay mượn lãi dồn càng cao
Thăm nuôi mẹ phải lao đao
Thân già nuôi trẻ biết bao đoạn trường
Sao con không nghĩ mẹ thương.
Thèm chi hạt đậu, mà vương trận đòn.
Yếu đau, thân thể hao mòn
Để mẹ lo lắng, để con hận đời.”
Từ ngày bị trận đòn, Lộc trở nên lầm lì, ít nói. Bạn bè không còn được anh kể chuyện kiếm hiệp Kim Dung. Anh gầy đi, thỉnh thoảng lên cơn đau bụng. Nước da tái dần. Anh phải đi nằm bệnh xá và ít lâu sau được phóng thích vì lý do sức khoẻ. Nỗi mừng được sum họp với mẹ làm anh phấn khởi và tiếp tục phấn đãu để kiến tạo tương lai. Nhưng một tháng sau, mẹ anh đã vĩnh viễn ra đi sau hai ngày nằm cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa Đà-nẵng vì nhồi máu cơ tim. Nỗi buồn mất mẹ làm anh nằm rũ liệt trên giường mất cả tuần Song anh chổi dậy, mặc dù sức khỏe kém, mở các lớp Anh văn dạy, để lấy tiền. Trong một năm, công việc làm ăn của anh rất hanh thông. Lớp học anh đông vì thiên hạ đang chuẩn bị vốn Anh ngữ để đựơc nhận đi Mỹ theo chương trình ODP. Chính anh cũng ráo riết nộp đơn để chớp lấy cơ hội ngàn năm một thuở.. Với khả năng Anh văn lưu loát, anh thuyết phục phái đoàn phỏng vấn Hoa-kỳ dễ dàng để được nhận đi qua Mỹ đợt đầu. Cùng đi với anh có người vợ mới cưới, chị Hoa. Chị là học trò cũ của anh, đã mến phục anh từ lâu. Chính chị đã bỏ tiền ra săn sóc cho anh. Sức khỏe anh có khôi phục đôi phần, Nước da bớt tái. Song anh biết bệnh anh trầm trọng mà chỉ ở Mỹ mới đủ phương tiện cứu anh thoát tay tử thần. Chính vì lý do đó mà anh phấn đấu hết mình để được ra đi sớm, Nhưng số mệnh khắc nghiệt vẫn không tha cho anh. Anh được phái đoàn Mỹ cấp vé máy bay từ Đà-nẵng vào Saigòn ngày Chúa nhật tháng 9-89. Sáng thứ hai anh đến cơ quan Mỹ nhận giấy tờ để lên máy bay đi Mỹ ngày thứ ba.
Song tối thứ hai ấy anh lên cơn đau bụng cấp. Được chở vào Bệnh viện Chợ Rẩy, anh chết vào lúc nửa khuya, chỉ một mình chị Hoa đứng ở đầu giường. Sau nầy Bệnh viện cho hay là anh chết vì xuất huyết nội trầm trọng. Có một Bác sĩ, bạn Lộc ở Đà nẵng quả quyết có nghe tiếng xì (souffle) vùng gan, mà anh nghi là có anévrysme trong gan của Lộc, hậu qủa của cuộc bề hội đồng trong trại tù. Xuất huyết nội của Lộc chắc là do vở Anévrysme trong gan.
Chị Hoa sau tang lễ chồng, ngậm ngùi lên máy bay định cư ở tiểu bang Chicago. Chị vẫn ở vậy thờ chồng và thường năm về viếng mộ anh ở nghĩa địa gia đình họ Võ, làng Xuyên Trà, Duy Xuyên. Cách đây ít năm chị có khoe tôi là đã xây cất cho Lộc một nhà mồ khang trang. Trên mộ chí có ghi bài thơ Đường anh làm:
“Tôi cố sống sao đúng kiếp người
Kiếp người bi thảm lắm ai ơi
Hỏi tra triết học thêm nghi hoặc
Tìm kiếm văn chương lại rối bời
Vật chất văn minh nhiều kẻ chuộng
Tinh thần tôn giáo ít người noi
Đâu là chân lý đi tìm mãi
Bí mật huyền cơ tận cuối đời.”
Nếu Lộc được cái may đến bến bờ tự do, chắc anh sẽ có nhiều đóng góp với văn học hải ngoại. Cũng có thể anh sẽ sống yên lành, chỉ chia xẻ tâm tình với vài bạn hữu. Anh là người ham học hỏi, tìm ý nghĩa cuộc sống. Đau khổ cho anh cảm nhận sâu sắc cuộc sống phù du và anh trân quý những biểu tượng đẹp. Hành động đẹp, tư tưởng đẹp mà không cần một hệ qui chiếu nào. Nói như Lâm ngữ Đuờng, sau một thời theo những qui tắc luân lý Thiên chúa giáo, đã trở về với cội nguồn triết lý Khổng Mạnh: Tại sao chúng ta không làm một cử chỉ đẹp chỉ vì nó đẹp?. Anh sống hòa hợp với mọi người và thấy khía cạnh tốt đẹp của họ hơn là chê bai, đả kích Anh thấy chung quanh mình bao nhiêu người, tài hoa đa dạng, đang cố làm đẹp cuộc đời, chứ không phải đi tìm bất tử. Biết bao nhiêu tài hoa trong quá khứ, chết đi mà không để lại cho loài người dấu vết gì, mặc dù họ sống rất đẹp. Anh cũng có cái nhìn bao dung cho những bài thơ con cóc, và chỉ thấy ở đó sự chơn chất của những người bình dị. Tuy cuộc đời anh xui tận mạng, song anh vẫn phấn đãu làm đẹp cuộc đời. Anh chống đối đến cùng những thế lực làm xấu cuộc đòi, như chế độ Cộng sản, bằng những vũ khí mình có được, là những hiểu biết uyên bác và đôi khi với mỉa mai, chế riễu.
Bác sĩ Phùng Văn Hạnh